Thiên Sứ

Có nên đưa di hài vua Lê Dụ Tông về an táng?

2 bài viết trong chủ đề này

Có nên đưa di hài vua Lê Dụ Tông về an táng?

11:25' 25/11/2006 (GMT+7)

VietNamNet – Bộ Văn hóa thông tin đã có công văn gửi các cơ quan liên quan xem xét việc hậu duệ dòng họ Lê có đơn xin đưa xác ướp của Vua Lê Dụ Tông (1705 – 1792) hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam về Nam Kinh (Thanh Hóa) an táng.

Posted Image

Thái Miếu nhà Hậu Lê ở Thanh Hóa.

Nguồn:nhandan.com.vn

Di hài vua Lê Dụ Tông đã được phát lộ một cách tình cờ năm 1960 tại Thanh Hóa. Mộ nhà vua sau đó đã được Bộ Văn hóa (cũ) tổ chức khai quật và đưa di hài đức vua cùng các di vật khác tìm được trong quá trình khai quật về bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam từ năm 1964 đến nay.

Theo công văn của Bộ Văn hóa Thông tin gửi Sở Văn hóa Thông tin Thanh Hóa, mộ đức vua Lê Dụ Tông là ngôi “mộ hợp chất” to nhất, có tư liệu tốt nhất trong số những ngôi “mộ hợp chất” đã được phát hiện ở Việt Nam.

Với táng thức đặc biệt, ngôi mộ này cùng những đồ tùy táng được bảo quản rất tốt. Những di vật này và bản thân di hài vua Lê Dụ Tông là tư liệu rất quý đối với nhiều ngành nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khảo cổ và nhân trắc học.

Tuy nhiên, sau hơn 30 năm được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử, di hài vua Lê Dụ Tông và các đồ tùy táng đã bị thời gian, khí hậu khắc nghiệt làm xuống cấp. Theo ông Hà Văn Loan- Trưởng phòng hành chính tổng hợp Bảo tàng Lịch sử Việt Nam- những ngôi mộ hợp chất sau khi khai quật nếu không bảo quản tốt sẽ rất dễ bị hư hại.

Vua Lê Dụ Tông (1705-1729)

Vua Lê Dụ Tông tên huý là Duy Đường, ông là con trưởng của vua Lê Hy Tông. Ông lên ngôi vua năm 1705.

Vua Lê Dụ Tông cầm quyền 24 năm. Nhà vua là người sinh ra Lê Duy Mật – Lê Duy Quy, được nhà nước ta suy tôn là một trong những “lãnh tụ của trào nông dân khởi nghĩa thế kỷ 18” (1738 – 1770).

Nhà vua rũ áo, ngồi ở trên, dựa vào chúa Trịnh Cương và quần thần giúp việc đắc lực như Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn v.v... Họ đưa ra chủ trương cải cách trên nhiều lĩnh vực về kinh tế - tài chính, thi cử, tổ chức hành chính... nhưng các cải cách đó chưa thu được kết quả thì chúa Trịnh Cương qua đời.

Ngày 20 tháng 4 năm 1729, vua Lê Dụ Tông nhường ngôi cho con là Duy Phường.Tháng Giêng năm 1731, Thượng hoàng Lê Dụ Tông mất, thọ 52 tuổi, ở ngôi 24 năm.

Năm 1963-1965, di hài vua Lê Dụ Tông được vô tình phát hiện ở huyện Thiêu Hóa -Thanh Hóa.

(Trích tờ trình của dòng họ Lê và website Quê Hương của Bộ Văn hóa Thông tin)

Bản thân ngôi mộ vua Lê Dụ Tông trước khi được đưa về Bảo tàng đã bị phát lộ tự nhiên, sau đó lại bị bảo quản trong điều kiện khắc nghiệt nên cũng bị xuống cấp, đặc biệt là di hài nhà vua. “Điều đó không thể nào tránh khỏi.” Ông Loan nói.

Ông cho biết hiện tóc của di hài Lê Dụ Tông đã bị rụng nhiều, da xám lại, phần xương cũng đang bị hỏng dần. Ông Loan cho biết hiện di hài vua được bảo quản trong trong tủ kính chân không trong một phòng riêng, có điều hòa nhiệt độ 24/24. Thỉnh thoảng nhà vua được xông hơi và phủ khăn liên tục để tránh tiếp xúc trực tiếp với không khí và vi khuẩn.

“Chúng tôi sẽ tiến hành các cuộc nghiên cứu khoa học, và sẽ đưa ra một lộ trình để giải quyết vấn đề này. Chủ trương của chúng tôi là xem xét đến khả năng đưa di hài Lê Dụ Tông về quê, nhưng chưa phải trong thời điểm và điều kiện hiện nay”. Ông Loan cho biết.

Trước những vấn đề trên, đại diện dòng họ Lê Duy, hậu duệ vua Lê Dụ Tông, ở Hà Nội đã gửi tờ trình lên Bộ Văn hóa - Thông tin lần đầu tiên vào năm 1996, đề nghị được đưa thi hài vua Lê Dụ Tông cùng các đồ tùy táng về Thanh Hóa an táng. Sau khi nhận được tờ trình năm 1996, Bộ Văn hóa Thông tin đã thống nhất tiếp tục lưu giữ di hài nhà vua để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.

Ngày 17/10/2006 dòng Họ Lê tại Hà Nội tiếp tục gửi tờ trình đề nghị đưa di hài nhà vua về Thanh Hóa. Tờ trình có đoạn “Là hậu duệ nhà vua, chúng tôi thấy vô cùng xót xa khi thi thể người nằm khô héo trơ trọi suốt gần 40 năm qua”.

Ông Lê Công Đính, đại diện dòng họ Lê tại Hà Nội nói: Sau khi kết thúc nghiên cứu, chúng ta nên trở lại quy luật, chúng ta nên hoàn táng nhà vua. Nếu để lại thì nên để nhà vua được ở một điều kiện khác. Nếu không đưa Đức vua về quê thì nên xây lăng mộ hoặc bố trí cho ngài được ở một điều kiện tốt hơn để không ảnh hưởng đến cả thể chất và tâm linh người. Theo tôi sẽ rất tốt nếu chúng ta xây được một nơi vừa thể hiện được sự kính trọng người để con cháu và khách du lịch có thể đến thăm viếng, vừa tiện lợi cho việc nghiên cứu khoa học”.

Ngày 2/11/2006 Cục di sản Bộ Văn hóa Thông tin đã gửi công văn đi các vụ viện và các nhà khoa học, sử học.. để xin ý kiến giải quyết về vấn đề này.

Ý kiến của các nhà khoa học:

PGS. TS Nguyễn Văn Nhật - Viện trưởng Viện Sử học: Nên đưa di hài Lê Dụ Tông về Thanh Hóa

Xét về tâm linh thì nên đưa nhà vua về. Trên quan điểm là một cơ quan nghiên cứu khoa học, Viện Sử học đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét đầy đủ cả về vấn đề khoa học và tâm linh. Nếu xét thấy việc nghiên cứu ngôi mộ hợp chất, di hài vua Lê Dụ Tông cùng các vật tùy táng đã có kết quả khoa học thì nên thể theo tâm tư nguyên vọng của hậu duệ họ Lê, an táng di hài vua Lê Dụ Tông tại quê hương (Thanh Hóa) càng nhanh càng tốt.

TS. Nguyễn Văn Việt- Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á: Không nên đưa di hài Lê Dụ Tông về quê!

Quan điểm của tôi là không nên đưa nhà vua về an táng. Bản thân di hài của người là một di sản văn hóa, cần phải được bảo vệ theo luật di sản. Tôi không đồng ý việc trả di hài nhà vua về cho dòng họ Lê. Điều này sẽ dẫn tới một nguy cơ tạo nên một tiền lệ xấu. Lúc này có thể là di hài nhà vua, sau này sẽ đến các dòng họ khác có thể đòi trống đồng, hay bất cứ di sản nào khác của họ. Hơn nữa, di hài nhà vua cần được các nhà bảo tồn bảo tàng tôn vinh vì Lê Dụ Tông là ông vua duy nhất mà chúng ta tìm thấy và khai quật được. Bản thân người và các đồ tùy táng là những tư liệu cực kỳ quý giá cho khoa học. Tôi sẵn sàng chia sẻ việc bảo quản di hài người với Bảo tàng Lịch sử. Theo tôi biết thì hiện nay đã có những phương pháp bảo quản rất hiện đại để bảo quản xác ướp rất tốt.

GS. TS Lưu Trần Tiêu- Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam: Nên chờ giải pháp của địa phương.

Chúng ta nên chờ quan điểm của địa phương. Nếu địa phương trình ra những phương án có thể đáp ứng được những yêu cầu về mọi mặt tình cảm, chính trị, khoa học thì cũng có thể đưa nhà vua về. Tuy nhiên bây giờ chúng ta vẫn chưa thể quyết định được việc đó. Chúng ta chưa có hội thảo nào chính thức về việc này nên vẫn chưa có những tranh luận từ các nhà khoa học. Chúng ta phải đặt vấn đề này với cơ quan lưu trữ xem nên đặt di hài ở đâu sẽ được bảo quản và phát huy được hiệu ích nghiên cứu khoa học hơn.

  • Hoàng Hường

Share this post


Link to post
Share on other sites

DI HÀI VUA LÊ DỤ TÔNG NÊN ĐẶT Ở ĐÂU?

Nguyễn Vũ Tuấn Anh

Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Lý Học Đông phương

Hiện nay có những ý kiến khác nhau về việc đưa di hài vua Dụ Tông Hòa Hoàng đế về an táng tại Thanh Hóa. Bởi vậy, tôi trình bày bài viết này như một trong những ý kiến tham biện cho vụ việc với góc nhìn của Lý học Đông phương và Cổ văn hóa sử.

Diễn tiến sự việc.

Di hài vua Lê Duy Đường ngẫu nhiên phát lộ khi đào kênh thủy lợi ở xã Bàn Thạch - Bái Thượng vào năm 1960. Vua Lê Duy Đường là hậu duệ ngành trên của vua Lê Thái Tổ - Dòng Ngài Lê Trừ là anh ruột vua Lê Thái Tổ - hiệu là Dụ Tông Hòa Hoàng đế, thuộc đời Lê Trung Hưng (Vị vua đầu thời Lê Trung hưng là Anh Tông hoàng đế, húy là Lê Duy Bang).

Ngay từ ngày ấy, di hài của ngài đã được giới khoa học trong nước quan tâm nghiên cứu. Đến năm 1964, sau khi 4 năm nghiên cứu, di hài của vua Dụ Tông Hòa Hoàng đế được trưng bày ở nhà Bảo tàng lịch sử để giới thiệu với công chúng – lúc ấy di hài đã được ngâm qua foormon – sau đó được bảo quản trở lại trong bảo tàng , như là một hiện vật lịch sử. Lúc ấy giáo sư Phạm Huy Thông Viện trưởng Viện Khảo Cổ Việt Nam đã ký vào biên bản với nội dung: “Không còn gì để nghiên cứu” .

Đến năm 1994 – sau cuộc hội thảo khoa học về dòng họ Lê và dòng Lê Duy ở Thanh Hóa - ban liên lạc họ Lê được thành lập. Đến năm 1996 – ông Lê Duy Chữ đại diện cho ban liên lạc họ Lê ở Thanh Hóa có làm tờ trình lên Đảng, nhà nước, bộ Văn Hóa , chính quyền tỉnh Thanh Hóa đề nghị đưa di hài vua Dụ Tông Hòa Hoàng Đế về an táng tại lăng của vị vua Lê dòng Trung Hưng ở Thanh Hóa. Một cuộc họp liên ngành giữa Bộ Văn Hóa, tỉnh Thanh Hóa, cục Bảo Tồn – Bảo tàng, Viện Sử học, Viện Bảo tàng lịch sử, sở Văn Hóa Thông tin tỉnh Thanh Hóa đã kết luận:

“Thống nhất đưa di hài vua Dụ Tông Hòa Hoàng Đế về an táng tại Thanh Hóa và yêu cầu tỉnh Thanh Hóa lên kế hoạch hoàn táng”.

Nhưng sự việc phải dừng lại ngay sau đó – cũng trong năm 1996 - vì có ý kiến của Viện Khảo Cổ do giáo sư Hà Văn Tấn làm tờ trình gửi bộ Văn Hóa là chưa được nghiên cứu, nên cần tạm giữ lại để tiếp tục nghiên cứu.

Mười năm sau, năm 2006, ban liên lạc đại diện dòng họ Lê và Lê Duy ở Thanh Hóa và cả nước lại có tờ trình lên Đảng và Nhà nước xin được đưa di hài vua Dụ Tông Hòa Hoàng đế về lăng an táng. Về việc này, Văn phòng Chủ Tịch nước cũng đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Văn Hóa về việc hoàn táng Ngài Lệ Dụ Tôn Hòa Hoàng đế. Ông Quốc Hùng – Cục phó Cục Di Sản bộ Văn Hóa – Thể Thao đã cho ý kiến chờ tỉnh Thanh Hóa chọn đất để an táng.

Đến ngày 19 tháng 8 năm 2008, Ban Liên Lạc Họ Lê Việt Nam – Hà Nội đã có cuộc họp do ông Lê Văn Tam chủ trì, một lần nữa thống nhất tiếp tục xin các cấp chính quyền Trung ương và địa phương tạo điều kiện cho phép đưa di hài của Dụ Tông Hòa Hoàng Đế về lăng dòng Lê Duy để hoàn táng.

Ý kiến tham biện

Hầu hết những ý kiến tham biện đều đồng ý đưa di hài vua Dụ Tông Hòa Hoàng Đế về an táng tại Thanh Hóa, chỉ có hai ý kiến làm chậm quá trình và phản bác việc này của giáo sư Hà Văn Tấn và Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt- Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á.

Quan điểm của ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á.

Không nên đưa di hài Lê Dụ Tông về quê!

Quan điểm của tôi là không nên đưa nhà vua về an táng. Bản thân di hài của người là một di sản văn hóa, cần phải được bảo vệ theo luật di sản. Tôi không đồng ý việc trả di hài nhà vua về cho dòng họ Lê. Điều này sẽ dẫn tới một nguy cơ tạo nên một tiền lệ xấu. Lúc này có thể là di hài nhà vua, sau này sẽ đến các dòng họ khác có thể đòi trống đồng, hay bất cứ di sản nào khác của họ. Hơn nữa, di hài nhà vua cần được các nhà bảo tồn bảo tàng tôn vinh vì Lê Dụ Tông là ông vua duy nhất mà chúng ta tìm thấy và khai quật được. Bản thân người và các đồ tùy táng là những tư liệu cực kỳ quý giá cho khoa học. Tôi sẵn sàng chia sẻ việc bảo quản di hài người với Bảo tàng Lịch sử. Theo tôi biết thì hiện nay đã có những phương pháp bảo quản rất hiện đại để bảo quản xác ướp rất tốt.

Nhưng quan điểm chính thức của chúng tôi là cần đưa di hài vua Dụ Tông Hòa Hoàng Đế về khu lăng tẩm của các vua dòng Lê Duy ở Thanh Hóa để hoàn táng. Cơ sở của quan điểm này cho rằng:

Về mặt văn hóa tín ngưỡng truyền thống:

Dân tộc Việt Nam có truyền thống trân trọng ông bà, tổ tiên. Nghi lễ chôn cất người chết luôn được tiến hành nghiêm cẩn và thành kính. Di hài của Dụ Tông Hòa Hoàng Đế không phải là một di hài vô chủ, mà Ngài có hậu duệ và con cháu của Ngài luôn tự hào về tổ tiên đang mong muốn đưa di hài về quê bảo quản theo đúng văn hóa và tín ngưỡng truyền thống Việt.

Do đó việc để di hài của Ngài nới đất khách quê người và trưng bày hoặc bảo quản như một xác ướp bình thường – khi đã có hậu duệ của Ngài đề nghị là một việc trái với truyền thống tín ngưỡng và văn hóa Việt. Bởi vậy, ngay đối với một xác ướp dân dã, khi có đề nghị của thân tộc được hoàn táng cũng cần phải xem xét chấp thuận nhằm bảo vệ và giữ gìn văn hóa tín ngưỡng truyền thống Việt. Huống chi vấn đề chưa dừng ở đây.

Về tôn trong tính chính thống của lịch sử văn hóa Việt

Di hài của vua Dụ Tông Hòa Hoàng Đế - Lê Duy Đường – không đơn giản chỉ là một xác ướp thông thường ghi dấu ấn một thời kỳ lịch sử. Mà đây là di hài của một vị quân vương thuộc triều đại chính thống đã từng lãnh đạo dân tộc Việt trong lịch sử Việt Nam.

Bởi vậy di hài của Ngài không thể chí nhìn phiến diện như là một di vật khảo cổ hiếm và có giá trị trong lĩnh vực nghiên cứu, mà di hài của Ngài còn là một biểu tượng của lịch sử văn hóa chính thống của dân tộc Việt với tư cách là người lãnh đạo trong một thời kỳ lịch sử Việt. Bởi vậy di hài của Ngài cần phải được tôn kính và trân trọng bảo quản trong lăng mô với đúng tầm địa vị của Ngài với tư cách là người đã từng có địa vị lãnh đạo dân tộc Việt.

Kết luận.

Sự trân trọng với di hài của Ngài chính là sự trân trọng lịch sử văn hóa chính thống của dân tộc Việt. Điều này thể hiện tính chính thống của các triều đại nhân danh tiếp nối tính chính thống của lịch sử văn hóa Việt. Bởi vậy, tôi nghĩ đây là việc cần làm ngay vừa nhắm bảo vệ di hài nhà vua và bảo vệ những giá trị văn hóa, lịch sử chính thống của dân tộc Việt.

Vấn đề được đặt ra có tính trí hoãn việc hoàn táng vì nhu cầu nghiên cứu là không thực tế trong hoàn cảnh hiện nay. Bởi vì, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng - Tính đến nay là hơn 40 năm – sau kết luận của giáo sư Phạm Huy Thông – chưa có một công trình nghiên cứu nào liên quan đến di hài vua Dụ Tông Hòa Hoàng Đế, chỉ kể từ khi giáo sự Hà Văn Tấn đề nghị giữ lại để nghiên cứu cũng đã 12 năm, chưa thấy một công trình nào được công bố liên quan đến di hài vua Dụ Tông Hòa Hoàng Đế. Do đó việc cho rằng cần giữ lại để nghiên cứu là không có cơ sở thực tế. Và đề nghị giữ lại ở viện Bảo tàng để bảo quản như một di vật khảo cổ là hoàn toàn chỉ đặt vấn đề phiến diện vì tính đặc thù của di hài vua Lê Dụ Tông Hòa Hoàng Đế cần được tôn kính với tư cách người lãnh đạo cao cấp nhất trong một thời kỳ lịch sử Việt.

Do đó, để hoàn tất việc này nhằm bày tỏ sự tôn kính với người đã từng lãnh đạo dân tộc trong lịch sử - mà việc làm cuối cùng thuộc về chính quyền tỉnh Thanh Hóa – tôi nghĩ ban liên lạc Họ Lê ở Việt Nam nên chủ động chọn đất xây lăng mộ của Ngài và đề nghị lên chính quyền tình Thanh Hóa hợp thức hóa việc này. Việc xây dựng lăng mộ và bảo quản di hài sẽ do ban liên lạc Họ Lê ở Việt Nam phối hợp với các ban ngành và chính quyền để thực hiện.

Về việc này Trung Tâm ngjhiên cứu Lý học Đông phương chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Ban Liên lạc Họ Lê Việt Nam tìm cuộc đất thích hợp để thực hiệc hoàn táng Dụ Tông Hòa Hoàng đế.

Nguyễn Vũ Tuấn Anh

Những vấn đề liên quan.

Dụ Tông Hòa Hoàng Đế Lê Duy Đường thuộc dòng dõi Lê Trừ. Ngài Lê Trừ là anh ruột của Ngài Lê Thái Tổ. Dụ Tông Hòa Hoàng Đế tiếp nối triều đại Lê Trung Hưng được bắt đầu từ vua Lê Anh Tông. Vua Lê Anh Tông là Hậu duệ đời thứ 6 của Ngài Lê Trừ. Dòng Lê Trung hưng phát tích từ làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn – Tỉnh Thanh Hóa ( Bây giờ là một phần của thành phố Thanh Hóa). Đây cũng là nơi có Thái Miếu của nhà Lê và lăng mộ của của các hoàng tộc đời Lê Trung Hưng hiện đang tọa lạc tại xã Bàn Thạch (cách Bố Vệ 40 km). Đây cũng là nơi phát hiện di hài Dụ Tông Hòa Hoàng Đế. Di hài vua Lê Chiêu Thống khi được đưa về nước thời vua Gia Long cũng được an táng tại Bàn Thạch.

Lam Kinh ( Bài báo trên Viêtnamnet viết nhầm là Nam kinh) là nơi phát tích của nhà Hậu Lê, mà bắt đầu bằng cuộc khởi nghĩa Lam sơn, nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân Thanh Hóa. Hiện còn 5 lăng mộ của các vua đời Hậu Lê là:

1) Lê Thái Tổ - 2) Lê Thái Tôn - 3) Lê Thánh Tông - 4) Lê Túc Tông - 5) Lăng bà Ngô Thị Ngọc Giao.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay