Posted 22 Tháng 8, 2008 Hồn rối nước - hồn dân tộc Nguồn: Vitinfo Thứ bảy, 9/8/2008, 10:11' VIT- Trong những năm gần đây, việc bảo tồn và phát triển môn nghệ thuật múa rối nước, một môn nghệ thuật đặc trưng của vùng đồng bằng sông Hồng, đang được nhiều địa phương trong vùng quan tâm. Nghệ thuật rối nước mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam, hồn Việt Nam. Nghệ thuật múa rối nước Việt Nam có từ lâu đời Nghệ thuật múa rối nước được bắt nguồn từ làng Rạch xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Nó được thành lập vào thế kỷ thứ 10, và nơi đây cũng xuất hiện nghề truyền thống làm tượng, sơn mài, chạm khắc gỗ và làm con trò của môn nghệ thuật múa rối nước. Nghệ thuật múa rối nước đã ăn sâu vào lòng, vào tinh thần của những người dân nơi đây. Thế hệ trẻ đã được phát huy tinh thần ấy. Nơi đây, đã tổ chức nhiều lớp truyền nghề cho một số em thiếu nhi có năng khiếu về loại hình nghệ thuật này. Vào những lúc nông nhàn, những thành viên của phường thường trao đổi kinh nghiệm và sáng tác những trò diễn mới phản ánh cuộc sống của nhân dân trong thời kỳ đổi mới, xây dựng đời sống văn hóa mới ở nông thôn. Các cấp chính quyền và một tổ chức phi chính phủ về bảo tồn văn hóa của Thụy Điển đã hỗ trợ cho phường múa rối nước một bể nước di động để đi lưu diễn phục vụ các lễ hội làng trong vùng; xây dựng lại thủy đình của làng làm nơi tập và biểu diễn. Các trò diễn của phường múa rối nước làng Rạch thường phản ánh những sinh hoạt thường ngày của người nông dân vùng lúa nước nhưu gieo cấy lúa, tát nước bắt cá, dệt vải, đấu vật, chọi trâu; phản ánh cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Trưng Trắc, Trưng Nhị, Trần Hưng Đạo 3 lần đánh tan quân Nguyên. Hiện nay, ở Việt Nam có 6 doàn nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp ở trung ương, Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đắc Lắc và Quảng Trị. Ngoài ra còn có hàng chục phường múa rối nước ở nhiều địa phương của vùng đồng bằng sông Hồng. Trong những năm qua, nhiều đoàn múa rối nước của Việt Nam tham dự một số Liên hoan múa rối quốc tế đã giành được nhiều giải thưởng cao và đã gây được sự chú ý của khán giả nhiều nước. Giá trị của múa rối nước đã ăn sâu vào trong lòng không chỉ những người dân đất Việt mà cả một số quốc gia trên thế giới bởi chính giá trị độc đáo của nó. Múa rối nước chỉ còn ở Việt Nam. Tại Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, chỉ có rối tay, rối que và rối dây. Còn múa rối nước người ta chỉ gặp ở Việt Nam và Trung Quốc. Theo giáo sư J. Pim-pa-ne-au, múa rối nước đã biến mất ở Trung Quốc và ngày nay "chỉ còn tồn tại ở Việt Nam". Nghệ thuật rối nước Việt Nam mang hồn Việt Nam Múa rối nước là một loại hình văn hoá dân gian đặc sắc của Việt Nam thể hiện một cách sâu đậm đời sống, tập tục tinh thần của và vật chất của người dân Việt Nam. Múa rối nước là một sáng tạo độc đáo của cư dân vùng châu thổ sông Hồng, được manh nha từ công cuộc chế ngự nước, cải tạo nước thành yếu tố số một cho việc sản xuất nông nghiệp. Phạm vi hoạt động của nó bao gồm nhiều tỉnh như Thái Bình, Phú Thọ, Thanh Hoá, Nam Hà, Hà Tây... Qua những tiết mục biểu diễn của nghệ thuật rối nước cổ truyền, những cảnh sinh hoạt bình thường về đời sống, tập tục tinh thần và vật chất truyền đời của người nông dân Việt Nam được thể hiện một cách rõ nét. Người Pháp gọi môn nghệ thuật này với những con rối duyên dáng là "Linh hồn của đồng ruộng Việt Nam" và đánh giá: "Với sáng tạo và khám phá. Rối nước đáng được xếp vào những hình thức quan trọng nhất của sân khấu múa rối". Hình ảnh đồng ruộng Việt Nam Các tích trò mà các nghệ nhân biểu diễn rối nước dàn dựng gắn liền với công việc đồng áng như cày, bừa, cấy lúa, chăn trâu, chăn vịt, đánh bắt tôm cá hoặc các trò chơi dân gian như đánh đu, múa hát mừng được mùa... và phong cảnh nông thôn. Sân khấu biểu diễn là mặt ao hồ tự nhiên hoặc nhân tạo được gọi là Thủy đình. Người biểu diễn lội dưới nước, dùng cây sào và dây điều khiển các con rối sau những tấm mành tạo nên không gian vừa huyền bí, vừa gần gũi với người xem xung quanh. Đến nay, nghề truyền thống làm tượng, sơn mài và chạm khắc gỗ đã bị mai một nhưng nghề làm con trò vẫn tồn tại và phát triển. Những con trò được làm từ gỗ sung vừa nhẹ, vừa dẻo và được tô vẽ bằng sơn ta để bảo quản lâu trong môi trường nước.Khuôn mặt và y phục của con rối mang những nét tiêu biểu của Việt Nam và chủ đề các tiết mục đều lấy từ lịch sử Việt Nam (Hai Bà Trưng, trận Bạch Đằng, chiến thắng quân Nguyên) hoặc lấy từ đời sống nông thôn Việt Nam như trò chọi trâu và đánh đu. Xưa kia, các gia đình nông dân đều giữ bí truyền về việc điều khiển con rối trong những tình huống đặc biệt. Ngày nay, họ bắt đầu dạy lại cho các nhà nghiên cứu trẻ. Đoàn múa rối trung ương không những chỉ giới thiệu các chương trình múa rối tay, múa rối que và múa rối nước mà còn động viên việc sáng tác các tiết mục mới cũng như việc nghiên cứu về lịch sử múa rối. Với những cố gắng của ngành múa rối nước Việt Nam, nghệ thuật này đang được bảo vệ và phát triển để xứng đáng với tầm vóc của nó trong di sản văn hóa dân tộc. Xuất phát từ những hình nộm đuổi chim, đuổi chuột phá hoại mùa màng, dựa vào thói quen làm ruộng nước ở vùng đồng bằng mà những "nghệ nhân - nông dân" xưa đã nghĩ ra trò chơi rối nước. Con rối được làm từ những đoạn gỗ thừa khi chế tạo cày bừa hoặc dựng nhà cửa. Dây gai làm lưới đánh bắt tôm cá được dùng cho việc điều khiển hoạt động của con rối xuyên qua ống tre, ống sậy. Bằng tính cần cù và óc sáng tạo của người nông dân, từ những nguyên vật liệu có sẵn ở các làng quê nông thôn mà những nghệ nhân dân gian đã làm nên những con rối rất sống động. Người ta đã thống kê được những phường rối nước tiêu biểu có truyền thống ở khắp vùng châu thổ sông Hồng, nơi có trình độ thâm canh lúa nước lâu đời. Đó là phường rối nước làng Nguyễn, làng Đông Các (Thái Bình), làng Đào Thục (Đông Anh, Hà Nội), Nam Trực (Nam Định), Vĩnh Bảo (Hải Phòng), Thạch Thất (Hà Tây)... Tuy nhiên, mỗi phường rối nước lại có những “miếng” riêng khi biểu diễn. Làng Nguyễn có bí quyết cho pháo nổ dưới nước, rồng khạc ra lửa. Làng Đào Thục có con rối nhảy khỏi mặt nước như đánh đu hoặc nhảy từ mặt nước lên lưng trâu bằng hệ thống xích, líp xe đạp... Đoàn múa rối nước do các nghệ nhân làng Nguyễn (Thái Bình) đã nhiều lần sang Italia, Pháp, Đức... biểu diễn được bạn bè quốc tế khen ngợi. Những nét riêng độc đáo trong phong cách biểu diễn của các làng đã góp phần làm nên sự thống nhất trong đa dạng của loại hình nghệ thuật đặc sắc này của dân tộc Việt Nam ta. Ngày nay, rối nước không còn được sử dụng nhiều như xưa ở các vùng nông thôn bởi sân khấu của nó đòi hỏi phải có Thủy đình... Song những sân khấu hiện đại của Nhà hát Múa Rối Trung ương, Nhà hát Múa Rối Thăng Long hay Thủy đình ngoài trời Viện Bảo tàng dân tộc học Việt Nam vẫn luôn thu hút khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế đến xem. Nhiều nghệ nhân đã sáng tạo ra những sân khấu độc đáo, thôn quê mà đậm đà bản sắc dân tộc. Thuỷ đình được những “nghệ nhân – nông dân” làm bởi những tấm bìa gọn nhẹ có thể tháo lắp. “Ao nước” là một thùng bằng nilon gấp gọn. Đến địa điểm biểu diễn chỉ cần trải “ao” ra, đổ vài xô nước, dựng Thủy đình, thả các con rối mini cùng cái đài cassette là biểu diễn được. Múa rối nước Việt Nam, môn nghệ thuật dân gian gắn liền với nền văn minh lúa nước xứng đáng là một di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Yếu tố độc đáo của rối nước là sử dụng mặt nước làm sân khấu để con rối diễn trò, đóng kịch. Buồng trò rối nước được nhân dân quen gọi là nhà rối hay thủy đình, được dựng lên giữa ao, hồ với kiến trúc cân đối tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam. Tất cả buồng trò, sân khấu cùng trang bị cờ, quạt, voi, lọng, cổng hàng mã... đúng là một khu đình làng thu nhỏ lại thành một cảnh đẹp như trong mộng với những mái uốn cong lung linh phản chiếu trên mặt nước. Sân khấu rối nước là khoảng trống trước mặt buồng trò, nó chỉ thực sự hoàn chỉnh khi đã vào chương trình biểu diễn và cũng bắt đầu mất đi ngay khi chấm dứt tiết mục cuối cùng. Múa rối Việt Nam trong lòng người ngoại quốc Múa rối nước Việt Nam không chỉ có vị trí trong lòng người Việt mà nó còn để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc đối với người ngoại quốc. Hình ảnh dân tộc Việt Nam và những truyền thống quý báu trong lịch sử đã được mang đến cho bạn bè thế giới thông qua hình ảnh những con rối nước. Sáng tạo những hình rối là người nghệ nhân đã gửi gắm cả vào đó tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của mình. Bà Kiris Aropaltio, GĐ Nhà hát Hevosenkenk Phần Lan - quốc gia phát triển mạnh về nghệ thuật múa rối rất hài lòng khi xem những tiết mục múa rối nước ở Việt Nam. Bà cho biết, bà thật sự bất ngờ trước loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của Việt Nam bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn, uyển chuyển giữa những con rối với âm thanh, ánh sáng, mặt nước của nó. Múa rối Việt Nam luôn xen các yếu tố hài hước khiến cho người xem cảm thấy vô cùng thoải mái. Điều đó đã tạo nên ý nghĩa giáo dục vô cùng lớn đối với thế hệ trẻ Việt Nam về truyền thống anh hùng của dân tộc. Mặt khác, nó cũng có tác dụng giúp cho khán giả quốc tế hiểu thêm về đời sống văn hoá, tinh thần và con người Việt Nam. Trước sự thể hiện của các nghệ nhân múa rối nước Việt Nam, bạn bè các quốc gia có nghệ thuật múa rối mong muốn có được sự hợp tác về kinh nghiệm biểu diễn cũng như tình thần nhiệt huyết của người Việt. Đất nước Phần Lan - một trong những quốc gia phát triển về nghệ thuật múa rối- cũng rất mong muốn có sự hợp tác về kinh nghiệm của các đồng nghiệp Việt Nam, với hi vọng có thể giúp trẻ em và nhân dân Phần Lan hiểu thêm về nền văn hoá đa dạng, giàu bản sắc dân tộc của quốc gia họ. Khán giả nước ngoài cũng sẽ thích rối nước VN Buổi trình diễn nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam tại Phần Lan trong tháng 9 tới là một lời khẳng định cho sự phát triển của loại hình nghệ thuật độc đáo này của nước ta. Bà Kirsi Aropaltio cũng đã đưa ra một lời khẳng định chẳc chắn về sự thành công của đoàn nghệ thuật múa rối Việt Nam tại Phần Lan. Hợp tác quan hệ giữa hai nước Phần Lan và Việt Nam sẽ được nâng cao hơn về mặt tình thần. Chỉ có mối quan hệ văn hoá mới giúp cho hai nước hiểu nhau hơn. Nghệ thuật múa rối ở Phần Lan tương đối phát triển song múa rối nước thì chưa hẳn. Chính vì vậy, đây là một dịp để Việt Nam thể hiện được bản sắc của mình và nó xứng đáng là một sự kiện văn hoá. Múa rối nước Việt Nam vì thế được gọi là “linh hồn của đồng ruộng Việt Nam”. Nghệ thuật múa rối nước xứng đáng là một loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc, sống mãi trong lòng người dân Việt và cả những bạn bè yêu thích rối nước trên thế giới. Thanh Bình Share this post Link to post Share on other sites
Posted 23 Tháng 8, 2008 NGHỊCH LÝ RỐI NƯỚC Một nghịch lý đang đặt ra đối với việc bảo tồn rối nước hiện nay, là khi muốn khôi phục các hoạt động sau một thời gian dài bị gián đoạn, các phường rối nước dân gian - nơi sản sinh nghệ thuật múa rối - phải đi học lại các tích trò và kỹ thuật trình diễn của các đoàn rối chuyên nghiệp. PGS-TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết, với mong muốn tìm lại những vẻ đẹp nguyên thuỷ của bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này, Bảo tàng đã mời 15 phường rối dân gian của đồng bằng Bắc Bộ biểu diễn trong một chương trình kéo dài từ tháng 3 đến hết năm 2006. PGS.TS Nguyễn Văn Huy * Bảo tàng Dân tộc học tập hợp 15 phường rối từ các làng quê, mời họ lên Hà Nội biểu diễn trong một chương trình “dài hơi” như vậy, nhằm mục đích gì, thưa ông ? - Trước đây, ở vùng đồng bằng Bắc Bộ có khoảng 28 phường rối dân gian thường xuyên biểu diễn với hàng trăm tích trò. Nhưng do chiến tranh kéo dài, và sau này là do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, các phường rối này không còn được duy trì nữa. Những năm sau đó, với chủ trương phục hồi nghệ thuật truyền thống dân tộc, hai đoàn nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp là Nhà hát Múa rối Thăng Long và Nhà hát Múa rối Trung ương ra đời, dựa trên việc học hỏi, sưu tầm và phát triển các tích trò, kỹ thuật biểu diễn từ 28 phường rối dân gian này. Chính hai đoàn chuyên nghiệp này đã mang rối nước VN đến với bạn bè thế giới. Họ thường xuyên biểu diễn ở nước ngoài, và ngay tại Hà Nội thì sân khấu rối nước của hai nhà hát này vẫn luôn luôn sáng đèn mà vẫn không đủ phục vụ khách du lịch. Trong khi đó, các phường rối dân gian lâm vào tình cảnh khó khăn. Từ 28 phường, sau mười năm cố gắng phục hồi, giờ đây còn 15 phường. Các phường rối dân gian hiện vẫn đang trong quá trình phục hồi, và còn nhiều gian nan. Họ hầu như không có đất diễn và không có khán giả. Vì vậy, mục đích chính của Bảo tàng khi mời 15 phường rối biểu diễn trong một chương trình kéo dài như vậy, là mong muốn giúp họ tìm lại công chúng, không chỉ là khách du lịch nước ngoài, mà chủ yếu là người VN, đặc biệt là đối tượng trẻ em, học sinh để các cháu có thể tiếp cận trực tiếp với di sản văn hóa của cha ông. Hơn nữa, qua một thời gian biểu diễn kéo dài, nghệ nhân các phường rối cũng có thể nâng cao tay nghề, dần dần học cách biểu diễn chuyên nghiệp hơn sau những giao lưu, học hỏi. * Thưa ông, hiện nay nội dung các vở diễn và kỹ thuật của các phường rối dân gian này có gì khác nhau và có gì khác với múa rối chuyên nghiệp? - Điều đáng buồn là khi tìm cách khôi phục, các phường này đều phải học lại những tích rối, cách diễn từ các đoàn chuyên nghiệp. Kết cục là nội dung và kỹ thuật trình diễn của các phường đều na ná như nhau và về cơ bản thì cũng giống với múa rối chuyên nghiệp. Đó là một vấn đề đang đặt ra đối với công tác bảo tồn múa rối nước. Thực ra thì các phường rối đều có những bí quyết riêng, do các nghệ nhân nhiều tuổi nắm giữ. Tuy nhiên, để khôi phục thì cần rất nhiều thời gian và đòi hỏi nhiều kinh phí vì nó liên quan cả việc tạo con rối mới, khôi phục kịch bản và thời gian tập luyện. Trong khi đó, các nghệ nhân già thì cứ lần lượt ra đi, còn lớp nghệ nhân mới hiện chỉ có thể học qua những gì có sẵn của múa rối chuyên nghiệp và các phường bạn. Một số phường trong thời gian gần đây cũng cố gắng sáng tạo một vài tích trò riêng, nhưng chưa được đầu tư chiều sâu nên kịch bản và khâu kỹ thuật biểu diễn nói chung còn yếu. * Như ông nói, nội dung biểu diễn của các phường rối này thì cơ bản là giống nhau và giống các đoàn chuyên nghiệp, còn kỹ thuật biểu diễn lại yếu hơn họ, vậy điều gì có thể tạo nên sức hấp dẫn để thu hút người xem đến với chương trình biểu diễn này? Tuy các phường rối dân gian hiện chưa có được dấu ấn riêng, và tất nhiên trình độ biểu diễn của họ cũng không thể bằng các nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng thực sự họ vẫn có sức hấp dẫn riêng để thu hút khán giả. Đó chính là sự mộc mạc, hồn nhiên và điều này đã được du khách trân trọng. Những nghệ nhân ở đây là nông dân thực sự, rời công việc cày cấy là họ đến với múa rối, do vậy cách diễn của họ chân chất, mang hơi thở ruộng đồng. Khán giả đã cảm nhận được nét độc đáo đó và họ đến đây đều rất thích thú. Hơn nữa, những ai biết chút ít về múa rối thì đều thấy rằng xem múa rối ở đây sẽ thú vị hơn nhiều khi môi trường biểu diễn gắn liền với cảnh quan ngoài trời, chung quanh là mái nhà Việt, hồ nước, cây xanh… gần với môi trường của rối nước nguyên thuỷ là đồng ruộng, cây đa bến nước ở làng quê. Đặc biệt, khán giả cũng có điều kiện giao lưu, trao đổi trực tiếp với các nghệ nhân, tìm hiểu thêm về nghệ thuật múa rối cũng như những băn khoăn nghề nghiệp của họ. Đối với các em nhỏ, đến đây ngoài việc thưởng thức múa rối, còn được khám phá môn nghệ thuật này qua việc được tự mình học cách điều khiển con rối trên sân khấu thu nhỏ. Đối với khách du lịch nước ngoài thì khi đến đây, họ cũng có cơ hội tiếp xúc trực tiếp và đầy đủ hơn với một nét văn hoá truyền thống độc đáo của Việt Nam. Họ có thể xem biểu diễn, tìm hiểu kỹ thuật cũng như nhiều mặt khác về múa rối qua các nghệ nhân. Tập điều khiển con rối * Nhưng thưa ông, sau chương trình này, liệu các nghệ nhân có được tiếp tục biểu diễn thường xuyên không, hay lại trở về với ruộng đồng và cả năm chỉ đợi để diễn một lần trong ngày hội làng? Năm 2006 chỉ là năm khởi đầu của chương trình này, chúng tôi dự định sẽ tiếp tục mời họ biểu diễn dài kỳ trong những năm sau. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giới thiệu với khách du lịch đến tận các làng quê nơi có phường rối dân gian. Du khách có thể trực tiếp thưởng thức múa rối trong chính môi trường sống của nó. Tuy vậy, phải công nhận cái hạn chế của các phường rối dân gian là họ chưa có được lịch diễn đều đặn, và đó là công việc đang đặt ra đối với những người làm công tác bảo tồn văn hóa. Chúng ta không những phải khôi phục những giá trị đã mất của múa rối dân gian, mà chúng ta còn phải tìm lại công chúng cho nó nữa. (Theo Nhân dân) Nghệ nhân Phạm Thế Toàn, Trưởng phường múa rối Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng, Nam Định) : Ngoài việc chọn lọc và tập theo các vở của 14 phường bạn, chúng tôi cũng đã sáng tạo được một vài trò riêng cho mình. Đó là những vở diễn ngắn liên quan đến đời sống đương đại như các đề tài về dân số, HIV. Phần âm nhạc thì chúng tôi sử dụng làn điệu chèo cổ, và tự sáng tác lời. Con rối của chúng tôi có một vài điểm khác, chẳng hạn như sư tử ở các phường khác thì chỉ có mỗi cái đầu, nhưng chúng tôi có cả thân và khi điều khiển phải khéo léo hơn. Việc khôi phục các vở cũ do lớp nghệ nhân già nắm giữ rất khó khăn vì thiếu kinh phí. (Theo Nhân dân) Share this post Link to post Share on other sites
Posted 23 Tháng 8, 2008 Hồn rối nước trong tem Việt Nam : Share this post Link to post Share on other sites