wildlavender

Hạt Thóc Nảy Mầm Sau 3.000 Năm: Nhiều Câu Hỏi Lớn Cần Làm Rõ

12 bài viết trong chủ đề này

Hạt thóc nảy mầm sau 3.000 năm: Nhiều câu hỏi lớn cần làm rõ

Posted Image

Những hạt thóc được tìm thấy tại khu khai quật (ảnh trên) và một số đã nảy mầm

Hạt thóc cách đây 3.000 năm nảy mầm sẽ có một ý nghĩa cực kỳ to lớn về lịch sử, khảo cổ và chọn tạo giống. Tuy nhiên...

Hạt thóc nảy mầm có từ cách đây 3.000 năm, một phát hiện vô tiền khoáng hậu, có ý nghĩa cực kỳ to lớn về lịch sử, khảo cổ và chọn tạo giống. Tuy nhiên, một loạt các câu hỏi hóc búa xung quanh phát hiện này đang làm đau đầu các nhà khoa học.

Những cơ sở khoa học đầu tiên

PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung kể lại, từ cách đây hơn 1 tháng, trường ĐH KHXH-NV (ĐH QG Hà Nội) kết hợp với Bảo tàng Hà Nội tiến hành khai quật Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội) trên diện tích 300m2. Trong quá trình khai quật đã xuất lộ 5 - 7 vết tích bếp cổ, tạm gọi là hố rác bếp. Đoàn khai quật đã tìm thấy những hạt thóc và gạo cháy xém tại 4 hố rác bếp. Chúng đều nằm trong một mặt bằng là lớp 8, tức là so với mặt đất thì sâu độ gần 1m. Đất ở lớp 8 có nước rỉ ra, xung quanh có rất nhiều than tro, các tàn tích thức ăn như xương cá, vỏ ốc... Những hạt thóc này có màu đen xám, chứng tỏ nó đã được ngâm trong bùn đất một khoảng thời gian rất dài.

Theo TS Dung, sự phát hiện những hạt thóc và hạt cơm cháy xém không phải là đặc biệt, nhưng điều làm bà và các cộng sự hết sức ngỡ ngàng là sau khi ngâm trong nước để bảo quản khoảng 2 ngày thì có tới 10 hạt thóc đã nảy mầm đâm lá. “Không ai có thể tin được là hạt thóc nằm sâu dưới lòng đất hàng ngàn năm trời lại có thể nảy mầm được. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và không thể lý giải tại sao nó lại có sức sống mạnh mẽ và kỳ diệu đến thế”, TS chia sẻ.

Posted Image

Những hạt thóc được cho là đã nảy mầm sau 3.000 năm

“Với tư cách là một người phụ trách khai quật ở đây, theo dõi sát từ đầu chí cuối, và là người trực tiếp làm hiện vật, tôi khẳng định rằng những hạt thóc này được lấy ra từ các hố rác bếp thuộc văn hóa Đồng Đậu, tiền Đông Sơn, cách ngày nay 3.000 - 3.500 năm”, TS Dung nhấn mạnh.

Bà cho rằng có rất nhiều cơ sở để đưa ra khẳng định những hạt thóc nảy mầm có từ cách đây 3.000 năm. Thứ nhất, Thành Dền là một địa điểm khảo cổ học nổi tiếng ở VN, ít nhất đã trải qua 7 lần khảo cổ tại đây và do nhiều cơ quan khác nhau tiến hành, trong đó có Viện Khảo cổ học VN. Dựa vào các phương pháp khảo cổ như địa tầng, loại hình học, lấy 20 mẫu than và xương hiện vật để tính hàm lượng carbon phóng xạ C14 và tất cả đều xác định niên đại một cách chắc chắn là thuộc giai đoạn phát triển chính của văn hóa Đồng Đậu (tiền Đông Sơn). Chứng cứ về thóc gạo trong văn hóa Đồng Đậu thì đã phát hiện ở khá nhiều nơi, ngay cả tại Thành Dền, năm 2001 cũng đã tìm thấy dấu tích trấu trong đồ gốm.

Thứ hai, nếu phát hiện đơn lẻ thì là ngẫu nhiên nhưng đây là phát hiện tại nhiều hố khảo cổ khác nhau, những hạt thóc và gạo cháy được tìm thấy cùng nhau, ngoài ra còn có cả xương cá, vỏ ốc, xương gà và xương chim bị cháy.

Thứ ba, sau khi phát hiện hạt thóc nảy mầm, TS Dung và các cộng sự đã lập tức xem lại hiện trường, quan sát trực tiếp, kiểm tra lại băng ghi hình, và những tấm ảnh đã chụp một cách kỹ lưỡng để loại trừ tất cả các khả năng: thóc ở đâu đó trong khi mình khai quật lẫn vào vì gần đấy cũng có những ruộng lúa chưa chín phải 15 ngày nữa mới thu hoạch được, hố chuột đưa xuống, hoặc đất đá đã bị xáo trộn từ trước...

Posted Image

Những hạt thóc được tìm thấy tại khu khai quật - Ảnh do PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung cung cấp

Cần sự hợp sức của các nhà khoa học

Để có câu trả lời chính xác và thuyết phục nhất về niên đại của những hạt thóc nảy mầm, nhiều người cho rằng cần phải lấy mẫu đi phân tích hàm lượng carbon. Theo TS Dung, việc này sẽ được tiến hành ngay sau khi đoàn hoàn thành công tác khai quật hiện trường, khoảng 1 - 2 tuần nữa và kết quả cũng sẽ có sau đó một vài tháng.

Bà Dung cho biết, việc phát hiện hạt thóc nảy mầm sau 3.000 năm có ý nghĩa rất to lớn, nó là một trong những chứng cứ để nói về nền văn minh lúa nước của tổ tiên chúng ta, trước hết cho thấy thêm một chứng cứ về sự tồn tại, hiện diện của nghề trồng lúa nước trong văn hóa Đồng Đậu mà trước nay chúng ta đã nói rất nhiều rồi. Đây cũng là một sự phát hiện độc đáo, vô tiền khoáng hậu, đặt ra những vấn đề mới cần phải nghiên cứu để trả lời chính xác nhất cho các câu hỏi: đó là giống lúa gì, tại sao nó lại nảy mầm được sau chừng ấy năm, hạt lúa đã được bảo quản trong môi trường như thế nào, có nguồn gen quý không và liệu chúng ta có phục hồi được không?... Theo TS Dung, các nhà khoa học trong và ngoài nước phải hợp sức nhau lại mới mong sớm tìm ra câu trả lời.

Posted Image

Nạo mặt bằng hố khảo cổ Ảnh do PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung cung cấp

Hiện nay 8 hạt thóc nảy mầm đã được đưa đến Viện Di truyền nông nghiệp để nuôi cấy, chăm sóc và nghiên cứu. 2 hạt nảy mầm khác cũng sẽ sớm được đưa tới Viện lúa của Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Ông Lê Duy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho biết, hiện mầm lúa đã cao hơn 10 cm nhưng quan sát bằng mắt thường có thể nhận thấy “sức khỏe” của cây lúa hơi yếu. “Chúng tôi chưa lý giải được vì sao cây lúa lại yếu vì không được tiếp nhận hạt giống ngay từ đầu mà chỉ tiếp cận hạt thóc khi nó đã nảy mầm. Hiện chưa nhận thấy sự khác thường của những mầm lúa này so với các giống lúa đương đại”, ông Hàm nói.

8 hạt thóc nảy mầm, đang được trồng trong nhà lưới, sẽ được chăm sóc cẩn thận và theo dõi kỹ lưỡng về kích thước, hình dáng, nhánh lúa, khóm lúa trong suốt cả quá trình, cho đến khi nó làm đòng, trổ bông và cho thu hoạch. Theo ông Hàm, trong thời gian đó, quan sát quá trình sinh trưởng, phát triển của những hạt mầm này, về hình thái học có thể nhận biết được tương đối chính xác nó có phải là lúa cổ hay không. Nếu đúng là giống lúa cổ phải mất ít nhất 5 tháng trời, vì vòng đời của lúa cổ dài. Tiếp đó, ông Hàm và các cộng sự sẽ tiến hành giải trình tự gen của hạt thóc, đối chiếu với trình tự gen của giống lúa hiện đại, thì sẽ khẳng định một cách chắc chắn đó có phải là lúa cổ hay không.

Năm 2006, các nhà khoa học từ Ngân hàng Hạt giống thiên niên kỷ, thuộc Vườn thực vật hoàng gia ở Kew (Anh) đã kích thích hạt giống của 3 loại cây (họ đậu, protea và keo) được lưu trữ từ năm 1803 nảy mầm. Những hạt giống này do một thương gia Hà Lan đưa từ Nam Phi về Anh vào năm 1803.

Năm 2005, từ hạt giống cây chà là có tuổi thọ 2.000 năm được tìm thấy trong quá trình khai quật pháo đài cổ Masada trên núi Masada (Israel), các nhà nghiên cứu Israel đã nhân giống thành công một cây chà là. Những hạt này sau đó được đưa về London (Anh quốc) và ươm trồng thành công. Các nhà nghiên cứu đã xem xét ADN của cây và phát hiện rằng nó chỉ có chung một nửa số gien với cây chà là hiện đại.

Năm 2002, các nhà khoa học đã làm nảy mầm các hạt sen được phát hiện từ một lòng hồ ở tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) có niên đại 500 năm. Trước đó, hạt giống của một loài sen 1.200 năm tuổi phát hiện ở Trung Quốc cũng đã được ươm và nảy mầm.

Hiếu Dũng

nguồn thanhnienonline

2 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

"Về nguyên lý, rất khó có thể có hạt thóc có từ 3.000 năm trước mà vẫn nảy mầm được. Tuy nhiên, chúng ta không loại trừ được khả năng này vì rất có thể những hạt thóc đó được bảo quản trong một môi trường đặc biệt mà con người chưa biết đến"

Ông Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp

"Hạt thóc không tiếp xúc với nước, đóng thật kín lại có thể sống 100 năm. Việc những hạt thóc nảy mầm sau 3.000 năm là chuyện hy hữu, xưa giờ chưa từng có"

GS-TS Võ Tòng Xuân

ý kiến của các nhà chuyên môn.

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Chuyện này có gì là lạ đâu. Có những vi khuẩn nằm trong băng hàng triệu năm vẫn sống lại. Những con cá cũng vài trăm năm trong băng thả vào nước ngoe nguẩy bơi....trên mạng đầy những chuyện như vậy. Huống chi cơ cấu thực vật đơn giản hơn nhiều so với động vật, nó sống lại cũng không có gì là lạ. Cần phải coi đây như là một thực tại và nghiên cứu theo chiều hướng tìm cơ chế tương tác để những hạt thóc này mầm sau 3000 năm. Còn giải thích rằng: Những hạt thóc mới bị vô tình trộn lẫn sẽ mãi mãi là một tồn nghi khoa học.

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Phát hiện thêm những hạt thóc tại Thành Dền

18/05/2010 0:20

Chiều qua 17.5, PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung - Chủ nhiệm bộ môn Khảo cổ học (khoa Lịch sử, trường ĐH KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) - cho biết đã tiếp tục phát hiện thêm những hạt thóc ở các hố khai quật tại điểm khai quật Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội).

Posted Image

Hố rác bếp - nơi tìm thấy hạt thóc sau đó đã nảy mầm. Ảnh do PGS - TS Lâm Thị Mỹ Dung cung cấp

Theo bà Dung, những hạt thóc này đang được bảo quản trong môi trường nước xâm xấp và hy vọng sẽ có thêm những hạt nảy mầm.

Trước đó, bà Dung cho biết sẽ tiến hành phân tích đồng vị phóng xạ carbon để có thêm cứ liệu khẳng định chắc chắn những hạt thóc nảy mầm lấy lên từ các hố rác bếp tại điểm khai quật có niên đại cách đây 3.000 năm. Toàn bộ số hạt thóc thu được nhưng không nảy mầm cũng đang được bảo quản cẩn thận: đặt vào hộp nhựa có đục các lỗ nhỏ, sau đó cho vào tủ lạnh để ở chế độ mát cho khô dần.

Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ của Viện Di truyền nông nghiệp - người trực tiếp chăm sóc, theo dõi những hạt thóc nảy mầm - cho biết hiện những hạt mầm đang được sinh trưởng trong điều kiện tự nhiên, để trong nhà lưới đảm bảo không bị chim, chuột cắn phá. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng hình thái của những hạt mầm này, sau đó giải mã gen để xác định đây có phải là lúa cổ hay không. Các ứng xử tiếp theo với những hạt thóc nảy mầm phụ thuộc vào kết quả của nghiên cứu này”, vị cán bộ này nói.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hoan - Viện trưởng Viện Lúa (Đại học Nông nghiệp Hà Nội) - phải nuôi lúa phát triển, tách lá, giải mã gen rồi đối chiếu với bộ gen của cây lúa, nếu thấy khác hoàn toàn với 44.500 gen hiện có thì mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng. Theo ông Hoan, đây là công việc rất phức tạp, rất khó để thực hiện tại nước ta.

Liên quan đến sự kiện này, các chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, trong phòng thí nghiệm, nếu bảo quản trong điều kiện tối ưu, thì hạt thóc có thể nảy mầm sau tối đa là 100 năm.

Di chỉ Thành Dền

Di chỉ Thành Dền (thuộc thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập, H.Mê Linh, Hà Nội) có diện tích hơn 20.000m2, được phát hiện năm 1970 và đã trải qua hai lần thám sát vào năm 1972, 1982, sáu lần khai quật vào các năm 1983, 1984, 1996, 2004, 2008, 2009 với tổng diện tích 279,5m2 (lần thứ 7 hiện đang khai quật từ trung tuần tháng 4.2010).

Với những di vật và di tích tìm được, các nhà khoa học đã xác định Thành Dền vừa là nơi ở vừa là nơi chế tác công cụ với các nghề thủ công như làm đồ đá, làm gốm, làm đồ xương, dệt vải, đan lát và chế tác vũ khí bằng đồng. Thành Dền được coi là trung tâm luyện kim và đúc đồng lớn nhất nước ta thời Tiền Đông Sơn (4.000 - 2.700 năm cách ngày nay).

Bên cạnh đó, các nhà khoa học nhận định cư dân Thành Dền đã biết sản xuất nông nghiệp, trồng các loại rau màu, cây lấy hạt, cây ăn quả đặc biệt là trồng lúa nước. Cư dân ở đây đã biết thuần dưỡng động vật để chăn nuôi và biết khai thác nguồn lợi thủy sản, có đời sống kinh tế khá và đã biết đến việc trao đổi hàng hóa giữa vùng này với vùng kia.

Theo truyền thuyết, Thành Dền còn có tên gọi là thành Cự Triền, hay thành Trại, thành Cờ, được bà Trưng Nhị cho xây đắp để chống quân của Mã Viện.

Hiếu Dũng

Quang Duẫn

nguồn thanhnienonline

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Giả thuyết về sức sống của 'hạt thóc 3.000 năm'

"Trong khu vực lưu giữ hạt thóc có lẫn lộn rất nhiều tro, gạo cháy... Có thể chính môi trường này đã tạo điều kiện yếm khí tuyệt đối khiến hạt giống giữ được sức sống sau hàng nghìn năm", giáo sư Đào Thế Tuấn nêu giả thuyết.

> Cận cảnh khu vực phát lộ 'hạt thóc 3.000 năm' nảy mầm/ Giới khoa học xôn xao vì 'hạt thóc 3.000 tuổi' nảy mầm

Sau khi hay tin khu di chỉ Thành Dền phát hiện ra những hạt thóc ở tầng văn hóa Đồng Đậu nảy mầm, chiều 18/5, rất nhiều chuyên gia đã tìm tới đây. Trong số đó có giáo sư Đào Thế Tuấn (từng là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô); ông Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Khoa học nông nghiệp Việt Nam; phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Cường, Phó tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam và các chuyên gia đến từ ĐH Quốc gia Hà Nội.

Chăm chú quan sát nơi phát lộ các hạt thóc, ông Đào Thế Tuấn, vị giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam nhận định, các hạt này có hình dạng ngắn, bề ngang rộng chứ không thon dài như lúa nhiệt đới. Đây là cũng là hình dạng của các loại lúa cổ xưa nhất ở Việt Nam như lúa nương, lúa nếp.

Posted Image

Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung (áo hoa) trao đổi với các nhà khoa học tại một hố khai quật ở Thành Dền. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Lý giải về điều kiện để duy trì sức sống hạt giống, giáo sư Tuấn cho rằng, điều kiện tốt nhất là môi trường yếm khí. Tuy nhiên, ngay cả trong những phương pháp hiện đại nhất như bơm chân không thì cũng không thể gây được chân không hoàn thiện.

"Theo tôi, nếu đúng là hạt thóc 3.000 năm nảy mầm thì có lẽ ở đây có một điều kiện đặc biệt nào đấy, tạo cho khu vực lưu trữ hạt thóc ở di chỉ Thành Dền chân không tốt nhất, giữ được sức sống cho chúng. Tôi giả định rằng trong khu vực lưu giữ các hạt thóc có lẫn lộn rất nhiều tro, hạt gạo cháy... Có thể chính môi trường này đã tạo điều kiện yếm khí tuyệt đối", vị giáo sư nêu giả thuyết.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng để mở khả năng ngoài môi trường yếm khí ra, "có thể có những điều kiện mà con người chưa xác định được".

Đồng quan điểm với giáo sư Đào Thế Tuấn, Viện trưởng Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Văn Bộ cho biết, không loại trừ khả năng những hạt thóc này được bao bọc bởi một môi trường đặc biệt, có thể là yếm khí hoàn toàn mà con người chưa biết đến.

"Đây là một hiện tượng hy hữu, cũng giống như trường hợp mộ kết, hay chuyện một người không ăn uống trong mấy chục năm trời vẫn có thể sống khỏe mạnh mà khoa học vẫn chưa giải thích được", ông Bộ nói.

Posted Image

Ông Nguyễn Lân Cường (đứng, áo trắng) vẫn không khỏi ngạc nhiên khi nghe tin về "hạt thóc 3.000 năm" nảy mầm. Sau khi có mặt tại Thành Dền, ông khẳng định những hạt thóc đúng là đã được khai quật từ tầng đất có niên đại 3.000 năm. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Còn theo ông Nguyễn Lân Cường, trước khi đi khảo sát thực tế, ông rất nghi ngờ về câu chuyện hạt thóc sau 3.000 năm vẫn nảy mầm. "43 năm làm khảo cổ nhưng tôi chưa bao giờ nghe, hoặc chứng kiến chuyện này. Tôi cũng đã đọc rất nhiều tài liệu nhưng chưa thấy đề cập đến chuyện nào tương tự. Tôi rất sợ đó là những hạt thóc do chuột đào hang và tha xuống", ông Cường nói.

Mang theo những nghi ngờ tới Thành Dền, ông kiểm tra rất kỹ lưỡng các hố khai quật, hỏi han các công nhân và chuyên gia đoàn khảo cổ. "Đất ở đây bị nén rất chặt, không có dấu vết hang chuột. Về mặt sinh học vẫn phải đợi kết quả thí nghiệm của Viện Di truyền nông nghiệp, nhưng tôi hoàn toàn bị thuyết phục về niên đại của hạt thóc nảy mầm là cách đây khoảng 3.000 năm", vẫn chưa hết ngạc nhiên, ông Cường chia sẻ.

Trong khi đó, theo giáo sư Đào Thế Tuấn, việc phát hiện những hạt lúa, hạt gạo ở di chỉ thuộc văn hóa Đồng Đậu có ý nghĩa rất quan trọng. "Trước kia khi nghiên cứu về văn hóa Đồng Đậu, các nhà khoa học ít chú ý đến hạt lúa. Lần này nếu có hạt thóc, gạo được đo đạc có hệ thống sẽ có tác dụng lớn trong việc tìm hiểu vai trò di chỉ Đồng Đậu trong quá trình phát triển nông nghiệp VN", ông nói.

Cũng theo ông Tuấn, phát hiện này sẽ làm cơ sở để xác định nền văn minh lúa nước của đồng bằng sông Hồng trước đây ra sao. Về mặt sinh học, các hạt lúa nảy mầm sẽ cung cấp thông tin về giống, giúp các nhà khoa học biết được sự tiến hóa của cây lúa Việt Nam... Ông Tuấn cũng khẳng định, theo các tài liệu chính thức, chưa từng có phát hiện nào trên thế giới mà sau 3.000 năm hạt lúa vẫn nảy mầm.

Để xác định chính xác niên đại, Viện trưởng Khoa học nông nghiệp Nguyễn Văn Bộ cho biết sẽ đề nghị các nhà khảo cổ lấy mẫu gửi ra nước ngoài làm thí nghiệm theo phương pháp AMS (phương pháp xác định niên đại của các hiện vật hiện đại và chính xác nhất hiện nay). Theo ông Bộ, hiện tại Việt Nam chưa thể làm được AMS, còn sử dụng phương pháp đồng vị carbon (C14) cần rất nhiều mẫu và vẫn có sai số.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, ông cũng rất bất ngờ trước thông tin "hạt thóc 3.000 năm nảy mầm". Bộ trưởng đã giao cho Viện Khoa học Nông nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan để bảo quản tốt và theo dõi sự phát triển của những hạt giống đã nảy mầm. Viện cũng sẽ phối hợp các nhà khoa học quốc tế phân tích sâu về gene để từ đó tìm ra khả năng chọn tạo giống, sử dụng cho tương lai.

"Trong trường hợp thực sự cần thiết và các nhà khoa học có đề nghị, dù có tốn kém Bộ cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai", ông Phát nói.

Nguyễn Hưng

nguồn vnexpress.net

Share this post


Link to post
Share on other sites

Cận cảnh khu vực phát lộ 'hạt thóc 3.000 năm' nảy mầm

Khu di chỉ Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội) những ngày gần đây thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới khoa học sau khi những hạt thóc được tìm thấy ở tầng đất có niên đại 3.000 năm nảy mầm. VnExpress ghi lại hình ảnh.

> Giới khoa học xôn xao vì hạt thóc 3.000 tuổi nảy mầm

Posted Image

Chiều 18/5, rất nhiều nhà khoa học đã tìm đến di chỉ Thành Dền (xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Hà Nội) để mục sở thị nơi tìm thấy các hạt thóc nảy mầm. Trong ảnh là Giáo sư Nguyễn Lân Cường (phải) và ông Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (đội mũ cối).

Posted Image

Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung kể lại quá trình khai quật và tìm thấy các hạt thóc, cổ vật ở tầng văn hóa Đồng Đậu, Tiền Đông Sơn (khoảng 4.000 - 2.700 năm cách ngày nay). Quan sát hiện trường cũng như băng ghi hình, Tiến sĩ Dung khẳng định, những khả năng như thóc ở đâu đó lẫn vào trong khi khai quật, hố chuột đưa xuống, hoặc đất đá đã bị xáo trộn từ trước… đều bị loại trừ.

Posted Image

Giáo sư, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô Đào Thế Tuấn - chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp ở VN - chăm chú quan sát các hạt thóc, gạo cháy được đoàn khai quật lưu giữ. Những hạt thóc nảy mầm đã được chuyển cho Viện Di truyền nông nghiệp để nuôi cấy, chăm sóc và nghiên cứu.

Posted Image

Theo Giáo sư Tuấn, quan sát bằng mắt thường, những hạt tìm thấy có hình dáng của các giống lúa cổ: chiều dài ngắn, bề ngang hạt to.

Posted Image

Mẫu gốm thuộc tầng văn hóa Đồng Đậu còn in dấu các vỏ trấu được tìm thấy ở Thành Dền. Theo các nhà khoa học, việc tìm thấy thóc, gạo cháy ở Thành Dền từng được ghi nhận và không bất ngờ. Tuy nhiên, với các hạt thóc nảy mầm, hiện chưa thể có lý giải thuyết phục.

Ngoài ra, để kết luận các hạt này có đúng có tuổi thọ 3.000, phải sau khoảng 5 tháng nữa, khi chúng kết thúc một vòng sinh trưởng, cho hạt. Lúc đó, các nhà khoa học sẽ tiến hành giải trình tự gene của hạt thóc, đối chiếu với trình tự gene của giống lúa hiện đại để có kết luận đó có phải là lúa cổ hay không.

Posted Image

Trong khi đó, đoàn khai quật vẫn tiếp tục công việc đã bắt đầu từ giữa tháng 4. Di chỉ Thành Dền có diện tích hơn 20.000 m2, được phát hiện năm 1970. Theo truyền thuyết, Thành Dền còn có tên gọi là thành Cự Triền, hay thành Trại, thành Cờ, được bà Trưng Nhị cho xây đắp để chống quân của Mã Viện. Hiện, di chỉ này nằm lọt giữa cánh đồng lúa của thôn Phú Mỹ (xã Tự Lập).

Posted Image

Thành Dền đã trải qua 2 lần thám sát, 6 lần khai quật với tổng diện tích khoảng 280 m2. Lần thứ 7 đang khai quật từ giữa tháng 4/2010 với tổng cộng 3 hố, mỗi hố rộng 100 m2. Khu vực được các nhà khảo cổ đặc biệt quan tâm trong hố khai quật là các hố đất đen (hố rác bếp), nơi lưu giữ rất nhiều tàn tích thức ăn như xương cá, vỏ ốc...

Posted Image

Với những di vật và di tích tìm được, các nhà khoa học xác định Thành Dền vừa là nơi ở vừa là nơi chế tác công cụ với các nghề thủ công như làm đồ đá, làm gốm, làm đồ xương, dệt vải, đan lát và chế tác vũ khí bằng đồng. Ngoài ra, Thành Dền được coi là trung tâm luyện kim và đúc đồng lớn nhất nước ta thời Tiền Đông Sơn.

Posted Image

Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung cho biết, đây có thể là dấu tích của một lò đúc đồng.

Posted Image

Đất tại các hố có chứa di vật được đánh dấu, để riêng trong từng bao tải mang đi sàng lọc.

Posted Image

Những công nhân khai quật, sàng lọc... đều là người ở thôn Phú Mỹ. Họ đều đã quen việc, làm rất cẩn thận, có nguyên tắc. Ngoài ra, chuyên gia của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân và Bảo tàng Hà Nội luôn có mặt để giám sát, hướng dẫn.

Posted Image

Tất cả các công nhân đều khẳng định, những hạt thóc nảy mầm đều được tìm thấy dưới các hố khảo cổ. Ai cũng ngạc nhiên và cho là "kỳ diệu" vì sau hàng ngàn năm các hạt thóc vẫn còn sức sống mạnh mẽ đến thế.

Nguyễn Hưng.

vnexpress.net

Share this post


Link to post
Share on other sites

'Thóc 3.000 năm' được bảo vệ đặc biệt vì nắng nóng

Sau hơn 10 ngày, những hạt thóc phát lộ từ tầng đất có niên đại 3.000 đã phát triển thành những cây mạ. Cây lớn nhất có chiều cao 15 cm và chưa có dấu hiệu gì bất thường.

> Giả thuyết về sức sống của 'hạt thóc 3.000 năm'/ Cận cảnh khu vực phát lộ 'hạt thóc 3.000 năm' nảy mầm

Chiều 20/5, trong cái nắng gay gắt của Hà Nội, 10 hạt thóc nảy mầm được tiếp nhận từ đoàn khảo cổ tại di chỉ Thành Dền buộc phải đem đi "trốn nắng". Thay vì được các chuyên gia Viện Di truyền nông nghiệp (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nuôi cấy và để ngoài trời như trước đó, các hạt thóc (nay đã thành cây mạ) phải đưa vào trong phòng thí nghiệm.

"Nhiệt độ ngoài trời hôm nay có lúc lên tới 42 độ, chúng tôi phải đem những cây mạ này đi tránh nắng từ lúc 11h, sau 16h mới mang trở ra ngoài lồng", tiến sĩ Phạm Xuân Hội, Trưởng bộ môn Bệnh học phân tử, người trực tiếp chăm sóc những cây mạ cho biết.

Posted Image

Chiều 20/5, các cây mạ mọc lên từ "thóc 3.000 năm' phải đưa vào phòng thí nghiệm tránh nắng. Khay nhựa trắng bên phải có 8 cây, tiếp nhận từ ngày 12/5; hai cây tiếp nhận ngày 16/5 ở phía trên, khay trái. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Theo tiến sĩ Hội, Viện tiếp nhận 10 hạt thóc theo trong hai đợt. Lần thứ nhất ngày 12/5 với 8 hạt, lần thứ hai có 2 hạt vào ngày 16/5. Khi tiếp nhận, các hạt thóc đều đã nảy mầm thành mạ. Số mạ này được trồng vào khay nhựa ngoài trời, bảo vệ trong 2 lớp nhà lưới nhằm tránh chim, chuột, bọ... Đất để trồng mạ được lấy từ ruộng lúa ở khu An Khánh, không bón phân.

Theo số liệu đo đạc ngày 20/5, trong số 8 cây tiếp nhận từ đợt đầu, có hai cây cao 15 cm, cây thấp nhất 3 cm. Hai cây tiếp nhận vào đợt sau phát triển ngang nhau. Ngoài ra, để đối chứng, ông Hội gieo thêm mạ bằng 3 giống lúa của Việt Nam và Ấn Độ. Sau mỗi 5 ngày, các chuyên gia của Viện Di truyền nông nghiệp sẽ đo đạc, ghi chép lại sự phát triển của các cây lúa này.

Nhận định về hình thái, tiến sĩ Hội cho biết, tuy tiếp nhận cùng đợt nhưng các cây mạ phát triển không đều do thời điểm nảy mầm khác nhau. "Ngoài việc các lá hơi mảnh, hẹp, các cây mạ sinh trưởng bình thường và tương đương với các giống lúa bây giờ", ông Hội nói.

Cũng theo vị tiến sĩ này, nếu chính xác là giống lúa cổ, vòng sinh trưởng của chúng sẽ dài hơn các giống hiện nay. Quá trình sinh trưởng của lúa hiện tại thường là hơn 3 tháng, còn các giống lúa ngày xưa kéo dài 4-6 tháng. "Trước mắt, chúng tôi sẽ cố gắng để cây sinh trưởng, cho ra hạt. Có hạt sẽ có điều kiện để làm được rất nhiều thí nghiệm", ông Hội cho biết.

Posted Image

Có 2 cây mạ đã cao 15 cm. Theo tiến sĩ Phạm Xuân Hội, ngoài hình thái lá hơi mảnh, hẹp, các cây mạ từ 'thóc 3.000 năm" sinh trưởng không khác là bao so với giống lúa hiện đại. Ảnh: Nguyễn Hưng

Tuy nhiên, vị tiến sĩ này tỏ ra khá lo ngại do các cây sinh trưởng vào thời điểm trái vụ. Trong trường hợp thời tiết nắng nóng quá khắc nghiệt, Viện Di truyền nông nghiệp sẽ dùng phương pháp tách chồi trong phòng thí nghiệm để bảo quản giống và trồng vào vụ tới.

Tiến sĩ Phạm Xuân Hội cũng đề xuất hướng xử lý khá đơn giản để xác định niên đại các hạt thóc cổ bằng việc lên hiện trường di chỉ Thành Dền tìm thêm mẫu hạt lúa trong các tầng đất có niên đại nhiều ngàn năm trước. Sau đó, chọn lọc các hạt, đem về ngâm nước, gieo cho nẩy mầm, nuôi dưỡng, chăm sóc cẩn thận...

"Nói tóm lại là làm từ đầu đến cuối theo một quy trình khép kín để loại trừ các khả năng hạt thóc ngoại lai rơi vào", tiến sĩ Hội nói.

Trao đổi với VnExpressnet, tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung cho biết, đề xuất của tiến sĩ Hội cũng được đoàn khảo cổ nhìn nhận từ trước. Thậm chí, đoàn còn đề nghị các chuyên gia của Viện Di truyền nông nghiệp cùng xuống khai quật để trực tiếp lấy các hạt thóc. Di chỉ Thành Dền vẫn trong quá trình khai quật, tiềm năng tìm thấy các hạt thóc mẩy (có khả năng nảy mầm) là rất lớn.

"Sáng nay chúng tôi tìm thấy thêm 4 hạt thóc, trong đó có 2 hạt có khả năng nảy mầm và đã ngay lập tức bảo quản trong môi trường hộp nhựa ẩm", tiến sĩ Dung cho biết.

Cũng theo nữ tiến sĩ này, giáo sư Phan Huy Lê cũng có mặt và chứng kiến việc đoàn khảo cổ tìm thấy các hạt thóc mới.

"Sau mấy lần tìm thấy các hạt thóc cổ nảy mầm, chúng tôi càng có thêm kinh nghiệm xử lý để loại trừ tất cả khả năng như gió, nước mưa... khiến di vật khai quật được bị nhiễm mẫu", bà Dung nói.

Tuy nhiên, về mặt nghề nghiệp, tiến sĩ Dung khẳng định, kể cả trước khi phát hiện ra "thóc 3.000 năm nảy mầm", đoàn khai quật của bà cũng đã làm việc rất có nguyên tắc. Vì thế, bà khẳng định các hạt thóc nảy mầm có niên đại đúng bằng niên đại của tầng văn hóa Đồng Đậu, tương đương 3.000-3.500 năm trước.

Nguyễn Hưng

Share this post


Link to post
Share on other sites

Hạt thóc 3000 năm ở VN sẽ trổ bông vào tháng 10

Giống lúa cổ này có đặc điểm dù có gieo hạt vào tháng 2, tháng 3, 4 cho đến tháng 8, thì cứ phải đến đúng 18 - 30/10 lúa mới trổ bông, không cần tính ngày gieo hạt là ngày nào. Tháng 10 là thời điểm ngày ngắn, khi đó cây lúa mới phân hóa đòng và trổ bông.

Có thêm 4 hạt thóc đang nằm trong diện có khả năng sẽ nảy mầm. Do thời tiết quá nắng nóng nên những cây lúa đặc biệt này đã được di chuyển vào phòng có điều hòa.

Nắng nóng ảnh hưởng tới lúa cổ

Chiều ngày 21/5, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, chủ nhiệm bộ môn Khảo cổ học, khoa Lịch sử, ĐH KHXHNV, ĐHQG Hà Nội cho biết, hiện đang có thêm 4 hạt trông "mẩy mẩy" nằm trong diện được các nhà khoa học theo dõi xem có nảy mầm được không.

TS Phạm Xuân Hội, trưởng bộ môn Bệnh học Phân tử, Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết, nắng nóng trong mấy ngày hôm nay ít nhiều ảnh hưởng tới cây. Do đó, những mầm cây sẽ cần được bảo quản thận trọng bằng cách che nắng vào giờ cao điểm từ 11 - 14h.

Posted Image

Do thời tiết quá nắng nóng nên những cây lúa này đã được di chuyển vào phòng có điều hòa và được chiếu sáng, khi thời tiết tốt hơn thì cây sẽ được chuyển ra ngoài trời. Đến nay, cây vẫn sinh trưởng bình thường, không có một dấu hiệu bất thường nào xảy ra.

Tháng 10 lúa sẽ trổ bông?

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, giám đốc Viện Nghiên cứu lúa, ĐH Nông nghiệp I cho biết, đến nay trong tất cả các tài liệu đều chưa có nghiên cứu nào về giống lúa cổ 3.000 năm.

Nếu đây thực sự là những hạt thóc cổ thì nó sẽ phản ứng với ánh sáng ngày ngắn. Ngày ngắn là khi giờ chiếu sáng dưới 10,5 giờ. Trong điều kiện ánh sáng ngày ngắn nó sẽ phân hóa đòng và trổ bông.

Vì thế, nếu muốn cây trổ đòng đúng dịp thì phải làm cho ngày ngắn đi. Giống lúa cổ này có đặc điểm dù có gieo hạt vào tháng 2, tháng 3, 4 cho đến tháng 8, thì cứ phải đến đúng 18 - 30/10 lúa mới trổ bông, không cần tính ngày gieo hạt là ngày nào. Tháng 10 là thời điểm ngày ngắn, khi đó cây lúa mới phân hóa đòng và trổ bông.

Mỗi cây lúa có 44.500 gen, nếu gen của hạt thóc cổ này cũng nằm trong 44.500 gen đó thì nó không có ý nghĩa gì về mặt giống cây trồng. Ngược lại, nếu phát hiện có gen khác biệt hoàn toàn thì nó sẽ rất ý nghĩa, có thể bổ sung gen này vào cây lúa hiện nay.

GS.VS Trần Đình Long, chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho biết thêm, lúa cổ cũng có rất nhiều loại khác nhau. Nếu những hạt lúa vừa được tìm thấy là lúa cổ thì chắc chắn là thân cây sẽ cao. Nếu giống cây lùn thì sẽ là cây lúa hiện đại.

"Hiện việc bảo quản hạt thóc lâu nhất thực hiện trong phòng thí nghiệm cũng chỉ đạt được 102 năm. Và nếu là giống lúa cổ, việc nuôi trồng trong điều kiện thời tiết như hiện nay, việc nó có thể trổ bông, ra hạt hay không thì cũng chưa thể chắc chắn được".

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan

nguồn tintuconline

Share this post


Link to post
Share on other sites

Cấy hạt 'thóc 3.000 năm'

Sáng 25/5, sau hơn hai tuần nảy mầm thành mạ, những hạt thóc đầu tiên phát lộ từ tầng đất có niên đại 3.000 đã được cấy. Vỏ trấu của những hạt này sẽ được mang ra nước ngoài xác định niên đại.

> 'Thóc 3.000 năm' được bảo vệ đặc biệt vì nắng nóng

Posted Image

Những khay nuôi cấy "thóc 3.000 năm" được bảo vệ trong hai lớp lồng lưới sắt. Sau hơn hai tuần nảy mầm, những cây mạ đã đủ điều kiện để cấy.

Posted Image

Ông Lê Duy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (trái), trao đổi với chuyên gia của Viện trước khi những cây mạ bước sang giai đoạn cấy. Ông Hàm là một trong những người đầu tiên tiếp xúc với 'hạt thóc 3.000 năm" lúc vừa nảy mầm, đồng thời hỗ trợ đoàn khảo cổ trong việc chăm sóc, nuôi cấy.

Posted Image

Vượt qua những ngày nắng nóng vào tuần trước, những hạt thóc đã nảy mầm và cao tới 20 cm, đủ điều kiện để mang đi cấy.

Posted Image

Cây mạ có bộ rễ dài hơn 10 cm, khỏe khoắn

.

Posted Image

Trước khi cấy, mạ sẽ được tách vỏ trấu.

Posted Image

Vỏ có màu nâu tối...

Posted Image

Theo ông Lê Duy Hàm, việc xác định niên đại vỏ trấu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là mấu chốt để chứng minh tuổi thọ của những hạt thóc phát lộ ở tầng đất của văn hóa Đồng Đậu. Tuy nhiên, ông Hàm cũng cho rằng, xác suất những hạt thóc này có tuổi thọ 3.000 là rất thấp.

Posted Image

Gốc mạ đã tách vỏ trấu.

Posted Image

Mỗi cây được cấy vào một xô riêng biệt, đánh số theo dõi.

Posted Image

Theo tiến sĩ Phạm Xuân Hội, người trực tiếp chăm sóc các cây mạ những ngày qua, đợt này Viện chỉ cấy 4 cây. Dự đoán, khoảng 5 tháng nữa những cây lúa này mới cho thu hoạch.

Posted Image

Mỗi vỏ trấu cũng được đánh số riêng. Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung cho biết, bà sẽ tiếp tục bàn bạc với Viện Di truyền nông nghiệp, liên hệ phòng thí nghiệm để xác định niên đại vỏ trấu.

Posted Image

Dự kiến, các mẫu này sẽ được mang đi kiểm định bằng phương pháp AMS, phương pháp xác định niên đại của các hiện vật hiện đại và chính xác nhất hiện nay, ở nước ngoài. Để xác định được chính xác niên đại của hạt lúa này, các nhà khoa học sẽ cần khoảng 5-6 tháng để làm các xét nghiệm.

Nguyễn Hưng

vnexpress.net

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thế Trung chợt nghĩ đây phải chăng là điềm báo văn hiến 5000 năm sắp được minh chứng.

Trân trọng

2 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thêm hàng trăm 'hạt gạo 3.000 năm' được phát hiện

Sáng 26/5, hàng trăm hạt gạo cháy ở tầng đất có niên đại 3.000 năm tiếp tục được đoàn khai quật tìm thấy tại khu di chỉ Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội).

Tất cả số gạo cháy (hóa thành than) này đều được tìm thấy ở độ sâu 1,2 mét ở hố khai quật số 3, khu di chỉ Thành Dền. Theo thạc sĩ Bùi Hữu Tiến (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia HN), thành viên đoàn khảo cổ, sau khi đãi 6 xô đất, đoàn thu được rất nhiều hạt gạo cháy.

Posted Image

Hàng trăm hạt gạo cháy được tìm thấy sáng 25/5 (hộp nhựa phía trên), đi kèm là vỏ trấu, xương động vật, mảnh gốm. Ảnh: Đoàn khai quật cung cấp.

Ngoài ra, nhóm khai quật còn phát hiện một số mảnh vỏ trấu, nhiều xương động vật và một số mảnh gốm. Tuy nhiên, trong số di vật được phát hiện, không có hạt thóc (hạt có khả năng nảy mầm) nào.

Theo các thành viên đoàn khảo cổ, hơn một tháng nay trong quá trình khai quật tại 3 hố ở di chỉ Thành Dền, đoàn đã phát hiện được nhiều hố đất đen (hố rác bếp) nằm ở tầng văn hóa Đồng Đậu (3.000-3.5000 năm trước). Tại các hố có nhiều mảnh xương động vật, gạo cháy và các hạt thóc... Trong số các hạt thóc thu được chỉ có 10 hạt nảy mầm và đang được nuôi cấy, chăm sóc ở Viện Di truyền nông nghiệp.

Posted Image

Tại khu di chỉ Thành Dền, tầng đất cái nằm độ sâu 1,2-1,3 mét. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Bốn hạt phát triển tốt thành lúa non đã cấy ngày 25/5 để tiếp tục theo dõi. Vỏ trấu của các cây này đã được thu lại và dự kiến mang ra nước ngoài để xác định niên đại.

Nguyễn Hưng

vnexpress.net

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thế Trung chợt nghĩ đây phải chăng là điềm báo văn hiến 5000 năm sắp được minh chứng.

Trân trọng

Thế Trung khá nhạy cảm khi liên hệ đến việc minh chứng nền văn hiến 5000 năm, chắc không hề ngẩu nhiên đâu nhỉ?

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay