MrPlkaR

Phương Pháp Luận Mới Nghiên Cứu Tiền Sử Người Việt

5 bài viết trong chủ đề này

Cho đến cuối thế kỷ trước, để tìm hiểu tiền sử dân tộc Việt, các nhà nghiên cứu căn cứ vào hai nguồn tư liệu là thư tịch cổ Trung Hoa cùng những phát hiện khảo cổ học, nhân chủng học, ngôn ngữ và xã hội học, chủ yếu của những học giả Pháp thời thuộc địa. Từ những nghiên cứu đó, bức tranh tiền sử của người Việt được trình bày như sau:

1-Người tiền sử gồm nhiều chủng tộc, trong đó có người Việt, từ Trung Đông tới cao nguyên Tây Tạng. Từ phía nam cao nguyên Tây Tạng, người Việt theo ngọn sông Dương Tử đi xuống phía đông nam chiếm lĩnh đồng bằng Hoa Nam rồi ngược theo bờ biển lên khai phá vùng duyên hải. Một bộ phận từ ngọn nguồn Dương Tử lên phía bắc khai thác vùng nam sông Hoàng Hà.

2-Người Hán cũng từ nam cao nguyên Tây Tạng di chuyển về phía đông nhưng do phương thức sống du mục nên dừng lại ở vùng đồng cỏ Thiểm Tây, Cam Túc.

3-Người Hán vượt Hoàng Hà chiếm đất, xua đuổi người Việt xuống phía nam sông Dương Tử.

4-Do người Hán lấn chiếm tiếp, người Việt đã từ nam sông Dương Tử tràn xuống Việt Nam, tiêu diệt và đồng hóa người bản địa lập nên nước Văn Lang.(1)

Sơ đồ như trên trở thành quan điểm chính thức của các nhà sử học khu vực và cũng được ghi trong những cuốn sách sử của nhiều trường đại học danh tiếng thế giới.

Tuy nhiên, quan niệm trên vấp phải những thách thức to lớn khi người ta phát hiện rằng, nhiều di chỉ khảo cổ ở Đông Nam Á có tuổi sớm hơn vùng Tây Bắc Trung Hoa cùng những chứng cứ cho thấy, nền văn hóa Đông Nam Á phát triển sớm hơn vùng Hoa lục.

Cho đến cuối thế kỷ XX, nhờ nhũng công trình của Bing Su và Y. Chu dùng công nghệ gene khảo sát sự đa dạng di truyền của người Hán(2), bức tranh tiền sử người Việt và Đông Á nói chung được vẽ lại. Đường nét chính của bức tranh như sau:

1-Người Homo Sapiens từ Trung Đông băng qua Ấn Độ và Pakistan rồi theo bờ biển phía nam châu Á tới miền Trung và Bắc Việt Nam khoảng 60-70.000 năm trước.

2-Dừng lại đây khoảng 10.000 năm, hai đại chủng Mongoloid và Australoid hòa huyết tạo thành những chủng Indonesien, Melanesien cùng những chủng lai giữa chúng đồng thời lan tỏa ra sống khắp lục địa Đông Nam Á.

3-Khoảng 50.000 năm trước, người từ Đông Nam Á đi tới Úc; 40.000 năm trước đặt chân tới New Guinea.

4-Khoảng 40.000 năm trước, người từ Đông Nam Á lên khai phá lục địa Trung Hoa và từ đây lên tới Siberia rồi vượt qua eo Bering sang chiếm lĩnh châu Mỹ.

5-Cũng từ Đông Nam Á, một nhóm Mongoloid sống biệt lập, đã độc hành lên phía Tây Bắc Trung Hoa, tạo nên chủng Mongoloid phương Bắc.

6-Tại Hòa Bình, người Đông Nam Á chế tác đồ đá và sáng tạo trung tâm nông nghiệp phát triển sớm nhất trên thế giới.

7-Khoảng đầu thiên niên kỷ thứ III TCN, người Hán vượt Hoàng Hà lấn chiếm đất của người Bách Việt. Do sự tiếp xúc giữa người Hán Mongoloid phương Bắc với người Bách Việt, một chủng mới xuất hiện: chủng Mongoloid phương Nam, thuộc nhóm loại hình Đông Nam Á.

8-Cũng thời gian trên, do thua trận, một nhóm người Việt từ châu thổ Hoàng Hà đi thuyền vượt biển trở lại Việt Nam, cùng với người Việt tại chỗ lập ra nhà nước Văn Lang.

9-Vào giữa thiên niên kỷ II TCN, do người Hán đánh đuổi gấp, một bộ phận lớn người Bách Việt chủng Mongoloid phương Nam từ phía nam sông Dương Tử trở lại lục địa cũng như hải đảo Đông Nam Á. Những người trở về mái nhà xưa này đã làm chuyển hóa đại bộ phận cư dân Đông Nam Á cổ sang loại hình Đông Nam Á hiện đại. Cũng thời gian này, người Bách Việt từ Hoa lục tràn ra ngoài biển, tới Nhật Bản và Triều Tiên làm biến đổi di truyền những người gốc Đông Nam Á tại đó thành người hiện nay.

Với bức tranh được vẽ như trên, ta thấy tiền sử của người Việt đã diễn ra trái ngược với quan niệm từ trước. Không phải là người tiền sử Đông Nam Á từ Tây Bắc nước Tàu đi xuống mà ngược lại, chính người tiền sử đã từ Đông Nam Á, từ Việt Nam đi lên khai phá đất nước Trung Hoa. Hành trình cùa người Bách Việt Đông Nam Á gồm hai giai đoạn: giai đoạn đầu đi lên phương bắc còn giai đoạn sau từ Trung Hoa trở về. Khi phát hiện lịch trình trên của người Đông Nam Á tiền sử, khoa học có thể lý giải thỏa đáng những câu hỏi trước đây về nhân chủng cũng như lịch sử văn hóa vùng Đông Á.

Vấn đề cần đặt ra ở đây là vì sao suốt thế kỷ XX khoa học đã lạc đường khi nghiên cứu tiền sử Đông Á?

Có thể lý giải điều này như sau: Khiếp nhược trước một đất nước có số dân đông đúc cùng nền văn hóa lớn, các nhà khoa học phương Tây nhiễm quan niệm dĩ Hoa vi trung mặc nhiên coi Trung Quốc là trung tâm phát sinh của Đông Á. Từ mặc cảm định trước này, ngay từ năm 1904, E. Aymonier đưa ra thuyết người tiền sử thiên cư từ cao nguyên Tây Tạng xuống. Tiếp đó, các tác giả khác, khi giải mã những hiện vật khảo cổ và nhân chủng học, ngôn ngữ, xã hội học cùng thư tịch cổ Trung Hoa… đều nương theo thuyết Hoa tâm. Tất cả những việc làm mang tính duy ý chí đó đã vẽ nên bức tranh sai lầm về tiền sử Á Đông.

Từ những sai lầm của quá khứ, thiết tưởng việc nghiên cứu tiền sử Đông Á nói chung cũng như người Việt nói riêng hiện nay cần có một phương pháp luận mới.

Theo thiển ý, những cơ sở của phương pháp luận đó là:

1-Lần theo hành trình của người tiền sử từ Đông Nam Á lan tỏa ra khắp Hoa lục sau đó một bộ phận lại trở về Đông Nam Á. Bằng công nghệ genes cùng những vật chứng khảo cổ, nhân chủng học, ngôn ngữ, xã hội học… xác định thời gian, không gian xuất hiện và chuyển dịch của người Việt trên đất Trung Hoa.

2-Giải mã lại những vật chứng khảo cổ, nhân chủng học, những tư liệu ngôn ngữ học, xã hội học đã phát hiện được theo hành trình của người Đông Nam Á. Từ đây xác định những dấu ấn văn hóa mà người Đông Nam Á để lại trên đất Trung Hoa.

3-Trước đây, do chưa xác định được thời gian cũng như con đường thiên di của người tiền sử Đông Nam Á, với người Việt, thư tịch cổ Trung Hoa là nguồn cứ liệu duy nhất để chúng ta nhìn vào tiền sử của mình. Nay ta biết rằng, do Khổng tử đã bỏ đi toàn bộ Tam Phần và một phần Ngũ Điển trong kinh Thư nên về thời gian, thư tịch Trung Hoa không thể đáp ứng thông tin trước thời Đường Ngu, tức khoảng trước 2600 năm TCN. Về không gian, lúc đó nước Trung Hoa còn nhỏ bé quanh lưu vực Hoàng Hà nên sự hiểu biết của sử gia Trung Hoa bị hạn chế. Sau này sử gia Trung Hoa, kể từ Tư Mã Thiên, phần nhiều mang con mắt đại Hán tộc nên viết không chính xác lịch sử những nước xung quanh được gọi là man, di… Vì vậy, trên thực tế, nguồn thư tịch Trung Hoa vừa khiếm khuyết vừa không đáng tin cậy, không thể là khuôn vàng thước ngọc cho chúng ta lấy làm căn cứ để viết lịch sử của mình.

4-Ngày nay, nhờ có người Việt “thiên di” tới nhiều nơi trên thế giới nên đã thu thập được khá nhiều tư liệu của các nước phương Tây viết về đất nước chúng ta. Một số trong đó đã được đưa lên mạng giúp cho chúng ta có cái nhìn về mình mới mẻ hơn và thoát được sự “cầm tù” của thư tịch Tàu.

5- Hai ngàn năm nay, do không hiểu nguồn gốc sinh học của mình và do mối quan hệ lịch sử đặc biệt với láng giềng phương bắc nên ông bà chúng ta coi Trung Quốc là nước đồng văn đồng chủng, còn các nước Đông Nam Á là di, rợ. Nhờ thành quả mới của khoa học di truyền, ta biết rằng, các dân tộc Đông Nam Á cùng cội nguồn với chúng ta. Điều này đưa tới phát hiện quan trọng: chính các sắc dân Đông Nam Á là người lưu giữ sâu đậm văn hóa cội nguồn của tổ tiên người Việt. Vì vậy, trong hành trình tìm lại văn hóa gốc của người Việt, việc nghiên cứu văn hóa các sắc dân Đông Nam Á có ý nghĩa rất lớn.

Tìm hiểu, nghiên cứu làm sáng tỏ giai đoạn tiền sử của dân tộc là chuyện dài dài, là cuộc chạy tiếp sức của nhiều thế hệ. Chúng tôi cho rằng, sau khi đã tìm được nguồn cội về mặt sinh học, công việc trung tâm lúc này là tìm lại cội nguồn văn hóa của người Việt. Áp dụng phương pháp luận trên, chúng ta sẽ tìm ra những dấu tích văn hóa mà tổ tiên ta đã để lại trên đất Trung Hoa, đặc biệt là hai trung tâm Thái Sơn và Lĩnh Nam từ hạt lúa, ngọn rau, rìu đá, rìu đồng đến tiếng nói, chữ viết, Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Dịch… Tìm lại văn hóa cội nguồn không chỉ đem lại cho chúng ta sự hiểu biết về tổ tiên, mà quan thiết hơn là học từ đó những điều khôn ngoan để phục hưng văn hóa Việt.

Sài Gòn, ngày Trùng Cửu năm Ất Dậu

1. Kim Định. Việt lý tố nguyên. Lá Bối Sài Gòn 1970

2 J.Y. Chu: Genetic relationship of population in China. Proc. Natl. Acad. Sci.USA 1998 N. 95 tr. 11763-11768.

Hà Văn Thùy

Ngày đăng: 6/5/2009 3:27:16 PM; Nguồn: vietlyso.com

Share this post


Link to post
Share on other sites

Khởi nguyên của dân tộc Việt Nam.

Lời dịch giả: Ðây là bản dịch một chương trong "Ðông Nam Á nghiên cứu chuyên san" số III nhan đề: "Bắc thuộc thời kỳ đích Việt Nam" của tác giả Lã Sĩ Bằng ở Ðại học Trung Văn Hương cảng.

Với tinh thần tôn trọng sự thật của nhà văn hóa, nhất là ngành sử học, giáo sư Lã Sĩ Bằng trong tác phẩm nói trên tỏ ra rất trung thực, cởi mở và xây dựng. Riêng những nhận định về Việt Nam cho thấy có sự chính xác, khách quan của nhà học giả chân chính, cho nên chúng tôi dùng làm tài liệu nghiên cứu sự tương quan giữa văn hóa Trung Hoa và Việt Nam. Nay xin dịch nguyên văn một chương để độc giả thưởng thức và thẩm định sự cố gắng đáng mong đợi của "Viện Nghiên cứu Ðông Nam Á" ở Hương cảng. (Nguyễn Ðăng Thục)

Dân tộc Việt Nam nguyên thuộc về hệ thống dân tộc bản xứ Ðông Nam Trung quốc thời cổ. Từ thượng cổ cho đến thời Tần Hán giải đất hiện tại gọi là Triết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây cho đến Bắc Việt, Trung Việt đều là đất của người Việt ở cả. Cuối thời Xuân Thu, Việt vương Câu Tiễn xưng Bá ấy là thời kỳ thịnh vượng nhất của người Việt, theo nhà Hán học người Pháp tên là E. Chavannes khảo chứng thì lãnh vực nước Việt thời ấy, phía Bắc suốt cả miền Giang Tô đến tận phía Nam Sơn Đông. Năm 465 tr. CN, sau khi Câu Tiễn mất rồi người sau không thể thừa kế nghiệp bá ấy nữa, nước Việt bèn suy vong. Truyền lại sáu đời đến Vô Cương, nước Sở đem quân đánh nước Việt. Vô Cương bị giết, người Sở chiếm hết đất đai. Bấy giờ vào năm 333 tr. CN, Sử ký của Tư Mã Thiên quyển 41 mục "Việt vương Câu Tiễn thế gia" có nói: "Từ đấy người Việt tản mác, con cháu các họ tranh chấp, người làm vua, người làm chúa ở ven biển Giang Nam hàng phục vào nước Sở".

Nhà Hán học người Pháp là L. Aurousseau căn cứ vào đoạn sử ấy mà suy luận ra cuộc di cư của người Việt như sau: "Căn cứ vào đoạn văn trên đây có thể thấy được việc di dân của người nước Việt xưa vào năm 333 tr. CN. Bắt đầu họ đi xuống phương Nam, tập đoàn chính rời khỏi bình nguyên phì nhiêu phía Bắc Ðại Dũ Lĩnh, phía Ðông vòng quanh các núi theo dọc bờ biển thiên di về phương Nam. Sử ký đã nói: "Con cháu các họ tranh lập hoặc làm vua, hoặc làm chúa", thì có thể thấy rằng họ lập lên một số nước nhỏ mà không có thể thống nhất, nhân thế mà Việt tộc tản cư mới sinh ra nhiều nước nhỏ mà phổ thông gọi là Bách Việt vào thế kỷ thứ 3 tr. CN. Tóm lại mà nói thì sau năm 333 tr. CN dân nước Việt đi xuống miền Nam lập thành một số quốc gia phong kiến, trong số ấy có bốn nước trọng yếu hơn cả là:

1) Nước Việt ở giải Ôn Châu tức Ðông Âu Việt,

2) Nước Việt ở giải Phúc Châu tức Mân Việt,

3) Nước Việt ở giải Quảng Châu tức Nam Việt,

4) Nước Việt ở giải Quảng Tây phía Nam cùng với Bắc Việt tức là Lạc Việt hay Tây Âu Hùng.

Bốn nước ấy vào thời cuối nhà Chu nghĩa là cuối thế kỷ thứ IV đầu thế kỷ thứ III tr. CN đã thành lập rồi vì sách Trang tử quyển 7 trong ấy có nói đến Nam Việt mà ở thời nhà Chu cũng có danh từ Lạc Việt". Ông L. Aurousseau nghiên cứu lần lượt bốn nước trọng yếu trong hàng Bách Việt rồi kết luận mà đoán định rằng nước Việt Nam ngày nay trực tiếp thuộc về di dân của nước Việt đã diệt vong vào năm 333 tr. CN, mà tổ tiên của họ tại 6 thế kỷ tr. CN đã dựng nước ở lưu vực sông Triết ngày nay trong tỉnh Triết Giang.

Thuyết của L. Aurousseau phát biểu 40 năm trước đây, bấy giờ nhân vì Khảo cổ học, Ngữ học, Dân tộc học các phương diện chưa được ấn chứng cho nên trong giới học thuật không được tiếp nhận một cách phổ biến. Và ông L. Aurousseau khảo luận về khởi nguyên của dân tộc Việt Nam chuyên viết về hai chữ Âu và Việt mà Ðông Âu tức người Việt đất Ôn châu, Tây Âu tức người Việt đất Bắc Việt đều thuộc về chi phái Việt tộc gọi là Âu, thuyết ấy luận đoán có chỗ sai lầm. Xét chữ Âu thực trỏ vào dân bản xứ đảo Hải Nam, chữ Tây Âu trỏ vào người Việt ở phương Tây đất Âu tức Quảng Tây phía Nam và Bắc Việt, mà Ðông Âu trỏ vào người Việt ở phương Ðông đất Âu tức là một giải Ôn châu, mà thời kỳ thiên cư cũng không nên xác định sau năm 333 tr. CN. Tuy nhiên ngoài những khuyết điểm của ông Aurousseau suy đoán về nguồn gốc dân tộc Việt Nam do từ Bách Việt mà ra rất có giá trị.

Cận đại các phương diện phát hiện và nghiên cứu về Khảo cổ học, Nhân loại học, Ngôn ngữ học, Dân tộc học đủ để công nhận suy đoán của Aurousseau. Văn hóa Bắc Sơn thời tiền sử Việt Nam mà chủ nhân có bộ phận thuộc về chủng tộc Indonesia. Văn hóa Ðông Sơn về sau thuộc về Văn hóa Ðồng cổ (trống đồng) của Lạc Việt từng tiếp nhận ảnh hưởng bên ngoài phần chủ yếu tự Hoa Trung mà địa khu trung tâm của văn hóa Ðông Sơn lại lấy Bán đảo Nam Trung và Hoa Nam làm chủ yếu. Nói rõ hơn thì dân tộc Việt Nam thuộc về giống người tóc cứng da vàng miền Nam Mông Cổ, hình sọ và mũi về chỉ số cùng bề cao của thân thể thì đại khái giống với người dân Việt và Mân nước Tầu. Về ngôn ngữ thì dân tộc Việt Nam nói tiếng độc vận đơn âm, thanh điệu phức tạp của tiếng Việt Nam thuộc về Hán Thái ngữ. Ðến như đặc trưng văn hóa nguyên thủy của họ đều thuộc về phạm vi văn hóa cổ Ðông Nam Á. Giáo sư Lăng Thuần Thanh hơn 10 năm gần đây hết sức nghiên cứu so sánh dân tộc học của dân tộc Việt Nam do nhóm Bách Việt thời cổ Trung Quốc ra mà bản xứ Nam Dương (Indonesia) cũng cùng một nguồn gốc Bách Việt thời cổ Trung Quốc. Theo thuyết của Lăng Thuần Thanh thì khu vực địa lý phân phát nền văn hóa cổ xưa của Ðông Nam Á ấy không những chỉ bao quát bán đảo và Hải đảo Ðông Nam Á như bán đảo phía Nam Trung Hoa và Nam Dương quần đảo, mà về lục địa còn bao quát từ bán đảo đến phương Nam Trung Hoa ngược lên phía Bắc đến Trường Giang vượt xa tới sông Hoài, Tần Lĩnh phía Nam, chạy từ bờ biển phía Ðông, ngang qua miền Nam Trung Hoa sang phía Tây qua xứ Ðiền (Vân Nam), Miến Điện cho đến Assam ở Ấn Độ. Danh từ Trung Quốc trong cổ sử thường gọi là Bách Việt tức là hệ thống Tây Nam cũng gọi là Cức Liêu cùng với dân bản xứ Indonesia ở Nam Dương hiện tại là dân tộc cùng thuộc về một hệ thống văn hóa, đấy là dòng dõi thiên di về phương Nam về sau của Việt tộc.

Trong Bách Việt, một chi nhánh Lạc Việt đi xuống phương Nam để trở nên một dân tộc trong nhóm Bách Việt còn bảo tồn được dân tộc tính chưa bị Hán tộc đồng hóa và dung hòa nhờ sự thuận lợi của tình thế địa lý cho nên đã có thể phản kháng quân Tầu khoảng 4 năm từ 221 đến 217 tr. CN. Từ Hán Vũ Đế diệt nhà Triệu (111 tr. CN) về sau Việt Nam tuy lệ thuộc vào Trung quốc hơn một ngàn năm thấm nhuần Hán hóa nhưng không bị Hán tộc đồng hóa và thu hút, kết cục vào thế kỷ thứ X Tây lịch đã thoát ly Trung quốc mà độc lập. Còn như người Việt Ðông Âu, Mân Việt, Nam Việt, các chi nhánh Việt tộc ấy từ thời Hán tới nay đã hướng vào trung tâm Hán tộc để bị đồng hóa đến dung hóa thành dân Trung quốc ngày nay ở các tỉnh Triết, Mân, Việt, Quế.

Lã Sĩ Bằng

(Nguyễn Ðăng Thục dịch)

Mất nước nhưng không mất làng

Hơn Nghìn Năm Thách Thức và Quật Khởi.

Khi các tộc người trên lãnh thổ Việt Nam vừa mới hình thành nhà nước thì ở phương bắc đế chế Tần (221-206 trước công nguyên) thành lập và bắt đầu bành trướng xuống phương nam.

Cư dân Văn Lang - Âu Lạc đã bền bỉ chiến đấu chống lại cuộc xâm lược đại quy mô của đé chế Tần, giữ yên bờ cõi. Chính trong cuộc kháng chiến này, người Lạc Việt và người Âu Việt đã thắt chặt quan hệ liên kết, và từ nước Văn Lang lập ra nước Âu Lạc. Người chỉ huy cuộc kháng chiến thắng lợi là Thục Phán trở thành vua nưóc Âu Lạc với danh hiệu An Dương Vương.

Nhưng đến năm 179 trước công nguyên, nước Âu Lạc bị Triệu Đà - vua nước Nam Việt ở Nam Trung Quốc -thôn tính. Từ đó người Việt bị chìm đắm trong một thời kỳ mất nước kéo dài hơn nghìn năm (179 trước công nguyên - 938). Các triều đại Trung Quốc từ Hán (206 trước công nguyên - 220) đến Tùy (581 - 618), Đường (618 - 907) đã áp dụng nhiều thủ đoạn đàn áp nhằm dập tắt ngọn lửa đấu tranh của người Việt và thục hiện nhiều chính sách đồng hóa nhằm sáp nhập đất nước Âu Lạc vào lãnh thổ Trung Quốc. Năm 111 trước công nguyên, triều Hán thôn tính nước Champa, mở rộng đé chế vào đến nam Trung Bộ.

Sau nhiều cuộc khởi nghĩa, người Chăm giành lại đất nước và thành lập nước Champa độc lập vào cuối thế kỷ thứ II. Cuộc đấu tranh của người Việt lâu dài và gian nan hơn nhiều.

Mùa xuân năm 40, dưới sự lãnh đạo củ hai nữ anh hùng Trưng Trắc, Trưng Nhị, cuộc khởi nghĩa của người Việt thắng lợi. Chính quyền độc lập Trưng Vương ra đời, nhưng 2 năm sau, cuộc kháng chiến bị thất bại.

Tiếp theo đó, nhiều cuộc khởi nghĩa bùng nổ, nhưng hoặc bị đàn áp, hoặc giành lại được chính quyền một thời gian rồi bị thất bại. Đó là khởi nghĩa Bà Triệu (248), khởi nghĩa Lý Bí (542), khởi nghĩa Mai Thúc Loan (722), khởi nghĩa Phùng Hưng (767)... Khởi nghĩa Lý Bí cũng đã thắng lợi, lập ra nước Vạn Xuân độc lập, nhưng rồi cuối cùng bị thất bại (602).

Vào thế kỷ thứ X, Khúc Thừa Dụ khởi nghĩa thành công, lập ra chính quyền tự chủ họ Khúc (905-930) rồi chuyển sang chính quyền tự chủ họ Dương (931-937) dẫn đến chiến thắng Bạch Đằng do Ngô Quyền lãnh đạo năm 938 đánh bại cuộc xâm lược của quân Nam Hán. Đén đây thì sự nghiệp giải phóng đất nước mới giành được thắng lợi quyết định, chấm dứt hơn 10 thế kỷ Bắc thuộc.

Mất nước hơn nghìn năm mà không bị đồng hóa và cuối cùng tự đấu tranh giành lại chủ quyền, đó là trường hợp hiếm có trong lịch sử. Nguyên nhân giải thích thành công đó là, một mặt, trước Bắc thuộc, nước Văn Lang - Âu Lạc đã là một thực thể quốc gia đạt đến trình độ văn minh và cố kết cộng đồng bền chặt. Mặt khác, dưới nền thống trị nước ngoài, người Việt biết gìn giữ và phát huy vốn văn hóa cổ truyền đồng thời biết tiếp thụ và tiêu hóa những thành tựu văn hóa bên ngoài, kể cả của nước xâm lược, để tăng thêm tiềm lực của đất nước. Trong thời kỳ này, từ Trung Quốc, Nho Giáo, Đạo Giáo, chữ Hán, nghề làm giấy, một số kỹ thuật nông nghiệp... , và từ ấn Độ. phật giáo, kỹ thuật chế thủy tinh, hương liệu... đã truyền vào Việt Nam. Vào đầu công nguyên, Luy Lâu (Hà Bắc) trở thành một trung tâm Phật giáo do các sư tăng ấn Độ trực tiếp truyền bá bằng đường biển trước khi Phật giáo thịnh đạt ở Trung Quốc ảnh hưởng xuống phía nam.

Trong cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc, làng xã người Việt giữ một vai trò trọng yếu. Đó là thế giới riêng của người Việt với những quan hệ cộng đồng chặt, tính tự trị cao mà chính quyền đô hộ Trung Quốc không thể nào can thiệp và chi phối được. Trong làng xã, người Việt bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu có gạn lọc những yếu tố văn hóa ngoại nhập phù hợp với cuộc sống của mình và liên kết lại trong cuộc đấu tranh giành lại đất nước. Có nhà sử học đã nhận xét rằng, trong hơn nghìn năm Bắc thuộc, Việt Nam mất nước nhưng không mất làng, và chính các làng tự trị đó là những "pháo đài xanh" phát huy hiệu quả to lớn trong cuộc đấu tranh gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và giải phóng dân tộc.

Chứng tích khảo cổ - Ngàn Năm Văn Hiến

Các nhà khảo cổ học và nhân chứng học đã tìm thấy những dấu tích của con người trên lãnh thổ Việt Nam cách ngày nay hàng chục vạn năm.

Trên sườn núi Đọ - Thanh Hóa (còn có các tranh luận về niên đại của di tích này) và tại các địa điểm Hang Gòn, Dầu Dây (Đồng Nai), đã phát hiện được những công cụ đá thô sơ của sơ kỳ thời đại đá cũ. Di cốt người vượn (archanthropus) cũng đã tìm thấy trong hang Thẩm Hai và Thẩm Khuyên (Lạng Sơn). Đó là những chiếc răng hóa thạch có những đặc điểm gần với răng người vượn Bắc Kinh (Sinanthropus pekinensis), nằm trong di cốt một quần động vật thời kỳ trung kỳ cách tân (Pléistocène) cách ngày nay khoảng 30 vạn nặm. Như vậy cách đây hàng chục vạn năm, đã có những bầy người vượn sinh sảng rải rác trên ba miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam.

Tại hang Thẩm ồm (Nghệ An), tìm thấy răng hóa thạch của một loài người vượn sống cách ngày nay 14-25 vạn năm, đang trên quá trình tiến hóa từ người đứng thẳng (homo erectus) lên người hiện đại (homo sapiens).

Tiếp theo đó, di cốt người hiện đại đã được phát hiện ở hang Hùm (Yên Bái) có niên đại 8-14 vạn năm, rồi ở Kéo Lèng (Lạng Sơn), Soi Nhụ (Quảng Ninh), Thung Lang (Ninh Bình). Những phát hiện trên cho thấy quá trình chuyển hóa từ người vượn thành người hiện đại diễn ra khá sớm trên lãnh thổ Việt Nam. Đó là những trang mở đầu của lịch sử thời nguyên thủy Việt Nam.

Từ văn hóa Sơn Vi phát triển lên văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn thuộc thời kỳ nguyên đá mới (protonéolithique) và sơ kỳ đá mới (néolithiqueférieur) tồn tại cách đây trên dưới 1 vạn năm. Văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn phân bố trên địa bàn rộng của Đông Nam á gồm cả Lào, Campuchia, Thái Lan, Mianma, Malaisia, đông Sumatra, song cuội nguồn là Việt Nam. Cư dân Hòa Bình - Bắc Sơn đã biết trồng trọt và Việt Nam cũng như Đông Nam á được coi là một trung tâm nông nghiệp vào loại sớm nhất của loài người bên cạnh trung tâm Trung Đông, Trung Mỹ, Pêru. Đó là bước mở đầu của "cuộc cách mạng đá mới" mà thành tựu chủ yếu là sự phát sinh nông nghiệp.

Văn hóa Sơn Vi (Vĩnh Phú) thuộc hậu kỳ thời đại đá cũ, có niên đại cách đây 11-18 nghìn năm, phân bố rất rộng trong các hang động và thềm sông cổ từ Lao Cai đến Nghệ An. Những nhóm cư dân nguyên thủy này sinh sống bằng hái lượm và săn bắt trong một hệ sinh thái miền nhiệt - ẩm với một thế giới động vật và thực vật phong phú, đa dạng.

Đến hậu kỳ đá mới cách đây khoảng 4-5 nghìn năm, các di tích văn hóa tiền sử phân bố rộng khắp lãnh thổ Việt Nam trên các địa hình khác nhau, từ Bắc chí Nam, từ miền núi rừng cao nguyên phía tây đến châu thổ ven biển và hải đảo phía đông đó là văn hóa Hạ Long (Quảng Ninh), văn hóa Bàu Tró (Quảng Bình), văn hóa Cầu Sắt (Đồng Nai)... và các di vật tìm thấyở hầu khắp mọi nơi. Đây cũng là thời kỳ biển lui và hình thành các đồng bằng châu thổ ven biển. Từ các miền gò đồi, miền chân núi, cư dân nguyên thủy tiến xuống chinh phục vùng châu thổ, phát triển nền nông nghiệp trồng lúa nước. Trên cơ sở kinh tế trồng lúa nước kết hợp cới các loại cây trồng khác, kết hợp với các nghề thủ công, với hái lượm, săn bắn chăn nuôi, đấnh cá, cuộc sống của con người dần dần ổn định với những xóm làng nông nghiệp định cư dựa trên qua hệ thị tộc mẫu hệ. Đó là cuội nguồn xa xưa của nền văn minh Việt Nam cổ truyền.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tái hiện cuộc sống người Việt cách đây 21.000 năm

Một trong những di chỉ khảo cổ được giới khoa học trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm trong năm 2008 là việc phát hiện thêm nhiều dấu vết người tiền sử ở hang xóm Trại, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình.

Đây được coi là một trong những phát hiện quan trọng nhất về dấu vết người tiền sử tại Đông Nam Á, và trên thế giới. Đầu Xuân mới, phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Việt, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tiền sử Đông Nam Á về vấn đề phát huy giá trị và bảo tồn di tích hướng tới phục vụ du lịch.

**Thưa ông, trước tiên ông có thể giới thiệu một số phát hiện quan trọng tại hang xóm Trại, tỉnh Hòa Bình?

Tiến sỹ Nguyễn Việt: “Phải nói rằng ai đến hang này cũng phải thừa nhận đây là một địa điểm cư trú lý tưởng cho cư dân tiền sử. Nó không chỉ là một cái hang đẹp thuần túy, mà còn giống như một cái phòng rất rộng, bề ngang 9-10m, chiều dọc khoảng 15-20m. Thung lũng Mường Vang của người Mường ôm trọn lấy cái hang này.

Chúng tôi đã sử dụng biện pháp nghiên cứu phân tích, tại sao người tiền sử ở đây, với việc sử dụng lý thuyết nghiên cứu của các nhà khoa học Anh. Tất cả cho thấy gần như nơi đây là lý tưởng cho các cư dân cư trú thời tiền sử. Ví dụ diện tích đồi đất là bao nhiêu để đủ cây có hạt, rừng cây có hạt nuôi dưỡng động vật ăn thịt ra làm sao.

Từ lâu, bản thân tôi dùng từ “Thung lũng Vàng” để mô tả thung lũng này thời tiền sử. Vào thời kỳ này, chúng tôi thấy nhiều hang di cư, ví dụ như hang Con Mong, hang Đồng Cang… nhưng ở hang Xóm Trại, các trầm tích văn hóa, thức ăn người xưa người ta bỏ lại thì đủ cho chúng ta thấy rằng đây là một cái hang thời tiền sử.

Ăn Ốc là nét văn hóa nổi tiếng của vùng Hòa Bình. Lấy hang Xóm Trại là một ví dụ, khi chúng ta quy ra một m3 tầng văn hóa thì được 44.000 con Ốc, dù Ốc có ở cả những hang khác như hang Thung Sơn, có khoảng 11.000 con, hang Con Mong (Thanh Hóa) nơi đang đề nghị UNESCO công nhận có 9.000 con.

Trên thế giới cũng ít có hang nào số lượng công cụ nhiều như ở đây. Số hiện vật chúng tôi khai quật ở đây đã trên dưới 5.000 công cụ, riêng số hòn kê, hòn ngồi, hay thớt thì hiện nay lên tới hơn 500 viên rồi.

Hang Xóm Trại xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình - nơi phát hiện dấu tích của người tiền sử cách đây 21.000 năm

**Một trong những phát hiện quan trọng tại hang Xóm Trại là việc tìm ra một lối đi cổ. Phát hiện này có giá trị như thế nào đối với lịch sử, thưa ông?

Tiến sỹ Nguyễn Việt: “Chúng ta biết rằng lối đi, lối mòn là do con người làm ra. Tôi nhớ câu của Lỗ Tấn “đời không có đường, nhưng con người đi mãi thì thành đường”. Việc tìm ra một con đường thời xưa là một “khoảng trống” trong khảo cổ học Việt Nam. Tôi dám nói như vậy, bởi cho đến hiện nay chúng ta mới chỉ xem hiện vật, tuổi thời nào, thời nào, chứ chúng ta ít để ý đến người ta làm như thế nào, có đường làng hay không?

Đường ở trong hang Xóm Trại phải cách đây từ 21.000 đến 22.000 năm. Thế thì việc tìm được nó có ý nghĩa rất lớn đối với khảo cổ Đông Nam Á và trên thế giới, còn đối với Việt Nam thì rõ rồi, chúng ta chưa có con đường tiền sử nào cả. Đường trong hang có những hòn đá nhô lên, mòn vẹt đi, khác với đường đi của thú. Nó có cả những chỗ để tay, vịn tay của con người.

Chúng tôi rất vui mừng và tự hào thông báo là chúng ta đã tìm được những con đường tiền sử rất sớm và niên đại đo bằng các bon phóng xạ là 21.000 - 22.000 năm. Chúng tôi cũng đã phát hiện một con đường đi vào hang ở phía Nam và xác định niên đại, nó cũng vào khoảng 8.000 - 9.000 nghìn năm. Tóm lại, chúng ta đã phát hiện được một lối đi rất cổ và cũng rất đẹp ở thời tiền sử của Việt Nam”.

** Với những phát hiện quan trọng như thế, công tác bảo tồn hướng tới phát triển du lịch được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Tiến sỹ Nguyễn Việt: “Chúng tôi đã thực hiện công tác khai quật hang Xóm Trại ngót 30 năm. Mỗi lần chúng tôi tiến hành khai quật, nó lại ngót đi một tý. Bà con thường sàng lấy đất, dù hiện vật còn nhưng mọi hiện vật không còn ổn định, trật tự nữa. Vì thế, tỉnh Hoà Bình đã nhờ chúng tôi làm dự án bảo quản, phục hồi và tôn tạo. Hang bảo quản tốt nhất chính là hang Xóm Trại.

Chúng tôi đã được tỉnh Hoà Bình yêu cầu giữ lại một cái vách để dựng lại một cái bếp cho người dân hiểu. Đồng thời, dựng lại một cảnh sinh hoạt, một phụ nữ đang đập hạt dẻ, một đứa trẻ con gom hạt dẻ, một người đàn ông đang chồng lại các hòn đá…

Chúng tôi đã sử dụng lại các loại keo trong đủ độ cứng để phủ lên bề mặt, giữ lại bề mặt, làm khuôn bằng cao su lỏng để đưa vào bảo tàng, giữ lại nguyên đường đi như thế. Chúng tôi nghĩ đây cũng là một phát tích tổ của cả một nhóm cư dân lớn, hy vọng chúng ta làm tốt công tác văn hoá, khảo cổ, thì sẽ thu hút được du lịch.

**Xin cảm ơn ông.

Tư liệu:Mới đây nhất, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã phát hiện một viên đá có hình khắc tương tự như hai viên đá có hình khắc đã phát hiện năm 2004 với những hình khắc vạch tạo đồ án nhóm đường răng cưa và xương cá thể hiện bởi cư dân Hoà Bình ở hang Xóm Trại trong tầng văn hoá.

Viên đá được khắc có chiều dài 9,7 cm, rộng 4,6 cm, dày 1,5cm. Hình khắc gồm các nhóm đường khắc vạch chéo ngắn 1-2cm chạy song song trên hai bên rìa. Việc tiếp tục phát hiện đá có hình khắc cùng loại khẳng định tính ổn định của nghệ thuật khắc vạch trên đá khoáng.

Những phiến đá có hình khắc này có thể liên quan đến thói quen ăn đá khoáng (Geophagia) và một tín ngưỡng nguyên thuỷ nào đó.

HĐiệp

Ngày đăng: 9/2/2009 10:51:41 AM; Nguồn: vovnews.vn

Share this post


Link to post
Share on other sites

Cảm ơn nhiệt tình của MrPlkaR đã cung cấp tư liệu tham khảo.

Tôi sẽ chọn lọc trong những tư liệu trên những gia 1trị khách quan để tiếp tục minh chứng Việt sử 5000 năm văn hiến. Trong những tư liệu trên có cách đặt vấn đề rất chủ quan. Thí dụ: Với tựa đề "Tái hiện cuộc sống người Việt cách đây 21.000 năm". Tôi cho rằng đây là cách đặt tựa sai. Cần phải đặt lại là:

"Tái hiện cuộc sống của con người sống cách đây 21. 000 năm trên đất Việt hiện nay".

Bởi vì chưa chắc những người cách đây 21.000 năm ở đây đã là người Việt bây giờ.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Bác Thiên sứ ah, mong bác chú ý thêm vào phần cháu bôi đậm màu nâu nói về "văn hóa làng xã"! Đây là một nét văn hóa dung dị nhưng bao trùm rất nhiều ngành nghề có cả 2 mặt tốt xấu. Thế nhưng, cháu thấy các nhà nghiên cứu hiện nay đa số có cái tư tưởng là tìm tòi những cái gì TO TÁT hơn là những cái bình thường trong cuộc sống. Cháu có cảm nhận thấy văn hóa làng đang chứa đựng một cái gì đó rất kín đáo không muốn người ngoài sờ mó can tiệp thô bạo mà nó muốn tự nó vận động theo cuộc sống theo thời gian để tồn tại cho đời sau. Đơn cử cái nghề xây dựng của cháu, càng làm sâu vào nghề càng thấm thía nhiều thứ. Vài lời con trẻ có gì vụng ý mong bác bỏ quá!

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay