wildlavender

Từ Chuyện Người Chèo Bè Nghĩ Về Lòng Tự Trọng Của Dân Tộc

1 bài viết trong chủ đề này

Từ chuyện người chèo bè nghĩ về lòng tự trọng của dân tộc.

Một doanh nghiệp không có lòng tự trọng sẽ không bao giờ làm nên thương hiệu. Bởi thiếu tự trọng, họ sẽ cho ra đời những sản phẩm của sự vô trách nhiệm. Và những sản phẩm như thế sẽ không bao giờ tồn tại lâu dài hay có khả năng chinh phục xã hội. Một dân tộc không có lòng tự trọng sẽ mãi mãi phụ thuộc như một thứ nô lệ vào dân tộc khác. Một dân tộc không có lòng tự trọng không có khả năng hiện thực hoá giấc mơ độc lập, tự do, văn minh và phồn thịnh của mình. Một dân tộc đánh mất lòng tự trọng trước sau sẽ dẫn đến mất nước mà lại không hề hay biết gì.

Mới đây, một bài báo trên Vietnamnet kể về một thanh niên làm nghề chèo bè chở khách du lịch ở thác Bản Giốc khi được khách cho thêm tiền đã không nhận. Câu chuyện tưởng như rất bình thường nhưng đã làm không ít người đọc xúc động. Lý do làm cho người chứng kiến hành động của người thanh niên kia phải cầm bút viết một bài báo khá dài và làm cho người đọc xúc động có lẽ bởi lâu nay lòng tự trọng của chúng ta đã và đang bị đánh mất trong cuộc sống thường nhật.

Lâu nay, việc người ta tìm cách để " móc túi" người khác một cách phi lý và không một chút áy láy lương tâm như đã trở thành lẽ tự nhiên. Một sự thật mà hầu hết những người Việt Nam đều biết là cứ thấy ai là người nước ngoài thì rất nhiều những người tham gia làm dịch vụ du lịch từ khách sạn, nhà hàng đến xích lô, bán hàng lưu niệm... đều tìm cách lấy được từ những khách du lịch ngoại quốc này thêm đồng nào hay đồng ấy mà không cần nghĩ đến những ảnh hưởng xấu của việc làm đó.

Sự "khôn lỏi" và sự "ăn xổi" để kiếm thêm một hai đồng lẻ chỉ riêng trong khu vực của những người tham gia làm các dịch vụ du lịch đã đánh mất đi những lợi ích lớn hơn rất nhiều và có tính lâu dài. Nó cho thấy chúng ta thiếu tư cách của những chủ nhân và thiếu một tư duy chiến lược cho sự phát triển lĩnh vực mình kinh doanh.

Một lần, tôi thấy hai thanh niên đi hát rong mà chúng ta vẫn thường gọi là "ăn mày" đứng hát trước một quán cà phê. Họ ăn mặc sạch sẽ, có hệ thống âm thanh khá tốt, thuộc nhiều bài hát và hát khá đúng nhạc. Có những người dè bỉu họ "ăn mày" còn chơi sang. Nhưng tôi có suy nghĩ khác. Tôi gọi họ là "những người hát rong". Cho dù nghề hát rong kiểu này ở xã hội chúng ta vẫn coi là "ăn mày". Họ đứng hát nhưng không cầm cái mũ như thông thường dúi vào tay khách hay kỳ kèo ép khách phải cho tiền.

Họ biểu diễn thực thụ cho dù chỉ là những người hát rong. Sự lao động một cách chân chính và trong sạch của họ đã chiếm được cảm tình của rất nhiều người uống cà phê ở đó. Nhiều người uống cà phê nói với họ hãy thường xuyên đến quán cà phê đó hát. Những người uống cà phê này không phải là những người mê giọng hát hay phong cách biểu diễn của họ hơn những ca sỹ chuyên nghiệp hay các DIVA trong nước mà là có cảm tỉnh với thái độ lao động của họ.

Tôi đã hỏi hai thanh niên kia cần gì mà họ phải ăn mặc nghiêm chỉnh như thế, chuẩn bị đồ nghề kỹ như thế và có một "chương trình biểu diễn" khá phong phú như thế. Họ trả lời "Làm gì cũng phải cho đàng hoàng. Đói cho sạch, rách cho thơm chú ạ". Đấy chính là lòng tự trọng. Nếu không có lòng tự trọng ấy thì hai thanh niên "ăn mày" kia không được những người uống cà phê có cảm tình như thế. Lòng tự trọng của hai thanh niên "ăn mày" đã làm ra tư cách và thương hiệu của họ. Những người uống cà phê ở đó đã gọi họ là Ban nhạc hai chàng trai.

Trên đây là những câu chuyện rất nhỏ của những cá nhân bé nhỏ trong xã hội. Nhưng câu chuyện của họ chính là câu chuyện về lòng tự trọng cho cả một quốc gia. Bản chất của vấn đề ấy không có gì khác giữa một cá nhân vô danh và một quốc gia cho dù rộng lớn đến nhường nào. Lòng tự trọng hay nói một cách khác là tư cách của một con người hay một quốc gia không phụ thuộc vào sự giàu ngèo của cá nhân đó hay quốc gia đó trong một giai đoạn nào đó.

Trong những năm tháng chiến tranh, con người Việt Nam phải chịu biết bao mất mát, đau thương và sống trong đói ngèo, nhưng cũng trong những năm tháng ấy, lòng tự trọng của những cá nhân con người Việt Nam cho đến lòng tự trọng của dân tộc Việt Nam đã làm nên tư cách của mình. Một người trốn tránh nghĩa vụ của mình đối với tổ quốc như đóng thuế, tham gia quân đội... sẽ là sự hổ nhục của cả gia đình, dòng họ và cũng là sự hổ nhục của cộng đồng nhỏ anh ta sinh sống trong đó như làng xóm hoặc khối phố.

Posted Image

Nùng Mạnh Hùng - người chèo đò tự trọng dưới chân thác Bản Giốc. Ảnh: K.Trung

Có những đứa trẻ hồi đó nhặt được một chiếc bút chì hay một viên tẩy của bạn học cùng lớp nhưng không muốn trả lại đã bần thần suốt đêm chờ sáng hôm sau đến lớp thật sớm để lại những vật ấy vào bàn của người bạn có những vật ấy bị mất. Nhưng bây giờ, trong một đời sống vật chất có thể nói được cải thiện gấp cả trăm lần thì lòng tự trọng kia lại giảm đi cả trăm lần. Chúng ta từng chứng kiến có những người vi phạm luật pháp và ăn cắp tài sản của Nhà nước, của Nhân dân mà vẫn sống với thái độ như chẳng có chuyện gì.

Cách đây mấy năm, báo chí nói về một cán bộ quản lý phạm tội tham nhũng khi bị Toà tuyên án vẫn "nở" một cái cười như chẳng có chuyện gì thậm chí là một cái cười nghênh ngang. Đó chính là một cú đấm thẳng mặt của sự xỉ nhục vào lòng tự trọng của toàn xã hội. "Cái cười" của kẻ ăn cắp đó tựa như lời tuyên bố láo xược và như một thách thức trắng trợn của một lối sống phi nhân cách trước xã hội. Trước kia, một người ăn cắp một ổ trứng gà bị phát hiện đã bỏ làng đi vì xấu hổ. Ngày nay, có những người ăn cắp hàng chục tỷ đồng của tập thể vẫn "nhe răng cười". Sự thật này nói với chúng ta một cách rõ ràng và logic rằng: lòng tự trọng của xã hội đang bị đưa ra làm trò cười.

Pháp luật của Nhà nước đã không tha cho những hành động phạm pháp như thế. Nhưng chúng ta phải nhận thức ngay rằng: lòng tự trọng hay nói cách khác là nhân cách sống của xã hội đã và đang bị nhạo báng và phá vỡ ở những chỗ nào đó rất quan trọng trong cấu trúc đạo đức xã hội. Một bác sỹ bạn tôi đã nhận xét những "Cái cười" kia theo "bệnh nghề nghiệp" của mình là: Những vi khuẩn gây bệnh chỉ có thể ngang nhiên hoạt động trong một môi trường thiếu trong sạch.

Và đến lúc này, chúng ta phải vứt đi lòng tự ái vặt để nói với nhau rằng: Môi trường sống của xã hội chúng ta đang có những vấn đề nhiễm độc trầm trọng. Chúng ta chỉ lấy ví dụ về hai thành phần của xã hội ở mọi quốc gia là thầy thuốc và thầy giáo. Đấy là hai thành phần mà cái xấu khó xâm nhập nhất. hai thành phần này là đại diện cho nhân cách của mọi quốc gia. Nhưng khoảng mươi năm trở lại đây, có những hình ảnh của thấy thuốc và thầy giáo đã làm cho cả xã hội kinh hoàng.

Một giám đốc bệnh viện nói: số y, bác sỹ nhận tiền của bệnh nhân chỉ là con sâu bỏ rầu nồi canh. Một cán bộ quản lý giáo dục nói: số thầy, cô đánh đập học sinh, đổi tình lấy điểm... chỉ là những con sâu bỏ rầu nồi canh. Đúng vậy. Tỷ lệ theo số đếm của những thầy thuốc, thầy giáo mất nhân cách chiếm rất nhỏ so với số lượng thầy thuốc và thầy giáo hiện có. Nhưng thưa các vị, tỷ lệ của sự suy đồi thì tăng vọt. Nó cho thấy số lượng những con người suy đồi trong hai thành phần đặc biệt nhất của xã hội đang tăng lên còn mức độ suy đồi thì còn tăng hơn nữa. Chẳng lẽ hiện thực này không nói với các vị một điều gì ư?

Đấy là những ví dụ cụ thể về lòng tự trọng của con người mà chúng ta có thể quy thành tội theo các điều khoản của luật pháp. Nhưng bên cạnh đó, sự thiếu tự trọng của chúng ta còn thể hiện ở nhiều nơi trong đời sống xã hội cho dù sự thiếu tự trọng đó chưa kết thành tội. Đó chính là một lối sống cẩu thả và bừa bãi mà mỗi người chúng ta nhắm mắt lại cũng có thể liệt kê ra một con số không nhỏ. Những điều đó được thể hiện trong lối sống và trong thái độ ở các công sở, ở rạp hát, ở công viên, ở đường phố, ở bến tàu, bến xe... và ở ngay cả những chốn linh thiêng như đền, chùa hay các di tích văn hoá và lịch sử khác.

Tôi có nói đến lòng tự trọng sẽ làm nên nhân cách và thương hiệu của con người đó, của công ty đó hay của quốc gia đó. Sự cố của Toyota vừa qua đã đánh vào lòng tự trọng lớn nhất của những người thực sự có trách nhiệm của Hãng xe hơi lớn nhất thế giới này. Chính lòng tự trọng của người Nhật đã làm nên thương hiệu đó. Và cũng chính vì sự thiếu trách nhiệm trong một lúc nào đó đã làm cho thương hiệu của họ bị đổ vỡ qúa lớn. Trách nhiệm cũng chính là một yếu tố đặc biệt quan trọng làm nên lòng tự trọng. Một tập đoàn khổng lồ như Toyota mất vài tỷ đô la không làm cho ông Chủ tịch tập đoàn khóc. Ông đã khóc vì thương hiệu của tập đoàn đã bị đổ vỡ. Hay nói cách khác, lòng tự trọng của ông và những người làm nên danh tiếng của Toyota đã bị vấy bẩn.

Một doanh nghiệp không có lòng tự trọng sẽ không bao giờ làm nên thương hiệu. Bởi thiếu tự trọng, họ sẽ cho ra đời những sản phẩm của sự vô trách nhiệm. Và những sản phẩm như thế sẽ không bao giờ tồn tại lâu dài hay có khả năng chinh phục xã hội. Một dân tộc không có lòng tự trọng sẽ mãi mãi phụ thuộc như một thứ nô lệ vào dân tộc khác. Một dân tộc không có lòng tự trọng không có khả năng hiện thực hoá giấc mơ độc lập, tự do, văn minh và phồn thịnh của mình. Một dân tộc đánh mất lòng tự trọng trước sau sẽ dẫn đến mất nước mà lại không hề hay biết gì.

Tác giả: Nguyễn Quang Thiều

nguồn tuanvietnamnet.vn

3 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay