PhucTuan

Những Công Trình Của Người Anasazi Và Thiên Văn Học

2 bài viết trong chủ đề này

Bên cạnh 3 nền văn minh vĩ đại như Maya, Aztec, Inca trong mình Châu Mỹ còn ẩn chứa một nền văn minh không kém phần bí ẩn khác, đó là nền văn minh của người da đỏ Anasazi (theo tiếng Navajo, từ này có nghĩa là "những người cổ xưa"). Danh từ này được đặt bởi người da đỏ Hopi và Zuni sống dọc sông Rio Grande ở New Mexico và Arizona. Những người Anasazi đã xây những công trình của họ vào khoảng năm 900 đến 1130.

Posted Image

Hẻm Núi Chaco

Những di tích của nền văn minh Anasazi tập trung chủ yếu ở khe núi Chaco dài 24km rộng 1600m thuộc Tây Bắc New Mexico. Một điều đáng chú ý là những công trình mà họ xây dựng có trình độ kĩ thuật rất cao, những cao ốc xuất hiện sau hàng trăm năm mới có thể so sánh được. Những công trình của họ được xây dựng từ 2 đến 4 tầng, được gọi là những Pueblo. Mỗi Pueblo có hàng trăm phòng, nhiều nhất là Pueblo Bonito lên đến hơn 700 phòng và những Kivas (phòng nằm trong lòng đất được gọi là Kivas, được sử dụng vào các nghi lễ tôn giáo). Những người Anasazi đã sự dụng một lượng lớn đá và gỗ để xây dựng những công trình của mình, theo các nhà nghiên cứu ước tính khoảng 215,000 cây gỗ đã được vận chuyển từ khoảng cách hơn 80km chỉ để xây những công trình chính trong hẻm núi Chaco.

Posted Image

Hình vẽ ở Chaco cho thấy sự hiểu biết nhất định về mặt trời và mặt trăng của người Anasazi.

Nhưng những điều đó chỉ là phần mở đầu cho những bí mật còn đang nằm ẩn sâu trong nền văn minh của người Anasazi. Khu vực hẻm núi Chaco này đã trở thành tâm điểm chú ý của giới khảo cổ học cũng như thiên văn học, bởi vì những công trình kiến trúc ở đây đều được xây dựng theo thiên văn học. Những phát hiện của các nhà khoa học đã chỉ ra rằng có một hệ thống thiên văn học được ẩn chứa trong những bức tường cổ và một ngọn đồi có một hệ thống chỉ ra sự thay đổi mùa. Đứng sừng sững ở độ cao 135m so với nền hẻm núi, ngọn đồi Fajada là một trong 10 ngọn đồi được coi là thánh địa của người Anasazi. Ngọn đồi này là địa điểm nổi tiếng nhất ở hẻm núi Chaco, nó được gọi là Sun Dagger (lưỡi dao găm mặt trời).

Vào năm 1977, một nghệ sĩ tên là Anna Sofaer đã khám phá ra những phiến đá có khắc hình 2 xoắn ốc. Nghi ngờ rằng phiến đá đã được sắp đặt và những hình xoắn ốc đã có thể được tạo ra một cách có chủ ý, bà Anna Sofaer trở lại vào những ngày khác trong năm cùng với những đồng nghiệp của mình (một tổ chức phi lợi nhuận mang tên The Solstice Project, bao gồm nhiều nhà nghiên cứu). Cuối cùng thì nhóm nghiên cứu đã tìm thấy những điều vô cùng thú vị. Tại một vị trí trên gần đỉnh đồi, ba tấm sa thạch được nghiêng với bức tường đá tạo ra một khoảng bóng. Trên bức tường này là hai vết khắc mờ có hình xoắn ốc, một to và một nhỏ. Khi ánh sáng mặt trời đi qua chúng vào các thời điểm khác nhau trong suốt cả năm, qua khe hở giữa những tấm sa thạch sẽ xảy ra điều kì diệu, nhưng bí mật này đã không được biết cho đến những năm 1970.

Vào Hạ chí một mảnh ánh sáng mặt trời cái mà bà Anna Sofaer gọi là "Dao găm mặt trời" đã xuất hiện gần phía trên cùng của xoắn ốc lớn, trong vòng hơn 18 phút nó đã "cắt" một đường xuống đúng vị trí trung tâm hình xoắn ốc, nó cắt hình xoắn ốc thành 2 nửa trước khi rời khỏi và biến vào trong bóng tối. Vào Đông Chí, 2 con dao găm ánh sánh xuất hiện trong khoảng 49 phút, trong suốt thời gian đó gần như chúng tạo thành 2 tiếp tuyến song song với nhau của hình xoắn ốc.

Posted Image

Nguồn: spirasolaris.ca

Mô hình hoạt động của hệ thống đánh dấu sự thay đổi tiết khí

Cuối cùng một phần không kém hấp dẫn và có phần phức tạp hơn là màn trình diễn ánh sáng này xảy ra vào ngày Xuân và Thu phân. Hình xoắn ốc to được khắc 9 rãnh kể từ trung tâm ra phía ngoài bên phải. Vào mỗi ngày Phân một con dao găm ánh sáng sẽ xuất hiện, cắt xuyên qua hình xoắn ốc (không qua trung tâm nhưng chính xác là giữa rãnh thứ 4 và thứ 5 từ trung tâm). Nói cách khác, nó cắt chính xác ở khoảng giữa trung tâm và rìa ngoài của xoắn ốc. Trong khi đó, một con dao găm thứ 2 cắt xuyên qua trung tâm của hình xoắn ốc nhỏ. Những màn trình diễn ánh sáng này có lẽ đã được diễn ra trong nhiều thế kỷ và vẫn tiếp xảy ra trong trong một vài năm sau khi nhóm nghiên cứu phát hiện lại. Tuy nhiên, vào năm 1989 người ta đã nhận thấy rằng những phiến đá đã bị dịch chuyển, những sự sắp đặt cẩn thận của những người Anasazi đã không còn.

Tại mặt phía Đông của ngọn đồi, vị trí bên dưới cách đỉnh 25m, có 3 hình khắc gần kề nhau một con rắn gần như thẳng đứng (dài 22cm), một hình gần như hình chữ nhật (rộng 14cm), và một xoắn ốc (rộng 15cm). Nét khắc hình con rắn và chữ nhật được khắc rất sâu. Một mép bóng vượt qua xoắn ốc trong vòng 10 phút buổi trưa trong suốt cả năm, tạo thành một mô hình thay đổi theo mùa. Trong giây lát mô hình này đối xứng với trung tâm của xoắn ốc trong vòng 1 vài phút trưa, tạo thành một hình mũi nhọn vào ngày Hạ Chí, một phần 4 vào Xuân Phân, và chia đôi vào ngày Đông Chí. Còn Tại mặt phía Tây của ngọn đồi, có khắc 2 hình đó là một hình xoắn ốc đôi và một hình dạng như chữ nhật. Vào những buổi trưa trong những ngày Phân một ngọn giáo ánh sáng sẽ đi xuyên qua hình xoắn ốc đôi.

Trong các công trình thì Pueblo Bonito đáng được chú ý nhất, các nhà khoa học đã tìm thấy một hình khắc mà từ đó tìm ra được mối liên hệ giữa Pueblo Bonito và mặt trời. Từ lúc mặt trời mọc cho đến buổi trưa bóng được tạo ra bởi bức tường giữa biến mất, bởi vì chính bức tường này được xây thẳng theo trục Bắc Nam. Cả bức tường dài theo trục Đông Tây của Pueblo Bonito cũng liên quan đến mặt trời. Quĩ đạo chuyển động của mặt trời di chuyển theo đúng bức tường vào đúng những ngày Xuân và Thu Phân. Bức tường còn phân chia rõ ràng thời điểm ban ngày và đêm bởi vì vào các ngày Phân thời gian mặt trời biến mất vào màn đêm đúng như thời gian mặt trời bắt đầu tỏa sáng vào ban ngày. Các nhà nghiên cứu còn tìm ra rằng có 3 kiến trúc nữa cũng liên quan đến mặt trời như vậy đó là Hungo Pavi, Tsin Kletsin và Pueblo Alto. Một điều ngạc nhiên hơn nữa khi kết nối 4 kiến trúc Pueblo Bonito với Chetro Ketl, Pueblo Alto với Tsin Kletsin bằng những bức tường thì sẽ tạo thành trục Bắc Nam và Đông Tây chính xác đến không ngờ.

Posted Image

Nguồn: solsticeproject.org

A: Bức tường trục Đông Tây

B: Bức tường giữa

C: Bức tường phía sau

D: Phòng Kivas

Người Anasazi đã tính toán được sự chuyển động của mặt trời, vậy còn mặt trăng thì sao? Nhưng chu kì chuyển động của mặt trăng lại không như mặt trời, người Hopi gọi mặt trăng là anh chàng ngốc chạy loanh quanh mà không có nhà. Ngày nay nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng chu kì chuyển động của mặt trăng phức tạp hơn. Trăng tròn xảy ra vào giữa mùa đông, mọc và lặn xa dần về hướng Bắc theo năm. Nhưng nếu quan sát trăng tròn mọc vào giữa mùa đông vào các đêm tương tự trong 9 và 1/4 năm thì sẽ nhận thấy trăng tròn mọc và lặn xa dần về phương Bắc và sau đó di chuyển về phía Nam để hoàn thành một chu kì 18 và 1/2 năm. Điểm trăng mọc đầu tiên và cuối cùng khi di chuyển về phía Bắc được gọi là điểm cực tiểu và cực đại. Để phát hiện ra chu kì dài này của mặt trăng, có lẽ người Anasazi đã phải trải qua vài thế hệ quan sát và ghi chép cẩn thận. Khi trăng tròn tại điểm cực tiểu, vòng xoắn ốc to ở ngọn đồi Fajada sẽ được chia đều làm 2 gồm nửa sáng và tối (đường mép của bóng ở chính giữa tâm điểm của vòng xoắn ốc). Vào thời gian 9 và 1/4 năm sau tức là khi mặt trăng ở tại điểm cực đại, bóng đen sẽ ở ngoài vòng xoắn ốc (đường mép của bóng ở sát vòng xoắn, gần như tạo thành một đường tiếp tuyến với vòng xoắn ốc). Nếu bắt đầu tại điểm xuất phát, hàng năm bóng tạo ra bởi những tấm đá sẽ đi dần qua từng rãnh của vòng xoắn ốc và kết thúc đúng một chu kì 9 và 1/4 năm khi đi hết qua 9 rãnh. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng có 7 công trình có liên quan đến điểm cực tiểu và cực đại của mặt trăng như Una Vida, Penasco Blanco, Pueblo del Arroyo, Kin Kletso, Chetro Ketl, Salmon Ruin và Pueblo Pintando.

Tại sao những người Anasazi lại chọn một hẻm núi nơi đây để xây dựng thế giới của riêng họ? Ai là những người đã khắc những hình khắc trên đỉnh của ngọn đá? Những hiểu biết của họ về bầu trời thật là đáng kinh ngạc, những tri thức đó đã dẫn dắt họ xây dựng những kiến trúc kì vĩ hơn 1000 năm trước. Những kiến trúc hùng vĩ này chứa đựng những bí ẩn trong vòng hơn 30 năm qua đối với giới thiên văn khảo cổ học. Nhưng câu hỏi lớn nhất là tại sao sau khi xây xong những kiến trúc này những người Anasazi lại rời đi với không một lí do để lại? Đồ đạc và quần áo họ đều để lại, dường như họ có ý định cho một ngày trở về nhưng điều đó đã không xảy ra. Tất cả tri thức cổ xưa đã được mang theo những người đã khuất, chỉ một số câu chuyện thần thoại còn được lưu lại ngày nay. Các nhà nghiên cứu cho biết rằng không tìm thấy bất cứ văn tự nào được ghi chép qua những cổ vật được tìm thấy ở hẻm núi Chaco. Những điều mà người Anasazi làm được thật phi thường mà ngày nay thiên văn học ngày nay phải dùng những công cụ đo đạc phức tạp mới có thể làm được.

Phúc Tuấn tổng hợp

------------------------------------------------------------------------

Nguồn tham khảo:

Anna P. Sofaer and Rolf M. Sinclair, Astronomical Markings at Three Sites on Fajada Butte.

<http://www.solsticeproject.org/astromark.htm>

Anna Sofaer, Volker Zinser and Rolf M. Sinclair, A Unique Solar Marking Construct

<http://www.solsticeproject.org/science.htm>

Ancient-wisdom, The Chaco canyon Sun-dagger

<http://www.ancient-wisdom.co.uk/mexicochaco.htm>

Giulio Magli, 2009, English Edition, Praxis Publishing Ltd, Mysteries and Discoveries of Archaeoastronomy, Straight roads, Circular buildings, and a Supernova, The Anasazi.

Anna Sofaer, 2007, edited by Stephen Lekson: University of Utah Press, The Primary Architecture of the Chacoan Culture: A cosmological expression

<http://www.solsticeproject.org/pdf/Lekson_Chapter_9.pdf>

Anna Sofaer, Pueblo Bonito Petroglyph On Fajada Butte: Solar Aspects

<http://www.solsticeproject.org/celeseas.htm>

4 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Mọi người có thể xem phim tài liệu dưới đây để có thể tận mắt xem hệ thống định vị thiên văn học thú vị của người Anasazi.

Phim được chia làm 6 phần

http://www.youtube.com/watch?v=80ySuKApCDc

http://www.youtube.com/watch?v=0gRTLmfeQs0

http://www.youtube.com/watch?v=fYgaGTl9Cso

http://www.youtube.com/watch?v=uVwRp4Nqe4w

http://www.youtube.com/watch?v=Vc2DFeTAtqA

http://www.youtube.com/watch?v=4vOhM3_rtmM

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites