Thiên Sứ

Kỳ bí mộ Đề Thám ở Tân Lập

12 bài viết trong chủ đề này

Kỳ bí mộ Đề Thám tại Tân Lập

Kỳ I: Bài thơ trong mộ

Nguồn: daidoanket.vn

9:43 AM, 07/08/2008

Các sách viết về vị lãnh tụ Hoàng Hoa Thám trước nay đều “treo’ một dấu hỏi về nơi yên nghỉ của người anh hùng dân tộc. Nhà văn Nguyên Hồng suốt mấy chục năm dòng dời thủ đô về vùng quê Nhã Nam, Bắc Giang nghiên cứu, song cũng không khẳng định được chính xác mộ Hoàng Hoa Thám ở đâu. Vậy mà, vài năm trở lại đây, tại một xóm nhỏ chừng ba, bốn chục nóc nhà thuộc xóm Tân Lập, thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang lại thành kính dựng lên một ngôi đền đơn sơ sát cạnh một gò đất. Họ bảo: Gò đất đó chính là ngôi mộ “đích thực” của Thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám.

Cụ tôi là bạn cụ Hoàng

Posted Image

Tổ tự quản bên ngôi mộ cụ Đề Thám ở Tân Lập

Theo người dân ở Tân Lập, sinh thời lãnh tụ Hoàng Hoa Thám có quan hệ mật thiết với cụ Lý Loan (lý trưởng) của làng. Ông Nguyễn Văn Sử (58 tuổi, người xóm Tân Lập) - cháu 5 đời của cụ Lý Loan kể: “Một lần vào dịp tết, cụ Lý Loan lên đồn Phồn Xương – Căn cứ đầu não của cuộc khởi nghĩa, thăm cụ Đề Thám. Cụ Thám ra cổng đồn cùng bà Ba Cẩn (Bà Ba Đề Thám, tên thật là Đặng Thị Nho) và một số quân sĩ đón cụ Lý Loan. Tức cảnh, cụ Thám ra vế cho mọi người. Vế ra của cụ Đề thám là: “Cờ nghĩa tung bay nhờ gió cả”. Bà Ba Cẩn đối: “Gươm thần chờ đón ánh trăng soi”. Cụ Đề Thám lại ra vế đối thứ hai: “Pháo nổ mừng xuân vang bốn cõi”. Cụ Lý Loan đối lại: “Lời thơ chúc tết động Ba Kỳ”. Câu đối này ông Sử được người anh cả Nguyễn Văn Lãm truyền lại. Ông sử cho biết: Mọi việc bí ẩn về ngôi mộ cụ Đề Thám các cụ trong họ chỉ dặn riêng những người con trưởng. Trước khi mất cách đây gần 20 năm, ông Lãm có nói nhỏ với ông Sử rằng: Ngôi mộ thường gọi là mộ ông ăn mày ở gò Yên Ngựa kia chính là mộ cụ Đề Thám.

Ông Sử kể tiếp: Năm 1911, khi nghĩa quân chỉ còn vài chục tay súng bị bao vây ở Ngàn Ván. Toàn quyền Đông dương đã huy động rất nhiều giặc Pháp và dân phu quyết tiêu diệt bằng được nghĩa quân. Sau nhiều ngày thất điên bát đảo không làm gì được các tay súng lẩn khuất trong rừng, giặc phải dùng độc kế, phóng hỏa đốt cháy toàn bộ khu rừng Ngàn Ván. Thế nhưng, tấm lòng kiệt hiệt của người anh hùng Đề Thám đã khiến trời đất quỷ thần phải cảm động. Một trận mưa lớn đã bất ngờ ập xuống giữa lúc lửa cháy dữ dội. Không để lỡ thời cơ, nghĩa quân đã mở một đường máu cho cụ Đề thoát ra. Thoát nạn, cụ Đề Thám cùng vài nghĩa quân theo đường tắt từ Yên Thế dời sang đất Hiệp Hòa. Cụ Đề định sẽ vượt sông Cầu qua bến đò Cẩm Xuyên sang đất Vĩnh Yên tiếp tục mưu đại sự. Thế nhưng, cụ Thống Luận – Người bạn và thông gia của cụ Đề Thám (giả hàng Pháp) đã cho người ngầm báo bên kia sông, giặc Pháp đã có phục binh đón lõng. Vậy nên, cụ Đề mới cùng hai nghĩa quân trở lại xóm Nội Dinh (lúc này chưa có Tân Lập) ẩn náu tại vùng đất do cụ Lý Loan quản lý. Ngày đầu, cụ Đề cùng hai nghĩa quân giả trang hành khất ở tại nhà cụ Lý Loan. Sau đó, cụ Lý Loan bố trí cho cụ Đề và hai nghĩa quân ra ở nhà cầu Thày Mai trên gò Yên Ngựa trong đồi thông dày. Theo ông Nguyễn Văn Tiếp – Thành viên Tổ tự quản đền và lăng mộ cụ Đề Thám: “Nhà cầu Thày Mai dựng ở cạnh xóm, để cho dân đi làm đồng về nghỉ ngơi và cánh trương tuần canh gác dùng làm nơi nghỉ chân”.

Bài thơ trong mộ

Posted Image

Bài thơ trong lòng mộ

Vẫn theo lời kể của ông Sử: Hàng ngày, cụ Đề Thám nương náu ở nhà cầu Thày Mai và bàn đại sự với hai nghĩa quân thân tín. Thế rồi, tin dữ xảy đến vào ngày 9/5 âm lịch năm 1913. Cụ Đề mất ở nhà cầu Thày Mai. Nghĩa quân và cụ Lý Loan đã an táng cụ Đề dưới một gốc thông, bên một lối mòn, cách nhà cầu Thày Mai chừng 30m. Cây thông này có hình dáng khá lạ. Khác với nhiều cây thông thẳng trong toàn bộ khu đồi, cây thông này thân gập và có hai nhánh như hai tay ngai. Theo những người trong Tổ tự quản mộ và đền cụ Đề thì để giữ bí mật: Cụ Đề được mai táng như thể người “hành khất”, không ván, không liệm, không lễ nghi... Sau khi cụ Đề Thám mất được vài năm thì cụ Lý Loan ngầm đổi cánh đồng dưới chân gò Yên Ngựa thành cánh đồng Yên Thế, và khu gò giữa đồng là Cai Chanh (vị tướng của cụ Đề Thám gốc người Thanh Hóa).

Những người trong Tổ tự quản lăng mộ và đền cụ Đề tại Tân Lập gồm: Ông Nguyễn Văn Tiếp, Nguyễn Văn Tuyết, Ngô Văn Quân, Ngô Thị Hiền, Ngô Thị Tám, cho biết: “Trước đây, dân chúng tôi thường truyền miệng với nhau rằng: ngôi mộ ở gò Yên Ngựa kia là mộ của người hành khất. Có cụ già còn nói rõ hơn là mộ của ông ăn mày Trương Văn Nghĩa (đây là tên lúc nhỏ của cụ Đề ngày còn ở Hưng Yên). Ai cũng bảo ngôi mộ này rất thiêng. Mọi người đi qua, ai cũng lấy một ít đất rắc lên ngôi mộ. Thế nên dù sau này khi rừng thông bị chặt, ngôi mộ vẫn nổi rõ giữa khu đồi”. Chuyện sẽ chẳng trở nên ồn ã khi không hiểu sao, niềm tin về ngôi mộ của “ông ăn mày" là ngôi mộ của cụ Đề nhen dần trong dân chúng sở tại. Như mưa dần thấm lâu, nhiều nhà ngoại cảm và con cháu những người thân thích với cụ Đề đã tìm về. Theo những người trong Tổ tự quản thì có người giỏi phong thủy xem thế đất nói: nên dựng một ngôi miếu đơn sơ bên cạnh ngôi mộ. Và người dân đã làm theo. Năm 2001, họ dựng một ngôi miếu rất khiêm tốn về phía Nam của ngôi mộ. Ngôi mộ và đền hiện nay thuộc phần đất của gia đình anh Đàm Văn Đường và chị Ngô Thị Điều. Cuối năm 2005, hai đứa trẻ con anh Đường, chị Điều học lớp 3, lớp 4 khi vui chơi tại ngôi mộ đã nhìn thấy lộ ra hai dóng xương. Chúng gọi ông Tiếp lúc đó đi xe máy ngang qua lại xem. Ông Tiếp kể: “Tôi lấy chìa khóa và cố cậy hai khúc xương lên. Đó là hai dóng xương chân dài, xếp nghiêng. Rồi tôi lấp đất lại”. Có thể nói, mọi chuyện lan rộng ra bên ngoài vào ngày 4/11/2005, khi lãnh đạo và cán bộ xã Mai Trung gồm: ông Ngô Văn Biển - Bí thư Đảng ủy xã, ông Ngô Thanh Chương – Phó Bí thư Đảng ủy xã, ông Nguyễn Đức Thành – Chủ tịch UBND xã, ông Triệu Văn Học – Chủ tịch UBMTTQ xã, ông Nguyễn Văn Dương – Bí thư Chi bộ xã, ông Ngô Văn Chiến – Trưởng công an xã, ông Nguyễn Văn Bình – cán bộ văn hóa xã đã tiến hành việc nhận bàn giao hiện vật lạ trong lòng ngôi mộ với ông Nguyễn Văn Sử và ông Nguyễn Văn Tiếp. Ông Sử kể; Ngày 27/9/2005, khi ông tiến hành đào một hố nhỏ để trồng cây đại sát cạnh ngôi mộ thì phát hiện thấy có một chiếc liễn sành úp ngược. Tuần tự xếp đặt như sau: Trên cùng là đáy liễn, lớp lá dầu đã khô; Hai tờ giấy bản (chỉ một tờ có chữ, một tờ không) được gấp lại. Hai tờ giấy này được đặt trong lòng chiếc đĩa con phượng (thời Lê) và ốp chặt vào đáy liễn. Lá chèn xung quanh. Tiếp đó là lớp cát khô, sau đó là lớp vữa (vôi + cát) chèn chặt lớp cát lại. Cuối cùng là 2 chiếc đĩa thời Nguyễn có ve lòng, một chiếc có hình 3 con cá chép, 1 chiếc có hình 4 con cá chép. Cả hai đều được trát vữa chặt để khỏi tuột. Khi phát hiện, ông Sử đã gọi thợ ảnh đến chụp ảnh hiện trường cùng một số nhân chứng. Trong biên bản bàn giao cho chính quyền xã, ghi: chiếc liễn sành hình trụ có kích cỡ: to nhất 17cm và chiều nhỏ là 16 cm; vòng tròn miệng là 50 cm; chiều cao liễn là 10 cm; độ dày liễn là 1 cm. Ba chiếc đĩa có đường kính 12,5cm và chu vi đường tròn là 38cm. Tờ giấy gió có chữ chiều dài là 37 cm, chiều rộng là 25 cm. Toàn bộ hiện vật này, UBND xã Mai Trung đã báo cáo và Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đã cử cán bộ xuống địa phương đem về niêm phong trong kho bảo quản chuyên ngành. Dựa trên các bức ảnh chụp hiện vật và bản photo tờ giấy gió mà ông Sử trao lại, chúng tôi nhận thấy đây là một văn bản chữ Nôm. Toàn văn là một bài thơ bốn câu như sau: “Cờ nghĩa bao năm đành lỡ vận/Hậu thế nghìn năm ai biết không?/Yên ngựa nghỉ vào nơi lòng đất/Thế sự Hoàng Hoa ai rõ chăng” và dòng lạc khoản: “Một nghìn chín trăm mười ba/ Tháng năm ngày mồng chín/ Loan”. Chữ “Loan” ở dòng lạc khoản này phải chăng là cụ Lý Loan ký? Và ngẫm lại vế đối ra đề của Cụ Đề: “Cờ nghĩa tung bay nhờ gió cả” với câu mở đầu của bốn câu thơ Nôm: “Cờ nghĩa bao năm nay lỡ vận” liệu có gì liên hệ? Rồi câu kết: “Thế sự Hoàng Hoa ai rõ chăng?”. Thế sự Hoàng Hoa là thế sự gì? Phải chăng ý người viết nhắc đến kết cục của cụ Đề Thám?. Hay 4 chữ: “Cờ Hậu Yên Thế” được ghép bởi 4 từ đầu của 4 câu thơ liệu có ý nghĩa gì không?... Trong khi chờ kết luận từ phía các nhà nghiên cứu thì tại Tân Lập lại có thêm phát hiện mới mà người dân cho là liên quan đến lãnh tụ Hoàng Hoa Thám.

Mạnh Thắng - Thu Hiền (Còn tiếp)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Kỳ bí mộ Đề Thám tại Tân Lập

Kỳ II: Bức thư cuối cùng gửi cha nuối Bá Phức.

Nguồn: daidoanket.vn

9:56 AM, 08/08/2008

Từ một ngôi mộ những tưởng là của người “hành khất” thoắt đâu thành ra mộ của người anh hùng Hoàng Hoa Thám. Trong khi những hiện vật sinh động đã tìm thấy chưa được xử lý “thông tin” thì người dân Tân Lập đã cùng nhau mở rộng thêm ngôi đền thờ bên ngôi mộ. Những chuyện lạ cũng bắt đầu phát lộ.

Posted Image

Di ảnh anh hùng Đề Thám

Khơi thông giếng cổ

Sau khi ông Nguyễn Văn Sử (cháu 5 đời cụ Lý Loan ở Tân Lập) tìm thấy hiện vật và tờ giấy ghi bài thơ Nôm, nhiều người dân xóm Tân Lập, thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang càng tin ngôi mộ ông “hành khất” kia chính là mộ cụ Đề Thám. Nhiều người dân trong xóm đã tới ngôi miếu nhỏ thắp hương.

Năm 2004, toàn bộ 42 hộ dân ở Tân Lập đã tự nguyện đóng góp và xây dựng một ngôi đền ba gian sát tại ngôi mộ “cụ Đề”. Ngôi miếu nhỏ dựng khi trước trở thành hậu cung của đền. Di ảnh chân dung cụ Đề Thám cũng được thờ ở đây. Và hàng năm, cứ đến ngày 9/5 âm lịch, dân làng lại tổ chức lễ giỗ long trọng lãnh tụ Hoàng Hoa Thám. Những người thân của cụ Đề Thám nhiều khi đã về dự. Ngày giỗ năm nay, những người thân hậu duệ của gia đình cụ Đề Thám ở Hà Nội đã cung tiến một bức tượng đồng bán thân vị lãnh tụ.

Posted Image

Mộ và đền Đề Thám ở Tân Lập

Trong nhiều đoàn khách tìm về Tân Lập, có đoàn của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển tiềm năng con người. Ông Nguyễn Văn Sử kể: “Một vài người của Trung tâm bằng khả năng của mình đã khẳng định: ngôi mộ kia đích thực là của cụ Đề Thám”. Ông Tiếp – Thành viên Tổ tự quản kể: “Có một người phụ nữ đã đứng thắp hương rất lâu bên mộ và nền nhà cầu Thày Mai. Cô khấn rất lâu rồi bảo: Phía trước mặt có một giếng cổ cần được khơi thông”. Tất cả thành viên tổ tự quản không ai tin vì trước mặt là cánh đồng. Hơn nữa họ lại là cư dân sở tại. Nhà ngoại cảm nữ vẫn khẳng định chắc chắn. Cô còn nói: Dưới giếng có hai phiến đá lớn. Mỗi phiến lớn bằng chiếc chiếu đơn...

Ông Sử kể: “Nghe nhà ngoại cảm nói, tôi sực nhớ tới lời anh Lãm tôi truyền lại : Ngày cụ Đề ở nhà cầu Thày Mai thường ra giếng cổ ở cánh đồng để tắm giặt. Nhiều lúc cụ còn rủ cả con cụ Lý Loan (ông nội ông Sử) ra đó”. Thế nhưng để biết đích xác vị trí của giếng cổ thì ông Sử cũng chịu. Thế nên, để chứng minh, một số người dân đã mang cuốc, xẻng, xà beng ra đồng đào theo vị trí mà nhà ngoại cảm nữ chỉ. Đó là chỗ vũng nước tựa hình chiếc nón để ngửa giữa cánh đồng Yên Thế.

Người dân Tân Lập làm đồng quanh đó kể: Tại vũng nước này, trâu bò chỉ đến uống nước chứ không đầm mình xuống như nhiều vũng nước khác. Và kết quả, thật lạ. Khi đào sâu xuống, người dân thấy một tảng đá xanh nằm chẹn ngang, hình như nó bị sụt đất mới như vậy. Đào sâu hơn nữa thì phát hiện đây đúng là giếng cổ và có tảng đá thứ hai. Xung quanh giếng được kè bằng đá, lên chút nữa là xếp gạch ong. Giếng có độ sâu 3,5m, đường kính 6m. Hiện người dân đã phục dựng xong giếng bằng tiền ủng hộ”. Theo ông Sử và ông Tiếp: “Nhà ngoại cảm nữ này có nhã ý đề nghị sẽ mua lại mảnh đất có nền nhà cầu Thày Mai và ngôi mộ. Sau đó sẽ tu tạo khang trang di tích và trao lại cho xã quản lý. Tổng số kinh phí dự kiến cô sẵn sàng chi là 1 tỷ đồng. Thế nhưng, vì người dân còn có những ý kiến khác nhau nên việc này chưa thực hiện được".

Bà Ngô Thị Hiền kể: “Sau khi phát hiện ra giếng cổ, có một nhà phong thủy ở Ninh Bình tên là Kích về chơi với đồng nghiệp ở làng là ông Dự có nói: Ngôi mộ này rất thiêng. Trên đầu hài cốt vẫn còn thanh kiếm lệnh đấy”. Còn ông Sử bổ sung thêm: “Anh Lãm tôi nói rằng: Ở bên đùi của hài cốt có viên ngọc dết rất quý của cụ Đề”. Tất nhiên, những câu chuyện như thế này vẫn cứ tiếp diễn vì nó chưa được kiểm chứng. Gần đây, chính quyền xã Mai Trung lấy làm sốt sắng đệ đơn đề nghị lên các cấp có thẩm quyền và Viện Lịch sử, Viện Khảo cổ học mong được tiến hành khai quật để làm sáng tỏ vấn đề. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, giới khoa học vẫn chưa thể vào cuộc.

Bức thư cuối cùng gửi cha nuôi Bá Phức

Ông Sử mời chúng tôi về nhà sau khi đã đi vòng một lượt các dấu tích liên quan đến mộ cụ Đề. Tại gian giữa nhà, là bàn thờ gia tiên và di ảnh cụ Đề Thám và bà Ba Cẩn. Pha trà, mời nước chúng tôi xong, ông Sử nói: “Ngoài câu đối với cụ Đề dịp chúc Tết năm mới, cụ Lý Loan có truyền lại cho lớp con cháu chúng tôi nội dung bức thư của cụ Đề gửi cho người cha nuôi là Thân Bá Phức. Ông Thân Bá Phức trước cũng là người nghĩa sĩ đánh giặc cứu nước sau ra hàng Pháp. Ông Bá Phức đã “lợi dụng” tình cảm cha con đến thăm Hoàng Hoa Thám với ý định đặt mìn giết chết người anh hùng. Thế nhưng, vì cảnh giác, nên cụ Đề không những thoát nạn mà còn tương kế tựu kế đánh tan đội quân Pháp”. Tưởng rằng sau lần kế hoạch thất bại ê chề ấy, Bá Phức sẽ không dám viết thư dụ hàng Đề thám nữa. Ai dè, Bá Phức vẫn viết thư.

Posted Image

Lễ rước tượng đồng anh hùng Đề Thám

Phẫn uất, cụ Đề Thám đã trả lời thư bằng một bài thơ. Ông Nguyễn Văn Sử đọc liền một mạch cho tôi chép lại 44 câu, toàn văn bức thư cuối cùng của cụ Đề Thám gửi cha nuôi Thân Bá Phức. Đây là nội dung:

“Đọc những lời trong thư cha dặn giữ.

Hoàng Lệ con hoen ố mảnh nhung y.

Nhớ ngày nào con dứt áo ra đi.

Trong quá khứ cha ghi niềm kiêu hãnh.

Lưỡi kiếm nọ máu kẻ thù còn dính.

Mà anh hùng tim lạnh bởi hư vinh.

Nơi phong ba con vùng vẫy với nghê kình.

Hám mồi béo cha nộp mình cho ngư phủ.

Chốn rừng xanh tung hoành con mãnh hổ.

Bả vinh hoa cha làm con ngây ngất cả tâm hồn.

Nhưng không chuyển được lòng son, dạ sắt.

Mây Hồng Lĩnh còn mịt mù xanh ngắt

Sông Nhị Hà còn chứa chất mối căm hờn.

Đời của con là của cả giang sơn.

Dẫu gió kép mưa đơn đâu sá kể.

Ôi lúc cha già vui vầy nơi nhị vị.

Là lúc con đương rầu rĩ khóc non sông.

Đêm canh trường cha nằm mùng gấm đệm bông.

Nơi rừng thẳm con nằm chông nếm mật.

Khi cha say sưa hít thở mùi hương trầm thơm ngát.

Thì mũi con nghẹt thở cổ khô khan.

Tai văng vẳng nghe tiếng hồn khóc oan nơi thảm cảnh.

Khi ngực cha đầy những mề đay kim khánh.

Thì bên mình con lấp lánh bóng gươm kiều.

Khi cha say sưa với thiếu nữ yêu kiều.

Là lúc con tận tụy với tình yêu Tổ quốc.

Nghĩa là cha mang tài năng trí óc.

Mưu vinh thân làm mục đích cuối cùng.

Thì con nguyện đem xương trắng máu hồng.

Đền nợ nước non sông là nơi chí nguyện.

Con với cha là hai trận tuyến.

Cha tiến một đường, con tiến một đường.

Thôi từ nay hai chữ Cương Thường.

Con xin hạ xuống để thờ sang đất nước.

Cuộc đoàn viên xin cha đừng mong ước.

Cuộc hội đàm xin hẹn cha bằng đại bác với thần công.

Bức thư này là bức thư cuối cùng.

Tái bút tình thư.

Để chờ ngày kết án kẻ gian phi.

Thanh kiếm này con tuốt sẵn chờ khi”.

Nội dung bức thư này chưa thấy công bố trong tài liệu nào. Và đọc đến đây, chắc bạn đọc cũng mong sự việc: Có đích thực ngôi mộ bên đồi Yên Ngựa ở Tân Lập là mộ anh hùng Đề Thám không? Mau chóng được sáng tỏ. Thiết nghĩ: việc sáng tỏ này cũng không đến nỗi khó khăn vì: Hài cốt trong ngôi mộ vẫn còn. Và tờ giấy gió ghi bài thơ Nôm cùng hiện vật lấy từ trong lòng mộ vẫn đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang.

Mạnh Thắng - Thu Hiền

Share this post


Link to post
Share on other sites

LỜI BÀN CỦA THIÊN SỨ

Quẻ Sinh Đại An - đây đích thực là ngôi mộ của cụ Đề Thám. Nên nhanh trong phục hồi vì khí phách và lòng dũng cảm của Ngài dành cho dân tộc Việt. Hy vọng sẽ có nhiều điều tốt đẹp đến với hậu thế mà người anh hùng Đề Thám mong ước lúc sinh thời.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Bài thơ nói là của cụ Đề Thám gửu Bá Phức như trên, tôi cho rằng không phải. Đây là một bài thơ của mộy vị tù Cộng sản dựa vào sự tích quan hệ giữa Đề Thám và Bá Phức để thể hiện ý chí của mình, trả lời địch khi chúng cho một người bạn cũ dụ dỗ. Bài thơ này đã được xuất bản khá lâu trong một tuyển tập thơ nào đó mà tôi đã đọc. Vì thích giọng thơ hào sảng, tôi đã thuộc từ lâu, có một số dị biệt với bài thơ trên nhưng chắc chắn là từ một bài thơ. Tôi xin chép ra đây bản mà tôi thuộc cách đây có đến hơn 20 năm:

Đọc những lời trong thư cha dụ dỗ.

Dòng lệ con hoen ố mảnh nhung y.

Nhớ ngày nào ôm chí lớn ra đi.

Trong quá khứ cha ghi nhiều kiêu hãnh

Kìa lưỡi kiếm máu kẻ thù còn dính

Bỗng anh hùng tim lạnh bởi hư vinh

Ngoài phong ba vùng vẫy bóng nghê kình

Tham mồi béo nộp mìmh cho ngư phủ.

Trên rừng xanh tung hoành oai mãnh hổ

Hám mồi ngon vò võ chốn chuồng con

Bả vinh hoa làm chết cả tâm hồn

Nhưng nào chuyển kẻ lòng son dạ sắt

Mây Nùng Lĩnh còn mịt mờ u uất

Sóng Nhị Hà còn chứa chất căm hờn

Thì đời con là của cả giang sơn

Dẫu thịt nát xương tan đâu dám kể

Rồi những lúc cha vui vầy vị kỷ

Là khi con rầu rĩ khóc non sông

Đên canh trường cha nệm gấm chăn bông

Nơi rừng thẳm con nằm chông nếm mật

Cha hít thở hương trầm bay bát ngát

Pha lẫn mùi máu thịt của lê dân

Thì mũi con ngẹt thở cổ khô khan

Tai vẳng tiến hồn oan trong thảm cảnh

Cha ngực đầy mề đay kim khánh

Con bên mình lóng lánh kiếm tiêm cừu

Cha say mê bên thiếu nữ yêu kiều

Con tận tụy với tình yêu Tổ Quốc

Ngiã là cha mang tài năng trí óc

Xem vinh thân là mục đích cuối cùng

Thì con đây đem xương trắng máu hồng

Để cứu vớt non sông làn chí nguyện

Cha với con là hai trận tuyến

Cha một đường và con tiến một đưồng

Thôi từ nay hai chữ cương thường

Con mở rộng để tôn thờ Tổ Quốc

Buổi đoàn viên cha đừng mong ước

Cuộc gặp mặt là đại bác thần công

Bức thư này là bức thư cuối cùng

Và cha chỉ là cha trong dĩ vãng

Thôi hạ bút cho tâm tình gián đoạn

Để nghe đời kết án kẻ gian phi

Thanh kiếm thần ta tuốt sẵn chờ mi

Tuy ngưỡng mộ và kính trọng Đề Thám, chúng ta cũng cần cẩn trọng với những tư liệu nếu không lại làm hại cho vị anh hùnh dân tộc náy

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tôi cũng thừa nhận - như anh Votruoc đặt vấn đề - là đã được xem một cuốn sách nào đó - nếu tôi nhớ không nhầm thì nó nằm trong một cuốn sách giáo khoa, hay gần như một cuốn sách giáo khoa - nói bài thơ này của một chiến sĩ cách mạng vô danh viết. Nhưng tôi tin là bài thơ này của cụ Đề Thám bởi mối quan hệ có thực giữa Ngài và cha nuôi là Ba Phức. Có thể bài thơ này của Ngài được lưu truyền và sau đó được gán cho một nhà cách mạng khác. Nhưng trên thực tế lịch sử thì không thấy có nhà cách mạng nào có mối liên hệ cha con phức tạp như trên.

Nhưng dù bài thơ này của ai thì việc tôn tạo một di tích của một vị anh hùng dân tộc như Ngài Đề Thám là một việc quan trọng, có ý nghĩa bảo tồn những giá trị lịch sử văn hóa phi vật thể truyền thống Việt.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đọc lại những bài thơ của các tiền nhân ngày trước, mới thấy ý chí, quật cường , vô địch vì nước, vì non. :)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Nhưng dù bài thơ này của ai thì việc tôn tạo một di tích của một vị anh hùng dân tộc như Ngài Đề Thám là một việc quan trọng, có ý nghĩa bảo tồn những giá trị lịch sử văn hóa phi vật thể truyền thống Việt.

Điều này thì nhất trí hoàn toàn.

Thực ra, tôi là người rất hâm mộ Đề Thám. Nếu bức thư trên quả thật là của Đề Thám thì hẳn là tôi sung sướng lắm. Nhưng những vấn đề thế này phải hết sức thận trọng. Theo tôi được đọc thì Đề Thám tuy hết sức tài giỏi, nhưng cụ ít chữ, vất vả từ nhỏ (mồ côi cha mẹ, được người cậu bế lên Yên Thế thành dân ngụ cư, không được đi học). Hơn nữa, bài thơ trên thật lưu loát, hào sảng, so với thời bấy giờ thì mới quá cả về thể loại và ngôn từ. Tôi nghĩ khó có khả năng tác giả là Đề Thám

Share this post


Link to post
Share on other sites

Xét lại bài thơ trên thì thấy nó theo thể thơ mới. Bởi vậy nó cũng khó mà do cụ Đề Thám làm ra. Nhưng tất cả đều là tồn nghi. Vì cụ Phan Khôi làm bài thơ Tình Già theo thể thơ mới cũng vào khoảng thời gian này.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Kính thưa quý vị quan tâm.

Tôi lại sưu tầm được bài này ở Vietime. Bài viết này có một bài thơ cổ - đã giới thiệu trong bài trước- nhưng lần này tôi chợt nhận ra bài thơ này khẳng định đây là mộ của Ngài Hoàng Hoa Thám. Xin quí vị và anh chị em xem hết bài viết này trên Vietime trước khi Thiên Sứ tôi giải mã bài thơ này.

Bí mật về cái chết và ngôi mộ của Hùm thiêng Yên Thế

Thứ năm - 7/8/2008, 07:00 GMT+7

Theo tư liệu của Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam thì cái chết của người anh hùng cầm đầu cuộc khởi nghĩa Yên Thế được ghi lại như sau: “Cuối tháng 12/1912, Lương Tam Kỳ, một tên trùm thổ phỉ đã đầu hàng Pháp, cùng bọn chỉ điểm người Hoa đến trá hàng Đề Thám. Chúng hứa với Đề Thám sẽ bày cho nghĩa quân cách chế tạo... bom tấn. Tại một ngôi lều chạy loạn ở khu vực Hố Nấy, họ chuốc rượu say rồi giết Đề Thám cùng hai thuộc hạ thân tín của Cụ. Đó là ngày 10 tháng 2 năm 1913. Năm đó, Đề Thám 55 tuổi. Cả gia đình Cụ Đề Thám bị giặc Pháp bắt và giết. Người con cuối cùng của ông là bà Hoàng Thị Thế, bị bắt về Pháp từ khi mới 6 - 7 tuổi, cuối đời bà đã về nước và đã qua đời."

Liệu sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế tan rã vào cuối năm 1909, người anh hùng Đề Thám – con hùm thiêng Yên Thế thoát khỏi sự truy bức của thực dân Pháp và chính quyền tay sai, với giải thưởng treo đầu ông cực lớn có chịu chết một cách dễ dàng như vậy không? Đó vẫn là một nghi vấn. Bởi toàn gia của ông bị bắt và giết hại, chỉ sót lại mỗi một người con gái út. Nhưng tại sao trong tất cả những tư liệu đã được công khai hiện nay không có bất cứ một bức ảnh nào về cái chết của ông? Bài viết sau vừa giải đáp một phần nghi vấn về cái chết đó, vừa nêu lên những thắc mắc cần đến các chuyên gia bổ cứu...

Ngôi mộ bí ẩn trên đồi thông Cẩm Trang...

Posted Image

Ngôi mộ không bia của người ăn mày gần một trăm năm tuổi - Ảnh: Nhật Hạ

Ngôi mộ vẫn được coi là "của một người ăn mày vô danh" chôn trên đồi thông cổ (nay chỉ còn lại dấu tích) của xóm Tân Lập, thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đến nay đã được gần một trăm năm. Năm 2002, vào một buổi trưa, hai đứa con nhà chị Điền, anh Đường (những người chủ đất hiện tại) đang chơi ở ngoài vườn trong khi bố mẹ chúng đi vắng. Giống như mọi nhà hàng xóm khác, hai vợ chồng Điền – Đường thường hay đào đất làm gạch xây nhà., làm cho nền đất sụt dần xuống. Mấy hôm lại mưa nhiều nên chỗ đất ở chân ngôi mộ lở ra, lộ thiên hai cái xương gióng chân rất to. Hai đứa trẻ năm đó, một đứa 10 tuổi, một đứa 6 tuổi đang chơi đùa, nhìn thấy sợ quá nên báo cho người lớn. Theo lời anh Đường kể lại thì hai cái xương gióng chân trong mộ cứ lộ thiên như thế trong suốt hai tuần, sau đó anh mới dám lấp đất đi. Trong thời gian ấy, có rất nhiều người dân vì tò mò mà đến xem, có nhiều người còn lật đất lên để nhìn cho rõ...

Chị Ngô Thị Thúy, một trong những người đến khu trại thông đầu tiên kể rằng, mỗi gia đình khi ra đây lập nghiệp chỉ có hai gian nhà tranh, cả khu nhà ở đây giống như khu “nhà chị Dậu”. Lúc ấy, ngôi mộ này đã có ở đấy, nhưng chưa được chú ý nhiều. Sau này, do những lời đồn thổi, đã có vài người có đi xem bói, có người xì xào, đây là ngôi mộ của một ông quan to...

Vợ chồng anh Đường cũng đã đi xem bói nhiều nơi, thì thầy bảo rằng, đây là "khu mộ của người làm cách mạng, cần phải thờ cúng cẩn thận”. Thế nên hai vợ chồng, từ ngày cưới nhau về ở khu đồi thông, trong bữa cơm hàng ngày, khi dọn mâm, vẫn để thêm một chiếc bát và đôi đũa dành cho người chết vô danh đang cư ngụ... ngay trước cổng nhà.

Không lâu sau đó, ở ngôi mộ này, người ta phát hiện ra một cái "lon" bằng gốm sứ (giống như cái hũ, cái liễn nhỏ). Bên trong cái lon này chứa đầy đất vôi, lật ngược cái lon cổ thì thấy có đĩa cổ in hình 4 con cá, lật cái đĩa cổ ấy ra thì thấy 1 cái đĩa nữa giống như thế ở phía dưới, dưới đĩa này là 1 cuộn giấy viết chữ Nho, sau lớp giấy này cũng lại 1 cái đĩa cổ nữa để tránh ẩm, nước mưa ngấm vào trong. Cuộn giấy này lập tức được mang tới các cụ biết đôi chút chữ Hán trong làng dịch, trong đó có cụ Kiểu, năm nay 96 tuổi (những dòng thơ này còn được Viện Hán - Nôm, Bảo tàng Bắc Giang dịch). Có nhiều bản dịch khác nhau, nhưng dịch nôm na nó ra thế này: “Cờ nghĩa bao năm đành lỡ vận. Hậu thế nghìn năm nào ai hay. Yên ngựa gửi thân nơi hồn đất. Thế sự Hoàng Hoa ai biết chăng?”.

Và bí ẩn về ngôi mộ cổ này dần dần được hé mở với những tiết lộ của một người làm nhiệm vụ bí mật giữ mộ trong làng...

Chuyện của chắt nội của người giữ mộ!

Posted Image

Ông Nguyễn Văn Sử, cháu nội đời thứ 5 của cụ Lý Loan - Ảnh: Nhật Hạ

Theo ông Nguyễn Văn Sử (59 tuổi), nhà ở xóm trong làng Cẩm Trang, cháu nội đời thứ năm của cụ Lý Loan (cụ Lý Loan sống cùng thời với vị anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám) thì ngôi mộ vô danh đó chính là mộ của vị anh hùng Đề Thám. Chính ông Sử là người đào được chiếc "lon" cổ (ảnh) này khi định trồng cây ở cạnh ngôi mộ, trước miếu thờ Hoàng Hoa Thám (dựng năm 2004). Theo ông Sử kể lại thì nhiều đời nay trong gia tộc nhà ông vẫn kể truyền miệng câu chuyện về ngôi mộ này, nhưng tuyệt đối giữ bí mật và câu chuyện chỉ được kể cho người con trưởng (ông Sử là út nhưng từ bé đã ngồi nghe lỏm chuyện của bố kể cho anh cả nghe về nghĩa quân Đề Thám). Cách đây tám năm, khi anh cả ông Sử mất, có dặn lại em út rằng: Ngôi mộ của người ăn mày vô danh trên đồi thông Cẩm Trang (xóm Tân Lập mới) chính là mộ của cụ Hoàng Hoa Thám, chỉ huy nghĩa quân Yên Thế năm xưa, mà dòng họ nhà ông có nhiệm vụ kế nhau gìn giữ và thắp hương cúng giỗ.

Cụ Lý Loan, tên thật là Nguyễn Văn Uyển, từng là "cơ sở cách mạng" của cụ Đề Thám, thân làm đến chức lý trưởng trong làng. Con trai đầu cụ Uyển tên là Loan, nên cả làng quen gọi cụ Uyển là cụ Lý Loan. Khi ấy, nhà cụ ở xóm Nội Dinh (làng Cẩm Trang), cách nhà ông Sử bây giờ khoảng năm-sáu trăm mét. Ngôi nhà cổ rất đẹp, làm toàn bằng gỗ mít, nhưng năm 1954 thì đã được bán đi... Câu chuyện được lưu truyền trong dòng họ của ông Sử như sau: Sau khi vụ Hà Thành đầu độc (8/7/1908) của Đề Thám và nhóm nội ứng thất bại, mưu toan chiếm thành Hà Nội không thành. Ngày 29/1/1909, thực dân Pháp quyết định mở một đợt tấn công quy mô lớn vào khu căn cứ Nhã Nam – Yên Thế nhằm tiêu diệt căn cứ nghĩa quân làm chúng nhức nhối này. Toàn quyền Đông Dương P. Doumer và tướng Geil, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Kỳ trực tiếp chuẩn bị kế hoạch . Chiến dịch được thực dân Pháp chia làm 3 giai đoạn: từ 29-1-1909 đến 28-2-1910. Quân Pháp đã huy động 15.000 quân chính quy và khố xanh, 400 lính dõng, đây là một lực lượng lớn nhất từ trước tới nay chúng sử dụng tấn công nghĩa quân Yên Thế. Lực lượng này do đại tá Batay và quan đại thần Lê Hoan chỉ huy.

Khi đó nghĩa quân Yên Thế chỉ có khoảng 200 tay súng thiện chiến (loại súng 1874 và 1886), còn lại là giáo, mác… Bộ chỉ huy, ngoài Đề Thám còn có một số tướng giỏi như Cả Rinh, Cả Trọng, Cả Huỳnh và bà Ba. Đề Thám chỉ huy nghĩa quân chiến đấu, cầm cự với địch suốt 13 tháng trời, gây cho quân địch nhiều tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, so sánh lực lượng quá chênh lệch, để bảo tồn lực lượng, Đề Thám vừa tổ chức đánh trả, vừa phải rút lui khỏi Yên Thế, đến Thái Nguyên, Tam Đảo. Trong lúc đó con cả của Cụ là Cả Trọng bị tử thương và con gái út là Hoàng Thị Thế và nhiều người trong gia quyến bị bắt, bị giết. Lực lượng nghĩa quân giảm sút dần và tới cuối năm 1909, bị tan rã. Đề Thám phải sống ẩn náu trong núi rừng Yên Thế cùng hai thủ hạ tâm phúc. Các nhóm nghĩa quân sống sót thoát khỏi việc truy bắt của thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã tản mát đổi tên họ và trốn đi khắp mọi miền.

Posted Image

Anh hùng Đề thám - Ảnh tư liệu

Năm 1911, để tránh sự truy quét của giặc Pháp, Đề Thám cùng với hai người lính cận vệ, trong đó, một người tên là Nguyễn Văn Sự và một người khác tên Tài (là cụ ngoại của ông Nguyễn Văn Sử) và hai người con gái nuôi của cụ Đề Thám về ẩn náu ở thôn Cẩm Trang. Cụ Lý Loan che chắn, bí mật đưa cụ Đề đến ở "nhà cầu Thầy Mai" là một chái nhà như điếm canh đồng (cánh đồng sau được đổi tên là cánh đồng Yên Thế). Một thời gian sau, bà Ba - vợ ba của cụ Đề cũng được đón về ở cùng. Ngày ngày, ông Tài - là lính hầu - lo việc cơm nước cho cụ Đề Thám (hiện mộ hai người lính này vẫn ở thôn Cẩm Trang). Hai năm sau, ngày 9/5/1913, cụ Đề Thám ốm rồi mất. Sau khi cụ mất, để tránh sự chú ý của người dân cũng như tai mắt của bọn giặc, thi hài cụ được bí mật quấn chiếu rồi đem chôn bên cạnh một gốc thông trên đồi thông của thôn Cẩm Trang bởi nơi này địa thế cao, vắng vẻ, ít người qua lại. Hôm sau, mối đã xông kín phủ đầy ngôi mộ. Và, người dân trong xóm cũng chỉ phong thanh biết đấy là ngôi mộ của người ăn mày. Vì thế, ngày 9/5 ÂL được gia đình cụ Lý Loan lấy làm ngày giỗ cho cụ Đề thám thay vì ngày 5/1/1913 ÂL như một số cuốn sử vẫn chép (có nơi lấy ngày 4/1 làm ngày giỗ cụ Đề Thám). Còn theo tư liệu của Bảo tàng Quân sự, thì cụ Đề Thám bị sát hại ngày 10/2/1913 ở Hố Nấy.

Theo những người cao tuổi trong làng, đồi thông này trước kia xanh tốt, có đến cả ngàn cây thông nếp. Nhưng những năm 80 của thế kỷ 20, khi xóm Tân Lập giãn dân, những cặp vợ chồng trẻ tuổi trong xóm Nội Cả, Nội Dinh cần có khu đất mới để sinh sống, làm ăn đã di chuyển đến khu đồi thông và lập nên một trại mới (gọi là đội 10) với khoảng 14 hộ gia đình, hình thành nên “khu ngoài” (Khi ấy, xã cấp cho mỗi hộ 1 sào đất, tương đương 360m2, để lập nghiệp). Dần dần, do nhu cầu đất ở, cả ngàn gốc thông đã... biến mất, thay vào đó là nhà cửa, vườn tược, người ta cũng thi nhau “khoanh thêm” những khoảng đất trống quanh nhà để tăng gia sản xuất. Khi đất đai ngày càng trở nên có giá, thì khu đồi thông càng “gọn gàng” hơn, bởi người người xây tường bao giữ đất. Vì thế, cho đến hôm nay, khu đồi thông xanh mướt ngày xưa, đã chẳng còn lấy một cái gốc cây. Đồi thông cổ giờ chỉ còn trong ký ức những người già ngoài 70 tuổi của làng, hay trong trí nhớ những người như ông Sử, bởi nó gắn với câu chuyện của cả họ tộc nhà Lý Loan.

Vợ chồng anh Đường , chị Điền cùng thuộc đội 10 của trại thông, khoảnh vườn của nhà anh chị ôm trọn khu mộ. Ngôi mộ gần cả trăm năm tuổi, nhưng vẫn mang “dáng vẻ ngày xưa”, nghĩa là không bia, đất đắp mộ thấp lè tè, gần áp mặt đất. Chỉ khác xưa là, giờ ngôi mộ được quây lại bằng hàng gạch xây vuông vức những cũng đã mốc rêu xanh thẫm do ngày tháng. Trước, lối đi vào nhà anh Đường, cổng chính là cửa đền thờ cụ Đề Thám bây giờ. Nay, do khoảnh đất ấy dành để xây đền, nên lối vào cổng nhà anh Đường dịch xuống khoảng 10 mét, ngôi mộ nằm sát lối ra vào cổng, phía ngoài được rào bằng hàng rào tre gai để tránh có người vào đào trộm.

Ông Sử kể, không phải cho đến bây giờ, gia đình ông mới nghĩ đến việc làm rõ thực hư câu chuyện của gần 1 thế kỷ trước. Trước đây, do vấn đề phải giữ gìn bí mật, bởi việc che giấu cho cụ Đề Thám liên quan đến cả an toàn tính mạng cho cả dòng họ. Nhưng, từ cách đây 20 năm, anh cả của ông Sử đã bắt đầu kể lại công khai câu chuyện này, và bây giờ, khi anh cả mất, ông là người kế tiếp.

Căn nhà của ông Sử đang ở rất đơn sơ, giản dị, tường gạch bao quanh, sân gạch, nhà mái ngói. Con cái ông Sử cũng đã lập gia đình gần hết, chỉ còn anh con trai 27 tuổi ở lại nhà. Trên bàn thờ có di ảnh cụ Đề Thám và vợ ba của cụ Đề Thám. Ngày giỗ, nhà ông Sử vẫn làm mâm cơm, thắp nén nhang tưởng nhớ người thủ lĩnh nghĩa quân năm xưa, coi như việc “của gia đình” làm hàng năm từ đời kỵ, cụ, ông nội của ông Sử.

Đâu là sự thật?

Posted Image

Đền thờ cụ Hoàng Hoa Thám, bên cạnh ngôi mộ - Ảnh: Nhật Hạ

Hiện nay, dấu vết của căn nhà được gọi là "nhà cầu thày Mai" nằm giữa cánh đồng Yên Thế (được cho rằng do cụ Lý Loan đổi tên sau khi cụ Đề Thám mất). Các nhà ngoại cảm đã từng về đây còn xác định được một cái giếng lớn ở giữa đồng (lòng và đáy giếng có lát gạch, dân hiện nay gọi là cái chuôm, bởi vết tích bờ giếng đã mất) được kể là trước đây cụ Đề Thám thường ra đó tắm Nhiều nhà ngoại cảm, nhiều đoàn cán bộ văn hóa cũng từng về đây, ra thăm ngôi mộ. Những hiện vật trong chiếc lon cổ do ông Sử đào được đã được chuyển về Bảo tàng tỉnh Bắc Giang. Để xác thực câu chuyện, chúng tôi đã có liên hệ với ông Trần Văn Lạng, hiện là Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang. Ông Lạng cho biết những hiện vật như lon, đĩa đều có giá trị về mặt niên đại thời Lê và thời Nguyễn. Tờ giấy có chữ viết để trong cái liễn sành, ông Lạng xác định rằng đó là một tờ giấy dó bản to, cỡ lớn hơn khổ A4, trên có viết chữ Hán lẫn Nôm. Chữ viết rõ ràng, ngoài bài thơ kể trên còn có một dòng lạc khoản nhỏ đề: "Ngày mùng chín tháng năm – Loan". Nhưng ông Lạng cũng không có ý kiến gì thêm trước câu hỏi của chúng tôi: Rằng có phải ngôi mộ ở Cẩm Trang đó có phải chính là ngôi mộ của thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế, người anh hùng Hoàng Hoa Thám?

Để tìm hiểu thêm câu chuyện thực hư về ngôi mộ, chúng tôi đã cất công liên hệ với nhà điêu khắc Anh Vũ (nhà ở huyện Lạng Giang). Nhà điêu khắc Anh Vũ là tác giả pho tượng Đề Thám tại nhà tưởng niệm ở cạnh đồn Phồn Xương, ông từng nghiên cứu lâu năm, có nhiều tư liệu về vị anh hùng Yên Thế này. Về cái chết của cụ Đề Thám, ông cho rằng "nhiều chuyện mênh mông lắm". Dân gian thì cho rằng cái đầu mà chính quyền bêu để thị uy năm 1913 là cái đầu của một "ông sư chùa Lèo" rất giống Hoàng Hoa Thám. Bởi người dân tưởng nhớ vị anh hùng nên không thể chấp nhận một cái chết như vậy. Nhưng ông Anh Vũ cũng đồng ý một điểm là cái chết được chính quyền tay sai thực dân công bố chưa chắc đã là một cái chết có thực. Bởi người Pháp là người rất trọng tư liệu, nếu như bắt và giết được Đề Thám thực, thì không lẽ nào lại không có ảnh để lại. Trong khi các nghĩa quân Yên Thế và gia đình Đề Thám được chụp ảnh rất kỹ...

Ông Nguyễn Văn Bình, xóm trưởng xóm Tân Lập thì kể rằng, khi đào được chiếc lon cổ, thì ông Sử không mời ai đến chứng kiến mà đem về nhà. Sau đó ông mới đem trở lại nơi đào...

Nghe được tin này, con cháu bà Hoàng Thị Thế (con út của cụ Đề Thám) cũng đã tìm về Hiệp Hòa, nhận mộ, và thắp hương thờ cúng. Họ cũng tìm đến nhà ông Sử, cảm tạ và tháng sáu vừa qua, gia đình còn cung tiến bức tượng đồng cụ Hoàng Hoa Thám để đặt tại đền thờ cụ ngay cạnh ngôi mộ không có bia. Dự tính, cuối năm nay, những người có liên quan sẽ tổ chức khai quật ngôi mộ phần đơn sơ này. Chắc hẳn, sau khi khai quật ngôi mộ, sẽ có nhiều điều được làm sáng tỏ. Có điều khu đất "nhà cầu thày Mai" và khu đất có ngôi mộ (nằm cách nhau khoảng 50m) cũng tăng giá hẳn lên sau khi có câu chuyện chưa xác định được hư thực về ngôi mộ của Hùm thiêng Yên Thế...

Nhật Hạ (Vietimes)

Kính thưa quí vị quan tâm

Chúng ta hãy xem lại bài thơ sau đây:

Cờ nghĩa bao năm đành lỡ vận.

Hậu thế nghìn năm nào ai hay.

Yên ngựa gửi thân nơi hồn đất.

Thế sự Hoàng Hoa ai biết chăng?”.

Thiên Sứ tôi cho rằng:

Bức thư này là một mật ngữ cho biết đây là nợi yên nghỉ cuối cùng của Ngài Hoàng Hoa Thám.

Bây giờ chúng ta ghép 4 chữ đầu của 4 câu thơ, sẽ là:

Kỳ (Cờ) - hậu - Yên - Thế.

Có nghĩa là đây là nơi cuối cùng của người Yên Thế.

Hai chữ "hoàng hoa" ở câu cuối cùng còn là họ của Ngài Đề Thám; Họ của Ngài là Hoàng Hoa.

Câu "Ai biết chăng?" là một gợi ý liên tưởng - muốn biết thì phải "Thám". Đây chính là tên ngài.

Theo cái nhìn chủ quan của tôi thì bài thơ này chuyển tải một nội dung bí ẩn là:

Đây là nơi yên nghỉ cuối cùng của người Yên Thế là Hoàng Hoa Thám.

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tôi cũng có đọc một số tư liệu về Đề Thám và cũng nghi ngờ kiểu người Pháp công bố về cái chết của vị anh hùng này. Tôi cũng rất mong chúng ta tìm lại được mộ cụ. Tôi vốn rất hâm mộ các nhà ngoại cảm, đặc biệt là Phan Thị Bích Hằng. Không biết các nhà ngoại cảm có ý kiến thế nào về vấn đề này. Tôi có nghe phong thanh về sự tham gia của các nhà ngoại cảm nhưng chưa thấy kết luận nào của họ. Tôi nghe nói, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã tìm thấy mộ của nhiều nhân vật lịch sử như Hoàng Công Chất, Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, ... thì chắc chắn chị có thể cho biết những thông tin về Đề Thám. Anh chị em nào có thông tin về vấn đề này xin chia sẻ.

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Hiện những nhà ngoại cảm cũng có những ý kiến như tôi. Muốn biết mộ cụ Để Thám theo tôi không khó. Chúng ta có thể dùng kỹ thuật di truyền là ra ngay.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Huyền thoại bà Ba của Hùm thiêng Yên Thế

(Kienthuc.net.vn) - Trong các bà vợ của Đề Thám, bà ba Đặng Thị Nhu (tên thường gọi là Nho) còn được biết đến là bà Ba Cẩn nổi tiếng tài giỏi.

Với tài trí trên thông thiên văn dưới tường địa lý, am hiểu Thái Ất thần kinh, kỳ môn độn giáp... bà đã giúp nghĩa quân của Đề Thám giành nhiều thắng lợi.

"Cọc đi tìm trâu"

Ông Hoàng Minh Hồng - Hậu duệ đời thứ 5 của quân sư Hoàng Điển Ân, hiện đang phụ trách Ban Quản lý Khu di tích Hoàng Hoa Thám cho biết: "Chính sử không ghi nhưng ở Yên Thế ai cũng biết tài sắc vẹn toàn của bà Ba Cẩn. Năm sinh của bà cho đến nay chưa ai xác định được rõ. Nhưng đích xác bà là con gái của một ông phù thuỷ người Thổ Hà (Việt Yên)".

Cũng theo ông Hồng, bà Đặng Thị Nhu từ nhỏ được người cha với vốn kiến thức uyên thâm đã truyền dạy cho bà những thủ thuật hiếm có để làm những việc lớn trong thiên hạ. Như phép tính trong Thái Ất thần kinh (phép tính này trong lịch sử Việt Nam mới chỉ có Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm lĩnh hội được - PV) bà Nhu cũng thuộc làu trong lòng bàn tay. Ngoài ra, theo tương truyền dân gian, bà Nhu còn thông thuộc kỳ môn độn giáp, có thể tiên đoán trước được nhiều sự việc.

Posted Image Cụ Đề Thám và các con.

Vốn nhan sắc lại tài năng nên gia đình bà bị một tên quan nhà giàu trong vùng ép gả cưới. Căm hận bọn quan lại bất nhân, lại nghe tiếng lành của Đề Thám nên bà đã lặn lội "cọc đi tìm trâu" ngược dòng sông Thương lên Bố Hạ - Yên Thế để gặp được người thủ lĩnh trong mộng và cũng là cách công khai chống đối lại bọn cường quyền.

Sau 3 ngày đàm đạo chuyện chính sự tại đền Bến Nhãn (đền thờ Trần Hưng Đạo - PV), Đề Thám thấy cô gái họ Đặng là người am hiểu nên đã nhanh chóng kết duyên chồng vợ. Từ đó, bà Ba Cẩn vừa là vợ, vừa là một quân sư đắc dụng cho Đề Thám và nghĩa quân Yên Thế. Nhiều trận đánh với sự cố vấn của bà, Đề Thám đã nhanh chóng giành chiến thắng.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Hồng thì trong một giả thiết khác của một nhà nghiên cứu đương thời tên là Thái Gia Thư thì khi Đề Thám đi lánh nạn tại một ngôi làng nhỏ và gặp bà Đặng Thị Nhu. Đề Thám nói dối là mình là dân buôn bị cướp hết tiền.

Thương cảm, bà Nhu mới đưa Đề Thám về gặp cha. Ở đây, ông gặp một thuộc cấp dưới quyền đang là con nuôi của gia đình bà Nhu. Nhờ vậy, gia đình bà Nhu trở thành cơ sở bí mật của nghĩa quân Yên Thế. Tâm đầu ý hợp nên chỉ một thời gian ngắn, Đề Thám cưới bà Nhu làm vợ thứ ba và đưa về đồn Phồn Xương để cùng bàn soạn hoạt động chống thực dân Pháp.

Posted Image Bà Ba Cẩn và con gái Hoàng Thị Thế.

Tuẫn tiết thể hiện lòng trung

Năm 1901, bà Ba Cẩn sinh được con gái đầu lòng đặt tên là Hoàng Thị Thế với ý nghĩa là vùng đất Yên Thế - nơi nghĩa quân khởi phát. Đến năm 1908, bà sinh được một người con trai đặt tên là Hoàng Hoa Phồn (sau này đổi thành Hoàng Văn Vi để tránh sự truy nã gắt gao của thực dân Pháp), đánh dấu vùng đất Phồn Xương - nơi có đồn Phồn Xương, một pháo đài bằng đất bất hủ mà Hoàng Hoa Thám đã xây dựng trước đó.

Cũng tại đồn Phồn Xương này, bà Ba Cẩn đã cùng Hoàng Hoa Thám và quân sư Hoàng Điển Ân nghĩ ra nhiều kế sách khiến quân viễn chinh Pháp nhiều phen khốn đốn. Thậm chí, đã có lần đích thân bà Ba Cẩn không biết bằng cách nào đã đột nhập được vào doanh trại quân Pháp tại ở Hà Nội nhằm đầu độc binh lính viễn chinh. Việc bất thành, nhưng quân Pháp chỉ nghe tiếng bà đã sợ mất vía. Mật thám Pháp sau nhiều lần dò la, đã xác định bà Ba Cẩn là mối lo lớn cần phải triệt tiêu ngay lập tức.

Năm 1909, Pháp triển khai quân bố ráp khắp nơi. Sau một tháng lăn lộn nơi cửa tử ở Vĩnh Yên, Hoàng Hoa Thám vượt vòng vây về đến Yên Thế. Nhưng thực dân Pháp lại giăng bẫy tiếp tục tấn công, Đề Thám cùng bà Ba Cẩn đã chống trả kịch liệt. Thấy tình thế khó xoay chuyển, bà Ba Cẩn đã khuyên chồng nên rút lui vào rừng. Sáng 1/12/1909 bà Ba Cẩn và con gái là Hoàng Thị Thế bị quân địch bắt giữ.

Sau một thời gian mẹ con bà Ba Cẩn bị giam tại Hoả Lò (Hà Nội), thực dân Pháp đày mẹ con bà sang Nam Mỹ. Trong lúc quân canh sơ hở, bà Ba Cẩn đã nhảy xuống biển tự tử vào ngày 25/12/1910 để thể hiện lòng trung với nghĩa quân và với Tổ quốc.

Posted Image Chân dung bà Ba Cẩn.

Đền thờ trong đồn Phồn Xương

Ông Hoàng Minh Hồng cho biết: "Con gái của bà là Hoàng Thị Thế sau đó được một viên sĩ quan đánh thuê cho thực dân Pháp là người nước Bỉ đã nhận nuôi và đưa về Pháp cho ăn học rất tử tế. Bà Thế sau này là diễn viên điện ảnh người Việt Nam đầu tiên tại Pháp. Hiện 2 người con trai của bà Thế vẫn ở Pháp, thỉnh thoảng họ có về thăm quê và tôi là người liên lạc cũng như tiếp đón họ".

Hiện nay, trong đồn luỹ Phồn Xương, ngay chính gian nhà mà Đề Thám và bà Ba Cẩn từng ở trước đây là đền thờ bà Ba. Đền thờ được nhân dân xây dựng năm 1995, bên cạnh đó là ngôi mộ của bà Hoàng Thị Thế - con gái bà Ba Cẩn cùng bị lưu đày ở Nam Mỹ.

Trong tâm trí của người dân huyện Yên Thế nói riêng, của nhân dân Bắc Giang nói chung, bà Ba Cẩn mãi là tấm gương sáng trong như ngọc. Một tấm gương vì chồng vì con và cao hơn tất thảy là vì Tổ quốc. Đền thờ bà Ba Cẩn không chỉ là chốn tâm linh thiêng liêng mà còn là nơi để nhân dân địa phương tưởng nhớ đến bà.

- "Đặng Thị Nhu là người có trí dũng, từng xông pha trận mạc, giúp chồng đắc lực trong cuộc kháng Pháp. Khoảng đầu năm 1909 dù binh cùn thế kiệt, bà vẫn cùng chồng oanh liệt chỉ huy nghĩa quân chống địch trong trận đánh ở chợ Gồ, khiến các lực lượng do viên Đại tá Bataille đốc suất phải nể vì... Bà là một tấm gương sáng của phụ nữ nước Việt" - Sách "Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam" ghi nhận công lao của bà Ba Cẩn.

- "Nhiều người đến thăm khu di tích Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế thường hay hỏi tôi: "Mộ bà Ba Cẩn ở đâu?". Đây là một câu hỏi khó, vì có lẽ thân thể xương cốt bà đã mãi mãi ở lại với biển vì cuối năm 1910, bà Ba Cẩn đã nhảy xuống biển tự tử. Việc tìm mộ bà Ba Cẩn theo tôi là chuyện cực khó nếu không muốn nói là không thể".

Ông Hoàng Minh Hồng (Ban Quản lý Khu di tích Hoàng Hoa Thám)

2 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay