Posted 21 Tháng 5, 2010 Thư viết cho tuổi trẻ tộc Việt Để giải những nghi vấn lịch sử : Đi thăm chiến trường thời Tống Lý. (Tựa bộ Nam Quốc Sơn Hà) Những giòng dưới đây tôi viết dành cho tuổi trẻ Việt, chưa có chút vốn về thư tịch của chiến thắng Bắc phạt thời Lý, đánh chiếm các châu Ung, Liêm, Dung, Nghi, Bạch. Mong những bậc cao minh bỏ qua. Chẳng nên bận tâm. Trân trọng. Hồi còn để chỏm, tiền nhân giảng dạy sử Hoa-Việt cho tôi, mỗi khi đề cập đến những chiến công oanh liệt của năm lần phạt Tống, một lần kháng Tống thời Lý, các người thường giảng rất kỹ, rất chi tiết, cùng bình luận. Nhưng chỉ giảng kỹ bốn lần đầu thôi. Còn lần cuối, với lần kháng Tống, vĩ đại nhất, oanh liệt nhất thì lại lướt qua. Trong khi lướt qua, các người ít chịu nhắc đến huân nghiệp của ngài Thái-úy Lý Thường-Kiệt; thảng hoặc bất đắc dĩ phải đề cập đến, thì nói bằng giọng lạnh nhạt : « Người cầm quân đánh sang Khâm, Ung, Liêm là ngài Tôn Đản, công-chúa Ngô Cẩm-Thi với viên hoạn quan Lý Thường-Kiệt» Rồi khi khuyên tôi Viết lịch-sử tiểu-thuyết, chỉ khuyên viết các bộ Anh-hùng Lĩnh-Nam, thuật cuộc khởi nghĩa của vua Trưng cùng 162 tướng; Anh hùng Đông-a thuật cuộc bình Mông thời Trần; Anh hùng Lam-sơn, thuật cuộc khởi nghĩa của vua Lê; Anh-hùngTây-sơn, thuật chiến công đánh Mãn-thanh của vua Quang-Trung. Còn những chiến công thời Lý thì bỏ qua. Tâm lý chung của tuổi trẻ là tò mò. Vì các người không nhắc đến, thì tôi lại âm thầm tìm hiểu. Mỗi khi tìm thấy những điều mới lạ, mà người trên không biết, không cần biết tới, không muốn biết, tôi lại cảm thấy thú vị. Sau lớn lên, tôi mới biết rằng sở dĩ các người lãnh đạm với huân nghiệp của Lý Thái-úy, vì ngài là một hoạn quan. Mà trong lịch sử Hoa-Việt, các Nho-gia cực kỳ ghét bọn hoạn quan. Vì bọn này thường nhờ vào vị thế hầu hạ, tôi tớ các vị vua, các bà trong hậu cung, rồi lộng quyền, làm hại dân, hại nước. Chính vì thế, mà tiền nhân tôi không khuyến khích tôi viết về thời Lý, chứ không cấm. Những năm sau 1975, tôi làm việc cho Liên-hiệp các viện bào chế châu Âu (Coopérative Européenne Pharmaceutique, viết tắt là CEP) , Viện Pháp-á (Institut Franco- Asiatique, viết tắt là IFA), Ủy-ban y học Pháp-Hoa (Comité Médical Franco-Chinois viết tắt là CMFC), có nhiều phương tiện tìm hiểu lịch sử thời Lý, tôi thấy rằng: Vì thiếu sử liệu, nên các sử gia Việt chỉ biết tên có hai tướng cầm quân Bắc phạt là Lý Thường-Kệt với Tôn Đản; rồi cho rằng huân công Bắc phạt, kháng Tống là của hai vị này. Trên thực tế, hai vị này chỉ là hai trong mấy chục anh hùng thời đó. Vì vậy, không ngần ngại, tôi đã viết năm bộ về thời Tiêu-sơn, dù tiền nhân không khuyến khích (chứ không cấm). - Một là, Anh-hùng Tiêu-sơn, 3 quyển, 907 trang, thuật công nghiệp của các vị tăngni yêu nước đã lập lên triều Lý; cuộc Bắc-phạt lần thứ nhất. - Hai là, Thuận-Thiên di sử, 3 quyển, 909 trang, thuật việc dùng đức từ-bi, bác-ái của nhà Phật; nhân-nghĩa của nhà Nho để trị nước...Khiến sử gia Hoa, Việt không ngớt khen ngợi rằng đây là thời kỳ dân Việt sung sướng như thời Nghiêu, Thuấn bên Trung-hoa. Nhưng sự thực các sử gia Trung-quốc đã lầm. Vua Lý Thái-tổ đã dùng chủ đạo của tộc Việt (Idéology) cai trị dân mà thôi. - Ba là, Anh-hùng Bắc-cương, thuật công cuộc giữ nước của 207 bộ tộc của các sắc dân thiểu số ở biên giới Hoa-Việt; cùng cuộc Bắc phạt lần thứ nhì. Tôi cũng trình bầy rất chi tiết, rất rõ ràng những vùng như núi Ngũ-lĩnh, sông Tương với ba địa danh Tương-trung, Tương-âu, Tương-Nam là nơi phát sinh ra Quốc-mẫu Âu-Cơ. Nhất là trình bầy vùng đất linh của tộc Việt : Núi Thiên-đài, nơi vua Đế Minh lập đàn tế cáo trời đất phân chia lãnh thổ cho Trung-nguyên, Lĩnh-Nam. - Bốn là, Anh-linh thần võ tộc Việt, thuật cuộc Bắc-phạt lần thứ ba. Sang lần thứ tư giúp Nùng Trí Cao chiếm lại lãnh thổ thời vua Hùng, vua An-Dương , vua Trưng, lập nước Đại-Nam. - Năm là, Nam-quốc sơn hà, thuật cuộc Bắc phạt lần thứ năm, và cuộc kháng Tống. Trong năm bộ trên, với những sử liệu tìm được, tôi đã trình bầy không biết bao nhiêu bí ẩn lịch sử tiềm ẩn trong các sách Hoa-Việt, bao gồm: Quốc-sử, địa dư chí (quốc chí, địa phương chí, phủ huyện chí), truyện ký, thần-tích ngọc phả, mộ-chí, bia-đá, gia-phả. Trong ba bộ Anh-hùng Lĩnh-Nam, Động-đình hồ ngoại-sử, Cẩm-khê di-hận, cứ mỗi cuối hồi, cuối một quyển, tôi lại chú giải, ghi chép các sử liệu, để giới trẻ biết nguồn gốc sử liệu, mà tìm hiểu sâu sa hơn. Sang bốn bộ Anh-hùng Tiêu-sơn, Thuận-Thiên di sử, Anhhùng Bắc-cương, với ý nghĩ lẩm cẩm rằng: Chú giải, ghi chép thêm là thừa, nên giới trẻ có nhiều ngộ nhận : Chính những sự kiện lịch-sử, thì bị coi là tiểu thuyết, những yếu tố tiểu thuyết lại được coi là lịch sử. Cho nên sang bộ Nam-quốc sơn-hà, lúc đầu, tôi chú giải sau mỗi hồi. Nhưng tiếp xúc với ông Trương Đình-Nho, giám đốc nhà xuất bản Đại-Nam, tôi mới biết rằng: Khi đọc đến chỗ chú giải, độc giả lại phải mất công lật xuống cuối hồi để tìm tòi; sao bằng chú giải ngay dưới sự kiện. Đây là một kinh nghiệm mà tôi học được. Cho nên sang quyển hai, thì tôi không còn chú giải ở cuối hồi nữa. Bây giờ tái bản ở trong nước, tôi quyết định, tất cả chú giải ngay dưới sự kiện. Trong bộ Nam-quốc sơn hà này, tôi cố gắng trình bầy một số sự kiện lịch-sử. Trước tiên là: 1. Bốn nghi vấn lịch sử Trong năm bộ sách, thì bộ cuối cùng là bộ tôi đắc ý nhất. Nam-quốc sơn-hà là bốn chữ lấy trong bài thơ, tương truyền của ngài Thái-úy Lý Thường-Kiệt, sáng tác trong trận đánh sông Như-nguyệt với quân Tống vào năm 1076: Nam-quốc sơn hà, Nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại Thiên-thư. Như-hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Nghĩa là, Nước Nam là nơi vua nước Nam cai trị, Điều này đã định tại bộ sách trời. Bọn giặc kia, sao dám xâm phạm ? Nhất định bọn bay sẽ phải đại bại. Bài thơ này đến nay (1996) trải 920 năm, mà dường như hầu hết người đọc đều hiểu lầm ý nghĩa chữ Thiên-thư. Các sách đều giải thích rằng Lý Thường Kiệt dùng chữ Thiên-thư như một vật thể trừu tượng là ý trời. Cũng có sách không giải thích. Hồi niên thiếu, khi được tiền nhân giảng Tống-sử, phần Chân-tông bản kỷ, tôi đã được giải thích tỷ mỉ. Thiên-thư là tên một bộ sách, được soạn vào thời vua Tống Chân-tông. Việc chép Thiên-thư này, được ghi rõ trong Tống-sử quyển 7, Chân-tông bản kỷ, trang 135. Sự thực bấy giờ phía Bắc Tống bị Liêu uy hiếp, bắt cắt đất, nộp vàng lụa. Phía Tây bị Tây-hạ tấn công. Phía Nam bị Đại-Việt ép. Bọn 5 gian thần bị Tống-sử gọi là Ngũquỷ gồm Vương Khâm Nhược, Trần Nghiêu Tá (Tẩu) , Đinh Vị, Trần Bành Niên, Lưu Thừa Hoa mới bầy ra trò bịp bợm. Niên hiệu Đại-trung Tường-phù đời vua Chân-Tông (1008) thay vì tổ chức binh bị giữ nước, thì Tể-tướng Vương Khâm Nhược đề nghị nên dùng hình thức Phong-thiện, tức tế cáo trời đất ở núi Thái-sơn để trấn phục bốn phương. Nhưng muốn tỏ ra việc cúng tế đó là linh ứng tự trời, cần phải tạo ra bộ sách, dối là Thiên thư, của Thiên-đình ban xuống. Bộ sách này được chính Tể-tướng Vương Khâm Nhược, điều động một số văn thần soạn, đến tháng ba niên hiệu Thiên-hy thứ ba ( Kỷ Mùi 1019, vẫn thời vua Chân-Tông) thì xong. Vua sai viên Tuần-kiểm Chu Năng cùng viên Thái-giám Chu Hoài Chính đem dấu vào hang núi Càn-hựu, phía Nam Trường-an, rồi sai bọn đồng cốt nói rằng : « Từ nghìn xưa, có sách từ trời rơi xuống hang núi Càn-hựu ». Song sĩ dân không ai tin. Bấy giờ danh sĩ Khấu Chuẩn, trước từng là Tể-tướng, bị biếm vì tội nói thẳng, rất được sĩ dân tin tưởng. Oâng đang trấn nhậm đạo Vĩnh-hưng quân gần núi Càn Hựu. Sĩ dân nói rằng : « Cái vụ Thiên-thư là bịa đặt. Nếu như có thì ắt Khấu Chuẩn đã dâng về triều ». Vua Chân-Tông mật sai Chu Hoài Chính ngỏ ý rằng Khấu Chuẩn nên giả vào núi, tìm thấy Thiên-tư rồi dâng lên vua, sẽ được vua tái trọng dụng. Lúc đầu Khấu Chuẩn từ chối, nhưng vì say quyền hành, muốn về triều, ông phải bán rẻ cái chính khí. Khi ông mang Thiên-thư về Biện-kinh, nhà vua thân ra cổng thành rước. Dĩ nhiên Khấu Chuẩn thanh vân đắc lộ. Thế là tháng sáu năm đó, Vương Khâm Nhược chết, Khấu Chuẩn được phong chức Tể-tướng kiêm Lại-bộ thượng-thư. Một danh sĩ đương thời là Ngụy Dã người Thiểm-châu đã đã làm một bài thơ châm biếm Khấu Chuẩn. Khấu Chuẩn đau lắm, ông làm thơ để biện luận cho mình như sau : Tặng Ngụy Dã xử sĩ. Nhân văn danh lợi tẩu trần ai, Duy tử cao nhàn hối thịnh tài. Hâm chẳm dạ phong huyên tiết lệ, Bế môn xuân vũ trưởng môi đài. Thi đề viễn tụ kinh niên đắc. Tăng luyến u hiên kế nhật lai, Khước khủng minh quân trưng ẩn dật, Khê vân nan đắc, cận bồi hồi. Dịch. Người đời danh lợi thích bon chen, Duy chỉ ngài đây quả thực nhàn. Ôm gối ngồi nghe thanh gió thổi, Mưa xuân, cửa khép cảnh rêu lan. Hang núi xa xăm thư gửi lại, Tăng nhân yêu thích hiên hoang tàn. Chỉ sợ vua trưng người ở ẩn, Còn đâu mây, suối cảnh xanh lam ! Thế rồi, triều đình tế cáo khắp nơi, nào núi Thái-sơn, nào Khổng-miếu, nào tế Đạo-tổ. Các châu quận cũng tế , dân cũng tế, náo loạn cả nước. Nội dung Thiên-thư nói rằng : Vua Trung-nguyên là thiên-tử được sai xuống cai trị Thiên-hạ. Sắc dân Bắc là Địch, Tây là Nhung, Đông là Di, Nam là Man phải quy phục. Trong sách cũng định rõ cương thổ của Trung-nguyên với bốn vùng Đông, Tây, Nam, Bắc. Sách lại được vua cho người núp trên các nóc đền thờ Tam-hoàng, Ngũ-đế đọc. Dân chúng nghe thấy tưởng đâu trời sai thiên tướng xuống đọc. Họ chép lại rồi lưu truyền. Sau vụ này tinh thần quân, dân Tống hưng khởi lên, giữ được cương giới phía Bắc hơn năm mươi năm. Ghi chú. Bộ sách này Trung-hoa thư cục Bắc-kinh có tái bản nhiều lần, bản mà tôi đọc là bản do Bắc-kinh đệ nhị Tân-hoa ấn chế xưởng in năm 1965. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết đem quân sang đánh Đại-Việt, quân Tống tiến tới sông Như-nguyệt, chỉ còn cách Thăng-long có 25 km. Lý Thường-Kiệt cho làm bài thơ, ngụ ý Thiên-thư đã định ranh giới Hoa-Việt, kẻ nào xâm lăng Đại-Việt là trái với sách trời, ắt phải bại. Sau đó ông sai người núp trong đền thờ chư thần, mà đọc. Binh tướng Tống nghe được, lại tưởng là trời sai thần xuống kể tội, rồi truyền nhau về sự tích Thiên-thư, về trận đánh Hỏa-giáp. Họ thì thầm: Như vậy việc Tống ra quân trái với Thiên-thư, thì trước sau rồi cũng đến chết hết. Đó là một nguyên do đưa đến quân Tống mất hết tinh thần chiến đấu, rồi bị bại. Suốt 920 năm qua, người Việt đọc bài thơ trên thấy câu ”Tiệt nhiên định phận tại Thiên-thư” thì cứ cho thiên thư là danh từ chung để chỉ sách trời do Thường-Kiệt bịa ra; không ai biết rằng đó là danh tự riêng để chỉ bộ sách ra đời vào thời vua Chân-Tông. Vì hệ thống tuyên truyền của Tống triều trải từ thời Chân-Tông qua thời Nhân- Tông, Anh-Tông, bấy giờ là thời Thần-tông, (1076) trên từ vua, đại thần, cho đến dân Trung-hoa đều tin vào Thiên-thư nên Thường-Kiệt mới nhân đó, dùng gậy ông đập lưng ông. Chỉ độc giả Nam-quốc sơn hà mới hiểu rõ ý nghĩa chữ Thiên-thư này mà thôi. Thái-úy Lý Thường-Kiệt là nhân vật tài trí bậc nhất thời Thần-vũ (Lý Thánh-tông) và Anhvũ Chiêu-thắng (Lý Nhân-tông). Ngài là một anh hùng đã lập được huân công vĩ đại cho tộc Việt. Hiện còn nhiều đền thờ ngài. Tôi đã được viếng thăm đền thờ tại xã Ngọ-xá, huyện Vĩnh-lộc, tỉnh Thanh-hóa hai lần. Hiện hầu hết các đền thờ anh hùng dân tộc trong nước đều được dân địa phương trùng tu rất khang trang. Nhưng dân Ngọ-xá quá nghèo, vì vậy đền tiêu điều như hình trên.(Hình chụp tháng 8-2001) Trên giữa cổng chính là ba chữ Lý Đại Vương (chữ Lý ở giữa. Bên phải là chừ Đại, bên trái là chữ Vương. Đôi câu đối cổng chính: Phạt Tống, bình Chiêm vạn cổ danh phương thùy vũ trụ, Hộ dân bảo quốc thiên thu công đức quán sơn hà. (Phạt Tống, bình Chiêm tiếng thơm vạn cổ tràn vũ trụ. Giúp dân, giữ nước, công đức nghìn thu khắp non sông). Hình dưới là cổng phụ bên trái, đôi câu đối là: Anh hùng chí khí sinh dũng tướng, Hào kiệt uy phong hóa phúc thần. (Chí khí anh hùng sinh tướng mạnh, Oai phong hào kiệt hóa phúc thần) Còn cổng bên phải có đôi câu đối: Hách hách uy phong trừ nội nghịch, Đường đường kính khí diệt ngoại xâm. (Uy phong hách hách trừ phản tặc, Khí cứng đường đường diệt ngoại xâm) Tưởng niệm vị đại anh hùng dân tộc, mà không có lối vào nên nét mặt như bị bỏ đói mấy ngày! Hình chụp năm 1994, cổng vào đền thờ của ngài Thái-úy Lý Thường-Kiệt tại xã Ngọ-xá, huyện Vĩnh-lộc, tỉnh Thanh-hóa: Cánh cổng không còn. Thuật giả muốn vào thắp hương tưởng niệm vị đại anh hùng dân tộc, mà không có lối vào nên nét mặt như bị bỏ đói mấy ngày! Đền thờ chính Mái ngói lâu ngày đã mục hết. Các đồ thờ bên trong còn mục hơn nữa. Dân xã nghèo quá, ăn không đủ, lấy tiền đâu mà cúng, mà trùng tu Nội dung bộ Nam-quốc sơn hà thuật giai đoạn hùng tráng nhất lịch sử Việt-Nam. Phía Nam, bình Chiêm, sát nhập ba châu Bố-chánh, Địa-lý, Ma-linh vào lãnh thổ Đại- Việt. Phía Bắc ba lần đánh Tống. Đây là cuộc Bắc-phạt lừng danh nhất lịch-sử Việt-Nam. Bởi các chiến công khác đều là cuộc kháng chiến giữ nước, còn cuộc đánh Tống này, do Đại-Việt khởi sự, chiến cuộc diễn ra trên đất Trung-nguyên. Tiếp theo, Đại-Việt lại đánh bại cuộc xâm lăng của Tống, trả thù trận Ung, Liêm, Khâm. Chiến công có một không hai trong lịch-sử Đại-Việt này vĩ đại biết là chừng nào, thế nhưng những bộ sử như Đại-Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), Việt-sử lược (VSL), Khâm-định Việt-sử thông giám cương mục (KĐVSTGCM), chỉ dành chỗ cho khoảng một trang mà thôi. Trong khi Tống-sử (TS), Tục tư trị thông giám trường biên (TTTTGTB), Ung-châu kỷ sự (UCKS)ï, Tống Thần-tông thực lục (TTTTL), Quách thị Nam-chinh (QTNC), Triệu thị chinh tiễu Giao-chỉ ký (TTCTGCK), Tống triều công thần bi ký (TTCTBK) của Trung-quốc lại chép rất chi tiết tỷ mỉ. Vì sự khác thường ấy, người sau đặt ra những nghi vấn lớn như: 1.1.-Nghi vấn thứ nhất : Người lãnh đạo. Một là, chiến cuộc xẩy ra trong ba năm 1075, 1076, 1077, dưới thời vua Lý Nhân Tông. Bấy giờ vua mới chín tuổi, cho rằng vua thông minh, tài trí đi; thì với cái tuổi đó làm sao có thể quyết định một việc lớn như vậy? Làm sao có đủ khả năng chỉ huy tiếp vận cho một chiến cuộc vĩ đại như vậy? Thế ai là người lãnh đạo Đại-Việt bấy giờ? Ai là người tổ chức tiếp vận? 1.2.- Nghi vấn thứ nhì :Tiểu sử các tướng. Hai là, sử sách đều cho rằng chiến công này của Lý Thường-Kiệt và Tôn Đản. Ngoài ra còn nhắc đến một vài tên nữa như hoàng tử Hoằng-Chân, Chiêu-Văn, đô-đốc Lý Kế-Nguyên, lang tướng Nguyễn Căn. Trong khi truyền-sử lại nói có 18 tướng và 18 phunhân đã chiến đấu oanh liệt, rồi tuẫn quốc. Thế 18 tướng ấy hành trạng ra sao? Huân nghiệp thế nào? Gia phả của họ Lý ở Hùng-xuyên, Đại-hàn cũng có đôi câu đối nói về việc này: Thập bát anh hùng, giai Phù-đổng, Tam thiên nữ kiệt, tỷ Mê-linh. Nghĩa là: Mười tám anh hùng đều là con cháu Phù-Đổng thiên vương, ba nghìn nữ kiệt đều sánh với gái Mê-linh (để chỉ nữ binh thời Trưng-vương). 1.3.- Nghi vấn thứ ba : Tôn Đản là ai ? Ba là, ngay hai tướng lịch sử ghi danh là Tôn Đản, Lý Thường-Kiệt, thì cũng không biết Tôn Đản là ai. Thế tiểu sử ngài ra sao? Sử cũ cho rằng ngài là một tướng nào đó. Lại có những người đưa ra lý luận ngớ ngẩn, nhân thấy âm Tôn Đản với Nùng Tông-Đán hơi giống nhau, thì cho ngay rằng Tôn Đản chính là tên Nùng phản phúc Nùng Tông-Đán đã theo Tống từ lâu. 1.4.- Nghi vấn thứ tư :Ý nghĩa bài thơ đánh Tống. Bốn là, chữ Thiên-thư trong bài thơ trên, người sau không tham khảo kỹ Tống-sử, cho rằng thiên-thư là danh từ chung, Lý Thường-Kiệt dùng như một hiện thể trừu tượng để chỉ ý trời. Nhưng thực ra đó là tên bộ sách làm chủ đạo cho Tống triều mang tên Thiên-thư nghị chế. Lý Thường-Kiệt dùng gậy ông đập lưng ông. Dưới đây tôi xin giải các nghi vấn đó. 2. Về nghi vấn thứ nhất, Người chỉ đạo cuộc chiến là Linh Nhân hoàng thái hậu. Người chỉ đạo, cũng là người nắm vững guồng máy cai trị, bảo đảm an ninh hậu phương, tiếp vận cho tiền tuyến là Linh-Nhân hoàng thái hậu. Nhưng tại sao sử Việt lại không chép sự kiện này? 2.1. Lý do sử Việt không chỉ rõ, Ta thấy nguyên nhân có ba: 2.1.1. Một là sự nhập cung của bà có hơi khác thường. Vua gặp gỡ giữa đường, đem về phong là Ỷ-Lan phu-nhân. Khác với tất cả cung-phi khác, phải qua nhiều cuộc tuyển chọn phức tạp. Bà nhập cung vượt ra khỏi luật lệ Lý triều, nên chi người sau cho rằng bà chỉ là một cô gái quê tầm thường, nhờ con làm vua, mà trở thành Linh-Nhân hoàng thái hậu, rồi nhiếp chính. 2.1.2. Hai là, sau Linh-Nhân hoàng thái hậu, triều Lý có đến ba bà thái-hậu nhiếp chính rồi lăng loàn, dâm đãng, đưa đến mất nghiệp. Đó là Lê thái hậu vợ vua Thần-tông; Đỗ thái hậu vợ vua Anh-tông và Trần thái hậu vợ vua Huệ-tông. Các Nho gia với quan niệm: Sử là tấm gương cho người sau soi chung, nên không muốn có sự tham dự của đàn bà vào chính sự, mà dân gian gọi là tình trạng gà mái gáy. Vì vậy khi chép sử, các sử gia đã bỏ bà ra ngoài huân nghiệp vĩ đại của Linh-Nhân hoàng thái hậu. 2.2. Trong thực tế, chúng ta thấy chính Linh-Nhân hoàng thái hậu là người lãnh đạo cuộc Bắc phạt. Tôn Đản, Lý Thường-Kiệt chỉ là tướng cầm quân mà thôi. Vì: 2.2.1. Bấy giờ vua Nhân-tông mới chín tuổi, Linh-Nhân hoàng thái hậu nhiếp chính. Nói khác đi là cầm quyền. Bảo rằng nhà vua chỉ đạo, thì không ai có thể chấp nhận. Vì với tuổi đó, dù thông minh chăng nữa, nhà vua cũng không đủ trí khôn, kiến thức để thấu đáo vấn đề; huống hồ đưa ra quyết định lớn lao, táo bạo. 2.2.2. Cuộc Bắc phạt thời Thái-Ninh (1075) với đạo quân hơn mười vạn người ngựa, ít ra cũng phải có 40 vạn dân phu chuyên chở, tiếp tế lương thảo; chi tiêu cực kỳ tốn kém. Tiếp theo là cuộc kháng Tống giữ nước. Những công việc khó khăn đó, đòi hỏi ba điều. Một là nền cai trị vững chắc để có an ninh ở hậu phương. Hai là tiếp vận lương thảo, cực kỳ tốn của, tốn sức người. Ba là bổ xung tổn thất; phi người tài trí, không đương nổi. Vì thế trong bộ Nam-quốc sơn hà tôi sẽ trình bầy rõ: Linh-Nhân hoàng thái hậu đã dùng tới bẩy phụ tá, như một siêu triều đình. Đó là công chúa Thiên-Ninh, Thiên-Thành, Động-Thiên, vương phi Trung-Thành vương là Nguyễn-thị Trinh-Dung, vương phi Tín-Nghĩa vương Lê Ngọc- Nam, phu nhân tướng Nguyễn-Căn là Vũ Thanh-Thảo, phu nhân tướng Bùi Hoàng-Quan là Trần Ngọc-Huệ. Điều này chưa một sử sách Việt nào nói tới. 2.2.3. Cũng có người bảo rằng chính Thái-sư Lý Đạo-Thành đã chủ trương, chỉ đạo cuộc Bắc phạt. Vô lý, bởi ông bị Linh-Nhân hoàng thái hậu đầy vào Thanh-Nghệ, chỉ được ân xá về triều để giúp việc nội trị khi cất quân Bắc phạt. Hơn nữa ông là người chủ hòa, lại ở vào tuổi tám mươi hơn, nên quyết định Bắc phạt không thể là ông; mà phải là Linh-Nhân hoàng thái hậu. 2.2.4. Bảo rằng, quyết định này của Lý Thường-Kiệt ư? Có thể. Bấy giờ Thường- Kiệt lĩnh chức Thái-úy (QTNC nói ông lĩnh chức Đại-tư-mã), nhưng quyết định tối hậu vẫn là Linh-Nhân hoàng thái hậu. Bởi ngay thời vua Thánh-tông còn tại thế, trong khi bình Chiêm, đã giao quyền cho bà. Không những bà tổ chức cai trị, tiếp vận chu đáo; mà còn tỏ ra xuất sắc hơn nhà vua trong lúc không chiến tranh nữa. 3. Di tích về Linh-Nhân hoàng thái hậu. Vì những huân nghiệp vĩ đại, nên sau khi băng hà, bà được thờ kính khắp nơi. Tôi tạm ghi ở đây những đền hiện nay (1995) vẫn còn, dân chúng vẫn hương khói, vì ngài rất linh ứng: 3.1. Phú-thị từ (Đền Phú-thị) Ở xã Phú-thị, tiếng nôm là làng Sủi (tên thời Lý là làng Thổ-lỗi hay Thổ-lội, sau đổi ra Siêu-loại), thuộc tổng Kim-sơn, huyện Gia-lâm, tỉnh Bắc-ninh cũ, nay thuộc Hà-nội. Tài liệu ghi chép. Bắc-ninh tỉnh thần tích. 3.2. Lý thái hậu từ (Đền Lý Thái-hậu) Ở xã Dương-xá, tổng Dương-quang, huyện Siêu-loại tỉnh Bắc-ninh, sau thuộc tỉnh Hà-Bắc. Nay là xã Dương-xá huyện Gia-lâm, Hà-nội. Tài liệu ghi chép Bắc-ninh toàn tỉnh địa dư chí. Cổng chính từ ngoài vào Hình chụp năm 1994, tại xã Dương-xá, huyện Gia-lâm, Hà-nội: một trong 72 ngôi chùa, Linh-Nhân hoàng Thái-hậu (Minh-Đệ) xây để đáp lời hứa với Minh-Không thiền sư. Chùa này nằm trong cùng khuôn viên với đền thờ ngài 3.3. Lý triều đệ tam hoàng thái hậu từ. Ở xã Quang-lệ, huyện Phù-dung, sau là huyện Phù-cừ, tỉnh Hưng-yên, nay là huyện Phù-tiên, tỉnh Hải-hưng. Tài liệu ghi chép Đại-Việt địa dư chí, Bắc-thành địa dư chí lục. 3.4. Lý hoàng thái hậu từ. (Đền thờ hoàng thái hậu triều lý). Ở xã Cẩm-cầu, huyện Gia-lộc, tỉnh Hải-dương. Tài liệu ghi chép Bắc-thành địa dư chí lục. Đồng-Khánh địa dư. Đại-Nam nhất thống chí (Hải-dương). 3.5. Hội-châu từ (Đền Hội-châu). Ổ thôn Bản-kỷ, xã Hội-châu, huyên Thanh-quan, nay là huyện Thái-thụy tỉnh Tháibình. Đây là quê ngoại của ngài. Tài liệu ghi chép Thái-bình địa dư-ký. 3.6. Yên-thái từ (đền An-thái). Ở làng Yên-thái, huyện Thọ-xương, nay là số 8, ngõ Tạm-thương, Hà-nội. Tài liệu ghi chép Kim-cổ thôn bi ký. Hà-nội tỉnh thần tích. 3.7. Cẩm-đới đình. Ở làng Cẩm-đới, tổng Bao-trung, huyện Gia-lộc, nay là Tứ-lộc, tỉnh Hải-hưng. Tài liệu ghi chép Hải-dương tỉnh thần tích. 3.8. Đồng-thiên quán Một trong bốn quán lớn ở Thăng-long. Hồi sinh thời ngài dựng để thờ Tam-thanh (Ngọc-thanh, Thượng-thanh, Thái-thanh) ở thôn Kim-cổ huyện Thọ-xương. Nay ở số 73 Đường Thành, Hà-nội. Đã bị hủy hoàn toàn, chỉ còn bức tường. Tài liệu ghi chép Bắc-thành địa dư chí lục. Hoàng-Việt địa dư chí. Thăng-long cổ-tích khảo. Long-biên bách nhị vịnh. Đại-việt địa dư chí. 3.9. Đồng-lâm tự (chùa Đồng-lâm) Chùa nằm ở giữa hai thôn Ngọc-trì và Vệ, xã Cổ-linh, huyện Gia-lâm, tỉnh Bắcninh. Nay thuộc huyện Gia-lâm Hà-nội. Đây là một trong 72 ngôi chùa, mà hồi sinh thời bà cho dựng lên. Tài liệu ghi chép: Lâm-cổ ký. Bắc-ninh toàn tỉnh địa dư chí. 4. Những cuộc bình Nam, Bắc phạt thời Tiêu-sơn. Thời Lý (1010-1225) các văn gia xưa gọi là thời Tiêu-sơn, vì Tiêu-sơn là ngọn núi phát tích ra triều Lý. Thời nào Đại-Việt ta cũng có những vị anh hùng xả thân cứu nước. Công nghiệp của các ngài, thành cũng nhiều, mà bại cũng lắm. Dù thành, dù bại, sau khi các ngài lìa thế thì hoặc dân chúng, hoặc các triều đại kế tiếp đều lập đền thờ, để tưởng nhớ huâncông. Ngoài chính sử ra, tại đền thờ các ngài, thường có cuốn phổ (còn gọi là ngọc phổ hay ngọc phả) chép hành trạng. Năm 1407, Trương Phụ, Mộc Thạch đã phá hầu hết di-tích, đền-miếu thờ các ngài đã đành, mà còn thu tất cả các cuốn phổ mang về Kim-lăng. Năm 1428, vua Lê Thái-tổ tái lập nền tự-trị, một số di-tích, đền-miếu được trùng-tu, được táitạo. Những cuốn phổ cũng được chép lại theo trí nhớ, thành ra tam sao thất bản, không còn đúng với sự thực. Lại nữa người Việt có tục kiêng húy, nên những di-tích, đền-miếu tuy đã dựng lại, mà đôi khi người sau không còn nhớ được họ, tên các ngài. Thủa nhỏ, tiền nhân giảng dậy cho tôi rất kỹ về huân-nghiệp của các anh hùng năm nghìn năm tộc Việt. Trong đó có lướt qua cuộc đánh Tống, bình Chiêm thời Tiêu-sơn. 4.1. Các cuộc bình Chiêm. Về bình Chiêm có ba lần. 4.1.1. Lần thứ nhất. Vào thời vua Thái-tổ (1020), người cầm quân là Khai-Thiên vương (sau là vua Thái-tông) với Đào Thạc-Phụ. Mục đích cuộc hành quân chỉ để trừng phạt Chiêm vào cướp phá Nam biên Đại-Việt. 4.1.2. Lần thứ nhì, Do Khai-Quốc vương lãnh-đạo (1044), vua Thái-tông thân chinh, Tôn Đản tổng chỉ huy. Cuộc hành quân này có mục đích phá chủ lực quân Chiêm, vì bấy giờ Chiêm liên kết với Tống, dự trù đánh vào Nam thùy, khi Tống tiến quân vào Bắc-cương. Kết qủa, vua Chiêm là Sạ-Dẩu bị giết tại trận, ta còn bắt cả hoàng hậu Mỵ-Ê mang về. Hai chiến công này đã thuật sơ trong bộ Anh-linh thần võ tộc Việt. 4.1.3. Lần thứ ba (1069) Do vua Thánh-tông thân chinh, Lý Thường-Kiệt tổng chỉ-huy, Tôn Đản làm quân sư. Cuộc hành quân này có hai mục đích; một là phá thế liên minh Tống, Chiêm dự xâm lăng Đại-Việt; hai là chiếm vùng đất Chiêm có nhiều Việt kiều sinh sống. Kết quả, vua Chiêm là Chế-Củ bị bắt cùng với năm vạn quân. Chế-Củ dâng ba châu Bố-chánh, Địa-lý, Ma-linh để được ân xá. Cuộc hành quân này được thuật tỷ mỉ trong bộ Nam-quốc sơn-hà. 4.2. Các cuộc phạt Tống. Về việc đánh Tống có sáu lần, thì trong đó có năm lần đánh sang lãnh thổ Trungquốc và một lần kháng chiến chống xâm-lăng. 4.2.1. Lần thứ nhất, Do vua Lý Thái-tổ ban chỉ, Khai-Thiên vương tổng chỉ huy, đánh sang trại Nhưhồng của Tống, để trừng phạt quân Tống tại đây thường vượt biên sang Đại-Việt cướp bóc. Toàn thắng. Cuộc chiến tranh có tính cách trừng phạt một khê-động. 4.2.2. Lần thứ nhì , Do Khai-Quốc vương lãnh đạo, tổng chỉ huy là công chúa Lĩnh-Nam Bảo-Hòa và phò-mã Thân Thừa-Quý. Mục đích chiếm lại mấy châu động đã mất về Tống, do các biên thần Tống chủ trương. Toàn thắng. Cuộc chiến có tính cách tự vệ, dằn mặt các biên thần Quảng-Tây. Tống triều không chủ trương. 4.2.3. Lần thứ ba, Dưới thời vua Thái-tông, do Khai-Quốc vương lãnh đạo (1053), mục đích chiếm lại lãnh thổ thời vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng, bị người Hán chiếm mất, rồi đẩy dân Việt về sống ở vùng Bắc-cương thành 207 trang-động. Cuộc khởi binh thành công, đưa Nùng Trí-Cao lên làm vua, lấy lãnh thổ vùng Quảng-Đông, Quảng-Tây, Quý-châu lập thành nước Đại-Nam. Cuộc ra quân này, đã thuật chi tiết trong bộ Anh-linh thần võ tộc Việt. Lúc đầu thắng, sau bị bại. Cuộc chiến tranh có tính cách toàn diện. Đại-Việt không ra mặt khai chiến với Tống. Tống biết, nhưng không dám trả thù. 4.2.4. Lần thứ tư, Cũng do Khai-Quốc vương lãnh đạo, diễn ra dưới thời vua Thánh-tông. Người tổng chỉ huy là công-chúa Bình-Dương với phò mã Thân Thiệu-Thái (1059-1060). Mục đích cuộc Bắc phạt này là chiếm lại một số trang động do các bộ tộc thiểu số tự trị; bị Tống lấn chiếm, hoặc chiêu dụ phản Việt theo Tống. Sau khi chiếm lại các trang đã mất, trả đất cho các tộc bị mất, quân Việt tiến sâu vào vùng Tả-giang, Hữu-giang, chiếm hơn mười ải, giết nhiều tướng Tống. Tống cực kỳ phẫn uất, nhiều đại thần khuyên vua Tống Nhân-tông đem quân sang đánh Đại-Việt để trừng phạt; nhân đó chiếm nước đặt làm quận huyện. Ngặt vì bấy giờ phía Tây, Tống đang mắc họa với Hạ, phía Bắc thì Liêu chiếm đất, đòi cống vàng lụa; vả vua Tống cũng sợ binh hùng tướng mạnh của Đại-Việt, nên bàn hòa. Công-chúa Bình-Dương đòi nhiều điều kiện khắt khe mới chịu rút quân. Tống cũng phải nhượng. Thắng toàn diện. Chiến công oanh liệt trên thuật trong bộ Nam-quốc sơn-hà. Đến đây chiến cuộc leo thang. Đại-Việt ra mặt khai chiến với Tống, nhưng để cho công chúa Bình- Dương, phò-mã Thân Thiệu-Thái làm. 4.2.5. Lần thứ năm, Diễn ra dưới thời vua Nhân-tông vào năm 1075, bấy giờ vua mới chín tuổi, Linh- Nhân hoàng thái hậu phụ chính. Vua còn thơ, chư sự lớn nhỏ đều do Linh-Nhân hoàng thái hậu quyết định. Nguyên do: Vua Tống Thần-tông dùng những cải cách về kinh-tế, nôngnghiệp, binh-bị, tài-chánh của Vương An-Thạch từ năm 1066, đã được chín năm, khiến binh lực trở thành hùng hậu, quốc-sản sung túc. Nhà vua muốn nhân đó tiến quân lên Bắc đánh Liêu, chiếm lại đất cũ, để rửa nhục. Nhưng Vương An-Thạch lại khuyên nên đánh Đại-Việt trước. Sau khi bại Đại-Việt, thì Chiêm-thành, Chân-lạp, Ai-lao, Xiêm-la, Đại-lý phải quy hàng. Bấy giờ dùng nhân lực, tài lực sáu nước, đem lên Bắc, thì thắng Liêu dễ dàng. Vua nghe theo, bí mật cho các châu Nam biên luyện binh, tích trữ lương thảo. Cuộc chuẩn bị được ba năm, thì bị Đại-Việt biết được. Linh-Nhân hoàng thái hậu quyết định: Ngồi yên đợi giặc, sao bằng mình ra tay trước. Mục đích cuộc hành quân là phá hết các kho lương thảo, vũ khí, thành trì, cầu cống, diệt các đạo quân mới huấn luyện của Nam thùy Tống. Thế là cuộc Bắc phạt nổ ra vào cuối năm 1075. Quân Việt tiến đánh 18 ải dọc biên thùy Tống, rồi công phá các châu Khâm, Liêm, Ung, Dung, Nghi, Bạch, cùng diệt viện quân ở núi Đại-giáp. Nhiệm vụ chu toàn rồi, quân Việt rút về. Thắng toàn diện. Đến đây Đại-Việt ra mặt khai chiến với Tống. Cả hai bên cùng đem toàn lực ra đối phó với nhau. 4.3. Kết qủa cuộc Bắc phạt vĩ đại, Cuộc ra quân của Việt lần này quá lớn lao, phá nát kế hoạch cải cách của Tống ở Giang-Nam. Quá uất hận, Tống chịu nhục; nhường Hạ ở phía Tây, cắt đất dâng cho Liêu ở phương Bắc... để cho rảnh tay, rồi họ mang quân nghiêng nước sang định chiếm Đại-Việt đặt làm quận huyện (1076-1077). Nhưng Tống lại bị thất bại phải rút quân về, và chịu hòa. Người có hùng tâm, tráng-chí, lãnh đạo là một thiếu phụ ở tuổi ba mươi, đó là Linh-Nhân hoàng thái hậu (Ỷ-Lan). Còn người Tổng chỉ huy cuộc vượt biên Bắc phạt là Lý Thường- Kiệt, Tôn Đản, Lý Hoằng-Chân, Lý Chiêu-Văn, Lý Kế-Nguyên. Nội dung bộ Nam-quốc sơn hà thuật cuộc Bắc phạt, cùng kháng Tống trên. 4.4. Rung chuyển Trung-nguyên, Sau cuộc Bắc phạt, và giữa lúc cuộc kháng Tống của Đại-Việt, chiến cuộc đang diễn ra cực kỳ khốc liệt (1076), Vương An-Thạch bị cách chức Tể-tướng, giáng xuống tri Giang-ninh phủ lĩnh Trấn-Nam quân tiết độ sứ, Đồng-bình chương-sự. Lúc Vương độ giang, bị một nhân sĩ bắt con sâu bỏ lên xe rồi làm bài thơ mỉa mai như sau: Thanh-miêu, trợ-dịch lưỡng phương nông, Thiên hạ ngao ngao oán tướng công. Độc hữu hoàng trùng thiên cảm đức, Hữu tùy xa giá, quá Giang-Đông. Dịch : Thanh-miêu trợ dịch hại canh nông, Thiên hạ nhao nhao oán tướng công. Chỉ có sâu vàng theo tiễn biệt, Cùng trên xa giá, quá Giang-Đông. Có người ví cái thất bại của Vương An-Thạch cũng đau đớn như cái thất bại của Hạng Võ xưa, khuyên Thạch nên tự tử: Khi Hạng-Vương mưu đuổi hươu ở Trung-nguyên, bị thất bại, lui về Nam; lúc qua sông này tự cảm thấy xấu hổ, đã tự tử, mà hậu thế kính phục. Tôi khuyên ông cũng nên tự tử để lưu danh muôn thủa. Nhưng Thạch không đủ can đảm. Tiếc thay, một cuộc cải cách về kinh-tế, binh-bị, tài-chánh, xã-hội, nông nghiệp như vậy, đang trên đường thành công rực rỡ; bị tan vỡ, bị hủy bỏ chỉ vì tham vọng đánh Đại-Việt của Vương An-Thạch. Mà đau đớn biết bao, khi người phá vỡ chỉ là một thiếu phụ Việt ở tuổi ba mươi. Giá như Thạch không chủ trương Nam xâm, chỉ cần mười năm nữa, toàn bộ xã hội Trung-quốc thay đổi; rồi với cái đà đó, thì Trung-quốc sẽ là nước hùng mạnh vô song, e rằng muôn đời mặt trời vẫn ở phương Đông, chứ không ngả về Tây như hồi thế kỷ thứ 18 cho đến nay và bao giờ..???...??? 5. Tìm những danh tướng thời Tiêu-sơn. 5.1. Đi tìm anh hùng nghìn năm trước. Chủ trương Bắc-phạt là của Linh-Nhân hoàng thái hậu. Tướng cầm quân là Thường-Kiệt, Tôn Đản. Thế nhưng không phải chỉ hai tướng ấy mà tạo ra chiến công lừng lẫy như vậy! Phải có thêm nhiều người. Sử nhắc đến Lý Hoằng-Chân, Lý Chiêu-Văn, Lý Kế-Nguyên, Nguyễn-Căn. Nhưng vào cái thời đó, cứ một người ra trận, thì phải năm người tiếp vận; ấy là không kể bộ máy kinh-tế, tài-chánh, cai trị để cung cấp nhu cầu cho binh tướng. Vậy những nhân vật nào đã làm bằng ấy công tác? 5.1.1. Tìm trong nhà. Khi tiền nhân giảng về giai đoạn lịch sử này cho tôi, các người thường than thở rằng: Tương truyền bấy có sáu vị nữ quan, phụ trách sáu bộ, cạnh Linh-Nhân hoàng thái hậu như một siêu chính phủ. Thế mà nay sử sách không lưu truyền sáu bà ấy là những bà nào. Lại nữa, trong cuộc đánh Tống, Việt có mười tám tướng, cùng mười tám phu nhân cũng là mười tám nữ tướng; mà mười hai vị xuất thân cùng khổ; tất cả đều tuẫn quốc trong trận kháng Tống, nhưng tiếc thay tiểu sử lại rất mơ hồ. Nếu nói quá đi, gần như không còn. Lúc lớn lên, tôi có tìm đọc những sách do Quốc-sử quán triều Nguyễn soạn để tìm hiểu thêm. Về sử như Đại-Nam thực lục tiền biên, Đại-Nam thực lục chính biên. Về chí như Đại-Nam nhất thống chí, Đại-Nam quận huyện phong thổ vật lược chí, các bộ Địaphương chí, Phủ-huyện chí, Truyện ký, Thần-tích, Ngọc-phả. Nhưng cũng không tìm ra được chút ánh sáng nào. 5.1.2. Tìm ở nước người. Cho đến khi ra trường (1964) có chỗ đứng trong xã hội về tài chính, có phương tiện, tôi đã lần mua đọc các bộ sách của Trung-quốc. Từ những bộ lớn như: Tục tư trị thông giám trường biên, Tống Thần-tông thực lục, Tống-sử v.v. tới những bộ nhỏ như Ung-châu kỷ-sự, Hy-Ninh cảo lục. Nhưng cũng không tìm ra được gì hơn. Phải chờ đến giai đoạn 1977-1995, nhờ đi trong phái đoàn trao đổi y-học Pháp-Hoa (CMFC), Liên-hiệp các viện bào chế châu Aâu (CEP), viện Pháp-Á (IFA) tôi có dịp lần mò vào những thư viện, bảo tàng địa phương Trung-quốc. - Nào thư-viện, bảo-tàng cao nhất của cấp tỉnh, nào thư viện đại học Văn-sử, nào thư viện đại học Sư-phạm... cho tới thư-viện cấp huyện của các tỉnh Quảng-Đông, Quảng-Tây, Vân-Nam, Quý-châu, Hồ-Nam. - Tôi đã đi Nam-ninh (Ung-châu) lên núi Đại-giáp, Hỏa-giáp, suối Ngọc-tuyền; tới Khâmchâu, Liêm-châu để quan sát địa hình chiến trường thời Tống-Lý. - Nhờ các cuốn địa-phương chí, nhân vật chí, địa dư chí từ đời Minh, đời Thanh còn lưu truyền; tôi tìm ra đền thờ các tướng Tống tử trận trong chiến tranh Tống-Lý, được lập đền thờ. Trong các chí đó, có nói đến nhiều danh tướng Việt. - Tôi cũng lần mò đọc các tấm bia ở ngoại ô Nam-ninh trên gò chôn tập thể dân quân Tống chết trong trận Ung-châu. Tại núi Đại-giáp, tôi được thăm lăng mộ, đền thờ, đọc bia ký của năm tướng Trương Thủ-Tiết, Hứa Dự, Ôn Nguyên-Dụ, Trương Biện, Vương Trấn. Các tướng này tử trận khi mang quân cứu viện thành Ung. Trong các bia, phổ, gia phả của năm tướng, thuật rất chi tiết về chiến cuộc Côn-lôn, Đại-giáp, và nhắc đến tên nhiều tướng Đại-Việt. Cảm động nhất là trong khi viếng đền, tôi được gặp hậu dụệ chư tướng ấy đang họp nhau, quyên góp tiền trùng tu đền. Họ đem sổ vàng ra, khiến tôi không biết phải hành-xử như thế nào? Bởi cúng, thì tôi còn mặt mũi nào để đến quỳ gối tại đền thờ Linh- Nhân hoàng thái hậu? Công chúa Thiên-Ninh, và 18 anh-hùng tuẫn quốc thời Thái-Ninh! Mà chối thì hóa ra người hẹp hòi, gây khó khăn khi mượn gia phải của chư tướng Tống để tìm tài liệu lịch sử! Cuối cùng tôi đành để người bạn gái người Hoa là danh ca Chu Cẩm- Hồ cúng một số tiền nhỏ (500 $ US, dĩ nhiên tiền đó của tôi), gọi là tưởng nhớ những người trung-nghĩa mà bỏ mình. - Tại một số thư viện khác, tôi đã tìm ra không biết biết bao tài liệu quý báu. Tài liệu quý nhất là bộ Tống triều công thần bi ký nội dung chép văn bia, mộ chí của hầu hết những nhân vật văn võ thời Tống liên quan đến Đại-Việt. Nhờ nội dung văn-bia, tôi biết thêm nhiều chi tiết lịch-sử, mà trong các bộ sử lớn, nhỏ không chép. 5.1.3. Tìm di tích bằng y-khoa. Xin mở cái ngoặc ở đây: Khi chúng tôi sang Trung-quốc công tác cho CMFC thường có hai phái đoàn, một phái « trao tức giảng dạy cho người, một phải đoàn « đổi tức học của người. Lúc đầu tôi đi trong các phái đoàn với tư cách thông dịch viên, sau kiêm thêm liên lạc tổ chức, rồi dần dần (sống lâu lên lão làng) tôi làm trưởng phái đoàn cho đến nay (1995). Vì dịch riết rồi những vấn đề dịch nhập tâm, lĩnh hội được, nên tôi thu thái rất nhiều khi « trao. Như trước 1978 tôi chỉ có một số kiến thức khiêm tốn về giải phẫu chỉnh hình (orthopédie), nhất là giải-phẫu thẩm mỹ như lột da, căng da, cắt mắt, nâng cao mũi, lấy mỡ bụng, làm môi trái đào, sửa ngực. Đến năm 1981 tôi nghiễm nhiên trở thành phụ giảng khi trao, và từ năm 1986, tôi là một trong những giảng viên về các món lỉnh kỉnh này. Tôi nghĩ: Xưa Lã Bất-Bi buôn vua, thì nay tôi cũng buôn y-học. Tôi dùng khả năng y-học thẩm mỹ để làm quen với quý bà. Ở cái xã hội nào cũng thế, các bà đều thích đẹp, và cồng bà bao giờ cũng mạnh hơn lệnh ông. Lệ không thành văn của phái đoàn trao đổi y-học là: Ngoài công tác chính tại các đại-học, bệnh viện, các giáo-sư có quyền điều trị cho dân chúng, nhưng không được nhận thù lao. Dùng cái võ công lột da mặt, cắt mắt, làm môi trái đào, lấy mỡ bụng, nâng cao mũi, tôi đã thành con mọt sách lớn, lọt vào được những tủ sách gia đình, địa phương của nhiều tộc mà tôi muốn. Tôi đã làm quen, đã tìm lại được giòng dõi các quan lại, các tướng liên hệ đến việc sang đánh Đại-Việt của Tống, rồi xin đọc gia phả Tổ tiên anh hùng của họ. Tôi đã được đọc gia phả chép về Vương Duy-Chính, Dư Tĩnh, Tiêu Chú, Oân Cảo, Tiêu Cố, Lý Sư-Trung, Vương An-Thạch, Thẩm Khởi, Lưu Di, Quách Quỳ, Triệu Tiết, Yên Đạt, Tu Kỷ, Diêu Tự, Lý Hạo, Trương Chi-Giám, Dương Vạn, Lôi Tự-Văn, Lữ Chân, Lý Hiếu- Tôn, Trương Thế-Cự, Địch Tường, Khúc Chẩn, Quản Vi, Vương Mẫn. 5.1.4. Thánh nhân đãi kẻ khù khờ. May mắn nhất là năm 1985, nhờ làm đẹp cho mấy phu nhân của những sĩ quan cao cấp của Bộ Tư-lệnh hai Quân-khu tiếp giáp với Việt-Nam và của Bộ Chỉ-huy Quân-sự hai tỉnh Quảng-Tây, Quảng-Đông tôi đã được vào thư viện của bộ Tư-lệnh hai quân khu có chung biên giới vơí Việt-Nam. Mặc dầu bấy giờ cách thư viện tôi ngồi không bao xa, giữa quân đội Trung-Quốc, Việt-Nam đang nã đại pháo vào nhau; mặc dù các sĩ quan Trungquốc đều biết tôi là Tây gốc Việt. Nhưng họ cũng biết rằng tôi là tên thầy thuốc dốt chính trị nhất thế giới, khù-khờ lẩm cẩm nhất thế giới. Vì vậy họ cho tôi đọc thả dàn, đọc sướng con mắt; đọc đến phải mang bánh bao, vịt quay vào thư viện vừa ăn, vừa đọc! Nhưng họ không cho tôi mang máy vào, sợ tôi scaner Ngồi bên kho tài liệu, tôi cảm thấy kinh hoàng vô cùng, vì Trung-Quốc bảo tồn được tất cả những tài liệu liên quan đến ngoại-giao, quân-sự giữa hai nước để các sĩ quan tham khảo thiết kế hành quân. - Cổ nhất là cuộc đánh sang Việt thời Tống Thái-tông của Hầu Nhân-Bảo, Tôn Toàn-Hưng, Quách Quân-Biện, Triệu Phụng-Huân (981); - Ba cuộc tiến quân thời Lý Bắc-phạt (1053, 1059, 1075), - Cuộc Nam xâm thời Tống Thần-tông (1076-1077); - Ba lần (1257, 1285, 1288) Mông-cổ đánh Đại-Việt, - Cuộc xâm lăng của Trương Phụ (1407)... cuối cùng là cuộc hành quân chưa xong của Bắc-kinh dạy Việt-Nam bài học, mà chúng tôi thường đùa rằng đó là cuộc tiến quân môi cắn răng 1978; vẫn chưa dứt. Trong thư viện ấy, tôi tìm được hai bộ sách chưa xuất bản, in bản thạch, rồi photocopie. Đó là hai bộ nhật ký hành quân của Quách Quỳ tên Quách-thị Nam chinh (QTNC), của Triệu Tiết mang tên Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký (TTCTGCK); là hai tướng tổng chỉ huy cuộc đánh Đại-Việt thời Lý (1076-1077). Hai bộ sách do chính Quách Quỳ, Triệu Tiết chép, sau này con cháu họ có tu bổ. Vào niên hiệu Thiệu-Hưng thứ tư (1134); cháu bốn đời Quách Quỳ là Quách Gia; cháu năm đời Triệu Tiết là Triệu Dụng có dâng lên vua Tống Cao-Tông để xin minh oan, cùng phục hồi danh dự cho tổ tiên mình. Bấy giờ Lý Hồi mới được giữ chức Đoan-minh điện đại-học sĩ, quyền tri tam tỉnh, Khu-mật viện-sự tức Tể-tướng toàn quyền. Ông này sợ Quách Gia, Triệu Dụng được trọng dụng; nên bài bác các đoạn nói về sức mạnh, về tổ chức quân đội, cùng tiểu chuyện các tướng Đại-Việt thời Thái-Ninh, Anh-vũ chiêu-thắng (1072-1084), và cho rằng đó là những điều bịa đặt. Tuy vậy trong hai tập sách trên có ghi chép đầy đủ hình thể núi sông, phong tục, tiểu-sử công thần, tổ chức hành chánh, quân sự Đại-Việt, nên nhà vua vẫn sai trao chu Khu-mật viện cất để làm tài liệu. 5.2. Anh hùng nước tôi còn đó. Sau khi kiểm lại các bộ gia-phả, địa-phương chí, địa dư chí, nhân vật chí, bia đá, mộ chí cùng đọc kỹ hai bộ trên. Tôi đã giải được gần như trọn vẹn những nghi-vấn về lịch sử do tiền nhân tôi để lại. Tôi tin đến tuyệt đối, vì những điều trong sử Việt, Hoa bỏ qua không ghi như: 5.2.1. Bà chúa kho, Sử Hoa-Việt nói đến công-chúa Thiên-Thành hạ giá với phò-mã Thân Cảnh-Long; có nói đến công-chúa Động-Thiên, còn công chúa Thiên-Ninh thì không hề nói tới. Trong thực tế, đền thờ công-chúa Thiên-Ninh (Bà chúa kho) rất lớn, mà dân miền Bắc ai cũng biết; nhất là dân Hà-nội, cứ vào đầu Xuân, lũ lượt kéo nhau đến đền thờ bà xin... vay tiền. Trong hai bộ QTCN và TTCTGCK chép rất chi tiết tiểu sử của bà, chép rõ đền thờ tại đâu, xây cất năm nào nữa. Trên: Cổng ngoài, cổng trong. Dưới: Chính điện thờ Công-chúa Thiên Ninh (Bà chúa kho) ở Thị-cầu, Bắc Ninh. 5.2.2. Hoàng tử Hoằng Chân, Chiêu Văn, Sử Hoa-Việt chép vài giòng về hoàng-tử Hoằng-Chân, Chiêu-Văn tử trận Kháotúc, không chép hai ngài giữ chức gì, tiểu sử ra sao? Hai bộ QTCN và TTCTGCK chép rất chi tiết rằng hai vị là con của Khai-Quốc vương và quốc-mẫu Thanh-Mai. Tước phong của Hoằng-Chân là Trung-Thành vương và Chiêu-Văn là Tín-Nghĩa vương. 5.2.3. Sáu nữ tướng thời Anh-vũ Chiêu-thắng. Sử không chép về phu nhân của các tướng. Trong khi đó hai bộ trên chép rất chi tiết: Sáu nữ phụ tá của Linh-Nhân hoàng thái hậu, như một siêu chính phủ bấy giờ gồm: - Phụ-tá về Binh-bộ là công chúa Thiên-Thành; - Phụ-tá về Hộ-bộ là công chúa Thiên-Ninh; - Phụ tá về Hình-bộ là công-chúa Động-Thiên; - Phụ-tá về Lễ-bộ là bà Trần Ngọc-Huệ phu-nhân của tướng Bùi Hoàng-Quan; - Phụ-tá về Công-bộ là bà Vũ Thanh-Thảo, phu nhân của tướng Nguyễn Căn; - Phụ-tá về Lại-bộ là bà Lê Ngọc-Nam, vương-phi của Tín-Nghĩa vương Lý Chiêu-Văn; - Phụ tá về Khu-mật viện là bà Nguyễn-thị Trinh-Dung, vương phi của Trung- Thành vương Lý Hoằng-Chân. 5.2.3. Quan sát y phục, biết danh tính, Khi hành hương đền thờ Linh-Nhân hoàng thái hậu ở xã Dương-xá, huyện Gia-lâm Hànội, tôi thấy tượng Thái-hậu ngồi chính giữa, mỗi bên có ba tượng của ba bà, mà bà thủ từ chỉ biết tên có một bà tên Nguyễn-thị Trinh-Dung. Như vậy rõ ràng hai bộ QTNC và TTCTGCK đã chép chi tiết, chép đúng với chính sử. Từ trái sang phải: 1. Ninh-đức, Trang-duệ, Hiếu-khang công chúa nhũ danh Lê Ngọc-Nam. 2. Công-chúa Động-Thiên. 3. Hòa-huệ, Ninh-tĩnh, Ôn-văn công chúa Vũ Thanh-Thảo Từ trái sang phải: 4. Công-chúa Thiên-Thành, 5. Công chúa Động-Thiên, 6. Công chúa Nguyễn-thị Trinh-Dung. Ghi chú. Giữ đền này (1994) có tới bốn người, tôi không nhớ tên. Tôi chỉ nhớ được hai người. - Một người to lớn tự giới thiệu đã ớ trong ngành Công-an ba mươi năm, nay được cử về đây để bài trừ tín ngưỡng dị đoan. Theo lời ông thì: Vua Tống là Vương An-Thạch đem quân sang đánh VN !!! Tôi có nhắc: Không phải đâu, các vua Tống đều họ Triệu; hồi đem quân đánh Việt-Nam thời Linh-Nhân hoàng thái hậu là Tống Thần-tông. Vương An- Thạch chỉ là tể tướng, một tể tướng rất yếu. Nhưng ông này vẫn không chịu. Tôi biết ông là một thứ « ông bình vôi, nên cười, rồi cáo từ. - Một người nữa là một bà lớn tuổi phụ trách thắp hương, dâng lễ, tôi tạm gọi là bà thủ-từ. Tôi có cúng một số tiền nhỏ (200 USD) dùng tu bổ đền. 5.2.4. Chi tiết cuộc Bắc phạt, Sử Tống, Việt chép về việc Lý đánh các châu Khâm, Liêm, Ung, Nghi, Dung, Bạch của Tống rất sơ sài, vỏn vẹn có mấy trang. Trong khi hai bộ trên chép rất kỹ, rất chi tiết về trận đánh 18 ải biên giới; trận đánh Khâm, Liêm, Dung, Nghi, Bạch châu; trận đánh viện binh ở Côn-lôn, ở Đại-giáp. 5.3. Hành trạng các tướng, Về chư tướng, sử Việt, Hoa chỉ thấy nói đến Lý Thường-Kiệt, Tôn-Đản và vài giòng về Hoằng-Chân, Chiêu-Văn, Lý Kế-Nguyên, Nguyễn Căn. Người sau muốn biết thêm thì không tìm ra đến một chút chi tiết nhỏ. Thế nhưng tương truyền bấy giờ Việt có 18 tướng trí dũng tuyệt vời, và các phu nhân cũng theo quân giữ nước. Khi 18 tướng tuẫn quốc, các phu nhân cũng tuẫn quốc một lúc. Sau chiến tranh, triều đình lao tưởng, cho lập đền thờ. Vậy thì 18 tướng ấy là ai? Đền thờ ở đâu? Không ai biết. Nhưng trong hai bộ QTNC và TTCTGCK lại chép rất chi tiết về xuất thân của 18 tướng, 18 phu nhân cùng huân công đánh Chiêm, đánh sang Ung, Khâm, Liêm của các ngài; rồi (Quách Quỳ, Triệu Tiết) khoe rằng họ giết được các ngài trong trường hợp nào, đền thờ tại đâu. 6. Thập bát anh hùng giai Phù-Đổng. Căn cứ vào QTNC, TTCTGCK chép, tôi đã tìm ra một điều thú vị vô cùng tận, rồi bật lên tiếng than: Hỡi ơi! Những đền thờ các ngài vẫn còn đó. Huân nghiệp các ngài có chép trong rất nhiều các sách sử Việt-Nam của Quốc-sử quán triều Nguyễn như Đại-Nam nhất thống chí, Bắc thành địa dư chí, hay những cuốn phổ. Nhưng vì tam sao, thất bản đến nỗi chỉ biết đền thờ rất sơ lược, mà không biết rõ tên tuổi sự nghiệp ra sao. Căn cứ vào hai bộ sách trên, tôi đối chiếu với sách Việt, tìm lại rất đầy đủ tên họ, quê quán, huân nghiệp và chỉ rõ đền thờ hiện còn hay mất, ở đâu. Dưới đây là những danh tướng, sử ghi tên, nhưng không đầy đủ, nhất là bỏ sót tên các nữ anh hùng. 6.1. Lý Hoằng-Chân, Chức tước như sau: - Kiểm-hiệu thái-sư, Thượng trụ quốc, Thượng-thư lệnh kiêm trung-thư lệnh, Thăng-long tiết độ-sứ, Tả kim-ngô đại tướng quân, quản Khu-mật viện, Trung-Thành vương. - Vương phi là Nguyễn-thị Trinh-Dung, tước phong Minh-đức, thạc-hòa, chí nhu công chúa. Cả hai vị đều tuẫn quốc trận Kháo-túc. Tượng thờ vương phi Trung-Thành vương Lý Hoằng-Chân, nhũ danh Nguyễn-thị Trinh- Dung. Tước phong của ngài là Minh-đức, Thạc-hòa, Chí-nhu công chúa.Hình chụp tại đền thờ Linh-nhân hoàng Thái-hậu ở xã Dương-xá, huyện Gia-lâm, Hà-nội. 6.2. Lý Chiêu-Văn, Chức tước như sau: - Kiểm-hiệu thái-phó, khai-phủ nghị đồng tam tư, Võ-minh quân tiết độ-sứ, Thượng-thư tả bộc xạ, Đồng-trung thư môn hạ bình chương sự, Phụ-quốc đại tướng quân, Khu-mật viện sứ, Tín-Nghĩa vương. - Vương-phi Lê Ngọc-Nam tước phong Ninh-đức, Trang-duệ, hiếu khang công chúa. Cả hai vị đều tuẫn quốc trận Kháo-túc. 6.3. Bùi Hoàng-Quan, Chức tước như sau: - Thái-tử thiếu-bảo, Phiêu-kị đại tướng quân, Khu-mật viện sứ, Binh-bộ tham-tri, Gia-viễn hầu. - Phu nhân là Trần Ngọc-Huệ tước phong Nhu-mẫn, đoan-duệ, anh-văn công chúa. Cả hai vị đều tuẫn quốc trận Vĩnh-an (Ngọc-sơn). Tượng thờ Nhu-mẫn, đoan-duệ, anh-văn công chúa Trần Ngọc-Huệ 6.4. Dư Phi, Chức tước như sau: - Thái-tử thiếu-sư, Vũ-dực đại-tướng quân, đồng-tri Khu-mật viện, Nam-sơn hầu. Tuẫn quốc trận Đâu-đỉnh (Bắc-sơn). 6.5. Nguyễn Căn, Chức tước như sau: - Quang-lộc đại phu, Trấn-Bắc thượng tướng quân, Tản-viên hầu. - Phu-nhân là Vũ Thanh-Thảo, tước phong Hoà huệ, ninh tĩnh, ôn văn công chúa. Cả hai vị đều tuẫn quốc tại chiến lũy Như-nguyệt. Tượng thờ vương phi của Nhân-võ, Hùng-huân, Trấn-Bắc đại vương Nguyễn Căn, nhũ danh 6.6. Phò-mã Hoàng Kiện, Chức tước như sau: - Phụ-quốc thái-úy, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự, Binh-bộ thượng thư, Kinh-Bắc tiết độ sứ, Uy-viễn đại học sĩ, Khu-mật viện sứ, Sơn-Nam quốc-công. - Vương-phi là công chúa Động-Thiên, con vua Thánh-tông. Cả hai vị đều tuẫn quốc trận Phú-lương. 7. Anh linh thánh Gióng. Trên đã thuật về mười một vị có cấp bộ cao nhất tử trận. Kế tiếp là hai mươi bốn vị ở cấp trung, nhưng chết rất oai hùng. Đó là: Long-biên ngũ hùng và Tây-hồ thất kiệt, gồm mười hai vị, cộng mười hai phu nhân là hai mươi bốn vị. Long-biên ngũ hùng có tên Phạm Dật, Vũ-Quang, Đinh Hoàng-Nghi, Lý Đoan, Trần Ninh. Tây-hồ thất kiệt có tên Trần Di, Dương Minh, Triệu Thu, Mai Cầm, Quách Y, Ngô Ức, Tạ Duy. Sáu tướng, năm phu nhân trên trong sử có nói đên, tôi không cần nhắc lại nữa. Ở đây tôi xin chép tiểu chuyện của 12 tướng có xuất thân rất đặc biệt: Ăn mày, ăn trộm, móc túi, thế rồi nhờ lòng yêu nước mà trở thành anh hùng. Mười hai tướng đó, được vua Lý Thánh-tông phong cho mỹ hiệu là Long-biên ngũ hùng và Tây-hồ thất kiệt. 7.1. Long-biên ngũ hùng. Long-biên ngũ hùng là năm đại tướng quân thời vua Lý Thánh-tông, Lý Nhân-tông. Năm vị có tên là Phạm Dật, Vũ Quang, Đinh Hoàng-Nghi, Lý Đoan, Trần Ninh. Long-biên ngũ hùng đều xuất thân từ chùa Từ-quang ở làng Thổ-lội, huyện Gialâm, lộ Kinh-Bắc, ngày nay là xã Phú-thị, huyện Gia-lâm, Hà-nội. Năm vị đều là con mồ côi, được sư Viên-Chiếu đem về nuôi dạy. Cả năm đều chịu nhiều thăng trầm thời thơ ấu với Linh-Nhân hoàng thái hậu (Tức Ỷ-Lan thần phi nhũ danh Yến-Loan); được bà nhận làm em nuôi. Sau cả năm được Khai-Quốc vương thu làm đệ tử. Năm vị học văn, luyện võ đều thành. Năm vị thu nhận một số thiếu niên đồng tuổi, rồi luyện võ, dạy bắn cung cho họ, lập thành đội Thần-tiễn Long-biên khoảng 500 người. Mỗi tráng sĩ trong đội Thần-tiễn đều có thể bắn trúng chim đang bay. Vua Thánh-tông ban cho năm vị mỹ hiệu là Longbiên ngũ hùng. Năm 1069, Long-biên ngũ hùng mang đội Thần-tiễn tùng chinh đánh Chiêm, được đặt dưới quyền chỉ-huy của Trung-Thành vương Lý Hoằng-Chân. Trong trận đánh Vọng-hương có hai thiếu nữ Việt-kiều tên Lê Kim-Loan, Võ Kim- Liên cảm tài đức, kết bạn với năm ngài, xin theo trong quân làm thông dịch và dẫn đạo. Kim-Loan kết bạn thanh mai trúc nhã với Phạm Dật; Kim-Liên với Vũ Quang. Sau chiến thắng Vọng-hương, Vọng-giang, Tư-dung, Long-biên ngũ hùng được lệnh trợ chiến cho Tín-Nghĩa vương Lý Chiêu-Văn ở mặt trận Nam-giới. Trong trận đánh Bố-chánh, năm ngài gặp thêm hai thiếu nữ Việt-kiều tên Trần Ngọc-Liên, Trần Ngọc- Hương kết bạn, xin theo trong quân làm thông dịch viên và dẫn đường. Ngọc-Liên kết bạn thanh mai trúc nhã với Lý Đoan; Ngọc-Hương với Trần Ninh. Riêng Đinh Hoàng-Nghi gặp một thiếu nữ Chàm là tù nhân, tên Câu-thi Lị-ha-thân Bài-ma-la Nang Chang-Lan (Sri Varman Nangchanglan). Suốt trận chiến, Long-biên ngũ hùng cùng bốn người bạn gái lập đại công trong trận Vọng-hương, Vọng-giang, Tư-dung, Ma-linh, Địa-lý, Nam-giới, Nhậtlệ, Đồ-bàn, Phong-sa-trang. Chiến thắng trở về, Ỷ-Lan thần-phi làm lễ cưới cho Long-biên tứ hùng với bốn thiếu nữ. Riêng Đinh Hoàng-Nghi với thiếu nữ Chàm, vì kẻ Việt người Chàm, rồi có chuyện hiểu lầm sinh duyên tình trắc trở, Chang-Lan bỏ đi tu, khiến ngài ôm mối hận tình suốt đời. Ngài được Ỷ-Lan thần phi hỏi một thiếu nữ văn võ kiêm toàn, nhan sắc diễm lệ con gái đô-đốc Trầm Lâm tên Trần Phương-Quỳnh cho. Khi phong công thần bình Chiêm, Long-biên ngũ hùng đều được phong tước Bá, giữ chức Đô-thống, mỗi vị chỉ huy một hiệu Thiên-tử binh. Bốn vị phu nhân được phong nhất phẩm phu nhân. Năm 1075, Đại-Việt đem quân đánh Ung, Khâm, Liêm, Dung, Nghi, Bạch châu bên Tống, Long-biên ngũ hùng cùng các phu-nhân được đặt dưới quyền chỉ huy của Longthành ẩn-sĩ Tôn Đản, và phu nhân Ngô Cẩm-Thi. Năm vị lập huân công lớn, đánh chiếm 18 ải biên giới, rồi tiến lên vây Ung-châu. Khi Tống sai năm danh tướng từ Kinh Hồ giải vây Ung-châu. Năm ngài được lệnh mang quân đánh viện ở Hỏa-giáp, Đại-giáp, Ngọctuyền, phá tan năm đạo binh, giết năm tướng. Năm ngài đánh những trận rung động Trungquốc, khiến các tướng Tống đặt cho mỹ danh là Giao-chỉ ngũ kiêu (năm con cú của đất Giao-chỉ). Chiến thắng trở về cả năm được phong chức thượng tướng quân, tước hầu. Các phu nhân đều được phong quận chúa. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết, Tu Kỷ, Yên Đạt đem quân đánh Đại-Việt, Long-biên ngũ hùng cùng năm phu nhân tử chiến, và đều tuẫn quốc. Cả năm được phong tước đại vương, các vị phu-nhân được phong công chúa, lập đền thờ. Trải qua bao thỏ lặn, ác tà của nghìn năm, ngày nay tôi còn tìm được bốn đền thờ của các ngài Phạm Dật, Vũ Quang, Lý Đoan, Trần Ninh. Dân chúng vẫn hương khói thờ cúng vào dịp giỗ các ngài hay ngày sóc ngày vọng. Còn đền thờ ngài Đinh Hoàng-Nghi ở Ninh-bình thì không tìm được dấu vết. Có tài liệu nói rằng ngài là con cháu vua Đinh, nên đương thời Linh-Nhân hoàng thái hậu truyền tu bổ đền thờ vua Đinh, rồi ngài được phối thờ. Tôi đã hành hương đền thờ vua Đinh, nay ở thị-xã Ninh-bình; thì chỉ thấy tượng, bài vị thờ vua Đinh Tiên-hoàng, Việtvương Đinh-Liễn, thái-tử Hạng-Lang, Vệ-vương Đinh-Toàn. Còn bài vị thờ ngài thì không thấy, nên tôi không tin thuyết này. Dưới đây là tiểu chuyện các ngài. 7.1.1. Phạm-Dật (1049-1077) Tên thực là Lê Dương-Thịnh, quán làng Đông-cứu, huyện Gia-lương, tỉnh Hà-Bắc. Vì mắt ngài hơi lé, nên bạn hữu gọi đùa ngài là Dật-lé. Phụ-thân là Lê Dương-Thái, mẫu thân là Đặng-thị Nhạn. Song thân ngài vốn là tá điền, chẳng may gặp năm mất mùa, không đủ lúa nộp tô cho chủ điền, ông phải làm lực điền cho chủ kiếm ăn. Bà thì đi ở, còn ngài thì được sư Viên-Chiếu nhận làm học trò, nuôi cho ăn học cùng với bốn người bạn là Vũ Quang, Đinh Hoàng-Nghi, Lý Đoan, Trần Ninh. Vì tức giận chủ điền hành hạ cha mẹ, một đêm ngài lẻn đến nhà y, cầm dao giết cả hai vợ chồng ác nhân, rồi cải tên là Phạm Dật, trốn lên Thăng-long ăn mày. Sau ngài được Khai-Quốc vương thu làm đệ tử; ngài học văn rất uyên bác, làu thông kinh-sử, giỏi võ-nghệ. Năm 1069, ngài theo vua Lý Thánh-Tông bình Chiêm. Ngài được đặt dưới quyền của Trung-Thành vương Lý Hoằng-Chân. Trong trận đánh Vọng-hương ngài gặp một Việt kiều tên Lê Kim-Loan, tình bạn thanh mai trúc nhã sinh ra. Hai vị hợp sức đánh giặc, lập đại công trong các trận Vọng-hương, Vọng-giang, Tư-dung, Nam-giới, Nhật-lệ, Đồ-bàn, Phong-sa-trang. Sau khi chiến thắng trở về ngài được phong tước Bá, giữ chức Đô-thống chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Ngự-long; bà được Khai-Quốc vương nhận làm con nuôi, được phong nhất phẩm-phu nhân. Năm 1075, Đại-Việt đem quân đánh sang châu Ung, Liêm, Khâm bên Tống, hai ngài được đặt thuộc quyền chỉ huy của Thái-tử thiếu bảo, Quảng-nguyên hầu, Phiêu-kị đại tướng quân Lưu-Kỷ, phụ trách đánh các ải Thái-bình, Hoành-sơn, Ôn-nhuận, Quy-hóa. Các tướng Tống như Giám-áp trại Quách Vĩnh-Nghiêm, Quản-hạt Ngũ Cử, Trấn Nam tướng quân Thái Bằng; kẻ bị ngài đánh bại, kẻ bị bắt làm tù binh, người bị giết. Có lần đóng quân ở làng An-cư, sai quân giúp dân khẩn hoang, trừ ác thú. Sau đó ngài được lệnh Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản và phu-nhân Ngô Cẩm-Thi tiến lên đánh Ung-châu, rồi đem quân chặn viện binh Tống, giết năm tướng Tống. Chính ngài cùng phu nhân đã cùng với Đô-thống Trần Ninh và phu nhân đồng chế ra loại Lôi-tiễn, gây kinh hoàng cho quân Tống. Sau chiến thắng, triều đình nghị công tâu lên; Linh-Nhân hoàng thái hậu (Ỷ-Lan) phong ngài là Long-nhương thượng quân, tước Thiện-Tâm hầu. Bà được phong Thiên-ân Nhu-mẫn quận-chúa. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết, Tu Kỷ, Yên Đạt đem quân sang đánh Đại-Việt. Hai ngài phụ trách giữ phòng tuyến cuối cùng bảo vệ Thăng-long. Chiến lũy Như-nguyệt bị phá, quân Tống tràn về Thăng-long như nước vỡ bờ. Hai ngài chỉ huy hiệu binh Ngư-long dưới quyền chỉ huy của công chúa Thiên Ninh, đánh bật quân Tống về Bắc Như-nguyệt. Cuối trận đánh cả hai ngài đều tuẫn quốc. Triều đình truy phong ngài là Long-biên, Vũliệt, Chiêu-thắng đại vương, bà được phong Thiên-ân, Nhu-mẫn, Hồng-đức công chúa; truyền lập đền thờ ở đình xã An-cư tục gọi là làng Gờ, tổng Đông-bối, huyện Linh-giang, nay là huyện Linh-thanh, tỉnh Hải-hưng. Tài liệu ghi chép. Việt-Nam, Hải-dương tỉnh thần tích. Trung-quốc: a/. Quách-thị Nam-chinh, Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký, Tống-triều công thần bi ký, Ung-châu kỷ-sự, Quảng-Tây địa dư ký, Quảng-Tây chư thần ký, Hy-Ninh hận sự bi ký, Thần-tích Hoả-giáp ngũ đại vương từ, b/. Thái-bình phong vật chí, Hoành-sơn sơn xuyên phong vực, Ôn-nhuận sự tích, Quý-hóa địa dư chí. 7.1.2. Vũ Quang (1050-1077) Tên thực là Vũ Thành, bản tính ngài hiền hậu, nhưng rất can đảm. Hồi thơ ấu các bạn gọi đùa ngài là Quang con gái. Phụ thân ngài tên Vũ An, thân mẫu tên Trần-thị Nữ. Phụ thân ngài mất khi ngài mới bẩy tuổi. Mẫu thân không có tiền chôn cất phải vay tiền của một phú gia. Vì không trả được nợ, bà phải làm lẽ phú gia để trừ nợ. Nhưng ông nhà giầu chỉ thích mẹ, mà không ưa con, nên đánh đập ngài hoài. Sư Viên-Chiếu làng Thổ-lội (nay là Phú-thị, huyện Gia-lâm, Hà-nội) đem ngài về nuôi dạy cùng bốn người bạn là Phạm Dật, Đinh Hoàng-Nghi, Lý Đoan, Trần Ninh. Ngài lầu thông binh pháp, giỏi võ nghệ. Sau được Khai-Quốc vương nhận làm đệ tử. Năm 1069, Đại-Việt đem quân bình Chiêm, ngài được vua Thánh-tông cho tòng chinh. Ngài được đặt dưới quyền Trung-Thành vương Lý Hoằng-Chân. Trong trận đánh Vọng-hương, ngài gặp một Việt kiều tên Võ Kim-Liên, con gái danh-y Võ Thương. Tình bạn thanh mai trúc nhã sinh ra. Hai ngài cùng sát cánh trong các trận đánh Vọng-hương, Vọng-giang, Tư-dung, Nam-giới, Nhật-lệ, Đồ-bàn, Phong-sa-trang; lập đại công. Thắng Chiêm, ngài được phong tước Bá, giữ chức Đô-thống, chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Quảngthánh. Bà được phong nhất phẩm phu nhân. Năm 1075, Đại-Việt đem quân đánh sang châu Ung, Liêm, Khâm, Dung, Nghi, Bạch châu bên Tống. Hai ngài được đặt thuộc quyền Thái-tử thiếu bảo, Môn-châu hầu, Trấn Bắc thượng tướng quân Hoàng Kim-Mãn, phụ trách đánh ải Vĩnh-bình. Tướng trấn thủ Vĩnh-bình là Tô Tá bị ngài bắt sống. Sau khi chiếm Vĩnh-bình, hai ngài được lệnh Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản, đem quân tiến về Ung-châu. Trong trận Ung-châu, hai ngài phụ trách đem hiệu Thiên-tử binh Quảng-thánh chặn viện quân đến từ Quế-châu. Hết giặc trở về, triều đình nghị công, tâu lên; Linh-Nhân hoàng thái hậu (Ỷ-Lan) phong ngài là Hổuy thượng tướng quân, tước Thành-Tâm hầu, bà được Trang-hòa, Thiên-đức quận chúa. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết, Yên Đạt, Tu Kỷ đem quân đánh sang Đại-Việt, vượt sông Như-nguyệt sắp tới Thăng-long. Hai ngài đem quân đánh cảm tử chặn giặc. Bị chém một đao gần đứt cổ, ngài ôm đầu chạy về đến xã A-hộ, huyện Lục-ngạn, trấn Kinh-Bắc; gặp một người đàn bà, ngài hỏi trong cơn mê loạn: Đầu bị chém có sống được không? Người đàn bà đáp: E không sống được. Ngài buông kiếm, buông đầu, ngã ngựa, tuẫn quốc. Phu-nhân chỉ huy hậu quân rút về đến nơi, thấy ngài chết rồi, cũng rút kiếm tự tử theo. Sau khi hết giặc, triều đình truy phong ngài là Tri-tôn đầu thượng tướng quân, quả cảm Hùng-vĩ đại vương. Phu nhân được phong Trang-hòa, Thiên-đức, Trinh-tĩnh côngchúa, truyền lập đền thờ. Hiện đền thờ hai ngài vẫn còn, mang tên đền Bảo-linh, ở xã Ahộ, huyện Lục-ngạn, nay là xã Biện-sơn, huyện Lục-ngạn, tỉnh Hà-Bắc. Trên đây tôi thuật theo Quách-thị Nam-chinh, Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký và Tống-triều bi thần ký. Còn Lục-Nam địa dư chí chép rằng ngài được vua Lý gả công chúa cho. Khi công chúa nghe tin ngài tuẫn quốc, thì tự tử theo. Tài-liệu ghi chép. Việt-Nam, Lục-Nam địa chí. Trung-quốc: a/. Xem Phạm-Dật . b/. Vĩnh-bình sơn xuyên phong vực chí, Vĩnh-bình chư thần chí. 7.1.3. Đinh Hoàng-Nghi (1051-1077) Ngài con của Tể-tướng Đinh Nho-Quan triều đình Đại-Nam (Nùng Trí-Cao), thân mẫu là Dương Hồng-Hạnh. Hồi còn niên thiếu, người ngài hơi thấp, nên bạn bè gọi đùa là Nghi-lùn. Trong trận đánh cuối cùng ở Côn-luân phố giữa quân Tống với quân Đại-Nam. Đại-Nam bị bại, bà Hồng-Hạnh tuẫn quốc. Đinh Nho-Quan lưng đeo con trai duy nhất phá vòng vây, chạy về làng Thổ-lội. Nho-Quan được sư Viên-Chiếu chữa trị. Sau khi vết thương lành, Nho-Quan trao đứa con nhờ Viên-Chiếu giữ dùm, để đi cứu bạn hữu. Viên- Chiếu đặt cho đứa trẻ đó cái tên Hoàng-Nghi, ngài nuôi dạy cùng bốn trẻ khác là Phạm Dật, Vũ Quang, Lý Đoan, Trần Ninh. Lớn lên Hoàng-Nghi được Khai-Quốc vương thu làm đệ tử. Ngài học một biết mười, lầu thông kinh, sử, tử tập, võ nghệ cao cường, mưu thần chước thánh. Năm 1069, vua Lý Thánh-tông bình Chiêm, ngài được tùng chinh, đặt đưới quyền Trung-Thành vương. Sau khi thắng trận Vọng-hương, Vọng-giang, Tư-dung, ngài được lệnh trợ chiến Tín-Nghĩa vương Lý Chiêu-Văn ở Nam-giới để đánh Bố-chánh. Trong trận này ngài gặp một cô gái Chàm mang tên Câu-thi Lị-ha-thân Bài-ma-la Nangchang-Lan (Sri Varman Nangchanglan) kết bạn thanh-mai trúc nhã. Vì ngài lập đại công trong các trận Vọng-hương, Vọng-giang, Tư-dung, Nam-giới, Nhật-lệ, Đồ-bàn, Phong-sa-trang, ; chiến thắng trở về ngài được phong tước Bá, lĩnh chức Đô-thống, chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Quảng-vũ. Vì vấn đề kẻ Việt, người Chàm, rồi sinh hiểu lầm đưa đến Chang-Lan bỏ đi tu, làm ngài ôm hận suốt đời. Ngài được Ỷ-Lan thần phi hỏi cho một tiểu-thư sắc nước hương trời con gái đô-đốc Trần Lâm tên Phương-Quỳnh. Năm 1075, Đại-Việt đem quân đánh Ung, Liêm, Khâm châu bên Tống. Ngài được đặt thuộc quyền của Thái-tử thái phó, Trấn-võ thượng tướng quân, Tô-mậu hầu Vi Thủ- An. Ngài cùng phu nhân phụ trách đánh ải Cổ-vạn. Các tướng Tống như Tả-lãnh vệ đại tướng quân Chu-Am, Bát-tác sứ Toàn-Hưng, Chiêu-thảo sứ Nùng Hiệp-Thành, bị hai ngài giết chết. Hạ ải xong, ngài đem quân chặn đánh viện quân giặc từ Khâm-châu tiến về cứu Tây-bình, Cổ-vạn, rồi tiến về vây Ung-châu. Tiếp theo, Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản giao cho hai ngài đem quân trấn ở đỉnh Hỏa-giáp, đánh viện binh Tống tiếp cứu Ung-Liêm. Sau chiến thắng, triều đình nghị công tâu lên, Linh-Nhân hoàng thái hâu phong ngài là Quán quân thượng tướng quân, tước Chính-Tâm hầu. Phu nhân được phong Tuyên-đức, Thạc-hòa quận chúa. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết, Tu Kỷ, Yên Đạt đem quân đánh Đại-Việt, ngài cùng phu nhân trấn tại Chi-lăng, khiến quân Tống không tiến được, phải đi vòng sang vùng Tam-đảo. Khi quân Tống tiến đến Như-nguyệt, quân của ngài mất đường về. Ngài cùng phu nhân rút vào rừng kháng chiến đánh tập hậu. Nhận lệnh phò mã Thân Cảnh-Long, ngài cùng phu nhân vượt biên đánh cảm tử, đốt lương quân Tống ở Liêm-châu. Cả hai ngài đều tuẫn quốc trận này. Quách thị Nam-chinh chép thêm rằng: Khi ngài và phu nhân tuẫn quốc, chính Nang-chang-Lan bí mật đem xác về Trường-yên (Ninh-bình) chôn trong một ngôi chùa, không rõ chùa nào? Hết giặc, triều đình phong ngài là Hiển-uy, Trung-nghĩa, Duệ mưu đại vương phu nhân được phong Nghi-hòa, Tuyên-đức, Trang-duệ công chúa truyền lập đến thờ ở vùng Nho-quan, Trường-yên, ngày nay là Ninh-bình. Chúng tôi không tìm ra di tích đền này. Triệu thị chinh tiễu Giao-chỉ ký chép thêm rằng ngài được Linh-Nhân hoàng thái hậu yêu thương như con. Khi ngài tuẫn quốc, thái-hậu khóc đến bỏ ăn bỏ ngủ. Một hôm ngài hiện về trong giấc mộng nói với Hậu rằng: Ngài không phải là người thường, tiền thân ngài là con của Lạc-long quân vâng lệnh Ngọc-Hoàng thượng đế đầu thai làm Việtvương Đinh Liễn đánh 12 sứ quân. Nay lại đầu thai đánh Tống. Vì vậy Linh-Nhân hoàng thái hậu sai tu sửa đền thờ vua Đinh ở Trường-yên, trong đền thờ cả Việt-vương Đinh Liễn, tức là ngài. Đền nay vẫn còn ở thị-xã Ninh-bình. Tôi không mấy tin thuyết này. Tài-liệu Việt-Nam: không. Trung-quốc: a/. Xem Phạm-Dật ở trên . b/. Khâm-châu địa dư chí, Hổ-môn chư thần ký, Cổ-vạn sơn xuyê cương vực ký. 7.1.4. Lý Đoan (1051-1077) Ngài tên thực là Lê Phúc, thân phụ tên Lê Mậu, thân mẫu tên Trần-thị Nương. Nguyên ông Lê Mậu là thợ rèn, ứng nghĩa tòng quân, được xung vào đạo Thiên-tử binh Đằng-hải. Trong cuộc khởi binh của Nùng Trí-Cao, tướng Lý Nhân-Nghĩa được lệnh Khai- Quốc vương đem quân giúp Trí-Cao, vượt biên đánh trại Như-hồng, ông tử trận. Triều đình phủ tuất ruộng cho bà Nương nuôi con. Ngài được ban quốc tính Lý. Mấy năm sau bà Nương chết, làng giao ruộng cho sư Viên-Chiếu trông coi nuôi dạy ngài cùng với Phạm Dật, Vũ Quang, Đinh Hoàng-Nghi, Trần Ninh. Ngài rất giỏi y lý, nhưng bạn hữu gọi đùa ngài là lang-băm. Sau ngài trở thành thầy thuốc danh tiếng. Ngài lại được Khai-Quốc vương thu làm đệ tử. Năm 1069, ngài theo vua Lý Thánh-Tông bình Chiêm, đặt trực thuộc Trung-Thành vương Lý Hoằng-Chân. Sau khi đánh chiếm Vọng-hương, Vọng-giang, Tư-dung, ngài được lệnh trợ chiến cho Tín-Nghĩa vương Lý-Chiêu-Văn đánh Bố-chánh. Trong trận này ngài gặp một thiếu-nữ Việt kiều tên Trần Ngọc-Liên. Hai vị kết bạn thanh-mai trúc nhã, sát cánh đánh giặc lập đại công trong các trận Bố-chánh, Nhật-lệ, Đồ-bàn, Phong-sa-trang. Khải hoàn, ngài được phong tước Bá, giữ chức Đô-thống chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Bổngnhật, phu nhân được phong Liên-hương, Nhu-mẫn quận chúa. Năm 1075, Đại-Việt đem quân đánh Ung, Liêm, Khâm, Dung, Nghi, Bạch của Tống; hai ngài được đặt thuộc quyền chỉ huy của Kiểm-hiệu tư-không, Thượng-thư hữu bộc-xạ, Khu-mật viện sứ, Phụ-quốc đại tướng quân, Nghĩa-dũng quốc công tức phò-mã Thân Cảnh-Long. Hai ngài được trao nhiệm vụ đánh ải Tây-bình. Tây-bình bị hạ, tướng trấn thủ là Chiêu-thảo-sứ Nùng Toàn-An bỏ chạy, Trấn-viễn đại tướng quân Lưu Khải bị bắt. Tiếp theo hai ngài được lệnh Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản, đem hiệu Thiên-tử binh Bổng-nhật vây Ung-châu, chặn đánh viện binh Tống ở núi Hỏa-giáp. Sau trận này ngài có đề nghị với nguyên-soái Lý Thường-Kiệt nên đem quân vượt Ngũ-lĩnh chiếm Trường-sa, nhưng không được chấp thuận. Chiến-thắng trở về, triều đình nghị công tâu lên, Linh-Nhân hoàng thái hậu (Ỷ-Lan) phong cho ngài chức Hoài-hóa thượng tướng quân, tước Trực-Tâm hầu. Phu nhân được phong Thiên-y, Đại-từ quận chúa. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết, Yên Đạt, Tu Kỷ mang quân sang đánh Đại-Việt, hai ngài được lệnh trấn vòng đai thứ ba, tại Yên-dũng, bảo vệ Thăng-long. Khi danh tướng Yên Đạt, Khúc Chẩn, phá vỡ chiến lũy Phú-lương, công chúa Động Thiên, phò mã Hoàng Kiện tuẫn quốc. Quân Tống như nước vỡ bờ tấn công Yên-dũng. Ngài cùng phu nhân dùng Ngư-binh đánh tan quân Tống, chiếm lại chiến lũy Phú-lương. Trong trận đánh, dù bị thương, hai ngài vẫn cương quyết chiến đấu. Đạt thắng lợi, hai ngài mới tuẫn quốc. Hết giặc, ngài được phong Thiên-y, Ưu-dũng, Chí-nhân đại-vương. Phu nhân được phong Nam-thiên, Liên-hoa, Đoan-nhu công-chúa. Truyền lập đền thờ. Đền thờ hai ngài ở làng Cẩm-chàng, xã Bồng-lai, huyện Quế-dương nay là huyện Quế-võ tỉnh Hà-Bắc. Tài liệu Việt-Nam, Bắc-ninh tỉnh thần chí. Trung-quốc, a/. Xem Phạm-Dật ở trên. b/. Tây-bình chư thần chí, Tây-bình sơn xuyên cương vực chí. 7.1.5. Trần Ninh (1052-1077) Thời niên thiếu, da ngài hơi đen, nên bạn hữu gọi đùa là Ninh-đen hay Ninh Mai Hắc-đế. Thân-phụ tên Trần Công-Bình, thân mẫu tên Lưu Tuệ-Trinh, quán làng An-mỹ, tổng Dương-quang, huyện Gia-lâm, lộ Kinh-Bắc. Ông Trần Công-Bình nguyên giữ chức thủ-bạ ở làng Thổ-lội. Trong một lần đi qua bờ sông Nguyệt-đức (sông Cầu), đêm bà mơ thấy một vị sứ giả của Ngọc-Hoàng thượng đế giáng xuống nói rằng : Vợ chồng nhà ngươi ăn ở phúc đức, nên Ngọc-Hoàng truyền cho con trai thứ chín của Lạc-Long quân giáng sinh làm con; sau sẽ làm đại tướng trấn thủ Nam-phương. Trở về bà mang thai, đẻ ra ngài. Khi ngài mới bẩy tuổi, thì song thân đều qua đời. Sư Viên-Chiếu đem về làng Thổ-lội nuôi dạy cùng với Phạm Dật, Vũ Quang, Đinh Hoàng-Nghi, Lý Đoan. Lớn lên ngài được Khai- Quốc vương thu làm đệ tử. Ngài học văn, luyện võ đều thành. Ngài có biệt tài leo cây nhanh như vượn, lặn dưới nước như cá. Trong lần bình Chiêm (1069), vua Lý Thánh-tông cho ngài tùng chinh, đặt dưới quyền Trung-Thành vương Lý Hoằng-Chân. Sau khi lập công trong trận Vọng-hương, Vọng-giang, Tư-dung, ngài được gửi đến trợ chiến cho Tín-Nghĩa vương Chiêu-văn ở trận Nam-giới. Tại trận đánh Bố-chánh ngài gặp một thiếu nữ Việt-kiều tên Trần Ngọc-Hương. Hai ngài kết bạn thanh mai trúc nhã, cùng sát cánh đánh giặc. Hai ngài đã lập đại công trong trận Nam-giới, Nhật-lệ, Đồ-bàn, Phong-sa-trang. Chiến thắng trở về, ngài được phong tước Bá, giữ chức Đô-thống chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Đằng-hải. Bà được phong nhất phẩm phu nhân. Năm 1075, Đại-Việt đem quân đánh Tống, chiếm châu Khâm, Liêm, phá châu Ung, Dung, Nghi, Bạch; hai ngài với hiệu Thiên-tử binh Đằng-hải được đặt thuộc quyền chỉ huy của Kiểm-hiệu tư không, Thượng-thư hữu bộc xạ, Khu-mật viện sứ, Phụ-quốc đại tướng quân, Nghiã-dũng quốc công tức phò mã Thân Cảnh-Long. Hai ngài có nhiệm vụ đánh ải Lộc-châu. Lộc-châu bị phá, tướng trấn thủ là Chiêu-thảo sứ Nùng Tông-Đán bỏ chạy. Tiếp theo, ngài nhận lệnh Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản, mang quân tiến về đánh Ungchâu, rồi đem quân chặn đánh viện binh ở núi Đại-giáp. Chiến thắng trở về, triều đình nghị công, tâu lên; Linh-Nhân hoàng thái hậu phong cho ngài lĩnh ấn Vân-ma thượng tướng quân tước Nhu-Tâm hầu. Phu-nhân được phong Thiên-hương, Thuần-mẫn quận chúa. Khi Quách Qùy, Triệu Tiết, Yên Đạt, Tu Kỷ đem quân đánh Đại-Việt. Hai ngài theo Trung-Thành vương Lý Hoằng-Chân, Tín-Nghĩa vương Lý Chiêu-Văn đánh trận Kháo-túc. Cả hai ngài đều tuẫn quốc. Hết giặc, triều đình phong ngài là Anh-duệ, Chiêuthắng, Trung-liệt, Nguyệt-đức Long-vương. Phu nhân được phong Trang-duệ, Thuần-mẫn, Thiên-hương công chúa; truyền lập đền thờ ở bờ sông Nguyệt-đức, thuộc hai xã Chân-hộ, Hộ-trung huyện Yên-phong tỉnh Bắc-ninh, nay là tỉnh Hà-Bắc. Trên đây tôi thuật theo Quách-thị Nam chinh, Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký và Tống triều công thần bi ký. Còn tài liệu Việt thì chép giản dị rằng: Đền bên sông Nguyệtđức xã Chân-hộ, Hộ-trung huyện Yên-phong tỉnh Bắc-ninh thờ Thủy-thần thủy tộc Longvương. Nguyên thần là con Lạc-Long quân. Đền còn thờ hai vị thần nữa là Hoàng-Hà đoan khiết phu nhân, và Tam-giang công chúa. Tài liệu Việt-Nam, Đại-Việt địa dư chí, Bắc-ninh tỉnh địa dư, Bắc-thành địa dư chí lục, Đại-Nam nhất thống chí, Bắc-ninh toàn tỉnh địa dư chí. Trung-quốc, a/. Xem Phạm-Dật ở trên. b/. Lộc-châu sự tích, Lộc-châu cương vực chí. 7.2. Tây-hồ thất kiệt Tây-hồ thất kiệt là bẩy đại-tướng quân thời vua Lý Thánh-tông, Lý Nhân-tông. Vì hoàn cảnh nhà nghèo khó, cả bẩy vị đều sống lang thang ở Thăng-long; khi thì quét nhà, rửa chén cho những tửu lầu ở đế đô; khi thì làm mướn cho ngư-dân quanh sông Hồng, hồ Tây. Có lúc nghèo túng quá, cả bẩy vị đều đi ăn mày, móc túi, ăn cắp vặt. Duyên may đến, bẩy vị được Minh-Không bồ-tát thu làm đệ tử, rồi đem gửi cho hoàng-tử Lý Chiêu- Văn nuôi. Hoàng-tử Chiêu-Văn là con trai Khai-Quốc vương. Một dịp may đến nữa bẩy vị lại được Khai-Quốc vương thu làm đệ tử. Về văn, các ngài chỉ học đủ đọc sách, nhưng về võ, các ngài luyện tập được bản lĩnh tối cao. Trong thời gian ở hồ Tây, bẩy ngài luyện được phép lặn dưới nước như giao-long. Một cơ duyên khác, bẩy vị gặp một thiếu nữ tên Lê-thị Yến-Loan, được nhận làm em nuôi. Khi Yến-Loan được phong làm Ỷ-Lan phu nhân, bà đem tài bẩy ngài tâu lên vua. Vua ban cho mỹ hiệu là Tây-hồ thất kiệt. Bẩy ngài là những người đầu tiên chế ra bánh tôm. Sau này mang tên bánh tôm Tây-hồ, mà bất cứ người Việt nào cũng từng nếm qua. Nơi mà thời thơ ấu, năm ngài lưu ngụ ăn mày, nay nằm khoảng từ đền Trấn-vũ tới đê Yên-phụ. Thời gian này Tây-hồ thất kiệt thu dụng 500 thiếu niên cùng khổ, ăn mày, đem về nuôi dạy, khiến cho họ có bản lĩnh bơi lội dưới nước như rái cá, rất giỏi thủy chiến, được vua Thánh-Tông ban cho mỹ hiệu Giao-long Tây-hồ. Năm 1069, cả bẩy ngài với đội Giao-long Tây-hồ đều theo vua Lý Thánh-tông bình Chiêm; từng lập công lớn trong trận Nam-giới, Nhật-lệ, Thi-nại, Pandurango. Khải-hoàn trở về cả bẩy ngài đều được phong tước Bá, giữ chức Đô-thống. Mỗi ngài chỉ huy một hiệu Thiên-tử binh. Ỷ-Lan thần-phi cưới cho bẩy ngài bẩy tiểu thư văn-võ toàn tài, đệ tử của Lý Thường-Kiệt, để phu thê có thể cùng nhau phò tá xã-tắc. Năm 1075, trong cuộc vượt biên đánh sang châu Ung, Liêm, Khâm, Dung, Nghi, Bạch bên Tống; bẩy ngài lập công lớn. Trở về, bẩy ngài đều được phong đại-tướng quân, tước hầu. Bẩy phu-nhân được phong quận-chúa. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết, Tu Kỷ, Yên Đạt mang quân sang đánh Đại-Việt. Bẩy ngài cùng bẩy quận-chúa đánh những trận kinh thiên động địa, nên trong Quách-thị Nam chinh, người Tống gọi bẩy ngài là Giao-long thất quái. Trong Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký gọi bẩy ngài là Giao-chỉ thất long. Bẩy ngài và bẩy phu nhân đều tuẫn quốc trong cuộc kháng Tống. Sau khi hết giặc, triều đình truy phong bẩy ngài tước đại-vương, các phu-nhân được phong tước quận chúa, truyền lập đền thờ. Trải qua nghìn năm, ngày nay đền thờ các ngài vẫn còn, dân chúng vẫn hương khói vào ngày giỗ, ngày sóc, ngày vọng. Dưới đây là tiểu chuyện các ngài: 7.2.1. Trần-Di (1051-1077) Thủa niên thiếu dáng người ngài gầy, mà cao, nên còn có tên là Di-sậy. Phụ thân tên là Nguyễn Giang-Hồng, mẫu thân tên Trần-thị Yến. Ông bà làm nghề đánh cá ở xã Mộ-đạo, huyện Vũ-tiên, phủ Kiến-xương. Nay là huyện Vũ-thư, tỉnh Thái-bình. Ông bà ngoại của ngài không có con trai, nên nuôi ngài như con. Vì vậy ngài mang họ Trần. Năm ngài lên tám tuổi, song thân đi đánh cá, gặp bão thuyền lật, cả hai đều qua đời. Ngài lưu lạc theo thuyền buôn lên Thăng-long. Tại Thăng-long ngài gặp sáu người đồng cảnh mồ côi, kết bạn với nhau, sau vua Lý Thánh-tông ban cho bẩy ngài mỹ hiệu là Tây-hồ thất kiệt. Tương truyền Tây-hồ thất kiệt có tài lặn dưới nước hàng giờ, hai tay không bắt được cá, và chạy nhanh hơn ngựa. Ngài lớn tuổi nhất trong Tây-hồ tất kiệt. Trong cuộc bình Chiêm năm 1069, Tây-hồ thất kiệt lập công lớn ở trận Nam-giới, Nhật-lệ, Pandurango. Trở về, ngài được phong tước Bá, giữ chức Đô-thống, chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Vũ-thắng. Ỷ-Lan thần phi cưới cho ngài một tiểu-thư sắc nước hương trời, văn võ kiêm toàn tên là Bùi Phương-Lý, cháu của quan Văn-minh điện đại-học sĩ Bùi Hựu. Trong cuộc Bắc phạt năm 1075, ngài cùng phu-nhân chỉ huy hiệu Vũ-thắng, phụ trách đánh ải Thiên-long. Đây là ải kiên cố nhất, quân phòng thủ cũng tinh nhuệ nhất. Hai ngài phải đánh hai ngày mới hạ được, tướng trấn thủ là Giám-áp Phong Hiển bị bắt. Sau khi hạ Thiên-long, hai ngài được lệnh đánh Nghi-châu. Nghi-châu bị hạ trong năm ngày. Tín-Nghĩa vương lại ra lệnh cho hai ngài đem quân tiến về đánh Ung-châu. Chiến thắng trở về, ngài được phong chức Quy-đức đại tướng quân, tước Hư-Tâm hầu. Vì phu-nhân có theo trong quân trợ chiến, nên được phong nhất phẩm phu nhân. Khi Quách Qùy, Triệu Tiết, Yên Đạt, Tu Kỷ đem quân sang đánh Đại-Việt. Ngài được lệnh trấn ở phòng tuyến Vạn-xuân. Quách-Quỳ dùng cách đánh biển người. Ngài cùng phu nhân tuẫn quốc. Sau khi hết giặc, triều đình truy phong ngài là Nhân-dũng, Tráng tiết, Thần oai, Thủy-tế Long-vương, phu nhân được phong Hoà-thạc, Chí nhu, uyển mị Đông-hải công chúa, truyền lập đễn thờ tại quê ngài. Trải qua nghìn năm mưa nắng, biết bao lớp sóng phế hưng, ngày nay đền thờ ngài vẫn còn tại xã Mộ-đạo, huyện Vũ-thư, tỉnh Thái-bình. Trên đây tôi thuật theo bộ Quách-thị Nam chinh và bộ Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký, Quảng-Tây địa dư chí, và một số bia đá, mộ chí của các tướng Tống. Trong khi tập Ngọc-phả cổ lục của Việt-Nam chép rằng: Ngài có tên chàng Hai, cha mẹ làm nghề đánh cá. Một hôm bà bị giao-long nổi lên quấn quanh người. Đêm đó ông mơ thấy thần tự xưng là Đệ-nhị thủy thần dưới Long-cung đầu thai, sau giúp vua giữ nước. Quả nhiên bà mang thai, rồi sinh ra một bọc. Bỗng có tiếng sét nổ lớn rồi bọc vỡ ra. Trong bọc có bé trai lớn, khắp người phủ vảy cá, phụ thân đặt tên là chàng Hai. Năm tám tuổi, chàng Hai cao lớn dị thường. Vua Lý Nhân-tông nghe tiếng mời ra cầm quân đánh Chiêm. Sau khi bình Chiêm, chàng Hai trở về quê. Một ngày trời mưa, nước lụt, chàng Hai cùng đám giao long bơi về Long-cung mất. Dân làng vớt quần áo mang về thờ. Tôi giải đoán rằng: Sau khi ngài tuẫn quốc, triều đình cho lập đền thờ, chắc có chép phả đầy đủ. Nhưng năm 1407, Trương-Phụ thu mang về Kim-lăng. Cho đến khi vua Lê dành lại độc lập, dân làng mới chép lại phả theo lối huyền thoại như trên. Tài liệu: Việt-Nam, Ngọc-phả cổ-lục. Trung-quốc, a/. Xem Phạm-Dật ở trên. b/. Thiên-long địa dư chí, Khâm-châu chư thần ký, Nghi-châu địa dư chí. 7.2.2. Dương-Minh (1051-1077). Trong mười hai đại tướng quân tuẫn quốc vào thời gian kháng Tống (1076-1077) thì Trung-vũ đại tướng quân Cao-sơn đại vương được thờ nhiều nhất, cũng bị huyền thoại hóa nhiều nhất. Vào thời Trần, có khoảng 21 đền, miếu thờ ngài. Ngài là vị thần còn nhiều di tích nhất. Với hoàn cảnh khó khăn sau bao nhiêu thăng trầm, cho đến nay (1995) chúng tôi ghi lại được chín di tích như sau: 7.2.2.1. Đình thờ chung của ba xã Ôn-cập (làng Gắp), Lạc-yên (làng Khốm), Hoàng-liên (làng Sen), tổng Hoàng-vân. Nay thuộc huyện Hiệp-hòa, tỉnh Hà-Bắc. Khi tử trận Kháo túc, ngài uất ức than rằng: Sao đã vội chết, khi chưa đền xong nợ nước. Nên sau đó ngài lại đầu thai trở lại. Bắc-giang tỉnh thần tích chép kiếp này ngài được tiên ở cầu Thấp-tần cho áo tàng hình. Ngài thường tàng hình vào công khố lấy thóc lúa, tiền bạc giúp dân nghèo. Đời vua Lý Anh-tông, nhà Tống sai Đàm Hữu-Lượng đem quân sang đánh Đại-Việt. Ngài dùng áo tàng hình vào trại bắt tướng giặc. Ngài được vua gả công chúa, cho cai quản từ sông Lục-đầu tới Cao-bằng. Sau ngài mất ở Thạch-long. Vua Lý Anh-Tông thương tiếc, cho dân ba xã trên lập đền thờ. 7.2.2.2. Đền thờ thần Cao-sơn ở xã Lương-nhàn, huyện Chí-linh, tỉnh Hải-hưng. Tương truyền thần thường hiện ra làm thầy lang chữa bệnh cho dân. Có lần thần trị được hàng trăm trẻ bị bệnh đậu mùa sắp chết. Khi dân húng tiễn thầy lang về, thì thầy chỉ lên ngọn núi Lương-nhàn mà bảo: Nhà ta ở đó, rồi biến mất. Dân chúng lần theo tay thầy lang chỉ, lên ngọn núi, thấy toà cổ miếu, trong có tượng, cổ tượng có vết đao chém, thì biết là ngài. 7.2.2.3. Đền thờ Cao-sơn đại vương ở phường Đông-tác, huyện Thọ-xương, nay thuộc quận Đống-đa, Hà-nội. Tương truyền thần là một trong năm mươi con của Lạc-Long quân theo mẹ lên núi, và là vị thần thứ nhì được thờ bên tả đền Tản-viên. Đến thời vua Lý Thái-tông, thần được lệnh Ngọc-Hoàng thượng đế xuống đầu thai để giúp vua đánh Tống, bình Chiêm. Trong trận đánh sông Như-nguyệt, bị chém vào cổ, thần ôm đầu chạy về quê, rồi tuẫn quốc. Hồi vua Lê Tương-Dực (1505-1516) bị binh biến phải chạy về Thanh-hóa. Vua từng đến đều cầu xin trợ giúp. Sau khi hết giặc, vua về Thăng-long, sai Đông-các đại học sĩ, Lễ-bộ thượng thư, Quốc-tử giám tế tửu Lê Tung soạn văn bia để ghi ơn. 7.2.2.4. Đình thờ ở thôn Điền-niêm, xã Đông-tạ, huyện Vĩnh-bảo, nay thuộc Hải-phòng. Tương truyền thời vua Giản-Định đời hậu Trần, dân gian có nhiều người bị bệnh đậu mùa, cầu trời; thì có thần hiện xuống cứu, xưng là Cao-Sơn đại vương. Thần trị hết bệnh cho tất cả dân chúng. 7.2.2.5. Đền thờ Cao-sơn đại vương ở thôn Bất-lự, xã Đại-sơn, huyện Tiên-du, nay là huyện Tiên-sơn, tỉnh Hà-bắc. Đền thờ thần Tản-Viên. Nhưng lại nói, đến thời vua Lý Thái-tông, thần vâng lệnh Ngọc-Hoàng thượng đế đầu thai, làm tướng đánh Tống, bình Chiêm. Sau tuẫn quốc ở trận Như-nguyệt. 7.2.2.6. Đình thờ làng Cung-bái, huyện Lục-ngạn, nay là huyện Yên-thế, tỉnh Hà-Bắc. Đền thờ Cao-Sơn đại vương và Quý--Minh đại vương. Tương truyền hai thần sinh vào thời vua Hùng Duệ-Vương. Bà mẹ mơ thấy rồng phun nước vào bụng, rồi sinh ra một bọc, nở ra hai con trai. Lớn lên hai ngài đều có tài văn võ, giúp vua Hùng đánh Thục, sau tuẫn quốc ở núi Tản. Đến đời Lý, thần Cao-Sơn đầu thai xuống làm tướng giúp vua Lý Thánh-tông bình hiêm, giúp vua Nhân-tông đánh Tống, rồi tử trận ở sông Như-nguyệt. 7.2.2.7. Đình thờ làng Đông-lỗ, tổng Đông-lỗ, huyện Hiệp-hòa, tỉnh Hà-Bắc, thờ thần tên Cao-Sơn Quý-Minh, tên thực là Dương Tự-Minh quê ở làng Quan-triều, huyện Phú-lương, tỉnh Thái-nguyên. Thần nguyên là tướng thời vua Lý Nhân-tông, tử trận sông Như-nguyệt, tái đầu thai. Nhân được thần cho chiếc áo tàng hình, ngài thường vào cung lấy trộm vàng bạc đem giúp dân nghèo. Chẳng may một lần bị bắt, đem chém. Vua Lý Anh-tông thương tình tha cho. Bấy giờ quân Tống sang xâm lược, ngài dẹp giặc có công, được vua gả công chúa Thiều-Dung cho. Ngài lại có công dẹp nội loạn Anh-Vũ, được vua gả công chúa Diên-Bình. Sau ngài cáo quan về quê ở Phú-lương. Có kẻ tố cáo ngài mưu phản, vua sai bắt chém, nhưng khi giải đến bờ sông, ngài hóa. Vua thấu tình phong làm thần, truyền cho các làng từ Cao-bằng đến sông Lục-đầu lập đền thờ. 7.2.2.8. Đền thờ ở xã Quỳnh-giản, huyện Chí-linh, tỉnh Hải-dương. Thần tích giống như đền thờ xã Lương-nhàn, mục số 7.2.2.7 trên. 7.2.2.9. Đình thờ xã Đồng-áng, tổng Hoàng-vân, huyện Hiệp-hòa, tỉnh Hà-bắc, thần tích giống như đền Đông-lỗ, mục số 7.2.2.7. trên. Tài liệu ghi chép, Việt-Nam, Đại-Nam nhất thống chí, Đồng-Khánh địa dư chí, Công-dư tiệp ký, Hoàng-Việt địa dư, Bắc thành địa dư chí lục, Hà-nội sơn-xuyên phong tục, Đại-Việt địa dư chí, Thăng-long cổ-tích khảo, Hải-dương tỉnh thần tích, Bắc-giang tỉnh thần tích, Chư dư tạp biên. Trung-quốc, a/. Như Phạm-Dật trên. b/. Khâm-châu chư thần ký, Như-tích sơn xuyên phong vực chí, Để-trạo địa dư chí, Dung-châu sư tích. QTNC và TTCTGCK chép ngài tên thực là Dương Minh, thân phụ là Dương Đức, thân mẫu là Vũ-thị Ngân. Vì thời thơ ấu ngài hơi ngọng, nên các bạn gọi ngài là Minh ngọng. Song thân ngài làm nghề đánh cá ở sông Lục-đầu. Khi ngài lên bẩy tuổi, thì ông bà đi đánh cá bị gió cuốn, thuyền lật chết đuối. Ngài phải ăn mày khắp nơi kiếm sống. Năm mười một tuổi (1062) ngài lưu lạc về Thăng-long, gặp sáu người đồng cảnh ngộ, kết bạn với nhau. Bẩy ngài cắt gỗ, dựng lều tranh ở ven hồ Tây, rồi khi thì kéo lưới mướn, khi thì mò cua bắt ốc, có khi phải xúc phân trâu bán. Một vài lần đói quá phải ăn cắp gà, móc túi. Trong thời gian này, ngài được Khai-Quốc vương phi dạy về y. Tương truyền ngài đã tìm ra phương thuốc chữa bệnh đậu mùa, bênh đậu Lào, và thường đeo túi lang thang đi trị bệnh cho dân. Trong cuộc bình Chiêm năm 1069, được vua Thánh-tông cho tòng chinh, ngài lập công lớn trong trận Nam-giới, Bố-chánh, Nhật-lệ, Thi-nại, Pandu- rango. Khi luận công phong thần, ngài được phong tước bá, chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Long-dực. Ỷ-Lan thần phi hỏi cho ngài một tiểu thư tài sắc vẹn toàn tên Hoàng Phương-Lý, con quan Hình-bộ thượng thư Hoàng Khắc-Dụng. Năm 1075, Đại-Việt đem quân Bắc phạt, ngài cùng phu nhân chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Long-dực, phụ trách đánh ải Như-tích, Để-trạo. Gặp sức kháng cự của quân Tống cực kỳ mãnh liệt, ngài và phu nhân đều bị thương, nhưng vẫn cương quyết đi tiền phong xung sát. Sau hai ngày cầm cự, Như-tích, Để-trạo thất thủ. Tướng trấn thủ là Ngũ Hoàn bị giết tại trận. Sau đó ngài được lệnh Tín-Nghĩa vương tiến đánh Dung-châu. Chỉ sau ba ngày, hiệu Long-dực hạ được thành Dung, tướng trấn thủ là Đô-giám Vương Kính tử thương. Tiếp theo ngài tiến quân về đánh Ung-châu. Ca khúc khải hoàn, ngài được phong chức Trung-vũ đại tướng quân tước Kính-Tâm hầu. Phu nhân được phong nhất phẩm phu nhân. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết, Yên Đạt, Tu Kỷ đem quân đánh Đại-Việt (1076-1077), ngài cùng phu nhân nhận nhiệm vụ đánh cảm tử vào khu đóng quân của Tống. Công tác hoàn thành, nhưng hai ngài đều tử thương. Hết giặc, triều đình nghị công, truy phong ngài là Cao-Sơn, Thiên-y, Trung-vũ đại vương. Phu nhân được phong Trang-Hòa quận chúa, truyền lập đền thờ. 7.2.3. Triệu Thu (1052-1077) Ngài quán làng Cao-xá, trấn Nghệ-an. Phụ-thân tên Phạm Dung, mẫu-thân tên Trần Ngọc-Lan. Hai vị làm nghề đánh cá, chỉ sinh được mình ngài, đặt tên là Phạm Minh. Năm ngài lên bẩy tuổi, thì song thân qua đời. Ngài được một ngư dân ở phường Thọ-xương tên Triệu Nguyên nhận làm con nuôi, vì vậy ngài mang họ Triệu. Năm ngài mười tuổi, thì nghĩa phụ chết, để lại một căn nhà nhỏ, với chiếc thuyền câu. Ngài đem sáu người bạn cùng lứa, đang lang thang vô sở bất chí quanh hồ Tây về sống chung. Được năm tháng, lý trưởng trong làng muốn chiếm đất, nhà của ngài, y vu cáo cho bẩy ngài là phường du thủ, du thực. Vì vậy ngài phải cùng các bạn sống lang thang ven hồ Tây, khi thì ăn mày, khi thì kéo lưới mướn, có khi đói quá phải đi móc túi. Năm 1069, trong cuộc bình Chiêm, bẩy ngài cùng đội Giao-long Tây-hồ được vua Thành-tông cho tùng chinh. Ngài từng lập đại công trong trận đánh Nam-giới, Bố-chánh, Nhật-lệ, Thi-nại, Pandurango. Ca khúc khải hoàn, ngài được phong tước bá, giữ chức đôthống, chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Thần-điện. Ỷ-Lan thần phi cưới tiểu thư con quan Thamtri Hộ-bộ Phàn Trọng-Tân, là Phàn Phương-Liễu cho. Năm 1075, Đại-Việt đem quân Bắc-phạt, ngài cùng phu nhân chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Thần-điện đánh úp căn cứ thủy quân, cùng xưởng đóng chiến thuyền của Tống. Hai ngài thành công thực dễ dàng, rồi kéo quân về Khâm-châu. Tín-Nghĩa vương lệnh cho hai ngài đem quân công phá Bạch-châu. Gặp sức kháng cự mãnh liệt của quân Tống, ngài dùng hỏa công đốt thành. Sau mười ngày, dân trong thành hết lương đánh lại quân Tống, mở cửa xin hàng. Hạ Bạch-châu, ngài tiến quân về công hãm Ung-châu. Ca khúc khải hoàn, triều đình nghị công tâu Lê, Linh-Nhân hoàng thái hậu phong cho ngài chức Tuyên-vũ đại tướng quân, tước Tín-Tâm hầu. Phu nhân được phong nhất phẩm phu nhân. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết, Yên Đạt, Tu Kỷ đem quân đánh Đại-Việt, hai ngài tử chiến ở trận Kháo-túc, cả hai đều tuẫn quốc. Hết giặc, triều đình nghị công, ngài được truy phong Anh-văn Tuyên-vũ đại vương. Phu-nhân được phong Trang-Ninh quận chúa, truyền lập đền thờ. Hiện đền thờ ngài ở xã Cung-nhượng, tổng Thọ-xương, phủ Lạng-giang, tỉnh Bắcgiang, nay là tỉnh Hà-Bắc. Bắc-giang tỉnh thần tích chép ngài theo vua đánh Chiêm, khi trở về được ba tháng, thì Chiêm cho người sang ám sát, xác ngài trôi theo sông Thiên-đức tới làng Cung-nhượng thì dạt lên bờ. Phu nhân nghe tin này nhảy xuống sông tự tử. Tài liệu ghi chép. Việt-Nam, Bắc-giang tỉnh thần tích. Trung-quốc, a/. Xem Phạm-Dật ở trên. b/. Khâm-châu chư thần ký, Đông-hải Hy-Ninh bản mạt, Bạch-châu địa dư chí. 7.2.4. Mai-Cầm (1052-1077) Ngài quán tại trang Vạn-phân, huyện Đông-thành, tỉnh Nghệ-an. Vì ngài có cái thẹo trên cằm, nên các bạn gọi là Cầm-thẹo. Thân mẫu ngài tên Mai Xuân-Huệ, không chồng mà chửa, lúc lâm bồn sinh ra một con trai, đặt tên là Mai-Cầm. Bà bị làng bắt khoán, nên phải bỏ quê ra đi; đến làng Đạo-sử thì được một phú ông tên Lưu Khánh cưu mang, đổi tên ngài là Lưu Hùng. Năm ngài lên chín tuổi, thì nghĩa phụ và thân mẫu bị cọp vồ chết. Các con ông Lưu Khánh đuổi ngài ra khỏi nhà. Ngài lang thang ăn mày, lưu lạc tới Thăng-long, rồi gặp sáu người đồng cảnh ngộ, kết thành bạn. Trong cuộc bình Chiêm năm 1069, ngài được vua Thánh-tông cho tùng chinh. Nhờ lập đại công trong trận đánh Nam-giới, Bố-chánh, Nhật-lệ, Thi-nại, Panduran- go. Sau khi chiến thắng khải hoàn, ngài được phong tước bá, giư chức đô-thống, chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Bổng-thánh. Ỷ-Lan thần phi hỏi tiểu thư con quan Kinh-lược an-vũ sứ Trường-yên tên Tôn Sơn là Tôn Phương-Đơn cho. Năm 1075, Đại-Việt đem quân Bắc-phạt, ngài được nguyên-soái Thường-Kiệt trao cho nhiệm vụ tấn công vào cửa Đông, sau đó vượt ra cửa Tây, trấn ở Tiểu-dã để chặn phục binh. Việc đánh chiếm Khâm, Liêm, Dung, Nghi, Bạch châu xong, nguyên soái Thường- Kiệt truyền cho ngài đem quân về đánh Ung-châu. Hạ xong thành Ung, quân Việt rút về, triều đình nghị công tâu lên, Linh-Nhân hoàng thái hậu phong ngài chức Tuyên-uy đại tướng quân, tước Từ-Tâm hầu. Phu-nhân được phong nhất phẩm phu nhân. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết, Yên Đạt, Tu Kỷ mang quân đánh đại Việt, ngài cùng phu nhân trấn ở phòng tuyến Như-nguyệt, cả hai đều tuẫn quốc. Hết giặc, triều đình nghị công truy phong ngài là Tuyên-uy phúc tướng đại vương. Phu nhân được phong Trang-Mẫn quận chúa, truyền lập đền thờ. Trải qua gần nghìn năm, đến nay đền thờ ngài vẫn còn tại làng Đạo-sử, tổng Phálãng, huyện Lang-tài, nay là xã Phá-lãng, huyện Gia-lương, tỉnh Hà-Bắc. Một đền thờ thứ nhì tại làng Đông-hương, tổng Phá-lãng nay là xã Phá-lãng, huyện Gia-lương, tỉnh Hà-Bắc. Trong Bắc-ninh tỉnh thần tích lại chép rằng: Thân mẫu ngài thấy con trâu vàng tắm ở ven biển. Khi bà tới hần thì trâu biến mất, chỉ còn lại hai cái lông, bà giắt hai cái lông vào gấu áo. Hai cái lông chảy thành nước, ngấm vào bụng bà. Từ đó bà mang thai, sinh một bọc hai trai. Bị dân làng chê cười, bà bỏ làng ra đi. đến làng Đạo-sử được một phú ông cưu mang. Bà đặt tên con là Hùng và Huy. Hùng có tài võ, huy có tài văn. Sau hai anh em theo vua bình Chiêm. Thắng trận hai ông trở về làng khao thưởng quân sĩ rồi vào triều nhận chức. Khi thuyền chở hai ông đến trang Đông-sá, phủ Thiên-trường thì bị đắm. Xác hai ông trôi về quê sắc diện còn tươi. Dân làng dâng biểu về triều, vua ban cho sắc phong để thờ phụng. Tài liệu ghi chép, Việt-Nam, Bắc-ninh tỉnh thần tích. Trung-quốc, a/. Xem Phạm-Dật trên. b/. Khâm-châu chư thần ký, Liêm-châu địa dư chí, Hổ-môn chư thần chí. 7.2.5. Quách Y (1052-1077) Tên thực ngài là Phạm Trọng-Y. Chính quán ngài tại đâu không rõ. Chỉ biết song thân ngài làm nghề trồng hoa. Thân phụ tên Phạm Trọng-Khâm, thân mẫu tên Quách-thị Phùng. Vì ngài hói đầu, nên bạn hữu gọi đùa là Y-hói. Khi ngài lên bẩy thì song thân cùng bị bạo bệnh qua đời. Ngài được người cậu đem về nuôi, cải tên là Quách-Y. Năm ngài mười tuổi lại đến lượt ông cậu qua đời. Ngài sống bơ vơ, ăn xin độ nhật ở Thăng-long. Sau cùng gặp sáu người đồng tuổi, đồng cảnh ngộ, kết thân với nhau làm nghề kéo lưới mướn, rửa bát. Có lúc nghèo quá phải đi ăn mày, móc túi, ăn cắp vặt để sống. Bẩy ngài sau được vua Thánh-tông ban cho mỹ hiệu Tây-hồ thất kiệt. Trong cuộc bình Chiêm năm 1069, ngài được vua Lý Thánh-tông cho tùng chinh, từng lập đại công trong các trận Nam-giới, Bố-chánh, Nhật-lệ, Thi-nại, Pandurango. Ca khúc khải hoàn, triều đình nghị công phong cho ngài tước bá, giữ chức đô-thống, chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Bổng-thánh. Ỷ-Lan thần phi hỏi tiểu thư Phạm Phương-Tiên con quan Kinh-lược an-vũ sứ Thanh-hóa là Phạm Nhật-Chiêu cho ngài. Năm 1075, Đại-Việt đem quân Bắc-phạt, ngài cùng phu nhân chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Bổng-thánh, tiến đánh thành Khâm. Thành Khâm bị hạ, ngài được lệnh tiến về công thành Ung. Sau khi chiến thắng trở về, triều đình nghị công tâu lên, Linh-Nhân hoàng thái hậu phong cho ngài chức Minh-uy đại tướng quân, tước Minh-Tâm hầu, phu nhân được phong nhất phẩm phu nhân. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết, Tu Kỷ, Yên Đạt đem quân sang đánh Đại-Việt, ngài cùng phu nhân tử chiến ở phòng tuyến Như-nguyệt, rồi tuẫn quốc. Sau khi hết giặc, triều đình nghị công phong ngài là Minh-uy Lôi-trấn đại vương, phu nhân được phong Trang- Thanh quận chúa. Hồi đem quân bình Chiêm trở về, ngài có dừng quân ở núi Lôi-sơn, xã Hữu-biệt, huyện Nam-đàn, trấn Nghệ-an. Bấy giờ trong núi có bầy sói cực kỳ hung bạo, thường hay tràn về thôn xóm bắt bắt gia súc ăn thịt. Ngài dùng đại nỏ bắn mã-não, hoàng thạch giết sạch bầy sói. Nên dân chúng lập đền thờ sống ngài. Sau khi ngài tuẫn quốc, triều đình ban ruộng cho dân làng để tiếp tục hương khói. Cho đến nay, gần nghìn năm trôi qua, đền thờ của ngài vẫn còn, dân chúng vẫn hương khói quanh năm. Nhưng trong Hoàng Việt nhất thống địa dư chí, Hoàn vũ ký, Đại-Nam nhất thống chí thì chép giản dị rằng: Tương truyền đời Lý có tướng quân họ Phạm, không rõ tên, đem quân đi dẹp giặc, khi qua núi Hữu-biệt, huyện Nam-đàn, trấn Nghệ-an thình lình có tiếng sấm nổ, rồi ngài biến mất. Vua Lý cho lập đền thờ, gọi là đền Độc-lôi(!). Tài liệu ghi chép, Việt-Nam, Hoàng Việt nhất thống địa dư chí, Hoàn vũ ký, Đại-Nam nhất thống chí. Trung-quốc, a/. Xem Phạm-Dật ở trên. b/. Xem Mai-Cầm ở trên. 7.2.6. Ngô Ức (1053-1077) Ngài là hậu duệ của Ngô-vương Quyền, thuộc giòng dõi Nam-Tấn vương Ngô Xương-Văn, thế hệ thứ 5 (Quyền sinh Văn, Văn sinh Đức, Đức sinh Tuệ, Tuệ sinh Ức). Phụ thân tên Ngô Vĩnh-Tuệ, quê ở xã Đường-lâm, huyện Phúc-thọ, thuộc thị-xã Sơn-tây. Thời vua Lý Thái-tông, ông nộp đơn dự thi tuyển võ tướng. Khai-Quốc vương đọc bản cung khai lý lịch, biết ông là cháu Ngô-vương, đặc cách cho ông khỏi thi. Sau khi huấn luyện, ông được phong chức đô-thống coi hiệu binh trấn ở Tiên-yên. Tương truyền sau khi thắng quân Nam-Hán, Ngô-vương kéo quân về thăm cố-đô Cổ-loa, tu bổ cố-cung thời vua An-Dương, lại trồng một cây đa rồi tuyên chỉ rằng Khi nào cây đa này chết, thì linh khí Cổ-loan mới hết. (Cây đa này, nay là năm 1995 vẫn còn). Vì vậy một lần về Thăng-long hội quân, ông Đinh Vĩnh-Tuệ hành hương Cổ-loa, rồi qua đêm tại đây. Đêm đó ông mơ thấy vua An-Dương hội triều thần, có tứ trụ đại thần là Tể-tướng Phương-chính hầu Trần Tự-Minh, Đại-tư-mã Vạn-tín hầu Lý Thân, Đại-tư đồ Cao-cảnh hầu Cao Nỗ, Đại-tư-không Trung-tín hầu Vũ Bảo-Trung đứng hầu. Ông hành lễ với đức vua. Đức vua chỉ một võ quan bảo: - Ta thấy hung khí phương Bắc thịnh, thì thời gian con vua Bắc-đế đem quân Nam xâm đến nơi rồi. Vậy người hãy mau đầu thai để bảo vệ Viêm-bang. Viên võ quan hỏi: - Tâu bệ hạ, thần sẽ đầu thai vào cửa nào? Vua An-Dương chỉ vào Vĩnh-Tuệ: - Ta thấy Vĩnh-Tuệ là kẻ có lòng, vậy nhà ngươi hãy đầu thai làm con y. Thấy viên võ quan còn ngần ngữ, ngài dạy: - Ta chỉ bắt người xuống thế có hai mươi lăm năm mà thôi. Đừng có ngại ngùng. Hôm sau Vĩnh-Tuệ rời Cổ-loa ra đến đầu làng thì gặp một thiếu nữ xinh đẹp hái hoa sen, chẳng may bị rắn cắn vào bụng. Không kể nguy hiểm, ông ghé miệng hút nọc độc cứu cô. Người con gái thoát nạn, chắp tay: - Đa tạ tướng quân cứu mạng. Tên thiếp là Cao Tường-Vân. Tướng quân ơi! Tiểu nữ là con gái đồng trinh, thân thể chưa nhiễm bụi trần. Nay vì bị nạn, mà phải tùng quyền để tướng quân chạm vào khắp người, thì cái thân này thuộc về tướng quân vậy. Vĩnh-Tuệ bèn cưới Tường-Vân làm vợ, năm sau sinh ra một trai, đặt tên là Ngô Vĩnh-Ức. Khi Vĩnh-Ức được một năm, thì Vĩnh-Tuệ đem quân đi bắt cướp, trúng tên chết. Tường-Vân đem con về ở Nghi-tàm, ngoại ô Thăng-long làm nghề trồng hoa sống qua ngày. Năm Vĩnh-Ức bẩy tuổi, thì mẹ qua đời. Không nơi nương tựa, ngài lang thang cùng sáu người bạn,(sau là Tây-hồ thất kiệt), sống vất vưởng ở Thăng-long. Khi thì kéo lưới mướn, khi thì rửa bát, có khi phải ăn cắp vặt, móc túi kiếm sống. Vì khi cười miệng ngài hơi méo, nên bạn hữu họi ngài là Ức-méo. Rồi duyên may đưa đến, bấy ngài gạp Minh-Không thiền sư, Khai-Quốc vương, đgợc thu làm đệ tử, lại được Ỷ-Lan phu nhân nhận làm em nuôi. Năm 1069, vua Thánh-tông đem quân bình Chiêm, Tây-hồ thất kiệt được tùng chinh, và được đặt dưới quyền Tín-Nghĩa vương Lý Chiêu-Văn. Sau chiến thắng Nam-giới, Bố-chánh, ngài lại tham dự trận Nhật-lệ. Trong trận này ngài là người duy nhất bị thương. Tiếp theo ngài dự trận Thi-nại, Pandurango. Chiến thắng trở về, triều đình nghị công, ngài được phong tước Bá, giữ chức Đô-thống, chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Hùng-lược. Ỷ-Lan thần phi hỏi tiểu thư Quách Phương-Dược, con quan Lễ-bộ thượng thư Quách Sĩ-An cho ngài. Trong những ngày cùng Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt luyện quân, chính ngài là người chế ra loại tên lửa mang theo ống nứa trộn nhựa cháy, mã não, hoàng thạch để đốt thành địch. Đây là sáng kiến đầu tiên, rồi sau này Phạm Dật, Trần Ninh mới chế loại Lôi-tiễn gây kinh hoàng cho quân Tống trong trận Côn-lôn, Đại-giáp, Ung-châu. Trong cuộc Bắc chinh năm 1075, ngài cùng phu nhân đem hiệu Thiên-tử binh Hùng-lược tham dự trận đánh Khâm-châu, rồi tiến về đánh thành Ung. Ca khúc khải-hoàn, triều đình nghị công tâu lên, Linh-Nhân hoàng thái hậu phong cho ngài chức Định-viễn đại tướng quân, tước Huệ-Tâm hầu. Phu nhân được phong Trang- Ninh quận chúa. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết, Yên Đạt, Tu Kỷ đem quân đánh Đại-Việt. Ngài cùng phu nhân tử chiến ở Vạn-xuân, Kháo-túc, cả hai đều tuẫn quốc. Hết giặc, triều đình nghị công, truy phong ngài là Định-viễn Lôi-thần đại vương, phu nhân được phong Trang-duệ, Ninh-tĩnh quận chúa; truyền phối thờ ở đền Kê-lạc cùng với tiên vương Ngô triều. Trải bao lớp sóng phế hưng, nắng mưa, nay (1995) đền Kê-lạc vẫn còn tại xứ Kêlạc, xã Nghĩa-chế, huyện Tiên-lữ, tỉnh Hưng-yên; nay là huyện Phù-tiên, tỉnh Hải-hưng. Tài liệu ghi chép Việt-Nam, Hưng-yên tỉnh nhất thống chí, Bắc-kỳ giang-sơn cổ-tích danh thắng bị khảo, Các tỉnh địa dư chí, Đồng-khánh địa dư chí lược. Trung-quốc, a/. Xem Phạm-Dật ở trên. b/. Xem Mai-Cầm ở trên. 7.2.7. Tạ Duy (1053-1077) Nguyên quán ngài tại An-lãng, thuộc Cửu-chân, trấn Thanh-hóa. Phụ thân tên Tạ Trọng-Nguyên, mẫu thân tên Lưu Huyền-Mẫn. Ông là một thầy đồ dạy học thuộc lộ Kinh- Bắc thời vua Lý Thái-tông. Ông bà sinh được hai con trai, con lớn tên Tạ Duy hay Tạ ĐộĐàm, con nhỏ tên Tạ Giang-Ba. Vì ông bà ngoại không có con, nên Tạ Giang-Ba mang họ ông ngoại, cải tên là Lưu Ba. Năm Tạ Duy tám tuổi, thì cha mẹ bị đắm thuyền chết hết. Hai anh em phải ở với người thím họ. Gặp bà thím ác độc đánh đập, hành hạ khổ sở, hai anh em bỏ nhà ra đi, và lạc nhau. Tạ Duy lên Thăng-long, vô sở bất chí, gặp sáu người đồng cảnh ngộ, kết bạn với nhau, sau là Tây-hồ thất kiệt. Bẩy người lang thang ở Thăng-long, khi thì kéo lưới mướn, khi thì rửa bát. Có khi túng thiếu quá, phải ăn cắp vặt, móc túi kiếm sống. Vì dáng người ngài hơi thấp, nên các bạn gọi là Duy-lùn. Trong dịp bình Chiêm năm 1069, vua Thánh-tông cho Tây-hồ thất kiệt tòng chinh, đặt dưới quyền Tín-Nghĩa vương Lý Hoằng-Chân. Chiến thắng trở về, triều đình nghị công, ngài được phong tước bá, giữ chức Đô-thống chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Vạn-tiệp. Ỷ- Lan thần phi hỏi tiểu thư Lý Phương-Quế, con gái đại đô đốc Lý Kế-Nguyên cho ngài. Năm 1075, Đại-Việt đem quân Bắc-phạt, ngài cùng phu nhân chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Vạn-tiệp đánh thành Khâm-châu, rồi tiến về công hãm Ung-châu. Ca khúc khải hoàn, triều đình nghị công tâu lên, Linh-Nhân hoàng thái hậu phong ngài chức Ninh-viền đại tướng quân, tước Dũng-Tâm hầu, phu nhân được phong nhất phẩm phu nhân. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết, Yên Đạt, Tu Kỷ mang quân sang đánh Đại-Việt, ngài cùng phu nhân tử thủ phòng tuyến sông Như-nguyệt, cả hai tuẫn quốc. Hết giặc, triều đình truy phong ngài là Ninh-viễn Trung-chính đại vương, phu nhân được phong Trang-hòa Ninh-tĩnh quận chúa, truyền lập đền thờ. Hiện nay đền thờ hai ngài vẫn còn tại xã Lưu-xá huyện Hưng-nhân, thuộc huyện Hưng-hà, tỉnh Thái-bình. Hưng-yên tỉnh nhất thống chí ghi giản dị: Anh là Lưu Độ-Đàm, em là Lưu Ba có công đánh Tống, bình chiêm, được phong chức Tiết-độ sứ. Sau khi mất được dân chúng lập đền thờ, mộ cũng chôn tại đấy. Trong đền thờ có tấm hoành phi sơn son thiếp vàng khắc bài thơ của vua Lê Hiển-Tông đề, nhắc công lao hai vị. Nhiều người lầm Lưu Độ-Đàm tức Ngô Ức với Lưu Khánh-Đàm sau này. Về Lưu Khánh-Đàm, Đại-Việt sử ký toàn thư, Lý kỷ, Nhân-tông bản kỷ chép rằng niên hiệu Thiên-phù Khánh-thọ, tháng 12 (DL 1228) vua Lý Nhân-tông sắp băng, tuyên triệu Thái-úy Lưu Khánh-Đàm vào cung để thác việc lập thái tử Dương-Hoán nối ngôi, lại cũng ghi Khánh-Đàm mất năm Thiên-chương Bảo-tự thứ tư (DL.1136). Tài liệu ghi chép. Việt-Nam, Hưng-yên tỉnh nhất thống chí, Đại-Việt sử ký toàn thư ( Lý kỷ, Nhân-tông kỷ). Trung-quốc a/. Xem Phạm-Dật ở trên. b/. Xem Mai-Cầm ở trên. Trên đây, tôi đã dẫn quý độc giả lướt sơ qua trang sử anh hùng thời Tiêu-sơn. Tôi xin ngừng ở đây, và mời quý độc giả đi vào hào quang của tổ tiên ta để lại, trong bộ Nam quốc sơn hà này. Viết tại Pontault Combault, Pháp-quốc, mùa hè, tháng sáu, năm Ất-hợi (1995). Yên-tử cư-sĩ Trần-Đại-Sỹ. 13 people like this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 21 Tháng 5, 2010 Ông Trần Đại Sỹ có hai bộ chuyện đã được xuất bản ở Việt Nam do Nxb Trẻ ấn hành, mà tôi chỉ nhớ tên một bộ là Anh hùng Lĩnh Nam. Ở nhà tôi cũng có bộ chuyện này của ông. Ông Trần Đại Sỹ có tên tuổi ở Hải Ngoại vì những nghiên cứu liên quan đến cổ sử Việt. Nhưng những công trình của ông cũng không thấy các hãng thông tin đại chúng như BBC nhắc tới. Mặc dù, họ rất nhiệt tình giới thiệu các công trình mang tính phủ nhận những giá trị văn hóa sử truyền thống Việt. 1 person likes this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 22 Tháng 5, 2010 Những thứ thuộc về học thuật thì PhucTuan cũng không dám bàn tới, khi đọc bộ tiểu thuyết của bác sĩ Trần Đại Sỹ ta có thể cảm nhận rõ những thế rất Việt Nam. Phải nói rằng chỉ có thể là một người rất yêu nước, có tâm với đất nước và tổ tiên mới có thể viết được bộ tiểu thuyết dã sử này. Từ thời hai bà Trưng nước Việt chúng ta đã có một nền văn hóa chẳng kém gì người Hán, từ ẩm thực cho đến võ thuật. Đây là một bộ truyện cũng rất đáng nên đọc. Dưới đây là link của bộ truyện gồm 9 quyển: http://www.mediafire.com/?sharekey=594d077...13616043b05bc7e Uploader: HoaiViet <http://www.thuvien-ebook.com/forums/showthread.php?t=33958> 6 people like this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 25 Tháng 5, 2010 Tôi biên tập - chủ yếu là sắp xếp các mục và sửa chính tả. Nhờ Artmisia đưa vào trang chủ.Cảm ơn nhiều. --------------------------------------- Đi thăm chiến trường thời Tống Lý. (Tựa bộ Nam Quốc Sơn Hà) Thư viết cho tuổi trẻ tộc Việt Để giải những nghi vấn lịch sử : Những giòng dưới đây tôi viết dành cho tuổi trẻ Việt, chưa có chút vốn về thư tịch của chiến thắng Bắc phạt thời Lý, đánh chiếm các châu Ung, Liêm, Dung, Nghi, Bạch. Mong những bậc cao minh bỏ qua. Chẳng nên bận tâm. Trân trọng. I - Mở đầu. Hồi còn để chỏm, tiền nhân giảng dạy sử Hoa-Việt cho tôi, mỗi khi đề cập đến những chiến công oanh liệt của năm lần phạt Tống, một lần kháng Tống thời Lý, các người thường giảng rất kỹ, rất chi tiết, cùng bình luận. Nhưng chỉ giảng kỹ bốn lần đầu thôi. Còn lần cuối, với lần kháng Tống, vĩ đại nhất, oanh liệt nhất thì lại lướt qua. Trong khi lướt qua, các người ít chịu nhắc đến huân nghiệp của ngài Thái-úy Lý Thường-Kiệt; thảng hoặc bất đắc dĩ phải đề cập đến, thì nói bằng giọng lạnh nhạt : « Người cầm quân đánh sang Khâm, Ung, Liêm là ngài Tôn Đản, công-chúa Ngô Cẩm-Thi với viên hoạn quan Lý Thường-Kiệt» Rồi khi khuyên tôi Viết lịch-sử tiểu-thuyết, chỉ khuyên viết các bộ Anh-hùng Lĩnh-Nam, thuật cuộc khởi nghĩa của vua Trưng cùng 162 tướng; Anh hùng Đông-a thuật cuộc bình Mông thời Trần; Anh hùng Lam-sơn, thuật cuộc khởi nghĩa của vua Lê; Anh-hùngTây-sơn, thuật chiến công đánh Mãn-thanh của vua Quang-Trung. Còn những chiến công thời Lý thì bỏ qua. Tâm lý chung của tuổi trẻ là tò mò. Vì các người không nhắc đến, thì tôi lại âm thầm tìm hiểu. Mỗi khi tìm thấy những điều mới lạ, mà người trên không biết, không cần biết tới, không muốn biết, tôi lại cảm thấy thú vị. Sau lớn lên, tôi mới biết rằng sở dĩ các người lãnh đạm với huân nghiệp của Lý Thái-úy, vì ngài là một hoạn quan. Mà trong lịch sử Hoa-Việt, các Nho-gia cực kỳ ghét bọn hoạn quan. Vì bọn này thường nhờ vào vị thế hầu hạ, tôi tớ các vị vua, các bà trong hậu cung, rồi lộng quyền, làm hại dân, hại nước. Chính vì thế, mà tiền nhân tôi không khuyến khích tôi viết về thời Lý, chứ không cấm. Những năm sau 1975, tôi làm việc cho Liên-hiệp các viện bào chế châu Âu (Coopérative Européenne Pharmaceutique, viết tắt là CEP) , Viện Pháp-á (Institut Franco- Asiatique, viết tắt là IFA), Ủy-ban y học Pháp-Hoa (Comité Médical Franco-Chinois viết tắt là CMFC), có nhiều phương tiện tìm hiểu lịch sử thời Lý, tôi thấy rằng: Vì thiếu sử liệu, nên các sử gia Việt chỉ biết tên có hai tướng cầm quân Bắc phạt là Lý Thường-Kệt với Tôn Đản; rồi cho rằng huân công Bắc phạt, kháng Tống là của hai vị này. Trên thực tế, hai vị này chỉ là hai trong mấy chục anh hùng thời đó. Vì vậy, không ngần ngại, tôi đã viết năm bộ về thời Tiêu-sơn, dù tiền nhân không khuyến khích (chứ không cấm). - Một là, Anh-hùng Tiêu-sơn, 3 quyển, 907 trang, thuật công nghiệp của các vị tăng ni yêu nước đã lập lên triều Lý; cuộc Bắc-phạt lần thứ nhất. - Hai là, Thuận-Thiên di sử, 3 quyển, 909 trang, thuật việc dùng đức từ-bi, bác-ái của nhà Phật; nhân-nghĩa của nhà Nho để trị nước...Khiến sử gia Hoa, Việt không ngớt khen ngợi rằng đây là thời kỳ dân Việt sung sướng như thời Nghiêu, Thuấn bên Trung-hoa. Nhưng sự thực các sử gia Trung-quốc đã lầm. Vua Lý Thái-tổ đã dùng chủ đạo của tộc Việt (Idéology) cai trị dân mà thôi. - Ba là, Anh-hùng Bắc-cương, thuật công cuộc giữ nước của 207 bộ tộc của các sắc dân thiểu số ở biên giới Hoa-Việt; cùng cuộc Bắc phạt lần thứ nhì. Tôi cũng trình bầy rất chi tiết, rất rõ ràng những vùng như núi Ngũ-lĩnh, sông Tương với ba địa danh Tương-trung, Tương-âu, Tương-Nam là nơi phát sinh ra Quốc-mẫu Âu-Cơ. Nhất là trình bầy vùng đất linh của tộc Việt : Núi Thiên-đài, nơi vua Đế Minh lập đàn tế cáo trời đất phân chia lãnh thổ cho Trung-nguyên, Lĩnh-Nam. - Bốn là, Anh-linh thần võ tộc Việt, thuật cuộc Bắc-phạt lần thứ ba. Sang lần thứ tư giúp Nùng Trí Cao chiếm lại lãnh thổ thời vua Hùng, vua An-Dương , vua Trưng, lập nước Đại-Nam. - Năm là, Nam-quốc sơn hà, thuật cuộc Bắc phạt lần thứ năm, và cuộc kháng Tống. Trong năm bộ trên, với những sử liệu tìm được, tôi đã trình bầy không biết bao nhiêu bí ẩn lịch sử tiềm ẩn trong các sách Hoa-Việt, bao gồm: Quốc-sử, địa dư chí (quốc chí, địa phương chí, phủ huyện chí), truyện ký, thần-tích ngọc phả, mộ-chí, bia-đá, gia-phả. Trong ba bộ Anh-hùng Lĩnh-Nam, Động-đình hồ ngoại-sử, Cẩm-khê di-hận, cứ mỗi cuối hồi, cuối một quyển, tôi lại chú giải, ghi chép các sử liệu, để giới trẻ biết nguồn gốc sử liệu, mà tìm hiểu sâu sa hơn. Sang bốn bộ Anh-hùng Tiêu-sơn, Thuận-Thiên di sử, Anhhùng Bắc-cương, với ý nghĩ lẩm cẩm rằng: Chú giải, ghi chép thêm là thừa, nên giới trẻ có nhiều ngộ nhận : Chính những sự kiện lịch-sử, thì bị coi là tiểu thuyết, những yếu tố tiểu thuyết lại được coi là lịch sử. Cho nên sang bộ Nam-quốc sơn-hà, lúc đầu, tôi chú giải sau mỗi hồi. Nhưng tiếp xúc với ông Trương Đình-Nho, giám đốc nhà xuất bản Đại-Nam, tôi mới biết rằng: Khi đọc đến chỗ chú giải, độc giả lại phải mất công lật xuống cuối hồi để tìm tòi; sao bằng chú giải ngay dưới sự kiện. Đây là một kinh nghiệm mà tôi học được. Cho nên sang quyển hai, thì tôi không còn chú giải ở cuối hồi nữa. Bây giờ tái bản ở trong nước, tôi quyết định, tất cả chú giải ngay dưới sự kiện. II - Làm sáng tỏ những sự kiện lịch sử thời Lý Trong bộ Nam-quốc sơn hà này, tôi cố gắng trình bầy một số sự kiện lịch-sử. Trước tiên là: II - 1. Bốn nghi vấn lịch sử Trong năm bộ sách, thì bộ cuối cùng là bộ tôi đắc ý nhất. Nam-quốc sơn-hà là bốn chữ lấy trong bài thơ, tương truyền của ngài Thái-úy Lý Thường-Kiệt, sáng tác trong trận đánh sông Như-nguyệt với quân Tống vào năm 1076: Nam-quốc sơn hà, Nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại Thiên-thư. Như-hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Nghĩa là, Nước Nam là nơi vua nước Nam cai trị, Điều này đã định tại bộ sách trời. Bọn giặc kia, sao dám xâm phạm ? Nhất định bọn bay sẽ phải đại bại. Bài thơ này đến nay (1996) trải 920 năm, mà dường như hầu hết người đọc đều hiểu lầm ý nghĩa chữ Thiên-thư. Các sách đều giải thích rằng Lý Thường Kiệt dùng chữ Thiên-thư như một vật thể trừu tượng là ý trời. Cũng có sách không giải thích. Hồi niên thiếu, khi được tiền nhân giảng Tống-sử, phần Chân-tông bản kỷ, tôi đã được giải thích tỷ mỉ. Thiên-thư là tên một bộ sách, được soạn vào thời vua Tống Chân-tông. Việc chép Thiên-thư này, được ghi rõ trong Tống-sử quyển 7, Chân-tông bản kỷ, trang 135. Sự thực bấy giờ phía Bắc Tống bị Liêu uy hiếp, bắt cắt đất, nộp vàng lụa. Phía Tây bị Tây-hạ tấn công. Phía Nam bị Đại-Việt ép. Bọn 5 gian thần bị Tống-sử gọi là Ngũquỷ gồm Vương Khâm Nhược, Trần Nghiêu Tá (Tẩu) , Đinh Vị, Trần Bành Niên, Lưu Thừa Hoa mới bầy ra trò bịp bợm. Niên hiệu Đại-trung Tường-phù đời vua Chân-Tông (1008) thay vì tổ chức binh bị giữ nước, thì Tể-tướng Vương Khâm Nhược đề nghị nên dùng hình thức Phong-thiện, tức tế cáo trời đất ở núi Thái-sơn để trấn phục bốn phương. Nhưng muốn tỏ ra việc cúng tế đó là linh ứng tự trời, cần phải tạo ra bộ sách, dối là Thiên thư, của Thiên-đình ban xuống. Bộ sách này được chính Tể-tướng Vương Khâm Nhược, điều động một số văn thần soạn, đến tháng ba niên hiệu Thiên-hy thứ ba ( Kỷ Mùi 1019, vẫn thời vua Chân-Tông) thì xong. Vua sai viên Tuần-kiểm Chu Năng cùng viên Thái-giám Chu Hoài Chính đem dấu vào hang núi Càn-hựu, phía Nam Trường-an, rồi sai bọn đồng cốt nói rằng : « Từ nghìn xưa, có sách từ trời rơi xuống hang núi Càn-hựu ». Song sĩ dân không ai tin. Bấy giờ danh sĩ Khấu Chuẩn, trước từng là Tể-tướng, bị biếm vì tội nói thẳng, rất được sĩ dân tin tưởng. Oâng đang trấn nhậm đạo Vĩnh-hưng quân gần núi Càn Hựu. Sĩ dân nói rằng : « Cái vụ Thiên-thư là bịa đặt. Nếu như có thì ắt Khấu Chuẩn đã dâng về triều ». Vua Chân-Tông mật sai Chu Hoài Chính ngỏ ý rằng Khấu Chuẩn nên giả vào núi, tìm thấy Thiên-tư rồi dâng lên vua, sẽ được vua tái trọng dụng. Lúc đầu Khấu Chuẩn từ chối, nhưng vì say quyền hành, muốn về triều, ông phải bán rẻ cái chính khí. Khi ông mang Thiên-thư về Biện-kinh, nhà vua thân ra cổng thành rước. Dĩ nhiên Khấu Chuẩn thanh vân đắc lộ. Thế là tháng sáu năm đó, Vương Khâm Nhược chết, Khấu Chuẩn được phong chức Tể-tướng kiêm Lại-bộ thượng-thư. Một danh sĩ đương thời là Ngụy Dã người Thiểm-châu đã đã làm một bài thơ châm biếm Khấu Chuẩn. Khấu Chuẩn đau lắm, ông làm thơ để biện luận cho mình như sau : Tặng Ngụy dã xử sĩ. Nhân văn danh lợi tẩu trần ai, Duy tử cao nhàn hối thịnh tài. Hâm chẳm dạ phong huyên tiết lệ, Bế môn xuân vũ trưởng môi đài. Thi đề viễn tụ kinh niên đắc. Tăng luyến u hiên kế nhật lai, Khước khủng minh quân trưng ẩn dật, Khê vân nan đắc, cận bồi hồi. Dịch. Người đời danh lợi thích bon chen, Duy chỉ ngài đây quả thực nhàn. Ôm gối ngồi nghe thanh gió thổi, Mưa xuân, cửa khép cảnh rêu lan. Hang núi xa xăm thư gửi lại, Tăng nhân yêu thích hiên hoang tàn. Chỉ sợ vua trưng người ở ẩn, Còn đâu mây, suối cảnh xanh lam ! Thế rồi, triều đình tế cáo khắp nơi, nào núi Thái-sơn, nào Khổng-miếu, nào tế Đạo-tổ. Các châu quận cũng tế , dân cũng tế, náo loạn cả nước. Nội dung Thiên-thư nói rằng : Vua Trung-nguyên là thiên-tử được sai xuống cai trị Thiên-hạ. Sắc dân Bắc là Địch, Tây là Nhung, Đông là Di, Nam là Man phải quy phục. Trong sách cũng định rõ cương thổ của Trung-nguyên với bốn vùng Đông, Tây, Nam, Bắc. Sách lại được vua cho người núp trên các nóc đền thờ Tam-hoàng, Ngũ-đế đọc. Dân chúng nghe thấy tưởng đâu trời sai thiên tướng xuống đọc. Họ chép lại rồi lưu truyền. Sau vụ này tinh thần quân, dân Tống hưng khởi lên, giữ được cương giới phía Bắc hơn năm mươi năm. Ghi chú: Bộ sách này Trung-hoa thư cục Bắc-kinh có tái bản nhiều lần, bản mà tôi đọc là bản do Bắc-kinh đệ nhị Tân-hoa ấn chế xưởng in năm 1965. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết đem quân sang đánh Đại-Việt, quân Tống tiến tới sông Như-nguyệt, chỉ còn cách Thăng-long có 25 km. Lý Thường-Kiệt cho làm bài thơ, ngụ ý Thiên-thư đã định ranh giới Hoa-Việt, kẻ nào xâm lăng Đại-Việt là trái với sách trời, ắt phải bại. Sau đó ông sai người núp trong đền thờ chư thần, mà đọc. Binh tướng Tống nghe được, lại tưởng là trời sai thần xuống kể tội, rồi truyền nhau về sự tích Thiên-thư, về trận đánh Hỏa-giáp. Họ thì thầm: Như vậy việc Tống ra quân trái với Thiên-thư, thì trước sau rồi cũng đến chết hết. Đó là một nguyên do đưa đến quân Tống mất hết tinh thần chiến đấu, rồi bị bại. Suốt 920 năm qua, người Việt đọc bài thơ trên thấy câu ”Tiệt nhiên định phận tại Thiên-thư” thì cứ cho thiên thư là danh từ chung để chỉ sách trời do Thường-Kiệt bịa ra; không ai biết rằng đó là danh tự riêng để chỉ bộ sách ra đời vào thời vua Chân-Tông. Vì hệ thống tuyên truyền của Tống triều trải từ thời Chân-Tông qua thời Nhân- Tông, Anh-Tông, bấy giờ là thời Thần-tông, (1076) trên từ vua, đại thần, cho đến dân Trung-hoa đều tin vào Thiên-thư nên Thường-Kiệt mới nhân đó, dùng gậy ông đập lưng ông. Chỉ độc giả Nam-quốc sơn hà mới hiểu rõ ý nghĩa chữ Thiên-thư này mà thôi. Thái-úy Lý Thường-Kiệt là nhân vật tài trí bậc nhất thời Thần-vũ (Lý Thánh-tông) và Anhvũ Chiêu-thắng (Lý Nhân-tông). Ngài là một anh hùng đã lập được huân công vĩ đại cho tộc Việt. Hiện còn nhiều đền thờ ngài. Tôi đã được viếng thăm đền thờ tại xã Ngọ-xá, huyện Vĩnh-lộc, tỉnh Thanh-hóa hai lần. Hiện hầu hết các đền thờ anh hùng dân tộc trong nước đều được dân địa phương trùng tu rất khang trang. Nhưng dân Ngọ-xá quá nghèo, vì vậy đền tiêu điều như hình trên.(Hình chụp tháng 8-2001) Trên giữa cổng chính là ba chữ Lý Đại Vương (chữ Lý ở giữa. Bên phải là chừ Đại, bên trái là chữ Vương. Đôi câu đối cổng chính: Phạt Tống, bình Chiêm vạn cổ danh phương thùy vũ trụ, Hộ dân bảo quốc thiên thu công đức quán sơn hà. (Phạt Tống, bình Chiêm tiếng thơm vạn cổ tràn vũ trụ. Giúp dân, giữ nước, công đức nghìn thu khắp non sông). Hình dưới là cổng phụ bên trái, đôi câu đối là: Anh hùng chí khí sinh dũng tướng, Hào kiệt uy phong hóa phúc thần. (Chí khí anh hùng sinh tướng mạnh, Oai phong hào kiệt hóa phúc thần) Còn cổng bên phải có đôi câu đối: Hách hách uy phong trừ nội nghịch, Đường đường kính khí diệt ngoại xâm. (Uy phong hách hách trừ phản tặc, Khí cứng đường đường diệt ngoại xâm) Tưởng niệm vị đại anh hùng dân tộc, mà không có lối vào nên nét mặt như bị bỏ đói mấy ngày! Hình chụp năm 1994, cổng vào đền thờ của ngài Thái-úy Lý Thường-Kiệt tại xã Ngọ-xá, huyện Vĩnh-lộc, tỉnh Thanh-hóa: Cánh cổng không còn. Thuật giả muốn vào thắp hương tưởng niệm vị đại anh hùng dân tộc, mà không có lối vào nên nét mặt như bị bỏ đói mấy ngày! Đền thờ chính Mái ngói lâu ngày đã mục hết. Các đồ thờ bên trong còn mục hơn nữa. Dân xã nghèo quá, ăn không đủ, lấy tiền đâu mà cúng, mà trùng tu Nội dung bộ Nam-quốc sơn hà thuật giai đoạn hùng tráng nhất lịch sử Việt-Nam. Phía Nam, bình Chiêm, sát nhập ba châu Bố-chánh, Địa-lý, Ma-linh vào lãnh thổ Đại- Việt. Phía Bắc ba lần đánh Tống. Đây là cuộc Bắc-phạt lừng danh nhất lịch-sử Việt-Nam. Bởi các chiến công khác đều là cuộc kháng chiến giữ nước, còn cuộc đánh Tống này, do Đại-Việt khởi sự, chiến cuộc diễn ra trên đất Trung-nguyên. Tiếp theo, Đại-Việt lại đánh bại cuộc xâm lăng của Tống, trả thù trận Ung, Liêm, Khâm. Chiến công có một không hai trong lịch-sử Đại-Việt này vĩ đại biết là chừng nào, thế nhưng những bộ sử như Đại-Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), Việt-sử lược (VSL), Khâm-định Việt-sử thông giám cương mục (KĐVSTGCM), chỉ dành chỗ cho khoảng một trang mà thôi. Trong khi Tống-sử (TS), Tục tư trị thông giám trường biên (TTTTGTB), Ung-châu kỷ sự (UCKS)ï, Tống Thần-tông thực lục (TTTTL), Quách thị Nam-chinh (QTNC), Triệu thị chinh tiễu Giao-chỉ ký (TTCTGCK), Tống triều công thần bi ký (TTCTBK) của Trung-quốc lại chép rất chi tiết tỷ mỉ. Vì sự khác thường ấy, người sau đặt ra những nghi vấn lớn như: II.1.1. - Nghi vấn thứ nhất : Người lãnh đạo. Một là, chiến cuộc xẩy ra trong ba năm 1075, 1076, 1077, dưới thời vua Lý Nhân Tông. Bấy giờ vua mới chín tuổi, cho rằng vua thông minh, tài trí đi; thì với cái tuổi đó làm sao có thể quyết định một việc lớn như vậy? Làm sao có đủ khả năng chỉ huy tiếp vận cho một chiến cuộc vĩ đại như vậy? Thế ai là người lãnh đạo Đại-Việt bấy giờ? Ai là người tổ chức tiếp vận? II.1.2. - Nghi vấn thứ nhì :Tiểu sử các tướng. Hai là, sử sách đều cho rằng chiến công này của Lý Thường-Kiệt và Tôn Đản. Ngoài ra còn nhắc đến một vài tên nữa như hoàng tử Hoằng-Chân, Chiêu-Văn, đô-đốc Lý Kế-Nguyên, lang tướng Nguyễn Căn. Trong khi truyền-sử lại nói có 18 tướng và 18 phunhân đã chiến đấu oanh liệt, rồi tuẫn quốc. Thế 18 tướng ấy hành trạng ra sao? Huân nghiệp thế nào? Gia phả của họ Lý ở Hùng-xuyên, Đại-hàn cũng có đôi câu đối nói về việc này: Thập bát anh hùng, giai Phù-đổng, Tam thiên nữ kiệt, tỷ Mê-linh. Nghĩa là: Mười tám anh hùng đều là con cháu Phù-Đổng thiên vương, ba nghìn nữ kiệt đều sánh với gái Mê-linh (để chỉ nữ binh thời Trưng-vương). II. 1.3. - Nghi vấn thứ ba: Tôn Đản là ai ? Ba là, ngay hai tướng lịch sử ghi danh là Tôn Đản, Lý Thường-Kiệt, thì cũng không biết Tôn Đản là ai. Thế tiểu sử ngài ra sao? Sử cũ cho rằng ngài là một tướng nào đó. Lại có những người đưa ra lý luận ngớ ngẩn, nhân thấy âm Tôn Đản với Nùng Tông-Đán hơi giống nhau, thì cho ngay rằng Tôn Đản chính là tên Nùng phản phúc Nùng Tông-Đán đã theo Tống từ lâu. II. 1.4. - Nghi vấn thứ tư :Ý nghĩa bài thơ đánh Tống. Bốn là, chữ Thiên-thư trong bài thơ trên, người sau không tham khảo kỹ Tống-sử, cho rằng thiên-thư là danh từ chung, Lý Thường-Kiệt dùng như một hiện thể trừu tượng để chỉ ý trời. Nhưng thực ra đó là tên bộ sách làm chủ đạo cho Tống triều mang tên Thiên-thư nghị chế. Lý Thường-Kiệt dùng gậy ông đập lưng ông. Dưới đây tôi xin giải các nghi vấn đó. II - 2 - 1. Về nghi vấn thứ nhất, Người chỉ đạo cuộc chiến là Linh Nhân hoàng thái hậu. Người chỉ đạo, cũng là người nắm vững guồng máy cai trị, bảo đảm an ninh hậu phương, tiếp vận cho tiền tuyến là Linh-Nhân hoàng thái hậu. Nhưng tại sao sử Việt lại không chép sự kiện này? II. 2. 1.1. Lý do sử Việt không chỉ rõ, Ta thấy nguyên nhân có ba: * Một là sự nhập cung của bà có hơi khác thường. Vua gặp gỡ giữa đường, đem về phong là Ỷ-Lan phu-nhân. Khác với tất cả cung-phi khác, phải qua nhiều cuộc tuyển chọn phức tạp. Bà nhập cung vượt ra khỏi luật lệ Lý triều, nên chi người sau cho rằng bà chỉ là một cô gái quê tầm thường, nhờ con làm vua, mà trở thành Linh-Nhân hoàng thái hậu, rồi nhiếp chính. * Hai là, sau Linh-Nhân hoàng thái hậu, triều Lý có đến ba bà thái-hậu nhiếp chính rồi lăng loàn, dâm đãng, đưa đến mất nghiệp. Đó là Lê thái hậu vợ vua Thần-tông; Đỗ thái hậu vợ vua Anh-tông và Trần thái hậu vợ vua Huệ-tông. Các Nho gia với quan niệm: Sử là tấm gương cho người sau soi chung, nên không muốn có sự tham dự của đàn bà vào chính sự, mà dân gian gọi là tình trạng gà mái gáy. Vì vậy khi chép sử, các sử gia đã bỏ bà ra ngoài huân nghiệp vĩ đại của Linh-Nhân hoàng thái hậu. * Trong thực tế, chúng ta thấy chính Linh-Nhân hoàng thái hậu là người lãnh đạo cuộc Bắc phạt. Tôn Đản, Lý Thường-Kiệt chỉ là tướng cầm quân mà thôi. Vì: * Bấy giờ vua Nhân-tông mới chín tuổi, Linh-Nhân hoàng thái hậu nhiếp chính. Nói khác đi là cầm quyền. Bảo rằng nhà vua chỉ đạo, thì không ai có thể chấp nhận. Vì với tuổi đó, dù thông minh chăng nữa, nhà vua cũng không đủ trí khôn, kiến thức để thấu đáo vấn đề; huống hồ đưa ra quyết định lớn lao, táo bạo. * Cuộc Bắc phạt thời Thái-Ninh (1075) với đạo quân hơn mười vạn người ngựa, ít ra cũng phải có 40 vạn dân phu chuyên chở, tiếp tế lương thảo; chi tiêu cực kỳ tốn kém. Tiếp theo là cuộc kháng Tống giữ nước. Những công việc khó khăn đó, đòi hỏi ba điều. Một là nền cai trị vững chắc để có an ninh ở hậu phương. Hai là tiếp vận lương thảo, cực kỳ tốn của, tốn sức người. Ba là bổ xung tổn thất; phi người tài trí, không đương nổi. Vì thế trong bộ Nam-quốc sơn hà tôi sẽ trình bầy rõ: Linh-Nhân hoàng thái hậu đã dùng tới bẩy phụ tá, như một siêu triều đình. Đó là công chúa Thiên-Ninh, Thiên-Thành, Động-Thiên, vương phi Trung-Thành vương là Nguyễn-thị Trinh-Dung, vương phi Tín-Nghĩa vương Lê Ngọc- Nam, phu nhân tướng Nguyễn-Căn là Vũ Thanh-Thảo, phu nhân tướng Bùi Hoàng-Quan là Trần Ngọc-Huệ. Điều này chưa một sử sách Việt nào nói tới. * Cũng có người bảo rằng chính Thái-sư Lý Đạo-Thành đã chủ trương, chỉ đạo cuộc Bắc phạt. Vô lý, bởi ông bị Linh-Nhân hoàng thái hậu đầy vào Thanh-Nghệ, chỉ được ân xá về triều để giúp việc nội trị khi cất quân Bắc phạt. Hơn nữa ông là người chủ hòa, lại ở vào tuổi tám mươi hơn, nên quyết định Bắc phạt không thể là ông; mà phải là Linh-Nhân hoàng thái hậu. * Bảo rằng, quyết định này của Lý Thường-Kiệt ư? Có thể. Bấy giờ Thường- Kiệt lĩnh chức Thái-úy (QTNC nói ông lĩnh chức Đại-tư-mã), nhưng quyết định tối hậu vẫn là Linh-Nhân hoàng thái hậu. Bởi ngay thời vua Thánh-tông còn tại thế, trong khi bình Chiêm, đã giao quyền cho bà. Không những bà tổ chức cai trị, tiếp vận chu đáo; mà còn tỏ ra xuất sắc hơn nhà vua trong lúc không chiến tranh nữa. II. 2.1. 2. Di tích về Linh-Nhân hoàng thái hậu. Vì những huân nghiệp vĩ đại, nên sau khi băng hà, bà được thờ kính khắp nơi. Tôi tạm ghi ở đây những đền hiện nay (1995) vẫn còn, dân chúng vẫn hương khói, vì ngài rất linh ứng: * Phú-thị từ (Đền Phú-thị) Ở xã Phú-thị, tiếng nôm là làng Sủi (tên thời Lý là làng Thổ-lỗi hay Thổ-lội, sau đổi ra Siêu-loại), thuộc tổng Kim-sơn, huyện Gia-lâm, tỉnh Bắc-ninh cũ, nay thuộc Hà-nội. Tài liệu ghi chép: Bắc-ninh tỉnh thần tích. * Lý thái hậu từ (Đền Lý Thái-hậu) Ở xã Dương-xá, tổng Dương-quang, huyện Siêu-loại tỉnh Bắc-ninh, sau thuộc tỉnh Hà-Bắc. Nay là xã Dương-xá huyện Gia-lâm, Hà-nội. Tài liệu ghi chép: Bắc-ninh toàn tỉnh địa dư chí. Cổng chính từ ngoài vào Hình chụp năm 1994, tại xã Dương-xá, huyện Gia-lâm, Hà-nội: một trong 72 ngôi chùa, Linh-Nhân hoàng Thái-hậu (Minh-Đệ) xây để đáp lời hứa với Minh-Không thiền sư. Chùa này nằm trong cùng khuôn viên với đền thờ ngài * Lý triều đệ tam hoàng thái hậu từ. Ở xã Quang-lệ, huyện Phù-dung, sau là huyện Phù-cừ, tỉnh Hưng-yên, nay là huyện Phù-tiên, tỉnh Hải-hưng. Tài liệu ghi chép: Đại-Việt địa dư chí, Bắc-thành địa dư chí lục. * Lý hoàng thái hậu từ. (Đền thờ hoàng thái hậu triều lý). Ở xã Cẩm-cầu, huyện Gia-lộc, tỉnh Hải-dương. Tài liệu ghi chép: Bắc-thành địa dư chí lục. Đồng-Khánh địa dư. Đại-Nam nhất thống chí (Hải-dương). * Hội-châu từ (Đền Hội-châu). Ổ thôn Bản-kỷ, xã Hội-châu, huyên Thanh-quan, nay là huyện Thái-thụy tỉnh Tháibình. Đây là quê ngoại của ngài. Tài liệu ghi chép: Thái-bình địa dư-ký. * Yên-thái từ (đền An-thái). Ở làng Yên-thái, huyện Thọ-xương, nay là số 8, ngõ Tạm-thương, Hà-nội. Tài liệu ghi chép: Kim-cổ thôn bi ký. Hà-nội tỉnh thần tích. 3.7. Cẩm-đới đình. Ở làng Cẩm-đới, tổng Bao-trung, huyện Gia-lộc, nay là Tứ-lộc, tỉnh Hải-hưng. Tài liệu ghi chép: Hải-dương tỉnh thần tích. SƯA 3ĐẾNN ĐÂY 3.8. Đồng-thiên quán Một trong bốn quán lớn ở Thăng-long. Hồi sinh thời ngài dựng để thờ Tam-thanh (Ngọc-thanh, Thượng-thanh, Thái-thanh) ở thôn Kim-cổ huyện Thọ-xương. Nay ở số 73 Đường Thành, Hà-nội. Đã bị hủy hoàn toàn, chỉ còn bức tường. Tài liệu ghi chép: Bắc-thành địa dư chí lục. Hoàng-Việt địa dư chí. Thăng-long cổ-tích khảo. Long-biên bách nhị vịnh. Đại-việt địa dư chí. 3.9. Đồng-lâm tự (chùa Đồng-lâm) Chùa nằm ở giữa hai thôn Ngọc-trì và Vệ, xã Cổ-linh, huyện Gia-lâm, tỉnh Bắcninh. Nay thuộc huyện Gia-lâm Hà-nội. Đây là một trong 72 ngôi chùa, mà hồi sinh thời bà cho dựng lên. Tài liệu ghi chép: Lâm-cổ ký. Bắc-ninh toàn tỉnh địa dư chí. 4. Những cuộc bình Nam, Bắc phạt thời Tiêu-sơn. Thời Lý (1010-1225) các văn gia xưa gọi là thời Tiêu-sơn, vì Tiêu-sơn là ngọn núi phát tích ra triều Lý. Thời nào Đại-Việt ta cũng có những vị anh hùng xả thân cứu nước. Công nghiệp của các ngài, thành cũng nhiều, mà bại cũng lắm. Dù thành, dù bại, sau khi các ngài lìa thế thì hoặc dân chúng, hoặc các triều đại kế tiếp đều lập đền thờ, để tưởng nhớ huâncông. Ngoài chính sử ra, tại đền thờ các ngài, thường có cuốn phổ (còn gọi là ngọc phổ hay ngọc phả) chép hành trạng. Năm 1407, Trương Phụ, Mộc Thạch đã phá hầu hết di-tích, đền-miếu thờ các ngài đã đành, mà còn thu tất cả các cuốn phổ mang về Kim-lăng. Năm 1428, vua Lê Thái-tổ tái lập nền tự-trị, một số di-tích, đền-miếu được trùng-tu, được táitạo. Những cuốn phổ cũng được chép lại theo trí nhớ, thành ra tam sao thất bản, không còn đúng với sự thực. Lại nữa người Việt có tục kiêng húy, nên những di-tích, đền-miếu tuy đã dựng lại, mà đôi khi người sau không còn nhớ được họ, tên các ngài. Thủa nhỏ, tiền nhân giảng dậy cho tôi rất kỹ về huân-nghiệp của các anh hùng năm nghìn năm tộc Việt. Trong đó có lướt qua cuộc đánh Tống, bình Chiêm thời Tiêu-sơn. 4.1. Các cuộc bình Chiêm. Về bình Chiêm có ba lần. 4.1.1. Lần thứ nhất. Vào thời vua Thái-tổ (1020), người cầm quân là Khai-Thiên vương (sau là vua Thái-tông) với Đào Thạc-Phụ. Mục đích cuộc hành quân chỉ để trừng phạt Chiêm vào cướp phá Nam biên Đại-Việt. 4.1.2. Lần thứ nhì, Do Khai-Quốc vương lãnh-đạo (1044), vua Thái-tông thân chinh, Tôn Đản tổng chỉ huy. Cuộc hành quân này có mục đích phá chủ lực quân Chiêm, vì bấy giờ Chiêm liên kết với Tống, dự trù đánh vào Nam thùy, khi Tống tiến quân vào Bắc-cương. Kết qủa, vua Chiêm là Sạ-Dẩu bị giết tại trận, ta còn bắt cả hoàng hậu Mỵ-Ê mang về. Hai chiến công này đã thuật sơ trong bộ Anh-linh thần võ tộc Việt. 4.1.3. Lần thứ ba (1069) Do vua Thánh-tông thân chinh, Lý Thường-Kiệt tổng chỉ-huy, Tôn Đản làm quân sư. Cuộc hành quân này có hai mục đích; một là phá thế liên minh Tống, Chiêm dự xâm lăng Đại-Việt; hai là chiếm vùng đất Chiêm có nhiều Việt kiều sinh sống. Kết quả, vua Chiêm là Chế-Củ bị bắt cùng với năm vạn quân. Chế-Củ dâng ba châu Bố-chánh, Địa-lý, Ma-linh để được ân xá. Cuộc hành quân này được thuật tỷ mỉ trong bộ Nam-quốc sơn-hà. 4.2. Các cuộc phạt Tống. Về việc đánh Tống có sáu lần, thì trong đó có năm lần đánh sang lãnh thổ Trungquốc và một lần kháng chiến chống xâm-lăng. 4.2.1. Lần thứ nhất, Do vua Lý Thái-tổ ban chỉ, Khai-Thiên vương tổng chỉ huy, đánh sang trại Nhưhồng của Tống, để trừng phạt quân Tống tại đây thường vượt biên sang Đại-Việt cướp bóc. Toàn thắng. Cuộc chiến tranh có tính cách trừng phạt một khê-động. 4.2.2. Lần thứ nhì , Do Khai-Quốc vương lãnh đạo, tổng chỉ huy là công chúa Lĩnh-Nam Bảo-Hòa và phò-mã Thân Thừa-Quý. Mục đích chiếm lại mấy châu động đã mất về Tống, do các biên thần Tống chủ trương. Toàn thắng. Cuộc chiến có tính cách tự vệ, dằn mặt các biên thần Quảng-Tây. Tống triều không chủ trương. 4.2.3. Lần thứ ba, Dưới thời vua Thái-tông, do Khai-Quốc vương lãnh đạo (1053), mục đích chiếm lại lãnh thổ thời vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng, bị người Hán chiếm mất, rồi đẩy dân Việt về sống ở vùng Bắc-cương thành 207 trang-động. Cuộc khởi binh thành công, đưa Nùng Trí-Cao lên làm vua, lấy lãnh thổ vùng Quảng-Đông, Quảng-Tây, Quý-châu lập thành nước Đại-Nam. Cuộc ra quân này, đã thuật chi tiết trong bộ Anh-linh thần võ tộc Việt. Lúc đầu thắng, sau bị bại. Cuộc chiến tranh có tính cách toàn diện. Đại-Việt không ra mặt khai chiến với Tống. Tống biết, nhưng không dám trả thù. 4.2.4. Lần thứ tư, Cũng do Khai-Quốc vương lãnh đạo, diễn ra dưới thời vua Thánh-tông. Người tổng chỉ huy là công-chúa Bình-Dương với phò mã Thân Thiệu-Thái (1059-1060). Mục đích cuộc Bắc phạt này là chiếm lại một số trang động do các bộ tộc thiểu số tự trị; bị Tống lấn chiếm, hoặc chiêu dụ phản Việt theo Tống. Sau khi chiếm lại các trang đã mất, trả đất cho các tộc bị mất, quân Việt tiến sâu vào vùng Tả-giang, Hữu-giang, chiếm hơn mười ải, giết nhiều tướng Tống. Tống cực kỳ phẫn uất, nhiều đại thần khuyên vua Tống Nhân-tông đem quân sang đánh Đại-Việt để trừng phạt; nhân đó chiếm nước đặt làm quận huyện. Ngặt vì bấy giờ phía Tây, Tống đang mắc họa với Hạ, phía Bắc thì Liêu chiếm đất, đòi cống vàng lụa; vả vua Tống cũng sợ binh hùng tướng mạnh của Đại-Việt, nên bàn hòa. Công-chúa Bình-Dương đòi nhiều điều kiện khắt khe mới chịu rút quân. Tống cũng phải nhượng. Thắng toàn diện. Chiến công oanh liệt trên thuật trong bộ Nam-quốc sơn-hà. Đến đây chiến cuộc leo thang. Đại-Việt ra mặt khai chiến với Tống, nhưng để cho công chúa Bình- Dương, phò-mã Thân Thiệu-Thái làm. 4.2.5. Lần thứ năm, Diễn ra dưới thời vua Nhân-tông vào năm 1075, bấy giờ vua mới chín tuổi, Linh- Nhân hoàng thái hậu phụ chính. Vua còn thơ, chư sự lớn nhỏ đều do Linh-Nhân hoàng thái hậu quyết định. Nguyên do: Vua Tống Thần-tông dùng những cải cách về kinh-tế, nôngnghiệp, binh-bị, tài-chánh của Vương An-Thạch từ năm 1066, đã được chín năm, khiến binh lực trở thành hùng hậu, quốc-sản sung túc. Nhà vua muốn nhân đó tiến quân lên Bắc đánh Liêu, chiếm lại đất cũ, để rửa nhục. Nhưng Vương An-Thạch lại khuyên nên đánh Đại-Việt trước. Sau khi bại Đại-Việt, thì Chiêm-thành, Chân-lạp, Ai-lao, Xiêm-la, Đại-lý phải quy hàng. Bấy giờ dùng nhân lực, tài lực sáu nước, đem lên Bắc, thì thắng Liêu dễ dàng. Vua nghe theo, bí mật cho các châu Nam biên luyện binh, tích trữ lương thảo. Cuộc chuẩn bị được ba năm, thì bị Đại-Việt biết được. Linh-Nhân hoàng thái hậu quyết định: Ngồi yên đợi giặc, sao bằng mình ra tay trước. Mục đích cuộc hành quân là phá hết các kho lương thảo, vũ khí, thành trì, cầu cống, diệt các đạo quân mới huấn luyện của Nam thùy Tống. Thế là cuộc Bắc phạt nổ ra vào cuối năm 1075. Quân Việt tiến đánh 18 ải dọc biên thùy Tống, rồi công phá các châu Khâm, Liêm, Ung, Dung, Nghi, Bạch, cùng diệt viện quân ở núi Đại-giáp. Nhiệm vụ chu toàn rồi, quân Việt rút về. Thắng toàn diện. Đến đây Đại-Việt ra mặt khai chiến với Tống. Cả hai bên cùng đem toàn lực ra đối phó với nhau. 4.3. Kết qủa cuộc Bắc phạt vĩ đại, Cuộc ra quân của Việt lần này quá lớn lao, phá nát kế hoạch cải cách của Tống ở Giang-Nam. Quá uất hận, Tống chịu nhục; nhường Hạ ở phía Tây, cắt đất dâng cho Liêu ở phương Bắc... để cho rảnh tay, rồi họ mang quân nghiêng nước sang định chiếm Đại-Việt đặt làm quận huyện (1076-1077). Nhưng Tống lại bị thất bại phải rút quân về, và chịu hòa. Người có hùng tâm, tráng-chí, lãnh đạo là một thiếu phụ ở tuổi ba mươi, đó là Linh-Nhân hoàng thái hậu (Ỷ-Lan). Còn người Tổng chỉ huy cuộc vượt biên Bắc phạt là Lý Thường- Kiệt, Tôn Đản, Lý Hoằng-Chân, Lý Chiêu-Văn, Lý Kế-Nguyên. Nội dung bộ Nam-quốc sơn hà thuật cuộc Bắc phạt, cùng kháng Tống trên. 4.4. Rung chuyển Trung-nguyên, Sau cuộc Bắc phạt, và giữa lúc cuộc kháng Tống của Đại-Việt, chiến cuộc đang diễn ra cực kỳ khốc liệt (1076), Vương An-Thạch bị cách chức Tể-tướng, giáng xuống tri Giang-ninh phủ lĩnh Trấn-Nam quân tiết độ sứ, Đồng-bình chương-sự. Lúc Vương độ giang, bị một nhân sĩ bắt con sâu bỏ lên xe rồi làm bài thơ mỉa mai như sau: Thanh-miêu, trợ-dịch lưỡng phương nông, Thiên hạ ngao ngao oán tướng công. Độc hữu hoàng trùng thiên cảm đức, Hữu tùy xa giá, quá Giang-Đông. Dịch : Thanh-miêu trợ dịch hại canh nông, Thiên hạ nhao nhao oán tướng công. Chỉ có sâu vàng theo tiễn biệt, Cùng trên xa giá, quá Giang-Đông. Có người ví cái thất bại của Vương An-Thạch cũng đau đớn như cái thất bại của Hạng Võ xưa, khuyên Thạch nên tự tử: Khi Hạng-Vương mưu đuổi hươu ở Trung-nguyên, bị thất bại, lui về Nam; lúc qua sông này tự cảm thấy xấu hổ, đã tự tử, mà hậu thế kính phục. Tôi khuyên ông cũng nên tự tử để lưu danh muôn thủa. Nhưng Thạch không đủ can đảm. Tiếc thay, một cuộc cải cách về kinh-tế, binh-bị, tài-chánh, xã-hội, nông nghiệp như vậy, đang trên đường thành công rực rỡ; bị tan vỡ, bị hủy bỏ chỉ vì tham vọng đánh Đại-Việt của Vương An-Thạch. Mà đau đớn biết bao, khi người phá vỡ chỉ là một thiếu phụ Việt ở tuổi ba mươi. Giá như Thạch không chủ trương Nam xâm, chỉ cần mười năm nữa, toàn bộ xã hội Trung-quốc thay đổi; rồi với cái đà đó, thì Trung-quốc sẽ là nước hùng mạnh vô song, e rằng muôn đời mặt trời vẫn ở phương Đông, chứ không ngả về Tây như hồi thế kỷ thứ 18 cho đến nay và bao giờ..???...??? 5. Tìm những danh tướng thời Tiêu-sơn. 5.1. Đi tìm anh hùng nghìn năm trước. Chủ trương Bắc-phạt là của Linh-Nhân hoàng thái hậu. Tướng cầm quân là Thường-Kiệt, Tôn Đản. Thế nhưng không phải chỉ hai tướng ấy mà tạo ra chiến công lừng lẫy như vậy! Phải có thêm nhiều người. Sử nhắc đến Lý Hoằng-Chân, Lý Chiêu-Văn, Lý Kế-Nguyên, Nguyễn-Căn. Nhưng vào cái thời đó, cứ một người ra trận, thì phải năm người tiếp vận; ấy là không kể bộ máy kinh-tế, tài-chánh, cai trị để cung cấp nhu cầu cho binh tướng. Vậy những nhân vật nào đã làm bằng ấy công tác? 5.1.1. Tìm trong nhà. Khi tiền nhân giảng về giai đoạn lịch sử này cho tôi, các người thường than thở rằng: Tương truyền bấy có sáu vị nữ quan, phụ trách sáu bộ, cạnh Linh-Nhân hoàng thái hậu như một siêu chính phủ. Thế mà nay sử sách không lưu truyền sáu bà ấy là những bà nào. Lại nữa, trong cuộc đánh Tống, Việt có mười tám tướng, cùng mười tám phu nhân cũng là mười tám nữ tướng; mà mười hai vị xuất thân cùng khổ; tất cả đều tuẫn quốc trong trận kháng Tống, nhưng tiếc thay tiểu sử lại rất mơ hồ. Nếu nói quá đi, gần như không còn. Lúc lớn lên, tôi có tìm đọc những sách do Quốc-sử quán triều Nguyễn soạn để tìm hiểu thêm. Về sử như Đại-Nam thực lục tiền biên, Đại-Nam thực lục chính biên. Về chí như Đại-Nam nhất thống chí, Đại-Nam quận huyện phong thổ vật lược chí, các bộ Địaphương chí, Phủ-huyện chí, Truyện ký, Thần-tích, Ngọc-phả. Nhưng cũng không tìm ra được chút ánh sáng nào. 5.1.2. Tìm ở nước người. Cho đến khi ra trường (1964) có chỗ đứng trong xã hội về tài chính, có phương tiện, tôi đã lần mua đọc các bộ sách của Trung-quốc. Từ những bộ lớn như: Tục tư trị thông giám trường biên, Tống Thần-tông thực lục, Tống-sử v.v. tới những bộ nhỏ như Ung-châu kỷ-sự, Hy-Ninh cảo lục. Nhưng cũng không tìm ra được gì hơn. Phải chờ đến giai đoạn 1977-1995, nhờ đi trong phái đoàn trao đổi y-học Pháp-Hoa (CMFC), Liên-hiệp các viện bào chế châu Aâu (CEP), viện Pháp-Á (IFA) tôi có dịp lần mò vào những thư viện, bảo tàng địa phương Trung-quốc. - Nào thư-viện, bảo-tàng cao nhất của cấp tỉnh, nào thư viện đại học Văn-sử, nào thư viện đại học Sư-phạm... cho tới thư-viện cấp huyện của các tỉnh Quảng-Đông, Quảng-Tây, Vân-Nam, Quý-châu, Hồ-Nam. - Tôi đã đi Nam-ninh (Ung-châu) lên núi Đại-giáp, Hỏa-giáp, suối Ngọc-tuyền; tới Khâmchâu, Liêm-châu để quan sát địa hình chiến trường thời Tống-Lý. - Nhờ các cuốn địa-phương chí, nhân vật chí, địa dư chí từ đời Minh, đời Thanh còn lưu truyền; tôi tìm ra đền thờ các tướng Tống tử trận trong chiến tranh Tống-Lý, được lập đền thờ. Trong các chí đó, có nói đến nhiều danh tướng Việt. - Tôi cũng lần mò đọc các tấm bia ở ngoại ô Nam-ninh trên gò chôn tập thể dân quân Tống chết trong trận Ung-châu. Tại núi Đại-giáp, tôi được thăm lăng mộ, đền thờ, đọc bia ký của năm tướng Trương Thủ-Tiết, Hứa Dự, Ôn Nguyên-Dụ, Trương Biện, Vương Trấn. Các tướng này tử trận khi mang quân cứu viện thành Ung. Trong các bia, phổ, gia phả của năm tướng, thuật rất chi tiết về chiến cuộc Côn-lôn, Đại-giáp, và nhắc đến tên nhiều tướng Đại-Việt. Cảm động nhất là trong khi viếng đền, tôi được gặp hậu dụệ chư tướng ấy đang họp nhau, quyên góp tiền trùng tu đền. Họ đem sổ vàng ra, khiến tôi không biết phải hành-xử như thế nào? Bởi cúng, thì tôi còn mặt mũi nào để đến quỳ gối tại đền thờ Linh- Nhân hoàng thái hậu? Công chúa Thiên-Ninh, và 18 anh-hùng tuẫn quốc thời Thái-Ninh! Mà chối thì hóa ra người hẹp hòi, gây khó khăn khi mượn gia phải của chư tướng Tống để tìm tài liệu lịch sử! Cuối cùng tôi đành để người bạn gái người Hoa là danh ca Chu Cẩm- Hồ cúng một số tiền nhỏ (500 $ US, dĩ nhiên tiền đó của tôi), gọi là tưởng nhớ những người trung-nghĩa mà bỏ mình. - Tại một số thư viện khác, tôi đã tìm ra không biết biết bao tài liệu quý báu. Tài liệu quý nhất là bộ Tống triều công thần bi ký nội dung chép văn bia, mộ chí của hầu hết những nhân vật văn võ thời Tống liên quan đến Đại-Việt. Nhờ nội dung văn-bia, tôi biết thêm nhiều chi tiết lịch-sử, mà trong các bộ sử lớn, nhỏ không chép. 5.1.3. Tìm di tích bằng y-khoa. Xin mở cái ngoặc ở đây: Khi chúng tôi sang Trung-quốc công tác cho CMFC thường có hai phái đoàn, một phái « trao tức giảng dạy cho người, một phải đoàn « đổi tức học của người. Lúc đầu tôi đi trong các phái đoàn với tư cách thông dịch viên, sau kiêm thêm liên lạc tổ chức, rồi dần dần (sống lâu lên lão làng) tôi làm trưởng phái đoàn cho đến nay (1995). Vì dịch riết rồi những vấn đề dịch nhập tâm, lĩnh hội được, nên tôi thu thái rất nhiều khi « trao. Như trước 1978 tôi chỉ có một số kiến thức khiêm tốn về giải phẫu chỉnh hình (orthopédie), nhất là giải-phẫu thẩm mỹ như lột da, căng da, cắt mắt, nâng cao mũi, lấy mỡ bụng, làm môi trái đào, sửa ngực. Đến năm 1981 tôi nghiễm nhiên trở thành phụ giảng khi trao, và từ năm 1986, tôi là một trong những giảng viên về các món lỉnh kỉnh này. Tôi nghĩ: Xưa Lã Bất-Bi buôn vua, thì nay tôi cũng buôn y-học. Tôi dùng khả năng y-học thẩm mỹ để làm quen với quý bà. Ở cái xã hội nào cũng thế, các bà đều thích đẹp, và cồng bà bao giờ cũng mạnh hơn lệnh ông. Lệ không thành văn của phái đoàn trao đổi y-học là: Ngoài công tác chính tại các đại-học, bệnh viện, các giáo-sư có quyền điều trị cho dân chúng, nhưng không được nhận thù lao. Dùng cái võ công lột da mặt, cắt mắt, làm môi trái đào, lấy mỡ bụng, nâng cao mũi, tôi đã thành con mọt sách lớn, lọt vào được những tủ sách gia đình, địa phương của nhiều tộc mà tôi muốn. Tôi đã làm quen, đã tìm lại được giòng dõi các quan lại, các tướng liên hệ đến việc sang đánh Đại-Việt của Tống, rồi xin đọc gia phả Tổ tiên anh hùng của họ. Tôi đã được đọc gia phả chép về Vương Duy-Chính, Dư Tĩnh, Tiêu Chú, Oân Cảo, Tiêu Cố, Lý Sư-Trung, Vương An-Thạch, Thẩm Khởi, Lưu Di, Quách Quỳ, Triệu Tiết, Yên Đạt, Tu Kỷ, Diêu Tự, Lý Hạo, Trương Chi-Giám, Dương Vạn, Lôi Tự-Văn, Lữ Chân, Lý Hiếu- Tôn, Trương Thế-Cự, Địch Tường, Khúc Chẩn, Quản Vi, Vương Mẫn. 5.1.4. Thánh nhân đãi kẻ khù khờ. May mắn nhất là năm 1985, nhờ làm đẹp cho mấy phu nhân của những sĩ quan cao cấp của Bộ Tư-lệnh hai Quân-khu tiếp giáp với Việt-Nam và của Bộ Chỉ-huy Quân-sự hai tỉnh Quảng-Tây, Quảng-Đông tôi đã được vào thư viện của bộ Tư-lệnh hai quân khu có chung biên giới vơí Việt-Nam. Mặc dầu bấy giờ cách thư viện tôi ngồi không bao xa, giữa quân đội Trung-Quốc, Việt-Nam đang nã đại pháo vào nhau; mặc dù các sĩ quan Trungquốc đều biết tôi là Tây gốc Việt. Nhưng họ cũng biết rằng tôi là tên thầy thuốc dốt chính trị nhất thế giới, khù-khờ lẩm cẩm nhất thế giới. Vì vậy họ cho tôi đọc thả dàn, đọc sướng con mắt; đọc đến phải mang bánh bao, vịt quay vào thư viện vừa ăn, vừa đọc! Nhưng họ không cho tôi mang máy vào, sợ tôi scaner Ngồi bên kho tài liệu, tôi cảm thấy kinh hoàng vô cùng, vì Trung-Quốc bảo tồn được tất cả những tài liệu liên quan đến ngoại-giao, quân-sự giữa hai nước để các sĩ quan tham khảo thiết kế hành quân. - Cổ nhất là cuộc đánh sang Việt thời Tống Thái-tông của Hầu Nhân-Bảo, Tôn Toàn-Hưng, Quách Quân-Biện, Triệu Phụng-Huân (981); - Ba cuộc tiến quân thời Lý Bắc-phạt (1053, 1059, 1075), - Cuộc Nam xâm thời Tống Thần-tông (1076-1077); - Ba lần (1257, 1285, 1288) Mông-cổ đánh Đại-Việt, - Cuộc xâm lăng của Trương Phụ (1407)... cuối cùng là cuộc hành quân chưa xong của Bắc-kinh dạy Việt-Nam bài học, mà chúng tôi thường đùa rằng đó là cuộc tiến quân môi cắn răng 1978; vẫn chưa dứt. Trong thư viện ấy, tôi tìm được hai bộ sách chưa xuất bản, in bản thạch, rồi photocopie. Đó là hai bộ nhật ký hành quân của Quách Quỳ tên Quách-thị Nam chinh (QTNC), của Triệu Tiết mang tên Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký (TTCTGCK); là hai tướng tổng chỉ huy cuộc đánh Đại-Việt thời Lý (1076-1077). Hai bộ sách do chính Quách Quỳ, Triệu Tiết chép, sau này con cháu họ có tu bổ. Vào niên hiệu Thiệu-Hưng thứ tư (1134); cháu bốn đời Quách Quỳ là Quách Gia; cháu năm đời Triệu Tiết là Triệu Dụng có dâng lên vua Tống Cao-Tông để xin minh oan, cùng phục hồi danh dự cho tổ tiên mình. Bấy giờ Lý Hồi mới được giữ chức Đoan-minh điện đại-học sĩ, quyền tri tam tỉnh, Khu-mật viện-sự tức Tể-tướng toàn quyền. Ông này sợ Quách Gia, Triệu Dụng được trọng dụng; nên bài bác các đoạn nói về sức mạnh, về tổ chức quân đội, cùng tiểu chuyện các tướng Đại-Việt thời Thái-Ninh, Anh-vũ chiêu-thắng (1072-1084), và cho rằng đó là những điều bịa đặt. Tuy vậy trong hai tập sách trên có ghi chép đầy đủ hình thể núi sông, phong tục, tiểu-sử công thần, tổ chức hành chánh, quân sự Đại-Việt, nên nhà vua vẫn sai trao chu Khu-mật viện cất để làm tài liệu. 5.2. Anh hùng nước tôi còn đó. Sau khi kiểm lại các bộ gia-phả, địa-phương chí, địa dư chí, nhân vật chí, bia đá, mộ chí cùng đọc kỹ hai bộ trên. Tôi đã giải được gần như trọn vẹn những nghi-vấn về lịch sử do tiền nhân tôi để lại. Tôi tin đến tuyệt đối, vì những điều trong sử Việt, Hoa bỏ qua không ghi như: 5.2.1. Bà chúa kho, Sử Hoa-Việt nói đến công-chúa Thiên-Thành hạ giá với phò-mã Thân Cảnh-Long; có nói đến công-chúa Động-Thiên, còn công chúa Thiên-Ninh thì không hề nói tới. Trong thực tế, đền thờ công-chúa Thiên-Ninh (Bà chúa kho) rất lớn, mà dân miền Bắc ai cũng biết; nhất là dân Hà-nội, cứ vào đầu Xuân, lũ lượt kéo nhau đến đền thờ bà xin... vay tiền. Trong hai bộ QTCN và TTCTGCK chép rất chi tiết tiểu sử của bà, chép rõ đền thờ tại đâu, xây cất năm nào nữa. Trên: Cổng ngoài, cổng trong. Dưới: Chính điện thờ Công-chúa Thiên Ninh (Bà chúa kho) ở Thị-cầu, Bắc Ninh. 5.2.2. Hoàng tử Hoằng Chân, Chiêu Văn, Sử Hoa-Việt chép vài giòng về hoàng-tử Hoằng-Chân, Chiêu-Văn tử trận Kháotúc, không chép hai ngài giữ chức gì, tiểu sử ra sao? Hai bộ QTCN và TTCTGCK chép rất chi tiết rằng hai vị là con của Khai-Quốc vương và quốc-mẫu Thanh-Mai. Tước phong của Hoằng-Chân là Trung-Thành vương và Chiêu-Văn là Tín-Nghĩa vương. 5.2.3. Sáu nữ tướng thời Anh-vũ Chiêu-thắng. Sử không chép về phu nhân của các tướng. Trong khi đó hai bộ trên chép rất chi tiết: Sáu nữ phụ tá của Linh-Nhân hoàng thái hậu, như một siêu chính phủ bấy giờ gồm: - Phụ-tá về Binh-bộ là công chúa Thiên-Thành; - Phụ-tá về Hộ-bộ là công chúa Thiên-Ninh; - Phụ tá về Hình-bộ là công-chúa Động-Thiên; - Phụ-tá về Lễ-bộ là bà Trần Ngọc-Huệ phu-nhân của tướng Bùi Hoàng-Quan; - Phụ-tá về Công-bộ là bà Vũ Thanh-Thảo, phu nhân của tướng Nguyễn Căn; - Phụ-tá về Lại-bộ là bà Lê Ngọc-Nam, vương-phi của Tín-Nghĩa vương Lý Chiêu-Văn; - Phụ tá về Khu-mật viện là bà Nguyễn-thị Trinh-Dung, vương phi của Trung- Thành vương Lý Hoằng-Chân. 5.2.3. Quan sát y phục, biết danh tính, Khi hành hương đền thờ Linh-Nhân hoàng thái hậu ở xã Dương-xá, huyện Gia-lâm Hànội, tôi thấy tượng Thái-hậu ngồi chính giữa, mỗi bên có ba tượng của ba bà, mà bà thủ từ chỉ biết tên có một bà tên Nguyễn-thị Trinh-Dung. Như vậy rõ ràng hai bộ QTNC và TTCTGCK đã chép chi tiết, chép đúng với chính sử. Từ trái sang phải: 1. Ninh-đức, Trang-duệ, Hiếu-khang công chúa nhũ danh Lê Ngọc-Nam. 2. Công-chúa Động-Thiên. 3. Hòa-huệ, Ninh-tĩnh, Ôn-văn công chúa Vũ Thanh-Thảo Từ trái sang phải: 4. Công-chúa Thiên-Thành, 5. Công chúa Động-Thiên, 6. Công chúa Nguyễn-thị Trinh-Dung. Ghi chú: Giữ đền này (1994) có tới bốn người, tôi không nhớ tên. Tôi chỉ nhớ được hai người. - Một người to lớn tự giới thiệu đã ớ trong ngành Công-an ba mươi năm, nay được cử về đây để bài trừ tín ngưỡng dị đoan. Theo lời ông thì: Vua Tống là Vương An-Thạch đem quân sang đánh VN !!! Tôi có nhắc: Không phải đâu, các vua Tống đều họ Triệu; hồi đem quân đánh Việt-Nam thời Linh-Nhân hoàng thái hậu là Tống Thần-tông. Vương An- Thạch chỉ là tể tướng, một tể tướng rất yếu. Nhưng ông này vẫn không chịu. Tôi biết ông là một thứ « ông bình vôi", nên cười, rồi cáo từ. - Một người nữa là một bà lớn tuổi phụ trách thắp hương, dâng lễ, tôi tạm gọi là bà thủ-từ. Tôi có cúng một số tiền nhỏ (200 USD) dùng tu bổ đền. 5.2.4. Chi tiết cuộc Bắc phạt, Sử Tống, Việt chép về việc Lý đánh các châu Khâm, Liêm, Ung, Nghi, Dung, Bạch của Tống rất sơ sài, vỏn vẹn có mấy trang. Trong khi hai bộ trên chép rất kỹ, rất chi tiết về trận đánh 18 ải biên giới; trận đánh Khâm, Liêm, Dung, Nghi, Bạch châu; trận đánh viện binh ở Côn-lôn, ở Đại-giáp. 5.3. Hành trạng các tướng, Về chư tướng, sử Việt, Hoa chỉ thấy nói đến Lý Thường-Kiệt, Tôn-Đản và vài giòng về Hoằng-Chân, Chiêu-Văn, Lý Kế-Nguyên, Nguyễn Căn. Người sau muốn biết thêm thì không tìm ra đến một chút chi tiết nhỏ. Thế nhưng tương truyền bấy giờ Việt có 18 tướng trí dũng tuyệt vời, và các phu nhân cũng theo quân giữ nước. Khi 18 tướng tuẫn quốc, các phu nhân cũng tuẫn quốc một lúc. Sau chiến tranh, triều đình lao tưởng, cho lập đền thờ. Vậy thì 18 tướng ấy là ai? Đền thờ ở đâu? Không ai biết. Nhưng trong hai bộ QTNC và TTCTGCK lại chép rất chi tiết về xuất thân của 18 tướng, 18 phu nhân cùng huân công đánh Chiêm, đánh sang Ung, Khâm, Liêm của các ngài; rồi (Quách Quỳ, Triệu Tiết) khoe rằng họ giết được các ngài trong trường hợp nào, đền thờ tại đâu. 6. Thập bát anh hùng giai Phù-Đổng. Căn cứ vào QTNC, TTCTGCK chép, tôi đã tìm ra một điều thú vị vô cùng tận, rồi bật lên tiếng than: Hỡi ơi! Những đền thờ các ngài vẫn còn đó. Huân nghiệp các ngài có chép trong rất nhiều các sách sử Việt-Nam của Quốc-sử quán triều Nguyễn như Đại-Nam nhất thống chí, Bắc thành địa dư chí, hay những cuốn phổ. Nhưng vì tam sao, thất bản đến nỗi chỉ biết đền thờ rất sơ lược, mà không biết rõ tên tuổi sự nghiệp ra sao. Căn cứ vào hai bộ sách trên, tôi đối chiếu với sách Việt, tìm lại rất đầy đủ tên họ, quê quán, huân nghiệp và chỉ rõ đền thờ hiện còn hay mất, ở đâu. Dưới đây là những danh tướng, sử ghi tên, nhưng không đầy đủ, nhất là bỏ sót tên các nữ anh hùng. 6.1. Lý Hoằng-Chân, Chức tước như sau: - Kiểm-hiệu thái-sư, Thượng trụ quốc, Thượng-thư lệnh kiêm trung-thư lệnh, Thăng-long tiết độ-sứ, Tả kim-ngô đại tướng quân, quản Khu-mật viện, Trung-Thành vương. - Vương phi là Nguyễn-thị Trinh-Dung, tước phong Minh-đức, thạc-hòa, chí nhu công chúa. Cả hai vị đều tuẫn quốc trận Kháo-túc. Tượng thờ vương phi Trung-Thành vương Lý Hoằng-Chân, nhũ danh Nguyễn-thị Trinh- Dung. Tước phong của ngài là Minh-đức, Thạc-hòa, Chí-nhu công chúa.Hình chụp tại đền thờ Linh-nhân hoàng Thái-hậu ở xã Dương-xá, huyện Gia-lâm, Hà-nội. 6.2. Lý Chiêu-Văn, Chức tước như sau: - Kiểm-hiệu thái-phó, khai-phủ nghị đồng tam tư, Võ-minh quân tiết độ-sứ, Thượng-thư tả bộc xạ, Đồng-trung thư môn hạ bình chương sự, Phụ-quốc đại tướng quân, Khu-mật viện sứ, Tín-Nghĩa vương. - Vương-phi Lê Ngọc-Nam tước phong Ninh-đức, Trang-duệ, hiếu khang công chúa. Cả hai vị đều tuẫn quốc trận Kháo-túc. 6.3. Bùi Hoàng-Quan, Chức tước như sau: - Thái-tử thiếu-bảo, Phiêu-kị đại tướng quân, Khu-mật viện sứ, Binh-bộ tham-tri, Gia-viễn hầu. - Phu nhân là Trần Ngọc-Huệ tước phong Nhu-mẫn, đoan-duệ, anh-văn công chúa. Cả hai vị đều tuẫn quốc trận Vĩnh-an (Ngọc-sơn). Tượng thờ Nhu-mẫn, đoan-duệ, anh-văn công chúa Trần Ngọc-Huệ 6.4. Dư Phi, Chức tước như sau: - Thái-tử thiếu-sư, Vũ-dực đại-tướng quân, đồng-tri Khu-mật viện, Nam-sơn hầu. Tuẫn quốc trận Đâu-đỉnh (Bắc-sơn). 6.5. Nguyễn Căn, Chức tước như sau: - Quang-lộc đại phu, Trấn-Bắc thượng tướng quân, Tản-viên hầu. - Phu-nhân là Vũ Thanh-Thảo, tước phong Hoà huệ, ninh tĩnh, ôn văn công chúa. Cả hai vị đều tuẫn quốc tại chiến lũy Như-nguyệt. Tượng thờ vương phi của Nhân-võ, Hùng-huân, Trấn-Bắc đại vương Nguyễn Căn, nhũ danh 6.6. Phò-mã Hoàng Kiện, Chức tước như sau: - Phụ-quốc thái-úy, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự, Binh-bộ thượng thư, Kinh-Bắc tiết độ sứ, Uy-viễn đại học sĩ, Khu-mật viện sứ, Sơn-Nam quốc-công. - Vương-phi là công chúa Động-Thiên, con vua Thánh-tông. Cả hai vị đều tuẫn quốc trận Phú-lương. 7. Anh linh thánh Gióng. Trên đã thuật về mười một vị có cấp bộ cao nhất tử trận. Kế tiếp là hai mươi bốn vị ở cấp trung, nhưng chết rất oai hùng. Đó là: Long-biên ngũ hùng và Tây-hồ thất kiệt, gồm mười hai vị, cộng mười hai phu nhân là hai mươi bốn vị. Long-biên ngũ hùng có tên Phạm Dật, Vũ-Quang, Đinh Hoàng-Nghi, Lý Đoan, Trần Ninh. Tây-hồ thất kiệt có tên Trần Di, Dương Minh, Triệu Thu, Mai Cầm, Quách Y, Ngô Ức, Tạ Duy. Sáu tướng, năm phu nhân trên trong sử có nói đên, tôi không cần nhắc lại nữa. Ở đây tôi xin chép tiểu chuyện của 12 tướng có xuất thân rất đặc biệt: Ăn mày, ăn trộm, móc túi, thế rồi nhờ lòng yêu nước mà trở thành anh hùng. Mười hai tướng đó, được vua Lý Thánh-tông phong cho mỹ hiệu là Long-biên ngũ hùng và Tây-hồ thất kiệt. 7.1. Long-biên ngũ hùng. Long-biên ngũ hùng là năm đại tướng quân thời vua Lý Thánh-tông, Lý Nhân-tông. Năm vị có tên là Phạm Dật, Vũ Quang, Đinh Hoàng-Nghi, Lý Đoan, Trần Ninh. Long-biên ngũ hùng đều xuất thân từ chùa Từ-quang ở làng Thổ-lội, huyện Gialâm, lộ Kinh-Bắc, ngày nay là xã Phú-thị, huyện Gia-lâm, Hà-nội. Năm vị đều là con mồ côi, được sư Viên-Chiếu đem về nuôi dạy. Cả năm đều chịu nhiều thăng trầm thời thơ ấu với Linh-Nhân hoàng thái hậu (Tức Ỷ-Lan thần phi nhũ danh Yến-Loan); được bà nhận làm em nuôi. Sau cả năm được Khai-Quốc vương thu làm đệ tử. Năm vị học văn, luyện võ đều thành. Năm vị thu nhận một số thiếu niên đồng tuổi, rồi luyện võ, dạy bắn cung cho họ, lập thành đội Thần-tiễn Long-biên khoảng 500 người. Mỗi tráng sĩ trong đội Thần-tiễn đều có thể bắn trúng chim đang bay. Vua Thánh-tông ban cho năm vị mỹ hiệu là Longbiên ngũ hùng. Năm 1069, Long-biên ngũ hùng mang đội Thần-tiễn tùng chinh đánh Chiêm, được đặt dưới quyền chỉ-huy của Trung-Thành vương Lý Hoằng-Chân. Trong trận đánh Vọng-hương có hai thiếu nữ Việt-kiều tên Lê Kim-Loan, Võ Kim- Liên cảm tài đức, kết bạn với năm ngài, xin theo trong quân làm thông dịch và dẫn đạo. Kim-Loan kết bạn thanh mai trúc nhã với Phạm Dật; Kim-Liên với Vũ Quang. Sau chiến thắng Vọng-hương, Vọng-giang, Tư-dung, Long-biên ngũ hùng được lệnh trợ chiến cho Tín-Nghĩa vương Lý Chiêu-Văn ở mặt trận Nam-giới. Trong trận đánh Bố-chánh, năm ngài gặp thêm hai thiếu nữ Việt-kiều tên Trần Ngọc-Liên, Trần Ngọc- Hương kết bạn, xin theo trong quân làm thông dịch viên và dẫn đường. Ngọc-Liên kết bạn thanh mai trúc nhã với Lý Đoan; Ngọc-Hương với Trần Ninh. Riêng Đinh Hoàng-Nghi gặp một thiếu nữ Chàm là tù nhân, tên Câu-thi Lị-ha-thân Bài-ma-la Nang Chang-Lan (Sri Varman Nangchanglan). Suốt trận chiến, Long-biên ngũ hùng cùng bốn người bạn gái lập đại công trong trận Vọng-hương, Vọng-giang, Tư-dung, Ma-linh, Địa-lý, Nam-giới, Nhậtlệ, Đồ-bàn, Phong-sa-trang. Chiến thắng trở về, Ỷ-Lan thần-phi làm lễ cưới cho Long-biên tứ hùng với bốn thiếu nữ. Riêng Đinh Hoàng-Nghi với thiếu nữ Chàm, vì kẻ Việt người Chàm, rồi có chuyện hiểu lầm sinh duyên tình trắc trở, Chang-Lan bỏ đi tu, khiến ngài ôm mối hận tình suốt đời. Ngài được Ỷ-Lan thần phi hỏi một thiếu nữ văn võ kiêm toàn, nhan sắc diễm lệ con gái đô-đốc Trầm Lâm tên Trần Phương-Quỳnh cho. Khi phong công thần bình Chiêm, Long-biên ngũ hùng đều được phong tước Bá, giữ chức Đô-thống, mỗi vị chỉ huy một hiệu Thiên-tử binh. Bốn vị phu nhân được phong nhất phẩm phu nhân. Năm 1075, Đại-Việt đem quân đánh Ung, Khâm, Liêm, Dung, Nghi, Bạch châu bên Tống, Long-biên ngũ hùng cùng các phu-nhân được đặt dưới quyền chỉ huy của Longthành ẩn-sĩ Tôn Đản, và phu nhân Ngô Cẩm-Thi. Năm vị lập huân công lớn, đánh chiếm 18 ải biên giới, rồi tiến lên vây Ung-châu. Khi Tống sai năm danh tướng từ Kinh Hồ giải vây Ung-châu. Năm ngài được lệnh mang quân đánh viện ở Hỏa-giáp, Đại-giáp, Ngọctuyền, phá tan năm đạo binh, giết năm tướng. Năm ngài đánh những trận rung động Trungquốc, khiến các tướng Tống đặt cho mỹ danh là Giao-chỉ ngũ kiêu (năm con cú của đất Giao-chỉ). Chiến thắng trở về cả năm được phong chức thượng tướng quân, tước hầu. Các phu nhân đều được phong quận chúa. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết, Tu Kỷ, Yên Đạt đem quân đánh Đại-Việt, Long-biên ngũ hùng cùng năm phu nhân tử chiến, và đều tuẫn quốc. Cả năm được phong tước đại vương, các vị phu-nhân được phong công chúa, lập đền thờ. Trải qua bao thỏ lặn, ác tà của nghìn năm, ngày nay tôi còn tìm được bốn đền thờ của các ngài Phạm Dật, Vũ Quang, Lý Đoan, Trần Ninh. Dân chúng vẫn hương khói thờ cúng vào dịp giỗ các ngài hay ngày sóc ngày vọng. Còn đền thờ ngài Đinh Hoàng-Nghi ở Ninh-bình thì không tìm được dấu vết. Có tài liệu nói rằng ngài là con cháu vua Đinh, nên đương thời Linh-Nhân hoàng thái hậu truyền tu bổ đền thờ vua Đinh, rồi ngài được phối thờ. Tôi đã hành hương đền thờ vua Đinh, nay ở thị-xã Ninh-bình; thì chỉ thấy tượng, bài vị thờ vua Đinh Tiên-hoàng, Việtvương Đinh-Liễn, thái-tử Hạng-Lang, Vệ-vương Đinh-Toàn. Còn bài vị thờ ngài thì không thấy, nên tôi không tin thuyết này. Dưới đây là tiểu chuyện các ngài. 7.1.1. Phạm-Dật (1049-1077) Tên thực là Lê Dương-Thịnh, quán làng Đông-cứu, huyện Gia-lương, tỉnh Hà-Bắc. Vì mắt ngài hơi lé, nên bạn hữu gọi đùa ngài là Dật-lé. Phụ-thân là Lê Dương-Thái, mẫu thân là Đặng-thị Nhạn. Song thân ngài vốn là tá điền, chẳng may gặp năm mất mùa, không đủ lúa nộp tô cho chủ điền, ông phải làm lực điền cho chủ kiếm ăn. Bà thì đi ở, còn ngài thì được sư Viên-Chiếu nhận làm học trò, nuôi cho ăn học cùng với bốn người bạn là Vũ Quang, Đinh Hoàng-Nghi, Lý Đoan, Trần Ninh. Vì tức giận chủ điền hành hạ cha mẹ, một đêm ngài lẻn đến nhà y, cầm dao giết cả hai vợ chồng ác nhân, rồi cải tên là Phạm Dật, trốn lên Thăng-long ăn mày. Sau ngài được Khai-Quốc vương thu làm đệ tử; ngài học văn rất uyên bác, làu thông kinh-sử, giỏi võ-nghệ. Năm 1069, ngài theo vua Lý Thánh-Tông bình Chiêm. Ngài được đặt dưới quyền của Trung-Thành vương Lý Hoằng-Chân. Trong trận đánh Vọng-hương ngài gặp một Việt kiều tên Lê Kim-Loan, tình bạn thanh mai trúc nhã sinh ra. Hai vị hợp sức đánh giặc, lập đại công trong các trận Vọng-hương, Vọng-giang, Tư-dung, Nam-giới, Nhật-lệ, Đồ-bàn, Phong-sa-trang. Sau khi chiến thắng trở về ngài được phong tước Bá, giữ chức Đô-thống chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Ngự-long; bà được Khai-Quốc vương nhận làm con nuôi, được phong nhất phẩm-phu nhân. Năm 1075, Đại-Việt đem quân đánh sang châu Ung, Liêm, Khâm bên Tống, hai ngài được đặt thuộc quyền chỉ huy của Thái-tử thiếu bảo, Quảng-nguyên hầu, Phiêu-kị đại tướng quân Lưu-Kỷ, phụ trách đánh các ải Thái-bình, Hoành-sơn, Ôn-nhuận, Quy-hóa. Các tướng Tống như Giám-áp trại Quách Vĩnh-Nghiêm, Quản-hạt Ngũ Cử, Trấn Nam tướng quân Thái Bằng; kẻ bị ngài đánh bại, kẻ bị bắt làm tù binh, người bị giết. Có lần đóng quân ở làng An-cư, sai quân giúp dân khẩn hoang, trừ ác thú. Sau đó ngài được lệnh Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản và phu-nhân Ngô Cẩm-Thi tiến lên đánh Ung-châu, rồi đem quân chặn viện binh Tống, giết năm tướng Tống. Chính ngài cùng phu nhân đã cùng với Đô-thống Trần Ninh và phu nhân đồng chế ra loại Lôi-tiễn, gây kinh hoàng cho quân Tống. Sau chiến thắng, triều đình nghị công tâu lên; Linh-Nhân hoàng thái hậu (Ỷ-Lan) phong ngài là Long-nhương thượng quân, tước Thiện-Tâm hầu. Bà được phong Thiên-ân Nhu-mẫn quận-chúa. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết, Tu Kỷ, Yên Đạt đem quân sang đánh Đại-Việt. Hai ngài phụ trách giữ phòng tuyến cuối cùng bảo vệ Thăng-long. Chiến lũy Như-nguyệt bị phá, quân Tống tràn về Thăng-long như nước vỡ bờ. Hai ngài chỉ huy hiệu binh Ngư-long dưới quyền chỉ huy của công chúa Thiên Ninh, đánh bật quân Tống về Bắc Như-nguyệt. Cuối trận đánh cả hai ngài đều tuẫn quốc. Triều đình truy phong ngài là Long-biên, Vũliệt, Chiêu-thắng đại vương, bà được phong Thiên-ân, Nhu-mẫn, Hồng-đức công chúa; truyền lập đền thờ ở đình xã An-cư tục gọi là làng Gờ, tổng Đông-bối, huyện Linh-giang, nay là huyện Linh-thanh, tỉnh Hải-hưng. Tài liệu ghi chép. Việt-Nam, Hải-dương tỉnh thần tích. Trung-quốc: a/. Quách-thị Nam-chinh, Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký, Tống-triều công thần bi ký, Ung-châu kỷ-sự, Quảng-Tây địa dư ký, Quảng-Tây chư thần ký, Hy-Ninh hận sự bi ký, Thần-tích Hoả-giáp ngũ đại vương từ, b/. Thái-bình phong vật chí, Hoành-sơn sơn xuyên phong vực, Ôn-nhuận sự tích, Quý-hóa địa dư chí. 7.1.2. Vũ Quang (1050-1077) Tên thực là Vũ Thành, bản tính ngài hiền hậu, nhưng rất can đảm. Hồi thơ ấu các bạn gọi đùa ngài là Quang con gái. Phụ thân ngài tên Vũ An, thân mẫu tên Trần-thị Nữ. Phụ thân ngài mất khi ngài mới bẩy tuổi. Mẫu thân không có tiền chôn cất phải vay tiền của một phú gia. Vì không trả được nợ, bà phải làm lẽ phú gia để trừ nợ. Nhưng ông nhà giầu chỉ thích mẹ, mà không ưa con, nên đánh đập ngài hoài. Sư Viên-Chiếu làng Thổ-lội (nay là Phú-thị, huyện Gia-lâm, Hà-nội) đem ngài về nuôi dạy cùng bốn người bạn là Phạm Dật, Đinh Hoàng-Nghi, Lý Đoan, Trần Ninh. Ngài lầu thông binh pháp, giỏi võ nghệ. Sau được Khai-Quốc vương nhận làm đệ tử. Năm 1069, Đại-Việt đem quân bình Chiêm, ngài được vua Thánh-tông cho tòng chinh. Ngài được đặt dưới quyền Trung-Thành vương Lý Hoằng-Chân. Trong trận đánh Vọng-hương, ngài gặp một Việt kiều tên Võ Kim-Liên, con gái danh-y Võ Thương. Tình bạn thanh mai trúc nhã sinh ra. Hai ngài cùng sát cánh trong các trận đánh Vọng-hương, Vọng-giang, Tư-dung, Nam-giới, Nhật-lệ, Đồ-bàn, Phong-sa-trang; lập đại công. Thắng Chiêm, ngài được phong tước Bá, giữ chức Đô-thống, chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Quảngthánh. Bà được phong nhất phẩm phu nhân. Năm 1075, Đại-Việt đem quân đánh sang châu Ung, Liêm, Khâm, Dung, Nghi, Bạch châu bên Tống. Hai ngài được đặt thuộc quyền Thái-tử thiếu bảo, Môn-châu hầu, Trấn Bắc thượng tướng quân Hoàng Kim-Mãn, phụ trách đánh ải Vĩnh-bình. Tướng trấn thủ Vĩnh-bình là Tô Tá bị ngài bắt sống. Sau khi chiếm Vĩnh-bình, hai ngài được lệnh Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản, đem quân tiến về Ung-châu. Trong trận Ung-châu, hai ngài phụ trách đem hiệu Thiên-tử binh Quảng-thánh chặn viện quân đến từ Quế-châu. Hết giặc trở về, triều đình nghị công, tâu lên; Linh-Nhân hoàng thái hậu (Ỷ-Lan) phong ngài là Hổuy thượng tướng quân, tước Thành-Tâm hầu, bà được Trang-hòa, Thiên-đức quận chúa. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết, Yên Đạt, Tu Kỷ đem quân đánh sang Đại-Việt, vượt sông Như-nguyệt sắp tới Thăng-long. Hai ngài đem quân đánh cảm tử chặn giặc. Bị chém một đao gần đứt cổ, ngài ôm đầu chạy về đến xã A-hộ, huyện Lục-ngạn, trấn Kinh-Bắc; gặp một người đàn bà, ngài hỏi trong cơn mê loạn: Đầu bị chém có sống được không? Người đàn bà đáp: E không sống được. Ngài buông kiếm, buông đầu, ngã ngựa, tuẫn quốc. Phu-nhân chỉ huy hậu quân rút về đến nơi, thấy ngài chết rồi, cũng rút kiếm tự tử theo. Sau khi hết giặc, triều đình truy phong ngài là Tri-tôn đầu thượng tướng quân, quả cảm Hùng-vĩ đại vương. Phu nhân được phong Trang-hòa, Thiên-đức, Trinh-tĩnh côngchúa, truyền lập đền thờ. Hiện đền thờ hai ngài vẫn còn, mang tên đền Bảo-linh, ở xã Ahộ, huyện Lục-ngạn, nay là xã Biện-sơn, huyện Lục-ngạn, tỉnh Hà-Bắc. Trên đây tôi thuật theo Quách-thị Nam-chinh, Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký và Tống-triều bi thần ký. Còn Lục-Nam địa dư chí chép rằng ngài được vua Lý gả công chúa cho. Khi công chúa nghe tin ngài tuẫn quốc, thì tự tử theo. Tài-liệu ghi chép. - Việt-Nam, Lục-Nam địa chí. Trung-quốc: a/. Xem Phạm-Dật . b/.Vĩnh-bình sơn xuyên phong vực chí, Vĩnh-bình chư thần chí. 7.1.3. Đinh Hoàng-Nghi (1051-1077) Ngài con của Tể-tướng Đinh Nho-Quan triều đình Đại-Nam (Nùng Trí-Cao), thân mẫu là Dương Hồng-Hạnh. Hồi còn niên thiếu, người ngài hơi thấp, nên bạn bè gọi đùa là Nghi-lùn. Trong trận đánh cuối cùng ở Côn-luân phố giữa quân Tống với quân Đại-Nam. Đại-Nam bị bại, bà Hồng-Hạnh tuẫn quốc. Đinh Nho-Quan lưng đeo con trai duy nhất phá vòng vây, chạy về làng Thổ-lội. Nho-Quan được sư Viên-Chiếu chữa trị. Sau khi vết thương lành, Nho-Quan trao đứa con nhờ Viên-Chiếu giữ dùm, để đi cứu bạn hữu. Viên- Chiếu đặt cho đứa trẻ đó cái tên Hoàng-Nghi, ngài nuôi dạy cùng bốn trẻ khác là Phạm Dật, Vũ Quang, Lý Đoan, Trần Ninh. Lớn lên Hoàng-Nghi được Khai-Quốc vương thu làm đệ tử. Ngài học một biết mười, lầu thông kinh, sử, tử tập, võ nghệ cao cường, mưu thần chước thánh. Năm 1069, vua Lý Thánh-tông bình Chiêm, ngài được tùng chinh, đặt đưới quyền Trung-Thành vương. Sau khi thắng trận Vọng-hương, Vọng-giang, Tư-dung, ngài được lệnh trợ chiến Tín-Nghĩa vương Lý Chiêu-Văn ở Nam-giới để đánh Bố-chánh. Trong trận này ngài gặp một cô gái Chàm mang tên Câu-thi Lị-ha-thân Bài-ma-la Nangchang-Lan (Sri Varman Nangchanglan) kết bạn thanh-mai trúc nhã. Vì ngài lập đại công trong các trận Vọng-hương, Vọng-giang, Tư-dung, Nam-giới, Nhật-lệ, Đồ-bàn, Phong-sa-trang, ; chiến thắng trở về ngài được phong tước Bá, lĩnh chức Đô-thống, chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Quảng-vũ. Vì vấn đề kẻ Việt, người Chàm, rồi sinh hiểu lầm đưa đến Chang-Lan bỏ đi tu, làm ngài ôm hận suốt đời. Ngài được Ỷ-Lan thần phi hỏi cho một tiểu-thư sắc nước hương trời con gái đô-đốc Trần Lâm tên Phương-Quỳnh. Năm 1075, Đại-Việt đem quân đánh Ung, Liêm, Khâm châu bên Tống. Ngài được đặt thuộc quyền của Thái-tử thái phó, Trấn-võ thượng tướng quân, Tô-mậu hầu Vi Thủ- An. Ngài cùng phu nhân phụ trách đánh ải Cổ-vạn. Các tướng Tống như Tả-lãnh vệ đại tướng quân Chu-Am, Bát-tác sứ Toàn-Hưng, Chiêu-thảo sứ Nùng Hiệp-Thành, bị hai ngài giết chết. Hạ ải xong, ngài đem quân chặn đánh viện quân giặc từ Khâm-châu tiến về cứu Tây-bình, Cổ-vạn, rồi tiến về vây Ung-châu. Tiếp theo, Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản giao cho hai ngài đem quân trấn ở đỉnh Hỏa-giáp, đánh viện binh Tống tiếp cứu Ung-Liêm. Sau chiến thắng, triều đình nghị công tâu lên, Linh-Nhân hoàng thái hâu phong ngài là Quán quân thượng tướng quân, tước Chính-Tâm hầu. Phu nhân được phong Tuyên-đức, Thạc-hòa quận chúa. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết, Tu Kỷ, Yên Đạt đem quân đánh Đại-Việt, ngài cùng phu nhân trấn tại Chi-lăng, khiến quân Tống không tiến được, phải đi vòng sang vùng Tam-đảo. Khi quân Tống tiến đến Như-nguyệt, quân của ngài mất đường về. Ngài cùng phu nhân rút vào rừng kháng chiến đánh tập hậu. Nhận lệnh phò mã Thân Cảnh-Long, ngài cùng phu nhân vượt biên đánh cảm tử, đốt lương quân Tống ở Liêm-châu. Cả hai ngài đều tuẫn quốc trận này. Quách thị Nam-chinh chép thêm rằng: Khi ngài và phu nhân tuẫn quốc, chính Nang-chang-Lan bí mật đem xác về Trường-yên (Ninh-bình) chôn trong một ngôi chùa, không rõ chùa nào? Hết giặc, triều đình phong ngài là Hiển-uy, Trung-nghĩa, Duệ mưu đại vương phu nhân được phong Nghi-hòa, Tuyên-đức, Trang-duệ công chúa truyền lập đến thờ ở vùng Nho-quan, Trường-yên, ngày nay là Ninh-bình. Chúng tôi không tìm ra di tích đền này. Triệu thị chinh tiễu Giao-chỉ ký chép thêm rằng ngài được Linh-Nhân hoàng thái hậu yêu thương như con. Khi ngài tuẫn quốc, thái-hậu khóc đến bỏ ăn bỏ ngủ. Một hôm ngài hiện về trong giấc mộng nói với Hậu rằng: Ngài không phải là người thường, tiền thân ngài là con của Lạc-long quân vâng lệnh Ngọc-Hoàng thượng đế đầu thai làm Việtvương Đinh Liễn đánh 12 sứ quân. Nay lại đầu thai đánh Tống. Vì vậy Linh-Nhân hoàng thái hậu sai tu sửa đền thờ vua Đinh ở Trường-yên, trong đền thờ cả Việt-vương Đinh Liễn, tức là ngài. Đền nay vẫn còn ở thị-xã Ninh-bình. Tôi không mấy tin thuyết này. Tài-liệu ghi chép: Việt-Nam: không. Trung-quốc: a/. Xem Phạm-Dật ở trên . b/.Khâm-châu địa dư chí, Hổ-môn chư thần ký, Cổ-vạn sơn xuyê cương vực ký. 7.1.4. Lý Đoan (1051-1077) Ngài tên thực là Lê Phúc, thân phụ tên Lê Mậu, thân mẫu tên Trần-thị Nương. Nguyên ông Lê Mậu là thợ rèn, ứng nghĩa tòng quân, được xung vào đạo Thiên-tử binh Đằng-hải. Trong cuộc khởi binh của Nùng Trí-Cao, tướng Lý Nhân-Nghĩa được lệnh Khai- Quốc vương đem quân giúp Trí-Cao, vượt biên đánh trại Như-hồng, ông tử trận. Triều đình phủ tuất ruộng cho bà Nương nuôi con. Ngài được ban quốc tính Lý. Mấy năm sau bà Nương chết, làng giao ruộng cho sư Viên-Chiếu trông coi nuôi dạy ngài cùng với Phạm Dật, Vũ Quang, Đinh Hoàng-Nghi, Trần Ninh. Ngài rất giỏi y lý, nhưng bạn hữu gọi đùa ngài là lang-băm. Sau ngài trở thành thầy thuốc danh tiếng. Ngài lại được Khai-Quốc vương thu làm đệ tử. Năm 1069, ngài theo vua Lý Thánh-Tông bình Chiêm, đặt trực thuộc Trung-Thành vương Lý Hoằng-Chân. Sau khi đánh chiếm Vọng-hương, Vọng-giang, Tư-dung, ngài được lệnh trợ chiến cho Tín-Nghĩa vương Lý-Chiêu-Văn đánh Bố-chánh. Trong trận này ngài gặp một thiếu-nữ Việt kiều tên Trần Ngọc-Liên. Hai vị kết bạn thanh-mai trúc nhã, sát cánh đánh giặc lập đại công trong các trận Bố-chánh, Nhật-lệ, Đồ-bàn, Phong-sa-trang. Khải hoàn, ngài được phong tước Bá, giữ chức Đô-thống chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Bổngnhật, phu nhân được phong Liên-hương, Nhu-mẫn quận chúa. Năm 1075, Đại-Việt đem quân đánh Ung, Liêm, Khâm, Dung, Nghi, Bạch của Tống; hai ngài được đặt thuộc quyền chỉ huy của Kiểm-hiệu tư-không, Thượng-thư hữu bộc-xạ, Khu-mật viện sứ, Phụ-quốc đại tướng quân, Nghĩa-dũng quốc công tức phò-mã Thân Cảnh-Long. Hai ngài được trao nhiệm vụ đánh ải Tây-bình. Tây-bình bị hạ, tướng trấn thủ là Chiêu-thảo-sứ Nùng Toàn-An bỏ chạy, Trấn-viễn đại tướng quân Lưu Khải bị bắt. Tiếp theo hai ngài được lệnh Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản, đem hiệu Thiên-tử binh Bổng-nhật vây Ung-châu, chặn đánh viện binh Tống ở núi Hỏa-giáp. Sau trận này ngài có đề nghị với nguyên-soái Lý Thường-Kiệt nên đem quân vượt Ngũ-lĩnh chiếm Trường-sa, nhưng không được chấp thuận. Chiến-thắng trở về, triều đình nghị công tâu lên, Linh-Nhân hoàng thái hậu (Ỷ-Lan) phong cho ngài chức Hoài-hóa thượng tướng quân, tước Trực-Tâm hầu. Phu nhân được phong Thiên-y, Đại-từ quận chúa. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết, Yên Đạt, Tu Kỷ mang quân sang đánh Đại-Việt, hai ngài được lệnh trấn vòng đai thứ ba, tại Yên-dũng, bảo vệ Thăng-long. Khi danh tướng Yên Đạt, Khúc Chẩn, phá vỡ chiến lũy Phú-lương, công chúa Động Thiên, phò mã Hoàng Kiện tuẫn quốc. Quân Tống như nước vỡ bờ tấn công Yên-dũng. Ngài cùng phu nhân dùng Ngư-binh đánh tan quân Tống, chiếm lại chiến lũy Phú-lương. Trong trận đánh, dù bị thương, hai ngài vẫn cương quyết chiến đấu. Đạt thắng lợi, hai ngài mới tuẫn quốc. Hết giặc, ngài được phong Thiên-y, Ưu-dũng, Chí-nhân đại-vương. Phu nhân được phong Nam-thiên, Liên-hoa, Đoan-nhu công-chúa. Truyền lập đền thờ. Đền thờ hai ngài ở làng Cẩm-chàng, xã Bồng-lai, huyện Quế-dương nay là huyện Quế-võ tỉnh Hà-Bắc. Tài liệu ghi chép: - Việt-Nam, Bắc-ninh tỉnh thần chí. Trung-quốc, a/. Xem Phạm-Dật ở trên. b/. Tây-bình chư thần chí, Tây-bình sơn xuyên cương vực chí. 7.1.5. Trần Ninh (1052-1077) Thời niên thiếu, da ngài hơi đen, nên bạn hữu gọi đùa là Ninh-đen hay Ninh Mai Hắc-đế. Thân-phụ tên Trần Công-Bình, thân mẫu tên Lưu Tuệ-Trinh, quán làng An-mỹ, tổng Dương-quang, huyện Gia-lâm, lộ Kinh-Bắc. Ông Trần Công-Bình nguyên giữ chức thủ-bạ ở làng Thổ-lội. Trong một lần đi qua bờ sông Nguyệt-đức (sông Cầu), đêm bà mơ thấy một vị sứ giả của Ngọc-Hoàng thượng đế giáng xuống nói rằng : Vợ chồng nhà ngươi ăn ở phúc đức, nên Ngọc-Hoàng truyền cho con trai thứ chín của Lạc-Long quân giáng sinh làm con; sau sẽ làm đại tướng trấn thủ Nam-phương. Trở về bà mang thai, đẻ ra ngài. Khi ngài mới bẩy tuổi, thì song thân đều qua đời. Sư Viên-Chiếu đem về làng Thổ-lội nuôi dạy cùng với Phạm Dật, Vũ Quang, Đinh Hoàng-Nghi, Lý Đoan. Lớn lên ngài được Khai- Quốc vương thu làm đệ tử. Ngài học văn, luyện võ đều thành. Ngài có biệt tài leo cây nhanh như vượn, lặn dưới nước như cá. Trong lần bình Chiêm (1069), vua Lý Thánh-tông cho ngài tùng chinh, đặt dưới quyền Trung-Thành vương Lý Hoằng-Chân. Sau khi lập công trong trận Vọng-hương, Vọng-giang, Tư-dung, ngài được gửi đến trợ chiến cho Tín-Nghĩa vương Chiêu-văn ở trận Nam-giới. Tại trận đánh Bố-chánh ngài gặp một thiếu nữ Việt-kiều tên Trần Ngọc-Hương. Hai ngài kết bạn thanh mai trúc nhã, cùng sát cánh đánh giặc. Hai ngài đã lập đại công trong trận Nam-giới, Nhật-lệ, Đồ-bàn, Phong-sa-trang. Chiến thắng trở về, ngài được phong tước Bá, giữ chức Đô-thống chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Đằng-hải. Bà được phong nhất phẩm phu nhân. Năm 1075, Đại-Việt đem quân đánh Tống, chiếm châu Khâm, Liêm, phá châu Ung, Dung, Nghi, Bạch; hai ngài với hiệu Thiên-tử binh Đằng-hải được đặt thuộc quyền chỉ huy của Kiểm-hiệu tư không, Thượng-thư hữu bộc xạ, Khu-mật viện sứ, Phụ-quốc đại tướng quân, Nghiã-dũng quốc công tức phò mã Thân Cảnh-Long. Hai ngài có nhiệm vụ đánh ải Lộc-châu. Lộc-châu bị phá, tướng trấn thủ là Chiêu-thảo sứ Nùng Tông-Đán bỏ chạy. Tiếp theo, ngài nhận lệnh Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản, mang quân tiến về đánh Ungchâu, rồi đem quân chặn đánh viện binh ở núi Đại-giáp. Chiến thắng trở về, triều đình nghị công, tâu lên; Linh-Nhân hoàng thái hậu phong cho ngài lĩnh ấn Vân-ma thượng tướng quân tước Nhu-Tâm hầu. Phu-nhân được phong Thiên-hương, Thuần-mẫn quận chúa. Khi Quách Qùy, Triệu Tiết, Yên Đạt, Tu Kỷ đem quân đánh Đại-Việt. Hai ngài theo Trung-Thành vương Lý Hoằng-Chân, Tín-Nghĩa vương Lý Chiêu-Văn đánh trận Kháo-túc. Cả hai ngài đều tuẫn quốc. Hết giặc, triều đình phong ngài là Anh-duệ, Chiêuthắng, Trung-liệt, Nguyệt-đức Long-vương. Phu nhân được phong Trang-duệ, Thuần-mẫn, Thiên-hương công chúa; truyền lập đền thờ ở bờ sông Nguyệt-đức, thuộc hai xã Chân-hộ, Hộ-trung huyện Yên-phong tỉnh Bắc-ninh, nay là tỉnh Hà-Bắc. Trên đây tôi thuật theo Quách-thị Nam chinh, Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký và Tống triều công thần bi ký. Còn tài liệu Việt thì chép giản dị rằng: Đền bên sông Nguyệtđức xã Chân-hộ, Hộ-trung huyện Yên-phong tỉnh Bắc-ninh thờ Thủy-thần thủy tộc Longvương. Nguyên thần là con Lạc-Long quân. Đền còn thờ hai vị thần nữa là Hoàng-Hà đoan khiết phu nhân, và Tam-giang công chúa. Tài liệu ghi chép: - Việt-Nam: Đại-Việt địa dư chí, Bắc-ninh tỉnh địa dư, Bắc-thành địa dư chí lục, Đại-Nam nhất thống chí, Bắc-ninh toàn tỉnh địa dư chí. - Trung-quốc, a/. Xem Phạm-Dật ở trên. b/. Lộc-châu sự tích, Lộc-châu cương vực chí. 7.2. Tây-hồ thất kiệt Tây-hồ thất kiệt là bẩy đại-tướng quân thời vua Lý Thánh-tông, Lý Nhân-tông. Vì hoàn cảnh nhà nghèo khó, cả bẩy vị đều sống lang thang ở Thăng-long; khi thì quét nhà, rửa chén cho những tửu lầu ở đế đô; khi thì làm mướn cho ngư-dân quanh sông Hồng, hồ Tây. Có lúc nghèo túng quá, cả bẩy vị đều đi ăn mày, móc túi, ăn cắp vặt. Duyên may đến, bẩy vị được Minh-Không bồ-tát thu làm đệ tử, rồi đem gửi cho hoàng-tử Lý Chiêu- Văn nuôi. Hoàng-tử Chiêu-Văn là con trai Khai-Quốc vương. Một dịp may đến nữa bẩy vị lại được Khai-Quốc vương thu làm đệ tử. Về văn, các ngài chỉ học đủ đọc sách, nhưng về võ, các ngài luyện tập được bản lĩnh tối cao. Trong thời gian ở hồ Tây, bẩy ngài luyện được phép lặn dưới nước như giao-long. Một cơ duyên khác, bẩy vị gặp một thiếu nữ tên Lê-thị Yến-Loan, được nhận làm em nuôi. Khi Yến-Loan được phong làm Ỷ-Lan phu nhân, bà đem tài bẩy ngài tâu lên vua. Vua ban cho mỹ hiệu là Tây-hồ thất kiệt. Bẩy ngài là những người đầu tiên chế ra bánh tôm. Sau này mang tên bánh tôm Tây-hồ, mà bất cứ người Việt nào cũng từng nếm qua. Nơi mà thời thơ ấu, năm ngài lưu ngụ ăn mày, nay nằm khoảng từ đền Trấn-vũ tới đê Yên-phụ. Thời gian này Tây-hồ thất kiệt thu dụng 500 thiếu niên cùng khổ, ăn mày, đem về nuôi dạy, khiến cho họ có bản lĩnh bơi lội dưới nước như rái cá, rất giỏi thủy chiến, được vua Thánh-Tông ban cho mỹ hiệu Giao-long Tây-hồ. Năm 1069, cả bẩy ngài với đội Giao-long Tây-hồ đều theo vua Lý Thánh-tông bình Chiêm; từng lập công lớn trong trận Nam-giới, Nhật-lệ, Thi-nại, Pandurango. Khải-hoàn trở về cả bẩy ngài đều được phong tước Bá, giữ chức Đô-thống. Mỗi ngài chỉ huy một hiệu Thiên-tử binh. Ỷ-Lan thần-phi cưới cho bẩy ngài bẩy tiểu thư văn-võ toàn tài, đệ tử của Lý Thường-Kiệt, để phu thê có thể cùng nhau phò tá xã-tắc. Năm 1075, trong cuộc vượt biên đánh sang châu Ung, Liêm, Khâm, Dung, Nghi, Bạch bên Tống; bẩy ngài lập công lớn. Trở về, bẩy ngài đều được phong đại-tướng quân, tước hầu. Bẩy phu-nhân được phong quận-chúa. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết, Tu Kỷ, Yên Đạt mang quân sang đánh Đại-Việt. Bẩy ngài cùng bẩy quận-chúa đánh những trận kinh thiên động địa, nên trong Quách-thị Nam chinh, người Tống gọi bẩy ngài là Giao-long thất quái. Trong Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký gọi bẩy ngài là Giao-chỉ thất long. Bẩy ngài và bẩy phu nhân đều tuẫn quốc trong cuộc kháng Tống. Sau khi hết giặc, triều đình truy phong bẩy ngài tước đại-vương, các phu-nhân được phong tước quận chúa, truyền lập đền thờ. Trải qua nghìn năm, ngày nay đền thờ các ngài vẫn còn, dân chúng vẫn hương khói vào ngày giỗ, ngày sóc, ngày vọng. Dưới đây là tiểu chuyện các ngài: 7.2.1. Trần-Di (1051-1077) Thủa niên thiếu dáng người ngài gầy, mà cao, nên còn có tên là Di-sậy. Phụ thân tên là Nguyễn Giang-Hồng, mẫu thân tên Trần-thị Yến. Ông bà làm nghề đánh cá ở xã Mộ-đạo, huyện Vũ-tiên, phủ Kiến-xương. Nay là huyện Vũ-thư, tỉnh Thái-bình. Ông bà ngoại của ngài không có con trai, nên nuôi ngài như con. Vì vậy ngài mang họ Trần. Năm ngài lên tám tuổi, song thân đi đánh cá, gặp bão thuyền lật, cả hai đều qua đời. Ngài lưu lạc theo thuyền buôn lên Thăng-long. Tại Thăng-long ngài gặp sáu người đồng cảnh mồ côi, kết bạn với nhau, sau vua Lý Thánh-tông ban cho bẩy ngài mỹ hiệu là Tây-hồ thất kiệt. Tương truyền Tây-hồ thất kiệt có tài lặn dưới nước hàng giờ, hai tay không bắt được cá, và chạy nhanh hơn ngựa. Ngài lớn tuổi nhất trong Tây-hồ tất kiệt. Trong cuộc bình Chiêm năm 1069, Tây-hồ thất kiệt lập công lớn ở trận Nam-giới, Nhật-lệ, Pandurango. Trở về, ngài được phong tước Bá, giữ chức Đô-thống, chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Vũ-thắng. Ỷ-Lan thần phi cưới cho ngài một tiểu-thư sắc nước hương trời, văn võ kiêm toàn tên là Bùi Phương-Lý, cháu của quan Văn-minh điện đại-học sĩ Bùi Hựu. Trong cuộc Bắc phạt năm 1075, ngài cùng phu-nhân chỉ huy hiệu Vũ-thắng, phụ trách đánh ải Thiên-long. Đây là ải kiên cố nhất, quân phòng thủ cũng tinh nhuệ nhất. Hai ngài phải đánh hai ngày mới hạ được, tướng trấn thủ là Giám-áp Phong Hiển bị bắt. Sau khi hạ Thiên-long, hai ngài được lệnh đánh Nghi-châu. Nghi-châu bị hạ trong năm ngày. Tín-Nghĩa vương lại ra lệnh cho hai ngài đem quân tiến về đánh Ung-châu. Chiến thắng trở về, ngài được phong chức Quy-đức đại tướng quân, tước Hư-Tâm hầu. Vì phu-nhân có theo trong quân trợ chiến, nên được phong nhất phẩm phu nhân. Khi Quách Qùy, Triệu Tiết, Yên Đạt, Tu Kỷ đem quân sang đánh Đại-Việt. Ngài được lệnh trấn ở phòng tuyến Vạn-xuân. Quách-Quỳ dùng cách đánh biển người. Ngài cùng phu nhân tuẫn quốc. Sau khi hết giặc, triều đình truy phong ngài là Nhân-dũng, Tráng tiết, Thần oai, Thủy-tế Long-vương, phu nhân được phong Hoà-thạc, Chí nhu, uyển mị Đông-hải công chúa, truyền lập đễn thờ tại quê ngài. Trải qua nghìn năm mưa nắng, biết bao lớp sóng phế hưng, ngày nay đền thờ ngài vẫn còn tại xã Mộ-đạo, huyện Vũ-thư, tỉnh Thái-bình. Trên đây tôi thuật theo bộ Quách-thị Nam chinh và bộ Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký, Quảng-Tây địa dư chí, và một số bia đá, mộ chí của các tướng Tống. Trong khi tập Ngọc-phả cổ lục của Việt-Nam chép rằng: Ngài có tên chàng Hai, cha mẹ làm nghề đánh cá. Một hôm bà bị giao-long nổi lên quấn quanh người. Đêm đó ông mơ thấy thần tự xưng là Đệ-nhị thủy thần dưới Long-cung đầu thai, sau giúp vua giữ nước. Quả nhiên bà mang thai, rồi sinh ra một bọc. Bỗng có tiếng sét nổ lớn rồi bọc vỡ ra. Trong bọc có bé trai lớn, khắp người phủ vảy cá, phụ thân đặt tên là chàng Hai. Năm tám tuổi, chàng Hai cao lớn dị thường. Vua Lý Nhân-tông nghe tiếng mời ra cầm quân đánh Chiêm. Sau khi bình Chiêm, chàng Hai trở về quê. Một ngày trời mưa, nước lụt, chàng Hai cùng đám giao long bơi về Long-cung mất. Dân làng vớt quần áo mang về thờ. Tôi giải đoán rằng: Sau khi ngài tuẫn quốc, triều đình cho lập đền thờ, chắc có chép phả đầy đủ. Nhưng năm 1407, Trương-Phụ thu mang về Kim-lăng. Cho đến khi vua Lê dành lại độc lập, dân làng mới chép lại phả theo lối huyền thoại như trên. Tài liệu ghi chép: - Việt-Nam, Ngọc-phả cổ-lục. - Trung-quốc, a/. Xem Phạm-Dật ở trên. b/. Thiên-long địa dư chí, Khâm-châu chư thần ký, Nghi-châu địa dư chí. 7.2.2. Dương-Minh (1051-1077). Trong mười hai đại tướng quân tuẫn quốc vào thời gian kháng Tống (1076-1077) thì Trung-vũ đại tướng quân Cao-sơn đại vương được thờ nhiều nhất, cũng bị huyền thoại hóa nhiều nhất. Vào thời Trần, có khoảng 21 đền, miếu thờ ngài. Ngài là vị thần còn nhiều di tích nhất. Với hoàn cảnh khó khăn sau bao nhiêu thăng trầm, cho đến nay (1995) chúng tôi ghi lại được chín di tích như sau: 7.2.2.1. Đình thờ chung của ba xã Ôn-cập (làng Gắp), Lạc-yên (làng Khốm), Hoàng-liên (làng Sen), tổng Hoàng-vân. Nay thuộc huyện Hiệp-hòa, tỉnh Hà-Bắc. Khi tử trận Kháo túc, ngài uất ức than rằng: Sao đã vội chết, khi chưa đền xong nợ nước. Nên sau đó ngài lại đầu thai trở lại. Bắc-giang tỉnh thần tích chép kiếp này ngài được tiên ở cầu Thấp-tần cho áo tàng hình. Ngài thường tàng hình vào công khố lấy thóc lúa, tiền bạc giúp dân nghèo. Đời vua Lý Anh-tông, nhà Tống sai Đàm Hữu-Lượng đem quân sang đánh Đại-Việt. Ngài dùng áo tàng hình vào trại bắt tướng giặc. Ngài được vua gả công chúa, cho cai quản từ sông Lục-đầu tới Cao-bằng. Sau ngài mất ở Thạch-long. Vua Lý Anh-Tông thương tiếc, cho dân ba xã trên lập đền thờ. 7.2.2.2. Đền thờ thần Cao-sơn ở xã Lương-nhàn, huyện Chí-linh, tỉnh Hải-hưng. Tương truyền thần thường hiện ra làm thầy lang chữa bệnh cho dân. Có lần thần trị được hàng trăm trẻ bị bệnh đậu mùa sắp chết. Khi dân húng tiễn thầy lang về, thì thầy chỉ lên ngọn núi Lương-nhàn mà bảo: Nhà ta ở đó, rồi biến mất. Dân chúng lần theo tay thầy lang chỉ, lên ngọn núi, thấy toà cổ miếu, trong có tượng, cổ tượng có vết đao chém, thì biết là ngài. 7.2.2.3. Đền thờ Cao-sơn đại vương ở phường Đông-tác, huyện Thọ-xương, nay thuộc quận Đống-đa, Hà-nội. Tương truyền thần là một trong năm mươi con của Lạc-Long quân theo mẹ lên núi, và là vị thần thứ nhì được thờ bên tả đền Tản-viên. Đến thời vua Lý Thái-tông, thần được lệnh Ngọc-Hoàng thượng đế xuống đầu thai để giúp vua đánh Tống, bình Chiêm. Trong trận đánh sông Như-nguyệt, bị chém vào cổ, thần ôm đầu chạy về quê, rồi tuẫn quốc. Hồi vua Lê Tương-Dực (1505-1516) bị binh biến phải chạy về Thanh-hóa. Vua từng đến đều cầu xin trợ giúp. Sau khi hết giặc, vua về Thăng-long, sai Đông-các đại học sĩ, Lễ-bộ thượng thư, Quốc-tử giám tế tửu Lê Tung soạn văn bia để ghi ơn. 7.2.2.4. Đình thờ ở thôn Điền-niêm, xã Đông-tạ, huyện Vĩnh-bảo, nay thuộc Hải-phòng. Tương truyền thời vua Giản-Định đời hậu Trần, dân gian có nhiều người bị bệnh đậu mùa, cầu trời; thì có thần hiện xuống cứu, xưng là Cao-Sơn đại vương. Thần trị hết bệnh cho tất cả dân chúng. 7.2.2.5. Đền thờ Cao-sơn đại vương ở thôn Bất-lự, xã Đại-sơn, huyện Tiên-du, nay là huyện Tiên-sơn, tỉnh Hà-bắc. Đền thờ thần Tản-Viên. Nhưng lại nói, đến thời vua Lý Thái-tông, thần vâng lệnh Ngọc-Hoàng thượng đế đầu thai, làm tướng đánh Tống, bình Chiêm. Sau tuẫn quốc ở trận Như-nguyệt. 7.2.2.6. Đình thờ làng Cung-bái, huyện Lục-ngạn, nay là huyện Yên-thế, tỉnh Hà-Bắc. Đền thờ Cao-Sơn đại vương và Quý--Minh đại vương. Tương truyền hai thần sinh vào thời vua Hùng Duệ-Vương. Bà mẹ mơ thấy rồng phun nước vào bụng, rồi sinh ra một bọc, nở ra hai con trai. Lớn lên hai ngài đều có tài văn võ, giúp vua Hùng đánh Thục, sau tuẫn quốc ở núi Tản. Đến đời Lý, thần Cao-Sơn đầu thai xuống làm tướng giúp vua Lý Thánh-tông bình hiêm, giúp vua Nhân-tông đánh Tống, rồi tử trận ở sông Như-nguyệt. 7.2.2.7. Đình thờ làng Đông-lỗ, tổng Đông-lỗ, huyện Hiệp-hòa, tỉnh Hà-Bắc, thờ thần tên Cao-Sơn Quý-Minh, tên thực là Dương Tự-Minh quê ở làng Quan-triều, huyện Phú-lương, tỉnh Thái-nguyên. Thần nguyên là tướng thời vua Lý Nhân-tông, tử trận sông Như-nguyệt, tái đầu thai. Nhân được thần cho chiếc áo tàng hình, ngài thường vào cung lấy trộm vàng bạc đem giúp dân nghèo. Chẳng may một lần bị bắt, đem chém. Vua Lý Anh-tông thương tình tha cho. Bấy giờ quân Tống sang xâm lược, ngài dẹp giặc có công, được vua gả công chúa Thiều-Dung cho. Ngài lại có công dẹp nội loạn Anh-Vũ, được vua gả công chúa Diên-Bình. Sau ngài cáo quan về quê ở Phú-lương. Có kẻ tố cáo ngài mưu phản, vua sai bắt chém, nhưng khi giải đến bờ sông, ngài hóa. Vua thấu tình phong làm thần, truyền cho các làng từ Cao-bằng đến sông Lục-đầu lập đền thờ. 7.2.2.8. Đền thờ ở xã Quỳnh-giản, huyện Chí-linh, tỉnh Hải-dương. Thần tích giống như đền thờ xã Lương-nhàn, mục số 7.2.2.7 trên. 7.2.2.9. Đình thờ xã Đồng- Áng, tổng Hoàng - Vân, huyện Hiệp - Hòa, tỉnh Hà - Bắc, thần tích giống như đền Đông - Lỗ, mục số 7.2.2.7. trên. Tài liệu ghi chép: - Việt-Nam, Đại-Nam nhất thống chí, Đồng-Khánh địa dư chí, Công-dư tiệp ký, Hoàng-Việt địa dư, Bắc thành địa dư chí lục, Hà-nội sơn-xuyên phong tục, Đại-Việt địa dư chí, Thăng-long cổ-tích khảo, Hải-dương tỉnh thần tích, Bắc-giang tỉnh thần tích, Chư dư tạp biên. - Trung-quốc, a/.Như Phạm-Dật trên. b/. Khâm-châu chư thần ký, Như-tích sơn xuyên phong vực chí, Để-trạo địa dư chí, Dung-châu sư tích. QTNC và TTCTGCK chép ngài tên thực là Dương Minh, thân phụ là Dương Đức, thân mẫu là Vũ-thị Ngân. Vì thời thơ ấu ngài hơi ngọng, nên các bạn gọi ngài là Minh ngọng. Song thân ngài làm nghề đánh cá ở sông Lục-đầu. Khi ngài lên bẩy tuổi, thì ông bà đi đánh cá bị gió cuốn, thuyền lật chết đuối. Ngài phải ăn mày khắp nơi kiếm sống. Năm mười một tuổi (1062) ngài lưu lạc về Thăng-long, gặp sáu người đồng cảnh ngộ, kết bạn với nhau. Bẩy ngài cắt gỗ, dựng lều tranh ở ven hồ Tây, rồi khi thì kéo lưới mướn, khi thì mò cua bắt ốc, có khi phải xúc phân trâu bán. Một vài lần đói quá phải ăn cắp gà, móc túi. Trong thời gian này, ngài được Khai-Quốc vương phi dạy về y. Tương truyền ngài đã tìm ra phương thuốc chữa bệnh đậu mùa, bênh đậu Lào, và thường đeo túi lang thang đi trị bệnh cho dân. Trong cuộc bình Chiêm năm 1069, được vua Thánh-tông cho tòng chinh, ngài lập công lớn trong trận Nam-giới, Bố-chánh, Nhật-lệ, Thi-nại, Pandu- rango. Khi luận công phong thần, ngài được phong tước bá, chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Long-dực. Ỷ-Lan thần phi hỏi cho ngài một tiểu thư tài sắc vẹn toàn tên Hoàng Phương-Lý, con quan Hình-bộ thượng thư Hoàng Khắc-Dụng. Năm 1075, Đại-Việt đem quân Bắc phạt, ngài cùng phu nhân chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Long-dực, phụ trách đánh ải Như-tích, Để-trạo. Gặp sức kháng cự của quân Tống cực kỳ mãnh liệt, ngài và phu nhân đều bị thương, nhưng vẫn cương quyết đi tiền phong xung sát. Sau hai ngày cầm cự, Như-tích, Để-trạo thất thủ. Tướng trấn thủ là Ngũ Hoàn bị giết tại trận. Sau đó ngài được lệnh Tín-Nghĩa vương tiến đánh Dung-châu. Chỉ sau ba ngày, hiệu Long-dực hạ được thành Dung, tướng trấn thủ là Đô-giám Vương Kính tử thương. Tiếp theo ngài tiến quân về đánh Ung-châu. Ca khúc khải hoàn, ngài được phong chức Trung-vũ đại tướng quân tước Kính-Tâm hầu. Phu nhân được phong nhất phẩm phu nhân. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết, Yên Đạt, Tu Kỷ đem quân đánh Đại-Việt (1076-1077), ngài cùng phu nhân nhận nhiệm vụ đánh cảm tử vào khu đóng quân của Tống. Công tác hoàn thành, nhưng hai ngài đều tử thương. Hết giặc, triều đình nghị công, truy phong ngài là Cao-Sơn, Thiên-y, Trung-vũ đại vương. Phu nhân được phong Trang-Hòa quận chúa, truyền lập đền thờ. 7.2.3. Triệu Thu (1052-1077) Ngài quán làng Cao-xá, trấn Nghệ-an. Phụ-thân tên Phạm Dung, mẫu-thân tên Trần Ngọc-Lan. Hai vị làm nghề đánh cá, chỉ sinh được mình ngài, đặt tên là Phạm Minh. Năm ngài lên bẩy tuổi, thì song thân qua đời. Ngài được một ngư dân ở phường Thọ-xương tên Triệu Nguyên nhận làm con nuôi, vì vậy ngài mang họ Triệu. Năm ngài mười tuổi, thì nghĩa phụ chết, để lại một căn nhà nhỏ, với chiếc thuyền câu. Ngài đem sáu người bạn cùng lứa, đang lang thang vô sở bất chí quanh hồ Tây về sống chung. Được năm tháng, lý trưởng trong làng muốn chiếm đất, nhà của ngài, y vu cáo cho bẩy ngài là phường du thủ, du thực. Vì vậy ngài phải cùng các bạn sống lang thang ven hồ Tây, khi thì ăn mày, khi thì kéo lưới mướn, có khi đói quá phải đi móc túi. Năm 1069, trong cuộc bình Chiêm, bẩy ngài cùng đội Giao-long Tây-hồ được vua Thành-tông cho tùng chinh. Ngài từng lập đại công trong trận đánh Nam-giới, Bố-chánh, Nhật-lệ, Thi-nại, Pandurango. Ca khúc khải hoàn, ngài được phong tước bá, giữ chức đôthống, chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Thần-điện. Ỷ-Lan thần phi cưới tiểu thư con quan Thamtri Hộ-bộ Phàn Trọng-Tân, là Phàn Phương-Liễu cho. Năm 1075, Đại-Việt đem quân Bắc-phạt, ngài cùng phu nhân chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Thần-điện đánh úp căn cứ thủy quân, cùng xưởng đóng chiến thuyền của Tống. Hai ngài thành công thực dễ dàng, rồi kéo quân về Khâm-châu. Tín-Nghĩa vương lệnh cho hai ngài đem quân công phá Bạch-châu. Gặp sức kháng cự mãnh liệt của quân Tống, ngài dùng hỏa công đốt thành. Sau mười ngày, dân trong thành hết lương đánh lại quân Tống, mở cửa xin hàng. Hạ Bạch-châu, ngài tiến quân về công hãm Ung-châu. Ca khúc khải hoàn, triều đình nghị công tâu Lê, Linh-Nhân hoàng thái hậu phong cho ngài chức Tuyên-vũ đại tướng quân, tước Tín-Tâm hầu. Phu nhân được phong nhất phẩm phu nhân. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết, Yên Đạt, Tu Kỷ đem quân đánh Đại-Việt, hai ngài tử chiến ở trận Kháo-túc, cả hai đều tuẫn quốc. Hết giặc, triều đình nghị công, ngài được truy phong Anh-văn Tuyên-vũ đại vương. Phu-nhân được phong Trang-Ninh quận chúa, truyền lập đền thờ. Hiện đền thờ ngài ở xã Cung-nhượng, tổng Thọ-xương, phủ Lạng-giang, tỉnh Bắcgiang, nay là tỉnh Hà-Bắc. Bắc-giang tỉnh thần tích chép ngài theo vua đánh Chiêm, khi trở về được ba tháng, thì Chiêm cho người sang ám sát, xác ngài trôi theo sông Thiên-đức tới làng Cung-nhượng thì dạt lên bờ. Phu nhân nghe tin này nhảy xuống sông tự tử. Tài liệu ghi chép:. - Việt-Nam, Bắc-giang tỉnh thần tích. - Trung-quốc, a/. Xem Phạm-Dật ở trên. b/. Khâm-châu chư thần ký, Đông-hải Hy-Ninh bản mạt, Bạch-châu địa dư chí. 7.2.4. Mai-Cầm (1052-1077) Ngài quán tại trang Vạn-phân, huyện Đông-thành, tỉnh Nghệ-an. Vì ngài có cái thẹo trên cằm, nên các bạn gọi là Cầm-thẹo. Thân mẫu ngài tên Mai Xuân-Huệ, không chồng mà chửa, lúc lâm bồn sinh ra một con trai, đặt tên là Mai-Cầm. Bà bị làng bắt khoán, nên phải bỏ quê ra đi; đến làng Đạo-sử thì được một phú ông tên Lưu Khánh cưu mang, đổi tên ngài là Lưu Hùng. Năm ngài lên chín tuổi, thì nghĩa phụ và thân mẫu bị cọp vồ chết. Các con ông Lưu Khánh đuổi ngài ra khỏi nhà. Ngài lang thang ăn mày, lưu lạc tới Thăng-long, rồi gặp sáu người đồng cảnh ngộ, kết thành bạn. Trong cuộc bình Chiêm năm 1069, ngài được vua Thánh-tông cho tùng chinh. Nhờ lập đại công trong trận đánh Nam-giới, Bố-chánh, Nhật-lệ, Thi-nại, Panduran- go. Sau khi chiến thắng khải hoàn, ngài được phong tước bá, giư chức đô-thống, chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Bổng-thánh. Ỷ-Lan thần phi hỏi tiểu thư con quan Kinh-lược an-vũ sứ Trường-yên tên Tôn Sơn là Tôn Phương-Đơn cho. Năm 1075, Đại-Việt đem quân Bắc-phạt, ngài được nguyên-soái Thường-Kiệt trao cho nhiệm vụ tấn công vào cửa Đông, sau đó vượt ra cửa Tây, trấn ở Tiểu-dã để chặn phục binh. Việc đánh chiếm Khâm, Liêm, Dung, Nghi, Bạch châu xong, nguyên soái Thường- Kiệt truyền cho ngài đem quân về đánh Ung-châu. Hạ xong thành Ung, quân Việt rút về, triều đình nghị công tâu lên, Linh-Nhân hoàng thái hậu phong ngài chức Tuyên-uy đại tướng quân, tước Từ-Tâm hầu. Phu-nhân được phong nhất phẩm phu nhân. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết, Yên Đạt, Tu Kỷ mang quân đánh đại Việt, ngài cùng phu nhân trấn ở phòng tuyến Như-nguyệt, cả hai đều tuẫn quốc. Hết giặc, triều đình nghị công truy phong ngài là Tuyên-uy phúc tướng đại vương. Phu nhân được phong Trang-Mẫn quận chúa, truyền lập đền thờ. Trải qua gần nghìn năm, đến nay đền thờ ngài vẫn còn tại làng Đạo-sử, tổng Phálãng, huyện Lang-tài, nay là xã Phá-lãng, huyện Gia-lương, tỉnh Hà-Bắc. Một đền thờ thứ nhì tại làng Đông-hương, tổng Phá-lãng nay là xã Phá-lãng, huyện Gia-lương, tỉnh Hà-Bắc. Trong Bắc-ninh tỉnh thần tích lại chép rằng: Thân mẫu ngài thấy con trâu vàng tắm ở ven biển. Khi bà tới hần thì trâu biến mất, chỉ còn lại hai cái lông, bà giắt hai cái lông vào gấu áo. Hai cái lông chảy thành nước, ngấm vào bụng bà. Từ đó bà mang thai, sinh một bọc hai trai. Bị dân làng chê cười, bà bỏ làng ra đi. đến làng Đạo-sử được một phú ông cưu mang. Bà đặt tên con là Hùng và Huy. Hùng có tài võ, huy có tài văn. Sau hai anh em theo vua bình Chiêm. Thắng trận hai ông trở về làng khao thưởng quân sĩ rồi vào triều nhận chức. Khi thuyền chở hai ông đến trang Đông-sá, phủ Thiên-trường thì bị đắm. Xác hai ông trôi về quê sắc diện còn tươi. Dân làng dâng biểu về triều, vua ban cho sắc phong để thờ phụng. Tài liệu ghi chép: - Việt-Nam, Bắc-ninh tỉnh thần tích. - Trung-quốc, a/. Xem Phạm-Dật trên. b/. Khâm-châu chư thần ký, Liêm-châu địa dư chí, Hổ-môn chư thần chí. 7.2.5. Quách Y (1052-1077) Tên thực ngài là Phạm Trọng-Y. Chính quán ngài tại đâu không rõ. Chỉ biết song thân ngài làm nghề trồng hoa. Thân phụ tên Phạm Trọng-Khâm, thân mẫu tên Quách-thị Phùng. Vì ngài hói đầu, nên bạn hữu gọi đùa là Y-hói. Khi ngài lên bẩy thì song thân cùng bị bạo bệnh qua đời. Ngài được người cậu đem về nuôi, cải tên là Quách-Y. Năm ngài mười tuổi lại đến lượt ông cậu qua đời. Ngài sống bơ vơ, ăn xin độ nhật ở Thăng-long. Sau cùng gặp sáu người đồng tuổi, đồng cảnh ngộ, kết thân với nhau làm nghề kéo lưới mướn, rửa bát. Có lúc nghèo quá phải đi ăn mày, móc túi, ăn cắp vặt để sống. Bẩy ngài sau được vua Thánh-tông ban cho mỹ hiệu Tây-hồ thất kiệt. Trong cuộc bình Chiêm năm 1069, ngài được vua Lý Thánh-tông cho tùng chinh, từng lập đại công trong các trận Nam-giới, Bố-chánh, Nhật-lệ, Thi-nại, Pandurango. Ca khúc khải hoàn, triều đình nghị công phong cho ngài tước bá, giữ chức đô-thống, chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Bổng-thánh. Ỷ-Lan thần phi hỏi tiểu thư Phạm Phương-Tiên con quan Kinh-lược an-vũ sứ Thanh-hóa là Phạm Nhật-Chiêu cho ngài. Năm 1075, Đại-Việt đem quân Bắc-phạt, ngài cùng phu nhân chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Bổng-thánh, tiến đánh thành Khâm. Thành Khâm bị hạ, ngài được lệnh tiến về công thành Ung. Sau khi chiến thắng trở về, triều đình nghị công tâu lên, Linh-Nhân hoàng thái hậu phong cho ngài chức Minh-uy đại tướng quân, tước Minh-Tâm hầu, phu nhân được phong nhất phẩm phu nhân. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết, Tu Kỷ, Yên Đạt đem quân sang đánh Đại-Việt, ngài cùng phu nhân tử chiến ở phòng tuyến Như-nguyệt, rồi tuẫn quốc. Sau khi hết giặc, triều đình nghị công phong ngài là Minh-uy Lôi-trấn đại vương, phu nhân được phong Trang- Thanh quận chúa. Hồi đem quân bình Chiêm trở về, ngài có dừng quân ở núi Lôi-sơn, xã Hữu-biệt, huyện Nam-đàn, trấn Nghệ-an. Bấy giờ trong núi có bầy sói cực kỳ hung bạo, thường hay tràn về thôn xóm bắt bắt gia súc ăn thịt. Ngài dùng đại nỏ bắn mã-não, hoàng thạch giết sạch bầy sói. Nên dân chúng lập đền thờ sống ngài. Sau khi ngài tuẫn quốc, triều đình ban ruộng cho dân làng để tiếp tục hương khói. Cho đến nay, gần nghìn năm trôi qua, đền thờ của ngài vẫn còn, dân chúng vẫn hương khói quanh năm. Nhưng trong Hoàng Việt nhất thống địa dư chí, Hoàn vũ ký, Đại-Nam nhất thống chí thì chép giản dị rằng: Tương truyền đời Lý có tướng quân họ Phạm, không rõ tên, đem quân đi dẹp giặc, khi qua núi Hữu-biệt, huyện Nam-đàn, trấn Nghệ-an thình lình có tiếng sấm nổ, rồi ngài biến mất. Vua Lý cho lập đền thờ, gọi là đền Độc-lôi(!). Tài liệu ghi chép: - Việt-Nam, Hoàng Việt nhất thống địa dư chí, Hoàn vũ ký, Đại-Nam nhất thống chí. - Trung-quốc, a/. Xem Phạm-Dật ở trên. b/. Xem Mai-Cầm ở trên. 7.2.6. Ngô Ức (1053-1077) Ngài là hậu duệ của Ngô-vương Quyền, thuộc giòng dõi Nam-Tấn vương Ngô Xương-Văn, thế hệ thứ 5 (Quyền sinh Văn, Văn sinh Đức, Đức sinh Tuệ, Tuệ sinh Ức). Phụ thân tên Ngô Vĩnh-Tuệ, quê ở xã Đường-lâm, huyện Phúc-thọ, thuộc thị-xã Sơn-tây. Thời vua Lý Thái-tông, ông nộp đơn dự thi tuyển võ tướng. Khai-Quốc vương đọc bản cung khai lý lịch, biết ông là cháu Ngô-vương, đặc cách cho ông khỏi thi. Sau khi huấn luyện, ông được phong chức đô-thống coi hiệu binh trấn ở Tiên-yên. Tương truyền sau khi thắng quân Nam-Hán, Ngô-vương kéo quân về thăm cố-đô Cổ-loa, tu bổ cố-cung thời vua An-Dương, lại trồng một cây đa rồi tuyên chỉ rằng Khi nào cây đa này chết, thì linh khí Cổ- Loa mới hết. (Cây đa này, nay là năm 1995 vẫn còn). Vì vậy một lần về Thăng-long hội quân, ông Đinh Vĩnh-Tuệ hành hương Cổ-loa, rồi qua đêm tại đây. Đêm đó ông mơ thấy vua An-Dương hội triều thần, có tứ trụ đại thần là Tể-tướng Phương-chính hầu Trần Tự-Minh, Đại-tư-mã Vạn-tín hầu Lý Thân, Đại-tư đồ Cao-cảnh hầu Cao Nỗ, Đại-tư-không Trung-tín hầu Vũ Bảo-Trung đứng hầu. Ông hành lễ với đức vua. Đức vua chỉ một võ quan bảo: - Ta thấy hung khí phương Bắc thịnh, thì thời gian con vua Bắc-đế đem quân Nam xâm đến nơi rồi. Vậy người hãy mau đầu thai để bảo vệ Viêm-bang. Viên võ quan hỏi: - Tâu bệ hạ, thần sẽ đầu thai vào cửa nào? Vua An-Dương chỉ vào Vĩnh-Tuệ: - Ta thấy Vĩnh-Tuệ là kẻ có lòng, vậy nhà ngươi hãy đầu thai làm con y. Thấy viên võ quan còn ngần ngữ, ngài dạy: - Ta chỉ bắt người xuống thế có hai mươi lăm năm mà thôi. Đừng có ngại ngùng. Hôm sau Vĩnh-Tuệ rời Cổ-loa ra đến đầu làng thì gặp một thiếu nữ xinh đẹp hái hoa sen, chẳng may bị rắn cắn vào bụng. Không kể nguy hiểm, ông ghé miệng hút nọc độc cứu cô. Người con gái thoát nạn, chắp tay: - Đa tạ tướng quân cứu mạng. Tên thiếp là Cao Tường-Vân. Tướng quân ơi! Tiểu nữ là con gái đồng trinh, thân thể chưa nhiễm bụi trần. Nay vì bị nạn, mà phải tùng quyền để tướng quân chạm vào khắp người, thì cái thân này thuộc về tướng quân vậy. Vĩnh-Tuệ bèn cưới Tường-Vân làm vợ, năm sau sinh ra một trai, đặt tên là Ngô Vĩnh-Ức. Khi Vĩnh-Ức được một năm, thì Vĩnh-Tuệ đem quân đi bắt cướp, trúng tên chết. Tường-Vân đem con về ở Nghi-tàm, ngoại ô Thăng-long làm nghề trồng hoa sống qua ngày. Năm Vĩnh-Ức bẩy tuổi, thì mẹ qua đời. Không nơi nương tựa, ngài lang thang cùng sáu người bạn,(sau là Tây-hồ thất kiệt), sống vất vưởng ở Thăng-long. Khi thì kéo lưới mướn, khi thì rửa bát, có khi phải ăn cắp vặt, móc túi kiếm sống. Vì khi cười miệng ngài hơi méo, nên bạn hữu họi ngài là Ức-méo. Rồi duyên may đưa đến, bấy ngài gạp Minh-Không thiền sư, Khai-Quốc vương, đgợc thu làm đệ tử, lại được Ỷ-Lan phu nhân nhận làm em nuôi. Năm 1069, vua Thánh-tông đem quân bình Chiêm, Tây-hồ thất kiệt được tùng chinh, và được đặt dưới quyền Tín-Nghĩa vương Lý Chiêu-Văn. Sau chiến thắng Nam-giới, Bố-chánh, ngài lại tham dự trận Nhật-lệ. Trong trận này ngài là người duy nhất bị thương. Tiếp theo ngài dự trận Thi-nại, Pandurango. Chiến thắng trở về, triều đình nghị công, ngài được phong tước Bá, giữ chức Đô-thống, chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Hùng-lược. Ỷ-Lan thần phi hỏi tiểu thư Quách Phương-Dược, con quan Lễ-bộ thượng thư Quách Sĩ-An cho ngài. Trong những ngày cùng Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt luyện quân, chính ngài là người chế ra loại tên lửa mang theo ống nứa trộn nhựa cháy, mã não, hoàng thạch để đốt thành địch. Đây là sáng kiến đầu tiên, rồi sau này Phạm Dật, Trần Ninh mới chế loại Lôi-tiễn gây kinh hoàng cho quân Tống trong trận Côn-lôn, Đại-giáp, Ung-châu. Trong cuộc Bắc chinh năm 1075, ngài cùng phu nhân đem hiệu Thiên-tử binh Hùng-lược tham dự trận đánh Khâm-châu, rồi tiến về đánh thành Ung. Ca khúc khải-hoàn, triều đình nghị công tâu lên, Linh-Nhân hoàng thái hậu phong cho ngài chức Định-viễn đại tướng quân, tước Huệ-Tâm hầu. Phu nhân được phong Trang- Ninh quận chúa. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết, Yên Đạt, Tu Kỷ đem quân đánh Đại-Việt. Ngài cùng phu nhân tử chiến ở Vạn-xuân, Kháo-túc, cả hai đều tuẫn quốc. Hết giặc, triều đình nghị công, truy phong ngài là Định-viễn Lôi-thần đại vương, phu nhân được phong Trang-duệ, Ninh-tĩnh quận chúa; truyền phối thờ ở đền Kê-lạc cùng với tiên vương Ngô triều. Trải bao lớp sóng phế hưng, nắng mưa, nay (1995) đền Kê-lạc vẫn còn tại xứ Kêlạc, xã Nghĩa-chế, huyện Tiên-lữ, tỉnh Hưng-yên; nay là huyện Phù-tiên, tỉnh Hải-hưng. Tài liệu ghi chép: - Việt-Nam, Hưng-yên tỉnh nhất thống chí, Bắc-kỳ giang-sơn cổ-tích danh thắng bị khảo, Các tỉnh địa dư chí, Đồng-khánh địa dư chí lược. - Trung-quốc, a/. Xem Phạm-Dật ở trên. b/. Xem Mai-Cầm ở trên. 7.2.7. Tạ Duy (1053-1077) Nguyên quán ngài tại An-lãng, thuộc Cửu-chân, trấn Thanh-hóa. Phụ thân tên Tạ Trọng-Nguyên, mẫu thân tên Lưu Huyền-Mẫn. Ông là một thầy đồ dạy học thuộc lộ Kinh- Bắc thời vua Lý Thái-tông. Ông bà sinh được hai con trai, con lớn tên Tạ Duy hay Tạ ĐộĐàm, con nhỏ tên Tạ Giang-Ba. Vì ông bà ngoại không có con, nên Tạ Giang-Ba mang họ ông ngoại, cải tên là Lưu Ba. Năm Tạ Duy tám tuổi, thì cha mẹ bị đắm thuyền chết hết. Hai anh em phải ở với người thím họ. Gặp bà thím ác độc đánh đập, hành hạ khổ sở, hai anh em bỏ nhà ra đi, và lạc nhau. Tạ Duy lên Thăng-long, vô sở bất chí, gặp sáu người đồng cảnh ngộ, kết bạn với nhau, sau là Tây-hồ thất kiệt. Bẩy người lang thang ở Thăng-long, khi thì kéo lưới mướn, khi thì rửa bát. Có khi túng thiếu quá, phải ăn cắp vặt, móc túi kiếm sống. Vì dáng người ngài hơi thấp, nên các bạn gọi là Duy-lùn. Trong dịp bình Chiêm năm 1069, vua Thánh-tông cho Tây-hồ thất kiệt tòng chinh, đặt dưới quyền Tín-Nghĩa vương Lý Hoằng-Chân. Chiến thắng trở về, triều đình nghị công, ngài được phong tước bá, giữ chức Đô-thống chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Vạn-tiệp. Ỷ- Lan thần phi hỏi tiểu thư Lý Phương-Quế, con gái đại đô đốc Lý Kế-Nguyên cho ngài. Năm 1075, Đại-Việt đem quân Bắc-phạt, ngài cùng phu nhân chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Vạn-tiệp đánh thành Khâm-châu, rồi tiến về công hãm Ung-châu. Ca khúc khải hoàn, triều đình nghị công tâu lên, Linh-Nhân hoàng thái hậu phong ngài chức Ninh-viền đại tướng quân, tước Dũng-Tâm hầu, phu nhân được phong nhất phẩm phu nhân. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết, Yên Đạt, Tu Kỷ mang quân sang đánh Đại-Việt, ngài cùng phu nhân tử thủ phòng tuyến sông Như-nguyệt, cả hai tuẫn quốc. Hết giặc, triều đình truy phong ngài là Ninh-viễn Trung-chính đại vương, phu nhân được phong Trang-hòa Ninh-tĩnh quận chúa, truyền lập đền thờ. Hiện nay đền thờ hai ngài vẫn còn tại xã Lưu-xá huyện Hưng-nhân, thuộc huyện Hưng-hà, tỉnh Thái-bình. Hưng-yên tỉnh nhất thống chí ghi giản dị: Anh là Lưu Độ-Đàm, em là Lưu Ba có công đánh Tống, bình chiêm, được phong chức Tiết-độ sứ. Sau khi mất được dân chúng lập đền thờ, mộ cũng chôn tại đấy. Trong đền thờ có tấm hoành phi sơn son thiếp vàng khắc bài thơ của vua Lê Hiển-Tông đề, nhắc công lao hai vị. Nhiều người lầm Lưu Độ-Đàm tức Ngô Ức với Lưu Khánh-Đàm sau này. Về Lưu Khánh-Đàm, Đại-Việt sử ký toàn thư, Lý kỷ, Nhân-tông bản kỷ chép rằng niên hiệu Thiên-phù Khánh-thọ, tháng 12 (DL 1228) vua Lý Nhân-tông sắp băng, tuyên triệu Thái-úy Lưu Khánh-Đàm vào cung để thác việc lập thái tử Dương-Hoán nối ngôi, lại cũng ghi Khánh-Đàm mất năm Thiên-chương Bảo-tự thứ tư (DL.1136). Tài liệu ghi chép: - Việt-Nam, Hưng-yên tỉnh nhất thống chí, Đại-Việt sử ký toàn thư ( Lý kỷ, Nhân-tông kỷ). - Trung-quốc a/. Xem Phạm-Dật ở trên. b/. Xem Mai-Cầm ở trên. Trên đây, tôi đã dẫn quý độc giả lướt sơ qua trang sử anh hùng thời Tiêu-sơn. Tôi xin ngừng ở đây, và mời quý độc giả đi vào hào quang của tổ tiên ta để lại, trong bộ Nam quốc sơn hà này. Viết tại Pontault Combault, Pháp-quốc, mùa hè, tháng sáu, năm Ất-hợi (1995). Yên-tử cư-sĩ Trần-Đại-Sỹ. Chưa hoàn chỉnh 2 people like this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 27 Tháng 5, 2010 Thập bát anh hùng, giai Phù-đổng, Tam thiên nữ kiệt, tỷ Mê-linh. Nghĩa là: Mười tám anh hùng đều là con cháu Phù-Đổng thiên vương, ba nghìn nữ kiệt đều sánh với gái Mê-linh (để chỉ nữ binh thời Trưng-vương). Lời dịch này PTS thấy hình như không ổn, nếu nói là câu đối thì câu dưới đối câu trên, cho nên theo PTS thì nếu nói "tỷ Mê-linh" sánh ngang với 3000 nữ kiệt thì câu trên phải là sức một "Phù đổng" ngang hàng với 18 anh hùng. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 30 Tháng 5, 2010 Lời dịch này PTS thấy hình như không ổn, nếu nói là câu đối thì câu dưới đối câu trên, cho nên theo PTS thì nếu nói "tỷ Mê-linh" sánh ngang với 3000 nữ kiệt thì câu trên phải là sức một "Phù đổng" ngang hàng với 18 anh hùng.Tỷ ở đây mang nghĩa chị em mà bác như kiêu sư tỷ, tỷ muội chứ không có nghĩa 1 tỷ, 1 trăm. Điều đó cũng đối ứng với giai Phù Đồng phía trên. Vế sau không phải là con số. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 13 Tháng 6, 2010 Tỷ ở đây mang nghĩa chị em mà bác như kiêu sư tỷ, tỷ muội chứ không có nghĩa 1 tỷ, 1 trăm. Điều đó cũng đối ứng với giai Phù Đồng phía trên. Vế sau không phải là con số. Tôi đâu có nói tỷ là 1 tỷ, hình như bạn chưa hiểu câu nói của tôi Share this post Link to post Share on other sites