cutu1

HỘi ChỨng Âm DƯƠng

1 bài viết trong chủ đề này

HỘI CHỨNG ÂM DƯƠNG

Ở cái thời mà tôi cũng như bao đứa bạn bè khác cùng lứa ở trong làng, thường là từ sáng tới tối chỉ chạy nhẩy, rong chơi, nghịch ngợm khắp nơi. Là giai đoạn trong cuộc sống của mỗi người mà sau này thường được gọi là "cái thời mặc quần thủng đít" ấy. Nó thật là đẹp đẽ và khó quên. Khó quên đến nỗi mà sau này mỗi khi chợt nhớ lại nó thì ngay lập tức tôi như là kẻ "mất trí dại khờ" hoặc như bị "hồn lìa khỏi xác" vậy. Ấy là nghe theo lời người đã nhìn thấy tôi khi đó kể lại thôi, chứ lúc đó thì tôi đâu có biết gì. Quãng đời đó thật đẹp, chỉ tiếc là không được dài mãi.

Một buổi sáng nọ, sau khi đã nhét hai củ khoai lang luộc vào bụng, tôi chuẩn bị "tót" đi chơi như bao ngày khác thì thầy tôi chợt gọi tôi lại mà rằng : "Con à, chơi bời lêu lổng mãi rồi, từ bây giờ phải học chút gì đó để sau này mà được thành người". "Quái lạ ! Thế bây giờ tôi không phải là người chắc ?". Nghĩ trong bụng vậy thôi, chứ tôi đâu có dám nói ra điều đó với thầy tôi, chết đòn ngay. Nói xong, ông chìa cho tôi hai tờ giấy bản kín đặc những thứ loằng ngoằn, xoắn xuýt lấy nhau trông như cái xích chó vậy, cái mà thầy tôi thường gọi là chữ ấy. "Cho mày một tuần trăng để học hết những gì ở trong này, bắt đầu từ ngày hôm nay. Nếu không xong thì mày dờ hồn đấy" - Thầy tôi nói tiếp. Tôi biết rằng, cái "sự đó" đã đến, cũng như nó trước đây đã từng lần lượt đến với các anh chị trên tôi. Thế là hết, hết thật rồi với tất cả những cuộc chơi đẹp đẽ và đầy thú vị. Hết thật rồi với những con dế cụ có đôi càng bóng nhẫy, rắn chắc, sắc mạnh và cả với những chú chuồn chuồn ngô khỏe mạnh, sặc sỡ bay lượn khắp nơi.

Mất toi ba ngày thì tôi mới có thể "phiên dịch" và "cài vào bộ nhớ" xong hai cái tờ giấy đầy sự rối rắm về cả bên ngoài lẫn bên trong, cả hình dạng cũng như bản chất đó. Rồi những ngày tiếp theo là "xử lý" vấn đề và cái này thì tôi thực sự có "vấn đề" thật. Cái gì là âm dương chớ, tại sao lại phải phân biệt làm gì ? Cứ để nguyên như vậy thì có chết ai. Thật là rắc rối. Lại nữa, chúng còn động đậy, chạy qua chạy lại, tác động hoặc đánh nhau gì đó. Tất cả làm tôi chóng hết cả mặt và chẳng khoái tí nào. Làm sao bằng được khi nhìn chú dế kiêu hùng của mình dũng mãnh xông vào một con dế khác trong một cuộc "chọi" kia. Để rồi sau đó tôi được chúng bạn kính nể thêm vì luôn có được một chú dế vô địch.

Rồi thì cái hạn "trả bài" kia cũng đã đến. Đó là một buổi chiều xâm xẩm thật khó quên. Ấy là khi mà màu vàng của nắng cuối thu đã nhạt mầu trên mọi vật. Là lúc con gà mái mẹ cất tiếng tục tục gọi đàn con để cùng chúng bạn về chuồng nghỉ nghơi. Cũng là khi trên tất cả các mái bếp trong làng đều đang bốc lên một làn khói mờ nhạt, mỏng manh phất phơi theo gió heo may, báo hiệu một bữa ăn tối đầm ấm cho mọi người. Trong nhà, Thầy bu tôi đã ngồi chờ tôi ở trên cái ghế tựa dài có tay vịn ở hai đầu, cái mà người ta thường hay gọi là "trường hay tràng kỷ" với nét mặt hiền hòa thân yêu vốn có ở họ. "Thầy bu là âm dương, thầy là dương, còn Bu là âm" - tôi bắt đầu. Thầy tôi gật gù, một tay vê vê mồi thuốc lào rồi ấn vào cái nõ của chiếc điếu bát rất cổ, mà nghe đâu nó được truyền lại từ nhiều đời ông cụ tổ trước. Còn Bu tôi thì mặc dù đang bận nhai trầu bỏm bẻm cũng mỉm cười hài lòng. Sau đó Thầy tôi nhịp nhịp cái xe điếu, cái mà ông thường dùng nó bằng mồm để hút khói thuốc từ cái điếu bát, về phía tôi mà rằng : "Tiếp tục đi". Còn tay kia thì ông vớ lấy một que đóm châm lửa để bắt đầu hút thuốc lào, cái sự khoái khoái rất thường của ông. Còn Bu tôi thì vẫn yên lặng với vẻ hài lòng hiện rõ và nhìn tôi với cái nhìn trìu mến. Thấy cảnh như vậy tôi bèn "ứng khẩu" ngay : Dương động, âm tĩnh. Thầy tôi đã sẵn sàng ở cái tư thế mà sẽ làm cho cái điếu bát sẽ rên lên tành tạch một cách sung sướng như mọi khi, bỗng chợt đờ ra. Một thoáng im lặng, có thể nói là tuyệt đối, bao trùm trong không gian, nơi mà chúng tôi đang hiện hữu. Ngọn lửa đã bén lên sát hai ngón tay mà thầy tôi đang cầm giữ que đóm. Chắc là nóng lắm và còn bị bỏng nữa chứ chẳng chơi - tôi thoáng nghĩ. Còn Bu tôi thì ngay lập tức không còn bỏm bẻm nữa và nhìn tôi không chớp mắt. " Sai rồi, không thằng nào động. Âm dương đều tĩnh cả" - tôi tự nhủ và lên tiếng chữa: "Không phải, con nói nhầm ạ. Âm dương đều tĩnh, không có thằng nào động". Thầy tôi chợt đứng phắt dậy, bước nhanh về phía cái tủ áo đứng gần đó và rút từ trên nóc tủ ra một cái mà chúng tôi vẫn quen biết nó với tên gọi là roi mây. Cái Roi mây này cũng cổ kính và hình như cũng được các cụ tổ từ xưa truyền lại y như cái điếu bát mà thầy tôi vẫn thường dùng kia. Các cụ tổ quả thật là chu đáo với con cháu, ai nấy đều có phần cả. Nhưng cái Roi mây này thì chỉ dùng cho chúng tôi, những đứa con cháu không theo hoặc không giữ được những thứ hay là cái gì đó vốn là niềm tự hào của các cụ đã dày công gây dựng nên. Cái roi này nghe đâu là một loại dây leo nào đó ở trên chốn rừng xanh núi thẳm xa tít kia, chứ không giống cái loại dây dại ngoài đồng mà chúng tôi vẫn thường dùng để trói nhau khi chơi đánh trận giả. Toàn thân nó có mầu vàng vàng, có chỗ sẫm nâu, tuy có vài mấu đốt nhưng luôn nhẵn bóng và óng ả một cách đám gờm. Nó to bằng cái ngón tay cái tôi hồi đó và khá mềm mại, có thể uốn thành cái vòng tròn bé như cái cạp rá vo gạo nhà tôi vẫn dùng, nhưng cũng khá cứng rắn và bền chắc. Có lần ngoài vườn tôi thấy thầy tôi quật anh tôi trượt một phát vào cây xoan to tướng cạnh đó và để lại thân cây một vết quấn tròn sâu tứa nhựa, mà cái roi thì chẳng bị hề hấn gì. "Nằm xuồng kia - Thầy tôi chỉ lên cái sập tổ bố ở giữa nhà bằng cái roi mây đó, rồi tiếp - và kéo quần xuống. Tao sẽ cho mày biết rõ, thế nào là âm dương". "Chết rồi, chết rồi. Sai hết cả rồi. Vậy thì như thế nào nhỉ ?" - tôi tự hỏi và ngoan ngoãn làm theo ý thầy tôi như một con cua gặp ếch. Ngay lập tức một trận mưa roi đổ xuống cái mông đít trần trụi, nhỏ bé của tôi. Người tôi cũng giật lên theo từng nhịp roi lên xuống một cách đều đặn, mặc dù tôi cũng đã cố hết sức để giữ cho thân mình không động đậy. Bu tôi cũng đứng phắt dậy xỉa vào tôi : "Không chịu học à, tối nay không cho ăn cơm nữa". Thôi chết, âm dương cùng động, thế này thì nguy rồi, hậu quả khó lường đây. Về vụ "âm dương cùng động" này thì chúng tôi cũng đã vài lần gặp, nhưng lần này thì có vẻ là khủng khiếp hơn nhiều. Phải chịu trận thôi - tôi tự nhủ và nghiến răng chịu đựng. Mưa mãi cũng phải tạnh, thầy tôi chấm dứt "trận mưa" với lời đe dọa : "Cho mày một tuần trăng nữa, chưa thông thì không được ra khỏi nhà. Nếu lần này không xong thì liệu mà cút đi đâu thì cút". Tôi thật sự hoảng, khi trong đầu hiện ra cái cảnh bơ vơ, trơ trọi, không người thân thích. Còn đâu nữa những lúc được xa vào lòng bu làm nũng rồi để vòi vĩnh những cái mà mình thích. Cũng hết luôn cái cảnh ôm cổ thầy bè nheo, xin xỏ khi ông ngồi dưới nền nhà vót tre. Hoặc ôm chân ông nài nỉ cầu xin, van nài khi ông đang đứng để cái làm gì đó. Chết thật rồi.

Cho đến tận bây giờ, đêm đó có thể nói là một đêm dài nhất, đáng nhớ nhất trong đời mà tôi đã trải. Đôi mông đít nhỏ bé tội nghiệp của tôi tấy đỏ, dầy đặc những vệt phồng nổi cộm của chiếc roi mây nọ. Một cảm giác khó chịu kinh khủng mà không thể dùng bất cứ lỡi lẽ hoặc từ ngữ nào mà tả cho hết. Đứng yên cũng thấy đau, mà đi lại thì còn đau hơn nữa. Lại càng không thể để bất cứ cái gì hơi răn rắn, cưng cứng chạm vào chỗ đó, nếu không thì lại nhận thêm cái cảm giác còn khó chịu hơn nữa từ đó xói thẳng lên óc. Cho đến lúc này, không chỉ tôi, mà cả các anh chị tôi cũng chưa bao giờ bị "ăn" một trận đòn ác liệt như vậy cả. Đêm đó tôi nằm "chổng khu" và không thể ngủ được với cái dạ dày rỗng luôn có cảm giác như có hàng vạn con kiến lửa đang bò và cắn đốt ở trong vậy. "Nội công, ngoại kích" quả thiệt lợi hại, phen này thì mình chết chắc rồi - tôi than thầm. Tại sao khi đó thầy bu không hoán đổi cách xử sự của nhau với tôi nhỉ ? Chuyện đó dễ ợt mà. Chỉ cần thầy tôi lấy cái câu "không cho ăn" của Bu tôi mà áp dụng cùng với cái roi mây chết tiệt kia. Còn Bu tôi thì dùng lại sự gọi là "cho ăn" của thầy tôi với bữa cơm tối thì có phải là mọi sự đều tốt đẹp rồi không. Tại sao nhỉ ? Một câu hỏi mà không dễ tìm ra câu trả lời cho xuôn xẻ, ít nhất thì cũng ở trong cái hoàn cảnh khi đó với cái đầu óc non nớt của tôi. Chỉ biết rằng, mình cần phải suy nghĩ lại về cái sự học của mình. Chắc phải là "từ nay châu lỗ xin siêng học", nếu như không muốn thấy cảnh "âm dương cùng động" mãnh liệt như vừa qua một lần nữa với mình.

Chợt lúc đó, mọi chuyện khi chiều tối lại hiện lên trong óc tôi như một cuộc xem chớp bóng. Thầy tôi - tôi, dương động đánh, âm bật nẩy theo. Thầy bu tôi cùng phạt tôi nên tôi vừa bị đau vừa bị đói. Vậy thì đúng rồi, âm dương cùng động thì mới có cái cơ sự này. Vậy thì cái câu "âm thuận tùng dương" cũng rõ rồi, cái xấu phải nhường cho cái tốt, cái yếu phải thua cái mạnh. Thằng con lười nhác ham chơi như tôi phải thuần phục cha mẹ là đúng rồi. Rồi thì cái đống lòi tói mà thầy tôi đã đưa được tôi bắt đầu gỡ dần từng mắt một. Mải mê với dòng suy luận cho đến tận khi trời tờ mờ sáng với tiếng gà gáy đồng loạt, rộn ràng thì tôi mới thiêm thiếp đi vào giấc ngủ.

Nhiều năm sau đó, hễ tôi nghe thấy hoặc đọc được hai từ âm dương ở đâu đó là mông đít tôi lại chợt nóng rát lên như bị lửa đốt. Và trong bụng thì lại như có hàng vạn con kiến lửa đang thi nhau cắn xé cái dạ dày khốn khổ của tôi. Cho dù ngay cả khi tôi đang ngâm mình trong dòng nước mát của con sông cái đầu làng với cái bụng no đầy, thì cái "vụ" đó cũng không đỡ hơn được chút nào. Theo ngôn ngữ hiện đại bây giờ thì "cái sự đó" được gọi là hội chứng. Cho nên tôi cũng gọi nó là cái " Hội chứng Âm dương" của tôi.

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay