Thiên Sứ

DiỄm XƯa

3 bài viết trong chủ đề này

“Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn trở về

14/03/2010 1:14

Posted Image

Người đẹp "Diễm xưa" của Trịnh Công Sơn trong vòng vây của báo chí - Ảnh: B.N.L

Lần đầu tiên sau hơn 50 năm im lặng trước mọi suy đoán, giả thiết..., người đẹp Diễm xưa của Trịnh Công Sơn đã công khai mối tình huyền thoại với cố nhạc sĩ tài hoa.

Buổi giao lưu diễn ra chiều tối ngày 12.3 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế (TP Huế), do TS triết học Thái Kim Lan cùng một nhóm bạn Huế xưa tổ chức mang tính nội bộ giữa những người bạn Huế với thầy cô và bạn bè sau hơn mấy mươi năm xa cách. Thế nhưng, sự có mặt của Diễm xưa đã gây sự chú ý rất lớn đến các bạn trẻ, báo giới tại Huế và người yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn.

Về người đẹp Diễm trong Diễm xưa, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi còn sống đã từng tự bạch: “Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường Đại học Văn khoa ở Huế... Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường. Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận... Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là "Diễm của những ngày xưa".

Diễm xưa của Trịnh Công Sơn tên thật là Ngô Thị Bích Diễm, con gái của ông Ngô Đốc Kh., người Hà Nội, dạy Pháp văn tại trường Đồng Khánh và trường Quốc Học Huế. Về bản thân mình, người đẹp Diễm xưa chỉ tâm sự vắn tắt: “Tôi sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên ở Huế, trưởng thành ở TP.HCM, sau đó đi du học nước ngoài và bây giờ cùng chồng và các con định cư ở Mỹ”.

Theo hồi ức của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và nhiều người cùng thời với bà có mặt tại đêm giao lưu thì bà Bích Diễm ngày xưa giống bố, người gầy và dong dỏng cao, nét mặt thanh tú, bước đi thong thả nhẹ nhàng... Qua thời gian, Diễm xưa bây giờ đã là một mệnh phụ, tuy nhiên khuôn mặt, dáng người, phong thái vẫn còn lưu dấu những nét đẹp kiêu sa, đài các một thời.

Riêng những kỷ niệm về Trịnh Công Sơn và về bài hát Diễm xưa, người đẹp nói: “Đây là một kỷ niệm đẹp, hãy để như thế cho nó đẹp...”. Thế nhưng, một đôi điều về kỷ niệm xưa cũ ngọt ngào cũng đã được hé lộ: Bà quen biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua họa sĩ Đinh Cường, thời ấy (khoảng những năm 1960) là một học trò Pháp văn của cha bà. Nhà bà ở 46 đường Phan Chu Trinh, bên kia sông An Cựu, đối diện với nhà cũ của Trịnh Công Sơn ở đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Huế. Trong thời gian hai người quen biết nhau, có lần bà tặng cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn một nhánh hoàng lan đầy hoa rất lớn bẻ từ nhà bà, và điều này đã trở thành một “cú sốc” tình cảm lớn đối với nhạc sĩ, theo như lời kể lại của em gái nhạc sĩ với bà sau này...

Trò chuyện tại buổi giao lưu, nhà văn Bửu Ý - một người bạn thân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - cho rằng: “Sinh thời, Trịnh Công Sơn có đến hơn... 23 người tình. Tuy nhiên, do mối tình đầu với bà Bích Diễm quá sâu nặng cho nên những mối tình sau này, thật ra Trịnh Công Sơn chỉ là đi tìm hình bóng của bà Diễm trước đó mà thôi”.

Bùi Ngọc Long

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

"Diễm Xưa" nay về

Nhân vật Diễm Xưa của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng. Cũng lần đầu tiên, chuyện tình Diễm Xưa - Trịnh Công Sơn được công khai.

Không tờ rơi hay một tấm giấy mời, cuộc gặp mặt các cựu nữ sinh Đồng Khánh (Huế) đêm 12-3 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế vẫn thu hút rất đông văn nghệ sĩ, trí thức, công chúng yêu mến Trịnh Công Sơn.

Diễm Xưa, nay về

Posted Image

Người đẹp "Diễm xưa" của Trịnh Công Sơn trong vòng vây của báo chí - Ảnh: B.N.L

Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng kể về cô gái Diễm Xưa như là sự liên hệ về một mối tình liêu trai, như thực như mơ; một dung nhan diễm kiều nhưng mong manh như chợt mơ hồ, tan biến.

Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (Huế) cũng từng tả Diễm Xưa là cô gái giống cha, dong dỏng cao, nét mặt thanh tú, bước đi thong thả nhẹ nhàng.

Tuy vậy, nhà nghiên cứu này cũng bộc bạch, khi viết tác phẩm Trịnh Công Sơn, có một thời như thế, ông rất khó khăn trong việc tìm kiếm hình ảnh của cô Diễm Xưa để đưa kèm bài.

Diễm Xưa nổi tiếng, vượt ra khỏi biên giới Việt Nam từ lâu. Nhưng cô gái trong ca khúc thì rất hiếm người tận kiến, thậm chí cả những người Huế, nơi Diễm được cho là từng có thời gian dài sinh sống.

Posted Image

Diễm Xưa Ngô Thị Bích Diễm (trái) lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng - Ảnh: Ngọc Văn

Một dấu hỏi lớn vẫn tồn tại lâu nay, nhân vật Diễm Xưa chỉ là một ảo ảnh, một mộng tưởng tình duyên vô thực hay...

Cuộc gặp mặt những cựu nữ sinh Đồng Khánh theo sáng kiến của nữ trí thức Việt kiều Thái Kim Lan (hiện sống ở Đức), với cả sự xuất hiện của nhân vật Diễm Xưa, đã gợi cho công chúng Huế nhiều tò mò.

Họ dự buổi gặp mặt để nghe nhạc Trịnh, nhưng cũng để được thấy một Diễm Xưa bằng xương bằng thịt. Để rồi đêm 12-3, Diễm Xưa đã thực sự về lại chốn xưa sau hàng chục năm xa Huế, để lần đầu tiên công khai chuyện tình cảm của chị với cố nhạc sĩ họ Trịnh.

Diễm Xưa kể rằng, tên thật là Ngô Thị Bích Diễm, người Hà Nội, theo gia đình vào Huế từ năm 1952. Cha là một giáo sư giảng dạy tại Trường Quốc học Huế. Chị từng học trung học tại Trường Nữ sinh Đồng Khánh.

Năm 1963, chị rời Huế vào Sài Gòn học đại học, sau đó du học sang Mỹ và định cư ở đó cho đến nay. Chị hiện là một cán sự xã hội chuyên nghiệp ở Cali, Mỹ.

Posted Image

Diễm Xưa - Ngô Thị Bích Diễm - Ảnh: Ngọc Văn

Trong bầu không khí dạt dào tình cảm, Bích Diễm tâm sự: “Huế với tôi có một tình cảm vô cùng sâu đậm. Đó là một tình yêu chân thành của tôi với sông nước, với con người xứ Huế, với tất cả; và tất nhiên, là với anh Trịnh Công Sơn”.

Tiến sĩ Thái Kim Lan xúc động: “Bao năm qua, Diễm đã im lặng, thay vì nói rất nhiều. Đặc biệt, sau khi anh Trịnh Công Sơn mất. Sự im lặng của bạn tôi khiến tôi vô cùng thán phục. Cuộc gặp mặt hôm nay liệu có phá vỡ một huyền thoại mang tên Diễm Xưa ?”.

Không dám tự nhận

Giải thích về sự im lặng đi qua hơn nửa thế kỷ, Diễm Xưa cho rằng: “Mỗi chúng ta đều mang một tâm sự hay kinh nghiệm nào đó trong quá khứ cho đến hiện tại. Có những dấu ấn xuất phát từ biến cố của cuộc sống, ám ảnh của chiến tranh, chia ly.

Vì vậy, tôi luôn giữ yên lặng để nghĩ về Huế. Hơn nữa, cái bóng của anh Sơn quá lớn. Tôi thấy, anh Sơn cũng có những cung bậc tình cảm, tâm sự của những con người như vậy, và đã đi qua nó bằng ý nghĩa triết lý Phật giáo, để tạo nên cho đời những bài nhạc bất hủ. Tôi rất yêu thương Huế, bởi trong tôi có một phần là người Huế”.

Cũng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với Bích Diễm, tình cảm giữa hai người như là một kỷ niệm liêu trai. Chị kể, hai người quen nhau tình cờ qua họa sĩ Đinh Cường (hiện sống tại Mỹ).

Hồi đó, Bích Diễm ở gần dốc Bến Ngự, phía bên kia sông An Cựu. Nhà có cây dạ lan hương tỏa hương quyến rũ, khiến Trịnh Công Sơn ở phía bên này sông rất thích.

Bích Diễm từng tặng cho Trịnh Công Sơn một cành dạ lan hương rất lớn, gây chấn động mạnh về tình cảm đối với nhạc sĩ họ Trịnh. “Sau này, hai người em của anh Sơn nói lại với tôi về điều đó. Với tôi, anh Sơn giống như một dòng sông, êm đềm, sâu lắng”, Bích Diễm hồi tưởng.

Lần đầu tiên bộc lộ chuyện tình cảm riêng tư với cố nhạc sĩ họ Trịnh trước công chúng, Bích Diễm vẫn e dè: “Tôi không bao giờ dám nhận mình là Diễm Xưa. Tôi thấy nó lớn quá, lớn ngoài sức tưởng tượng của mình. Tôi không biết điều đó đúng hay sai. Nhưng dẫu sao, cũng như suy nghĩ của nhiều người, đó là một mối tình rất đẹp”.

Theo Ngọc Văn

Posted Image

Diễm của những ngày xưa

Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết bài này để kể về Diễm Xưa. Tiền Phong xin in lại toàn văn. Duy chỉ có tít bài thì đặt lại theo trí nhớ, không rõ có chính xác không, vì nguồn văn bản trên Internet không có tít bài.

Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Trường Đại học Văn khoa ở Huế.

Posted Image

Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng, ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhạt nhòa trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt...

Nhà cô ấy ở bên kia sông mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.

Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung.

Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng, mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho một người thì có quan trọng gì đâu. Những bước chân ấy từ mọi phía đổ về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá cũ kỹ.

Đi để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên.

Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết.

Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn và một phần nào cũng cứu rỗi cho con người ta khỏi vành đai tục lụy.

Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất như không có thực.

Nhưng thật sự thực và mơ là gì? Thật ra, nói cho cùng, cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời, khá dài lâu, những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm thêu hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình.

Đó cũng là thời gian mà mỗi sớm tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, chuyền đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ hay đang đóng kín cửa.

Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không bóng hình, không màu sắc. Chỉ có cái chết của những người già, vào mùa đông giá rét mới làm sực tỉnh và bỗng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh.

Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường.

Đi đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoang lạc của giấc mơ.

Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn.

Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.

Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là “Diễm của những ngày xưa”.

Trịnh Công Sơn

Share this post


Link to post
Share on other sites

“Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn lần đầu tiên xuất hiện

(Dân trí) - Được cho là người tình đầu tiên của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, nhân vật “bí ẩn” đã đi vào huyền thoại trong sáng tác “Diễm xưa” của chàng thi sĩ họ Trịnh, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng.

Posted Image

Giáo sư Thái Kim Lan (bên phải) giới thiệu bà Ngô Thị Bích Diễm với mọi người

Xuất phát cho ý tưởng độc đáo này là giáo sư Thái Kim Lan, hiện đang công tác tại CHLB Đức. Qua lời mời của cô Lan, Ngô Thị Bích Diễm (Diễm) đã đồng ý về Huế gặp gỡ một buổi duy nhất với công chúng. Tuy nhiên khách được mời hạn chế qua điện thoại, chỉ những người thân quen, một thời gắn bó với Trịnh.

Cuộc gặp gỡ quá đặc biệt không được thông báo trước đã diễn ra tại trung tâm văn hóa Liễu Quán, TP Huế, tối 12/3 vừa qua.

“Sau khi Trịnh Công Sơn mất, Diễm đã trở thành một huyền thoại. Từ đó đến giờ, rất ít ai biết hình bóng cô Diễm trong tuyệt phẩm Diễm xưa là ai. Hôm nay, sự im lặng đó được phá vỡ”, Thái Kim Lan tâm sự.

Posted Image

"Diễm" ngày xưa đã trở về

Posted Image

...và đã thu hút sự quan tâm của khách mời, bạn bè tại buổi giao lưu

Posted Image

Bà Diễm tâm sự những điều chưa nói đã quá lâu. Kể từ khi Trịnh Công Sơn mất, bà hoàn toàn im lặng với quá khứ

Nhà văn hóa Huế, giáo sư Bửu Ý, đã kể lại một câu chuyện tình về Sơn và Diễm. “Ngày xưa, cây cầu Phủ Cam tuy ngắn nhưng đầy duyên nợ. Trịnh Công Sơn ở căn gác tầng 2, số nhà 11/03 đường Nguyễn Trường Tộ. Hàng ngày, chàng cứ đứng lấp ló sau cây cột, lén nhìn một người đẹp. Nàng đi bộ từ bên kia sông, qua cầu Phủ Cam, dạo gót hồng dưới hàng long não, ngang qua chỗ Sơn ở là chàng cứ sướng ran cả người. Một tình yêu “hương hoa” kéo dài cho đến cuối đời chàng. Sau này, mỗi một mối tình tiếp theo của Sơn đều có hình ảnh cô gái đó. Tên cô là Diễm, người đã tạo cảm xúc cho Sơn sáng tác vô số bản tình ca bất hủ”, lời kể của giáo sư Bửu Ý.

Tao ngộ Huế sau bao nhiêu năm “ẩn giấu”, bà vẫn mặc một áo dài Huế xưa, chân đi hài. Nét mặt hiền, nhân ái và hay cười nhẹ. Độ tuổi 60 vẫn không làm mất đi nhan sắc thuở nào của “Diễm”. Sự có mặt của Diễm đã làm thỏa lòng toàn bộ mọi người có mặt trong khán phòng.

Trên nền, đầy lá và hoa...

Một chất giọng Bắc xưa nhè nhẹ cất lên, Bích Diễm đã thổ lộ cùng khán giả “Huế đối với tôi thật bình yên. Trong Huế có một tình yêu. Từ lâu tôi đã giữ im lặng. Quá nhiều kỷ niệm từ thời thơ ấu tại Huế. Dù đi xa đã lâu nhưng tôi vẫn yêu nơi đây như ngày ban đầu. Trong con người quý nhất là tình cảm. Anh Sơn đã lồng hết những cung bậc đó vào nhạc. Xin cảm ơn anh Sơn, cảm ơn Huế vì sự đón tiếp nồng hậu”. Những câu nói bị ngắt ý giữa chừng vì xúc động của bà đã làm không ít người đồng điệu rơi nước mắt.

Trên nền guitar và piano sâu lắng, nhiều người bạn đã hát tặng “Diễm xưa” những ca khúc tên tuổi của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, mà trong đó không thể thiếu ca khúc Diễm xưa.

Bài, ảnh: Đại Dương

Theo báo Dân trí.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay