wildlavender

Trầm Hương Nhả Thuốc

1 bài viết trong chủ đề này

Trầm hương nhả thuốc

03/02/2010 16:15 (GMT +7)

Không chỉ là hương liệu đắt tiền để đốt cho thơm nhà cửa trong những dịp lễ tết, trầm hương còn là một vị thuốc quý trong đông y.

Posted Image

Khói trầm hương được dùng như một chất trừ tà, uế khí, làm trong sạch môi trường sống (Ảnh: Trí Dũng)

Chất thơm cao cấp

Trầm hương là gỗ có nhiều điểm nhựa của cây gió bầu. Vì có mùi thơm, thả xuống nước chìm nên có tên gọi như vậy (trầm có nghĩa là chìm). Riêng tên kỳ nam thường dành cho loại trầm quý nhất, giá đắt gấp 10 – 20 lần trầm hương. Trầm hương mọc hoang ở những vùng núi Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… Việc tạo thành trầm hương hiện chưa rõ. Có người nói trầm tạo thành do một bệnh gây nên bởi sự biến chất của những phân chim ở kẽ cành. Cũng có giả thiết cho rằng thân cây gió bầu bị bọng, những con ong, con kiến làm tổ ở đó, đưa mật về ăn. Hương mật ấy ngấm vào thịt của cây gió bầu lâu ngày mà kết thành trầm hương. Tại những vùng có cây gió bầu bị bệnh (tức là bắt đầu có những điểm nâu đỏ) người ta thường làm nhà ở gần để canh, vì loại trầm thu được như vậy giá rất đắt, có khi gấp 20 – 30 lần. Một cây gió bầu có thể cho từ 2 – 30kg trầm hương.

Ngoài công dụng làm thuốc, trước hết trầm hương là một chất thơm và là chất định hương cao cấp. Từ xa xưa trầm đã được đốt trong những ngày lễ tết. Hiện người ta trích từ trầm hương những tinh dầu để làm chất định hương và chất thơm cao cấp. Trầm hương có hình dáng, kích thước không nhất định. Có khi là miếng gỗ, có khi là những cục hình trụ, thường dài khoảng 10cm, rộng 2 – 4cm, hai đầu có vết như dao cắt, có khi lại như miếng gỗ mục, mặt ngoài màu vàng nâu, có khi có những vết dọc sẫm màu, chất cứng nặng, nơi cắt ngang có thể thấy những đám nhựa màu đen hay đen nâu.

Vị thuốc đặc biệt quý hiếm

Trong đông y, trầm hương được coi là một vị thuốc đặc biệt quý hiếm. Từ lâu người ta đã biết lấy trầm nấu nước xông hoặc tắm chữa sài giật ở trẻ em; làm gối để chống đau đầu, trầm cảm... Khói trầm hương được dùng như một chất trừ tà, uế khí, làm trong sạch môi trường sống. Nước trầm hương vẩy lên xác ướp để bảo quản. Dược liệu trầm hương có vị cay, đắng, hơi ngọt, có tác dụng bổ thận khí, trấn tĩnh, giảm đau, cầm nôn, chủ yếu dùng trong những trường hợp đau bụng, tức ngực, nôn mửa, hen suyễn, cảm nặng, khó thở, bí tiểu tiện, nam giới tinh khí lạnh.

Sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh dùng trầm hương phối hợp với chỉ xác, nam mộc hương, hạt cải củ; sao vàng, sắc nước uống chữa thuỷ thũng, bụng đầy chướng. Sách Bách gia trân tăng của Hải Thượng Lãn Ông lại dùng trầm hương với mộc hương, nhục quế, bạch đàn, tán bột, làm viên uống với nước sắc lá hoắc hương để chữa nôn mửa không dứt. Theo kinh nghiệm dân gian, trầm hương được dùng với công dụng như trên ở liều 2 – 4g dưới dạng thuốc bột, ngâm rượu hoặc mài nước uống. Ngoài ra còn có thể phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:

Tinh thần xúc động, thở gấp: Trầm hương, nhân sâm, ô dược, hạt cau, mỗi thứ 4g, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống trong ngày.

Tiêu hoá kém, nôn mửa, đau dạ dày: Trầm hương, bạch đậu khấu, mỗi thứ 5g tán nhỏ, rây bột mịn, chia làm 10 gói. Mỗi ngày người lớn uống 3 – 4 gói; trẻ lớn uống hai gói; trẻ nhỏ một gói. Cho thuốc vào nước nóng già, khuấy đều, để lắng rồi chắt uống.

Hen suyễn: Trầm hương 2g, lá trắc bá 3g, tán bột, rây mịn, uống trước khi đi ngủ.

Nam giới bị lạnh bụng, khả năng sinh dục suy yếu: Lấy lượng 5g bằng nhau: bột trầm hương, nhân sâm, quế nhục, ngũ vị tử và chích thảo (cam thảo đã sao) đem hãm với nước sôi uống.

Khi sử dụng trầm hương cần chú ý, người đang sốt, khô gầy, phụ nữ có thai tuyệt đối không được dùng.

Cách phân biệt trầm hương tốt

Đông y phân loại trầm tốt xấu bằng cách cho vào nước. Nếu trầm chìm xuống tận đáy là trầm tốt nhất; bỏ vào nước mà lơ lửng, không chìm, không nổi là trầm loại 2; còn trầm loại 3 là loại nổi trên mặt nước. Đông y thường dùng trầm loại 2 làm thuốc (vì loại 1 có giá rất cao). Trầm loại tốt có sắc đen, bóng, nặng trịch như khối sắt. Trên thị trường hiện có khi người ta giả trầm bằng cách lấy trầm loại 3 khoan một lỗ thật sâu chế chì vào trong đó và bít lại, rồi xoa tinh dầu trầm, đánh bóng. Không rành rất khó mà nhận biết.

Theo ThS.BS Võ Thị Thu (giảng viên bộ môn đông y, học viện y dược học cổ truyền Việt Nam)

Posted Image

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay