Trần Phương

Có hay không "Trà đạo Việt" ?

7 bài viết trong chủ đề này

VIỆT NAM CÓ TRÀ ĐẠO KHÔNG ?

PGS Đỗ Ngọc Quỹ

Đây là một câu hỏi hay mà một số bạn uống trà đã thảo luận sôi nổi trên báo chí và tập san ở hai miền Bắc Nam, của một anh bạn hội viên CLB Trà Việt vô danh đã ghi trong blog comment (Mục 10 chương và 9 điều trong “Trà Kinh” của Lục Vũ).

Bạn đúng là một người tiêu dùng thông thái không chỉ đơn giản bằng lòng với hương vị và màu nước của một chén trà phương Đông. Bạn còn có nhu cầu tìm hiểu sâu bản chất và ý nghĩa của nghệ thuật uống trà.

Lời đáp quả thật không đơn giản, vì phải giải đáp được các câu hỏi sau đây:

1. Trà Đạo Nhật Bản - xuất xứ và nội dung ?

2. Trung Quốc có Trà đạo không ?

3. Việt Nam có Trà đạo không ?

4. Những tư liệu nào cần tham khảo để có thông tin bổ sung ?

Dưới đây là một số tìm hiểu ban đầu chắc chắn còn hạn chế. Vì Văn hoá trà Việt Nam là một lĩnh vực mới mẻ và mênh mông, chỉ mới có một vài ý kiến phát biểu lẻ tẻ vài năm gần đây. Trong khi đó ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã có nhiều Hội thảo quốc gia và quốc tế về văn hoá trà.

Nhưng cũng không cầu toàn, nên xin mạnh dạn đóng góp một vài gợi ý ban đầu để chia sẻ với các bạn hôi viên cùng nghiên cứu. Không phải là những chỉ giáo, vì đến nay chưa có hội thảo chuyên sâu về Văn hóa trà của các nhà khoa học, lịch sử và văn hóa trà ở Việt Nam.

1. Trà Đạo Nhật Bản - xuất xứ và nội dung ?

Trà đạo – CHADO, hay SADO, hay CHA-NO-YU – là một lễ nghi cao thượng ở Nhật Bản, có nguồn gốc Thiền (Zen) của Đạo Phật, nhằm tôn vinh cái đẹp trong cuộc sống đời thường. Đây là một biểu diễn nghệ thuật của khách đến thăm chủ nhà, trong đó mọi động tác đều được quy định theo một quy trình chặt chẽ. Trà đạo được giảng dạy tại các Trường chuyên. Tuy có những khác biệt giữa nhiều trường phái, nhưng tất cả đều có một tinh thần nguyên tắc thống nhất. Trà Đạo Nhật Bản ra mắt tại chùa Kinh sơn tự; và đề xuất 4 nguyên tắc “ Hoà - Kính – Thanh - Tịnh ” để bồi dưỡng đạo đức và nếp sống xử thế văn minh trong xã hội con người.

Trà Đạo là một triết lý về cái đẹp trong cuộc sống đời thường con người. Trà Đạo Nhật Bản gợi lên cho người thưởng thức trà một cảm xúc trong sáng, hài hoà, huyền bí và lãng mạn của trật tự xã hội. Đây là một yêu cầu về tinh khiết, vì nó đòi hỏi thanh tịnh; một đạo đức tiết kiệm, vì nó chứng minh cho chúng ta, hạnh phúc cuộc đời chủ yếu là sự đơn giản hơn là sự phức tạp phiền toái và chi tiêu hoang phí; một thước đo tinh thần nhằm xác định vị trí của con người chúng ta trong vũ trụ. Triết lý của Trà Đạo không chỉ đơn giản tôn vinh cái đẹp theo nghĩa thông thường của từ ngữ, mà kết hợp với mỹ học và tôn giáo, còn giúp cho việc thể hiện khái niệm tổng hợp của con người về Thiên - Địa - Nhân. Trà Đạo chính là Đạo Lão ngụy trang (Okakura Kazuko, 1906).

2. Trung Quốc có Trà đạo không ?

Kết quả hội thảo văn hóa trà của các học giả Trung quốc đã đề ra hai khái niệm : Trà đạo và Trà đức. Trịnh Khởi Khôn, Viện trưởng Viện nghiên cứu chè Trung Quốc tại Hàng Châu, Chiết Giang (1999) trong một công trình nghiên cứu “Tiến triển về nghiên cứu một số vấn đề văn hóa trà Trung Hoa” đã tổng kết ý kiến của các hội thảo chuyên đề như sau.

Văn hoá trà Trung Hoa có nội dung phong phú, tiếp cận với khoa học, đạo đức, thẩm mỹ và lễ nghi v ...v... Tinh thần của nó bao hàm bốn mặt sau đây “dưỡng sinh, tu tính, sảng tình, tuân lễ". Thông qua sự truyền bá của văn hoá trà, đã ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới quan của con người, thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Ngô Tuệ Nông, trong cuốn Trà kinh thuật bình đã nhận thức rằng : “Trà đạo coi trà như một thứ nước uống quý giá tưạ ngọc ngà cao thượng. Uống trà là một sự hưởng thụ tinh thần, một loại hình nghệ thuật, hay một cách tu thân dưỡng tính“

Trang Vãn Phương : “Trà đạo là một loại nghi thức để tiến hành giáo dục lễ pháp, tu thân dưỡng đức đối với con người, thông qua phương thức uống trà"

Thắng Quân : "Trà đạo là kết tinh của văn hoá Nhật Bản. Trà đạo được coi là triết học hoá và nghệ thuật hoá ứng dụng vào lĩnh vực đời sống. Trà đạo là một bộ môn lấy uống trà làm nội dung của văn hoá nghệ năng, là một cách kết hợp hoàn mỹ của văn hoá truyền thống với trà sự, đó là một phương pháp xã giao lễ nghi, tu thân dưỡng tính và giáo dục đạo đức"

Trần văn Hoài : "Tinh thần cuả trà nghệ và trà đạo là hạt nhân của văn hoá trà Trung Quốc, chữ nghệ nói ở đây là chỉ cái thuật của trà nghệ trong chế biến, pha uống và cách thưởng thức trà; chữ đạo nói ở đây là chỉ cái tinh thần quán triệt trong suốt cả quá trình trà nghệ. Nói một cách giản đơn Trà đạo chính là tinh thần, đạo đức, quy luật, cội nguồn và bản chất; thường thường thì nó nhìn không thấy, sờ không thấy, nhưng nó lại hoàn toàn có thể lĩnh hội được thông qua tâm linh."

Trần Hương Bạch nhận thức rằng : ”Hạt nhân của trà đạo là hoà ; ý nghĩa của trà đạo gồm có 7 điểm : tức là trà nghệ, trà đức, trà lễ, trà tình, trà học thuyết và trà đạo, được định hình từ thời Đường đang thịnh vượng."

Trình Khởi Khôn (1990) trong “Trung Quốc trà đức” đề xuất Trà đức Trung Quốc là “Lý, Kính, Thanh, Xúc".

Vương Linh (1995), trong “Tinh thần trà đạo truyền thống của Trà đạo Trung Quốc và hướng đi tới của văn hoá trà thời đại mới", nhận thức rằng Trà đạo Trung Quốc là sự hợp nhất của đạo nhà, đạo trời và đạo người, là tư tưởng tam hoà của thiên thời, địa lợi và nhân hoà cùng sánh vai với nhau; lấy tư tưởng chỉ đạo là nho gia và lấy tinh thần nhà Phật phổ độ chúng sinh làm tôn chỉ, tức là sự tập hợp tư tưởng ưu tú của Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo.

Lưu Khâu Văn, Lưu Tổ Sinh và Trương Đằng Hằng (1994) viết: Trà đức là một thể hiện của một loại văn hoá tinh thần, một khám phá tìm tòi tương đối thâm thuý của một số người yêu thích uống trà, trải qua nhiều thời đại lịch sử. Trà đạo là một số hình thức biểu hiện hay một số quy phạm hay phép tắc của loại văn hoá tinh thần đó.

Trà đạo Trung Quốc không có một hình thức nhất định, mà khi thì hưng thịnh khi thì suy thoái. Từ cuốn sách Trà Kinh và Trà đạo đại hành của Lục Vũ cho đến ngày nay, ý nghĩa và cả nội dung của Trà đạo đều đã phát triển và biến hoá. Nhưng sau khi Trà đạo Trung quốc truyền bá sang Nhật Bản, kinh qua các tăng lữ, võ sỹ đạo và tướng tá, kết hợp với tính sáng tạo đổi mới của Nhật Bản, lưu truyền từ đời này đến đời khác, thì nội dung và hình thức, đều mang đặc sắc dân tộc mới mẻ của Nhật Bản.

Nghệ thuật uống trà xưa và nay định nghĩa theo nghĩa hẹp là kỹ thuật phân tích đánh giá những điểm tốt xấu của trà. Theo nghĩa rộng là một phương thức sinh hoạt lấy nội dung chủ yếu là phẩm trà (phân tích đánh giá chất lượng trà tốt xấu).

3. Việt Nam có Trà đạo không ?

Theo "Từ điển tiếng Việt" của Viện Ngôn Ngữ Học, do Hoàng Phê chủ biên (1998) trang 280, chữ đạo có ba nghĩa sau đây :

1. Đường lối, nguyên tắc mà con người phải giữ gìn và tuân theo trong cuộc sống xã hội như đạo làm người, đạo vợ chồng, ăn ở cho phải đạo ...

2. Nội dung học thuật của một học thuyết được tôn sùng ngày xưa, như tầm sư học đạo, mến đạo thánh hiền ...

3. Một tổ chức tôn giáo, như đạo Thiên chúa, đạo Phật, đạo Hồi, đi đạo ...

Hiểu theo ý nghĩa thứ ba “một tổ chức tôn giáo” như Trà Đạo Nhật Bản có ba tiêu chí giáo lý, giáo chủ và thánh đường, thì Việt Nam không có Trà đạo.

Còn hiểu theo nghĩa thứ nhất “đường lối, nguyên tắc mà con người phải giữ gìn tuân theo trong cuộc sống xã hội”, thì Việt Nam có Trà đạo. Đó là phong tục tập quán uống trà hay nghệ thuật uống trà, với nội dung bao gồm cách thưởng thức phẩm chất của trà và giá trị phi vật thể biểu hiện trong nghi thức giao tiếp ứng xử, như đạo đức niềm tin của con người đối với bản thân, xã hội và đất nước.

Như vậy Trà chỉ là một vật phẩm xúc tác dùng trong hoạt động giao tiếp, lễ nghi và tôn giáo mà thôi, chứ không có nghĩa huyền bí khó hiểu như khái niệm “Trà là hiện thân của Đạo, theo công thức Trà = Đạo = Phật (Ngô Linh Ngọc)“.

4. Có những tác giả và tư liệu nào cần tham khảo thêm ?

Về Trà đạo Nhật Bản :

* Okakura Kazuko, (1906), Yasunosuke Fukukita (1935), và cuốn Bách khoa từ điển - Encyclopedia Japonica, Tokyo (1983), Anh văn.

Về Trà đạo, Trà đức Trung Hoa :

* Trịnh Khởi Khôn “Tiến triển về nghiên cứu một số vấn đề văn hóa trà Trung Hoa” (1999), Hiệp hội chè Chiết Giang, Trung Quốc. Trung văn.

* Lưu Khâu Văn, Lưu Tổ Sinh và Trương Đằng Hằng “Trà, trà khoa học, trà văn hóa” NXB Liêu Ninh, Trung Quốc (1994) Trung văn.

Về Trà đạo Việt Nam :

* Ngô Linh Ngọc, Trần Ngọc Thêm, Trần Quốc Vượng, Vương Hồng Sển.

* Đỗ Ngọc Quỹ - Đỗ Thị Ngọc Oanh. “Tìm hiểu về khoa học văn hóa trà thế giới và Việt Nam”, do NXB Nông nghiệp sẽ xuất bản tháng 6/2008.

Ngày 19 tháng 3 năm 2008

PGS Đỗ Ngọc Quỹ

Share this post


Link to post
Share on other sites

Cái gì được biến thành "Đạo" là có sự chú trọng cao độ (thậm chí là thái quá - tôn sùng) về nghiên cứu, mô tả, ứng dụng. Khi nó biến được thành "Đạo" tức là người ta phải mất công, mất sức nỗ lực cho nó nhiều mới có thể xây dựng thành hệ tư tưởng ăn vào tiềm thức, thói quen nề nếp và lập nghi thức bắt buộc để bày tỏ sự "tôn sùng".

Khái niệm "Đạo" trong triết lý người Việt có lẽ phải gắn bó nhiều hơn với các quy luật vũ trụ rất gần gũi với đời sống người Việt. Thiển ý của Phoenix thì người Việt cổ là dân tộc có đời sống tư tưởng, trí tuệ và tinh thần phong phú.. Song bản chất lối sống của dân cư nông nghiệp đơn giản, thuần hòa, dân dã. Tuy chặt chẽ trong các quy luật liên quan đến quy luật vận động, phát triển của đời sống (VD: Lý số) nhưng lại không câu nệ nhiều về mặt nghi thức, thủ tục nếu nó không nhằm đảm bảo các quy luật này. Cho nên, uống các loại nước từ lá cây để giải nhiệt, chữa bệnh nặng về công năng hơn là thưởng lãm.

Vì thế thói quen và truyền thống uống trà thì chắc chắn có chứ "trà đạo" theo cách hiểu và khái niệm như "trà đạo" của Nhật, Trung Quốc sẽ không ăn nhập gì.

Nếu nghiên cứu sâu, rõ ràng "trà đạo" của các quốc gia này chỉ được chú trọng và thành cao trào trong các thời đại phong kiến. Càng thịnh trị, càng dư dả thì người ta càng có điều kiện "vẽ vời", ngâm ngợi để đề cao thú chơi uống trà. Từ việc nhâm nhi uống trà người ta liên tưởng đến tâm thế, trạng thái và ngẫm nghĩ vận dụng giá trị đó đến cái này, cái kia. Chứ nói uống trà là triết lý của "Thiên - Địa - Nhân" nghe chưa có gì là thuyết phục cả. Bản chất "Đạo" uống trà hiểu theo nghĩa này thực ra cũng chỉ là một hình thức thư giãn, thưởng thức.

Vài lời thiển cận, mong được góp ý!

Share this post


Link to post
Share on other sites

Trong thế giới uống trà và thành một nghệ thuật thì thấy có ở Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản. Nhưng chỉ có Nhật Bản nâng lên thành trà đạo. Nhưng nguồn gốc trà đạo của Nhật Bản từ đâu mà ra? Từ Trung Hoa chăng? Nếu vậy thì Trung Hoa phải có trà Đạo trước tiên chứ? Cứ theo lý luận của vị phó giáo sư Đỗ Ngọc Quỹ thì Trà Đạo bắt nguồn từ Đạo Lão. Chính xác! Nhưng nếu vậy - nếu coi Đạo Lão có nguồn gốc Trung Hoa thì ít nhất trà Đạo phải được duy trì trong lịch sử văn hóa Trung Hoa đến khi nó ảnh hưởng tới Nhật Bản. Nhưng không có bằng chứng nào chứng tỏ điều này! Trong lịch sử Trung Hoa không hề có dấu ấn của trà Đạo. Vậy thì trà Đạo Nhật Bản từ đâu mà ra? Nếu nói nguồn gốc trà Đạo từ Đạo Lão thì ít nhất Đạo Lão phải có ảnh hưởng rất lớn trong văn hóa Nhật, thì nó mới có thể tạo ra trà Đạo nơi đây chứ? Cũng không có nốt!

Nếu xuất phát từ một quan điểm lịch sử "Thởi Hùng Vương chỉ là một liên minh 15 bộ lạc" với những người dân "ở trần đóng khố" thì hầu như tất cả cái nền văn hóa Đông phương cứ như từ trên trời rơi xuống và tất cả đều không có nguôn gốc. Kể cả trà Đạo Nhật Bản. Nhưng nếu chúng ta nhận thức một cách sâu sắc rằng: Thởi Hùng Vương là một nền văn minh huyền vĩ và là cội nguồn của văn minh Đông phương thì chúng ta sẽ thấy một sự hợp lý giải thích những bí ẩn của nền văn minh này, mà còn giải thích cả nguồn gốc trà Đạo của Nhật Bản.

Đạo Lão xuất phát từ nền văn minh Việt và ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội Văn Lang. Lão tử chính là Chử Đồng Tử (Xin xem: Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại - trang chủ: lyhocdongphuong.org.vn) và chính vì vậy, Trà Đạo Việt đã xuất hiện trong thời kỳ này. Nền văn minh Việt sụp đổ ở Nam Dương tử. Nhật Bản vốn là một dân tộc thuộc Văn Lang xưa đã di tản sang đảo Phù Tang và giữ lại được dấu ấn truyền thống sau này thành trà Đạo Nhật Bản.

Có thể có ý kiến cho rằng Thiên Sứ tôi cái gì cũng quy về thời Hùng Vương một cách cực đoan. Không! Thiên Sứ tôi đủ tình táo để xét đoán. Trong Hai cuốn cổ thư Đông Phương ghi nhận "chính sự dùng lối thắt nút " thì một là Kinh Dịch, hai là Đạo Đức Kinh (Được coi là Lão Tử - thánh tổ Đạo giáo) và cuốn thứ ba....Oái oăm thay cho những học "giả" có quan điểm phủ nhận lịch sử văn hóa truyền thống Việt trải gần 5000 văn hiến chính là ....Việt Sử lược. Kinh Dịch và thuyết Âm Dương Ngũ hành của nền văn hiến Việt. Việt sử lược với những dấu ấn Việt và Đạo Đức Kinh tất phải thuộc về người Lạc Việt. Và trà Đạo có nguồn gốc từ Đạo Lão tất cũng không thể không từ nền văn hiến Việt một thời huyền vĩ ở Nam Dương Tử.

Tôi đang viết cuốn "Đạo Đức Kinh trong văn hiến Việt" sẽ tiếp tục minh chứng điều này.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đúng là trong "Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại" có nói đến sự nghi vấn và sự phân tích - lý giải hợp lý về sự xuất hiện huyền ảo của Lão Tử (với một học thuyết hướng con người về với Thái Cực) cùng với sự biến mất kỳ lạ cùng thời điểm của Chử Đồng Tử và Tiên Dung trong truyền thuyết đã đặt ra vấn đề Lão Tử và Chử Đồng Tử chỉ là một người. Tôi đã từng ngỡ ngàng trước phát hiện thú vị này. Như vậy, câu chuyện về Chử Đồng Tử phải là của thời Hùng Vương thứ 18 chứ không phải là HV thứ 3.

Và nếu cho rằng Đạo Lão chính là nguồn gốc của Trà Đạo Nhật Bản thì rõ ràng văn hóa uống trà phải có nguồn gốc từ xã hội Văn Lang, với những biến động lịch sử về sau, lãnh thổ Văn Lang xưa bị thu hẹp đáng kể nên mới có suy luận "Trà" có xuất xứ từ Trung Quốc hiện tại. Điều này mở ra một hướng nghiên cứu mới rất nghiêm túc về nguồn gốc văn hóa uống trà của người Việt xưa, không nhất thiết phải là "Trà đạo Việt".

Ở dọc nẻo đường trên khắp nước ta ngày nay, tôi cũng đã từng biết đến nhiều quán ghi là "Trà đạo Việt Nam", và đã từng có nhiều ý kiến phản bác rằng :

Có thể các quán đó còn duy trì nhiều phương thức pha trà cổ truyền của gia đình - dòng họ để lại, họ muốn gọi sao cũng được nhưng xin đừng gọi là "Trà đạo Việt Nam" vì nó đụng đến văn hóa của dân tộc. Người Việt chưa bao giờ gọi việc thưởng lãm trà của mình là "Trà đạo" cả

Share this post


Link to post
Share on other sites

Anh Trần Phương thân mến.

Ở dọc nẻo đường trên khắp nước ta ngày nay, tôi cũng đã từng biết đến nhiều quán ghi là "Trà đạo Việt Nam", và đã từng có nhiều ý kiến phản bác rằng :

Có thể các quán đó còn duy trì nhiều phương thức pha trà cổ truyền của gia đình - dòng họ để lại, họ muốn gọi sao cũng được nhưng xin đừng gọi là "Trà đạo Việt Nam" vì nó đụng đến văn hóa của dân tộc. Người Việt chưa bao giờ gọi việc thưởng lãm trà của mình là "Trà đạo" cả

Anh Trần Phương ạ!

Với những kẻ dốt nát - nhưng lại khoác áo trí thức , học giả, học thật - cứ cái gì tôn vinh chính dân tộc Việt thì họ lại van xin. Tôi vẫn gọi là Trà Đạo Việt. Trà Đạo Việt tiềm ẩn trong văn hóa Việt trải hàng ngàn năm và như bừng tỉnh trong Nguyễn Tuân với "Những chiếc ấm đất". Còn kẻ nào đến xin tôi bố thí cho để đừng gọi là "trà đạo Việt" thì tôi có thể nói với họ rằng:" Đây là loại ăn mày văn hóa mà tôi không thể bố thí!"

Share this post


Link to post
Share on other sites

Anh Thiên Sứ,

Với những kẻ dốt nát - nhưng lại khoác áo trí thức , học giả, học thật - cứ cái gì tôn vinh chính dân tộc Việt thì họ lại van xin. Tôi vẫn gọi là Trà Đạo Việt. Trà Đạo Việt tiềm ẩn trong văn hóa Việt trải hàng ngàn năm và như bừng tỉnh trong Nguyễn Tuân với "Những chiếc ấm đất". Còn kẻ nào đến xin tôi bố thí cho để đừng gọi là "trà đạo Việt" thì tôi có thể nói với họ rằng:" Đây là loại ăn mày văn hóa mà tôi không thể bố thí!"

Hi .. :rolleyes:

Thật vậy, "Trà đạo Việt" ! Sao lại không có nhỉ, xin giới thiệu bài dưới đây :

Posted ImagePha trà

Phú quý sinh lễ nghĩa”, âu cũng là một tất yếu. Thế nhưng, sâu xa của câu ngạn ngữ chính là cuộc sống vật chất đã no đủ, người ta mới có điều kiện để sinh ra những nghi thức mà làm sang cho chính mình. Nhất là trong cuộc sống gấp gáp này, người ta tìm đến những “đạo” ẩm thủy để giảm stress, để tận hưởng cuộc sống thư thái, an nhàn… Bạn có thể tự rút ra kết luận "Người Việt có Trà đạo hay không"? sau khi đọc bài viết này...

Mấy năm gần đây, xu hướng “trà đạo” Việt Nam đang có cơ hội phục hồi, nhất là khi cái thú thưởng thức, nhâm nhi một ấm trà ngon đã lan sang giới trẻ. Trong cái guồng “thực - giả lẫn lộn”, nhiều người chạy theo “mốt” chứ chưa chắc đã am tường về đạo trà, hiểu trà, hay chí ít cũng chưa tỏ nguồn cơn rằng thức uống ấy khởi nguồn từ đâu, thưởng thức thế nào, dư vị trà ấy khác với trà khác ra sao…

Tôi may mắn được “hầu trà” cùng nghệ nhân Trường Xuân - bậc “cao nhân” về trà của đất Hà thành. Con trai cụ, Hoàng Anh Sướng (cũng là một nhà báo) đã chỉ cho tôi lai lịch của thức uống tưởng như dễ dãi ấy. Cụ Trường Xuân đã dành cả đời mình cho cây chè, cho đạo trà Việt. Và, câu chuyện về trà tưởng chừng không có hồi kết. Cái “đạo trà” cũng kén người chứ không “vô ưu” như ta tưởng!

Trước nhất, đó là cái địa thế, đất trồng, khí sắc của tự nhiên định ra hương vị của trà. Cùng một đồi trà, cây trà trồng hướng đông (Đông pha) bao giờ cũng ngon hơn cây ở hướng Tây (Tây pha), ấy là vì nó đón nhận được nhiều hơn khí trời, nắng trời. Lại nữa, cũng một cây trà nhưng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông là bốn mùa hương vị. Tuyệt nhất ấy là trà “Xuân 1”, còn gọi là “Tiền minh” - trà trước tiết thanh minh. Khi cái giá rét của mùa đông vừa qua đi, những tia nắng ấm đầu tiên của mùa xuân vừa ló rạng thì những đọt non cũng bừng nhú trên những cành chè khẳng khiu. Thứ đọt non ấy, nếu hái lúc sớm tinh mơ, cả đồi chè còn chìm trong hơi sương, đem về sao suốt trên chảo gang thì hương thơm ngào ngạt như xôi mùa lùi trong chõ, ngọt bền vướng vít mãi trong cổ.

Loại trà ấy được gọi là trà tiến vua. Xưa, những thiếu nữ đồng trinh với đôi tay dài mềm mại dùng móng tay dài khẽ khàng ngắt những đọt lá non. Da thịt không được chạm đến bởi họ sợ sức nóng của cơ thể, mùi da thịt thiếu nữ sẽ làm lệch lạc đi hương vị của trà. Dưới bàn tay chai dày của các nghệ nhân, búp trà sao tẩm trên chảo gang cong như lưỡi con chim tước, thế nên mới có tên gọi trà “tước thiệt” – lưỡi con chim sẻ. Tương truyền, trà ấy được làm từ vùng Châu Bôi Sa (Quảng Trị ngày nay); thế nhưng nghệ thuật ấy đã thất truyền, mai một.

Người Việt ta dường như mở mắt chào đời đã thấy trà, uống trà trọn đời và đến khi về cõi thiên cổ, vẫn được tẩm liệm với trà. Có điều, trong suốt lịch sử uống trà hàng ngàn năm, Việt Nam không có một truyền kỳ nào về trà. Điều này cũng dễ lý giải bởi tâm hồn người Việt bình dị, chân chất. Song điều đó không có nghĩa là chúng ta xuề xoà, thô vụng trong nghệ thuật chế biến, sao tẩm trà. Các ông Tây, bà Tàu đã không ít lần nắc nỏm, xuýt xoa trước nghệ thuật ướp trà sen cầu kỳ, tinh tế của những nghệ nhân Hà Nội.

Posted Image

Cần phải nói ngay rằng, trong nghệ thuật ướp trà sen, trà mạn hảo được ưa chuộng nhất. Đó là trà Tuyết Shan cổ thụ vùng mạn ngược Hà Giang mọc tự nhiên trên những dãy núi cao từ 800 - 1300 mét quanh năm sương phủ.

Để chống chọi với khí hậu khắc nghiệt, những búp trà phải gồng sức vươn lên đón nhận từng giọt nắng mặt trời. Chính cuộc chống trả quyết liệt cho sự sinh tồn ấy đã tạo cho trà Tuyết Shan một hương vị đặc biệt, khiến những người sành trà luôn săn tìm, yêu thích. Các nghệ nhân trà Hà Nội trân trọng, nâng niu như một báu vật. Họ chọn lựa những búp trà non, những lá trà bánh tẻ. Cuống và lá trà già bị loại bỏ rồi rửa sạch, cho vào chõ đồ chín. Sau khi phơi khô, họ cho trà vào chum (vại), trên phủ một lớp lá chuối khô, ủ từ... 3- 4 năm cho trà phong hoá bớt chất chát, có độ xốp như giấy bản mà hương vị đặc trưng của trà vẫn lưu giữ.

Khi ướp, người ta rải một lớp trà rồi một lớp gạo sen mỏng, rồi lại một lớp trà, một lớp gạo sen. Cứ thế cho đến khi hết trà. Sau cùng, phủ một lớp giấy bản. Thời gian ướp tuỳ thuộc vào độ ẩm của gạo sen nhiều hay ít, thường từ 18 - 24 giờ. Sau đó, đem sàng để loại bỏ những hạt gạo sen. Sàng loại xong, trà được đóng vào những chiếc túi làm bằng giấy chống ẩm để giữ lấy cả hương sen lẫn hương trà rồi sấy cho đến khi cánh trà khô, hương sen quyện thì bỏ ra. Lại ướp một lần sen thứ hai, thứ ba, thậm chí thứ tư, thứ năm tuỳ thuộc vào sở thích của người thưởng trà đậm hay nhạt. Càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện vào cánh trà, trà càng thơm. Trung bình, mỗi cân trà ướp cần từ 1000 - 1200 bông sen. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, mỗi cân trà sen được đổi bằng 2 - 3 chỉ vàng mà người sành trà vẫn nao nức lùng bằng được.

Có được thức trà ngon, cách dùng nó cũng là cả một nghệ thuật, cho nên mới có cái nghi thức thưởng trà. Dâng chén trà theo đúng cách là ngón giữa phải đỡ lấy đáy chén, ngón trỏ và ngón cái đỡ miệng chén gọi là “Tam long giá ngọc”. Người dâng trà và người nhận trà đều phải cung kính cúi đầu. Trước khi uống, đưa chén trà sang tay trái, mắt nhìn theo, sau đó đưa sang phải “du sơn lâm thuỷ”. Khi uống, cầm chén trà quay lòng bàn tay vào trong, dâng chén trà lên sát mũi để thưởng thức hương trà trước, sau đó tay che miệng nhấm nháp từng ngụm nhỏ nhẹ. Tay áo các quan lại phong kiến thường rất rộng cũng một phần dùng để che miệng khi uống trà là vậy. Che miệng khi ăn, uống, cười trong chèo, tuồng, trong đời sống người Việt xưa chính là một hành vi văn hoá. Người uống cũng phải chậm rãi mím miệng nuốt khẽ cho hương trà thoát ra đằng mũi và đồng thời đọng trong cổ họng, nuốt tý nước bọt lần một, lần hai, lần ba để cảm nhận.

Các chân trà nhân từ xưa đã rất chú ý đến nghệ thuật thưởng trà với nhiều loại trà cụ cần thiết để làm sao cho người uống cũng có thể cảm nhận và thể nghiệm giống như các thiền sư. Dùng thìa gỗ múc trà cho vào ấm đất nung nhỏ, được gọi là “Ngọc diệp hồi cung”. Để có được chén trà ngon thì bình trà và tách uống trà phải được làm nóng lên bằng nước sôi. Trà cụ dùng để xúc trà, lấy bã trà đều bằng tre khô hoặc gỗ thơm. Khi châm nước lần một gọi là “cao sơn trường thuỷ” rồi chắt ngay ra. Đây là thao tác “tráng trà” nhằm loại hết bụi bẩn và cho trà khô kịp thấm không nổi lềnh bềnh. Lần thứ hai đổ nước vào ấm gọi là “hạ sơn nhập thuỷ” nên đổ nước cao, tràn miệng bình để khi đậy nắp lại, bụi trà tràn ra hết, rồi dội nước sôi lên nắp để giữ nhiệt độ cao nhất cho ấm trà. Nước hai chính là nước ngon nhất được tạo ra trong vòng 1 - 2 phút , có hương vị đượm đà, thơm tho níu quyến. Khi rót trà phải chuyên đều các chén sao cho nồng độ trà như nhau bằng cách kê khít miệng chén lại và đưa vòi ấm quay vòng. (Cách phổ biến trong truyền thống là rót ra “chén tống” rồi san đều ra các “chén quân”. Cách này ngày nay ít dùng vì phần làm nguội trà, phần hương trà phôi pha).

Posted Image

Nói đến trà đạo, người ta thường nghĩ đến đất Trung Quốc rộng lớn. Quả thực, đất ấy sản sinh ra lắm truyền kỳ, mỗi tên trà là một câu chuyện đầy hấp dẫn. Những Long Tỉnh trà, Ô long trà, Đại Hồng Bào, Thiết Quan Âm, La Hán, nào Trảm mã trà, Vân vũ trà, Nhạn đăng trà, Thiên trụ trà... Trác tuyệt nhất là trà Trinh nữ. Chuyện rằng: ở ngọn núi Vũ Di (tỉnh Phúc Kiến) vời vợi cao bốn mùa sương phủ, nơi con suối Hổ Báo tuyền trùng trình vắt qua như một dải lụa mềm có một cánh rừng trà cổ thụ chừng mấy chục nghìn cây. Vào mùa xuân, khi hoa mai nở trắng ngần bên ngôi chùa cổ, cũng là lúc những đọt non trà bừng nhú. Những thiếu nữ đồng trinh đẹp dịu dàng như những bông hoa trà khẽ khàng bấm từng búp trà non mởn ấy sao cho không bị dập, bị nát để hương trà không bị ôi oai. Trà sau khi sấy khô được bọc trong những túi lụa mỏng rồi đặt vào... “chỗ kín” của thiếu nữ đồng trinh một đêm để “tẩm” hương. Khi thưởng thức, chính tố nữ ấy sẽ ngậm ngụm trà trong miệng rồi... mớm cho khách ẩm thuỷ trong tư thế... không mảnh vải che thân mà không được giao hoan. Người Trung Quốc bảo rằng: Đó là phép luyện trường sinh bất lão.

Mới đây, người ta vừa mới công bố bức ảnh chụp một quả trà hoá thạch được tìm thấy ở Con Moong - Hoà Bình do tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Việt tìm thấy. Quả trà ấy có niên đại cách đây khoảng 10.000 ngàn năm. Đấy là di tích xa xưa nhất mà chúng ta có để chứng minh rằng, cái thú ẩm thuỷ mang tên trà ấy đã may mắn sinh ra trên mảnh đất nhiệt đới nóng ẩm này, cho dân mình thứ nước uống tao nhã, tinh khiết mà mê đắm chẳng bao giờ dứt nổi. Những bậc tao nhân ngồi với nhau bên chén trà tinh khiết để đàm đạo chuyện nhân thế ắt phải có duyên số, có chung một điều tâm huyết. Chúng ta cũng đã ngồi tẩn mẩn mà kể chuyện trà từ đông-tây-kim-cổ, đấy cũng chẳng phải là một cơ duyên hạnh ngộ đó sao!

Di Linh - Hoàng Anh (Theo Vietimes)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Trà Việt Nam: Không phải "đạo" mà là cuộc sống

Thứ hai, 8/9/2008, 07:00 GMT+7

Mặc dù cũng đã có bề dày lịch sử hàng trăm năm, và theo sự đánh giá của một số học giả thì Việt Nam là một trong những nơi phát tích của cây chè nhưng ở Việt Nam có Trà đạo hay chưa thì chưa ai dám quả quyết. Tất nhiên điều đó cũng không hề quan trọng, bởi vì mỗi dân tộc qua quá trình hình thành, và phát triển đều đã tích luỹ được những đặc trưng văn hoá của dân tộc mình. Sẽ là vô duyên nếu đem so sánh thú uống Trà thanh tao, giản dị của người Việt với những nghi thức Trà đạo u nhã mà huyền hoặc của người Nhật, hoặc với những Triết lý Trà thâm viễn của người Trung Quốc. Việc uống trà, đối với người Việt cũng bình dị như chính cuộc sống này vậy.

Các dân tộc ở châu Âu, châu Mỹ quan niệm trà là một loại đồ uống bổ dưỡng có lợi cho dưỡng sinh, chính vì thế, họ thường sử dụng các loại trà đen, đóng túi lọc, khi uống bỏ thêm đường viên, đường thẻ hoặc ăn kèm với một vài loại bánh ngọt, vừa tiện lợi, nhanh chóng, đồng thời vẫn tận hưởng hết được mọi chất bổ dưỡng.

Người Nhật thì lại không coi đây là một hạng thú vui ẩm thực thông thường, mà nâng việc uống trà lên thành một nghi lễ (Trà đạo-Theisme). Cuộc thưởng trà của họ diễn ra trong nhiều tiếng đồng hồ, với rất nhiều nghi thức nghiêm cẩn, cầu kỳ và rắc rối. Chủ tâm của họ không hướng đến sự thưởng thức hương vị, trần tục của loại phẩm ẩm này, mà là muốn dẫn dắt các trà đồ trong một cuộc hành hương miên viễn vào Thiền giới.

Trong nền văn hoá lâu đời và bề thế của đất nước Trung Hoa, văn hoá Trà chiếm một vị trí không nhỏ. Khác với người Nhật, người Trung Quốc không coi trà như một thứ tôn giáo, mà họ lại tìm thấy ở Trà một triết lý nhân sinh. Một thái độ sống. Qua những tác phẩm tiêu biểu về Trà như: Trà kinh (Lục Vũ-đời Đường) hoặc Trà ca (Lô Đồng- đời Đường) có thể thấy qua việc uống trà, họ muốn tìm kiếm một tâm thế an nhiên, tĩnh tại, giúp cuộc sống thư thái, quên đi mọi phiền não, bon chen. Tuy nhiên là một đất nước ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Nho giáo cho nên văn hoá trà Trung Hoa xét cho cùng là văn hoá trưởng giả, văn hoá của các bậc “chính nhân quân tử”. Những quí tộc, quan lại, thương gia, phú hộ, những tao nhân mặc khách. Chứ không phải thứ nghệ thuật ẩm thực của quảng đại quần chúng nhân dân. Posted Image

Tưng bừng ngày hội trà xuân Thái Nguyên - Ảnh: Trần Sáng

Mặc dù cũng đã có bề dày lịch sử hàng trăm năm, và theo sự đánh giá của một số học giả thì Việt Nam là một trong những nơi phát tích của cây chè, nhưng ở Việt Nam có Trà đạo hay chưa thì chưa ai dám quả quyết. Tất nhiên điều đó cũng không hề quan trọng, bởi vì mỗi dân tộc qua quá trình hình thành, và phát triển đều đã tích luỹ được những đặc trưng văn hoá của dân tộc mình. Sẽ là vô duyên nếu đem so sánh thú uống Trà thanh tao, giản dị của người Việt với những nghi thức Trà đạo u nhã mà huyền hoặc của người Nhật, hoặc với những Triết lý Trà thâm viễn của người Trung Quốc. Việc uống trà, đối với người Việt cũng bình dị như chính cuộc sống này vậy.

Trà có có mặt khắp nơi, trong các phòng khách sang trọng, với những trà cụ nạm vàng, mạ bạc, hoặc dưới những mái tranh nghèo sậm màu mưa nắng, hoặc giả có khi ở ngay đầu bờ ruộng buổi cày trưa, với đồ đựng là những chén sành, bát sứ mộc mạc, thô sơ. Người Việt bắt đầu ngày mới với một chén trà “bình minh nhất trản trà”1.

Bạn bè xa nhau lâu ngày gặp lại, mời vào uống trà (trước khi ăn cơm, uống rượu), mở đầu các cuộc họp bàn công việc gia đình, họ mạc, làng xã, hoặc ngay cả công việc quốc gia đại sự cũng bắt đầu bằng một tuần trà. Thậm chí ngay cả khi muốn giải quyết những hiềm khích, hiểu lầm, những người láng giềng cũng mời nhau sang nhà uống trà “để nói chuyện”.

Trà còn là phương thuốc dân gian để chữa trị các chứng bệnh thường gặp như: thực tích (ăn không tiêu); đau bụng đi ngoài; kiết lỵ; đau đầu...

Như vậy còn hơn cả một nghệ thuật. trong đời sống của người Việt, Trà không những là một thức uống vừa bình dân vừa cao cấp, một thứ dược liệu chữa bệnh, mà còn là một phương tiện để giao tiếp, để chuyên chở tình cảm. Một thông điệp hoà bình.

Nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa châu Á. Việt Nam là một trong những cái nôi của cây chè. Cách đây hàng trăm năm cha ông ta đã biết thuần hoá cây chè hoang và chế biến nó thành thức uống hàng ngày trong gia đình.

Trong tác phẩm “Vân Đài loại ngữ” (1773), nhà bác học Lê Quí Đôn viết: “Cây chè đã có ở mấy ngọn núi Am Thiên, Am Giới, và Am Các huyện Ngọc Sơn, Thanh Hoá, mọc xanh um đầy rừng, thổ nhân hái về phơi hoặc sao khô rồi nấu nước uống, thứ nước này uống vào khiến cho tinh thần sảng khoái, mát gan, mát phổi, giải khát ngủ ngon...”

Trải qua hàng trăm năm, nay Trà đã trở thành đồ uống không thể thiếu của hàng tỷ người khắp hành tinh. Với hai loại sản phẩm chủ yếu là: Trà xanh, trà đen, và những dẫn suất của nó như trà Lipton; Dimah; Hồng trà... Những người sành Trà hẳn biết các loại trà danh tiếng chủ yếu lại tập trung ở khu vực châu Á, với những thương hiệu nổi tiếng như: trà Long Tỉnh, trà Thiết Quan Âm; Trà Vũ Di; Trà Bích Loa Xuân (Trung Quốc); Trà Tân cương-Thái Nguyên (Việt Nam)...

Để trở thành một sản phẩm chè có thương hiệu nổi tiếng, sản phẩm phải có chất lượng đặc thù.Các nhà khoa học đã chỉ ra các điều kiện quyết định như: đất trồng,tập quán canh tác và yếu tố về khí hậu mà cụ thể là bức xạ nhiệt là quan trọng nhất. (Theo các nhà khoa học xác định, tại vùng Tân Cương- Thái Nguyên có tổng bức xạ nhiệt: 122,4 kcal/cm2/năm, trong đó lượng bức xạ hữu hiệu là 61,2kcal/cm2/năm). Đây chính là yếu tố mang tính quyết định đến chất lượng chè Tân Cương Thái Nguyên. một loại đệ nhất danh trà ở Việt Nam, thưởng thức một lần khó quên bởi chưa uống, các trà hữu đã bị chinh phục bởi hương cốm ngào ngạt, và uống xong rồi vị đậm chát ngọt hậu còn vương vấn mãi không thôi.

Posted Image

Thi chế biến chè bằng phương pháp thủ công trong ngày hội - Ảnh: Trần Sáng

Ý thức được điều kiện “thiên thời-địa lợi” đó, Thái Nguyên đã có những đầu tư cần thiết để tôn vinh thương hiệu Trà của địa phương mình. Đặc biệt nhất là việc tổ chức hội Trà xuân. Hội diễn ra vào ngày mồng 01 tháng 02 hàng năm. Cùng với những trò chơi dân gian quen thuộc của khu vực đồng bằng châu thổ bắc bộ và miền núi phía bắc như: Múa Lân, ném còn, kéo co, đấu vật... hội còn những màn thi rất độc đáo như thi cây chè, thi chế biến chè, thi trà thành phẩm, thi thưởng trà...

Mở đầu hội là cuộc diễu hành của 16 cây chè, đại diện cho những xóm thành viên của khu vực chè đặc sản Tân Cương. Đó là những cây cây trà xuân đang ở độ sung sức. Cành, tán xoè ra tứ phía đều chằn chặn, chứng tỏ quá trình sinh trưởng của nó đã được chăm sóc đốn tỉa hết sức chu đáo. Xanh rợp bên trên là những búp trà xuân mơn mởn căng mọng, hứa hẹn hương vị của loại đệ nhất danh trà. Cây chè “thủ khoa” sẽ được đặt lên kiệu hoa công kênh diễu hành một vòng hội rồi đem trả về nơi nó đã sinh ra. Có người cho rằng ở đây có sự ảnh hưởng của tín ngưỡng Bái Vật giáo. Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu văn hóa Thái Nguyên - Trần Tuấn Long - Trưởng Ban giám khảo, thì cây chè đã mang lại cho họ cuộc sống no ấm cho thôn dân- vậy thì họ sẽ đối đãi với nó như đối với một người bạn tốt, chứ không phải là một vị thần.

Phần thi trà thành phẩm do các gia đình thôn dân mang đến. Trà được đánh giá theo bốn tiêu chuẩn: Thanh, Sắc, Vị, Thần. Trà ngon là loại trà có màu nước xanh ánh vàng mật ong (Thanh); cánh cong như móc câu, đều đặn, nhìn thẳng màu đen, nhìn nghiêng thì xanh (Sắc); uống vào có vị đậm đà, bùi, ngầy ngậy, có mùi cốm trong miệng, uống xong có vị ngọt đọng lại rất lâu (Vị); hương thơm quyến rũ, chỉ có ở trà, không thể lẫn vào thức uống nào khác, đem lại sự sảng khoái, thăng hoa cho người thưởng trà (Thần). Loại Trà đạt được những tiêu chí đó được gọi là trà “thượng ty”.

Một phần thi sôi động thu hút rất nhiều người cổ vũ là thi: chế biến chè bằng phương pháp thủ công. Trên một sân bãi rộng đắp sẵn hai mươi chiếc bếp lò, trên đó đặt hai mươi chiếc chảo gang. Mỗi đội gồm có ba người, (một người sao chè và hai người phục vụ). Sau tiếng trống lệnh, các bếp đồng loạt nổi lửa, trong vòng ba tiếng đồng hồ họ phải biến 5 kg chè búp tươi thành 1 kg chè khô thành phẩm.

Tiếng lửa cháy phần phật hoà trong tiếng cổ vũ của các cổ động viên, những cánh tay thoăn thoắt đảo, lật, tiếp củi, dỡ chè, những gương mặt rực hồng, căng ra trong quyết tâm chiến thắng. Song dù chạy đua với thời gian đến đâu (thời gian cũng là một tiêu chí để chấm điểm), họ vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc trong qui trình chế biến chè, qua các công đoạn như: ốp, vò, sao khô, sàng búp, lấy hương, lấy mốc....

Chế biến chè thủ công (còn gọi là sao chè) là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và tinh tế, ví như công đoạn đầu tiên là ốp chè, cần to lửa, nếu lửa nhỏ chè sẽ bị đỏ, nhưng lửa to mà đảo chè không nhanh và đều tay chè sẽ bị cháy, ngay như vò chè là một việc tưởng chừng rất đơn giản, chè ốp xong được tãi ra một chiếc nong to cho bớt nóng, người sao chè dùng chân trần, vò, đạp sao cho kiệt hết nước thì đổ vào tiếp tục bước sao khô. Chỉ có vậy, nhưng vò không đúng cách, cánh chè sẽ bị vụn, dù các công đoạn khác có làm tốt đến mấy cũng khó có thể xếp loại vào hàng chè “thượng ty” được.

Hội Trà xuân chỉ diễn ra trong ngày, nhưng qua đó bản sắc, lịch sử văn hoá xứ Trà sẽ phần nào thấm vào lớp trẻ nơi đây. Theo chân hàng nghìn du khách về dự hội, hương vị trà Thái Nguyên đã lan toả đi khắp mọi phương trời.

Trần Sáng

nguồn vietimes

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay