Thiên Sứ

QUY HOẠCH HANOI

8 bài viết trong chủ đề này

Đừng biến HN thành bất kỳ TP nào ở Đông Nam Á!

Nguồn: TUANVIETNAM.NET

24/07/2008 07:43 (GMT + 7)

Dự đoán tương lai phát triển của thành phố, hiểu rõ đặc trưng riêng biệt của Hà Nội và nắm chắc mong muốn của người dân về diện mạo một Hà Nội mới là điều cần đặt ra trong quy hoạch Hà nội mở rộng. Cách thức quy hoạch sẽ quyết định khả năng thực tế, bởi quy hoạch không của riêng chính quyền mà phải là quy hoạch của công chúng, Gs Tom Wright nói.

Đến Hà Nội vào thời điểm đang có cơ hội và điều kiện để tạo sự thay đổi cho phát triển, GS Tom Wright, chuyên gia quy hoạch đô thị với hơn 20 năm kinh nghiệm về quy hoạch khu vực của Mỹ, chia sẻ góc nhìn về quy hoạch cho một Hà Nội mở rộng.

Posted Image

Vườn thú Hà Nội. Ảnh Internet

Cách thức quy hoạch quyết định khả năng triển khai thực tế

- Ý kiến của ông về kế hoạch mở rộng Hà Nội và vấn đề đặt ra đối với quy hoạch thành phố?

Là nhà quy hoạch thì phải xác định rõ các vấn đề mà cộng đồng đang đối mặt, làm việc về những vấn đề này theo đúng quy mô mà chúng tồn tại.

Việc mở rộng địa giới Hà Nội có thể là điều hợp lý vì các bạn có khả năng và cơ hội giải quyết vấn đề như đúng với quy mô thực tế của vấn đề.

Khi mở rộng thì thành phố cần phải duy trì những điều nhỏ nhưng khiến Hà Nội đẹp và đặc biệt. Hà Nội nhắc tôi nhớ đến London, thành phố được mệnh danh là thân thiện với cư dân. Hà Nội có những công viên và hồ đẹp, khu dân cư và phố xá đẹp.

Trong quy hoạch, phải nhận diện được những nét đẹp độc đáo của Hà Nội và bảo tồn, duy trì những đặc điểm riêng của từng khu dân cư.

Các bạn đang trong quá trình lập quy hoạch và đây là thời điểm cần sự tham gia của công chúng, cách thức mà người dân Hà Nội trông chờ sẽ được chứng kiến ở thành phố này.

Giống như ở New York, khi Thị trưởng Bloomberg bắt đầu quy hoạch 3 năm trước đây, và vừa hoàn thành quy hoạch, bắt đầu bước vào giai đoạn triển khai. Chỉ còn 1 năm nữa, ông ấy sẽ rời nhiệm sở. Ông ấy hiểu rằng mình đã khởi động một quy trình quy hoạch thành công cho 30 năm, và quy hoạch ấy cần những điều như sự ủng hộ của công chúng. Quy hoạch sẽ được tiến hành bởi chính quyền kế tiếp bởi đó không đơn giản chỉ là quy hoạch của riêng ngài thị trưởng, của một hội đồng hay chính quyền tại nhiệm, mà đó là quy hoạch của công chúng.

Quy hoạch và cách thức xây dựng quy hoạch rất quan trọng để tạo nên sức mạnh để tiến hành. Tôi nghĩ các bạn có thể nghĩ về việc áp dụng một quy trình tương tự đối với quy hoạch thành phố Hà Nội mở rộng.

Hà Nội không cần những tòa nhà giống hệt mọi TP trên thế giới

Ông nói rằng phải lưu giữ các đặc điểm riêng đặc trưng của Hà Nội, vậy theo ông các đặc điểm kiến trúc độc đáo nhất của Hà Nội mà quy hoạch Hà Nội mới cần lưu giữ là gì?

- Đó là sự kết hợp ảnh hưởng kiến trúc Á - Âu trong kiến trúc Hà Nội. Thành phố này nhắc tôi nhớ đến New Orleans, với những tòa nhà đẹp, duyên dáng được thiết kế bởi người Pháp ... nhưng nó cũng hoàn toàn khác, bởi có những dấu hiệu châu Á rõ ràng. Cây cối, đường phố cũng rất xinh đẹp. Hà Nội hoàn toàn độc đáo và khác biệt.

Khi mở rộng, các bạn cần lưu giữ những nét đẹp riêng của Hà Nội, dù không phải mọi thứ phát triển theo lối độc đáo riêng biệt.

Posted ImagePosted ImagePosted Image

Dù bạn định làm gì để cải thiện thành phố cũng cần hết sức thận trọng, không xóa mất phần chất lượng đặc biệt của thành phố này. Bởi vì sẽ rất dễ để xây được những tòa nhà giống hệt nhau, và giống như những tòa nhà ở New York, Florida, Băng Cốc, Đài Bắc...

Nếu như các tòa nhà giống hệt như tòa nhà khác bạn có thể bắt gặp ở bất cứ nơi nào, tôi nghĩ nó không cần có mặt ở Hà Nội. Mọi thứ ở thành phố này phải thực sự thuộc về thành phố, và nó xuất hiện ở đây vì nó thực sự phản ánh nét đẹp Hà Nội.

Ở Mỹ, chúng tôi có những quy hoạch quá đà cho các khu đô thị nên bất cứ căn nhà nào cạnh nhau đều có giá trị y nhau, ngay khi người dân có đủ tiền để ở nhà đẹp hơn thì không tự cải tạo nhà mà chuyển sang khu giàu hơn, và đợi đủ tiền để chuyển tới một nơi mới tốt hơn. Cứ thế họ chuyển nhà liên tục. Điều đó khiến nước Mỹ không thể nào tạo ra đặc điểm cộng đồng dân cư mà Hà Nội có.

Mỹ là một quốc gia đa dạng, nhưng bởi quy hoạch kém, chúng tôi đã tạo ra nhiều cộng đồng mà mọi người trông giống nhau, thu nhập giống nhau, làm những việc như nhau khi rảnh rỗi. Nó khiến nơi đó rất nhàm chán. Khi đi dọc đường đê gần Hồ Tây, tôi thấy những ngôi nhà mới xây ngay sát nhà cũ, điều đó rất thú vị. Tôi cũng thấy người Hà Nội tận dụng không gian hẹp rất tốt cho cuộc sống của mình.

