Thiên Sứ

Câu chuyện trần trụi về một tên đồ tể

2 bài viết trong chủ đề này

Câu chuyện trần trụi về một tên đồ tể

Phần I

Nguồn Vietnamnet.net

Thứ năm, 8/5/2008, 07:00 GMT+7

Douch (tên thật là Kaing Guek Ea), một trong số 5 tên diệt chủng của Khmer đỏ đã bị đưa ra xét xử trước một toà án đặc biệt bao gồm các thẩm phán Campuchia và quốc tế do Liên hợp quốc tổ chức. Đồ tể "Douch" đã khóc khi bị đưa tới Choeung Ek, được gọi là cánh đồng chết, là pháp trường nơi y đã ra lệnh hành quyết hơn một chục ngàn thường dân vô tội dưới thời Khmer đỏ cầm quyền từ năm 1975-1979.

“Bóng tối sẽ bao trùm lên dân tộc Campuchia. Những ngôi nhà không người ở, những con đường không người qua; đất nước sẽ bị cai trị bởi những kẻ tàn ác vô đạo; máu sẽ chảy thành sông… Và chỉ có những người câm, điếc là còn sống sót”

(Lời tiên tri cổ của Campuchia).

“Xin chào, tên tôi là Hang Pin, làm việc tại trại tị nạn và tôi là con chiên của Chúa”. Giọng nói nhỏ nhẹ, gần như là không nghe thấy gì. Sắp bước vào tuổi lục tuần, thân hình gầy nhỏ và xương xảu, người đàn ông Campuchia này mặc một chiếc áo phông trắng in 3 chữ “ARC” là tên viết tắt của một tổ chức phi chính phủ của Mỹ chuyên viện trợ cho người tị nạn. Ông ta nói tiếng Anh khá tốt. Đứng đối diện với ông là Nic Dunlop, một nhiếp ảnh gia người Ai-len, hai người bắt tay nhau. Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng Nic.

Posted Image

Ảnh chụp nạn nhân tại Tuol Sleng, bao gồm cả trẻ em

Một buổi sáng tháng 3 năm 1999, Nic rời khỏi Battambang cùng tiểu đội gỡ mìn, chiếc xe Jeep đã lăn bánh được hơn một giờ về phía biên giới Thái Lan. Rất nhanh, con đường số 10 trở nên hoang vắng và hỗn độn. Con đường này chạy xuyên qua một khu rừng khô cằn và hoang vu, những thửa ruộng không được cày xới, không thấy bất kì bóng một ngôi nhà hay người dân nào.

Trong những năm 1960, huyện Samlaut, pháo đài của quân đội Khmer đỏ, từng là địa danh đầu tiên cầm vũ khí nổi lên chống lại chính phủ. Pol Pot, Khieu Samphan, Ieng Sary, Noun Chea là những cái tên khó có thể quên được. Chính những cái tên này đã reo rắc nỗi kinh hoàng cho nhân dân Campuchia cũng như toàn thế giới: trên tổng số khoảng 7 triệu dân Campuchia, đã có 2 triệu người bị chết do bị tàn sát, bị bỏ đói và bệnh tật … Từ ngày 17/4/1975 đến 7/01/1979, quân đội Khmer đỏ đã ra tay giết hại chính đồng bào của mình. Năm 1998, những thủ lĩnh cuối cùng của Khmer đỏ đã đầu hàng và chấp nhận từ bỏ vũ khí.

Theo bản năng, Nic đút tay vào túi áo nơi anh đã lưu giữ từ lâu một bức ảnh cũ đã ngả màu. Bức ảnh từ 20 năm trước này chụp hình một sĩ quan trong bộ pyjama màu đen, đầu húi cua, răng khấp khểnh cùng đôi tai lớn, đang ngồi sau một chiếc micro. Dưới bức hình là một dòng chú thích: “Đồng chí Douch”. Kaing Guek Ea, được biết đến dưới cái tên “Douch”, từng là người chỉ huy trại Tuol Sleng, “S-21”, một nhà tù bí mật của chính phủ được đặt tại một trường cấp ba cũ tại Phnom Penh. Trong suốt 3 năm 8 tháng 20 ngày, S-21 hoạt động như một cái máy xay người. Có tổng số 14.000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã bị tống giam, tra tấn và hành hình một cách dã man. Hai mươi năm sau, trong ngôi làng Samlaut nóng bức, ngột ngạt, Nic nhìn người đàn ông 60 tuổi đang cười với anh, nước da sáng chứng tỏ ông ta là người có gốc gác Trung Quốc, hàm răng khấp khểnh, đôi tai lớn… và Nic hiểu rằng anh vừa gặp lại một trong những tên đao phủ khét tiếng nhất của thế kỷ. Anh bỏ chạy.

Một tháng sau đó, Nic trở lại. Lần này đi cùng với anh là Nate Thayer, một phóng viên đã từng có dịp phỏng vấn Pol Pot và Ta Mok. Douch đang ở đó, vẫn với thái độ lịch thiệp và vui mừng khi gặp lại Nic. Ông ta kể về quá khứ của mình với vai trò là một thầy giáo dạy toán giản dị ở Phnom Penh, một viên chức tại trường sư phạm vào năm 1964 và công việc của mình tại Trại tị nạn ở Thái Lan cùng với tổ chức ARC.

Còn cuộc sống của Douch thì sao? “Có 3 điều, - Douch nói -, công việc của tôi, ước muốn được xây dựng những ngôi trường cho trẻ em, và trên hết là Chúa!”. Trước đó vài năm, cũng như 200 lính Khmer đỏ khác, Douch đã được cải đạo bởi một giáo sĩ đạo Tin lành. Trong giấy chứng nhận có viết về “ý thức cầu tiến, tinh thần đồng đội và lời thề sâu sắc với Chúa Jesus” của Douch như một lời khen ngợi. Khi Nate đột ngột hỏi: “Tôi nghĩ rằng ông đã từng làm việc cho tổ chức an ninh của Khmer đỏ, có đúng không?”, Douch trả lời, không hề chớp mắt: “Công việc của tôi là dịch sách cho trẻ em tại Bộ Giáo dục”.

Nate chìa tấm danh thiếp của mình ra. Douch kiểm tra nó hồi lâu, rồi quay về phía Nic và hỏi: “Bạn của anh đã từng gặp ông Ta Mok và Pol Pot, có thật thế không?”. “Đúng vậy”. Im lặng một lúc lâu, Douch thở dài: “Nếu các anh đã ở đây, thì đó là ý của Chúa”. Từ giờ phút đó, Hang Pin không còn tồn tại. Và Douch thú tội: “Tôi đã từng làm những điều tồi tệ trước đây. Bây giờ là lúc tôi phải chịu quả báo. Lỗi lầm duy nhất của tôi là đã không sớm đi theo Chúa”.

Posted Image

Đồ tể Douch đối mặt với tòa án

Nate đưa cho Douch xem bản sao lời thú tội của một tù nhân trại Tuol Sleng. Bên lề trang giấy là một dòng ghi chú viết tay của Douch. “Anh có thể sử dụng cực hình nặng để tra tấn hắn ta thật lâu ngay cả khi hắn ta đã bất tỉnh hay chết”. Và một dòng ghi chú khác dành cho 7 đứa trẻ mới bị bắt về trại: “Hãy giết tất cả bọn chúng”. Douch cúi đầu: “Tôi vô cùng hối hận về những vụ giết người trong quá khứ. Tôi không hề thích thú gì khi làm công việc đó”.

“Cuối cùng thì ông cũng đã thú nhận. Ông nói dối…”

Cùng ngày hôm đó tại Chiang Mai, phía Bắc Thái Lan, François Bizot, giám đốc trường Viễn Đông Pháp, nhận được một cuộc điện thoại từ Campuchia. Ở đầu dây bên kia là giọng của Nate đang chuyển lời chào của Douch tới “người bạn Bizot”.

Ký ức đã vùi sâu từ gần 30 năm nay bỗng hiện về trong ông. Đột nhiên, Bizot thấy mình như đang ở giữa đất nước Campuchia, cùng với quân đội Khmer đỏ, cùng với Douch vừa là kẻ tra tấn vừa là người giải thoát cho ông. Hiện tại, Bizot đang sống một mình trong một ngôi nhà sàn lớn tại Chiang Mai. Ông tâm sự: “Douch! Đối với tôi, ông ta đã chết từ lâu rồi”.

Đó là vào năm 1971. Trong khu rừng dẫn tới doanh trại M13, ba người đàn ông đang đi lảo đảo, khuỷu tay bị trói chặt, mắt bị bịt kín. Họ đã bị quân Khmer đỏ vô cớ bắt giữ tại một trạm kiểm soát. Khi tới trại, François Bizot, một nhà dân tộc học trẻ tuổi cùng hai trợ lý của mình là Lay và Son bị cột chặt vào một cái ách lớn. Bizot, giận dữ và mất tự chủ, yêu cầu được tắm rửa… “Tôi nhìn thấy một người đàn ông mặc bộ đồ đen, chắp tay sau lưng và đang mỉm cười”. Douch ra lệnh cho quân lính tháo ách cho Bizot. Sau đó ông ta ra hiệu lần thứ hai, một lính gác có vũ khí dẫn Bizot ra bờ sông tắm.

Posted Image

Hố chôn người tập thể dưới thời Khmer đỏ

Mặc dù mang dáng dấp rụt rè và có vẻ vẫn còn khá trẻ nhưng người đàn ông này lại là thủ lĩnh của doanh trại. Đứng trước ông ta, tất cả đều tỏ ra khép nép, ngay cả Chan - trại phó M13 - cũng vậy. Douch được biết đến là người duy nhất trong hàng ngũ Khmer đỏ thường nói lời tạm biệt với những tù nhân được đưa ra khỏi phòng làm việc của mình để tới nơi hành hình. “Ông ta có thể vừa cười phá lên như trẻ con nhưng chỉ vài giây ngay sau đó khuôn mặt lại trở nên thật đáng sợ”.

Bizot bị quy cho là nhân viên của CIA. Douch buộc anh phải viết 7 bản lời khai dài. Mạng sống của Bizot phụ thuộc cả vào Douch. “Ông ta là sợi dây liên hệ duy nhất của tôi với thế giới xung quanh”. Mỗi tuần một lần, Douch đạp xe tới gặp cấp trên để báo cáo tình hình. “Chúng tôi sẽ bàn bạc về trường hợp của anh…”. Bị hành hạ bởi cái dói, Bizot còn phải ngủ dưới mưa, hai hàm răng đánh vào nhau vì cái lạnh buốt của rừng: “Tôi thường xuyên bật khóc vì giận dữ! Tôi không muốn chết”.

Một hôm, người ta mang cho Bizot một hộp sữa đặc có đường. Đối với anh, đó quả đúng là một kho báu. Từ đó, mỗi tối, lính gác lại ném vào cho Bizot một khúc củi lớn. “Chỉ cần được ngửi lại mùi gỗ cháy là tôi đã cảm thấy như mình đang được tự do bên ngoài buồng giam”. Chính Douch đã ra lệnh cho lính gác mang củi tới cho Bizot. Mặc dù vậy, các cuộc thẩm vấn vẫn diễn ra không hề nhượng bộ. “Ông ta tìm cách gài bẫy tôi và tỏ ra khá khéo léo, nhưng thực chất ông ta muốn tìm hiểu sự thật về tôi”.

Khi Bizot thú nhận việc anh đã che giấu chuyện anh có thể nói được tiếng Anh vì không muốn làm cho người khác nghĩ là người Mỹ… Douch lồng lên một cách đáng sợ: “Làm cho người khác nghĩ ư? Cuối cùng thì anh đã thú nhận rồi: anh nói dối !”. Trên đường ra bờ sông, Bizot nhìn thấy các lính canh đang chặt các bụi tre bên cạnh nhà tù. Khi Bizot thắc mắc về điều này, Douch yêu cầu anh tham gia vào các cuộc hành hình tù nhân: “Những người tới đây đều bị bắt quả tang là hoạt động gián điệp… Anh không tưởng tượng được những lời nói dối của họ đã khiến tôi phát khùng đến mức nào đâu! Vậy nên tôi phải đánh! Phải đánh cho tới khi hết hơi thì thôi…”.

Đối với trường hợp của Bizot, Douch tin vào sự vô tội của anh nên đã biện hộ và trả tự do cho anh. Sau lễ Giáng sinh một ngày, Bizot được đưa tới vùng an toàn. Anh xin Douch đảm bảo mạng sống cho hai người trợ lý của mình. Tuy nhiên, một năm sau đó, cả hai người này đều đã bị hành hình.

(Còn nữa)

Diệu Châu dịch

Share this post


Link to post
Share on other sites

Câu chuyện trần trụi về một tên đồ tể (Phần II)

hứ sáu, 9/5/2008, 07:00 GMT+7

... "Tra tấn bằng gậy và dây điện, sốc điện, bắt ăn phân sống, làm nghẹt thở bằng túi ni lông hay dìm xuống nước, châm thuốc lá đang cháy vào người, chọc kim, nhổ móng tay… tất cả các hình thức tra tấn dã man đều đã từng diễn ra ở đây..."

S-21 và Douch

Ngày nay, đất nước Campuchia đã hoàn toàn đổi khác, một sự thay da đổi thịt đang từng ngày diễn ra ở nơi đây. Nhà cửa mọc lên trên những hố bom, tiếng ồn ào của đường phố, cảnh tấp nập của xe cộ… Tôi sẽ không trở lại ngôi trường cũ đã từng là trại S-21 nay đã trở thành một Viện bảo tàng. Từ chuyến đi lần trước, tôi vẫn nhớ như in trong đầu hình ảnh những ban công chằng chịt dây thép gai, những phòng giam chật hẹp xây bằng gạch thô, những xích sắt, những gọng kìm, những chiếc giường tra tấn và nhất là các bức tường treo đầy ảnh đen trắng chụp chân dung các tù nhân. Họ là đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nhỏ. Tất cả đều lộ rõ một vẻ khiếp sợ. Tất cả đều đang nhìn thẳng vào mắt bạn với ánh mắt vô tội và nhẫn nhục. Tuol Sleng đã ám ảnh tâm hồn người ta như một thứ bệnh da liễu khó chịu.

Posted Image

S-21… S (security) là An ninh, 2 là Phòng 2 và 1 là Anh cả Pol Pot. Một khi vượt qua khỏi ranh giới, kẻ bị tình nghi sẽ trở thành tội phạm, Angkar không bao giờ nhầm. Giờ thì chỉ còn việc tìm ra bằng chứng qua lời thú tội. Trong tiếng Khmer, “tuol” có nghĩa là “ngọn đồi nhỏ” và “sleng” là “tội phạm” hoặc “kẻ thù”, đây cũng là tên của một loài cây độc. Người dân Campuchia từng nói về Tuol Sleng giống như “một nơi có thể đến nhưng không bao giờ có thể từ đó trở về”. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có ít nhất 7 người được cứu thoát khỏi nơi đây và 3 người trong số họ hiện vẫn còn sống, trong đó có 1 người là hoạ sĩ. Ông tên là Vann Nath, 60 tuổi.

“Hôm đó, tôi không hiểu tại sao lại bị họ bắt giữ”. Vann Nath đã từng là “hoạ sĩ trong vùng địch”, đó chính là lý do khiến ông bị coi như một kẻ tội phạm. Ngay khi bị bắt giữ tại Battambang vào năm 1978, ông bị viên thẩm tra quấn quanh tay một sợi dây điện, một đầu dây được ghim vào quần. “Ai đã thông đồng với mày để phản bội?”. Vann Nath thậm chí không hiểu nổi hắn ta đang nói về chuyện gì. Ngay lập tức, cú sốc điện đầu tiên khiến ông chết ngất vì đau đớn. “Khi tỉnh dậy, tôi không còn đủ sức nói nổi một câu”. Sau đó, Nath bị đưa lên xe tải chuyển tới Tuol Sleng.

Đến trại S-21, tay bị trói, mắt bịt kín, các tù nhân được nối với nhau bằng một sợi dây thừng quấn quanh cổ. Họ bị kéo vào một phòng học trong trường và bị bắt nằm xoay lưng vào nhau từng đôi một, chân kẹp trong cùm sắt. Lính gác hét lên: “Cấm nói, cấm cử động, cấm xoay người khi không được phép”. Chúng đối xử với các tù nhân như với những kẻ phản bội, những con vật bẩn thỉu, gớm ghiếc. “Chúng mày có sống cũng đâu ích gì với chúng tao, còn chúng mày chết thì bọn tao cũng chẳng mất mát gì”. Hai lần một ngày, mỗi tù nhân được tiêu chuẩn là 4 thìa cháo. Nhiều người đã chết vì đói và chỉ vào ban đêm họ mới được đem đi chôn. “Xác chết nằm bên cạnh chúng tôi có khi đến 1, 2 ngày”. Những người nằm gần bóng đèn thì “may mắn” hơn đôi chút vì họ có thể bí mật nuốt vội một con gián, một con dế hay một con bướm nào đó vô tình bị thu hút bởi ánh sáng điện. “Khi bọn lính canh bắt quả tang việc này, chúng liền đá ngay vào thái dương để chúng tôi phải nôn ra”. Một buổi sáng, Nath bị bắt đến quỳ dưới chân một người đàn ông mặc đồ đen. “Ông ta nói với tôi bằng một giọng nhẹ nhàng, không hề tỏ ra dữ dằn hay khinh thường”. Bên lề tập hồ sơ của Nath, cạnh dòng ghi chú “nghề nghiệp: hoạ sĩ”, chính tay Douch đã viết: “Giữ lại để sử dụng”.

Sau lần đó, Nath được đưa tới xưởng vẽ. Qua tấm gương nhỏ, ông thấy mình hốc hác, râu tóc bờm xờm và bẩn thỉu. “Chỉ trong vòng một tháng, tôi đã biến thành một con ma!”. Được cạo râu, tắm rửa và cho ăn, Nath lấy lại sức lực và bắt tay vào làm việc, thế chân cho một hoạ sĩ khác đã bị hành hình trước đó vì không hoàn thành công việc. Ở đây, ngày nào cũng có người bị hành quyết, từ 7h-11h sáng, 14h-17h chiều và từ 18h-23h đêm. Nath cũng có một thời gian biểu giống như vậy. 12 tiếng mỗi ngày, công việc của ông là vẽ chân dung anh cả Pol Pot. Các bức vẽ này sau đó sẽ được dùng để trang trí các khu nhà hành chính. Cọ vẽ trong tay, ông thường nghe thấy những tiếng gậy gộc, tiếng rìu cuốc, tiếng van lơn của các nạn nhân và tiếng rên xiết của phụ nữ… “Đôi khi người tôi run lên khi cố gắng tập trung vào công việc”.

Ngày nào Douch cũng ghé qua xưởng vẽ. Súng giắt cạp quần, tay chắp sau lưng cùng vẻ mặt chăm chú, Douch đặc biệt quan tâm tới tiến độ của các tác phẩm. Đôi khi ông ta đưa ra những lời gợi ý khi muốn thay đổi một chi tiết nào đó… “Tôi luôn luôn vâng lời ông ta. Tất nhiên là vậy”. Douch đã có lần tức giận và đá vào người Meng, một họa sĩ khác đã từng làm việc tại Tuol Sleng, khi anh này tỏ ra không tôn trọng Douch và xem thường kỷ luật trại giam. “Ba tuần sau khi bị giam, anh ấy trở lại, người be bét máu, sau khi đã thừa nhận thái độ sai lầm của mình”. Sau này, hoạ sĩ Vann Nath đã vẽ nhiều bức tranh khổ lớn với phông màu tối mô tả lại cảnh hành hình phạm nhân ở Tuol Sleng, những người đã bị buộc tội là thông đồng với CIA hay KGB… Tra tấn bằng gậy và dây điện, sốc điện, bắt ăn phân sống, làm nghẹt thở bằng túi ni lông hay dìm xuống nước, châm thuốc lá đang cháy vào người, chọc kim, nhổ móng tay… tất cả các hình thức tra tấn dã man đều đã từng diễn ra ở đây.

Với những cuộc tra tấn man rợ kiểu như vậy, bất kì “gián điệp” nào cũng buộc phải thú nhận tội lỗi của mình. Nhưng như vậy đâu đã đủ. Họ còn buộc phải “khai ra” nhiều tình tiết khác cũng như cung cấp danh sách khoảng 50 người đồng phạm, những người quen, bạn bè hay bà con họ hàng. Tất cả bọn họ đều sẽ bị bắt và dẫn giải tới Tuol Sleng để thẩm tra. Hàng ngàn hồ sơ cần phải xác minh, hàng chồng báo cáo về các buổi thẩm tra cần phải nghiên cứu… Douch đọc, phân tích và kiểm tra tất cả. Mỗi ngày, ông ta hút hết 3, 4 bao thuốc và làm việc như bị ma ám, tự ép mình vào kỉ luật sắt và không đòi hỏi bất cứ thứ gì. “Một cái đồng hồ, một chiếc xe đạp và một đài bán dẫn… còn cần gì hơn nữa?”. Mỗi đêm đều có một bản báo cáo hoàn chỉnh được chuyển lên. Ngay sáng sớm hôm sau, Douch sẽ xem xét và chữa lại từng câu trong lời thú tội sau đó phê chuẩn hoặc bãi bỏ hình phạt. Douch đã từng tức giận ghi bên lề một hồ sơ phạm nhân: “Nói dối! Thằng này khá cứng đầu. Sốc điện và vài ba thìa phân sẽ giúp nó mở miệng” sau đó yêu cầu phải thẩm tra lại tù nhân này để lấy được những lời khai chính xác trước khi đóng hồ sơ. Douch thường giáo dục đội ngũ lính canh không nên tra tấn tù nhân chỉ để thoả mãn ý thích bạo hành mà mục đích chính ở đây là lấy được những câu trả lời chính xác.

Posted Image

Tại nhà tù Tuol Sleng có 3 nhóm thẩm vấn: nhóm “chính trị” là những người có trách nhiệm truyền bá, giáo dục tư tưởng, nhóm “dữ tợn” thường là những kẻ sẵn sàng đánh đập tù nhân trong khi hỏi cung và nhóm thứ ba là nhóm “độc ác” chuyên có nhiệm vụ tra tấn, thậm chí trong hàng tháng trời, những nhân vật được coi là ngoan cố, ương ngạnh nhất. Khi nạn nhân bắt đầu hấp hối hoặc đã nuốt xong một cái đinh ốc, một bác sĩ Khmer đỏ sẽ xuất hiện, tiến hành rửa vết thương bằng nước bẩn và tiêm một loại thuốc nào đó để nạn nhân hồi tỉnh lại. Và rồi cuộc tra tấn tiếp tục bắt đầu. Chỉ Angkar mới có quyền được giết. “Hãy chiến đấu chống lại kẻ thù. Nhưng phải ngăn không để chúng chết”.

Làm việc hiệu quả, có phương pháp và giữ bí mật tuyệt đối, lính gác của S-21 không bao giờ rời khỏi trại nửa bước. S-21 hoạt động như một cơ quan chính phủ ngay trong lòng bộ máy Khmer đỏ. Chỉ cần một cái tên của kẻ tòng phạm được nêu ra, Angkar có thể cho bắt giữ kẻ đó ngay lập tức. Mệnh lệnh được truyền đi trong mạng lưới của đảng đến lãnh đạo các vùng, huyện rồi các làng và sau cùng là đến lãnh đạo nhóm cư dân. Hằng tháng, có khoảng 7.000 bức điện được gửi đi báo cáo về mọi tình hình từ sản lượng lúa gạo trong tháng của một thôn đến trận lũ vừa mới xảy ra hay cả chuyện một phụ nữ nào đó không chịu lấy chồng. Kẻ khả nghi ngay lập tức sẽ bị triệu tập. “Vì sao lại các ông cho bắt tôi? – Đi mà hỏi Angkar”. Sau khi thanh trừng các đối tượng là sinh viên du học từ phương Tây về, các nhà ngoại giao và trí thức, Tuol Sleng bắt đầu hướng tầm ngắm về phía dân thường, kể cả các thành viên thuộc tổ chức Khmer đỏ.

Năm 1978, Douch viết cuốn “Kế hoạch cuối cùng” trong đó phân tích kĩ tình hình và mưu đồ của các phe thù địch là Mỹ, Liên bang Xô Viết, Đài Loan và Việt Nam. “Kế hoạch cuối cùng” cũng mô tả về chủ trương, biện pháp của Douch đối với tù nhân. Tra tấn, tra tấn và tra tấn! Douch đã từng nói nhiều lần về điều này với cấp dưới của mình: “Hãy từ bỏ ý nghĩ rằng đánh đập tù nhân là dã man. Ở đây không có chỗ cho lòng tốt…”. Trước đây, chính Douch cũng đã có thời bị hành hạ trong các nhà tù của Lon Nol. Prak Khan, một thuộc hạ cũ của Douch nhớ lại chuyện có lần anh ta báo cáo với cấp trên về trường hợp một tù nhân ngoan cố, “Khi đó, Douch liền cầm theo ngay một nắm dây điện. Ông ta tỏ ra rất tức giận. Tôi đã chứng kiến cảnh ông ấy đánh phạm nhân, đánh một cách không thương tiếc, vừa đánh vừa nhe răng cười”. Tính cả thời gian ở trại M13 và S-21 cho tới nay, Douch đã chỉ đạo việc hành quyết gần 40.000 người trong đó thậm chí có cả các anh em rể và một trong số các ân nhân của ông ta.

Vậy Douch là ai? Một con quỷ dữ? Hay một con tốt đen của cả một chế độ diệt chủng? David Chandler, một nhà nghiên cứu Australia, người đã nhiều năm nghiên cứu hồ sơ về Tuol Sleng, đã kết luận như sau: « Cuối cùng thì, để tìm ra ngọn nguồn của tội ác vẫn từng ngày diễn ra tại trại giam S-21, chúng ta không nên tìm kiếm ở đâu xa mà hãy nhìn nhận lại chính bản thân mình ». Trong không khí nóng nực tại Chiang Mai, chính François Bizot cũng đang băn khoăn vì vấn đề đó. Ông đã từng có dịp tới thăm Douch vài phút khi ông ta bị bắt giữ vào năm 1999. Đứng trước Bizot là một ông lão tươi cười, có phần rụt rè đến đáng thương. Douch nói chuyện với Bizot như với một người bạn cũ đã lâu không gặp: « Ông đã thay đổi rất nhiều! Nếu gặp trên đường, có lẽ tôi không thể nhận ra ». « Là tôi đây », Bizot nói bằng tiếng Khmer. « Ồ vâng, tôi biết. Đôi khi tôi vẫn nhớ đến những kỷ niệm về ông. Con gái ông bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Tôi nhớ lại ba điều: niềm vui khi trả tự do cho ông, đêm Noel khi chúng ta cùng uống một tách Nescafé không đường, và nỗi sợ hãi của tôi khi vượt qua con đập chắn bên cạnh là đám đông xa lạ… ».

Vậy Douch thật sự là một người như thế nào? Liệu ông ta có giống như bao người khác không? Câu trả lời thật đáng sợ: « Khi chúng ta ý thức về cái ác nằm ngay trong bản thân mình, chúng ta cảm thấy sợ hãi. Và đó chính là lúc chúng ta sợ hãi chính con người mình ».

Ở Toul Sleng, một khi cuộc hỏi cung đã kết thúc, các lời khai đã được ký nhận, một xe tải sẽ chờ tù nhân chạy trong đêm về hướng Choeung Ek, một nghĩa trang cũ của người Hoa. Tại đó, các tù nhân, đàn ông và đàn bà, bị đẩy xuống xe, tay trói, mắt bịt khăn, quỳ gối bên miệng hố. Một lính gác dùng thanh sắt đập vào gáy để các tù nhân ngã xuống hố trước khi chặt đầu họ. Đôi khi, cách đó không xa, người ta sẽ thấy có một người đàn ông đang ngồi trên một chiếc chiếu, vừa hút thuốc vừa quan sát. Và không ai khác, đó chính là Douch.

Diệu Châu (dịch từ Le Nouvel Observateur)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay