Posted 18 Tháng 3, 2010 Thứ Năm, 18/03/2010, 06:15 Gian nan hành trình tìm mộ danh nhân Hoàng Hoa Thám Kỳ 1: Nghi vấn ở thung Đồng Sinh (ANTĐ) - Tháng 9-2008, Báo An ninh Thủ đô đã khởi đăng loạt bài xung quanh những giả thiết về nơi người Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám trút hơi thở cuối cùng, phần mộ ông hiện nằm ở đâu tại các địa danh như Mai Trung, Hiệp Hòa, Làng Trũng, Ngọc Châu, Tân Yên, hay Hố Lẩy, Đồng Gia, Tân Hiệp... 12 năm qua, hậu duệ của cụ Hoàng Hoa Thám cũng đi tìm cụ ở khắp đất Bắc Giang, nhưng đều không có kết quả. Mọi việc tưởng như chững lại, thì vào cuối tháng 12-2009 một lần nữa, vấn đề này tiếp tục được xới xáo lên... Việc tìm kiếm phần mộ danh nhân Hoàng Hoa Thám giờ không còn là chuyện riêng của gia đình mà đã có sự vào cuộc của Sở VH-TT&DL Bắc Giang cùng UBND huyện Yên Thế. Hố khai quật tại thung Đồng Sinh, Tân Lập, Lạng Sơn 12 năm hy vọng... Chuyện tìm kiếm mộ danh nhân Hoàng Hoa Thám được các cháu, chắt của cụ khởi động cách đây tròn 12 năm. Mặc dù, nhiều sử sách cùng các tài liệu cũ của Thực dân Pháp đã khẳng định, Đề Thám bị giặc giết tại Hố Lẩy, Tân Hiệp, Yên Thế vào sáng mùng 5 Tết tức ngày 10-2-1913. Giặc chặt đầu cụ cùng hai thủ hạ nộp cho đồn trưởng chợ Gồ rồi bêu trước cổng chợ lớn của đồn binh. Sau một thời gian, giặc Pháp mang đầu cụ xuống Cao Thượng thiêu xác và đầu rồi đổ tro xuống trước ao thành Phủ Mọc... Sử sách ghi là thế, tuy nhiên nhiều người lại tin rằng, đó chỉ là trò lòe bịp của thực dân Pháp, và chiếc đầu bị bêu nhiều ngày đó là của ông sư chùa Lèo - một người có gương mặt hao hao giống Đề Thám. Gia đình cụ Hoàng cũng tin rằng, cụ không bị hành hình gần 100 năm trước. Và thế là, trong suốt những năm qua, với ước nguyện mang được cụ về gần với con, với cháu, cuộc tìm kiếm cụ bắt đầu.... “Tổng chỉ huy” của cuộc tìm kiếm dài hơi này là bà Hoàng Thị Hải, (con gái cả của ông Hoàng Hoa Phồn - con trai út của cụ Đề Thám). Không có tư liệu nào ghi về những ngày tháng cuối cùng của cụ, cũng không có cả nhân chứng, vì thế, cuộc tìm kiếm là vô cùng gian nan. Những thông tin để làm cơ sở cho cuộc tìm kiếm chỉ là những câu chuyện lưu truyền trong gia đình, trong dân gian. Ngày ấy, bà Hải cùng các con đã đi hết Hiệp Hòa, Tân Yên, rồi Yên Thế. Cứ nhà ngoại cảm nào có tiếng, là gia đình tìm đến nhờ giúp đỡ. Nhưng rồi, kết quả không được như mong muốn. Đến năm 2005, bà Hoàng Thị Hải mất, mọi công việc tìm kiếm khi đó được chuyển giao cho người con thứ 2 của ông Hoàng Hoa Phồn là bà Hoàng Thị Điệp cùng hai chắt ngoại là Nguyễn Quốc Khánh và Trịnh Trường Long. Cuộc khai quật bắt đầu... Nhận thấy việc tìm mộ cụ Hoàng Hoa Thám là vấn đề lớn, bản thân gia đình không thể đảm đương nổi. Vì thế, vào tháng 4-2009, gia đình đã có đơn đề nghị gửi chính quyền tỉnh Bắc Giang, Cục Di sản văn hóa, Viện Sử học, Hội Khoa học lịch sử và Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người. Toàn cảnh thung Đồng Sinh, Tân Lập, Lạng Sơn Nhất trí với đề nghị của gia đình, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bắc Giang đã giao trách nhiệm cho Sở VH-TT&DL Bắc Giang kết hợp với UBND huyện Yên Thế và bộ môn Cận tâm lý - Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người xây dựng phương án tìm mộ danh nhân Hoàng Hoa Thám. Sau 8 tháng kết quả nghiên cứu của bộ môn Cận tâm lý xác định, rất có thể, phần mộ cụ Hoàng Hoa Thám đang yên nghỉ tại một trong hai nơi là Tân Lập, Hữu Lũng, Lạng Sơn hoặc ở Làng Trũng, Ngọc Châu, Tân Yên, Bắc Giang. Chính vì vậy, việc tìm phần mộ cụ Hoàng Hoa Thám được chia làm 2 giai đoạn là tại Lạng Sơn và Bắc Giang. Giai đoạn 1 bắt đầu từ cuối tháng 12-2009, địa điểm tiến hành khai quật thuộc thung Đồng Sinh, Đồng Mạ, Tân Lập, Hữu Lũng, Lạng Sơn. Đây cũng là nơi mà Sở VH-TT&DL Bắc Giang đã nhiều lần khảo sát trước khi việc tìm kiếm chính thức bắt đầu. Thung Đồng Sinh, Đồng Mạ là một thung lũng rộng, ba bề bốn bên được bao bọc bởi dãy núi Cai Kinh. Để vào được thung chỉ có duy nhất một con đường là lội bộ qua Hang Tối - một hang đá rộng thông từ bên này sang bên kia dãy núi. Mùa mưa, nước dâng ngập cửa hang, mùa khô, nước rút, chỉ còn đến bắp chân người lớn. Theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu, giả thiết Hoàng Hoa Thám trút hơi thở cuối cùng ở đây cũng khá hợp lý. Thứ nhất, đây từng là đại bản doanh của Cai Kinh - người đầu tiên gây dựng phong trào khởi nghĩa Yên Thế cũng là thầy của Hoàng Hoa Thám (sau này người dân lấy tên Cai Kinh làm tên gọi cho cả dãy núi) vì thế, sau này khi bị Pháp truy bắt, rất có thể Hoàng Hoa Thám đã về đây ẩn náu. Đây cũng là nơi có địa hình lý tưởng cho việc phòng thủ và quan sát quanh vùng, vì dãy núi này là nơi giáp ranh, một mặt quay về Võ Nhai, Thái Nguyên, một mặt là Hữu Lũng, Lạng Sơn và bên kia là Yên Thế, Bắc Giang. Việc khai quật tại Lạng Sơn chính thức được thực hiện vào sáng 27-12-2009, dưới sự tư vấn của các thành viên bộ môn Cận tâm lý - Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, tuy nhiên, hố khai quật mà các thành viên của bộ môn Cận tâm lý đã không cho kết quả mong muốn. Trong khi đó, tại hố khai quật bên cạnh được mở đồng thời với hố khai quật của bộ môn Cận tâm lý, đã tìm thấy một số dấu tích, chứng tỏ có di cốt người... Có điều, các nhà ngoại cảm tư vấn cho việc mở hố khai quật đó lại không thuộc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, không có tên trong danh sách đoàn tham gia thăm dò, khai quật khảo cổ. (Còn tiếp) Quỳnh Vân - Việt Anh Copyright © 2007 Báo An ninh Thủ đô Share this post Link to post Share on other sites