Người Hà Nội sẽ thiếu chỗ nghỉ chân?

Sau một chương trình thăm ngắn ngày tại Hà Nội, ông thấy hiện nay, điều gì thủ đô Hà Nội vẫn còn thiếu?

- Một hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn cung cấp điện. Cần phải hiện đại hóa tất cả các điều kiện về hạ tầng. Hà Nội cũng đã có hệ thống xe bus nhưng theo tôi cần phát triển mạnh hơn, với hệ thống đường dành riêng cho xe bus để giúp người dân đi lại xung quanh thành phố. Tôi không biết rõ về điều kiện sống của người dân và nhu cầu của họ, tôi không biết đủ thông tin về các trường để có thể nói các bạn cần nhiều hay ít hơn các trường học... Không thể chỉ trong vài ngày bạn có được các thông tin đó. Cần nhiều thời gian hơn để nắm rõ nhu cầu của cộng đồng và thực tiễn hiện nay.

Posted Image

Tuy nhiên, ấn tượng của tôi là các bạn có kế hoạch xây dựng khá nhiều các tòa cao ốc, trong khi lại thiếu chỗ để người ta nghỉ chân, thiếu không gian cây xanh, hồ bơi, bể nước để nghỉ ngơi. Cần mở rộng không gian nhiều hơn, vì suy cho tới cùng, quy hoạch là nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu sống của con người.

Phát triển công viên không chỉ từng cái độc lập mà trong một hệ thống công viên vì thông thường chúng phát huy tác dụng nhiều nhất khi nằm trong hệ thống liên kết với nhau. Một bản đồ quy hoạch không chỉ vẽ hệ thống đường xá mà còn là hệ thống không gian mở, cây xanh và công viên.

Trao đổi với người dân trước khi có bất kì quyết định nào

Khi mở rộng Hà Nội, đâu là những nhân tố chủ chốt mà chính quyền Hà Nội cần phải tính tới trong xây dựng quy hoạch?

- Quy hoạch là một sản phẩm của những khuyến nghị cụ thể, trong đó dự đoán chính xác mức tăng trưởng và xác định đâu là điểm tốt nhất cần hướng tới, đâu là cách sử dụng đất hiệu quả nhất và các nguồn lực.

Trước hết cần nắm vững một cách chuẩn xác nhất có thể mức tăng trưởng, phát triển của thành phố này, không chỉ là mức tăng dân số sẽ như thế nào mà còn là dân số này thay đổi ra sao, dân số được trẻ hóa hay già hóa, được đào tạo tốt hơn hay kém hơn... Tiếp đến sẽ là các vấn đề như nền kinh tế, lĩnh vực nào sẽ phát triển nhanh nhất, và lĩnh vực nào có thể giảm. Sau đó là tính đến nhân tố môi trường, liệu có đủ năng lượng, điều kiện không gian...

Sẽ không thể dự đoán chính xác 100% nhưng cần có dự đoán tốt nhất về những gì có thể xảy ra. Từ đó đưa ra được nhu cầu của người dân là gì, những quang cảnh cần được xây dựng, tầm nhìn là gì để xây dựng nên quang cảnh ấy...

Sau đó, cần trao đổi với công chúng về những gì có thể diễn ra trong tương lai, tình hình thực tại và điều gì họ mong muốn được thực hiện, trước khi chính quyền ra bất kì quyết định nào liên quan đến quy hoạch. Cần cho công chúng biết các lựa chọn có thể.

Với tư cách là thủ đô của một nước, liệu Hà Nội cần đáp ứng yêu cầu đặc biệt nào về mặt quy hoạch đối với một thành phố thủ đô?

- Tôi cho rằng Hà Nội cũng giống như London, Paris, có lợi thế để trở thành thủ đô của một nước. Các bạn cần tạo dựng một Hà Nội hấp dẫn thu hút thế giới, là trung tâm ngoại giao của quốc gia. Đó những điều các bạn cần thảo luận và biến thành sự thực.

Cần giữ sự khác biệt khu vực trong một quy hoạch hài hòa

Khi Hà Nội mở rộng, sẽ là một vùng diện tích rộng lớn nhưng với những mảng riêng biệt, với đồi núi, đồng bằng, sông hồ... và khu đô thị đông đúc sẵn có. Làm thế nào để có một quy hoạch hài hòa cho phát triển thành phố?

- Giữ cho các khu vực đó vẫn khác biệt trong một quy hoạch hài hòa là rất quan trọng. Ở Mỹ chúng tôi cũng làm những điều tương tự.

Khi quy hoạch New Jersey, chúng tôi đã thiết lập một khu vực gọi là "thành phố gạch hồng", bởi tất cả các tòa nhà đều được xây dựng bằng những viên gạch hồng. Và nó rất khác biệt với Soho, khu vực mà tất cả các tòa nhà được xây dựng như các hộp sắt đóng khung. Điều này tạo nên nét độc đáo, khác biệt cho từng khu vực, khiến cho thành phố trở nên thú vị hơn và người dân yêu thích hơn và muốn trở lại.

Sự khác biệt về đặc điểm địa lý trong một địa giới thành phố lớn là điều có thể hiểu. Quy hoạch cần dựa trên chiến lược phát triển thành phố trong đó làm rõ khu vực nào cần phát triển gì và khu vực nào không.

Giống như San Francisco cũng xây dựng chiến lược phát triển mới vào những năm 1980. Việc đầu tiên họ làm là xác định đâu là điểm độc đáo khác biệt của thành phố. Họ thấy rằng đặc điểm lớn nhất của thành phố là những ngọn đồi và họ quyết định làm nổi bật những ngọn đồi đó. Cuối cùng họ đưa ra quyết định trong quy hoạch cụ thể rằng bạn có thể xây dựng những tòa nhà cao ốc ở đỉnh đồi, và đảm bảo rằng những tòa nhà ở lưng đồi thấp hơn, thoai thoải theo sườn đồi. Đó là một chiến lược tuyệt vời.

Tôi không nói rằng các bạn nên áp dụng điều này với Hà Nội, nhưng các bạn cần nghĩ điểm nào là nét độc đáo của Hà Nội và khu vực ngoại vi, chỉ ra quy hoạch như thế nào để bảo tồn những khác biệt độc đáo ấy.

Và điều cần tránh nhất là biến Hà Nội trở thành giống như bất kì thành phố nào ở Đông Nam Á hay Mỹ...

Như ông nói, thì dường như việc mở rộng Hà Nội là một cơ hội để cải thiện và tạo ra một diện mạo mới cho Hà Nội qua quy hoạch?

- Đúng vậy. Mở rộng tạo nên cơ hội để làm điều này, và chiến lược phát triển là bước tiếp theo để làm điều này. Nó sẽ tốn nhiều thời gian để quy hoạch có thể tạo nên sự thay đổi thực sự. Việc mở rộng địa giới hành chính là cách thức logic để đối mặt với các vấn đề Hà Nội hiện nay đang gặp phải. Tôi tin Hà Nội là địa phương dám thay đổi để làm nên điều tốt đẹp

  • Phương Loan
Posted ImageĐÓNG GÓP CỦA BẠN ĐỌC CHO CHUYÊN MỤC

(Hãy gửi cho chúng tôi bản đánh máy có dấu để bài viết của bạn sớm được đăng!)

Họ và tên: Trần Nguyễn Thiên Hiền+louielamson2000

Địa chỉ: San Jose, California USA

Email: louielamson2000@gmail.com

Một người không biết rõ gì về mảnh đất của dân Hà Thành trong quá khứ và hiện tại, thì những lời khuyên của họ cũng chỉ là hình thức "cưỡi ngựa xem hoa" mà thôi. Nhìn vào Hà Nội, để phát triển Hà Nội phải quan sát từ nhiều góc cạnh khác nhau của nhiều kiến trúc sư có kinh nghiệm, và tầm nhìn thực tế của truyền thống về mảnh đất này... Trong+ngoài+trên+dưới... San Jose Caliornia. July 23, 2008

Họ và tên: Nguyễn Đình Khuyến

Địa chỉ: Công ty TNHH mỹ thuật Việt Anh

Email: vaproco@gmail.com

Tôi là một người con của Hà nội, nơi đây là quê hương của tôi, sau khi đọc bài viết của Gs Tom Wright tôi cảm thấy có lẽ ông ấy phải là ngưòi con của Việt nam mới đúng! Ở đây tôi chưa muốn nói đến góc cạnh trình độ hay chuyên môn của Gs mà mới chỉ nói tới tình cảm, trách nhiệm của ông đối với Hà Nội nói riêng, Việt nam nói chung. Tôi cảm thấy Gs đã nói thay tôi tất cả.

Tôi thiết nghĩ mỗi dân tộc có ngôn ngữ riêng, chữ viết riêng... và rất nhiều những cái phải riêng đó chính là bản sắc của mỗi dân tộc và đó cũng chính là thứ để ta tự hào. Ta học tiếng Anh, hay tiếng nước nào đó để ta hội nhập, hoà đồng với thế giới học hỏi văn minh thế giới và giúp ta khoe với thế giới về những điều chúng ta có chứ không phải để quên đi những gì ta có. Nếu chúng ta không hiểu hoặc không làm nổi việc này (việc quy hoạch và mở rộng Hà Nội), hoặc làm không tốt thì ta thật đáng xấu hổ bởi lẽ đó chính là sự phản ánh văn hoá và trình độ của chính chúng ta.

Địa chỉ email gửi : tuanvietnam@vietnamnet.vn

Bạn có ý kiến gì về bài báo này?

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thêm đường cho ôtô: tốn tiền may áo rộng cho người béo phì!

Nguồn: TUANVIETNAM.NET

23/07/2008 08:30 (GMT + 7)

Chuyên gia quy hoạch đô thị của Mỹ Tom Wright khuyên VN không nên mở thêm làn đường cho ô tô, cách làm vừa đắt đỏ mà hiệu quả thấp. "Việc này giống như nói với một người béo rằng anh ta nên mua quần rộng mặc cho vừa thay vì phải giảm cân, dù việc này tốt hơn nhiều cho sức khỏe".

Ông Tom Wright có 20 năm kinh nghiệm trong quy hoạch khu vực, chủ yếu là lập quy hoạch các siêu đô thị ở Connecticut, New Jersey và New York. Ông đồng thời là Giáo sư giảng dạy về quy hoạch tại trường ĐH Princeton.

Từ 18 - 23/7, Giáo sư Tom Wright đã có chương trình làm việc dày đặc đến Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Bắc Ninh, trao đổi về quy hoạch đô thị và những thách thức các đô thị Việt Nam đang phải đối mặt.

Posted Image

Gs. Tom Wright, chuyên gia về quy hoạch đô thị

Gs.Tom Wright: Lập quy hoạch là quá trình phức tạp, nhất là khi nó tuỳ thuộc vào việc khối tư nhân có thực hiện những gì được lập kế hoạch. Chúng ta có thể lập bản đồ đường xá, thậm chí xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo ra quy hoạch khu vực theo mục đích sử dụng… nhưng suy cho cùng khu vực tư nhân mới là người quyết định kế hoạch đó có được thực hiện hay không.

Để lập quy hoạch thành công, phải cân đối giữa lợi ích công và thực tế vì nếu tạo quy hoạch mà khối tư nhân không muốn đầu tư thì sẽ không đạt được điều gì cả. Bất cứ khi nào chúng tôi lập quy hoạch ở Mỹ, chúng tôi luôn đảm bảo có sự tham gia của đại diện các ngành công nghiệp, cơ quan phát triển bất động sản và các ngành khác của khu vực tư nhân, họ sẽ nói với chúng tôi họ muốn quy hoạch ra sao thì họ mới đầu tư.

Chúng ta cũng phải dũng cảm thay đổi quy hoạch. Đôi khi, lập quy hoạch rồi nhưng khối tư nhân không nhảy vào đầu tư, thì phải thay đổi, hoặc ngược lại nếu tư nhân ồ ạt đầu tư vào thì cũng phải hạn chế lại. Lập quy hoạch không phải là quy trình tĩnh mà luôn phải thay đổi.

Sự tham gia của công chúng vào quy hoạch

Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, gặp gỡ các quan chức, ông thấy Việt Nam đã có một tầm nhìn về quy hoạch đô thị hay chưa?

- Sẽ không công bằng khi tôi đưa ra nhận xét về vấn đề này vì tôi mới tới Việt Nam thôi. Các cuộc đối thoại tôi có ở Hà Nội và Tp.HCM chủ yếu bàn về thách thức và những kinh nghiệm đối phó với các thách thức đó.

Tuy nhiên, cần nói rằng, việc quy hoạch ở Mỹ hiện nay thường bắt đầu bằng tạo ra và trao đổi thông tin về tầm nhìn với công chúng. Và phần lớn những kỹ thuật và công nghệ hiện nay chúng tôi đang dùng nhằm để tăng sự tham gia của công chúng hơn vào việc tạo ra tầm nhìn trước khi lập ra quy hoạch.

Tôi dùng thuật ngữ cụ thể “truyền tải thông tin về tầm nhìn” vì để tạo ra tầm nhìn, người ta phải hiểu rằng người dân không phải là không hiểu biết gì.

Thị trưởng Bloomberg chỉ còn một năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ ở thành phố New York nhưng ông có lẽ sẽ được nhớ tới như thị trưởng vĩ đại nhất. Thành công lớn nhất của ông là lần đầu tiên trong lịch sử thành phố tạo ra bảng quy hoạch tổng thể lâu dài cho thành phố. Quy trình ông áp dụng bắt đầu bằng việc ông thông báo cho công dân biết điều gì đang xảy ra và họ cùng tạo ra tầm nhìn cho thành phố và thu hút được sử ủng hộ rộng rãi. Tất cả những việc này được tiến hành trước khi có đề xuất và thực hiện các đề xuất.

Posted ImagePosted ImagePosted ImagePosted Image

Những hồ tự nhiên là một đặc điểm độc đáo mà Hà Nội có được và cần được lưu giữ. Ảnh: Internet.

Trong quá khứ công chúng được tham gia sau khi bản quy hoạch đã được lập nhưng hiện nay chúng tôi không làm như vậy nữa, và hy vọng sẽ không làm như vậy trong tương lai, vì đôi khi cũng có những người hoặc cơ quan muốn quay lại cách làm cũ.

Lưu giữ các đặc điểm lịch sử

Trong các cuộc trao đổi với chính quyền các địa phương về những thách thức với Việt Nam, ông đã chia sẻ những gì về những điểm cần giữ gìn và sai lầm cần tránh trong quy hoạch đô thị, thưa ông?

- Rất khó nói cụ thể khi tôi mới ở đây vài ngày. Nhưng rõ ràng tôi thấy họ nên giữ lại ở mỗi nơi là các đặc điểm lịch sử.

Ở Mỹ, chúng tôi có khái niệm “tái sử dụng mang tính thích ứng”. Chúng tôi bảo tồn các toà nhà nhưng không nhất thiết phải vì mục đích sử dụng ban đầu. Ví dụ: những toà nhà văn phòng đầu thế kỷ 20 trở thành nhà ở vào cuối thế kỷ; Soho được sử dụng như các nhà kho nhưng giờ lại trở thành khu sáng tác cho nghệ sĩ.

Tôi hy vọng quy hoạch của các bạn sẽ xác định được và chỉ rõ những khu vực có giá trị lịch sử và duy trì được giá trị đó.

Về sai lầm cần tránh, một bài học từ Mỹ là chúng tôi đã quy hoạch quá nhiều không gian cho ô tô. Nếu người dân muốn mua ô tô, khó mà ngăn họ được, nhưng chúng ta có thể dễ dàng thiết kế những tuyến phố và khu dân cư sao cho ô tô không thể đi vào được.

Mỹ có nhiều tuyến đường được thiết kế để ô tô chạy 50km/h nhưng bây giờ chúng tôi lại phải thiết kế lại để các con phố đáp ứng nhu cầu con người, chứ không phải của ô tô. Tôi vô cùng hy vọng VN sẽ không mắc phải lỗi này.

Thêm làn đường cho ô tô: Đắt đỏ nhưng không ích lợi

Ông nói rằng không nên xây thêm làn đường cho ô tô nhưng hiện tại ở Hà Nội và Tp. HCM đã quá tải rồi?

- Việc thêm làn đường cho ô tô không phải là cách hiệu quả để tăng cường năng lực giao thông vận tải của thành phố. Cách này rất đắt đỏ và mỗi một làn đường xây mới lại đem lại lợi ích ít hơn so với làn đường cũ. Chúng ta vẫn gọi đó là quy luật về giá trị giảm dần.

Đây cũng là một khái niệm ở Mỹ nhu cầu bị kích thích: tức là khi xây thêm đường cho ô tô sẽ tạo nhu cầu mua thêm xe để chạy đầy cái đường mới đó. Việc này giống như nói với một người béo rằng anh ta nên mua quần rộng mặc cho vừa thay vì phải giảm cân, dù việc này tốt hơn nhiều cho sức khỏe.

Tôi nghĩ việc cải thiện hệ thống đường xá không giảm tải mà giải pháp nằm ở các hệ thống giao thông vận tải khác. Đặc biệt, phố nhỏ là một đặc điểm đẹp của Hà Nội mà chúng ta không nên mở rộng làm gì.

Tôi sẽ rất thận trọng khi mở rộng đường phố ở khu trung tâm đô thị. Hy vọng chúng ta có thể xây dựng hệ thống xe bus với làn đường riêng để giải quyết vấn đề.

Khi chúng ta thêm làn đường, mở rộng đường.. chỉ đem lại lợi ích ngắn hạn thôi. Trong vài năm, vấn đề được giải quyết và người ta lại tiếp tục chuyển từ xe máy sang ô tô. Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy chỉ sau 5-7 năm, tình trạng tắc nghẽn lại trở lại, trong khi việc đầu tư mở đường cho lợi ích trong 5-7 năm lại mất tới 30 năm mới thu hồi lại vốn.

Kiến trúc sư trưởng: Quan trọng là được trao đủ quyền

- Quy hoạch thực sự là vấn đề đau đầu đối với Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các đô thị lớn. Liên quan đến chuyện này, hiện VN có kế hoạch khôi phục chức danh kiến trúc sư trưởng đối với các thành phố đô thị lớn, sau thời gian dừng khi 9 năm thử nghiệm không thành công. Ông nghĩ sao?

Chức danh kiến trúc sư trưởng có thể là một điều tốt. Và việc có chức danh này không có gì là lạ đối với nhiều nước trên thế giới. Ở một số nơi, chức danh này được lập ra nhưng lại không được trao đầy đủ các công cụ để thực thi những gì họ cần làm, và điều này dẫn đến thất bại của vị trí đó. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc sẽ liên tục thất bại.

Khi các bạn tái lập chức danh kiến trúc sư trưởng, các bạn cần phải trao đủ quyền và dù ai là người giữ vị trí đó, họ phải có khả năng để giải quyết những vấn đề cần phải làm.

Posted Image

Nới rộng làn đường cho phương tiện giao thông cũng giống như việc nói người béo mua một chiếc quần rộng mặc cho vừa thay vì yêu cầu họ giảm cân.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa.

Kiến trúc sư trưởng cần biết và hiểu về đặc điểm riêng biệt của thành phố.

Người này phải được tiếp cận với các cơ quan cơ bản của thành phố ở một mức nào đó: cơ quan về giao thông, năng lượng, môi trường. và có thể lên kế hoạch ở các lĩnh vực khác. Một tòa nhà trong một thành phố là sự kết hợp của tất cả các cơ quan này, ví dụ, ngay ở New York, chi phí vận chuyển rẻ cũng là một yếu tố tính tới trong thiết kế một tòa nhà.

Kiến trúc sư trưởng phải làm việc với tất cả các cơ quan khác. Nếu không, vấn đề không phải nằm ở chỗ ai sẽ nắm giữ vị trí đó, mà vấn đề nằm ở một hệ thống theo đó các cơ quan có thể làm việc cùng nhau, để có được một sản phẩm đầu ra tốt nhất.

- Bản thân chức danh kiến trúc sư trưởng ở Mỹ như thế nào, thưa ông?

Có hai điều. Đối với các thành phố lớn, có văn phòng quy hoạch thành phố, ủy ban quy hoạch và người đứng đầu của Ủy ban đó có thể được chúng tôi gọi là kiến trúc sư trưởng của thành phố. Người này được bổ nhiệm bởi thị trưởng hoặc hội đồng thành phố. Trong một số trường hợp khác, như tôi được biết một người bạn tôi là thị trưởng thành phố, rằng trong thành phố ông ấy, thị trường chính là kiến trúc sư trưởng. Bởi vì thị trưởng có nhiều quyền lực hơn, và rất nhiều các thị trưởng hiểu và nắm rõ về sự phát triển của thành phố, và họ trở thành kiến trúc sư trưởng của thành phố đó.

Ở một số nơi, người ta không dùng thuật ngữ kiến trúc sư trưởng nữa nhưng thực tế, người đứng đầu cơ quan quy hoạch của thành phố làm công việc của vị trí đó. Quan trọng không phải là tên gọi mà thực chất công việc.

- Có thực sự cần thiết để kiến trúc sư trưởng phải là kiến trúc sư không, thưa ông?

Điều này thực ra không cần thiết. Một trong những thị trường nổi tiếng của nước Mỹ, Joe Riley của thành phố Charleston, South Carolina, ông là kiến trúc sư trưởng của thành phố này .Trong 30 năm, ông đã dành ưu tiên và mối quan tâm vào việc tạo một diện mạo mới cho thành phố, dù ông không được đào tạo ngành kiến trúc. Ông được xem là một trong những "thị trưởng xây dựng" của nước Mỹ , và là thành viên danh dự của Hiệp hội kiến trúc sư Mỹ. Nhưng trên thực tế, tất cả những gì ông được đào tạo không theo con đường chính thống.

  • Phương Loan (còn nữa)
Phần 2: Quy hoạch Hà Nội dưới góc nhìn của chuyên gia quy hoạch Mỹ Tom Wright, về những vấn đề phải đối mặt, những đặc trưng cần lưu giữ, và những cách thức cần được tiến hành để tạo một diện mạo mới cho Hà Nội....

Share this post


Link to post
Share on other sites

ĐÓNG GÓP CỦA BẠN ĐỌC CHO CHUYÊN MỤC

Thêm đường cho ôtô: tốn tiền may áo rộng cho người béo phì!

Nguồn: TUANVIETNAM.NET

Hãy gửi cho chúng tôi bản đánh máy có dấu để bài viết của bạn sớm được đăng!

Họ và tên: Lý Sáng

Địa chỉ: Sapa

Email:

Bài phỏng vấn rất hay và bổ ích cho chúng ta- cả người dân lẫn những nhà chuyên môn hoạch định đô thị Việt nam. Tôi thấy ý tưởng đề cao ý kiến khối tư nhân và trao đổi rộng rãi quan điểm về quy hoạch với nhân dân là rất cần lưu tâm vì các nhà hoạch định chúng ta chưa có thói quen tác nghiệp theo cách đó. Thế mới thấy tư duy thị trường trong một nhà nước Pháp quyền và Xã hội Dân sự cũng nêu nhiều điều để chúng ta- những người đi sau tham khảo.

Họ và tên: nguyen hoang long

Địa chỉ: q 12

Email: hoanglong@yahoo.com

Từ trước đến nay, nhà nước chưa bao giờ hỏi ý kiến người dân về việc quy hoạch. Hiện nay, ở quận 12 có hàng ngàn căn nhà bị quy hoạch treo làm công viên, mở đường, quy hoạch giáo dục, trung tâm thương mại, cả chục năm nay chẳng thấy ai làm cả. Đi hỏi mấy ông phường, quận cũng không biết bao nhiêu trăm năm nữa mới làm. Bởi vì ai cũng sợ trách nhiệm, để quy hoạch thì dân khổ, xoá quy hoạch thì sợ trách nhiệm.

Họ và tên:

Địa chỉ:

Email:

My khac ta nhieu

Họ và tên: du du

Địa chỉ: Việt Nam

Email: du_tran0@yahoo.com

một đất nước với mật độ dân cư như nước ta khi đang trên đà phát triển thì mật độ giao thông ngày càng dày đặt là điều tất yếu, Việt Nam chúng ta có được tỉ lệ phần trăm người có ôtô riêng là bao nhiêu? Và Việt Nam chúng ta đứng hàng thứ mấy trên thế giới về tỉ lệ phần trăm đó? Liệu ví von con số xe otô riêng trên toàn lãnh thổ VN là 1 gã béo thì có hợp lý hay không? Có bao nhiêu quốc gia trên thế giới mà trên 90% người dân sử dụng xe gắn máy? Tôi nghĩ khi chúng ta có những con số chính xác cho những câu hỏi trên đây thì chúng ta sẽ nhận ra là chúng ta nên làm gì.

Họ và tên: nguyen văn Hùng

Địa chỉ: 53 Quang Trung Hà nội

Email: tinhthan06@yahoo.com

Toi thấy dùng câu : Việc này giống như nói với một người béo rằng anh ta nên mua quần rộng mặc cho vừa thay vì phải giảm cân, dù việc này tốt hơn nhiều cho sức khỏe". câu này lấy ví dụ rất khó hiểu và vô cùng tối nghĩa, nếu muốn hiểu chỉ có tác giả hiểu thôi chứ trình độ dân chúng trình độ văn hoá từ lớp 12 trở lên có lẽ hầu như không hiểu nổi.

Họ và tên: Lê Vũ Khánh

Địa chỉ: Cầu Giấy, Hà Nội

Email: khanhslv@yahoo.co.uk

Tôi đồng ý một phần với quan điểm của vị chuyên gia này. Đó là cần phát triển giao thông công cộng và khi mở đường giao thông không được phá vỡ quy hoạch và đặc biệt không xâm phạm vào không gian có tính văn hoá đặc trưng của đô thị. Tuy nhiên lượng xe ô tô và diện tích mặt đường ở Việt Nam hiện nay chưa thể ví như người béo được khuyến khích mua quần áo rộng hơn mà mới chỉ như một cậu trai mới lớn mặc đồ con nít vậy. Cũng phaỉ để cho cậu đủ tuổi trưởng thành và cho cậu mặc quần áo thanh niên đã chứ.

Họ và tên: nguyễn tiễn dũng

Địa chỉ: thành phố vinh

Email:

Với mật độ dân số như Việt Nam hiện nay đặc biệt là hai thành phố Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh đều đã quá tải. Chính phủ chỉ có cách xây nhà cao tầng dồn dân thu hồi lại đất đền bù theo khung đền bù của hệ thống pháp luật đảm bảo sự nghiêm minh công bằng của hệ thống pháp luật. Tránh tình trạng mỗi nhà có hai ba người, mỗi người có hai ba nhà (nhà và đất).

Trên thế giới các nước tiên tiến việc quản lý đất đai quy hoạch đô thị thuộc cấp nhà nước, đất là tài sản của nhà nước do nhà nước quản lý không có chuyện chia chác mua bán đất mà chỉ có cho thuê ngắn hạn hoặc dài hạn theo quy định của nhà nước, có như vậy khi quy hoạch đô thị hoặc mở giao thông đường sá mới thuận tiện và giảm được chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cũng như tiến độ thi công

Họ và tên: vo van luom

Địa chỉ: q. gò vấp

Email: luomvv@yahoo.com

Chạy dọc từ Bắc chí Nam đường sá VN rách nát như chiếc áo chắp vá mà thập niên 80-90 dân ta còn nghèo khổ vá đi vá lại nhiều lần, đặc biệt ở các đô thị lớn như Tp. HCM thì còn thảm hại hơn vì tình trạng nhà nhà đào đường người người đào đường.

Ai là người VN mà sống ở các đô thị lớn đi trên đường thật xấu hổ khi nhìn mạng nhện (nhiều loại dây leo tầm gửi như dây điện, dây điện thoại, truyền hình cáp,...) tất cả treo trên đầu; nhiều khi mạng nhện này còn cản trở người đi bộ khi nó áp sát trước mặt họ để thách thức người đi bộ rằng tránh ra đây không phải là nơi dành cho người đi bộ.

Nhìn đô thị VN thấy mà buồn 1 mớ hỗn độn nhếch nhác không theo 1 trật tự nào, cái lồi ra, cái thụt vô, nhà siêu mỏng.... Sau nhiều năm quy hoạch chúng ta làm được như vậy đó.

Những ý đó đôi khi là bình dị mà có thể từ lâu chúng ta lãng quên hay bị người khác làm theo ý này ý nọ của 1 số bộ phận chức trách. Bài toán quy hoạch các đô thị VN trở nên vấn đề muôn thuở.

Họ và tên:

Địa chỉ:

Email: tanbs07@yahoo.com.vn

Đọc bài phỏng vấn này tôi nhận thấy nó mở ra một khái luận cho việc quy hoạch đô thị Việt Nam, bài toán mà các nhà lãnh đạo Việt Nam, các nhà quy hoạch, giới kiến trúc sư nước ta có thể nói chưa tìm ra lời giải bấy lâu nay. Những ý kiến trả lời phỏng vấn ngắn gọn nhưng để hiểu và vận dụng nó là một vấn đề không hề đơn giản ở đất nước chúng ta.

Tôi nói không đơn giản vì có sự khác biệt khó xích lại gần ở chỗ:

1. Họ làm quy hoạch hướng tới quyền lợi của người dân, và người dân là chủ đích thực của tác phẩm quy hoạch ấy. Ở VN, có thực tế rất nhiều con đường mở ra ít nhiều gắn với quyền lợi của những người có chức quyền... trong khi lợi ích của công chúng bị bỏ quên.

2. Chúng ta tốn quá nhiều giấy mực và hội nghị để bàn việc hạn chế xe máy, ô tô, nào là tăng thuế, nào là hạn chế đăng ký, nào là tăng lệ phí giao thông đối với chủ phương tiện vv thế nhưng cách mà chúng ta không làm là dùng chính các biện pháp kỹ thuật để các phương tiện này buộc phải dừng lại, cụ thể như HN ồn ào vì cầu Chương Dương quá tải, không an toàn do xe công - ten - nơ vượt tuyến, chạy lậu, hối lộ cảnh sát... Nếu chúng ta làm 1 thanh chắn thấp hơn chiều cao của loại xe này thì điều gì sẽ xảy ra?

3. Kiến trúc sư trưởng phải đủ thẩm quyền? Điều này quá rõ , nhưng cơ chế bổ nhiệm và trao quyền ở Mỹ khác ta một trời 1 vực, liệu ông chủ tịch UBND TP có đủ quyền về quy hoạch hay không khi bên cạnh ông ta còn sự lãnh đạo của tổ chức Đảng? của HĐND? còn nguyên tắc lãnh đạo tập thể?

Họ và tên: Trần Cường

Địa chỉ: Hà Nội

Email: Fiat6899@yahoo.com.vn

Hà Nội trong tương lai sẽ rộng hơn về diện tích và đông hơn về số người, nếu chỉ xét trên phương diện nhu cầu của người dân về phương tiện đi lại như ôtô xe máy để mở rộng đường trong nội đô thì cần cân nhắc kỹ. Bởi vì, trước hết phải nói đến ý thức người dân Hà Nội tham gia giao thông còn rất ẩu xuất phát từ nếp sống văn minh đô thị còn nhiều hạn chế. Hai là: các cơ sở đào tạo lái xe chưa tỏ rõ tính chuyên nghiệp, người dự học vốn sẵn nếp nghĩ đại khái qua loa miễn sao có bằng lái nên 60% học viên lái xe đạt chất lượng thấp đặc biệt là khu vực học viên xe tải hạng nhẹ và xe ca từ 34 chỗ trở xuống. Ba là: Tuyến đường dành cho từng loại phương tiện chưa được người dân chấp hành nghiêm chỉnh, xe máy chen lấn vào bất cứ chỗ trống nào để có thể đi nhanh hơn...(Người dân Hà Nội hầu như mất khả năng ung dung thư thái vốn có tự ngàn xưa). Vậy nên, thay vì mở rộng đường xá, ta cần đầu tư trước mắt một số tuyến xe điện ngầm, chia khu vực bãi đỗ ôtô xe máy để người dân ở xa trung tâm có thể chuyển từ ôtô xe máy lên xe buýt vào nội đô. Khu phố cổ nên dành cho người đi bộ hoặc xe đạp. Có như vậy mới giải quyết được tình trạng ách tắc và ô nhiễm môi trường ở Hà Nội.

Họ và tên: HENRY NGUYEN

Địa chỉ:

Email:

Tôi hoàn toàn không đồng tình với quan điểm trên. Thứ nhất vì hệ thống giao thông và đô thị của chúng ta chưa "béo" đến độ phải sợ béo phì, nếu không muốn nói là quá gầy và suy dinh dưỡng.

Thứ hai những ý kiến này thiếu thực tế và không mang nhiều tính khoa học cho điều kiện Việt Nam hiện giờ.

Thứ ba, sự so sánh là hoàn toàn khập khiễn và khiên cưỡng. Tại sao chúng ta không mở rộng và nâng cấp "ngôi nhà" của chúng ta để có thể đón thêm con dâu, con rể, để có gara để ô tô....

Họ và tên: Nguyễn Lê Hà

Địa chỉ: 242 B5, phường Quang Trung, tp Vinh, Nghệ An

Email: lehactm15@yahoo.com

Qua bài phỏng vấn giáo sư Tom Wright, ta thấy các chuyên gia quy hoạch và công tác quy hoạch đô thị của thế giới có tầm nhìn khoa học rất sâu rộng, khoa hoc. Điểm khác biệt so với giới quy hoạch và cách làm quy hoạch Việt Nam là tư duy của họ rất mới. Mọi việc làm cụ thể của họ đều xuất phát từ nhu cầu của ngưuòi dân, của đặc điểm lịch sử, đia lý, kinh tế địa phưong, và bảo tồn tối đa nét đặc thù của không gian quy hoạch. Trong đầu họ không có "chân lý" kiểu: 'Đây là điều tốt nhất mà ba mẹ đã lo cho con. Chỉ có ba mẹ là thương con và lo cho con. Các con hãy ngoan và nghe lời ba mẹ. Các con háy góp ý sao cho việc này tốt hơn!' Hãy tạo không gian sáng tạo cho tất cả mọi công dân có quyền và lợi ích liên quan trong việc xây dựng nên thành phố của chính họ. Nguyễn Lê Hà

Địa chỉ email gửi : tuanvietnam@vietnamnet.vn

Bạn có ý kiến gì về bài báo này?

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tư duy của đa phần người Việt hiện nay ở mọi vấn đề là cố gắng làm sao cho đạt được hình ảnh các nước đi trước đã có. Kinh doanh cũng vậy, học hành cũng vậy, lối sống cũng vậy và... giờ là quy hoạch Hà Nội cũng vậy. Những nhà kiến thiết nền kinh tế, xã hội Việt Nam cứ đi ra đi vào từ nước này nước khác, nhưng không thấy phát kiến cái gì mới mà toàn là đi học nhặt nhạnh mỗi chỗ một ít về cạp nhặt lại thành bộ áo cho dân tộc mình. Sự chắp vá nhìn đâu cũng thấy. Mọi thứ không làm cho ngày mai mà toàn làm để đối phó với hiện trạng của ngày hôm nay. Người Việt Nam lười suy nghĩ, cái Tôi ích kỷ và hãnh tiến của bản thân cao, còn cái Tôi tự trọng, hãnh diện thì ít.

Thực tiễn thế giới thì Mỹ phát triển theo cách của Mỹ, Nhật đi theo cách của Nhật, Nga theo cách của Nga .... Và họ đều là cường quốc mạnh. Không thấy Việt Nam dành nhiều thời gian để suy nghĩ và học cách tư duy. Sao không hình dung ra nước Việt Nam của 20 - 50 năm sau cần như thế nào? Cứ loay hoay "nới áo" cho vừa thân. Nhận xét của ông Giáo sư Tom Wright chí lý đến mức ngậm ngùi. :rolleyes:

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thật ra, nói một cách công bằng, việc mở rộng Hà Nội bằng cách sáp nhập với tỉnh Hà Tây là một cần thiết cho sự phát triển kinh tế của thành phố Hà Nội. Đó là chưa nói tới việc xây dựng và phát triển thành phố cho xứng tầm là một thủ đô hành chính của cả nước. Thành phố Hà Nội bị bao bọc bởi các dòng sông và đê bao, mà lưu vực các con sông như sông Đà, sông Hồng hay xa hơn là sông Thái Bình rất nông và chảy siết, cho nên không có được lợi thế để xây dựng cảng sông như các TP khác cũng như rất khó để phát triển kinh tế đôi bờ của dòng sông (như sông Seine ở Paris, sông Thames ở London, hay sông Sài Gòn ở TPHCM, ...), mặt khác, nếu sáp nhập với Hà Tây, Hà Nội sẽ tập trung được là nơi xuất phát và tập kết của 2 tuyến đường huyết mạch của giao thông cả nước là quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh (cây số 0 đường HCM hiện nằm ở Láng - Hòa Lạc tỉnh Hà Tây), xứng tầm hơn với vị thế thủ đô của cả nước, cả về kinh tế lẫn quốc phòng.

Tuy nhiên, việc quy hoạch và mở rộng Hà Nội cũng nên tiến hành từng bước và tham khảo ý kiến người dân nhiều hơn và đặc biệt là không nên phá vỡ cảnh quan của Hà Nội xưa. Theo tôi được biết Hà Nội đang xây dựng một trung tâm hành chính mới hiện đại phù hợp với xu thế phát triển của thế giới ngày nay còn khu trung tâm hiện tại sẽ được bảo tồn. Tôi đã đến Hà Nội nhiều lần và thích nhất là đến vào dịp đầu tháng 11 dương lịch để được đón cái trở gió của Hà Nội. Hà Nội đẹp lắm ! Tôi cũng đồng ý với ông Tom Wright rằng không nên mở rộng những con đường cũ hay xây dựng đường trên cao ở những vùng này mà chỉ nên xây dựng những tuyến đường mới hiện đại ở những vùng đất mới đã được qui hoạch sau khi khai thác hợp lý và được sự chấp thuận và đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân.

Vài lời góp nhặt còn thô thiển,

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thật ra, nói một cách công bằng, việc mở rộng Hà Nội bằng cách sáp nhập với tỉnh Hà Tây là một cần thiết cho sự phát triển kinh tế của thành phố Hà Nội. Đó là chưa nói tới việc xây dựng và phát triển thành phố cho xứng tầm là một thủ đô hành chính của cả nước. Thành phố Hà Nội bị bao bọc bởi các dòng sông và đê bao, mà lưu vực các con sông như sông Đà, sông Hồng hay xa hơn là sông Thái Bình rất nông và chảy siết, cho nên không có được lợi thế để xây dựng cảng sông như các TP khác cũng như rất khó để phát triển kinh tế đôi bờ của dòng sông (như sông Seine ở Paris, sông Thames ở London, hay sông Sài Gòn ở TPHCM, ...), mặt khác, nếu sáp nhập với Hà Tây, Hà Nội sẽ tập trung được là nơi xuất phát và tập kết của 2 tuyến đường huyết mạch của giao thông cả nước là quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh (cây số 0 đường HCM hiện nằm ở Láng - Hòa Lạc tỉnh Hà Tây), xứng tầm hơn với vị thế thủ đô của cả nước, cả về kinh tế lẫn quốc phòng.

Không biết có cần thiết phải ôm đồm cho Hà Nội quá nhiều thứ không nhỉ?!

Share this post


Link to post
Share on other sites

Không biết có cần thiết phải ôm đồm cho Hà Nội quá nhiều thứ không nhỉ?!

Vâng, đồng ý với anh Phoenix là Hà Nội không nhất thiết phải vừa là trung tâm hành chính vừa là trung tâm kinh tế của cả nước, như Paris của Pháp, London của Anh (trong khi nhiều quốc gia trung tâm kinh tế không cứ phải là thủ đô, VD : Mỹ, Trung Quốc, Úc ...). Nhưng vấn đề là phải xây dựng TP Hà Nội như một trung tâm hành chính hiện đại để xứng tầm với xu thế của thời đại mới, theo tôi, là cần thiết, vì trung tâm hành chính của Hà Nội hiện hữu nằm trọn trong không gian nội thành Hà Nội xưa, không thể cơi nới để xây dựng thêm cũng như phát triển kỹ thuật quản lý hiện đại bởi sẽ đụng đến vấn đề bảo tồn văn hóa mà điển hình là trong những năm gần đây đã phát hiện ở nội thành Hà Nội hiện tại nhiều di chỉ khảo cổ của Thăng Long xưa trong một không gian khá lớn, trong khi đó, vùng đất đai còn lại của Hà Nội xoay sở khá chật hẹp lại bị bao bọc bởi các sông và đê bao. Có lẽ đó là lý do để người ta nghĩ tới việc phải xây dựng một trung tâm hành chính mới, trong đó có việc mở rộng bằng cách sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội.

Tuy nhiên, việc phát triển đi đôi với bảo tồn cần phải tiến hành từng bước và phải thu thập nhiều hơn nữa những ý kiến đóng góp xây dựng của người dân, trước mắt, theo tôi chưa nên mở rộng Hà Nội trong một tương lai gần.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Là người gắn bó và trưởng thành cùng Hà Nội, Phoenix tán thành với anh (chú) Trần Phương quan điểm mở rộng Hà Nội để gìn giữ giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội.

Vấn đề ở đây là không biết các bác làm dự án và quy hoạch tính toán những gì khi quyết định mở rộng địa giới cho Hà Nội. Nếu vì cần thêm đất cho cơ quan quản lý hành chính, công quyền thì mở rộng về phía Phúc Yên gần và thuận tiện hơn rất nhiều thay vì ưu tiên đất cho các đô thị cần kề nội phạm HN mới mọc lên ở Mỹ Đình, Quang Minh .... Đất ở Phúc Yên, Vĩnh Yên không tốt cho nông nghiệp, mà làm công nghiệp thì quá gần thủ đô rất dễ ô nhiễm. Đất ở Đông Anh, Gia Lâm thì lại cắt cứa bởi sông Hồng, sông Đuống. Trong khi đó đất Hà Tây phần lớn là làng nghề và di tích. Đem biến hết chúng thành cơ quan công sở thì mức tàn phá giá trị văn hóa, lịch sử còn tiềm ẩn nhiều hơn.

Hà Tây có lẽ không phải bây giờ mới được lựa chọn, hình như người ta đã cố tình muốn nó trở thành nội đô từ lâu roài. Hy vọng mọi sự sắp xếp thực sự vì tầm vóc của thủ đô Việt Nam, vì tương lai và sự phát triển của quốc gia. Quyết sách quốc gia, phải là sự cân nhắc cẩn trọng của cả một dân tộc. Vì nhu cầu của những tư duy trong hoàn cảnh thiếu thốn và khó khăn hiện nay hay vì sự bền vững dân tộc lâu dài là bài toán chỉ sai một phép tính có thể hỏng cả đại sự.

Các nhà quy hoạch, kiến trúc sư, kinh tế, quốc phòng và cả các thầy địa lý, phong thủy hoàn toàn có thể cùng ngồi "ngâm" cho kỹ trước khi cất bút phê chuẩn. Trong lịch sử Việt Nam, mỗi lần thay đổi đất đóng đô là một lần biến động lớn cho dân tộc. Không hiểu có nước nào dời đô nhiều như Việt Nam không? Trên khắp nước Việt, trừ đất trẻ phía Nam, thì đâu cũng có dấu tích đô thành của người Việt cả.

Yêu nước Việt, chúng ta cũng chỉ bày tỏ vậy thôi, chứ phê phán thì chưa dám bàn.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay