Thiên Sứ

Về những "sát thủ" ở một thành phố hòa bình

1 bài viết trong chủ đề này

Về những "sát thủ" ở một thành phố hòa bình

03:07' 15/07/2008 (GMT+7)

Posted Image - Chuyện về cái chết của những con sẻ nâu trong thành phố của chúng ta là chuyện nhỏ phải không? Chuyện về việc một tiến sĩ và những sinh viên xâu xé những bông hoa anh đào (Nhật Bản) trong triển lãm Giảng Võ mùa xuân vừa rồi còn nhỏ hơn… Nhưng… những chuyện rất nhỏ ấy chính là những chấm hoại tử không nhỏ trong cơ thể văn hóa của một đất nước, một thủ đô được gọi là thành phố hòa bình.

Cái tít bài tôi đặt như là tên một bộ phim hành động của Hollywood. Nhưng nếu tôi đặt một cái tên bằng một cụm từ mỹ miều hay to tát nào đó thì có lẽ rất nhiều bạn đọc sẽ bỏ qua những điều tôi sẽ viết dưới đây. Những điều tôi sắp viết có thể trong mắt nhiều người là những điều vụn vặt không đáng nói. Có thể một nhà quản lý nào đó của thành phố này sẽ bực dọc: “Chúng tôi đang bận bao việc to lớn mà lại mang cái việc bé bằng hạt tấm ra mà nói”.

Thành phố này là thành phố nào?

- Đó là thủ đô Hà Nội yêu dấu của chúng ta.

Cái việc bé bằng hạt tấm là việc gì?

- Đó là việc liên quan tới những con sẻ nâu bé bỏng.

Và tôi muốn nói về cái chết của những con sẻ nâu ấy.

Posted Image

Thành phố hoà bình. Ảnh: nettra.vn

Cách đây vài năm, tôi nhớ là như thế, Hà Nội được gọi là thành phố hoà bình. Nhưng trong thành phố hoà bình ấy, tôi đã từng chứng kiến những công dân của thành phố vác súng hơi săn tìm những con sẻ nâu trở về làm tổ trong những mái nhà và bay lượn trong những vòm cây. Vào mùa hạ, bầy sẻ nâu như đông hơn. Đó cũng là mùa sinh nở của chúng.

Có những người đàn ông mặc soọc trắng, áo pull hàng hiệu, đi giày thể thao Adidas, tay lăm lăm khẩu súng hơi 12 ký, săm soi tìm những con sẻ nâu và những con chim khác để tiêu diệt. Tôi đã thấy những người đàn ông khoác súng hơi, đi xe máy Dylan hoặc SH và một dây những chú sẻ nâu bị bắn chết treo ở xe.

Trên đường về nhà sau chuyến đi săn, họ ghé vào một quán bia hay cà phê như để tự thưởng cho chiến công của họ. Những người trong quán nhìn thấy dây chim sẻ nâu dài thì ồ lên vẻ thán phục. Hình như không có ai cảm thấy day dứt về những con chim bị đạn chì bắn vỡ ngực.

Những người tìm giết những con chim bé bỏng ấy không phải là những kẻ đói khát. Việc bắn vỡ ngực những con sẻ nâu là thú tiêu khiển của họ. Họ mệt mỏi khi đọc một cuốn sách, khi xem một bức tranh, khi nghe một bản nhạc, khi chăm sóc một cái cây… nhưng bắn giết những con chim vẫn sáng sáng hót vang trong những vòm cây thành phố lại là niềm hứng khởi của họ. Đó là một niềm hứng khởi ma quỷ.

Posted Image

Ảnh - tưlieu.bachkim.vn

Những “sát thủ” vô cảm của bầy sẻ nâu kia là ai? Đương nhiên, họ không phải là những người nghèo. Vì nghèo thì làm gì có tiền mua súng. Người sở hữu những khẩu súng hơi nhãn hiệu của Đức chỉ thuộc hai loại: người giàu có và những công chức khá giả. Nghĩa là, hầu hết họ thuộc những người có học hành chứ không phải những người ít được giáo dục.

Lúc này, tôi nhớ là hình như trong sách giáo khoa phổ thông không có những bài học về cái thế giới kỳ diệu của côn trùng và chim muông. Và bao nhiêu năm nay, trên nhiều kênh truyền hình, người ta quảng cáo về các game thủ chứ đâu có ai nói về những con chim đang chết dần chết mòn trong những vòm cây thành phố.

Đã nhiều lần tôi (và cả chúng ta) chứng kiến trên hè đường ở ngay cạnh Hồ Gươm một cảnh tượng hãi hùng. Một người ngồi bán những con sẻ nâu còn sống. Những con sẻ nâu bị vặt trụi lông đứng run rẩy bên nhau như những đứa trẻ con bị lột truồng trong gió rét. Trong khi đó, người bán hàng điềm nhiên lôi những con sẻ nâu khác từ trong lồng ra và tiếp tục vặt lông.

Nhưng cảnh tượng ấy hình như không gây nên bất cứ cảm giác gì với những người đi đường. Và rồi, một người béo tốt nào đó, ăn mặc sang trọng dừng lại mua những con sẻ nâu đã vặt trụi lông đang rúc vào nhau và tươi tỉnh xách đi. Họ đang nghĩ về một bữa tối có bia lạnh hay rượu vang đỏ nhấm nháp với những con sẻ nâu bị vặt trụi lông vũ như những đứa trẻ cởi truồng được chiên vàng.

Posted Image

Những chú chim để... chiên bơ? - Ảnh: vietbao.com

Không ít nhà hàng ở Thủ đô Hà Nội, các nữ tiếp viên xinh đẹp nồng nhiệt giới thiệu với khách món đặc sản của họ: Chim sẻ chiên bơ. Và không chỉ mình tôi mà rất nhiều người trong chúng ta đã chứng kiến những vị khách đeo caravat nhai rau ráu những con sẻ nâu chiên vàng làm mỡ tứa ra hai bên mép.

Tôi không nói thì mọi người đều biết những vị khách ẩm thực kia thuộc loại người nào trong xã hội. Tuy nhiên tôi vẫn phải nói: họ là những người có tiền và có vị trí trong xã hội. Chính thế mà tôi mới cảm thấy rùng mình về một cái gì đó thuộc về văn hoá trong đời sống của chúng ta. Nếu những người ăn những con sẻ nâu kia là những người ăn mày thì chúng ta có thể tha thứ.

Những con sẻ nâu bị đạn chì bắn vỡ ngực hay bị vặt trụi lông vũ, khi còn sống chưa bao giờ trở thành đề tài của chúng ta. Có lẽ người ta nghĩ những con sẻ nâu quá vớ vẩn và chẳng có một chút ý nghĩa gì trong sự phát triển một một đô thị hiện đại. Rằng họ phải lo những điều lớn lao. Nhưng họ đã sai lầm - một sai lầm có thể nói là hệ trọng.

Việc hành xử với những con sẻ nâu bé bỏng kia đã để lại một lỗ thủng không nhỏ trong tâm hồn con người và trong đời sống văn hoá của chúng ta. Sự bắn giết và ăn thịt những con sẻ nâu chỉ là một ví dụ trong muôn vàn ví dụ khác. Và cái lỗ thủng tâm hồn ấy cũng chỉ là một trong muôn vàn lỗ thủng tâm hồn khác của các công dân trong một thành phố vốn chứa đựng một nền văn hóa lâu đời.

Toà tháp đôi khổng lồ đến nhường kia mà sau khi bị sụp đổ, người ta đã đang bắt đầu xây dựng những toà nhà khổng lồ hơn thế. Chỉ vài ba năm nữa, chúng ta sẽ được chứng kiến sự xuất hiện của những toà nhà khổng lồ ấy. Nhưng một lỗ thủng lớn trong tâm hồn con người sẽ mất bao lâu thời gian để hàn gắn lại?

Chúng ta đang mắc rất nhiều sai lầm trong chiến lược về con người. Và mỗi ngày, chúng ta đã được chứng kiến hậu quả của những sai lầm ấy. Nhiều lúc, chúng ta không tìm được cách lý giải vì đâu mà con người hôm nay trở nên hiếu sát, cay nghiệt và vô cảm hơn hôm qua.

Posted Image

Xâu xé những bông hoa anh đào Nhật Bản. - Ảnh: VNN

Chúng ta thấy sự cay nghiệt và vô cảm ngay trong chính ngôi nhà của mình. Bạn phải thừa nhận với tôi điều ấy và xin đừng ngụy biện. Nhưng tôi tin rất nhiều người đồng ý với tôi về sự thật này. Nếu con người biết yêu một con chim thì sẽ biết yêu một con người. Đấy là một chân lý đơn giản mà ai cũng biết dù bây giờ quá ít người muốn nghe.

Chuyện về cái chết của những con sẻ nâu trong thành phố của chúng ta là chuyện nhỏ phải không? Chuyện về việc một tiến sỹ và những sinh viên xâu xé những bông hoa anh đào (Nhật Bản) trong triển lãm Giảng Võ mùa xuân vừa rồi còn nhỏ hơn. Chuyện các công dân thành phố này vứt những con chuột chết ra đường còn nhỏ hơn nữa. Chuyện một người trẻ không chịu nhường chỗ cho một người già trên những chuyến xe buýt thành phố lại còn nhỏ hơn nhiều…

Và nhiều người trong chúng ta chẳng hề cảm thấy những việc trên có ảnh hưởng gì đối với họ hay đối với công cuộc hiện đại hóa thành phố. Nhưng họ không biết rằng, những chuyện rất nhỏ ấy chính là những chấm hoại tử không nhỏ trong cơ thể văn hoá của một đất nước, một thủ đô được gọi là thành phố hòa bình.

  • Nguyễn Quang Thiều
Lời bàn của Thiên Sứ

Tôi hay nghe bài hát: "Người thợ săn và đàn chim nhỏ" do ca sĩ Khánh Ly hát và tôi rất xúc động trước cái chết của những con chim trong miêu tả của bài hát. Nhớ hồi còn nhỏ, tôi nuôi hai con chim vành khuyên cũng rất lâu. Sau vài tuần, chơi chán tôi thả hai con chim ra. Chúng bay lên cái khung cửa sắt phía trong nhà tôi. Hai con chim cọ mỏ vào nhau rất âu yếm, một lúc sau cùng bay qua ô gió phía trên và bay đi. Sau này khi đứng tuổi, tôi nhiều lần nhìn thấy ánh mắt thất thần của những con chim phóng sinh bị nhốt trong lồng. Chúng kêu la thảm thiết. Chúng sống với nhau rất có tình như con người chúng ta. Có thể nói rằng chúng ta đau khổ thể náo thì những sinh vật cao cấp cũng đau khổ như thế đấy. Đây không phải lời khách sáo của tôi mà là chứng nghiệm bản thân. Khi một con chim mất bạn, chúng hót tiếng kêu ai oán. Chim trống mái về tổ không thấy con chúng kêu thất thanh thảm thiết, còn đàn chim con mất mẹ tiếng kêu sầu thảm bi ai. Để ý thì thấy rất rõ. Đức Phật nói:" Tất cả chúng sinh đều có Phật tính" và "chính cái bao tử của con người là mồ chôn hàng vạn sinh linh". Bởi vậy trong đạo Phật, ăn chay là một phương tiện giải trừ nghiệp chướng. Khoa học hiện đại nhận thấy giữa gen di truyền của con người và ruồi giấm chỉ khác nhau vài bộ gen. Lý học Đông phương quan niệm "Vạn vật đồng nhất thể" - Khí tụ thì thành hình, nhưng nguyên khí của trời đất thì chỉ có một bởi vậy chúng sinh đều đồng đẳng. Thời Hùng Vương, ông cha ta đã có những điều luật cứ như bây giờ thì có thể gọi là điều luật bảo vệ môi trường. Trong những điều luật đó cấm săn bắn, phá tổ những sinh vật trong mùa sinh nở (Khi nào tìm lại được những tư liệu này tôi xin đưa lên đây).

Bởi vậy, tôi hay khuyên những thân chủ của mình thả chim làm phước. Đây không phải đơn thuần chỉ là một việc tâm linh mơ hồ. Mà chính khí bế tụ trong những con chim được giải thoát đồng cảm với tâm từ bi của người thả chim mang lại những tần số rung động phù hợp với những giá trị tốt đẹp sẽ tạo cho người có tâm thiện gặp những điều kiện thuận lợi hơn trong cuộc sống , môi trường của mình - Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu - theo lý học Đông phương. Có người lý luận rằng: "Chính vì cón người thả chim , nến mới có người bắt chim. Không ai thả chim thì sẽ chẳng có ai bắt chimn cả". Đây chỉ là một suy nghĩ đơn giản và hợp lý hình thức. Khi cuộc sống quanh ta đã xuất hiện những người sống bằng nghề bắt chim bán để ăn nhậu, thì chính tâm từ bi thả chim sẽ tác động đến tâm tính con người xung quanh ta và môi trường.

Tôi đồng cảm với bài viết trên Vietnamnet.

Nhưng làm thế nào bây giờ. Bài viết này trên một trang web không phải là phương tiền truyền thông hữu hiệu và càng không hữu hiệu với những kẻ bất cần đời. Chúng ta hy vọng và trông cậy vào một hệ thống giáo dục hoàn hảo.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay