Thiên Sứ

Đề bài nào cho tư vấn ngoại lập quy hoạch HN mới?

4 bài viết trong chủ đề này

Đề bài nào cho tư vấn ngoại lập quy hoạch HN mới?

07/08/2008 09:45 (GMT + 7)

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Đức Chính trao đổi với Tuần Việt Nam về đầu bài Việt Nam đặt ra cho các tư vấn nước ngoài trong cuộc tuyển lựa chuyên gia tư vấn quy hoạch cho Hà Nội mở rộng.

Lựa chọn nhà thầu lập quy hoạch HN mở rộng

Hướng tới thủ đô hiện đại với cách tiếp cận khác nhau

- Bộ Xây dựng đã ra đầu bài cho các nhà thầu tư vấn lập quy hoạch Hà Nội mở rộng như thế nào?

Câu hỏi mà Hội đồng đặt ra cho các nhà thầu tư vấn là làm sao Hà Nội phải hiện đại, nhưng giàu bản sắc và phát triển bền vững.

Posted Image

Ảnh: photobucket.com

Trước hết, tư vấn nào cũng hướng tới xây dựng Hà Nội đạt yêu cầu quy mô dân số của thành phố từ 10-12 triệu dân. Thứ hai là kết nối được đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh, hay nói cách khác là đô thị con nằm trong sự phát triển của đô thị mẹ. Sự gắn kết đó phải là gắn kết hữu cơ, và có hệ thống giao thông hiện đại để kết nối, đảm bảo quá trình phát triển bền vững về mặt tổ chức không gian, cảnh quan, giao thông, đặc biệt là hệ thống cây xanh, mặt nước, bảo vệ môi trường sinh thái.

- Tại sao trong 12 nhà thầu, Bộ Xây dựng lại chọn 3 nhà thầu này? Ý tưởng họ đưa ra có điểm gì khiến chúng ta ấn tượng?

Từ 12 nhà tư vấn, chúng tôi chọn được 7 nhà tư vấn sau 3 cuộc họp. Đến cuộc họp thứ 6, chúng tôi tiếp tục chọn ra 3 nhà tư vấn là công ty Arata Isozaki của Nhật Bản kết hợp với Metropolitan của Hà Lan, Công ty Posco E&C của Hàn Quốc liên doanh với công ty Jina Architect, Perkins Eeastman của Mỹ và công ty RTKL của Mỹ.

Rất khó để chọn được 1 nhà tư vấn từ 3 nhà tư vấn này vì họ đưa ra 3 ý tưởng khác nhau cho một thủ đô hiện đại, đáp ứng yêu cầu 10-12 triệu dân. Điều khó nhất là phải xác định được sẽ đi theo hướng nào, cách tiếp cận, tính độc đáo và ý tưởng như thế nào?

Công ty Arata Isozaki của Nhật kết hợp với Metropolitan của Hà Lan đưa ra ý tưởng quy hoạch Hà Nội trở thành Thủ đô trong lòng thành phố siêu lập thể, một thành phố lớn đa cực phát triển bền vững dựa trên lý luận Hà Nội hiện là một trong những TP phát triển nhanh và độc đáo nhất thế giới. Nền kinh tế phát triển nhanh chóng đã làm mất cân bằng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Họ đưa ra phân tích lấy ví dụ thành phố Washington DC là thành phố bàn cờ, hay Bắc Kinh... theo kiểu hướng tâm.

Theo họ, mô hình TP đa cực sẽ làm cho Hà Nội phát triển một cách cân bằng, không gây tác động xấu đến môi trường và các khu vực phát triển mở rộng xung quanh. Bằng cách tạo ra nhiều đô thị phụ trợ, đô thị vệ tinh sẽ làm giảm gia tăng lượng dân số, áp lực giao thông, ô nhiễm tại các khu trung tâm.

Họ đưa ra hệ thống kết nối Internet, kết nối thông tin cao, một dạng quy hoạch thành phố thông minh. Sự kết nối này giúp cho từ thành phố này sang thành phố kia gần như là một, tạo sự thống nhất trong tất cả hành động.

Công ty Posco E&C của Hàn Quốc liên doanh với công ty Jina Architect, Perkins Eeastman của Mỹ lại nêu cao triết lý: một TP tạo nên cho người dân cảm giác mình thuộc về TP đó, TP đó là cả một chuỗi các trải nghiệm.

Họ nhấn mạnh hành lang xanh là lớn nhất, có thể 60% dành cho phát triển hệ thống cây xanh, mặt nước. Tổ chức cây xanh, mặt nước với dòng sông Hồng, sông Đáy, sông Tích như thế nào? Công viên, rừng, nông nghiệp kỹ thuật cao, kết hợp với rau quả, hoa... tổ chức như thế nào trong cả dải đô thị. Ý tưởng của họ là tìm cách sử dụng hiệu quả nhất đất nông nghiệp.

Quan điểm của nhà thầu này là Hà Nội nên có tập trung mật độ cao, vừa để mang đến tiềm năng tăng trưởng, hạ thấp chi phí cho cơ sở hạ tầng. Đất xây dựng đô thị 40% nằm xen kẽ trong hành lang xanh và được phân bố tương đối đều.

Công ty RTKL của Mỹ lại có bước đi khác. Họ nhấn mạnh khai thác dòng sông và mặt nước. Sông Hồng là một hành lang cây xanh mặt nước đem lại không gian mở phục vụ du lịch và nghỉ dưỡng cho TP. TP có định hướng tập trung ưu tiên cao cho người đi bộ. Các trung tâm hỗ trợ sẽ có hướng phát triển thành các điểm trung chuyển quy mô vừa và nhỏ, là yếu tố kết nối trong chuỗi đô thị của Vùng Thủ đô.

Chọn tư vấn, tiêu chí nào?

- Ngoài những ý tưởng và cách thức tiếp cận như trên, làm thế nào để thẩm định được chính xác năng lực thực tế của 3 nhà thầu này?

Quan điểm của Chính phủ là phải mời được những tư vấn hàng đầu thế giới. Những nhà tư vấn được chọn để trình Chính phủ đều phải trải qua quá trình xem xét, nghiên cứu, chấm điểm nghiêm túc và khó khăn của Hội đồng tuyển chọn.

Hội đồng này không chỉ bao gồm các chuyên gia quy hoạch, quản lý đô thị của Bộ Xây dựng, mà có cả đại diện của 3 hội nghề nghiệp là Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.

Các tiêu chí để lựa chọn bao gồm:

Thứ nhất, họ phải có năng lực thiết kế. Năng lực ấy căn cứ vào tuổi đời của công ty tư vấn. Có công ty có tuổi đời cả trăm năm, có công ty vài ba chục năm, có công ty chỉ có mươi năm... Họ sẽ phải chứng minh được họ đã làm bao nhiêu công trình tầm cỡ trên thế giới và đặc biệt là các công trình thủ đô của các nước. Có công ty họ cũng từng thiết kế Washington D.C mở rộng, Paris, Tokyo hay Seoul...

Thứ hai, phải xem họ đã thực hiện bao nhiêu đồ án qui hoạch chung cho các đô thị, qui hoạch chi tiết và đặc biệt là vấn đề tổ chức không gian mà họ tham gia ở các đô thị quốc tế. Chúng tôi xem xét đến chức danh của người làm chủ dự án. Ông ấy là ai? Tên là gì? Thí dụ Agasa Izosaki là thế hệ thứ hai sau Kenzota của Nhật Bản, ông ấy là một trong những kiến trúc sư hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực qui hoạch đô thị.

Thậm chí, Hội đồng phải chấm đến cả những người tham gia vào dự án ấy là ai? Ai phụ trách mảng giao thông, kinh tế, nước, môi trường, tài chính...?

Ngoài ra, có riêng một tổ tư vấn điều tra xem các nhà thầu có thứ hạng ra sao trên thế giới, kinh nghiệm và tài chính như thế nào để Hội đồng thẩm định.

Điều quan trọng là chấm ý tưởng, trên cơ sở bản vẽ, đơn vị đấu thầu sẽ trình bày ý tưởng và Hội đồng dựa trên đó để đánh giá xem ý tưởng ấy thuộc loại nào, trường phái nào, có gần gũi và phù hợp với mình hay không?

Mở rộng về hướng Tây, lấy sông Hồng làm trục

- Hà Nội mới sẽ ưu tiên kiến trúc thấp tầng hay nhiều cao ốc?

Vấn đề không phải là cao tầng hay thấp tầng mà là hiện đại. Thành phố được đánh giá dựa trên chất lượng cuộc sống, môi trường đi lại thuận tiện, sạch sẽ, xanh, giá cả hợp lý...

Chuyện có nhà cao tầng với đô thị đông dân là quan trọng, bởi nó tiết kiệm đất lớn. Đó là yêu cầu và chủ trương của mọi quốc gia, kể cả nước rộng như Mỹ, Nga. Xây dựng nhà cao tầng cũng thể hiện sự hoành tráng và khoa học. Hơn nữa không gian tấp nập của các khu tài chính, chứng khoán, ngân hàng mà có những khu cao tầng như của New York là ví dụ khiến người ta cảm nhận được độ hiện đại và tráng lệ của một đô thị. Nhà ở cũng cần cao tầng để tiết kiệm đất. Dù yếu tố không gian, địa lý, kỹ thuật sẽ tính toán, còn có cao tầng là đương nhiên đối với một đô thị hiện đại còn mức độ như thế nào cần phải tính toán.

- Tất cả đều mong muốn một Thủ đô hiện đại, chất lượng đô thị cao. Nhưng có không ít chuyên gia trong và ngòai nước khuyến cáo đừng biến Hà Nội thành bất kỳ thành phố nào, New York, hay Bắc Kinh, Thượng Hải, Bangkok vì Hà Nội có những nét rất riêng, rất đẹp. Vậy bản sắc Hà Nội sẽ được giữ gìn như thế nào trong quy hoạch mới này?

Hà Nội được các chuyên gia về quy hoạch đô thị thế giới đánh giá là một đô thị đẹp, ấn tượng, triển nhanh, nhưng có nhiều nét nổi trội và văn hóa riêng.

Posted Image

Không gian mặt nước, cây xanh... là một nét đặc trưng hấp dẫn của Hà Nội.

Mặt nước, cây xanh là ưu việt của Hà Nội, có phố cổ, hội trường Ba Đình. Nói cách khác, trung tâm truyền thống của thủ đô Việt Nam có ý nghĩa về mặt đô thị học và rất hấp dẫn đối với người làm quy hoạch đô thị. Không phải thủ đô nào cũng có 36 phố phường như Hà Nội, dù qua nhiều thời kỳ phát triển, vẫn giữ được không gian đô thị có bản sắc, nhất là trung tâm chính trị Ba Đình, rất mở, rất xanh và giàu truyền thống Việt Nam.

Khi phát triển về phía Tây, chúng ta có rừng Ba Vì, có hệ thống núi ở phía Tây, có sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, làng nghề, chùa chiền, miếu mạo nổi tiếng. Đó là cảnh quan rất đặc biệt của Hà Nội khi mở rộng.

Việc mở rộng Hà Nội tạo điều kiện cho chúng ta xây dựng một không gian rất riêng để phát triển một Hà Nội mới, mở rộng theo hướng Tây nhưng hướng về sông Hồng

Các chuyên gia tư vấn rất thú vị khi đưa ra các ý tưởng của mình về Hà Nội. Hà Nội hiện nay vẫn có những nét rất truyền thống, nhưng khi phát triển, truyền thống và hiện đại kết hợp với nhau, tận dụng hết nguồn tài nguyên, tiết kiệm đất. Hà Nội mới phải là một đô thị phát triển bền vững trên cơ sở cây xanh, mặt nước, văn hóa và hệ thống giao thông hiện đại và kỹ thuật thông tin hiện đại.

Làm mất giá trị văn hóa không phải là làm quy hoạch!

- Hiện nay Hà Nội cũ, Hà Nội của 36 phố phường có thay đổi trong tổng thể của Hà Nội mở rộng hay không? Quy hoạch của Hà Nội mới có làm thay đổi hẳn quy hoạch hiện tại của Hà Nội cũ không, nhất là quy hoạch kiến trúc?

Đúng là người dân có cảm giác lo lắng khi đặt ra những câu hỏi đó. Trong quá trình quy hoạch Hà Nội mới, nguyên tắc đầu tiên là bảo tồn, phát huy những gì đang có ở mức cao hơn. Những quy hoạch nào chúng ta đang làm chưa tốt thì phải điều chỉnh, trên cơ sở đó có sự phát triển mới.

Nói như vậy để khẳng định mọi quy hoạch đều không được làm mất đi hình ảnh về Hà Nội hiện tại mà phải làm Hà Nội đẹp hơn. Ví dụ, 36 phố phường sẽ phải giữ gìn, không xây dựng xen cấy những nhà cao tầng. Tuy nhiên, chất lượng cuộc sống ở phố cổ phải tốt lên: giao thông, nước sạch...

Phố cũ cũng phải thiết kế đô thị để làm tốt hơn, phố đang xây dựng phải hoàn chỉnh và hoàn thiện ở mức độ cao hơn, đặc biệt giao thông phải thông thoáng và giải quyết thấu đáo sự liên hệ trong giao thông giữa cái cũ và cái mới.

- Trong Hà Nội mở rộng có Hà Tây là một không gian văn hóa rất đặc thù. Nhiều người lo ngại và tiếc nuối văn hóa xứ Đòai sẽ mất đi cùng với quá trình mở rộng Thủ đô. Quy hoạch mới có tính đến điều này?

Phải tính đến ngay từ đầu. Khi Quốc hội họp để thông qua đề án mở rộng Hà Nội, các ĐBQH đã đặt vấn đề: văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài trong quá trình phát triển có giữ được không hay sẽ bị trộn lẫn?

Posted Image

Văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài trong quá trình phát triển có giữ được không hay sẽ bị trộn lẫn?

Xu hướng của thế giới là phát triển trong sự đa dạng hóa. Người làm quy hoach đô thị phải giữ gìn để phát huy chứ không phải làm mai một và mất đi các giá trị văn hóa ấy. Làm mất đi giá trị văn hóa không phải là làm quy hoạch. Quy hoạch là phát triển bền vững, trong đó có cả văn hóa.

Những giá trị văn hóa của Hà Tây, Mê Linh, 4 xã của huyện Lương Sơn, Hòa Bình cần trân trọng, bảo tồn ở mức độ cao. Làm thế nào để giao thông đi lại, tổ chức cây xanh, tổ chức đô thị, tổ chức đời sống... thuận tiện nhất, tạo chất lượng cuộc sống tốt nhất nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa.

Cơ hội giải quyết tình trạng manh mún, lộn xộn

- Liệu quy hoạch cho Hà Nội mới có giải quyết được tình trạng manh mún, lộn xộn hiện nay trong quy hoạch của Hà Nội?

Cuộc đại quy hoạch cho Hà Nội mở rộng là cơ hội để chúng ta làm những việc trước đây chưa làm được. Những quy hoạch manh mún, những dự án nhỏ lẻ, chắp vá lần này, chúng ta có điều kiện giải quyết.

Trước kia, quy hoạch manh mún vì Hà Nội chỉ có 920km2 và làm gì cũng trong tà áo chật ấy, có thế nào làm thế ấy, không thể mở rộng ra.

Với Hà Nội mở rộng, những dự án gượng ép quá vì sự hạn chế kích thước cũ sẽ được nhân ra. Ví dụ ĐH Tây Nam, Hà Nội 350 ha trước ở khu vực đó, bây giờ Hà Nội mở rộng có thể chuyển ĐH ra một khu vực khác, rộng rãi hơn, tạo kết nối đô thị tốt hơn. Để ở vị trí cũ, nó sẽ tạo nên một cực phát triển, gây tắc nghẽn giao thông ngay trung tâm thành phố.

Đây là điều kiện để điều chỉnh lại tất cả các dự án mà chúng ta thấy cần thay đổi.

  • Thành Lâm

Share this post


Link to post
Share on other sites

Nếu Thủ đô phát triển "lan đều", chi phí sẽ rất đắt!

07:35' 08/08/2008 (GMT+7)

Posted Image - "Các chuyên gia nước ngoài khuyến cáo, nếu Thủ đô gần 3.300km2 mà cứ phát triển lan đều thì sẽ phải trả giá rất đắt về xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng" - Ths. KTS. Ngô Trung Hải, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Qui hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng), khách mời của Hội đồng tuyển chọn nhà thầu tư vấn nước ngoài lập qui hoạch Hà Nội mở rộng cho biết.

Hà Nội đã rộng hơn 3 lần trước kia, trở thành một Thủ đô đặc biệt, nằm trong top 20 thành phố cực lớn cả về diện tích và dân số trên thế giới. Sự đặc biệt này đã làm say sưa nhiều tư vấn nổi tiếng thế giới khi được mời đưa ra ý tưởng qui hoạch…

Các chuyên gia đã đưa ra rất nhiều suy nghĩ, ý tưởng cho Thủ đô của chúng ta. Họ cho thấy hoàn toàn có thể giải được bài toán xây dựng đô thị cỡ lớn như thế một cách tốt nhất cho tương lai - điều mà trước đó đã được đặt biết bao câu hỏi: Liệu có mô hình cấu trúc nào như vậy trên thế giới không?! Sẽ cực kỳ khó khăn trong quản lý đô thị, xây dựng qui hoạch để thực hiện ước mơ về một Hà Nội mới?!… Thế nhưng, khi được mời đưa ra ý tưởng ban đầu, các tư vấn đều đã vẽ hết sức say sưa” - ông Hải cho biết.

Posted Image

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (ngoài cùng bên trái) và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân (giữa) tại phiên họp Thường trực Chính phủ lắng nghe các tư vấn nước ngoài báo cáo ý tưởng qui hoạch Hà Nội và giới thiệu năng lực. (Ảnh: VIAP).

Theo ông Hải, rất nhiều phương án cấu trúc đô thị đã được đưa ra, mỗi phương án lại “nhìn” Thủ đô theo một cách khác nhau và chỉ nói riêng 3 ý tưởng ban đầu của 3 liên danh tư vấn nước ngoài đến từ Nhật Bản - Hà Lan, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã là 3 cách “đặt vấn đề” hoàn toàn khác biệt.

Nếu như Arata Isozaki & Associates kết hợp với Office for Metropolitan Architecture (Nhật Bản - Hà Lan) đề xuất ý tưởng xây dựng quy hoạch Hà Nội là thành phố Siêu đô thị đa cực kết nối (tạm dịch từ chữ Hyper City) - phát triển bền vững thì Perkins Eeastman - Posco/Jina (Hoa Kỳ - Hàn Quốc) khẳng định có thể qui hoạch Hà Nội đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng đến tương lai, cho rằng chỉ nên dành 40% diện tích Thủ đô làm đất xây dựng đô thị, còn 60% xây dựng hành lang xanh. RTKL (Hoa Kỳ) lại đưa ra khái niệm “Thành phố cốt lõi” cho Hà Nội mở rộng.

Tuy nhiên, đây mới là những suy nghĩ ban đầu của họ về việc này” - ông Hải giới thiệu về những ý tưởng của 3 liên danh tư vấn nước ngoài.

Hà Nội được bao bọc bởi các “thành phố ốc đảo”?

- Là một trong những người theo dõi công việc này từ đầu, ông có thể giải thích rõ hơn về khái niệm “thành phố siêu đô thị kết nối - đa cực phát triển bền vững”?

Phó Viện trưởng Ngô Trung Hải: - Ở đây, các chuyên gia dùng thuật ngữ “hyper city” để chỉ về một thành phố cực lớn, cho rằng đó là mô hình của thế kỷ XXI, gồm nhiều thành phố nhỏ (vệ tinh) cộng lại với nhau thành một “siêu đô thị”, khác hẳn mô hình “siêu đô thị” của thế kỷ XX là một thành phố cứ phát triển rộng dần ra (sprawing) và đông người sống, như Tokyo, Bắc Kinh, Thượng Hải, Mexico...

Sau này, mỗi thành phố vệ tinh đó có thể trở thành một cực phát triển của thành phố, trở thành một điểm đô thị lớn hoặc phát triển thành một “thành phố”. Đa cực có nghĩa là đa trung tâm. Phát triển kiểu đa trung tâm như vậy rất có lợi ích trong tương lai vì thành phố sẽ không bị mắc bệnh “đầu to”, nghĩa là một thành phố quá lớn, quá khổng lồ, nén (Compact) vào trong một diện tích rất hẹp và phải trả giá rất đắt về môi trường cùng nhiều vấn đề nan giải khác. TIN LIÊN QUAN

Mô hình chia Thủ đô ra thành những thành phố nhỏ, xen lẫn rồi tập hợp tất cả chùm đô thị đó lại thành một thành phố lớn (như trên) tạm được gọi là “siêu đô thị kết nối cực nhanh”. Kết nối ở đây gồm đường giao thông cụ thể (dành cho tàu hỏa, xe điện, ô tô...) và cả “kết nối mờ” gồm các kết nối trong không gian (hệ thống thông tin liên lạc, kỹ thuật số, vệ tinh...), điều hành toàn thành phố ở một cấp độ khác khi thế kỉ XXI là thế kỉ của kỹ thuật số.

Xu hướng bền vững ở đây được hiểu là kiểu - ốc đảo - phát triển tương đối nhỏ này sẽ không xóa đi những vùng đất nhạy cảm của thiên nhiên, như: khu vực xả lũ, cây xanh, nông nghiệp... mà chủ yếu phát triển đô thị tại các vùng dân cư hiện hữu, đất xấu, núi, gò đồi.

- Các “đô thị phụ trợ”, “đô thị vệ tinh” được tạo ra như thế nào và hiện đã dự định những khu vực nào sẽ là “vệ tinh”, “phụ trợ”, thưa ông?

- Chưa, hiện nay thì chưa ai xác định gì cả, nhưng xem ra bố cục họ vẽ ứng với bản đồ của mình thì đó có thể là khu vực Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai... Tuy nhiên, họ chưa nói rõ tên những đô thị này vì coi đây mới chỉ là ý tưởng, và gọi đó là những “island city” (thành phố ốc đảo).

Posted Image

Hà Nội sẽ phát triển các "thành phố ốc đảo"? - Ảnh: photobucket.com

Các “thành phố đảo” này thực ra đã có mầm mống phát triển từ lâu, ví dụ như Sơn Tây đã là thành phố, đô thị Hòa Lạc được qui hoạch từ lâu và các chuyên gia Nhật Bản khi nghiên cứu xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc trước đây đã hoạch định đây sẽ là một “thành phố khoa học” trong tương lai.

Rồi gần đó có các đô thị vệ tinh chuyên về giáo dục đào tạo (khu đô thị đại học), chuyên về nghỉ dưỡng (đô thị sinh thái – du lịch)... Nói chung, mỗi đô thị vệ tinh sẽ có một chức năng nổi trội và đứng riêng thành một cực, được kết nối với nhau bằng “siêu liên kết” (kể trên).

Bài toán giải quan trọng nhất ở đây chính là kết nối giữa đô thị này với đô thị kia, vì hiện nay tính kết nối của các đô thị rất yếu. Quốc lộ 6, quốc lộ 32, cao tốc Láng – Hòa Lạc đều chưa hoàn thành và chưa đủ rộng do vậy tính kết nối sẽ chưa đủ mạnh.

Nếu phát triển theo xu hướng này, trong tương lai tại các đô thị phụ trợ, vệ tinh này cư dân cũng mang những nét rất riêng, ví dụ: có thành phố toàn các sinh viên trẻ, có thành phố chỉ thu hút các nhà khoa học khắp nơi về sinh sống và làm việc hay có thành phố sẽ gồm nhiều cư dân làm dịch vụ du lịch...

Các đô thị không nên trải dài toàn bộ thành phố!

- Theo ông, với dự tính “chỉ nên dành 40% diện tích Thủ đô làm đất xây dựng đô thị, còn 60% xây dựng hành lang xanh” đến lúc này đưa ra có còn kịp nữa không khi mà Hà Nội “cũ” gần như đã hết đất từ lâu, Hà Nội “mới” thì từ khi chưa hòa nhập đã được “phủ” hơn trăm dự án giao thông, đô thị, công nghiệp, du lịch?

- Có thể chưa tính toán kỹ, song bằng kinh nghiệm của tôi, 40% đất xây dựng đô thị là quá nhiều, e hơi dày! Tôi nghĩ chỉ 30% là vừa, còn lại là đồi, núi, đất nông nghiệp, cây xanh, đường giao thông...

Posted Image

Mô hình cấu trúc phát triển không gian Hà Nội định hướng đến 2030, tầm nhìn đến 2050 do Viện Kiến trúc, Qui hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) lập, trình Quốc hội tháng 4/2008.

Liên quan đến việc các dự án hiện đã chiếm bao nhiêu phần trăm thì đến nay chưa ai tổng kết, song cá nhân tôi không hoàn toàn tin rằng các dự án này sẽ hoàn tất 100% bởi đa phần các dự án này khi lập là theo chủ quan của những người làm qui hoạch và chủ đầu tư khi Hà Nội chưa có qui hoạch tổng thể mở rộng. Họ chỉ định hướng xây dựng dự án trên đất Hà Tây thôi, nhưng khi qui hoạch toàn diện Hà Nội rồi, các dự án được đặt vào bối cảnh chung Thủ đô mở rộng, sẽ thấy có dự án không trùng khớp, không hợp lý.

Đây cần được xem là điều tất yếu, và cũng đừng nghĩ rằng các dự án phải dừng lại nghĩa là đổ bể hay thất bại. Trong tương lai, Hà Nội sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư lựa chọn chính xác hơn. Càng theo qui hoạch sẽ phát triển ổn định, tốt hơn không có qui hoạch. Được biết, trước ngày 1/8, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng về các dự án có khả năng phải tạm dừng, các dự án được triển khai tiếp, và sau đây Chính phủ sẽ có hướng chỉ đạo.

- Còn các chuyên gia nước ngoài có ý kiến gì với ta về vấn đề phát triển đô thị tại Thủ đô nói chung, thưa ông?

- Cái khó nhất là phải hài hòa các dự án đô thị với nhau, nhưng vẫn đặt trong một bối cảnh phát triển hợp lý nhất và chỉ rõ xu hướng nếu phát triển theo kiểu tản mạn, trải dài toàn bộ tỉnh Hà Tây cũ là không hợp lý. Xu hướng tụ vào các điểm đô thị, tụ vào các đô thị vệ tinh sẽ tốt hơn. Các chuyên gia nước ngoài khuyến cáo chúng ta nếu Thủ đô gần 3.300km2 mà cứ phát triển lan đều thì sẽ phải trả giá rất đắt về xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng.

Trùng hợp bất ngờ

Posted Image

Phó Viện trưởng Ngô Trung Hải (Ảnh: H.H)

- Quá trình làm việc với các chuyên gia “ngoại” xung quanh vấn đề qui hoạch Thủ đô mở rộng, tiếp cận với cách nhìn và quan niệm của họ có điều gì làm ông và các đồng nghiệp (chuyên gia “nội”) bất ngờ, ngạc nhiên không?

- Chúng tôi khá bất ngờ và vui vì nhận ra những nét tương đồng, có thể nói là trùng quan điểm giữa tài liệu mà Viện chúng tôi nghiên cứu (đã trình Quốc hội tháng 4/2008) với ý tưởng của tư vấn Nhật Bản - Hà Lan. Cũng có đô thị hạt nhân và hàng loạt đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây, Đại Nghĩa, Phú Xuyên, Thường Tín và các tiểu đô thị vệ tinh... Cách đề xuất để giữ lại các khu vực này cũng hợp và trùng nhau.

Ngay cả khái niệm “thành phố cốt lõi” mà một trong các tư vấn đưa ra, dựa vào cái gốc là Hà Nội “cũ” để rồi nở ra như những cánh hoa (theo ý tưởng của nhóm RTKL) cũng trùng với suy nghĩ của chúng tôi - Hà Nội ngàn năm cũ với 3 - 4 triệu dân mãi mãi là trung tâm Thủ đô, là cơ bản, là hạt nhân, là gốc. Các khu vực khác sẽ có chức năng phụ trợ, giúp hạt nhân này hoàn thành tốt sứ mạng của một Thủ đô mà lịch sử đã tạo dựng nên.

- Xin cảm ơn ông!

"Không chỉ Hà Nội mà người dân cả nước đang dõi theo quá trình lập kế hoạch quy hoạch cho Hà Nội. Đây là trách nhiệm công dân, thể hiện lòng yêu tổ quốc. Ai cũng mong muốn được thấy một thủ đô hiện đại và phát triển.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong quá trình quy hoạch, chúng tôi cũng sẽ lấy ý kiến người dân. Cách lấy ý kiến như thế nào cho hiệu quả còn phải bàn bạc thêm. Ví dụ, Thủ tướng đề nghị làm một khu triển lãm quy hoạch, làm mô hình sa bàn để người dân tới xem, góp ý. Đó cũng là một cách góp ý.

Chúng tôi cũng sẽ mời các nhà khoa học tham gia. Các công dân trong quá trình theo dõi sẽ gửi thư đến và chúng ta phải lắng nghe các ý kiến đó.

Mọi người dân yêu nước và có trí tuệ đều có thể góp ý và được lắng nghe, ghi nhận".

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn.

Tràng An Nguyễn (thực hiện)

Quý vị sẽ chọn ý tưởng nào trong số 3 ý tưởng nêu trên?

Share this post


Link to post
Share on other sites

Phim Thái Tổ Lý Công Uẩn: Sao còn chưa quyết?

TT - Tôi đang theo đoàn làm phim ký sự truyền hình Đi tìm dấu tích ba vua do đài truyền hình TP.HCM (HTV) và Công ty tư nhân BHD hợp tác thực hiện với phương thức công ty này chịu trách nhiệm toàn bộ kinh phí (khoảng nửa triệu USD).

Đoàn chúng tôi(*) đã "quay" trọn một vòng xuyên Việt, Sài Gòn - Hà Nội rồi ngược lại, suốt năm tuần không nghỉ một ngày nào. Tiếp theo, lại năm tuần nữa cũng không nghỉ ngày nào, "quay" vòng quanh nước Pháp và đảo La Réunion (tận Nam Ấn Độ Dương, thuộc châu Phi). Vài ngày nữa, nhóm "quay bổ sung" sẽ bay trở lại Pháp và Algeria, đi tìm tiếp những dấu tích vua Hàm Nghi thời lưu đày ở đó. Kinh phí "xã hội hóa" đã được tính toán rất chi li đến từng xu, từng xen, buộc chúng tôi phải "thắt lưng buộc bụng", dè sẻn chi tiêu tối thiểu, đôi khi phải "ăn nhờ ngủ đậu" như hồi còn "chiến tranh nhân dân"... Nhưng ai nấy đều vui vì được làm việc mình muốn làm, hào hứng làm và hi vọng thành công.

Năm ngoái, đoàn làm phim của nhà văn Nguyễn Hồ và đạo diễn Đào Anh Dũng đã thực hiện thành công phim truyền hình dài kỳ Ký sự Tân Đảo, cũng HTV hợp tác với Công ty tư nhân BHD bằng vốn "xã hội hóa" do công ty này đầu tư. Trước đó nữa, HTV đã làm nhiều phim lớn nhờ vốn "xã hội hóa" như Mekong ký sự, Ký sự hỏa xa... Cũng không ít phim truyện của các hãng đã ra lò nhờ vốn "xã hội hóa", cả người chi tiền lẫn người tiêu tiền đều phải chịu trách nhiệm với "đồng tiền dính liền khúc ruột" và phải chịu trách nhiệm về hiệu quả của công việc. Nó rất khác với cách chi tiền và tiêu tiền ngân sách nhà nước, tiền "chùa", chi lẫn tiêu đều vô tội vạ mà chẳng ai phải chịu một tí trách nhiệm nào về hiệu quả, thậm chí về hậu quả của công việc.

Nhiều bộ phim "tiền tấn" của ngân sách nhà nước còn "đắp chiếu để đó”, nhiều tượng đài "năm cha ba mẹ” rất phản cảm, cũng như nhiều dự án "vô bờ bến" đầu tư theo kiểu "chia chác" cho các hoạt động văn hóa, sáng tác văn học - nghệ thuật mà hầu như chẳng thu về được gì đáng gọi là giá trị, thì nên gọi đó là lãng phí hay tham nhũng? Hay là gì nữa?...

Vừa trở về từ đảo La Réunion xa xôi, đoàn làm phim "ba vua…" chúng tôi được nghe bạn bè bàn luận xôn xao về việc Nhà nước đang đắn đo có nên dừng đầu tư cho bộ phim "khổng lồ" về Lý Công Uẩn ? Nghe đâu cũng cả trăm tỉ đồng, tức khoảng hàng nghìn căn nhà tình nghĩa cho người nghèo, nếu quy ra trâu cày thì khoảng hàng vạn con. Để làm gì nhỉ ? Thì để kỷ niệm một nghìn năm ngày cụ Lý về Thăng Long.

Thiết nghĩ, đó là việc nên làm, nếu làm tốt, làm xứng đáng một tác phẩm nghệ thuật giá trị dâng cúng tổ tiên. Còn nếu chỉ vì chạy theo thành tích kỷ niệm suông mà "làm lấy được", làm bôi bác, thậm chí lợi dụng cơ hội kỷ niệm mà "làm tiền" nhân dân thì có tội với tổ tiên đấy. Thà đem tiền ấy làm nhà cho người nghèo, mua trâu cày cho nông dân, thì chắc các ngài sẽ hài lòng hơn là đem tiền ấy nhờ láng giềng làm cỗ cúng giỗ Tổ (biết đâu lại đi cúng bánh dỏm, bánh thiu như đã từng xảy ra). Tại sao còn đắn đo chưa "quyết" nhỉ?

Để "rộng đường dư luận", tôi xin dẫn nguyên văn "lời bàn" bằng thơ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội, đương kim chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội - in trên tạp chí Nhà Văn (Hội Nhà văn VN) số 7-2008. Xin cảm ơn nhà thơ Bằng Việt vui lòng cho tôi sử dụng bài thơ thời sự của ông trong bài viết này.

NGUYỄN DUY

-------------------------------------------

Phim về Lý Công Uẩn

Tới mốc nghìn năm còn chín trăm ngày

Phim chất lượng cao dễ gì đạt được

Thảo luận mãi ngỡ chừng nát nước

Chưa ai chịu ai có sáng kiến gì

Một người thăm dò "Hay cứ thuê thầy ngoại

Đạo diễn nước mình chưa đủ chắc ăn"

Người khác bàn thêm, nghi ngại, băn khoăn

"Đến thành quách, cung đình...cũng nên nhờ nước bạn"

Người thứ ba hùng hồn hơn, lên giọng phán:

"Thế còn ngựa nghẽo không thuê thì ông biết quay gì?

Bao trận đánh hào hùng cũng sẽ vứt đi

Nếu chỉ kéo ba chú ngựa còm thuê từ đoàn xiếc

Chạy tới chạy lui thở sùi bọt mép

Y hệt trong phim Đề Thám thuở nào…"

Ba người nói xong, nhẹ nhõm thở phào

Ý kiến xem ra đã gần thống nhất

Tôi bèn tặc lưỡi: "Thôi thuê quách diễn viên Hàn Quốc

Thật ăn khách, bảnh trai, vào vai Lee Koong Wan!(**)"…

Bằng Việt

-------------------------------------------------

Lộ trình phim Thái tổ Lý Công Uẩn :

Năm 2002, 15 nhà biên kịch được UBND TP Hà Nội mời viết đề cương tham dự cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện lịch sử về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tháng 10-2002, cuộc thi kịch bản phim truyện kết thúc với giải nhất trao cho kịch bản Hội thề Đông Quan của Nguyễn Quang Thân và giải nhì trao cho Thái tổ Lý Công Uẩn của Đinh Thiên Phúc.

15-6-2005: thường trực Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long chọn kịch bản Thái tổ Lý Công Uẩn đưa vào làm phim và bắt đầu tiến hành "đấu thầu đạo diễn". Tiến độ bắt buộc là tháng 10-2010 phải có phim công chiếu. Sau hai năm "đấu thầu đạo diễn" thất bại, đầu năm 2007, dự án làm phim chính thức được giao cho Hãng Phim truyện VN (PTVN).

12-2007: công bố thành phần đoàn làm phim với hai đạo diễn tên tuổi là Đỗ Minh Tuấn và Lưu Trọng Ninh.

6-3-2008: Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tuyên bố Hà Nội chưa duyệt dự toán bộ phim. Công luận xôn xao vì kinh phí dự trù lên đến 200 tỉ đồng.

20-3-2008: giám đốc Hãng PTVN Lê Đức Tiến cho biết hãng không làm phim bằng mọi giá, sẽ giảm kinh phí xuống còn khoảng trên 100 tỉ đồng.

12-7-2008: giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội Phạm Quang Long tuyên bố giãn tiến độ làm phim vì nội bộ đoàn làm phim chưa thống nhất, kịch bản chưa hoàn chỉnh và nhiều công trình có kinh phí lớn phải tạm ngưng để thực hành tiết kiệm, giảm đầu tư công.

28-7-2008: Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Tiến Thọ cho biết Hà Nội có quyền giãn tiến độ của bộ phim vì là chủ đầu tư. Lỗi thuộc về Hãng PTVN và các nghệ sĩ. Tuy nhiên, ông cũng cho biết bộ chủ quản đã yêu cầu Hãng PTVN phải trình hai phương án làm phim khác. Phương án thứ nhất: giảm quy mô, rút kinh phí xuống còn khoảng 80 tỉ. Phương án thứ hai: huy động các nguồn vốn xã hội hóa và Nhà nước chỉ phải bỏ vào khoảng 50 tỉ. Tuy nhiên, đến thời điểm này cả hai phương án trên vẫn chưa hoàn chỉnh và được trình chính thức.

TH.H.

(*) 3/6 người đã ở tuổi hưu trí, gồm nhà biên kịch Nguyễn Hồ (66 tuổi), nhà văn Ngô Thảo (68 tuổi), nhà thơ Nguyễn Duy (60 tuổi) - ghi chú của Tuổi Trẻ.

(**) Lee Koong Wan: Tên phiên âm Lý Công Uẩn theo kiểu Hàn Quốc - ghi chú của tác giả Bằng Việt.

Theo báo Tuổi Trẻ

=============================================================

Trần Phương trích :

Thiết nghĩ, đó là việc nên làm, nếu làm tốt, làm xứng đáng một tác phẩm nghệ thuật giá trị dâng cúng tổ tiên. Còn nếu chỉ vì chạy theo thành tích kỷ niệm suông mà "làm lấy được", làm bôi bác, thậm chí lợi dụng cơ hội kỷ niệm mà "làm tiền" nhân dân thì có tội với tổ tiên đấy. Thà đem tiền ấy làm nhà cho người nghèo, mua trâu cày cho nông dân, thì chắc các ngài sẽ hài lòng hơn là đem tiền ấy nhờ láng giềng làm cỗ cúng giỗ Tổ (biết đâu lại đi cúng bánh dỏm, bánh thiu như đã từng xảy ra). Tại sao còn đắn đo chưa "quyết" nhỉ ?

Đúng vậy, Hà Nội hiện đang mang một tầm vóc mới, do đó không riêng cá nhân tôi mà tin rằng rất nhiều người nữa đang trông đợi được thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật hoành tráng nhân dịp thiết thực kỷ niệm "đại tiệc" 1000 năm Thăng Long sắp tới. Chưa biết công việc bề bộn tới đây như thế nào nhưng nhất định tôi sẽ có mặt ở Hà Nội đúng vào dịp kỷ niệm đó :lol:

Share this post


Link to post
Share on other sites

Bánh chưng ngày tết

Posted Image

Dân tộc nào cũng có thức ăn truyền thống. Song chưa thấy dân tộc nào có một thức ăn vừa độc đáo, vừa ngon lành, vừa bổ, vừa gắn liền với truyền thuyết dân tộc lâu đời, lại vừa có nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh như bánh chưng, bánh dầy của Việt Nam.

Bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng trái Đất, âm. Bánh dầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng Trời, dương, thể hiện triết lý Âm Dương, Dịch, Biện chứng Đông Phương nói chung và triết lý Vuông Tròn của Việt Nam nói riêng.

Bánh chưng âm giành cho Mẹ, bánh dầy dương giành cho Cha. Bánh chưng bánh dầy là thức ăn trang trọng, cao quí nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.

Theo truyền thuyết, bánh chưng bánh dầy có từ thời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi phá xong giặc Ân.Vua muốn truyền ngôi cho con, nhân dịp đầu xuân, mới hội các con mà bảo rằng: ”Con nào tìm được thức ngon lành để bày cỗ có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho”.

Các con trai đua nhau kiếm của con vật lạ, hy vọng được làm vua. Người con trai thứ mười tám của Hùng Vương thứ 6 là Lang Lèo (tên chữ gọi là Tiết Liêu), tính tình thuần hậu, chí hiếu, song vì mẹ mất sớm, không có người mẹ chỉ vẽ cho, nên rất lo lắng không biết làm sao, bỗng nằm mơ thấy Thần Đèn bảo: ”Vật trong trời đất không có gì quí bằng gạo, là thức ăn nuôi sống người. Nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng Trời Đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành”.

Lang Lèo (sau có người gọi Lang Liêu) tỉnh dậy, mừng rỡ làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp, đậu xanh thật tốt, thịt lợn (heo) ba rọi dày thật tươi.

Đến hẹn, các lang (con vua) đều đem cỗ tới, đủ cả sơn hào hải vị. Lang Lèo chỉ có bánh Dầy bánh Chưng. Vua lấy làm lạ hỏi, ông đem thần mộng tâu lên. Vua nếm bánh, thấy ngon, lại khen có ý nghĩa hay, bèn truyền ngôi cho Lang Lèo, tức đời vua Hùng Vương thứ 7.

Từ đó, cứ đến Têt nguyên đán hay các đám cưới, đám tang, dân gian bắt chước làm theo, sau thành tục lệ để cúng Tổ tiên, cúng Trời Đất.

Bánh chưng độc đáo, sáng tạo, đậm đà bản sắc dân tộc còn ở những vật liệu và cách gói, cách nấu. Lúa gạo thì tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước, nhiệt đới, nóng và ẩm, được chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau, mang tính đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam hay Đông Nam Á. Người Trung Hoa ưa chế biến từ bột mì hơn; người Ấn Độ thì ưa chế biến từ kê…

Thịt lợn hay heo được coi là lành nhất, nên các bệnh viện ngày nay thường chỉ sử dụng lọai thịt heo chứ không dùng thịt bò hay thịt gà là thức ăn chính cho bệnh nhân. Người Việt thích thịt luộc hay nấu. Đậu xanh vừa ngon lành vừa bổ dưỡng. Bánh chưng như thế rất nhiều chất, đặc trưng của các món ăn Việt Nam.

Độc đáo hơn nữa, khi nấu trong một thời gian khá dài thường trên 10 tiếng, phải để lửa râm râm, bánh mới ngon. Nấu bằng lò gas, tuy nhanh, nóng quá cũng sẽ không ngon. Vì được gói bằng lá dong, bánh chưng vừa xanh vừa đẹp, thơm hơn lá chuối. Phải gói thật kín, không cho nước vào trong, bánh mới ngon. Lạt phải buộc thật chật, chắc; gói lỏng tay, ăn không ngon. Song nếu chắc quá, bánh cũng không ngon.

Tuy gọi là luộc (người Việt Nam thích luộc, người Trung Quốc thích quay), song vì nước không tiếp xúc với vật liệu được luộc, nên lại là hình thức hấp hay chưng (chưng cách thủy), khiến giữ nguyên được chất ngọt của gạo, thịt, đậu!

Có lẽ vì cách chế biến bằng chưng, nên mới gọi là bánh chưng. Vì thời gian chưng lâu nên các hạt gạo mềm nhừ quyện lấy nhau, khác hẳn với xôi khi người ta “đồ”, khi hạt gạo nhừ quyện vào nhau như thế, người ta gọi bánh chưng “rền”. Vì nấu lâu như thế, các vật liệu như thịt (phải là thịt vừa nạc vừa mỡ mới ngon; chỉ thịt nạc, nhân bánh sẽ khô), gạo, đậu đều nhừ. Cũng vì thời gian chưng lâu, khiến các chất như thịt, gạo đậu nhừ, có đủ thời gian chan hòa, ngấm vào nhau, trở thành hương vị tổng hợp độc đáo, cũng mang một triết lý sống chan hòa, hòa đồng của dân tộc ta.

Cách chế biến như thế rất độc đáo, công phu. Bánh chưng nhất là bánh dầy có thể để lâu được. Khi ăn bánh chưng, người ta có thể chấm với các lọai mật hay với nước mắm thật ngon, giàu chất đạm; cũng có thể ăn thêm với củ hành muối, củ cải dầm hay dưa món… Dân Bắc Ninh xưa thích nấu bánh chưng, nhân vừa thịt vừa đường!

Bánh chưng, bánh dầy quả thật là một món ăn độc đáo có một không hai của dân tộc. Bánh chưng là một trong những bằng chứng cụ thể chứng tỏ văn hóa ẩm thực Việt Nam có nhiều tiềm năng khiến Việt Nam trở thành một cường quốc về văn hóa ẩm thực!

Theo Tuổi trẻ Online

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay