wildlavender

Những Khối đá Huyền Bí

5 bài viết trong chủ đề này

Những khối đá huyền bí - Bài 1: Phiến đá được phong thần

10/01/2010 22:38 Posted Image

Bức tượng Phật thiên thủ (nghìn tay) có liên quan đến mỹ thuật và hình tượng của Kỳ Thạch phu nhân mà một số nhà nghiên cứu cho là có thể gợi mở thêm về mối liên hệ giữa văn hóa Bà La Môn giáo với Phật giáo trên đất Việt ngày trước - Ảnh: Diệp Đức MinhĐá là vật vô tri vô giác nên người ta thường ghép đá với những tính cách cứng nhắc lạnh lùng. Nhưng không hẳn như thế, bởi trong dân gian và sử sách đã có nhiều câu chuyện về thế giới huyền bí và đời sống sinh động của đá.

Đầu tiên là chuyện tảng đá khắc hình một nữ thần không mặc áo, để ngực trần, đã chìm xuống sông Trà, nằm im qua nhiều mùa trăng, rồi bất chợt “nổi lên” vào một buổi giông hè.

Nữ thần báo mộng

Chuyện xảy ra ở xã Thanh Phước, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên ngày trước, mà người viết bài này tình cờ được một cụ già kể cho nghe trong một chuyến về thăm Huế.

Rằng ở vùng ngã ba sông Hương và sông Bồ có một ông lão đánh cá nghèo, ngày ngày xuôi dòng nước của con sông chảy qua làng để quăng lưới. Một hôm từ mờ sớm đến mặt trời lên cao vẫn chưa bắt được con cá nào đủ to để ra chợ đổi gạo, ông buồn bã nằm trên vạt cỏ ven bờ, gối đầu lên một tảng đá lớn thiu thiu ngủ. Chợt ông nằm mơ thấy có một người thân hình to lớn, mặt mày đỏ gay giận dữ, tay cầm chiếc gậy dài thúc thúc vào người ông, quát: “Này ông lão kia, sao ông lại dám gối đầu lên người của ta mà ngáy?”. Ông lão sợ quá quỳ mọp xuống, vị thần đá liền trấn an và nêu một câu hỏi nếu ông trả lời được thì vị thần đó hứa sẽ cải biến số phận để ông được sung túc và mạnh khỏe, sống lâu. Câu hỏi đó là: “Thứ gì luôn im lặng và thiêng liêng như đá? Thứ gì luôn luôn ở với người, giúp ích cho người, mà không hề đòi hỏi đền đáp, hoặc lên tiếng kể lể lời nào?”.

Ông lão đánh cá ngẩn ngơ, chưa trả lời được, vì ông nghĩ trên đời đâu có thứ gì tốt bụng đến thế. Vị thần đá liền giải đáp: “Đó là hơi thở, nó có mặt để truyền sự sống cho các ngươi từ lúc mới ra đời cho đến khi nhắm mắt mà chẳng đòi ơn nghĩa gì, nó cũng im lặng như các loài đá mà các ngươi vẫn dùng để lót đường, xây nhà vậy”. Trước khi biến mất, thần đá quay lại nói thêm: “Thấy ngươi hiền lành, ta sẽ cho ngươi một món quà, ngươi hãy mau thức dậy và quăng lưới xuống sông, ngươi sẽ nhận được món quà ấy”. (Chúng ta sẽ trở lại với vị thần đá nói trên trong một câu chuyện khác của loạt bài này).

Khi giật mình thức giấc, ông lão vội vã quăng lưới xuống nước như lời vị thần ấy dặn. Không lâu sau, ông cảm thấy có vật gì nằng nặng cứ trì lấy chiếc lưới. Ông lặn xuống xem chẳng thấy gì quý báu mà chỉ là một phiến đá to đang làm vướng lưới. Ông gỡ lưới ra khỏi phiến đá rồi lên bờ về nhà lòng không vui. Đêm ấy đang chập chờn, ông lại mộng thấy một phụ nữ xuất hiện với ánh sáng chói quanh người, bảo ông: “Ta là nữ thần dưới sông kia, hồi trưa ngươi đã gặp ta tại sao không đem ta lên bờ? Nếu ngươi đem ta lên ta sẽ phù hộ cho ngươi thoát khỏi cảnh túng thiếu”. Sáng ra, ông lão rủ thêm vài người trong làng lại quãng sông lặn xuống và đem lên hai phiến đá to bên trên có khắc hình một nữ thần với nhiều tay đang vươn cao, chân đang ngồi xếp bằng, chung quanh có hình voi, hình người trông rất lạ mắt. Lúc ấy trời bỗng chuyển giông, mây kéo đen nghịt rồi mưa trút xối xả, hai viên đá sáng lên từng chặp theo những tia chớp trên cao lia xuống. Thấy vậy, người ta hoảng sợ đem các viên đá này vào gần làng, lấy gạch xây một cái bàn thờ để đặt đá lên trên.

Posted Image

Hình do họa sĩ Tôn Thất Sa vẽ năm 1915 về “Bững Chàm ở Thanh Phước”, tức phiến đá “Kỳ Thạch phu nhân” (trích từ Bulletin des Amis du Vierx Hue năm 1915)

Kỳ Thạch phu nhân chi thần

Từ đó hễ ai đem lễ vật dâng cúng cầu gì thường được toại nguyện. Nhất là cứ đến tối 30 hoặc ngày rằm âm lịch mỗi tháng, người trong làng thường thấy bóng một nữ thần từ trong tảng đá bay ra, ban đêm ít ai dám lai vãng đến chỗ thờ.

Nghĩ đây chỉ là chuyện truyền khẩu, nhưng về sau chúng tôi được một nhà nghiên cứu cho biết chuyện trên được chép lại hẳn hoi trong bộ sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn với một số chi tiết có khác với lời kể của dân gian, song cốt lõi của chuyện vẫn giống nhau, với đoạn cuối khá huyền bí: “...Hai viên đá vuông to bằng tấm chiếu, sắc xanh trắng, mặt đá có nét chạm thân người mặt thú, 20 tay và 4 chân, người chài sợ cho là thần đem để ở chỗ sạch sẽ rồi dựng đền tranh để thờ. Từ đấy tỏ ra linh ứng. Hồi đầu bản triều (Nguyễn) phong làm “Kỳ Thạch phu nhân chi thần”. Gặp năm đại hạn, sai quan đến cầu đảo hàng mấy tuần không được mưa, bèn sai dời hai viên đá đến bờ sông, đêm hôm ấy liền nổi gió to mưa lớn, sáng hôm sau ra xem, thấy mất một viên, còn lại một viên, bèn rước về tế tạ. Viên đá ấy nay vẫn còn...”.

Vậy sự tích Kỳ Thạch phu nhân ra sao? Do đâu trên phiến đá to và dài một mét được triều đình phong thần kia lại khắc nhiều hình mà người ta cho là quái dị để mô tả cảnh thiên đường lẫn địa ngục?

Bài 2: Giải mã "Kỳ Thạch phu nhân"

Một vị thần trong kho tàng tượng đá Chăm Pa - Ảnh: Diệp Đức Minh

Trên phiến đá thiêng (Kỳ Thạch phu nhân) có chạm trổ những hình người, hình thú mà người dân Thanh Phước xưa kia cho là chứa đựng những ý nghĩa thần bí...

Nghe đọc bài

Các bô lão trong vùng bảo rằng phiến đá là của một đền thờ lâu đời bị gió mưa và lẽ vô thường chi phối nên sụp đổ và trôi dạt xuống sông như đã nói. Sau ngày được vớt lên lập miếu thờ, phiến đá được đặt trân trọng trên một cái bệ xây bằng gạch để hương khói và được tuần vũ Quảng Trị là ông Đào Thái Hanh mô tả khá rõ như sau: “Phiến đá này màu đen có hình dạng tựa nửa tấm bửng tròn, có đáy 1,2 mét; cao 0,9 mét và dày 0,23 mét, chạm nhiều hình người và con vật.

Các hình chạm chia làm hai nhóm. Phần trên là một hình người gần như trần truồng, ngồi trên tòa sen, chân xếp bằng và tay đặt trên đầu gối; bên phải có (chạm) một con thú kỳ lạ và vài hình phác họa về người, với nét vẽ non nớt; bên trái có 5 hình khắc đàn ông, đàn bà, con nít, người cầm ly rượu, kẻ thổi sáo. Phần dưới (tảng đá) cách với phần trên bằng một đường viền được kẻ một cách thô sơ, có một đám người mặc kín nửa người, hình như muốn vươn lên bằng cách đưa những cánh tay hướng về người ở giữa (của phần trên). Có khoảng 20 cánh tay, mà 7 cái đeo vòng, có thể là tay đàn bà. Chân thì chỉ có 4. Cạnh con người kỳ dị ấy, bên phải có khắc chạm một người có 3 mặt đứng cầm cái chai và một người nữa bị trói gô ngồi chồm hổm ở phía dưới, bên góc đối diện.

Sau cùng, bên trái là hình một con voi lớn chổng đuôi lên trời. Qua các hình đó người ta có thể hiểu được tư tưởng của người xưa, với phần trên tượng trưng cho thiên đàng, phần dưới là trần gian và địa ngục. Phải chăng đây là tấm bửng trên đầu cửa của một chùa Phật giáo hoặc chùa Bà-la-môn là người có 3 mặt ”.

Đó là những chi tiết được tuần vũ Đào Thái Hanh giới thiệu trên tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hue cách đây gần 100 năm (1915), được Đặng Huy Tùng dịch và Bửu Ý nhuận sắc in lại trong bộ sách Những người bạn cố đô Huế do NXB Thuận Hóa ấn hành hơn chục năm trước (1997). Tài liệu này cũng ghi nhận miếu thờ Nữ thần đá Kỳ Thạch phu nhân quay mặt ra bờ sông, xây bằng gạch, bên trong đặt một số đồ thờ bằng gỗ, với đèn, lư trầm, đĩa đựng đồ cúng và nhắc lại sự xuất hiện của phiến đá: “Trên mặt tảng đá có chạm trổ những thân hình người mặt thú (...), các dân chài khiếp sợ trước cái hình dạng kỳ dị và đều nghĩ rằng tảng đá ấy có thần ở, tức thì họ chuyển các tảng đá đến một chỗ xa vắng và lập miếu để thờ cúng. Từ ngày ấy trở đi, cá đánh được nhiều và cơ nghiệp của các dân chài trong làng đã khá thấy rõ, người An-nam đến cầu nguyện với miếu điều gì thì được điều ấy. Vào đầu niên hiệu của triều đại hiện nay hai tảng đá được phong tước Kỳ Thạch phu nhân chi thần (Nữ thần đá kỳ lạ). Đó là tước do vua ban để thưởng công cho Nữ thần đã giúp nhiều điều có ích cho dân chúng địa phương”.

Đến nay, qua những công trình nghiên cứu mới nhất, cách giải thích về nội dung các hình chạm trổ kỳ lạ trên phiến đá có khác với cách giải thích ngày trước của tuần vũ Đào Thái Hanh, như lược ghi dưới đây.

Giữa bức chạm có một hình người kỳ dị với hàng chục cánh tay đưa lên chính là quỷ vương Ravana trong hệ thống thần thoại, tín ngưỡng Ấn Độ xưa, đang thi thố những quyền năng của mình để quấy phá gia đình thần Siva ngự trên ngọn núi thiêng Kailasa. Cũng ở giữa nhưng bên trên hình quỷ vương là hình thần Siva đang ngồi trên ngai, bên trái Siva là nữ thần Parvati, bên phải là bò thần Nandin. Những hình người khác trong bức chạm có thể là hiện thân của thần sáng tạo Brahma, Visnu hoặc thần Indra. Con thú là voi Airavata. Đại thể, toàn bộ bức chạm nhằm thể hiện sinh hoạt của các vị thần Ấn Độ xưa theo các thần tích nào đó bên sông Hằng. Điều ấy nói lên ảnh hưởng của Bà-la-môn giáo trong sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của người Chăm trên đất Thuận Hóa xưa, đưa tới nhận định rằng: Bức chạm được những điêu khắc gia vô danh người Chăm thực hiện và đã trở thành một tác phẩm mỹ thuật Chăm Pa cần được giữ gìn. Những lời giải mã này vẫn chỉ là phác thảo có tính chất gợi mở. Những phân tích và giải thích thích đáng hơn phải cần tham khảo công trình nghiên cứu của các nhà khảo cổ học mà chúng tôi sẽ nhắc đến ở phần sau.

Còn tới đây, bên cạnh Kỳ Thạch phu nhân, thiết tưởng cần ghi nhận thêm một trường hợp nữa về viên đá huyền bí khác. Đó là viên đá thần liên quan đến việc sắc lập đền thờ Thai Dương phu nhân dưới thời vua Gia Long. Đây không những là câu chuyện truyền khẩu suông mà còn được ghi lại trong sử sách triều Nguyễn. Để bạn đọc tiện tham khảo, chúng tôi giới thiệu nội dung chuyện viên đá thần với Thai Dương phu nhân chép trong Đại Nam nhất thống chí, tập I, quyển II, mục Phủ Thừa Thiên, tiêu đề Đền miếu, có đoạn: Ở xã Thai Dương, huyện Hương Trà, thờ thần vị Thai Dương phu nhân. Tương truyền trước có người dân trong xã tên là Bố, đánh cá ở cửa biển, một hôm mưa gió tối tăm, đến nửa đêm mưa tạnh trời quang, Bố thấy cạnh bờ có viên đá kỳ dị, bèn vỗ xoa, rồi ngủ đi, chợt mộng thấy một người đàn bà nhan sắc đẹp đẽ nói: “Ta đây là Thai Dương phu nhân, mi là người phàm, sao dám nhờn như thế? Phải đi ngay!”. Bố giật mình khi thấy đá biết hiện hình người, lại là mỹ nhân và biết nói tiếng người nữa, bèn vội ngồi dậy dụi mắt nhìn quanh, chưa biết phải làm gì vào nửa đêm hoang ấy...

(Còn tiếp)

Giao Hưởng

Share this post


Link to post
Share on other sites

Bài 3: Đám cưới của nữ thần núi tuyết

12/01/2010 23:28

Posted Image

Phiến đá cổ điêu khắc đề tài đám cưới thần Shiva và nữ thần núi Tuyết Parvati - Ảnh: do chùa Ưu Điềm cung cấp tháng 1.2010

Biết mình gặp đá thần, nửa đêm Bố quỳ xuống khấn: “Nếu đá có thiêng xin phù hộ cho tôi đánh được nhiều cá tôm sinh sống”.

Sau lời khấn ấy “mỗi ngày (Bố) đánh cá càng được nhiều hơn, bèn (cùng dân làng) dựng đền tranh ở bến sông để thờ viên đá. Chợt có thuyền khách buôn từ Nhật Bản đi qua đền, trông thấy viên đá, họ bảo nhau rằng: “Đây là đá ngọc”, rồi họ lấy búa lớn để bổ, thì tự nhiên người lăn đùng ra. Khiêng xuống thuyền thì không có sóng gió mà thuyền bị đắm, người trong thuyền không một ai sống sót cả. Từ đấy (đá) lừng lẫy anh linh. Hồi đầu bản triều (Nguyễn) cầu gió thường được linh ứng, bèn sửa làm đền miếu, có lệ quốc tế. Năm Gia Long thứ 10 sắc lập đền riêng, hằng năm tế vào ngày quý của mùa xuân và mùa thu” (Đại Nam nhất thống chí).

Vậy đã có hai câu chuyện về Kỳ Thạch phu nhân và Thai Dương phu nhân liên quan đến thế giới của những phiến đá thần. Tiếp đây là chuyện về phiến đá thứ ba, cũng trên đất Thừa Thiên - Huế, ở làng Ưu Điềm, hiện vẫn đang được thờ tại ngôi chùa của làng này. Phiến đá hình vòng cung, có khắc chạm hình các vị thần mà theo một số nhà nghiên cứu như Trần Kỳ Phương và Võ Quang Yến, là nhằm mô tả đám cưới của hai vợ chồng thần Shiva và nữ thần núi Tuyết (có tên Parvati). Shiva là vị thần hết sức đặc biệt trong văn hóa tâm linh Ấn Độ, đặc biệt ở chỗ ông là vị thần vừa phá hoại mà lại vừa sáng tạo. Theo một số nhà nghiên cứu phương Tây, tên gọi Shiva có nghĩa là tốt lành, rõ ràng không hợp với những hành động hủy diệt và phá hoại của vị thần này. Nhưng GS Lê Xuân Khoa cho rằng, theo quan điểm triết học của Ấn Độ thì “không có sự sống nào mà không tiến tới hủy diệt, chính do hủy diệt mà lại có đời sống (mới). Sống và chết không những chỉ nối tiếp nhau mà còn đồng nhất với nhau. Sống tức là một hành động tự hủy diệt (vì) sống tức là đang chết dần. Bởi vậy: với tư cách là cứu cánh của mọi vật - Shiva là tử thần, nhưng với tư cách là nguyên lý của sáng tạo – Shiva lại là nguồn sống. Vì thế, Shiva vừa được coi là một hung thần phá hoại, hủy diệt muôn vật, lại vừa được coi là một phúc thần gieo rắc (mầm mống mới) và bảo vệ đời sống”. Ông có hai đời vợ, kết hôn với hai người, nhưng thực ra cũng chỉ... một người thôi. Vì “một người” ấy đã hóa thân thành hai thiếu nữ yêu thương Shiva trong hai kiếp.

Kiếp thứ nhất, chính là nàng Sati (hiền phụ) là con gái của một trong 8 vị thần của trí tuệ tên là Daksha. Daksha không có cảm tình trước bề ngoài tiều tụy của Shiva khi gặp Shiva hiện ra với dáng dấp của một đạo sĩ khất thực. Vì thế Daksha rất bực mình khi nàng Sati lấy Shiva làm chồng, nên ông đã thẳng tay đuổi Sati ra khỏi nhà sau khi đã nặng lời nhục mạ nàng và Shiva. Đứng trước tình cảnh ấy, Sati đã bay khỏi người, trút hồn đi mất lên dãy núi lạnh đầy tuyết, trả lại thân xác cho cha, sau đó nàng hóa thân vào kiếp thứ hai. Kiếp thứ hai, Sati tái sinh làm con gái của thần núi Himalaya và thường được biết đến với tên Parvati (nghĩa là Sơn nữ núi Tuyết hoặc nữ thần Tuyết) và kết hôn với Shiva lần nữa. Lần này, họ sinh đứa con đầu lòng là Karttikeya có sức mạnh diệt các loài quỷ và được tôn thờ là thần chiến thắng. Đứa con thứ hai đánh dẹp quỷ dữ, có quyền năng ban phát hạnh phúc và an vui đến cho mọi người dưới thế, tức là thần Ganesha mình người đầu voi được người Ấn Độ sùng bái. Đám cưới giữa Shiva và nữ thần Tuyết Parvati được thể hiện qua những hình khắc trên phiến đá khá lớn ở chùa Ưu Điềm nói trên.

Phiến đá ấy được nhà nghiên cứu người Pháp Henri Parmentier nhắc đến trong một tài liệu phổ biến đầu thế kỷ 20 (1918). Đúng 90 năm sau (2008), ông Võ Quang Yến đã tìm đến địa phận làng Ưu Điềm để tận mắt xem xét, mô tả và nhận định như sau: “Đây là một kiệt tác nghệ thuật và là tác phẩm duy nhất được biết đến nay trong nền điêu khắc Chămpa thể hiện đề tài lễ rước cưới Shiva – Parvati về ngọn núi thiêng Kailasa. Phiến đá có hình chữ U lật ngược, rộng hơn 1 mét, bề cao ngắn hơn chút ít, trán cửa đang còn tốt, không sứt nẻ, chỉ có ít nhiều rêu phong đóng lên nền sơn xanh đã phai màu. Đứng giữa và choán phần lớn bề mặt trán cửa là con bò thần trắng Nandin tiêu biểu cho quyền lực thế gian và cho sự đẻ con, đặc biệt không đeo vòng kiềng của những vật cưỡi Vahana thường thấy. Trên lưng bò thần, ngồi ngay sau bướu, hai chân hai bên, một chân duỗi thẳng, chân kia co lại là thần sáng tạo Shiva (...). Ngồi một bên là nữ thần Parvati với nét mặt dịu dàng và e thẹn của một nàng dâu”. Bao quanh đôi vợ chồng của nữ thần Tuyết trong lễ cưới còn có các nhân vật khác mà theo ông Võ Quang Yến đó là thần Brahma, làm chủ hôn, đầu đội mũ mukuta, đeo khuyên tai với nhiều vòng trên cổ tay và mắt cá, mặc áo sampot có thắt lưng lớn, hai tay chắp trên ngực, ngồi xếp bằng trên một tòa sen. Bên mặt có thần Vishnu cũng đội mũ và mang khuyên tai, vòng ngọc, có bốn tay, hai tay trước chắp trước ngực, hai tay sau giơ lên cao, tay trái cầm một cái vỏ ốc biển, tay mặt cầm một trong chín vật tiêu biểu của mình. Vishnu ngồi trên vai thần điểu Garuda, hai cánh của thần điểu đang giang rộng, hai tay nắm quanh hai chân của Vishnu như đang nâng vị thần này bay bổng dặt dìu theo nhạc cưới...

Tại sao đám cưới của Parvati - nữ thần Tuyết xuất thân từ dãy Himalaya xa xôi - lại có mặt trong tác phẩm điêu khắc đá ở làng Ưu Điềm như vậy?

Bài 4: Linga “tam vị nhất thể”

13/01/2010 22:54

Tượng Bà Phật Lồi...

Posted Image

Điều đáng nói là gần phiến đá có điêu khắc nội dung lễ cưới của nữ thần núi tuyết Parvati (ở làng Ưu Điềm, Thừa Thiên - Huế) lại có một linga nằm sẵn tự bao giờ...

Đó là chiếc linga khá lớn mà theo các lão làng trong vùng đã hàng trăm năm dầm mưa dãi nắng. Linga này cùng một tượng nữ thần bằng đá để ngực trần mà dân chúng trong vùng hương khói kính cẩn gọi là Bà Phật Lồi, với rất nhiều mảnh vỡ lớn, cùng chịu chung số phận bị bỏ mặc giữa trời. Trước cảnh ấy, một số nhà hoạt động văn hóa thực sự quan tâm đến giá trị di tích như Võ Quang Yến, Trần Đình Sơn đến tận nơi bày tỏ mong muốn chùa Ưu Điềm hãy tôn trí những cổ vật trên ở nơi tương xứng.

Giữa năm 2009, nhà chùa đã cho dựng một căn nhà và đem hết những cổ vật trên vào thờ, trong đó có cả linga. Về việc này, đã có người thắc mắc sao nhà chùa lại đưa cả linga vào nơi trang nghiêm. Thật ra linga - yoni không chỉ là biểu tượng sinh thực khí, mà theo quan niệm của văn hóa Ấn Độ xưa, một linga chứa đựng hình ảnh của ba ngôi tối cao là cả ba vị thần: Brahma - Vishnu và Shiva.

Trước hết là Brahma, đấng sáng tạo: “Vạn vật phát hiện tự nơi Ngài và vũ trụ đã có sẵn ở trong Ngài... Cũng như cây sồi có sẵn ở trong hạt sồi, như trái cây có sẵn ở trong mầm hạt, sẵn sàng nảy nở và phát triển, muôn vật hữu tình đã có sẵn ở Brahma, và mọi mầm mống đều phát sinh nơi Ngài”. Lời tôn vinh ấy được GS Lê Xuân Khoa trích dẫn trong một tài liệu về triết học Ấn Độ, đồng thời với rất nhiều sự tích từ Brahma. Tích về Brahma là kết quả hôn phối giữa đấng tối cao và năng lực của chính Ngài. Có tích cho rằng Brahma sinh ra từ một quả trứng vàng (kim noãn) bềnh bồng trên mặt biển nguyên thủy, sau đó trứng tự vỡ làm đôi, một nửa nâng lên thành trời phía trên, một nửa thành đất phía dưới, còn khoảng giữa là không trung vô hạn. Tích khác rất phổ biến, lại cho Brahma sinh ra từ một bông sen ở rốn của thần Vishnu. Vishnu là vị thần bảo vệ sự sống con người giữa hai đầu sinh - tử. Vishnu được lập đền thờ khắp nơi trên Ấn Độ xưa (được điêu khắc trên đá tại các công trình mỹ thuật ở Thuận Hóa xưa, trong đó có phiến đá ở làng Ưu Điềm).

Một hôm, khi Vishnu đang nằm trên một chiếc lá sen, Brahma bèn đến hỏi danh tính. Vishnu trả lời: “Chính ta đã sinh ra ngươi”, và Vishnu gọi Brahma là con. Nghe vậy, Brahma rất tức giận, tuyên bố rằng mình mới là đấng sáng tạo. Hai bên đang tranh cãi về ngôi thứ bỗng thấy xuất hiện một cột lửa cao ngất, vươn lên liếm sạch cả mây trời và chiếu sáng đại địa. Thấy thế, Brahma và Vishnu dừng ngay cuộc tranh cãi để đi tìm điểm xuất phát cũng như nơi tận cùng của cột lửa. Hai vị chia nhau đi tìm hai phía, Vishnu lặn sâu xuống mặt đất, còn Brahma bay vút lên đầu ngọn lửa nhưng bay tới đâu thì lửa cao tới đó. Nghĩa là cột lửa không thể biết điểm khởi đầu và điểm kết thúc nơi đâu. Cuối cùng, Vishnu và Brahma thâu thần lực và cùng gặp lại, đang ngẩn ngơ không biết đầu, cuối của cột lửa thiêng thì bỗng nhiên, âm thanh linh thiêng bắt đầu bằng chữ A (trong âm tiết AUM) vang lên, và Shiva xuất hiện giữa cột lửa tỏa hồng nhiều cánh như một đóa sen. Từ trong đóa sen lửa ấy, Shiva nói cho hai vị thần kia biết: “Không ai kém hơn ai trong ba ngôi tối linh bình đẳng gồm Brahma - Vishnu - Shiva. Ba ngôi đó chỉ là thể hiện của một linh thể thuần khiết và duy nhất”.

Posted Image

...và linga ở chùa Ưu Điềm - Ảnh do chùa Ưu Điềm cung cấp

Từ chuyện trên, người ta đã kết hợp ba vị thần trong hình ảnh của một linga đặt trên yoni với ý nghĩa: “Shiva là đấng ban mầm sống (bijavan), Vishnu là tử cung (yoni) và Brahma là mầm sống (bija)”. Khi văn hóa Ấn Độ du nhập vào đời sống tinh thần Chămpa, hình ảnh các thần linh tối thượng được thể hiện qua một linga, nhắc ta nhớ đến thần thoại về loài Atula gây chiến với các thiên thần, khi thua, Atula đã dẫn hàng vạn quyến thuộc của mình chạy trốn và tất cả nấp trong... một cọng sen! Phân tích về ba vị thần trong một linga - yoni, TS Bá Trung Phụ nêu rõ: “Linga được cấu tạo thành ba phần. Phần đầu tròn biểu tượng thần Shiva. Phần giữa là thần Brahma có bốn cạnh tượng trưng cho 4 hướng: bắc (kabráh), nam (kanaron), tây (karaykôh), đông (haraymư). Phần cuối cùng tượng trưng cho thần Vishnu 7 cạnh...”.

Cũng theo TS Bá Trung Phụ, cần biết người Chăm ở Việt Nam thời trước trong quá trình tiếp thu văn hóa Bà la môn đã không rời bỏ nguồn cội của mình mà để cho yếu tố bản địa dần phục sinh. Chính vì thế, các ngẫu tượng Mukha Linga như ở các tháp Pôklongiarai (xây năm 1303), hoặc tháp Pôromê (xây năm 1659) đều kết hợp tín ngưỡng Bà la môn của Ấn Độ với quan niệm riêng của người Chăm. Điều đó cần được đối chiếu thêm với linga đang được thờ tại chùa Ưu Điềm.

Để giải đáp câu hỏi tại sao phiến đá điêu khắc lễ cưới nữ thần Tuyết, tượng Bà Phật Lồi và cả linga bằng đá cùng nhiều cổ thạch của người Chăm lại có mặt trên đất Thừa Thiên - Huế (tức Thuận Hóa ngày xưa), nhiều nhà nghiên cứu như Nguyễn Đình Đầu, Võ Quang Yến, Trần Ngọc Bảo cho biết: “Thuận Hóa là tên gọi của vùng đất Thừa Thiên - Huế đời nhà Trần sau khi vua Trần Anh Tông tiếp nhận hai châu Ô và Lý, là sính lễ của vua Chiêm Thành Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) dâng để cưới công chúa Huyền Trân. Vua Trần đổi tên châu Ô thành châu Thuận và châu Lý thành châu Hóa. Cuối đời Trần, năm 1404, hai châu này được ghép lại thành phủ Thuận Hóa. Vùng đất Thuận và Hóa này được nhập vào Đại Việt sau lễ cưới công chúa Huyền Trân với vua Chế Mân năm 1306. Trước đó người Chăm đã sống ở đây và để lại nhiều di tích như “tảng đá thiêng được phong thần”, tượng nữ thần Tuyết, tượng Bà Phật Lồi, linga “tam vị nhất thể”....

Đó là ở Thuận Hóa. Còn nhìn về hướng Bắc, các khối đá khắc những dòng chữ bí ẩn từ bãi đá nghìn xưa tại Sapa vẫn đang tiếp tục thách đố các nhà khoa học ngày nay giải mã... (Còn tiếp)

Giao Hưởng

Share this post


Link to post
Share on other sites

Bài 5: Bãi đá cổ Sapa

14/01/2010 23:02

Posted Image

Những tảng đá có hình khắc bí ẩn ở Sapa - Ảnh tư liệu

Mặc dù các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã ra công tìm hiểu, song đến nay những nét chạm khắc trên đá cổ ở Sapa vẫn chứa đựng nhiều bí ẩn chưa được giải mã...

Những ngày tuyết rơi trắng xóa đường phố, cỏ hoa, Sapa như một nàng công chúa đang nằm ngủ mơ màng trên độ cao 1.600m. Mặt nàng nghiêng nhìn về phía dòng chảy của con suối Mường Hoa, nơi có những tảng đá khắc nhiều ký hiệu và hình ảnh với những nét ngoằn ngoèo mà đến thế kỷ 21 này vẫn chưa ai giải thích được sự có mặt của chúng.

Theo nhiều người suy đoán, đó có thể là những “trang sử” của một tiểu vương quốc, một vùng đất thiêng, hoặc như một nhà thơ nói: “Cũng có thể đó là lời tỏ tình xa xưa của một hoàng tử với công chúa Sapa đang nằm ngủ trong rừng đào thuở trước”. Nếu muốn nhìn tận mắt tảng đá “chép thơ tình kia” thì đi chỉ khoảng 7 - 8 cây số là đến. Ở đó có 159 tảng đá nằm rải rác trên các thửa ruộng bậc thang, trên đá có khắc những hình thù kỳ lạ, hoặc đường vẽ chạm, những nét vạch giống như những chữ viết cổ mà cho đến nay các nhà khảo cổ học và ngôn ngữ học vẫn chưa đọc ra. Nếu cộng các tảng đá nhỏ nằm quanh đó nữa thì có ngót đến 200 tảng trên một diện tích khoảng 8 km2 thuộc thung lũng Mường Hoa.

Người dân bản Pho sinh sống ở đây tin chắc rằng những dấu khắc trên đá chính là những câu thần chú có năng lực siêu phàm, khi đọc lên sẽ đẩy lùi những thế lực ma quỷ. Họ cũng truyền miệng qua nhiều đời rằng, thuở trước có một bầy hổ rất hung hăng trên đỉnh núi mây mù xuất hiện kéo xuống giẫm đạp hoa màu, phá hoại nhà cửa, cây trồng trong bản, lại còn bắt giết gia súc và sát hại cả người nữa. Một hôm có vị cứu tinh chẳng biết từ đâu tới đã dạy cho nhóm thợ làm đá đọc và học các câu thần chú trên làm cho bầy hổ đang giương nanh vuốt bỗng khựng lại, mất hồn, có con lăn đùng ra chết, có con hóa thành đá nằm đó cho đến ngày nay.

Posted Image

Những tảng đá có hình khắc bí ẩn ở Sapa - Ảnh tư liệu

Ngoài đàn hổ hóa đá, bãi đá cổ Sapa có tảng dài đến 15m, cao hơn 5m, được gọi là “hòn đá bố”. Các hòn khác như “hòn đá vợ” và “hòn đá chồng” với dáng nghiêng nghiêng hướng vào nhau đã gắn liền với một truyền thuyết tình yêu ở Mường Hoa. Truyền thuyết này kể rằng ngày trước lúc Sapa chìm trong sương lạnh, có một đôi trai gái thương nhau nhưng bị gia đình ngăn cấm. Một hôm, họ lấy cớ đi tìm các cây thuốc quý như nhân sâm, kim tuyến, phòng kỷ để hẹn gặp nhau trong rừng vắng và quỳ xuống khấn vái thần linh che chở khỏi cặp mắt soi mói tìm kiếm khắc nghiệt của người nhà. Nghe lời van xin của họ, các thần cảm động, nên khi hai người gặp nhau giữa rừng lan hoàng thảo thì các thần sai một đám mây trắng vắt quanh chỗ họ ngồi như một tấm màn lụa che chắn để bất cứ ai nhìn từ xa cũng không thấy được. Họ ngồi đắm đuối như thế trong mây trắng đến quên cả đường về, chiều tối họ đi lạc vào thung lũng Mường Hoa và hóa thành đá để muôn đời được bên nhau.

Ngày nay hòn vợ và hòn chồng kia vẫn y nguyên như thuở ban đầu, nằm trong Bãi đá khắc cổ, được nhiều tác giả nhắc đến: “Đáng chú ý nhất là hòn đá vợ, đá chồng, đàn hổ đá và tấm bia có khắc chữ lên trên. Tảng đá vợ, đá chồng nói về mối tình chung thủy của đôi trai gái cho dù phải hóa đá vẫn hướng về nhau” (Trần Mạnh Thường). Toàn cảnh Bãi đá khắc cổ cũng được mô tả: “Bãi đá chia làm 2 khu nằm quanh suối Hoa trong thung lũng Mường Hoa cách thành phố Sapa 7 cây số. Quần thể Bãi đá khắc cổ do nhà khảo cổ học người Pháp gốc Nga Victor Gololev phát hiện từ năm 1925. Đến nay người ta đã tìm được 159 tảng đá lớn, có tảng dài tới 15 mét. Trên nhiều tảng đá có chạm khắc các hình vẽ của người cổ. Nhìn chung, các nét vẽ đều thể hiện tư duy tạo hình khúc chiết, xuất phát từ những con người nguyên sơ có đời sống gắn bó mật thiết với môi trường thiên nhiên. Các nhà khoa học đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu khám phá những bí ẩn của các nét chạm khắc trên đá, cố tìm ra ý nghĩa tôn giáo, xã hội, lịch sử của các nét vẽ và đã đưa ra nhiều giả thuyết nhưng vẫn chưa có lời giải đáp thực sự có sức thuyết phục” (Nguyễn Thị Hồng và Bùi Việt).

Một số nhà nghiên cứu cho rằng không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới có nhiều trường hợp chưa giải đáp được về hình vẽ và văn tự trên các khối đá, cũng như sự xuất hiện của các tượng đá. Chẳng hạn ở Chilê, trên hòn đảo nằm ở phía đông Polynesia có 500 bức tượng đá to lớn. Có tượng nặng đến 50 tấn, cao 10 mét. Nhỏ nhất là tượng nặng 5 tấn. Với trọng lượng và số lượng như thế, ai đã ra công tạc những bức tượng ấy vào hàng nghìn năm trước Công nguyên? Và đặt chúng giữa trời làm gì? Những câu hỏi ấy đến nay vẫn chưa có lời đáp chính xác. Ở Việt Nam, chúng ta cũng thấy có nhiều tảng đá được dân chúng thờ bái. Chẳng hạn cách nay hơn 50 năm, trên đường từ phố cổ Hội An lên Vĩnh Điện ở cây số thứ 6 có một nơi để bát hương thờ ông Đá, tương truyền rất linh thiêng. Cống chảy qua gần nơi ấy cũng được gọi là Cống ông Đá.

Việc thờ đá ở một số vùng nước ta cũng đã được học giả Léopold Cadière ghi nhận cách đây gần cả thế kỷ như sau: “Một ví dụ cụ thể là việc thờ cúng một vài viên đá mà người ta cho rằng có quyền lực siêu nhiên, là nơi cư ngụ của thần thánh và người ta phải đem bán hay ký thác những đứa con đau yếu (cho thần đá nuôi dưỡng bảo hộ) sợ rằng chúng phải chết. Cha hoặc mẹ đứa bé, nhiều khi cả hai, mang mâm cúng gồm một con gà hay con vịt luộc, xôi, chuối, hoa quả, một chai rượu, hương và giấy vàng bạc. Họ đặt tất cả trước viên đá. Chủ lễ lạy 4 lạy”.

(còn tiếp)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Bài 6: Những huyền thoại đá ở Lào Cai

Posted Image

Tổng thể đài thờ Trà Kiệu bằng đá

Lời khấn trước thần Đá được học giả Léopold Cadière ghi lại dưới đây là của một chủ lễ cầu nguyện cho một cháu bé thoát cơn bệnh hiểm nghèo.

“Con sụp lạy, bái kính thần Đá. Con tên... ở làng... Con có thằng con nhỏ khó nuôi tên là... Con xin được bán hoặc ký thác cho ngài thần Đá với lời khẩn nguyện chân thành là (xin thần) cho thằng bé ăn chơi mạnh khỏe. Hằng năm cứ vào ngày tháng (định trước) con sẽ trở lại dâng cúng (lễ vật) lên ngài. Khi thằng bé được 12 tuổi, con sẽ trở lại tạ ngài, xin tháo gỡ lời cam kết hôm nay”.

Sau lời khấn, chủ lễ lạy 4 lạy rồi đứng dậy, nghiêng mình lần nữa trước khi cáo từ thần Đá. Những người dự lễ đem rượu cúng ra uống, tin rằng rượu ấy sẽ xua đuổi hết tà khí lạnh lẽo trong người. Đồ cúng gồm xôi chuối, gà luộc có thể mang về nhà dùng như những “món lộc” được ban hưởng sau khi thần Đá đã dùng hết tánh linh của thực phẩm.

Những chi tiết này được Đỗ Trinh Huệ ghi lại qua cuốn biên khảo về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam dưới nhãn quan của học giả Cadière. Những trường hợp tương tự trên chứng tỏ trong dân gian vẫn tin vào sức mạnh siêu nhiên của những vị thần đã nhập vào các tảng đá vô danh. Song cũng có những vách đá có tên hẳn hoi, như núi Cô Tiên gần thị trấn Bắc Hà ở Lào Cai.

Đó là vách núi đá phẳng rộng đẹp đẽ, trông như có bàn tay của những nghệ sĩ tạo hình mài gọt, chăm chuốt. Từ ngày xưa, dân trong vùng cho rằng có một nàng tiên xuống trần, ngây ngất vì cảnh đẹp nơi đây nên đã dừng lại không đi đâu nữa, từ đó núi có tên Cô Tiên. Ngày kia có hai cha con trên đường đến phiên chợ Pac Kha, khi đi ngang núi Cô Tiên người con gái bỗng bị một ngọn gió độc thổi trúng, ngã té và đột ngột qua đời. Người cha bối rối, chạy đi hái lá cây đắp lên xác chết của con rồi chạy xuống núi báo tin cho dân bản. Người dân bản đem hương cùng các thứ đồ cúng ma, cùng ông lão lên núi Cô Tiên để cúng cô gái. Lúc lễ tống táng đang diễn ra, hương đang cháy, bất ngờ xác chết cựa quậy rồi ngồi dậy, da thịt hồng hào lại. Bà con có mặt trong lễ tang hết sức kinh ngạc, người đi múc nước, kẻ lấy xôi chuối đưa cho cô gái ăn uống.

Khi đã hoàn hồn, cô gái kể lại, hồn cô bay lên xa lắm, gặp Bồ tát Quan Âm trong mây, bảo cô hãy quay về cõi trần và chỉ cho cô cách sống theo mười điều thiện, không làm điều ác. Nghe chuyện, nhìn lên trời, mọi người thấy một đám mây ngũ sắc, chầm chậm bay về trên đỉnh núi, như một cái tàng phủ mát suối rừng. Dân liền quỳ xuống tạ ơn Bồ tát cứu mạng cô gái và ban điềm lành cho bản làng, rồi bỏ thời gian công sức đục vách đá thành một cái am, sau đó tạc tượng Bồ tát Quan Âm đặt vào để thờ.

Đến tận thế kỷ 21, cứ đến ngày 19 tháng 9 âm lịch, dân bản lại mang xôi chuối, vải vóc đến cúng dường Bồ tát tại điểm trên.

Còn nhiều dãy núi đá khác cũng chứa đựng các huyền thoại ở Lào Cai. Như chuyện hình thành dãy núi đá giữa không gian vắng lạnh trên độ cao gần 2.000m, là núi Hàm Rồng. Được gọi tên như thế vì núi có hình dáng một con rồng. Chuyện xưa kể rằng, có hai vợ chồng rồng vì quá yêu thương, ôm ấp nhau không rời, đến nỗi khi nạn hồng thủy xảy ra, cả vợ lẫn chồng đều không hay biết. Nước lên cao, ngập hết núi rừng, rồng chồng cuộn mình bay thoát được lên mây, rồng vợ cố bay theo nhưng không kịp, phải ở lại và hóa thành đá, nhưng vẫn còn cố hướng về phía rồng chồng.

Lào Cai còn có hang Tiên ở xã Bảo Nha, bên dòng sông Chảy. Ở đó, đá xếp thành tầng tầng lớp lớp với cả một rừng nhũ đá mang hình hổ, báo, voi, ngựa và các thú rừng khác, mà người dân bản làng tin rằng những con vật ấy đã bị quyền phép của thần Đá thâu hồn, khiến thân xác chúng biến thành đá ở khắp mọi nơi.

Cũng có một khối đá đã được ghi danh vào lịch sử hiện đại, như tác giả Trần Mạnh Thường nhắc lại trong cuốn biên khảo về văn hóa các vùng đất Việt Nam: “Khoảng 600 triệu năm trước, cả vùng Tây Bắc Việt Nam còn chìm sâu dưới biển. Sau 3 lần vận động tạo sơn, đến thời kỳ tân kiến tạo cách nay trên 100 triệu năm, khối Hoàng Liên đột ngột nhô lên thành một dãy trùng điệp... Lên cao 2.400m, gió mây quyện hòa với cây rừng. Từ 2.800m đổ lên, mây mù bỗng tan biến, bầu trời trong xanh. Từ 2.963m và lên cao nữa, lại có một khối đá khổng lồ được kê trên một hòn đá nhỏ. Đấy chính là đỉnh Phanxipăng, tiếng địa phương gọi là Huasipan - có nghĩa là phiến đá khổng lồ nằm chênh vênh. Đỉnh Phanxipăng cao ngất, là nóc nhà của Tổ quốc Việt Nam, được kết cấu bởi một phiến đá khổng lồ, cao 180m”.

Ai đã đem phiến đá khổng lồ ấy lên tận đỉnh cao ngất như thế? Chuyện ấy sẽ nói sau.

Còn giờ là chuyện về đài thờ đá ở Trà Kiệu (tức Kinh thành Sư tử Simhapura đã bị tàn phá) nay thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Đài thờ vuông vắn được chế tác bằng sa thạch, với bốn cảnh chạm nổi, và các phù điêu tương đối còn nguyên vẹn. Người dân địa phương từ lâu đời không ai dám xâm hại đài thờ. Còn các nhà nghiên cứu nước ngoài như Jean Przyluski, George Coedès, Jean Boisselier, đã đưa ra nhiều giải thích về các hình khắc chạm trên đó.

Có ý kiến cho rằng bức phù điêu của đài đá này nhằm minh họa cho truyền thuyết về người đã tạo lập vương quốc Phù Nam. Cũng có người cho là nó chứa đựng những minh họa cho các bản kinh tối cổ và thiêng liêng còn lại đến nay.

Giao Hưởng

Share this post


Link to post
Share on other sites

Bài 7: Ramayana trên đài thờ xứ Việt

Posted Image

Tượng thần Shiva mang phong thái và dáng dấp của một vua Chăm - Ảnh: Diệp Đức Minh

Một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Champa là đài thờ Trà Kiệu bằng đá được phát hiện từ năm 1901 đến nay, cùng với nhiều cách giải thích khác nhau quanh các bức phù điêu chạm trên đài ấy.

Cách giải thích của nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương khá tỉ mỉ và thuyết phục khi ông cho rằng đó là những minh họa trên đá về anh hùng ca Ramayana của Ấn Độ cổ đại. Nguyên bản của anh hùng ca Ramayana rất đồ sộ, có đến 24.000 sloka, mỗi sloka gồm 2 câu thơ có vần, thuật lại sự tích của hoàng tử Rama và công chúa Sita. Rama được xem là hóa thân thứ 7 của thần Vishnu - giáng trần để bảo vệ chân lý và tiêu trừ điều ác. Những hình ảnh của hai nhân vật trên có mặt trên đài thờ Trà Kiệu nói lên sự giao lưu xa xưa giữa văn hóa tư tưởng Ấn Độ và Champa.

Trường ca Ramayana được cả sử gia nổi tiếng người Âu châu là Michelet (1798-1874) ca ngợi: “Ai đã sống trong khao khát vì dục vọng quá nhiều giờ đây hãy uống cạn ly rượu hừng hực sức sống và trẻ trung này của Ramayana. Ở Tây phương cái gì cũng chật hẹp, Hy Lạp nhỏ bé làm tôi ngột ngạt, xứ Do Thái khô khan cũng làm tôi khó thở. Hãy để cho tôi hướng về châu Á cao cả và phương Đông thâm trầm trong giây lát. Chính nơi đó đã phát sinh ra bài thơ vĩ đại mênh mông như Ấn Độ Dương tràn ngập ánh mặt trời. Đó là một tác phẩm chứa chan hòa điệu thiêng liêng, tạo nên một không khí thái bình và lòng từ bi vô bờ bến ngay giữa cảnh tương tàn khốc liệt”.

Posted Image

Phù điêu chạm Apsara trên đài thờ Trà Kiệu - Ảnh: Tư liệu

Cũng như các hình ảnh khắc chạm trên đài thờ Trà Kiệu gây nên tranh cãi về những bí ẩn một thời trên các phù điêu bằng đá, các nhân vật của Ramayana cũng ẩn chứa nguồn sống tư tưởng và triết học thâm sâu vì: anh hùng ca Ramayana đặc biệt ca ngợi một nền đạo đức lý tưởng xây dựng trên căn bản bổn phận và danh dự với các nhân vật (Rama và Sita được khắc trên đền đá) tuyệt đối vâng theo mệnh lệnh của lương tâm, và theo triết gia Kant: “Đó là một mệnh lệnh thuộc phạm trù inpératif catégorique, đòi hỏi một sự vâng lời không suy tính, không do dự, không bị lung lạc bởi bất cứ lý do nào” - theo phân tích của GS Lê Xuân Khoa. Mệnh lệnh đó không phải viết bằng chữ mà bằng hình ảnh của hoàng tử Rama và công chúa Sita chạm trên đài thờ Trà Kiệu như nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương lý giải.

Công chúa Sita tự nguyện lưu đày nơi rừng sâu cùng chồng mình, dù nàng có thể ở lại kinh thành. Ở đó Sita đã bị quỷ vương Ravana bắt cóc đưa về xứ Lanka giam trong cung cấm. Khi được giải thoát cũng là lúc nàng mất hạnh phúc vì sự nghi ngờ của chồng. Song Sita đã chịu đựng giữ lòng trong sạch như viên ngọc quý không cháy trong lửa “những đức tính ấy đã làm cho Sita thành một phụ nữ hiền thục và thánh thiện hàng đầu”. Đó là một trong những hiện thân của khát vọng vươn tới giải thoát.

Khát vọng ấy mãnh liệt đến độ biến thành một tín ngưỡng tôn giáo. Rama và cả Sita đã trở thành những hình tượng linh thiêng được người Ấn Độ yêu thương và sùng bái. Biểu hiện của sự sùng bái này phần nào thể hiện ở hình chạm các vũ nữ thiên thần Apsara và các Gandharvas đang múa hát dâng hoa trong lễ cưới của Rama trên phù điêu đài thờ. Đài thờ vuông vắn chế tác bằng sa thạch còn có một bộ linga – yoni rất lớn tôn trí phía trên đài.

Về ý nghĩa của linga đã nói trong bài trước. Ở đây nhấn mạnh và ghi nhận thêm ý kiến của một số nhà nghiên cứu đại ý như sau: Khi Bà la môn giáo từ Ấn Độ du nhập vào cộng đồng người Chăm từ lâu đời thì các quan điểm truyền thống của Ấn Độ bị thay đổi theo cách hiểu của người Chăm. Thậm chí các vị thần Ấn Độ cũng được gọi theo ngôn ngữ Chăm, chẳng hạn Shiva được gọi “Pônintri”, Vishnu gọi là “Pôpachơn”, hoặc linga gọi là “Kai Cluc”.

Theo cách đó, các linga cũng thoát khỏi hình khối ban đầu để có linh hồn theo cách tạo hình của Champa. Đã có một linga thờ thần Shiva ở Mỹ Sơn kết hợp một nửa tên của nhà vua với tên của thần Shiva, thành: Bhadvesvara chứng tỏ có sự kết hợp giữa vương quyền và thần quyền, giữa tôn giáo và các thế lực phong kiến.

Từ những di tích lịch sử và điêu khắc Champa như đài thờ Trà Kiệu cho ta thấy sự uyển chuyển của các nghệ sĩ tạo hình người Chăm, đã để lại những tác phẩm điêu khắc đá có linh hồn và những ẩn dụ thiêng liêng. (Còn tiếp)

Chính các linga tuy được đặt để thờ thần Shiva nhưng cũng đã mang tên kết hợp vương hiệu nhà vua với tên thần. Như vậy, thờ thần chính là thờ vua, vua là thần. Mukha Linga trong các đền tháp đều mang diện mạo các vua Chăm thần hóa để chiếm ngôi vị tôn vinh, còn thần Shiva - vị thần chính của Bà la môn giáo lu mờ hơn. Thông qua việc cải tiến những họa tiết vốn có và bổ sung thêm những yếu tố mới hoàn hảo hơn, góp phần làm phong phú và nổi bật những đặc trưng nghệ thuật điêu khắc dân tộc. Sự tiếp thu đó mang tính chất dung nạp và sau đó bản địa hóa để trở thành sắc thái phong cách riêng của nghệ thuật điêu khắc Champa. Có thể sự hội nhập của nghệ thuật Ấn Độ vào nghệ thuật Chăm là sự kết hợp giữa bút pháp tả thực, tính cách điệu và tính quy phạm một cách sáng tạo. Qua mỗi thời đại, mỗi thời gian được phát huy tôn tạo, đưa nghệ thuật điêu khắc phát triển biến nó thành cái riêng không thể nhầm lẫn với nghệ thuật điêu khắc Ấn Độ, Campuchia, Java hay một nền nghệ thuật nào khác.

TS Bá Trung Phụ (Bảo tàng Lịch sử VN - TP.HCM)

Giao Hưởng

nguồn thanhnienonline

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay