wildlavender

Viết lại lịch sử hình thành kinh dịch

1 bài viết trong chủ đề này

Viết lại lịch sử hình thành Kinh Dịch

Hà Văn ThuỳPosted Image

Thứ năm 19, Tháng Bảy 2007Có phải "Văn Vương được bức Lạc Thư trên lưng con rùa thần xuất hiện ở sông Lạc mà làm nên Dịch” ?

Ảnh bên: một số chữ viết trên mai rùa (Hongkong University)

Kinh Dịch là thành tựu văn hoá kiệt xuất của phương Đông. Từ hơn 2000 năm nay, thế giới thừa nhận đó là sản phẩm của người Trung Hoa. Khoảng 30 năm lại đây, một số tác giả lên tiếng đòi bản quyền sáng tạo Kinh Dịch cho người Việt. Ngày nay, nhờ những phát kiến quan trọng về khảo cổ và nhân chủng học, nhất là công nghệ gene, đã tới lúc phải bàn lại về vấn đề vô cùng quan thiết này.

Nguồn gốc Kinh Dịch theo quan niệm truyền thống</H3>1. Tóm lược

Ngày nay, tất cả các cuốn Kinh Dịch viết bằng mọi ngôn ngữ trên thế giới đều ghi: “Hà xuất Đồ, Lạc xuất Thư, thánh nhân tắc chi.” Câu này có nghĩa là: bức Đồ hiện lên ở sông Hoàng Hà, bức Thư hiện lên ở sông Lạc Hà, đấng thánh nhân bắt chước mà làm Dịch. Đó là nguyên văn lời Khổng Tử ghi trong Hệ từ truyện. Nhưng không chỉ có vậy, hầu hết các sách cũng chép theo Khổng An Quốc rằng: “Phục Hy được bức Đồ trên con long mã ở sông Hoàng Hà, Văn Vương được bức Thư trên con thần qui xuất hiện ở sông Lạc mà làm nên Dịch.”

Phục Hy là ông vua thứ hai trong huyền thoại của người Trung Hoa, sau Toại Hoàng, tức vị khoảng năm 2850 TCN, đã căn cứ vào bức Đồ xuất hiện từ sông Hà rồi làm ra bát quái, trùng quái.

Posted ImageTiên thiên Bát quái

Gần 2000 năm sau, Văn Vương dùng tên quẻ và lời quẻ của đời Thương rồi nhờ cương nhu của sáu vạch suy ra sự biến dịch của mỗi quẻ, do đó viết thêm lời để đoán lành dữ mà gọi là hào. Dịch bắt đầu từ Phục Hy, trải qua đời Hạ, đời Thương đến Văn Vương thì được nâng lên một bước.

Dịch của Văn Vương tuy đầy đủ nhưng cái lý vẫn còn bí ẩn. Năm trăm năm sau, Khổng Tử làm Thoán Tượng, buộc thêm lời vào ý của Văn Vương, mục đích làm sáng tỏ Dịch của Văn Vương. Từ cuốn sách bói toán, Văn Vương, Khổng Tử đã chuyển thành cuốn sách có ý nghĩa giáo hoá lớn nên được xếp vào Lục kinh. Phùng Ỷ viết: “Văn vương tán quẻ của Bao Hy, diễn số của cỏ thi, suy việc biến dịch của 9, 6 để sinh ra hào, cho nên quái hào đều liên hệ với nhau bằng lời, và định tên là Dịch. Từ khi Khổng Tử tán Dịch của Văn Vương thì các Dịch của Hạ, Thương đều bỏ. Bởi thế, từ Văn Vương, các sách Dịch mới bắt đầu gọi Dịch, còn trước Văn Vương, chỉ gọi là quái mà thôi. Cho nên Khổng Tử nói Bào Hy vạch Bát quái chứ không nói làm Dịch. [1]

Dịch vốn là công cụ bói toán. Đời Thần Nông có Liên Sơn, đời Hoàng Đế có Quy Tàng, đời nhà Chu có Chu Dịch, đều là những quyển sách bói. Khi san định Kinh Dịch, chính Khổng Tử cùng với việc đưa nội dung triết lý, đạo đức vào Dịch, cũng dành ba chương IX, X, XI cho việc bói toán. Sau Khổng Tử, Dịch càng nghiêng hơn vào việc bói toán. Hán nho luận Dịch phần nhiều chủ về tai dị và thuật số. Đến đời Nguỵ, Vương Bật chú Dịch mới truất bỏ những lời bàn về toán số mà phát huy phần triết lý trong Kinh Dịch. Do đó Dịch học chia làm hai phái: một phái chủ trương Dịch học là sách dùng để bói toán, người cầm đầu là Mạnh Hỷ đời Tây Hán, nổi danh nhất là Trần Đoàn và Thiệu Ung ở đời Tống. Cũng vào thời gian này, do nhiều trường phái Dịch ra đời khiến cho loạn thuyết, Dịch chính truyền bị mai một nên Chu Hy đúc kết Dịch còn sót của dòng chính, sáng tác sách Châu Dịch bản nghĩa truyền tới ngày nay.

Bảo Ba đời Tống đưa ra Trung thiên đồ, cho rằng, ngoài Tiên thiên, Hậu thiên Bát quái phản ánh thời gian trước và sau khi hình thành vũ trụ, còn có giai đoạn trung gian là Trung thiên đồ là nhân đồ, nói tới con người. [2]

Về công dụng của Dịch, Châu Dịch bản nghĩa của Chu Hy viết: Phục Hy đã “thắt dây lại mà làm ra cái vó, cái lưới để đi săn, đánh cá, đó là ngài đã lấy tượng của quẻ Ly.” Rồi “Họ Bào Hy mất. Họ Thần Nông lên thay, đẽo gỗ làm lưỡi cày, uốn gỗ làm cán cày, đem cái lợi về sự cày bừa dạy cho thiên hạ; đó là ngài lấy tượng của quẻ Ích.” Họ Thần Nông lại còn dạy dân họp chợ, giao thương: “Mặt trời đứng bóng thì họp chợ, đưa dân trong thiên hạ đến, tụ góp hàng hoá của thiên hạ lại, giao dịch xong rồi trở về, ai cũng được như ý; đó là Ngài lấy tượng ở quẻ Phệ hạp.” Rồi “Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn lấy tượng ở quẻ Kiền, quẻ Khôn, khoét cây làm thuyền, chuốt gỗ làm chèo, dùng thuyền dùng chèo để qua sông, qua ngòi, đi xa làm lợi cho thiên hạ: đó là lấy tượng ở quẻ Hoán. Dùng trâu ngựa để chở nặng, đi xa, làm lợi cho thiên hạ: đó là lấy tượng ở quẻ Tuỳ…” [3]

2. Nhận định

Trên đây là quan niệm mang tính chính thống về nguồn gốc của Kinh Dịch. Tuy nhiên, trong giới Dịch học, từ ngót hai nghìn năm nay luôn xuất hiện những ý kiến dị biệt:

1. Có người cho rằng, không phải Phục Hy làm ra Dịch. Hà đồ, Lạc thư với long mã, thần quy chỉ là sự thêm thắt của Khổng An Quốc, không thể tin là xác thực vì Khổng Tử không hề nói vậy.

“Đồ xuất hiện ở sông Hà, Thư xuất hiện ở sông Lạc, đấng thánh nhân đặt ra phép tắc.” Hai chữ thánh nhân đâu đã đủ để minh chứng Phục Hy? Khổng An Quốc đời Tây Hán có nói: “Hà đồ là tấm đồ biểu do con long mã mang ra khỏi sông Hoàng Hà thời vua Phục Hy ngự trị thiên hạ. Ngài bèn đem những chấm, những nét của tấm đồ biểu để vạch ra Bát quái.” Thuyết này thực cũng chỉ là do óc tưởng tượng của Khổng An Quốc đó thôi!

2. Có người cho rằng: Không phải Phục Hy từ Đồ, Thư mà làm ra Dịch:

Nếu đem Bát quái phối trí với Hà đồ thì 1 với 6 là Thuỷ, đóng tại phương Bắc thuộc ngôi vị của Khảm; 2 và 7 là Hoả, đóng tại phương Nam thuộc ngôi vị của Ly; 3 và 8 là Mộc, đóng tại phương Đông, thuộc ngôi vị của Chấn và Tốn; 4 và 5 là Kim, đóng ở phương Tây, thuộc ngôi vị của Đoài và Kiền; 5 và 10 là Thổ, giữ trung ương, ngôi vị của Thái cực. Sự phối trí này tượng trưng cho cuộc thuận bố của Ngũ hành. Tuy nhiên, còn có Khôn - Cấn, 2 ngôi không thể phối hợp vào đâu được; điều đó chứng tỏ Bát quái không phải xuất xứ từ Hà đồ. [4]

Mao Kỳ Linh đời Thanh sơ làm Hà đồ Lạc thư nguyên quái, phản đối Hà đồ và Lạc thư có liên quan tới Dịch. Đến khi Hồ Vị làm Dịch đồ minh biện, đem phân tích rõ ràng rành mạch lai lịch giữa Hà đồ với Dịch, thì lúc đó mọi người mới lại thấy Đồ là Đồ, Dịch là Dịch, cả hai không có gì liên can tới nhau cả.

3. Tôi cho rằng việc gán cho các thánh nhân nhìn tượng các quẻ rồi làm ra vật dụng là không có cơ sở. Đây là điều trái với quy luật tư duy: từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng.

Chỉ có thể từ hình thể hang đá nơi trú ngụ, rồi những tổ chim trụ được qua mưa gió, con người nghĩ ra cách làm nhà. Bắt gặp con chim con thú bị mắc lại giữa đám dây leo, con người nghĩ ra cách kết dây thành lưới bắt thú bắt cá. Từ cây gỗ trôi trên sông, người ta học cách kết bè rồi làm thuyền… Không thể có chuyện các thánh nhân ngồi nhìn ngắm các quẻ Dịch rồi làm ra vật này vật khác mà phải như Sử Thiếu Vi viết: Thần Nông ăn lá cây, một ngày chết đi sống lại đến năm lần rồi tìm ra thuốc chữa bệnh bằng cây cỏ. Hiên Viên do "Kiến chuyển bồng nhi chế thừa xa" có nghĩa là nhìn cỏ bồng xoay theo gió mà chế ra xe. Toại Nhân thì dùi cây tìm ra lửa. Ta biết, Phục Hy sống ở khoảng 2800 năm TCN, trong khi người hiện đại Homo sapiens ra đời từ 180.000 năm trước và phải đánh cá kiếm sống từ rất lâu trước khi Phục Hy ra đời. Nếu ngồi chờ Phục Hy “ngâm cứu” các quẻ Dịch mới làm ra thuyền chắc dân châu Á chết đói từ lâu! Như vậy hợp lý hơn không phải là từ quẻ Dịch nghĩ ra thuyền, lưới mà chính từ có thuyền, lưới, nhà cửa, quần áo, cày bừa rồi nghĩ ra Âm Dương, làm ra Dịch?

Vì vậy, cũng không phải Phục Hy làm ra Dịch mà Dịch ra đời từ trước đó nhiều. Cùng lắm thì Phục Hy là người có sáng kiến, trên cơ sở những quẻ bói của dân gian làm ra Bát quái rồi trùng quái. Sau này, Khổng Tử không nắm được nguồn cội của Dịch, đã quy công cho Phục Hy.

Những quan niệm khác

1. Tóm lược

Khoảng ba mươi năm trước, một số học giả như giáo sư Kim Định trong Việt lý tố nguyên, giáo sư Lê Văn Sửu với Nguyên lý thời sinh học cổ Ðông phương và Học thuyết âm dương ngũ hành, giáo sư Bùi Văn Nguyên với Kinh Dịch Phục Hy rồi giáo sư Nguyễn Tiến Lãng Kinh Dịch - sản phẩm sáng tạo của người Việt... đề xuất ý kiến đòi bản quyền sáng tạo Kinh Dịch cho người Việt. Những năm gần đây xu hướng này thu hút thêm nhiều nhà nghiên cứu trẻ: Nguyễn Vũ Tuấn Anh với Tìm về cội nguồn Kinh Dịch [5] , Nguyễn Thiếu Dũng với những bài báo “Kinh Dịch - di sản sáng tạo của Việt Nam?” và “Chiếc gậy thần - dạng thức nguyên thuỷ của hào âm hào dương”, [6] đặc biệt là Trần Quang Bình với cuốn sách dầy dặn Kinh Dịch, sản phẩm sáng tạo của nền văn hiến Âu Lạc. [7]

Các nhà nghiên cứu lão thành đã bằng sự cảm nhận sâu sắc văn hoá phương Đông, thấy những chỗ bất cập của bản Kinh Dịch truyền thống, nhận ra hồn vía văn hoá Việt trong tên gọi các quẻ, trong cách giải nghĩa Dịch mà cho rằng Dịch đã do tổ tiên người Việt sáng tạo. Giáo sư Kim Định nhờ phát hiện triết lý an vi trong Dịch, đồng thời căn cứ ở tư liệu lịch sử cho rằng trước khi người Hán vào Trung Nguyên thì người Bách Việt đã tràn khắp 18 tỉnh của Trung Hoa; Phục Hy, Thần Nông là vị vua người Việt vì vậy, cố nhiên, Dịch phải là sản phẩm của người Việt. Nhìn chung, các vị đưa ra nhiều lý lẽ nghe có vẻ xuôi tai nhưng về chứng cứ chưa đủ mạnh nên chưa thuyết phục được ngay cả giới học giả trong nước.

Những tác giả trẻ như Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Đỗ Thiếu Dũng, Trần Quang Bình, mỗi người theo khả năng của mình đưa ra nhiều bằng chứng mới để chứng minh cho ý tưởng Kinh Dịch là của người Việt.

Nguyễn Vũ Tuấn Anh nhận ra sự không hoàn chỉnh của Hậu thiên Bát quái theo Văn Vương và phát hiện ra Bát quái Lạc Việt trong tranh Ngũ Hổ đình Hàng Trống Hà Nội nên cho rằng người Lạc Việt đã sáng tạo ra Hậu thiên Bát quái chuẩn thì chính là người làm ra Kinh Dịch.

Nguyễn Thiếu Dũng phát hiện ra “Chiếc gậy thần – dạng nguyên thuỷ của hào âm hào dương” trên trống đồng Lạc Việt, quẻ Lôi Thuỷ Giải trên chiếc nồi đất thời Phùng Nguyên cách nay 3500 năm và dựa vào truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ tìm ra Trung thiên đồ nên cho rằng Kinh Dịch là di sản sáng tạo của Việt Nam. Trung thiên đồ theo Nguyễn Thiếu Dũng có dạng: Càn - Đoài - Tốn - Khảm - Ly - Cấn - Chấn - Khôn theo chiều ngược kim đồng hồ.

Trần Quang Bình dựa vào công cụ điện toán, phát hiện ra trong 40.320 đồ hình Bát quái lý thuyết thì Bát quái Văn Vương chỉ là 1 trong 24 đồ hình đạt tới 6 chíều đối xứng. Chỉ duy nhất một đồ hình đáp ứng cả 8 chiều đối xứng, được gọi là Bát quái chuẩn. Ông cũng giải mã hoa văn khắc trên trống đồng và phát hiện Bát quái chuẩn trên trống Lạc Việt. Cũng nhờ giải mã hoa văn trống đồng, tác giả cho rằng Nòng và Nọc là hai ký hiệu nguyên thuỷ của hào Âm hào Dương của Dịch Lạc Việt. Ông cũng cho rằng mình tìm ra Bát quái Âu Lạc trong tranh Đàn Lợn của làng Đông Hồ. Từ đó ông kết luận, là người thủ giữ Bát quái chuẩn, lại có hiện vật là quẻ Lôi Thuỷ Giải trên gốm 3500 năm tuổi nên người Âu Lạc là chủ nhân của Kinh Dịch, còn người Trung Hoa, nhận được vật cống Hà Đồ của người Việt, nhưng chưa được người Việt dạy cho Bát quái chuẩn vì vậy đã dùng Bát quái sai lạc của Văn Vương.

Hậu thiên Bát quái Âu Lạc (theo Trần Quang Bình)

2. Nhận địnhPosted ImageHậu thiên Bát quái Âu Lạc (theo Trần Quang Bình)

Ý tưởng của các học giả lão thành dù còn mơ hồ nhưng cũng là những gợi ý quý báu để hậu thế đi sâu tìm về cội nguồn của Kinh Dịch. Tôi cho rằng đó là những gợi ý sáng suốt có tính mở đường nên cần được tiếp thu một cách trân trọng. Với những tác giả trẻ kể trên, tôi nhận thấy:

1. Chỉ dựa trên sự phát hiện cái gọi là “Bát quái chuẩn” trên trống đồng, trên tranh dân gian mà cho rằng người Âu Lạc là chủ nhân của Kinh Dịch là chưa đủ thuyết phục.

Không thể loại trừ ít nhất khả năng, đó là sự sáng tạo độc lập của những nhóm người cư trú tại những lãnh thổ khác nhau, mà mức độ tinh xảo có khác nhau. Cho rằng người Trung Hoa ngẫu nhiên (bằng vật cống hay chiếm đoạt) có được Hà đồ rồi làm Dịch lại càng không có cơ sở, bởi lẽ nhiều tác giả chứng minh rằng không phải từ Hà đồ làm ra Dịch; mặt khác, nếu vậy, trên đất Trung Hoa không thể có một phong trào làm Dịch rộng lớn, bền bỉ trải dài nhiều thời kỳ, tạo nên di sản khổng lồ: tới đời Thanh, Tứ khố toàn thư tập hợp được 158 bộ gồm 1761 quyển, phụ lục 8 bộ, 12 quyển,

2. Cho rằng, vào đời Hạ, đời Thương Trung Quốc chưa có Dịch là không đúng.

Sách bói Liên Sơn, Quy Tàng đã truyền từ thời Phục Hy qua Thần Nông, Hoàng Đế. Di vật xóm Rền (thành Dền?) 3500 năm trước tương đương với đời Thương. Như vậy dấu tích cổ nhất về quẻ Dịch ở Việt Nam cũng muộn hơn những sách Dịch thời Thần Nông, Hoàng Đế. Ta từng nghe nói sách Tam phần mở đầu Thượng Thư bị Khổng Tử loại bỏ khi san định kinh Thư thì chính đó là “Tam Phần Thư” mà Mao Tiệm phụng sứ đi kinh Tây, khi tới Đường Châu tìm được trong dân gian ba bộ sách gọi là Tam phần thư, gồm có Sơn phần, Khí phần, Hình phần. Sơn phần là Liên Sơn Dịch của Thiên hoàng, họ Phục Hy; Khí phần là Quy tàng Dịch của Nhân hoàng, họ Thần Nông; Hình phần là Kiền Khôn Dịch của Địa hoàng, họ Hoàng đế. Mỗi bộ Dịch đều có 8 quẻ; dưới mỗi quẻ lại đều có 7 quẻ nữa, tổng cộng 8 x 8 = 64 quẻ. Như vây Tam phần là Dịch thời Tam Hoàng. Chúng có những cái tên Liên Sơn, Qui Tàng, Kiền Khôn và có 64 quẻ, gọi là: “Quân, Thần, Dân, Vật, Âm, Dương, Binh, Tượng; Qui, Tàng, Sinh, Động, Trưởng, Dục, Chỉ, Sát; Thiên, Địa, Nhật, Nguyệt, Sơn, Xuyên, Vân, Khí” tức là Kiền, Khôn, Chần, Tốn, Khảm, Ly, Cấn, Đoài. [8] Điều này càng minh chứng cho việc Dịch có mặt ở Trung Nguyên ít nhất từ 2800 năm TCN.

<H3 class=spip>III. Sự hình thành Kinh Dịch theo cách nhìn mới</H3>Kinh Dịch là bộ phận của văn hoá Á Đông. Vì vậy, muốn khám phá lịch sử hình thành Kinh Dịch, không thể không nắm vững lịch sử văn hoá Á Đông.

1. Cho đến cuối thế kỷ trước, lịch sử Á Đông được quan niệm như sau:

“Con người xuất hiện vào lối 500.000 năm trước đây rồi lần lượt bị tiêu diệt qua bốn đợt băng tuyết, những người còn sống sót kéo nhau lên các miền núi cao nguyên sống trong hang hốc. Sang đến Tân Thạch, sau khi làn băng giá thứ tư tan rã, khí hậu trở nên ấm áp, loài người lục tục rời bỏ những hang động trong dẫy Thiên Sơn để thiên di xuống các vùng bình nguyên… Một nhóm sang phía Tây thành người da trắng. Trong những người tiến về phía Đông làm thuỷ tổ giống da vàng có hai chi gọi là Bắc Tam hệ và Nam Tam hệ.

Bắc Tam hệ là ba phái đi theo Thiên Sơn Bắc lộ gồm có:

1. Phái Mãn tộc chiếm lĩnh vùng cực Đông Bắc Trung Hoa ngày nay;

2. Phái Mông Cổ chiếm lĩnh chính Bắc Trung Hoa;

3. Phái Đột Quyết chiếm lĩnh Tây Bắc Trung Hoa và Đông Nam Tây Bá Lợi Á.

Nam Tam hệ gồm có ba tộc là Miêu (Viêm, Việt), Hoa, Tạng.

Thoạt kỳ thuỷ, Miêu tộc theo dòng sông Dương Tử vào khai thác vùng Trường Giang thất tỉnh sau theo bình nguyên Hoa Bắc lên khai thác vùng lục tỉnh Hoàng Hà. Phía Nam lan tới khu vực Việt giang ngũ tỉnh…

Khi Miêu tộc đã định cư rồi thì Hoa tộc tuy theo Thiên Sơn Nam lộ nhưng còn sống đời săn hái ở vùng Tân Cương, Thanh Hải… Về sau họ theo khuỷu sông Hoàng Hà tiến vào Bắc Trung Hoa chiếm đất của người Việt.” [9]

Những dòng sử trên có một phần sự thật - đó là từ rất lâu, người Việt đã sống khắp lãnh thổ Trung Hoa - nhưng vẫn mắc sai lầm nghiêm trọng là cho rằng người Việt đã từ cao nguyên Thiên Sơn đi xuống. Do xác định hướng di cư như vậy, cũng như cho rằng người vượt Hoàng Hà chiếm đất của người Việt là người Hán, dẫn đến hậu quả là lịch sử không phù hợp với những phát hiện khảo cổ học trong vùng.

Nhưng đến nay, nhờ những phát kiến về di truyền học, bức tranh về nguồn gốc loài người cùng thời tiền sử Á Đông được vẽ lại bằng những đường nét khác hẳn:

Người hiện đại Homo sapiens xuất hiện tại Đông Phi khoảng 180.000 năm trước. Đó có thể do cuộc hôn phối của người đàn ông duy nhất với 3 người đàn bà, sinh ra 3 đại chủng: Europide (da trắng), Australoid (da đen) và Mongoloid (da vàng). Người tiền sử từ Đông Phi đi lên Trung Đông từ rất sớm nhưng do bức thành băng hà chắn phía bắc nên không thể đi tới châu Âu. Đợt di cư đầu tiên là đi theo hướng mặt trời mọc về phương Đông. Cuối năm 1998, Dự án Đa dạng di truyền người Trung Quốc (Chinese Human Genome Diversity Project), cung cấp những dữ liệu cho thấy cuộc hành trình của người hiện đại sang phương Đông như sau:

Khoảng 70.000 năm trước, người hiện đại Homo sapiens từ Trung Đông theo ngả Nam Á tới Trung và Bắc Việt Nam. Tại đây hai đại chủng Mongoloid và Australoid hoà huyết tạo ra những chủng Indonesien, Melanesien, Vedoid và Negritoid tràn lan khắp lục địa Đông Nam Á. Khoảng 50.000 năm trước, người từ Đông Nam Á di cư tới châu Úc, sau đó là New Guinea và các đảo ngoài khơi. Khoảng 40.000 năm trước, do băng hà tan, khí hậu trở nên ấm áp, người từ Đông Nam Á đi lên khai thác lục địa Trung Hoa. Do sống theo từng nhóm riêng rẽ trong thời gian dài trên địa bàn rộng, người Đông Nam Á đã phân ly thành những bộ lạc khác nhau mà sau này lịch sử gọi bằng tên chung là Bách Việt. Ban đầu người Việt mang theo những công cụ đá mài mà tiêu biểu là loại búa đá lưỡi cong (gọi là phủ, việt) nên tên người Việt được viết với bộ Qua. Khoảng 15.000 năm cách nay, những lớp người tới sau mang theo giống lúa, khoai sọ và gà, chó từ Văn hoá Hoà Bình Việt Nam lên, phát triển nông nghiệp lúa nước trên lưu vực Dương Tử rồi Hoàng Hà. Lúc này tên người Việt được viết với bộ Mễ để ghi nhận chủ nhân của cây lúa nước. Cho đến thiên niên kỷ thứ IV TCN, người Bách Việt sống tại duyên hải Á Đông có nhân số chiếm tới 54% nhân loại, trong đó người Lạc Việt có khoảng 15-20%, giữ vai trò lãnh đạo về ngôn ngữ và xã hội. Người Bách Việt xây dựng nền văn minh nông nghiệp sớm và rực rỡ nhất thế giới và là người giỏi đi biển, có những con thuyền đủ sức làm chủ biển Đông. [10]

Tại di chỉ Bán Pha 2 tỉnh Thiểm Tây Trung Quốc, được định tuổi 12.000 năm trước, năm 2003 các nhà khảo cổ phát hiện chiếc bình gốm cổ đựng trà, trên đó có văn bản được khắc bằng chữ tượng hình cổ chứng tỏ rằng, vào thời đó người Việt đã có chữ viết. Tại di chỉ Giả Hồ với 9.000 năm tuổi, cũng phát hiện những ký tự khắc trên mai rùa cùng những ống sáo làm bằng xương chim hạc, đó là những nhạc cụ xưa nhất của người hiện đại được khám phá. Chính ở đây cũng tìm thấy rượu được làm bằng gạo, mật ong và táo gai.

Dựa vào trình độ văn minh của người Bách Việt, ta có thể đoán rằng, vào thời kỳ này, người Bách Việt đã có những hiểu biết cần thiết về thiên văn với sự vận hành của mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao gần gũi. Kinh nghiệm dự báo thời tiết đã phong phú và biết làm lịch. Người Việt cũng khám phá ra Âm Dương, Ngũ hành. Có thể vào thời kỳ này công cụ bói toán là những quẻ bói ra đời.

Những nghiên cứu di truyền học cũng cho thấy, khoảng 30.000 năm trước, một số nhóm Mongoloid từ Đông Nam Á theo con đường Ba, Thục lên định cư tại Tây Bắc Trung Quốc. Đó là tổ tiên của những bộ lạc Mông Cổ thiện chiến sống du mục trên các đồng cỏ Thiểm Tây, Cam Túc. Sau này, được khoa học định loại là chủng Mongoloid phương Bắc.

Có thể hình dung bức tranh thời tiền sử trên lãnh thổ Trung Hoa như sau:

Ít nhất vào khoảng 30.000 năm cách nay, người Bách Việt đã có mặt khắp 18 tỉnh của Trung Quốc. Ở vùng phía Bắc có tình trạng: sống cách nhau con sông Hoàng Hà nhưng giữa người Bách Việt và người Mông Cổ là hai thế giới khác biệt. Dù phải sống trên thảo nguyên khô lạnh và khắc nghiệt nhưng người Mông Cổ do phương thức sống du mục nên không thể lùa đàn gia súc qua sông Hoàng tới vùng đồng bằng lầy lội. Mãi sau này, khi thấy những người nhỏ bé, có sắc da đen, tóc xoăn, trồng lúa nước sống nhàn hạ và sung túc bên kia sông, người Mông Cổ nảy lòng tham, mưu toan chiếm đất của Bách Việt. Khoảng 2600 năm TCN, một số bộ tộc Mông Cổ du mục do họ Hiên Viên dẫn đầu, vượt sông Hoàng Hà, chiếm Thiểm Tây, Sơn Tây… Do người Bách Việt quá đông, chống cự kiên cường nên người Mông Cổ lâm vào trận chiến dai dẳng, ác liệt, chịu nhiều thiệt hại. Sau trận quyết chiến Trác Lộc, tuy diệt được thủ lĩnh Việt tộc là Đế Lai, chiếm được một phần đất đai nhưng người Mông Cổ vẫn thường xuyên bị tấn công trong một trận chiến du kích trường kỳ. Mặt trận càng mở rộng thì quân Mông Cổ càng phải dàn mỏng ra và lâm vào tình thế bất lợi. Từ thực tế chiến trận, kẻ xâm lược nhận ra: không thể toàn thắng người Việt bằng bạo lực. Mặt khác, từ thực tế cho thấy nguồn thức ăn dồi dào, đất đai rộng rãi, người đông đúc nên không bắt buộc phải tàn sát diệt chủng hoặc nô lệ hoá kẻ bại trận. Do vậy, ở những nơi chiếm được, người Mông Cổ thực thi chính sách mềm dẻo: dành cho người Mông làm quan cai trị, làm công nghiệp, thương nghiệp, để cho người Việt giữ nguyên quyền cày cấy trên đất của mình, đi lính, làm tạp dịch và đóng một mức thuế vừa phải. Nhận thấy người Việt hiền lành, ưa cuộc sống tự do, thích ca múa… nên các thủ lĩnh Mông Cổ tôn trọng nếp sống của người Miêu Việt, dùng âm nhạc, ca múa phủ dụ. Nhờ vậy, dần dần giữa người Mông và người Việt xây dựng được cuộc chung sống tương đối hoà thuận. Do sống chung đụng, đã có cuộc hoà huyết giữa người Bách Việt và người Mông Cổ, tạo ra chủng mới là Mongoloid phương Nam. Việc hoà huyết này như phản ứng dây chuyền tràn lan rất nhanh, chỉ vài ba thế hệ, phần lớn người Việt trong vùng bị chiếm cũng như người Mông Cổ chiếm đóng biến thành chủng Mongoloid phương Nam. Sắc dân này trở nên thành phần chủ thể của dân cư thời Đào Đường, nhà Hạ, Thương, Chu. Khi Lưu Bang lập nước Hán thì họ được gọi là người Hán. Trên thực tế, người Hán chỉ ra đời từ sau năm 2600 TCN, là con lai giữa người Mông Cổ phương Bắc và người Bách Việt.

Do mang hai dòng máu của Viêm Đế và Hoàng Đế, người Trung Hoa sau thời Hoàng Đế đã tiếp thu hai nguồn văn hoá Bách Việt và Mông Cổ để xây dựng nền văn hoá Trung Hoa rực rỡ, trong đó có việc hoàn thiện công cụ bói toán.

Có thể công cụ bói toán mà sau này có tên là Dịch được ra đời như sau:

Khám phá thiên nhiên huyền bí là khát vọng lớn lao của con người. Khát vọng lớn lao không kém nữa là dự đoán những may rủi, hoạ phúc đến với cộng đồng cũng như tới số mệnh của từng con người. Một công cụ để bói toán là điều bức xúc. Do quan sát thiên nhiên, dần dà con người biết được sự vận hành của mặt trăng, mặt trời, các vì sao cùng mối liên quan của chúng với trái đất. Người ta cũng phát hiện ra hai yếu tố Âm, Dương cùng với Ngũ hành sinh khắc chi phối toàn bộ sự vận hành của Vũ trụ. Tới một lúc nào đó, những trí tuệ sáng láng nhất trong cộng đồng hình dung ra Vũ trụ là Thái cực như một vòng tròn chứa nghi Âm và nghi Dương. Lưỡng nghi cọ xát thành Tứ tượng, Tứ tượng cọ xát thành Bát quái… Do quen với chữ Nòng Nọc nên lúc đầu người ta dùng Nòng 0-0 để ký hiệu nghi Âm và Nọc 0 ký hiệu nghi Dương. Tới lúc nào đó, hai ký hiệu toán nhị phân trên được cải tiến thành vạch đứt - - tượng trưng cho Âm, vạch liền – tượng trưng cho Dương. Chồng những tượng Âm, Dương lên nhau thành Tứ tượng rồi Bát quái, trùng quái là việc không mấy khó. Cái khó hơn, khiến đau đầu người xưa là làm cách nào bố trí hợp lý 8 quái trên hoành đồ rồi viên đồ. Càng khó hơn khi bố trí một thứ tự thoả đáng cho 64 quẻ trong mối tương quan đa chiều giữa quẻ này và quẻ khác trên phương đồ, viên đồ… Bằng sự kiên trì của loài kiến, dần dần người xưa cũng tìm ra Bát quái khả dĩ phục vụ cho mục đích của mình: Tiên thiên Bát quái. Có thể Phục Hy là người sáng chế ra Bát quái Tiên thiên này mà cũng có thể Ngài đã tổng kết hàng nghìn Bát quái trong dân gian để thành Tiên thiên Bát quái. Rồi dùng Tiên thiên Bát quái như một la bàn, Phục Hy đã sắp xếp vị trí 64 quẻ theo trật tự hợp lý nhất, đó là Trùng quái Phục Hy. Trùng quái Phục Hy trở thành cuốn sách bói truyền đến Thần Nông dưới tên Liên Sơn, tới Hoàng Đế có những bổ sung cải tiến và được gọi là Quy Tàng. Hai công cụ bói toán này truyền qua thời Nghiêu, Thuấn, Hạ, Thương… Trong dân gian người ta cũng dần dần phát hiện ra những bất cập, những sai lệch của Liên Sơn, Quy Tàng. Vì vậy tự nhiên, không ít đề nghị cải tiến sách bói được đưa ra. Theo truyền thuyết, Văn Vương là thánh nhân đáp ứng được việc này. Có thể do chính Ngài phát minh ra, cũng có thể Ngài tổng hợp những phương án xuất hiện trong dân gian, thành Bát quái mới mà sau này được gọi là Hậu thiên Bát quái hay Bát quái Văn Vương. So với Bát quái của Phục Hy, Bát quát Văn Vương là thành tựu nổi bật vì là 1 trong 24 đồ hình đạt được 6 đối xứng (theo Trần Quang Bình). Dựa vào Hậu thiên Bát quái, Văn Vương bố trí lại 64 quẻ rồi trước tác ra quái từ, hào từ, đưa sách bói thành công cụ bói ưu việt và Dịch ra đời. Năm trăm năm sau Văn Vương, Khổng Tử san định Dịch, viết Thập dực, làm cho Dịch có diện mạo như hiện nay và được xếp vào Ngũ kinh.

Dựa vào phát hiện những dấu vết Dịch trên gốm Phùng Nguyên, trên trống đồng Đông Sơn, việc tìm thấy bản Dịch tại Mã vương đôi miền Hồ Nam cùng những bản sách Dịch thời Thần Nông, Hoàng Đế bên sông Hoàng Hà, ta có thể nhận định rằng: Bát quái, trùng quái được người Bách Việt sáng tạo trên địa bàn rộng lớn từ bên sông Hồng sông Mã, tới Dương Tử, Hoàng Hà. Không phải ngẫu nhiên mà trên quốc kỳ của Đại Hàn dân quốc có đồ hình Thái cực và Bát quái. Họ chính là hậu duệ của dòng U Việt mà tổ tiên từ 3-4 nghìn năm TCN đã góp phần sáng tạo ra Dịch.

Có thể có tình huống thế này: cũng như những chiếc búa đá mài được người Hoà Bình đưa lên Trung Nguyên, sau đó là giống lúa, giống gà, giống chó… Bát quái, rồi trùng quái cũng được người Phùng Nguyên sáng tạo rồi theo chân người Việt di cư mang tới bên sông Dương Tử, Hoàng Hà.

Việc sáng chế là một quá trình hàng ngàn năm, bắt đầu là Bát quái Tiên thiên rồi Bát quái Hậu thiên. Đến khi người Phùng Nguyên khám phá ra Bát quái chuẩn, là Bát quái Lạc Việt thì xảy ra sự cố người Mông Cổ xâm chiếm đất đai Bách Việt. Cuộc di cư lên phía bắc từ hàng vạn năm bị chặn đứng. Do không có người đi lên mà chỉ có người chạy loạn trở về nên nhiều yếu tố mới của văn hoá phương Nam, trong đó có Bát quái Lạc Việt không được đưa lên phương Bắc. Tíếp đó là những tao loạn thời Chiến Quốc càng làm khó con đường đi lên của người Việt. Tiếp theo là Thục Phán chiếm ngôi của Hùng Vương rồi nhà Tần xâm lăng. Không còn cách nào khác, người Âu Lạc đành khắc Bát quái Lạc Việt lên trống đồng để cất giữ. Do người xưa ký thác một cách quá bí hiểm nên kẻ xâm lăng phương Bắc thủ đắc trống hơn 1000 năm cũng như con cháu sau này tuy có tìm thấy trống cũng không thể giải mã nổi. Đến ngày nay, nhờ cố công của nhiều thế hệ người Việt và nhờ vào phương tiện khoa học hiện đại, những tác giả như Đoàn Nam Sinh, Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Nguyễn Thiếu Dũng, Trần Quang Bình tìm lại được đồ hình Bát quái Âu Lạc trên trống đồng, tranh Đàn Lợn của Làng Hồ, tranh Ngũ Hổ đình Hàng Trống… Cố nhiên những khám phá này cần được kiểm chứng công nhận sự chính xác.

Dù thế nào đi nữa thì chúng ta cũng vô cùng biết ơn người Trung Hoa anh em có công cực kỳ lớn lao trong việc tiếp thu sách bói Liên Sơn, Quy Tàng từ tổ tiên Bách Việt rồi bỏ công sức, trí tuệ xây dựng nên Kinh Dịch với diện mạo hiện nay, một đỉnh cao của trí tuệ nhân loại.

2. Khi đi tìm công cụ bói toán, người xưa buộc phải khám phá bản chất cùng sự vận hành của Vũ trụ.

Không phải duy nhất một con đường đến La Mã thì cũng không phải chỉ một con đường duy nhất phát hiện bản chất vũ trụ là việc bói cỏ thi. Có thế là cùng với những quẻ Dịch, đã phát hiện ra hai công cụ bói toán khác là Hà đồ và Lạc thư dùng để bói rùa. Dựa vào việc bố trí những chấm Âm, Dương trên Đồ, Thư được vẽ trên mai rùa, khi nướng vỏ rùa, người ta căn cứ trên những vết nứt để định quẻ rồi giải đoán bằng Dịch. Như vậy là, dù được sáng tạo ra một cách độc lập nhưng Hà đồ, Lạc thư cùng phục vụ cho việc bói toán. Do cùng là những công cụ mã hoá bản chất và sự vận hành của Vũ trụ nên Đồ, Thư và Bát quái có những tương đồng do quy chiếu vào bản chất vũ trũ. Tới thời gian nào đó, Đồ và Thư được gộp chung vào Liên Sơn, Quy Tàng và Chu Dịch. Khi san định Chu Dịch, Khổng Tử thấy trước mắt mình tất cả Quái, Đồ, Thư nên Ngài mặc nhiên tin rằng cả 3 là thành phần bất khả phân ly của sách Dịch. Vì vậy Ngài cho rằng, thánh nhân (những vị tài giỏi sống rất lâu trước mình) nhận được Đồ, Thư từ sông Hà sông Lạc rồi theo đó vạch quẻ: “Hà xuất Đồ, Lạc xuất Thư, thánh nhân tắc chi.” Chính lời nói này khiến cho hậu thế nhầm theo là từ Hà đồ, Lạc thư mà làm ra Bát quái. Điều này không đúng với logic của tư duy: Quái đơn giản hơn Đồ, Thư nhiều nên theo tư duy logic thông thường, quái phải được làm ra trước Đồ, Thư. Hoặc giả cả ba cùng được tìm ra một cách riêng rẽ. Dầu sao mặc lòng thì cũng không thể từ Đồ, Thư mà làm ra Bát quái. Và quả như những chứng minh ở trên cho thấy, Đồ, Thư không liên quan tới Bát quái. Khổng Tử đã lầm nhưng cháu ông là Khổng An Quốc lại lầm hơn khi đưa ra những yếu tố dị đoan là con Long mã trên sông Hà, con Thần quy trên sông Lạc. Sự thêm thắt vô sở cứ này dẫn hậu nhân đến hoang đường lầm lạc và khiến cho hậu thế gọi ông là tội đồ của Dịch.

<H3 class=spip>III. Kết luận</H3>1. Từ chứng minh ở trên, ta có thể tin được rằng, Kinh Dịch nguyên là công cụ bói toán do người Bách Việt sống từ sông Hồng, sông Mã tới Dương Tử, Hoàng Hà sáng tạo. Khoảng 2800 TCN, Phục Hy đã từ những đồ hình Bát quái lưu hành trong dân gian, sáng tạo ra Tiên thiên Bát quái. Dựa vào cái la bàn này, Ngài đã sắp xếp một cách tương đối thoả đáng các quẻ trong mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, trở thành sách bói toán hữu dụng. Văn Vương dựa vào những bát quái do dân gian phát hiện, đã sáng tạo nên Hậu thiên Bát quái rồi từ đây điều chỉnh vị trí các quẻ và sáng tác quái từ, hào từ, đưa cuốn sách bói toán trở thành Chu Dịch. Bằng công trình san định của mình, Khổng Tử đã đưa Chu Dịch trở thành bộ kinh điển đứng hàng đầu trong kho tàng tri thức nhân loại.

2. Tuy nhiên tới nay cũng chưa thể nói Kinh Dịch là tác phẩm hoàn chỉnh, không còn điều gì để bàn bạc sửa chữa. Đọc bộ Dịch do Chu Hy truyền lại, không thiếu những chỗ người đọc phải chấp nhận một cách khiên cưỡng là chỉ dấu cho thấy điều này. Dịch vốn là công cụ bói toán, vậy mà gần hai ngàn năm nay, những nhân tài xuất chúng về bói toán chỉ đếm không hết trên đầu ngón tay, cho thấy bản thân công cụ bói toán có vấn đề. Vấn đề ở đây là do người Trung Hoa chỉ có thể đạt tới Bát quái Văn Vương với 6 đối xứng. Từ Bát quái bất toàn này đã dẫn đến những thiếu sót nghiêng lệch trong việc sắp xếp các quẻ, khiến việc viết quái từ, hào từ, thập dực thiếu chính xác.

Tôi cho rằng, Tiên thiên, Hậu thiên, rồi Trung thiên đồ chỉ phản ánh từng bước con người khám phá sự vận hành của vũ trụ. Do nhận ra đồ hình Bát quái của Phục Hy còn thiếu sót bất cập, trước thời Văn Vương, người xưa đã tìm ra một đồ hình khác. Khi đặt tên cho đồ hình mới này là “Hậu thiên”, thì đồng thời gọi đồ hình của Phục Hy là “Tiên thiên” để phân biệt. Về nguyên tắc, Tiên thiên Bát quái là vô nghĩa, vì lúc đó Vũ trụ chưa sinh, thì làm gì đã có những Càn, Khôn cùng sự vận hành? Một vũ trụ chưa có (tiên thiên) làm sao có thể tác động tới con người ở thời Hậu thiên? Nhưng trên thực tế, Tiên thiên đồ đã là công cụ bói toán hữu hiệu. Điều này chứng tỏ cái tên “tiên thiên” đặt cho đồ hình Phục Hy là không chuẩn.

Ngày nay, khi nhận ra sự thiếu sót bất cập của Bát quái Văn Vương, con người cần phải tìm ra bát quái tiến bộ hơn. Tác giả Trần Quang Bình có công đã tìm ra Bát quái chuẩn (Bát quái Lạc Việt). Từ đây, công việc phải làm là xây dựng bộ Dịch mới theo chỉ đạo của Bát quái chuẩn: xếp lại đồ hình của 64 quẻ cho thật chính xác, từ đó chỉnh lại những chỗ chưa phù hợp của quái từ, hào từ, hệ từ…

Cũng trong ý nghĩa trên, Trung thiên đồ là một bước trung gian tiến tới đồ hình chuẩn. Khi phát hiện ra đồ hình chuẩn, Trung thiên đồ không còn cần thiết nữa.

3. Dịch là cuốn sách triết lý về Vũ trụ và nhân sinh nên sự chính xác của những luận đoán của nó phụ thuộc chặt chẽ vào vị trí, tức toạ độ của người dùng Dịch, do sự chi phối của lực hút Trái đất cùng tác động của các thiên thể. Giữa Việt Nam và Trung Quốc có khoảng cách về địa lý, múi giờ khác nhau. Dịch do người Trung Hoa làm ra như hiện nay chưa thật chính xác đối với người Trung Hoa thì độ chính xác sẽ kém đi đối với người ở vĩ độ khác. Xin dẫn ra đây một thí dụ từ bài viết của Nguyễn Thiếu Dũng:

“Câu lợi Tây Nam, bất lợi Đông Bắc không phù hợp với thực tiễn Trung Quốc vì con đường sống của họ luôn dịch chuyển từ Tây Bắc sang Đông Bắc, hành trình các kinh đô của các triều đại Trung Hoa thường đi từ núi ra biển: Tây An - Trường An - Lạc Dương - Khai Phong - Bắc Kinh. Đó là hành trình ngược với lời hào ba quẻ: Giải, Khôn, Kiển.”

Vì vậy nên chăng, người Việt Nam nên dựa vào Bát quái Lạc Việt làm ra cuốn Dịch Việt Nam để phục vụ tốt hơn cho nhân dân, đất nước mình.

4. Thoạt kỳ thuỷ, Dịch là sách bói. Có thời kỳ việc bói toán bành trướng làm Dịch bị suy đồi. Nay ta đang ở thái cực khác, coi bói toán là mê tín dị đoan nên trên phương diện chính thống, bị bài bác vùi dập. Đấy lại là một cực đoan. Cực đoan là tiêu cực. Nên chăng chúng ta ủng hộ cả hai cánh của Dịch học - triết lý và dự báo - để Dịch vừa phục vụ con người triết lý vừa phục vụ con người tâm linh? Dự báo tương lai với những cát hung hoạ phúc là khát vọng lớn của con người từ tuổi ấu thơ. Khát vọng đó ngày nay và có lẽ mãi mãi không bao giờ vơi cạn. Vì vậy việc cần làm là biến Dịch thành môn khoa học dự báo tương lai đạt tới độ tin cậy cao chứ không phải như lạc đà vùi đầu trong cát để phủ nhận bói toán. Cần đưa Dịch thành môn học trong trường phổ thông để công dân tương lai không bị mù dịch, ngu ngơ trước quy luật vận hành của Vũ trụ, đứng ngoài thành tựu văn hoá của tổ tiên. Trong lĩnh vực này, cuốn Tám chữ Hà Lạc và quỹ đạo đời người của nhà văn Xuân Cang dựa theo sách Học Năng vận dụng vào việc phác thảo chân dung các nhà văn là việc làm tích cực: từ 8 chữ trong ngày tháng năm sinh của một người, nhà bói Dịch vạch ra những quẻ cho ta biết những gì có thể xảy đến với ta theo từng năm tháng. Dựa vào đấy người ta có thể hạn chế những điều hung và phát huy những năm tháng thuận lợi trong cuộc đời, hạn chế bớt những bi kịch do thiếu hiểu biết. Đây mới là những thử nghiệm nhưng là thử nghiệm mang tính nhân văn cao nên cần khuyến khích.

HVT, Sài Gòn cuối Đông Bính Tuất, © 2007 talawas

Xem thêm Hà Văn Thuỳ: "Tìm lại cội nguồn tổ tiên, cội nguồn văn hoá"

nguồn dongtac.net

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites