Posted 1 Tháng 5, 2010 Ý nghĩa ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10 - 3 I - TƯ LIỆU:I - 1: Giỗ tổ Hùng Vương, nhớ về cội nguồnCập nhật 03:31 ngày 23-04-2010 Người dân về dự Lễ hội Đền HùngND - Dù ai đi ngược về xuôi - Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba. Từ bao đời nay, câu ca ấy vẫn in sâu trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam. Và dù ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này, cứ đến ngày Giỗ Tổ, là hàng triệu người con mang dòng máu Việt cùng nhau hành hương hoặc hướng về đất Tổ, thắp nén tâm hương, nhớ về nguồn cội, tri ân tổ tiên với lòng thành kính.Theo số liệu thống kê năm 2005 của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cả nước có hơn 1.400 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật có liên quan thời đại Hùng Vương. Chỉ tính riêng trong năm năm trở lại đây, đền thờ Hùng Vương đã được khánh thành, trùng tu ở nhiều nơi như Cà Mau, Gia Lai, Lâm Ðồng,... Vào ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, tại các tỉnh, thành phố trải dọc từ bắc vào nam: Phú Thọ, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Lâm Ðồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Ðồng Nai, TP Hồ Chí Minh,... chính quyền và nhân dân đều thành kính tổ chức các nghi lễ dâng hương để tưởng niệm công ơn của các Vua Hùng đối với dân tộc. Những con số, những địa danh vừa nhắc tới thể hiện vị trí quan trọng của các Vua Hùng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Trên thế giới, các hình tượng được cả dân tộc thờ phụng không phải hiếm gặp. Tuy nhiên, đó chủ yếu là hình thức "tô tem giáo" (thờ vật tổ). Với "tô tem giáo", cộng đồng tin rằng, thuở ban đầu của cộng đồng do cùng một loài động, thực vật hoặc một đối tượng sinh ra. Vì thế giữa những thành viên cộng đồng có mối quan hệ gần gũi về huyết thống, và "vật tổ" là tổ tiên chung. Riêng hiện tượng cả dân tộc cùng lưu truyền suốt hàng nghìn năm câu chuyện về một con người cụ thể, là vị vua đầu tiên đã lập nên Nhà nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, trải qua mười tám đời cha truyền con nối... có thể nói là chưa từng có ở bất kỳ quốc gia, dân tộc nào. Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là một ngày lễ trọng đại của đất nước. Nhân dân ta tổ chức lễ hội nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công lao xây dựng, gìn giữ và bảo vệ non sông gấm vóc từ ngàn đời. Trải qua biết bao thế hệ nối tiếp nhau, hoạt động tổ chức Ngày Quốc giỗ góp phần giáo dục đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". Lễ Giỗ Tổ là sự ghi nhớ và tôn vinh công lao dựng nước của tổ tiên và cội nguồn dân tộc. Ðây là biểu hiện của một truyền thống đạo đức tốt đẹp mà mỗi người Việt Nam chúng ta luôn tự cảm thấy mình có bổn phận phải thực hiện. Theo những tài liệu hiện nay còn lưu lại, hình thức sơ khai của Ngày Giỗ Tổ đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử, cách đây hơn 2000 năm. Dưới thời Thục Phán - An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: "Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập". Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, nhiều vị vua có tên tuổi của các triều đại phong kiến Việt Nam ngay khi mới lên ngôi, đã từng bước xác lập "ngọc phả" về thời đại Hùng Vương, khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với non sông đất nước. Niên hiệu Thiên Phúc nguyên niên tức năm 986 dưới triều Lê Ðại Hành, có bản Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền, còn gọi là Cổ Việt Hùng thị thập bát thế thánh vương ngọc phả cổ truyền. Ðây là lần đầu trong lịch sử xuất hiện tài liệu ghi chép một cách tường tận, chi tiết về 18 đời Vua Hùng, sau được sao lại vào năm Khải Ðịnh thứ 4 (1919). Ðến năm 1470 (niên hiệu Hồng Ðức nguyên niên - triều Vua Lê Thánh Tông), Hùng Vương ngọc phả thập bát thế truyền được Hàn lâm viện Trực học sĩ Nguyên Cố phụng chỉ biên soạn. Kế tiếp là Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền do Hàn lâm Học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572 - triều Vua Lê Anh Tông). Còn trong bản dịch tấm bia được lập ngày mồng 10 tháng 3 năm Canh Thìn (1940 - niên hiệu Bảo Ðại thứ 15) do Tham tri, lĩnh chức Tuần phủ Phú Thọ là Bùi Ngọc Hoàn soạn nội dung cho biết, ngày "quốc tế" (ngày tế do Nhà nước đứng ra tổ chức) của nước ta vốn diễn ra định kỳ vào mùa thu. Ðến năm Khải Ðịnh thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ lúc bấy giờ là Lê Trung Ngọc có tờ tư xin Bộ Lễ ấn định lấy ngày mồng 10 tháng 3 hằng năm làm ngày "quốc tế". Tương truyền ngày 11 tháng 3 là Ngày Giỗ Vua Hùng thứ 18 thì nay ngày "quốc tế" được chọn là trước đó một ngày. Ngày giỗ chính chỉ có dân sở tại làm lễ. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 22/SL-CTN công nhận Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm. Từ đó đến nay, dù trong những năm tháng kháng chiến cứu nước cũng như sau khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, ngày 10 tháng 3 năm nào chính quyền và nhân dân vùng đất Tổ cũng kính cẩn làm lễ dâng hương, có đại diện của Nhà nước về dự. Và trong một lần về thăm Ðền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần căn dặn đồng bào, chiến sĩ: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Năm 1990, Ðảng và Nhà nước chính thức quyết định lấy Ngày Giỗ Tổ hằng năm là ngày lễ lớn của đất nước. Ðến ngày 23-8-2001, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành Quyết định số 39/2001/QÐ-BVHTT, quy định cụ thể về việc tổ chức lễ Giỗ Tổ trên cả nước. Theo văn bản này, lễ Giỗ Tổ được tổ chức vào Ngày Quốc giỗ mồng 10 tháng 3 âm lịch tại nơi thờ tự chính thức của các Vua Hùng (Khu di tích lịch sử Ðền Hùng thuộc tỉnh Phú Thọ). Trong ngày lễ này, nhân dân ở khắp mọi miền đất nước, người Việt Nam ở nước ngoài có thể hành hương về miền Ðất Tổ để cúng giỗ. Còn tại các đền thờ Vua Hùng và những nhân vật có công với đất nước dưới thời đại Hùng Vương, cộng đồng người Việt ở Việt Nam cũng như sinh sống ở nước ngoài, tùy theo điều kiện từng địa phương, con cháu có thể tổ chức nghi thức giỗ vọng, cùng hướng về vùng trung du phía bắc - nơi đặt đền thờ các Vua Hùng để khấn vọng, tưởng nhớ đến tổ tiên, cội nguồn chung của cả dân tộc. Hình tượng Hùng Vương là sự hun đúc của truyền thống văn hóa cao đẹp, là đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chỉ có trong văn hóa Việt Nam, được gìn giữ suốt mấy nghìn năm lịch sử. Người Việt đi tới đâu, khi dựng nhà, lập làng cũng luôn ghi nhớ Dù ai đi ngược về xuôi - Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba. Giỗ Tổ Hùng Vương là một hoạt động mang tính truyền thống, có ý nghĩa giáo dục đối với toàn thể nhân dân Việt Nam. Ðó là sự khẳng định lòng yêu nước, hướng về tổ tiên, hướng về cội nguồn, là động lực tinh thần góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân cùng vượt qua những gian lao, khắc nghiệt của chiến tranh, thiên tai, khó khăn...; củng cố niềm tin cho cộng đồng để cùng nhau hướng tới tương lai, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh hơn, to đẹp hơn.THANH TIÊUnhandan.com.vn I - 2:Lễ hội Đền Hùng ra sao qua ngàn năm lịch sử? Thứ Ba, 06/04/2010 14:12 http://www.thethaovanhoa.vn/133N2010040610...-su.htm#comment TT&VH - Từ 14-23/4 tới đây, Lễ hội Đền Hùng năm 2010 được tổ chức với một qui mô lớn nhất từ trước đến nay. Cùng với Phú Thọ, các tỉnh, thành trong cả nước tổ chức lễ dâng hương, và các hoạt động văn hoá tuỳ theo từng tỉnh. Theo khẳng định của NSND Lê Hùng - Tổng đạo diễn Lễ hội thì Lễ khai mạc lễ hội Đền Hùng năm nay sẽ khác, không chỉ có các màn múa ra ra vào vào như mọi năm. Chúng tôi sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật phong phú. Sẽ có cả kịch nói, kịch hình thể, múa, hợp xướng, đơn ca và hát Xoan. Có hình tượng bọc trăm trứng bùng nhùng, cựa quậy để nở ra một trăm người con...”.Thành công của Lễ hội Đền Hùng là điều mong ước của mọi con dân đất Việt trong thời điểm này. Thành công đó phụ thuộc rất nhiều vào cách thức tổ chức lễ hội, trong đó có kịch bản và đạo diễn Lễ hội. Những kinh nghiệm từ quá khứ luôn là những bài học quý. Nhân dịp này, TT&VH xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên về lễ hội Đền Hùng trong lịch sử. Trước thời Nguyễn: Giao thẳng cho dân sở tại! Bản ngọc phả Đền Hùng viết sớm nhất vào năm Thiên phúc nguyên niên (980) đời vua Lê Đại Hành, cho thấy cách nay hơn nghìn năm, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã quan tâm tới nơi cội nguồn dân tộc. Lễ hội Đền Hùng năm 1960. Ảnh Tư liệuBản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...” Như vậy có thể hiểu từ thời Hậu Lê trở về trước các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm giỗ Tổ ngày 11 tháng 3 âm lịch. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu miễn đi phu đi lính. Làng Hy Cương làm giỗ Tổ theo cách cầu tiệc như phong tục chung. Ngày 11 tháng 3 họ rước long báu trên Đền Thượng xuống đình làng để tế. Tế xong lại rước trả. Còn dân chúng xa gần nhớ ngày giỗ Tổ thì về Đền lễ bái, tụ hội đông đúc, tự đem đến các trò chơi, hàng hoá mua bán chủ yếu là đồ ăn uống, cũng có thể gọi là lễ hội, tương truyền khá đông vui. Sắc chỉ của vua Quang Trung năm 1789 vẫn nói duy trì lệ cũ. Lễ hội với Hát Xoan và tục ngủ lại Đến nhà Nguyễn, việc quản lý Đền Hùng có sự thay đổi lớn. Triều đình trực tiếp đứng ra tôn tạo các đền đài lăng tẩm chùa chiền. Nhà vua giao Tuần phủ Phú Thọ tổ chức tế ngày giỗ Tổ với sự chỉ đạo của Bộ Lễ, làm trước dân 1 ngày, tức là tế vào ngày mồng 10 tháng 3, để hôm sau dân sở tại tế lễ theo ngày giỗ cũ. Chủ tế là Tuần phủ Phú Thọ. Bồi tế, thông đạo tán, chấp sự là quan lại tỉnh Phú Thọ và huyện Lâm Thao. Định lệ 5 năm làm một hội lớn hay hội chính, lấy năm chẵn 5 như 1920, 1925...Năm hội chính, ngay từ tháng giêng trên núi Nỏn đã treo lá cờ thần báo cho đồng bào xa gần biết. Theo thông sức của quan Tuần phủ, có khoảng 40 làng rước kiệu từ đình làng mình tới chầu, tất cả đặt ở chân núi để chấm giải. Giải là một bức trướng vua ban chứ không có gì khác. Riêng kiệu làng Cổ Tích là dân Trưởng tạo lệ được rước lên núi, nhưng cũng chỉ đến bãi bằng Đền Hạ là dừng lại.Rước kiệu là một hoạt động tín ngưỡng rất tôn nghiêm và náo nhiệt. Một đám rước như vậy gồm 3 cỗ kiệu đi liền nhau. Kiệu được sơn son thếp vàng đục chạm rất tinh vi. Thân kiệu là 2 con rồng dài gần 4m do 16 người khiêng. Cỗ đi đầu bầy hương hoa đèn nến, giầu cau, bình nước và nậm rượu. Cỗ thứ hai bầy nhang án bài vị thánh có lọng che. Cỗ thứ ba bầy bánh dầy bánh chưng hoặc xôi cùng thủ lợn luộc hoặc cả con. Ông chủ tế mặc áo hoàng bào đi sau kiệu thánh, các quan viên chức sắc đi theo hộ giá. Riêng kiệu nhang án có phường bát âm tấu nhạc hầu thánh đi hai bên. Trừ phường bát âm mặc lễ phục cổ điển (quần trắng áo the khăn xếp) còn các quan viên rước kiệu đều ăn mặc phỏng theo lối quan văn võ và binh sĩ trong triều. Những làng ở xa phải rước hai ba ngày mới tới Đền, bởi vậy phải có ê kíp thứ ba là đội quân hậu cần. Hàng ngày họ phải đem cơm nắm thức ăn nước uống từ nhà đến cho đám rước, đi đi về về rậm rịch.Cũng nằm trong lễ thức tại Đền Hùng còn có tiết mục Hát Xoan. Hát Xoan xưa gọi là Hát Xuân, chỉ biểu diễn trong mùa xuân. Vì kiêng tên bà Lê Thị Lan Xuân vợ vua Lý Thần Tông, người làng Hương Nộn có công lớn giúp đỡ phường Xuân hoạt động nên gọi chệch đi là Hát Xoan. Đêm Hát Xoan kéo dài từ chập tối đến sáng tại Đền Thượng. Tối đến ít người về nhà dù ở gần, tục lệ là ngủ lại. Bởi vậy họ đi xem đi chơi cho mệt rã rời rồi tiện đâu ngủ đấy. Giữa bầu không khí cởi mở ấy là hàng loạt trò chơi văn nghệ biểu diễn ngày cũng như đêm tự do thưởng thức không mất tiền. Ban khánh tiết chỉ cần treo lên ít giải làm vui, là các làng xã tự đem đến trò gà chọi, kéo co, bịt mắt bắt dê, bắn nỏ thi, đấu vật, cờ người...Ban đêm bao giờ cũng có hát chèo tuồng ở các bãi rộng. Phường chèo tuồng đón ở các rạp về hay tự họ xin đến. Cũng có cả các đoàn nghiệp dư ở các làng đến Hội trổ tài. Tất cả các đoàn đó được Ban khánh tiết cho ăn cơm cá thịt và ít tiền lộ phí, biểu diễn cho dân xem không bán vé. Nói chung đi tới Hội là gặp không khí cởi mở thân thương tha thiết nghĩa tình. Nhiều cải tiến so với xưa - Giỗ Tổ năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Phó chủ tịch nước lên làm lễ, dâng tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm, cáo với Tổ hoạ xâm lăng và quyết tâm kháng chiến của dân tộc. - Từ năm 1947 đến 1954 không làm được giỗ, nhưng nhân dân địa phương vẫn cúng bái đơn lẻ, - Năm 1956 làm lễ hội lớn, do Bộ Văn hoá tổ chức, có rước kiệu. Sau đó thôi không rước nữa. - Từ năm 1957 về sau, nhất là những năm đánh Mỹ, Lễ hội vẫn đông, nhưng rất đơn giản. Nghi thức là đoàn đại biểu quân, dân, chính của tỉnh và huyện xã sở tại dâng một bó hoa lên Đền Thượng, đi đầu là đoàn thiếu nhi xã Hy Cương đánh trống cà rình. - Từ năm 1990 đến nay, lễ hội có cải tiến nhiều so với trước. Về lễ có các vị ở Trung ương về dâng hương hoa hoặc làm đồng chủ lễ với Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phú (sau là Phú Thọ)... Bài bản tế được cải tiến rất nhiều so với tế đình làng, chỉ giữ nguyên trang phục truyền thống. Chủ tế đứng yên tại chỗ nhận các lễ phẩm do chấp sự đưa đến để làm lễ, rồi trả lại chấp sự để dâng tiến, chứ không đi lại rồng rắn như cũ. Dàn nhạc cũng ngồi tại chỗ, cử lên hay ngừng im theo hiệu của Đông, Tây xướng. Chỉ dâng hương, hoa, rượu và chúc văn, còn các lễ phẩm khác đều bầy sẵn trong thượng cung. Hai hàng chấp sự khi đặt lễ phẩm lên ban thờ rồi, thì đi giật lùi bước một về chỗ cũ, chứ không quay lưng vào thánh. Tại Phú Thọ, ngày 14/4 (tức mùng 1/3 Âm lịch), chương trình khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm 2010 được tiến hành đồng thời với khai mạc Ngày hội Văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VII với chủ đề Linh thiêng đất Tổ Hùng Vương. Trọng tâm của Lễ hội Đền Hùng là Lễ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra lúc 7h ngày 23/4 (10/3 âm lịch) tại Điện Kính Thiên với sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, các hoạt động văn nghệ, triển lãm, thể thao, du lịch và các trò chơi dân gian tiêu biểu... sẽ diễn ra liên tục suốt 10 ngày của Lễ hội (từ ngày 14/4 - 23/4) tại thành phố Việt Trì và Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Vũ Kim BiênCòn tiếp 1 person likes this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 1 Tháng 5, 2010 TƯ LIỆU Tiếp theo I - 3: Ý nghĩa ngày giỗ Tổ Nguyễn Thiếu Dũng Thanh Niên Online 16:29:18, 30/03/2005 Con người ai cũng có thân xác, đó là cơ sở vật chất để sự sống tồn tại. Thân xác đó không thể tự ta mà có, nó có là do cha mẹ di truyền, đến lượt ta, ta lại trao truyền sự sống cho con, thành ra sự sống là một dòng tồn tục. Khi ta sống là cha mẹ ta đang sống. Khi ta chết ta vẫn còn sống nơi con ta, cháu ta. Sinh huyết chảy mãi không ngừng từ vô thuỷ đến vô chung. Trân trọng sự sống, bảo tồn thân xác là bổn phận, là nhiệm vụ của con người vì thân xác đó không phải của riêng ta. Thân xác đó là của người trước, thân xác đó là của người sau. Thân xác đó cùng tồn tại với càn khôn, biến dịch cùng vũ trụ. Thế nên sống là tri ân. Sống là phải biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã cho ta sự sống. Đạo thờ cúng tổ tiên là đạo làm người. Người Việt Nam may mắn có chung một đạo, Đạo thờ cúng Ông Bà. Người Việt Nam còn may mắn hơn nữa khi có chung một Tổ để hướng về, có chung một miền Đất Tổ để nhớ, có chung một đền thờ Tổ để tri ân. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dầu ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng: Đền Hùng. Đền Hùng dựng trên núi Hùng Sách Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Sơn Tây viết: "Núi Hùng Vương ở xã Hy Cương, cách huyện Sơn Vi 12 dặm về phía đông, cũng gọi là núi Hy Cương, lại gọi là núi Bảo Thứu, hình thể tròn trĩnh xanh tốt lạ thường, Địa dư chí của Lê Đại Cương chép rằng: mạch núi từ núi Tam Đảo bổ xuống, kéo qua địa phận huyện Lập Thạch, xuyên qua sông Lô, đi qua địa phận các huyện Hùng Quan và Tây Quan kéo đến, ở phía tây núi non la liệt, ở phía đông có nước sông Đà lượn quanh, lại có các ngọn nước tụ hội ở ngã ba sông, thật là cục lớn về phong thuỷ" (1). Võ Văn Trực cực tả: "Núi Hùng vươn ra như một con rồng, đầu hướng về nam" (2) tr 419). Núi Hùng cao 175m so với mặt biển. Núi còn nhiều tên gọi khác như Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương hay núi Cả. Núi Cả nhìn xuống làng Cả. Đời Lê, cư dân xã Hy Cương được ban làm con Cả, hằng năm giữ nhiệm vụ hương khói thờ phụng vua Hùng. Sách Ngọc phả Hùng Vương do Trực Học Sĩ Nguyễn Cố soạn năm 1470 có đoạn viết: "Phụng ban hương Trung Nghĩa (Cổ Tích) làm dân trưởng tạo lệ, cấp 500 mẫu ruộng tại xã Hy Cương, lại cho thu thuế ruộng của một vùng, trên từ Tuyên Quang, Hưng Hoá, dưới đến Việt Trì làm hương hoả phụng thờ". Hằng năm con trưởng chỉ có nghĩa vụ đi lính, còn được miễn thuế khoá, tiền thuế và ruộng chỉ để đèn nhang cúng lễ đền Hùng" (2) tr 380). Lễ giỗ Tổ Hùng Vương cử hành vào ngày mồng mười tháng ba: Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba Cả nước hướng về vùng Đất Tổ, người người trẩy hội Đền Hùng, 41 làng xã thuộc tỉnh Vĩnh Phú tham gia rước kiệu lễ dâng Tổ. Trên các cổ kiệu có bày lễ vật, đi kèm có phường bát âm tấu nhạc, cờ quạt, bát bửu, lọng che cùng chiêng trống. Những làng ở xa thường phải rước 2-3 ngày mới tới" (2) tr 382). Nguyễn Thị Hạnh cho biết: "Xưa kia, việc cúng Tổ (cử hành) vào ngày 12 tháng 3 (âm lịch) hằng năm. Thường khi con cháu ở xa về làm giỗ trước một ngày, vào ngày 11 tháng 3 (âm lịch)... Đến thời nhà Nguyễn định lệ 5 năm mở hội lớn một lần (vào các năm thứ 5 và 10 của các thập kỷ), có quan triều đình về cúng tế cùng quan hàng tỉnh và người chủ tế địa phương cúng vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch). Do đó ngày giỗ Tổ sau này mới là ngày 10 tháng 3 (âm lịch ) hàng năm. (2) tr 381). Như thế ngày chính tế phải là ngày 12 tháng 3, ngày 10 tháng 3 chỉ là ngày quốc tế, ngày chính quyền Nhà nước đứng ra cúng tế. Và ngày 12 tháng 3 mới là ngày mang ý nghĩa của một thông điệp mà người xưa muốn gửi lại cho muôn đời sau. Tại sao 18 đời Hùng Vương chỉ có một ngày lễ. Đồng ý đây có thể là hợp kỵ nhưng tại sao lại là ngày 12 tháng 3 mà không phải là ngày khác? Đây chắc không phải là ngày chọn lựa một cách tình cờ mà có dụng ý. Muốn giải mã được thông điệp của Tổ tiên; không thể chỉ dựa vào một sự kiện, vì như vậy người khác có thể cho là suy diễn, nhưng nếu vấn đề được giải đáp trong một hệ thống chúng ta không thể không quan tâm. Chúng ta có thể đối chứng ngày giỗ Tổ Hùng Vương với ngày giỗ Tổ Phụ Lạc Long Quân và ngày giỗ Tổ Mẫu Âu Cơ. Ba ngày giỗ này có liên hệ mật thiết với nhau, thống nhất ý nghĩa trong cùng một hệ thống, tỏ rõ có bàn tay xếp đặt chứ không phải là ngẫu nhiên trùng hợp. Trong sách Hùng Vương và lễ hội đền Hùng B.D.S cho chúng ta biết thêm một chi tiết khá quan trọng: ''Mãi gần đây chúng ta mới biết Lạc Long Quân được thờ tại Đình Nội, làng Bình Đà, huyện Thanh Oai, Hà Tây. Bình Đà có hai ngôi đình đẹp: Đình Nội (còn gọi là Đình Trong), Đình Ngoại (còn gọi là Đình Ngoài)... Dân làng Bình Đà tổ chức lễ hội từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 3 âm lịch. Ngày 6 tháng 3 là ngày chính hội, tương truyền đó là ngày sinh của Đức Lạc Long Quân (2) tr 371-373). Theo Kinh Dịch, tính theo số Tiên-Thiên, quẻ Khảm hay còn gọi là quẻ Thuỷ đứng ở vị trí số 6, quẻ Ly hay còn gọi là quẻ Hoả đứng ở vị trí số 3. Vì vậy lấy ngày 6 tháng 3 để tưởng niệm Đức Lạc Long Quân là dựa vào tính chất của quẻ Khảm (số 6) và quẻ Ly (số 3). Hai quẻ này hợp lại là quẻ Thuỷ-Hoả-Ký-Tế, quẻ thứ 63 trong tổng số 64 quẻ Dịch. Lạc Long Quân từng nói với Âu Cơ: "Ta là nòi rồng, đứng đầu thuỷ tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh con, nhưng thuỷ hoả tương khắc, dòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia ly. Ta đem năm mươi con về thuỷ phủ, chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi xuống bể, hữu sự thì báo cho nhau biết" (Lĩnh Nam Chích Quái). Lạc Long Quân tính thuỷ tương ứng với quẻ Khảm, loại quẻ dương. Âu Cơ tính hoả tương ứng với quẻ Ly, loại quẻ âm. Hai quẻ này âm dương tương hợp, tạo thành quẻ Ký-Tế. Hào cửu ngũ quẻ Ký-Tế là hào dương, biểu tượng cho vua, hào lục nhị quẻ Ký-Tế là hào âm, biểu tượng cho Âu Cơ, hai hào này là hai hào chính ứng với nhau. Kinh Dịch chỉ có 8 quẻ đơn, từ quẻ Càn số 1 đến quẻ Khôn số 8, quẻ đơn không vượt quá số 8. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương là ngày 12 tháng 3, số 12 vượt quá giới hạn quẻ đơn, tuy nhiên ta biết rằng 12 là bội số của 6. Dịch lý luôn biến hoá, do đó số 12 vẫn hàm chứa số 6 nên ngày 12 tháng 3 về nội hàm vẫn là hoá thân của 6 tháng 3. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương và ngày giỗ Tổ Lạc Long Quân cùng có chung một ý nghĩa. Quẻ Ký-Tế là quẻ duy nhất trong số 64 quẻ Dịch đạt đến độ lý tưởng hoàn chỉnh. Dịch quy định những hào ở vị trí số lẻ 1, 3, 5 phải là hào dương mới được kể là chính vị, nếu là hào âm thì gọi là thất vị (không đúng vị trí). Ngược lại những hào ở vị trí số chẵn 2, 4, 6 phải là hào âm mới được kể là chính vị, không đúng quy định đó gọi là thất vị. Số thứ tự của hào quẻ được tính từ dưới lên. Riêng hào 5 (hào cửu ngũ) còn được gọi là hào trung chính vì là hào dương mà lại là hào ở giữa quẻ ngoại. Cũng thế, hào 2 (lục nhị) còn được gọi là trung chính vì là hào âm và là hào ở giữa quẻ nội. Quẻ Ký-Tế,hào dương ở đúng vị trí dương, hào âm ở đúng vị trí âm được xem là quẻ chuẩn, chuẩn cho Dịch, chuẩn cho người, chuẩn cả cho trời đất vì đã đạt đến trung chính, nghĩa là đã đạt được Đạo. Trời đất trung chính thì mưa thuận gió hoà, xã hội trung chính thì cuộc sống yên ổn, thái bình. Cho nên toàn bộ Kinh Dịch, có thể nói như Nguyễn Hiến Lê: "Liệt kê ra thì cực phiền toái mà tổng hợp lại thì rất đơn giản chỉ gồm hai chữ trung chính như Trương Kỳ Quân đã nói: "Đạo lý trong thiên hạ (theo Dịch) chỉ là khiến cho việc không trung trở về chỗ trung, việc không chính trở về chỗ chính" (3) tr161). Nguyễn Văn Siêu nhấn mạnh trung không phải là lưng chừng, không phải là trung bình cộng mà trung là đạt đến chỗ chí thiện. Phải chăng qua ngày giỗ 6/3 và 12/3 Tổ tiên muốn để lại cho con cháu muôn đời lời di huấn về phép trị nước an dân cốt sao đạt đến chỗ trung chính. Đạo trị nước tất cũng là đạo giữ nước, đó chính là thông điệp của ngày giỗ Tổ Hùng Vương, giỗ Tổ Lạc Long Quân. Ký-Tế là đã thành, đã xong, nhưng Vương-Bật trong Chu Dịch chú nói rằng: "Đã qua sông (ký tế) đừng quên lúc chưa qua sông (vị tế)'' (4) tr870). Vua Đường Thái Tông từng hỏi các cận thần: "Về sự nghiệp của đế vương, việc sáng lập và giữ gìn thành quả cái nào khó hơn". Nguỵ Trưng đáp: "Đế vương dấy nghiệp, tất thừa cơ lúc đời suy loạn, lật đổ bọn tàn ác hôn ám, trăm họ đều đồng lòng ủng hộ, bốn biển đều theo về, đó là lúc trời trao cho mệnh, do vậy việc đó không phải là khó. Nhưng sau khi đã được thiên hạ, chí thường kiêu ngạo phóng dật, trăm họ muốn được yên vui, nhưng sưu thuế nặng nề, muôn dân khổ sở điêu tàn, mà phải phục dịch cho việc ăn chơi xa xỉ không ngớt. Đất nước suy vong đều từ đó mà ra. Cho nên nói giữ vững thành quả là khó hơn nhiều" (4) tr 867). Ý của Tổ tiên muốn nhắc nhở người đời sau qua quẻ Ký-Tế: ai ai cũng nên làm tròn bổn phận, nhiệm vụ và chức năng của mình, giữ đúng kỷ cương vua ra vua, cha ra cha, con ra con thì gia đình sẽ yên ổn, xã hội được an cư lạc nghiệp phồn vinh, phát triển. Lời di huấn này không chỉ được nhắc nhở hằng năm thông qua ngày hội giỗ mà còn được khắc ghi trên trống đồng Đông Sơn, trống thiêng của dân tộc, gởi gắm trong biểu tượng mặt trời nằm rạng rỡ giữa trống đồng. Mặt trời trên trống đồng có nhiều tia, có trống 8 tia có trống 10, 12 hoặc 14, 16 tia, nhưng đều là tia khắc nổi, đó là tia dương ứng với hào dương. Ngoài ra những tia nổi này còn tạo ra những tia chìm, đó là tia âm, ứng với hào âm. Cứ mỗi hào dương hào âm như thế nối nhau sẽ tạo ra những quẻ Ký-Tế chạy thành vòng tròn mặt trời giữa trống đồng. Ý nghĩa của mặt trời trên trống đồng và những con số ẩn trong ngày giỗ Tổ là nhất quán. Ngày giỗ Lạc Long Quân, ngày giỗ Hùng Vương có chung một ý nghĩa, gắn bó nhau trong một hệ thống, thế còn ngày giỗ cũa Âu Cơ có chuyển tải ý nghĩa nào không? Giỗ cha có nghĩa, giỗ con có nghĩa, lẽ nào giỗ mẹ lại không? Sách Non Nước Việt Nam của Tổng cục Du lịch Việt Nam giới thiệu: "Đền thờ Mẹ Âu Cơ nằm giữa cánh đồng lúa của xã Hiền Lương (huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ), dưới tán lá của cây đa xum xuê toả bóng mát. Trong đền thờ tượng mẹ Âu Cơ đặt ở vị trí cao nhất. Bức tượng là một người mẹ hiền từ, đẹp như tiên, thông minh và phúc hậu. Tại đây còn thờ phụng con trai thứ hai của Mẹ, một vị tướng tài ba, trung hiếu, được tôn là ''Thượng Đẳng Thần". Lễ hội Đền Âu Cơ tổ chức hàng năm vào ngày 7 tháng giêng âm lịch" (tr291). Theo số Tiên Thiên, 7 là số thứ tự của quẻ Cấn còn gọi là quẻ Sơn, có tượng là núi. Tháng giêng số 1 là số thứ tự của quẻ Càn cũng gọi quẻ Thiên, có tượng là trời. Mẹ Âu Cơ là mẹ tiên, người ở núi "Mẹ Âu Cơ dẫn 50 con lên núi". Dựa theo Dịch lấy ngày 7, quẻ Cấn, để tưởng nhớ mẹ là tiên nhân, cũng như Lạc Long Quân là cha rồng, người ở nước, nên lấy quẻ Khảm số 6 làm ngày tưởng niệm. Quẻ Cấn và quẻ Càn hợp lại là quẻ Sơn-Thiên-Đại-Súc: 7/1 Quẻ trên là núi, quẻ dưới là trời, đây không phải là chuyện thực mà chỉ là hình ảnh biểu tượng: trời chứa trong núi, tượng trưng cho sự chứa đựng, tích góp lớn lao. Hình tượng này dành cho bậc thánh nhân, những người có thể làm nên những công trạng vĩ đại như Mẹ Âu Cơ. Đại tượng truyện đưa ra một ý rất thích hợp với nội dung câu chuyện chúng ta đang đề cập ở đây: "Đại-Súc, quân tử dĩ đa chỉ tiền ngôn vãng hành, dĩ súc kỳ đức". Việc súc tụ lớn lao, người quân tử nhân đó phải ghi nhớ nhiều ngôn luận và sự tích của các vị thánh hiền xưa, lấy đó để súc tụ mỹ đức cho mình (4) tr536). Tuy chỉ là ý kiến suy tưởng của người Trung Hoa nhưng từ ý này cũng giúp cho ta hình dung được sự phối hợp kỳ lạ giữa hai quẻ Ký-Tế và Đại-Súc, một bên là lời di huấn của cha, một bên là lời khuyên của mẹ, phải nhớ lời cha dặn. Đại-Súc có nghĩa là súc tụ, súc dưỡng và súc chỉ. Súc tụ là sự tập hợp vĩ đại, người lãnh đạo phải biết đoàn kết rộng khắp các hạng dân "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng". Tập hợp thành một khối kiên cường trong tình yêu thương rộng mở. Làm được công cuộc súc tụ, thì phải biết súc dưỡng, nuôi dưỡng nhân tài vật lực để phát triển, nhưng trong mọi hành động phải biết dừng lại ở chỗ chí thiện, phải biết chế ước, súc chỉ. Nếu không biết kiềm chế sẽ dẫn đến vọng động hỗn loạn. Người xưa khi thiết kế những ngày hội lễ đã có những chủ đích nhất định. Phần hội để làm sống lại quá khứ, phần lễ để tạ ơn, nhưng hội lễ không chỉ dừng lại ở đó. Thông qua ngày giỗ Tổ, thông qua những con số, thông qua quẻ Dịch Tổ tiên ta còn có hoài bão muốn nhắc nhở hậu thế những kế sách giữ nước an dân. Đó là nỗi lo muôn thuở, là tấm lòng bao dung, tha thiết, rộng mở của Chư Tổ còn vang vọng mãi khắp núi sông: "Hãy chôn ta trên núi Cả, để đứng trên núi cao ta còn trông nom bờ cõi cho con cháu". Nguyễn Thiếu Dũng --------------------------- Sách tham khảo: - (1) Viện Sử Học: Đại Nam Nhất Thống chí - T 4, NXB Khoa học Xã Hội 1971 - (2) Ngô Văn Phú: Hùng Vương và Lễ Hội Đền Hùng, NXB Hội Nhà Văn 1996 - (3) Nguyễn Hiến Lê: Kinh Dịch-Đạo người quân tử, NXB Văn Học 1992 - (4) Trương Thiện Văn: Từ điển Chu Dịch, NXB Khoa học Xã Hội 1997 1 person likes this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 1 Tháng 5, 2010 II - GIẢI MÃ NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG MÙNG 10 THÁNG 3 Nguyễn Vũ Tuấn Anh II - 1: Ý nghĩa ngày giỗ Tổ 10 - 3. Sử sách và truyền thuyết không hề ghi lại ngày mất của vị vua Hùng đầu tiên hoặc cuối cùng. Vậy ngày giỗ Tổ vua Hùng mùng 10 tháng 3 xuất phát từ đâu? Hàng năm vào ngày giỗ Tổ Vua Hùng, là dịp để những người Việt Nam tưởng nhớ đến cội nguồn từ thời huyền sử. Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba. Thời Hùng Vương đã trở thành huyền sử, còn sót lại chăng chỉ còn là những tục ngữ ca dao và truyền thuyết lưu truyền trong dân gian. Nhưng ngày giỗ Tổ Hùng Vương vẫn ăn sâu vào tâm linh người Lạc Việt. Trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc, dưới ách đô hộ phong kiến Bắc phương, tiếp theo là 1000 năm hưng quốc với bao thăng trầm của lịch sử, tâm linh của người Lạc Việt vẫn luôn nhớ về cội nguồn. Ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba là một trong những ngày lễ hội thiêng liêng nhất của người Lạc Việt. Truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên của người Lạc Việt, lần đầu tiên được chép lại trong cuốn sách Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp với tựa đề là “Hồng Bàng Thị”. Người viết lời tựa trong cuốn sách này là Vũ Quỳnh, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An Hải Dương, sinh năm 1453 mất năm 1516, ông viết bài tựa vào năm 1492. Người viết lời tựa sau cho cuốn sách này vào năm 1493 là Kiều Phú người làng Lạp Hạ, huyện An Sơn, tỉnh Sơn Tây, sinh năm 1450. Hai ông đã thừa nhận những truyện chép trong Lĩnh Nam Chích Quái đã được lưu truyền trong dân gian từ lâu. Trong bài tựa của mình , ông Vũ Quỳnh đã viết: “Những truyện chép ở đây là sử ở trong truyện chăng ?”. Truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên được các nhà sử học Việt Nam ghi lại trong các bộ chính sử và nằm ở phần ngoại kỷ vì sự huyền ảo của câu chuyện. Đã có rất nhiều học giả phân tích tìm hiểu nội dung kỳ bí của truyền thuyết về thuở ban đầu lập quốc của người Lạc Việt. Những số liệu trong truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên có một sự liên hệ và trùng khớp một cách kỳ lạ với hai đồ hình nổi tiếng thiêng liêng trong truyền thuyết của nền văn minh Hoa Hạ và liên quan đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương, đó là Lạc Thư và Hà Đồ. Độ số của Lạc Thư – Hà Đồ là 100 vòng tròn, trong đó có 50 vòng tròn đen, 50 vòng tròn trắng. Từ hai đồ hình trên, tạo ra hai hình vuông gọi là Cửu Cung Lạc Thư và Cửu Cung Hà Đồ. HÀ ĐỒ CỬU CUNG LẠC THƯ CỬU CUNG Qua đồ hình trên thì bạn đọc nhận thấy rằng: # 100 quả trứng tương ứng với 100 vòng tròn . # 50 người con theo cha tương ứng với 50 vòng tròn trắng, thuộc Dương, tượng là theo Cha (Dương). # 50 người con theo mẹ tương ứng với 50 vòng tròn đen, thuộc Âm, tượng là theo Mẹ (Âm). # 15 bộ mà truyền thuyết nói tới trùng khớp với số của Ma Phương Lạc Thư có tổng ngang dọc chéo đều bằng 15 . # 18 đời vua trùng khớp với tổng số Cửu Cung Lạc Thư và Cửu Cung Hà Đồ (9 x 2 = 18). Ngày mùng 10 tháng 3 - ngày giỗ Tổ Hùng Vương? Đây lại là một con số trùng với trung cung Hà Đồ đó là 5 – 10 thuộc về ngôi Hoàng Cực. Trong đó: Tháng 3 là tháng Thìn (tượng là Rồng) – trùng khớp với biểu tượng của Lạc Long Quân (giống Rồng) chính là tháng thứ 5 nếu kể từ tháng Tí (Tức tháng Một năm trước. Trong cách tính tháng của người Việt như sau: * Tháng Một: Tý; * Tháng Chạp - tháng thứ 2: Sửu; * Tháng Giêng - tháng thứ 3: Dần; * Tháng Hai - tháng thứ 4: Mão; * Tháng Ba - tháng thứ 5: Thìn/ Rồng)(*). 18 thời Hùng Vương với nhiều vị vua, không thể giỗ chung một ngày. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng 3 chính là một biểu tượng của nền văn hiến vĩ đại của người Lạc Việt. Như vậy, truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên và ngày giỗ Tổ Hùng Vương hoàn toàn trùng khớp một cách kỳ lạ với nội dung của Lạc Thư – Hà Đồ. Vấn đề cũng chưa phải dừng ở đây. Trong truyền thuyết về thời Lập quốc của dân tộc Việt còn một chi tiết nữa là: 50 người con theo Mẹ Ấu Cơ suy tôn người con trưởng lên làm vua. 49 người con còn lại đi cai trị khắp nơi. Đây chính là số Đại Diễn trong Kinh Dịch dùng trong Bói cỏ thi - một phương pháp bói tối cổ của Đông phương. Nếu bạn hỏi tại sao lại phải bớt đi một mà không dùng số 50? Tôi xin được trả lời rằng: Chính truyền thuyết Con Rồng - Cháu Tiên đã trả lời rất rõ ràng và người ta không thể tìm được câu trả lời trong các bản văn chữ Hán. Sự trùng khớp hợp lý đến kỳ lạ của các sản phẩm trí tuệ thuộc về văn minh Lạc Việt với một giá trị kỳ vĩ của văn hoá Đông Phương là thuyết Âm Dương Ngũ hành và Bát quái , đã cho thấy cội nguồn đích thức của những di sản văn hoá đó thuộc về văn minh Lạc Việt Như vậy, cùng với những di sản văn hoá phi vật thể khác, tổ tiên ta muốn nhắc nhở cho con cháu về một nền văn minh kỳ vĩ của một đất nước gần 5000 năm văn hiến và Lạc Thư – Hà Đồ và Kinh Dịch có nguồn gốc từ nền văn minh Lạc Việt. Như vậy, ngày giỗ Tổ Hùng Vương, không phải là ngày giỗ theo cách hiểu là ngày kỷ niệm ngày mất của một vị Vua Hùng trong 18 thời Hùng Vương(**), mà chính là ngày tưởng niệm giá trị huyền vĩ của nền văn hiến Việt, mà tổ tiên đã tôn vinh, trong thời dựng nước ở miền nam sông Dương tử. II - 2: Những vấn đề tồn nghi. Qua những tư liệu ở trên cho chúng ta thấy trong quá trình lịch sử, người Việt đã tồn tại nhiều ngày giỗ Tổ. Quote Nguyễn Thị Hạnh cho biết: "Xưa kia, việc cúng Tổ (cử hành) vào ngày 12 tháng 3 (âm lịch) hằng năm. Thường khi con cháu ở xa về làm giỗ trước một ngày, vào ngày 11 tháng 3 (âm lịch)... Đến thời nhà Nguyễn định lệ 5 năm mở hội lớn một lần (vào các năm thứ 5 và 10 của các thập kỷ), có quan triều đình về cúng tế cùng quan hàng tỉnh và người chủ tế địa phương cúng vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch). Do đó ngày giỗ Tổ sau này mới là ngày 10 tháng 3 (âm lịch ) hàng năm. (2) tr 381). Tại sao lại có nhiều ngày giỗ như vậy, trong khi phong tục Việt chỉ có một ngày giỗ chính? Tất nhiên, đây là điều cần giải thích. Trước khi giải thích điều này, chúng ta cần thừa nhận một thực tế khách quan, tồn tại hiển nhiên rằng: Ngày giỗ Tổ Hùng Vương từ lâu đã in sâu vào Tâm linh Việt tộc, từ ngàn xưa và ngay cả trong đêm tối của ngàn năm Bắc Thuộc. Sau này, vào thời Hưng Quốc Đinh, Lê Lý Trần....các triều đại chính thức coi là ngày Quốc Lễ. Tất nhiên, trong hơn 1000 năm Bắc thuộc đó, người Việt chỉ còn giữ lại trong tâm khảm mình sự tưởng niệm về ngày Giỗ Tổ, như là một sự tưởng niệm và tôn vinh Tổ Tiên. Và ngày đó được ghi nhân vào đầu trung tuần tháng Ba Âm lịch, từ 10, 11 và 12 như các tài liệu nói tới. Vậy cội nguồn đích thực của ngày giỗ tổ đích thực từ đâu trong ba ngày này. Điều này tôi đã chứng minh: Đó chính là ngày 10 - tháng Ba là độ số của Trung Cung Hà Đồ. Xin xem lại đồ hình Hà Đồ dưới đây: Vậy tại sao lại có ngày 11 và ngày 12? Điều này rõ ràng trái với truyền thống văn hiến Việt - chỉ có một ngày giỗ. Vậy trong ba ngày trên : Mùng 10, 11 và 12 sẽ chỉ có một ngày duy nhất đúng và hai ngày kia là sự biến tướng của ngày chính thức. Xét trong phong tục cổ Việt và còn lưu truyền ở các vùng Nam Dương tử về ngày giỗ, có một hiện tượng rất đáng chú ý sau đây: Trong việc chọn ngày giỗ, có một vtậpp quán chọn ngày sau ngày chết một ngày. Thí dụ, ngày mất là ngày mùng 8, thì giỗ vào ngày mùng 9. Ngày mất gọi là ngày Sinh (Tức ngày Dương) với ý nghĩa là trong ngày này, người thân vẫn còn sống dù chỉ một giờ. Về ý nghĩa sinh học thì người mất phải chờ sau 24 giờ, mới xác định được đã chết hẳn. Còn ngày hôm sau gọi là ngày Tử, và chọn làm ngày giỗ cho con cháu. Bởi vậy, sự xác định ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng 3 là ngày chính thức, hoàn toàn chính xác. Còn các ngày sau đó là do sự thất truyền qua hàng ngàn năm Hán hóa về giá trị đích thực của ngày tôn vinh giá trị văn hiến Việt, qua sự giải thích trên, nên đã lùi lại một, hai ngày. Tất nhiên, cũng không loại trừ ông cha ta lấy các ngày 11, 12 để gìn giữ sự bí ẩn của nền văn hiến Việt: Coi Hà Đồ là nguồn gốc của những giá trị Lý Học Đông phương. Các trí giả uyên bác đời Nguyễn đã phục hồi lại những giá trị này: Lấy ngày 10 tháng 3 - độ số của Trung cung Hà Đồ - biểu tượng của nền văn hiến Việt - làm ngày tôn vinh tổ tiên. Chân thành cảm ơn sự quan tâm của quí vị. ------------------------ Chú thích * : Tháng Tí - tức tháng 11 âm lịch – trong dân gian còn gọi là tháng Một và phân biệt giữa số đếm 1 là số đầu tiên, nên gọi tháng đầu trong năm sau Tết là tháng Giêng. Tháng Một không phải là tiếng gọi tắt của tháng 11 mà là tháng đầu tiên theo thứ tự 12 con giáp. Cũng như tháng Sửu là tháng thứ 2 gọi là tháng Chạp để phân biệt với tháng 2 theo số đếm.Chúng tôi đã có bài viết liên quan đến cách gọi này của người Việt với nội dung có liên hệ với các chòm sao Thiên Cực Bắc với chu kỳ 6000 năm. Xin tham khảo đường kink sau: **: Nguyên văn cổ thư là "Thập bát thế", có thể hiểu là 18 thời đại các vua Hùng. Chứ không thể hiểu là 18 đời vua Hùng. Trong phát âm của người Việt thường gọi nôm và phổ biến là "Đời". Điều này, khiến những người có quan điểm phủ nhận văn hóa sử truyền thống Việt, thường căn cứ vào đấy để suy luận chủ quan cho rằng: 18 đời Hùng Vương chỉ gồm 18 vị vua trị vì.Hiện tượng lẫn lộn "Đời" và "Thời" trong ngôn ngữ Việt còn thể hiện ngay trong văn viết có tính bác học và nghiên cứu cho đến gần đây. Chúng ta xem cuốn "Kinh Dịch - Vũ Trụ quan Đông phương" của giáo sư Nguyễn Hữu Lượng - Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn trước 1975 - thì cũng thấy rằng, ông nhiều lần dùng chữ "Đời" để thể hiện một triều đại. Thí dụ: "Thời nhà Minh" thì ông vẫn viết là "Đời nhà Minh". 3 people like this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 1 Tháng 5, 2010 (đã chỉnh sửa) Một góc nhìn lịch sử của GS Lê Văn Lan : Cứ mỗi lần đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương, đồng bào cả nước lại nô nức “về nguồn”, tụ hội ở Đền Hùng, tưởng niệm tổ tiên chung của cả dân tộc. Vậy, ngày giỗ Tổ Hùng Vương có từ bao giờ? Tại sao nhân ta lại chọn ngày mồng Mười tháng Ba làm ngày giỗ Tổ? Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba” nằm trong một bài ca gồm 4 câu. Hai câu tiếp theo ở cuối bài là “… Khắp miền truyền mãi câu ca. Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”. Đó là một bài ca mà từ cú pháp đến thi pháp đều khá mới mẻ. Đặc biệt, ý tứ của câu cuối cùng khá gần gũi với những sáng tác trong phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX, thường dùng chủ đề Hùng Vương và Đền Hùng để cổ vũ niềm tin vào vận mệnh non sông, chẳng hạn như những câu đối của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu: “Có tổ có tông, có tông có tổ, tổ tổ tông tông, tông tổ cũ Còn non còn nước, còn nước còn non, non non nước nước, nước non nhà”. Hoặc như của Vũ Đình Khôi: “Cháu chắt còn, tông tổ hãy còn, nòi giống nhà ta sinh sản mãi Nắng mưa thế, miếu lăng vẫn thế, non sông đất nước vững bền lâu”! Khi tìm trong văn bản cổ, không thấy có sự chỉ định hoặc xác nhận nào về việc mở hội đền Hùng – Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày mồng Mười tháng Ba cả. Xem xét các bia kí, đặc biệt là hai tấm bia ở Đền Thượng trên núi Hùng, sự thực về lịch sử ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba mới vỡ lẽ ra như sau: Tấm Hùng miếu điển lệ bi do Hội đồng Kỷ niệm tỉnh Phú Thọ lập năm Khải Định thứ 8 (1923) có hai phần: Phần thứ nhất, chép lại công văn của Bộ Lễ triều Nguyễn, ngày 25 tháng Bảy năm Khải Định thứ nhất (1917) gửi Các vị ở phủ viện đường đại nhân tỉnh Phú Thọ cùng nhau tuân thủ điều sau đây: “Xã Hy Cương, phủ Lâm Thao có miếu lăng phụng thờ Hùng Vương ở núi Hùng, trải các năm, cả nước đến tế, thường lấy kì mùa thu, chọn vào ngày tốt làm lễ, chưa có việc định rõ ngày, mà tục lệ của dân xã đó lấy ngày Mười Một tháng Ba, kết hợp với thờ thổ kỳ, làm lễ riêng… (Sự thể này dẫn tới chỗ) thường hứng bất kì, hội họp cũng lãng phí theo sở thích, còn lòng thành thì bị kém đi… (Vì thế) cẩn thận định lại rằng, từ nay về sau, lấy ngày mồng Mười tháng Ba, lĩnh tiền chi vào việc công, phụng mệnh kính tế trước một ngày so với ngày hội tế của bản hạt, khiến nhân sĩ mọi miền đến đây có nơi chiêm bái…”. Phần thứ hai của văn bia Hùng miếu điển lệ bi dành cho việc quy định “Đệ niên kỉ niệm hội nhật lễ nghi” (Nghi lễ ngày hội kỷ niệm hằng năm) với những câu như sau: “Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ, chuẩn định ngày quốc tế tại miếu Tổ Hùng Vương là ngày mồng Mười tháng Ba. Chiều ngày mồng Chín tháng Ba hằng năm, các quan liệt hiến trong tỉnh, cùng các quan viên trong cả phủ huyện của tỉnh, đều phải mặc phẩm phục, tề tựu túc trực tại nhà công quán. Sáng hôm sau, tới miếu kính tế…”. Như vậy, đến đây có thể nhận ra: Lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương, từ xa xưa, chọn nhật kỳ tiến hành vào mùa thu, là mùa tổ chức các lễ hội có lịch sử cổ xưa hơn các lễ hội mùa xuân. Đến năm 1917 mới có quy định chính thức của triều Nguyễn (đời vua Khải Định) lấy ngày mồng Mười tháng Ba hàng năm làm ngày “quốc tế” (Quốc lễ, quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: “Trước đây, ngày quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ (là) Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”. Định kì mồng Mười tháng Ba (âm lịch) làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương, vậy là chỉ bắt đầu từ năm 1917. Tuy nhiên, với tuổi gần trăm năm, với tinh thần kế thừa truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhất là ý thức về nguồn, chung cội được tăng cường mạnh mẽ trong điều kiện lịch sử hiện tại. Mồng Mười tháng Ba đã trở thành một ngày Quốc lễ, một ngày thiêng liêng trọng đại đối với cả dân tộc: Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. (Theo Lịch sử Việt Nam - Hỏi và đáp) Edited 1 Tháng 5, 2010 by Trần Phương Share this post Link to post Share on other sites
Posted 2 Tháng 5, 2010 Một góc nhìn lịch sử của GS Lê Văn Lan : Cứ mỗi lần đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương, đồng bào cả nước lại nô nức “về nguồn”, tụ hội ở Đền Hùng, tưởng niệm tổ tiên chung của cả dân tộc. Vậy, ngày giỗ Tổ Hùng Vương có từ bao giờ? Tại sao nhân ta lại chọn ngày mồng Mười tháng Ba làm ngày giỗ Tổ? Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba” nằm trong một bài ca gồm 4 câu. Hai câu tiếp theo ở cuối bài là “… Khắp miền truyền mãi câu ca. Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”. Đó là một bài ca mà từ cú pháp đến thi pháp đều khá mới mẻ. Đặc biệt, ý tứ của câu cuối cùng khá gần gũi với những sáng tác trong phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX, thường dùng chủ đề Hùng Vương và Đền Hùng để cổ vũ niềm tin vào vận mệnh non sông, chẳng hạn như những câu đối của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu: “Có tổ có tông, có tông có tổ, tổ tổ tông tông, tông tổ cũ Còn non còn nước, còn nước còn non, non non nước nước, nước non nhà”. Hoặc như của Vũ Đình Khôi: “Cháu chắt còn, tông tổ hãy còn, nòi giống nhà ta sinh sản mãi Nắng mưa thế, miếu lăng vẫn thế, non sông đất nước vững bền lâu”! Khi tìm trong văn bản cổ, không thấy có sự chỉ định hoặc xác nhận nào về việc mở hội đền Hùng – Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày mồng Mười tháng Ba cả. Xem xét các bia kí, đặc biệt là hai tấm bia ở Đền Thượng trên núi Hùng, sự thực về lịch sử ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba mới vỡ lẽ ra như sau: Tấm Hùng miếu điển lệ bi do Hội đồng Kỷ niệm tỉnh Phú Thọ lập năm Khải Định thứ 8 (1923) có hai phần: Phần thứ nhất, chép lại công văn của Bộ Lễ triều Nguyễn, ngày 25 tháng Bảy năm Khải Định thứ nhất (1917) gửi Các vị ở phủ viện đường đại nhân tỉnh Phú Thọ cùng nhau tuân thủ điều sau đây: “Xã Hy Cương, phủ Lâm Thao có miếu lăng phụng thờ Hùng Vương ở núi Hùng, trải các năm, cả nước đến tế, thường lấy kì mùa thu, chọn vào ngày tốt làm lễ, chưa có việc định rõ ngày, mà tục lệ của dân xã đó lấy ngày Mười Một tháng Ba, kết hợp với thờ thổ kỳ, làm lễ riêng… (Sự thể này dẫn tới chỗ) thường hứng bất kì, hội họp cũng lãng phí theo sở thích, còn lòng thành thì bị kém đi… (Vì thế) cẩn thận định lại rằng, từ nay về sau, lấy ngày mồng Mười tháng Ba, lĩnh tiền chi vào việc công, phụng mệnh kính tế trước một ngày so với ngày hội tế của bản hạt, khiến nhân sĩ mọi miền đến đây có nơi chiêm bái…”. Phần thứ hai của văn bia Hùng miếu điển lệ bi dành cho việc quy định “Đệ niên kỉ niệm hội nhật lễ nghi” (Nghi lễ ngày hội kỷ niệm hằng năm) với những câu như sau: “Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ, chuẩn định ngày quốc tế tại miếu Tổ Hùng Vương là ngày mồng Mười tháng Ba. Chiều ngày mồng Chín tháng Ba hằng năm, các quan liệt hiến trong tỉnh, cùng các quan viên trong cả phủ huyện của tỉnh, đều phải mặc phẩm phục, tề tựu túc trực tại nhà công quán. Sáng hôm sau, tới miếu kính tế…”. Như vậy, đến đây có thể nhận ra: Lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương, từ xa xưa, chọn nhật kỳ tiến hành vào mùa thu, là mùa tổ chức các lễ hội có lịch sử cổ xưa hơn các lễ hội mùa xuân. Đến năm 1917 mới có quy định chính thức của triều Nguyễn (đời vua Khải Định) lấy ngày mồng Mười tháng Ba hàng năm làm ngày “quốc tế” (Quốc lễ, quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: “Trước đây, ngày quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ (là) Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”. Định kì mồng Mười tháng Ba (âm lịch) làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương, vậy là chỉ bắt đầu từ năm 1917. Tuy nhiên, với tuổi gần trăm năm, với tinh thần kế thừa truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhất là ý thức về nguồn, chung cội được tăng cường mạnh mẽ trong điều kiện lịch sử hiện tại. Mồng Mười tháng Ba đã trở thành một ngày Quốc lễ, một ngày thiêng liêng trọng đại đối với cả dân tộc: Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. (Theo Lịch sử Việt Nam - Hỏi và đáp) Cứ theo cách hiểu của ông Lê Văn Lan thì người dân Việt chỉ biết đến ngày giỗ tổ từ năm 1917 hay sao? Vậy trước đó đến thờ các vua Hùng ai hương khói? Khi những chứng tích đền Hùng được thừa nhận đã tồn tại từ trước thế kỷ X.Kiếm được văn bản, bia ký ghi thế nào thì nói thế đó, tôi nghĩ để làm được điều này không cần bằng giáo sư. Một bài viết ngớ ngẩn, không hề có cơ sở lý luận hợp lý, không căn cứ vào một tư liệu tối thiểu, hoặc dẫn chứng trong bài viết, tự nhiên phang một câu: Như vậy, đến đây có thể nhận ra: Lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương, từ xa xưa, chọn nhật kỳ tiến hành vào mùa thu, là mùa tổ chức các lễ hội có lịch sử cổ xưa hơn các lễ hội mùa xuân.Tác giả bài viết này đã từng phán trước bàn dân thiên hạ:Hai Bà Trưng là Vương chứ không phải là Vua. Thế gian này loạn cả, vì xét tất cả lịch sử nhân loại, chẳng có quốc gia nào có danh xưng chính thống là Vua cả. Toàn gọi hoàng đế, Vương, tổng thống....Vậy mà cũng có người vỗ tay đấy. Bởi vậy, việc học Sử ở Việt Nam nói riêng và vấn đề giáo dục ở Việt Nam nói chung, không trở thành vấn nạn sao được với những trí tuệ đẳng cấp giáo sư kiểu này? 4 people like this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 3 Tháng 5, 2010 Cứ theo cách hiểu của ông Lê Văn Lan thì người dân Việt chỉ biết đến ngày giỗ tổ từ năm 1917 hay sao? Vậy trước đó đến thờ các vua Hùng ai hương khói? Khi những chứng tích đền Hùng được thừa nhận đã tồn tại từ trước thế kỷ X. Kiếm được văn bản, bia ký ghi thế nào thì nói thế đó, tôi nghĩ để làm được điều này không cần bằng giáo sư. Một bài viết ngớ ngẩn, không hề có cơ sở lý luận hợp lý, không căn cứ vào một tư liệu tối thiểu, hoặc dẫn chứng trong bài viết, tự nhiên phang một câu: Nội dung trích dẫnNhư vậy, đến đây có thể nhận ra: Lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương, từ xa xưa, chọn nhật kỳ tiến hành vào mùa thu, là mùa tổ chức các lễ hội có lịch sử cổ xưa hơn các lễ hội mùa xuân. Tác giả bài viết này đã từng phán trước bàn dân thiên hạ: Hai Bà Trưng là Vương chứ không phải là Vua. Thế gian này loạn cả, vì xét tất cả lịch sử nhân loại, chẳng có quốc gia nào có danh xưng chính thống là Vua cả. Toàn gọi hoàng đế, Vương, tổng thống....Vậy mà cũng có người vỗ tay đấy. Bởi vậy, việc học Sử ở Việt Nam nói riêng và vấn đề giáo dục ở Việt Nam nói chung, không trở thành vấn nạn sao được với những trí tuệ đẳng cấp giáo sư kiểu này? Xin kể một câu chuyện ngoài lề. Van Lang có một người quen là nhà báo tại một đài truyền hình và hay phụ trách những chuyên mục về văn hóa xã hội và do đó có những dịp phỏng vấn, làm việc với những nhà sử học có tên tuổi. Có lần nói về GS Lê Văn Lan, họ nói rằng "Thằng Lan thì biết cái gì. Nó toàn nói linh tinh". Share this post Link to post Share on other sites
Posted 3 Tháng 5, 2010 Phúc Tuấn nghĩ rằng anh Văn Lang không nên đưa ra những câu chuyện thế này. Có vài lời góp ý chân thành, nếu có gì mong anh bỏ qua cho. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 4 Tháng 5, 2010 Phúc Tuấn nghĩ rằng anh Văn Lang không nên đưa ra những câu chuyện thế này. Có vài lời góp ý chân thành, nếu có gì mong anh bỏ qua cho.Vâng tùy anh. Nếu vậy thì tôi không kể chuyện đó nữa. Nhờ BQT xóa giùm. Share this post Link to post Share on other sites