wildlavender

Một Phụ Nữ Bị đàn Chó Becgie Cắn Xé đến Chết

12 bài viết trong chủ đề này

Một phụ nữ bị đàn chó becgie cắn xé đến chết

Ba người phụ nữ vào trang trại cà phê Công ty Trường Ngọc (Đăk Lăk) mót cà phê, bị đàn chó becgie nhảy xổ ra đuổi. Hai người leo được lên cây trốn, còn bà Ngắn bị chó kéo được chân, quật ngã xuống đất cắn xé đến chết.

Sáng 23/1, Công an thành phố Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) xác nhận với VnExpress.net, bà Phạm Thị Ngắn (55 tuổi) ở buôn H’drát, xã Ea Kao, đã bị đàn chó becgie cắn chết.

Chiều ngày 21/1, bà Ngắn cùng hai cô gái tên Điệp và Trâm vào trang trại cà phê Công ty Trường Ngọc, thường được gọi là “rẫy ông Thành 507” để mót cà phê. Vừa nhặt được vài quả thì bất ngờ một con chó becgie to từ trong nhà nhảy xổ đến.

Điệp và Trâm nhanh chân leo vội được lên cây sầu riêng để tránh. Còn bà Ngắn loay hoay tìm cây cao để leo lên thì bị con chó nhảy lên kéo chân, quật ngã xuống đất cắn xé.

Theo lời Điệp và Trâm, khi nghe tiếng kêu cứu của họ, ông Sơn là quản lý của trang trại đi xe máy đến, nhưng lại bỏ đi. Khoảng năm phút sau, 4-5 con chó khác trong trang trại nhảy xổ ra, cùng cắn xé bà Ngắn. Khoảng 20 phút sau, ông Sơn quay lại, huýt sáo gọi đàn chó trở về.

Quá hoảng sợ trước sự hung hãn của đàn chó nhưng Điệp cũng kịp dùng điện thoại di động gọi người nhà ra cứu. Khi mọi người trong buôn chạy ra thì bà Ngắn đã chết, trên người đầy những vết thương, hầu hết phần cơ đều bị chó cắn nát và ăn mất, ở đầu, tay và chân mất nhiểu mảng da thịt.

Theo nhiều người dân địa phương, đây không phải là lần đầu đàn chó trong trang trại này cắn người. Trước đó không lâu, chúng đã cắn một phụ nữ phải khâu nhiều mũi.

Cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ vụ việc.

Kiều Mi

vnexpress.net

Lời Bình : Đã rõ đàn chó biết vâng lời chủ qua tiếng huýt sáo, nhưng Ô Chủ này cũng hài lòng về sức mạnh và lợi ích khi nuôi chúng để bảo vệ trang trại của mình.

Đây đó đôi khi mạng người còn rẻ hơn tài sản của những người độc ác!

Share this post


Link to post
Share on other sites

Quản lý trang trại phạm tội giết người?

Chủ trang trại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Người quản lý chó phạm tội giết người.

Như chúng tôi đã thông tin, ngày 21-1, bà Phạm Thị Ngắn cùng hai người phụ nữ ở buôn H’drát, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Dăk Lăk vào rẫy cà phê của ông Phạm Ngọc Thành thì bị bầy chó berger ở đây cắn chết.

Theo hai người phụ nữ chứng kiến, nhóm của các chị đang mót cà phê thì một con chó berger xông ra. Sau khi hô hoán, hai chị kịp trèo lên cây tránh chó dữ. Riêng bà Ngắn trèo lên cây cà phê quá thấp, bị con chó nhảy lên kéo rơi xuống đất và tiếp tục vồ lên người bà Ngắn để cắn xé.

Nghe tiêng kêu cứu của các chị, quản lý của trang trại Nguyễn Đình Sơn đi xe máy đến xem sự việc. Dù bà Ngắn đã van xin nhưng ông Sơn lại bỏ đi. Khoảng năm phút sau khi ông Sơn bỏ đi, một bầy chó berger của trang trại xông ra cắn xé, kéo lê thi thể bà Ngắn. Sau khi chó tấn công nát người phụ nữ xấu số, ông Sơn quay lại, huýt gió gọi đàn chó quay về và nói: “Ai nhủ (bảo) vô đây mót chi”, rồi gọi điện thoại di động cho một người nào đó báo là “chó đã cắn chết người” và bỏ đi. Tại hiện trường, thi thể của bà Ngắn bị chó cắn tơi tả, mất nhiều phần cơ thể.

Theo vợ chồng ông MTC, có nhà sát rẫy ông Thành, một ngày sau cái chết của bà Ngắn, ông thấy người trong trang trại dựng tấm biển báo: “Rẫy ông Thành 507. Ai tự ý vào rẫy chó bécgiê cắn, chủ rẫy không chịu trách nhiệm”.

Posted Image

Sau khi bà Ngắn bị chó cắn chết, trang trại dựng lên tấm bảng này. Ảnh: NVD

Người quản lý chó phạm tội giết người

Thạc sĩ Trần Quang Trung, giảng viên Đại học Luật TP.HCM phân tích: Ông Sơn là người quản lý bầy chó, phải nhận thức rõ chó berger là giống chó nguy hiểm, có khả năng gây thiệt hại cho người khác. Khi thấy chó cắn người, ông Sơn bỏ đi là có ý thức bỏ mặc hậu quả xảy ra. Đây là lỗi cố ý gián tiếp, thuộc dạng hành vi không hành động vì ông Sơn hoàn toàn có khả năng ngăn chặn hậu quả xảy ra như đưa người ra khỏi nơi nguy hiểm, ra lệnh cho chó ngưng tấn công bà Ngắn… nhưng ông không làm là đã đủ dấu hiệu của tội không cứu giúp người đang trong tình trạng bị nguy hiểm đến tính mạng (Điều 102 BLHS).

Đồng tình với ý kiến trên, kiểm sát viên cao cấp VKSND Tối cao Võ Văn Thêm cho rằng: Trước hết, phải xác định berger là giống chó nguy hiểm vì có khả năng tấn công làm chết người. Khi chứng kiến nạn nhân bị tấn công, ông Sơn không hành động nên mới có hậu quả chết người và phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này.

Mở rộng vấn đề, ông Thêm cho rằng sau khi con chó đầu tiên cắn bà Ngắn, nếu ông Sơn vào nhà thả tiếp bầy chó ra tấn công bà Ngắn thì ông Sơn đã phạm tội giết người chứ không phải tội không cứu giúp người đang trong tình trạng bị nguy hiểm đến tính mạng. Bởi lẽ lúc này ông Sơn đã sử dụng bầy chó làm công cụ, phương tiện nguy hiểm để giết người.

Trước mắt, vụ chó tấn công làm chết người là đặc biệt nghiêm trọng, đã có đủ dấu hiệu của tội phạm hình sự nên việc đầu tiên là cơ quan chức năng phải khởi tố ngay vụ án để điều tra. Sau khi khởi tố vụ án, công an làm rõ các chi tiết liên quan mới xác định chính xác tội danh của quản lý trang trại là giết người hay không cứu giúp…

Chủ trang trại: Phải bồi thường

Theo Thạc sĩ Trần Quang Trung, dù có nhiều quan điểm khác nhau nhưng phải xem chó berger là nguồn nguy hiểm cao độ. Vì thế, khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho người khác, chủ sở hữu phải bồi thường. Nếu không xem chó berger là nguồn nguy hiểm cao độ, chủ trang trại Phạm Ngọc Thành vẫn phải bồi thường cho gia đình nạn nhân.

Ông Thêm thì khẳng định đây là nguồn nguy hiểm cao độ nên chủ sở hữu phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần cho gia đình nạn nhân. Riêng trách nhiệm hình sự, nếu tại thời điểm bầy chó cắn chết bà Ngắn không có ông Thành ở trang trại, ông không trực tiếp ra lệnh cho quản lý thả chó cắn người cũng như không trực tiếp thả chó… ông không sẽ không chịu trách nhiệm hình sự trong vụ này mà chỉ chịu trách nhiệm dân sự mà thôi.

Tuy nhiên theo ông Thêm, vẫn phải khởi tố vụ án mới làm rõ các tình tiết, ngóc ngách liên quan này.

NHÓM PV

phapluattp.vn

Share this post


Link to post
Share on other sites

Rin86 rất phẫn nộ khi đọc bài báo này, và thương cảm cho người phụ nữ xấu số :) Hy vọng pháp luật nghiêm minh sẽ xử lý nghiêm khắc hành vi vô nhân đạo này

Share this post


Link to post
Share on other sites

Với 120 triệu tiền bồi thường và tiền nuôi đàn chó, chưa kể đế các khoản phí tiếp khách liên quan...Nếu sử dụng vào việc tạo công ăn việc làm và giúp cho bà con nghèo xung quanh trang trai thì đâu đến nỗi vậy.

Cùng một mục đích, nhưng phương pháp khác nhau sẽ có hậu quả khác hẳn.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thằng chủ tàn ác, lại có thêm thằng đầy tớ Nguyễn Đình Sơn bất nhân. Tin rằng, Pháp luật nghiêm minh xữ lý thích đáng trường hợp này.

Share this post


Link to post
Share on other sites

“Chó hiền”

- Nè, cái vụ bầy chó berger ở Dăk Lăk cắn chết người phụ nữ đi mót cà phê, nghe nói công an sẽ cho thực nghiệm hiện trường.

- Chó hiền mà, thực nghiệm làm gì!

- Hiền mà cắn xé xác người ta vậy sao? Ai dám mở miệng nói vậy?

- Thì ông giám đốc chủ rẫy cà phê. Ổng hổng nói hiền mà ổng nói nó “hết dữ” rồi. May là hết dữ mà nó ngoạm đứt một mạng người chứ không thì… Trở lại cái vụ thực nghiệm hiện trường, tôi mà là công an, tôi sẽ không thực nghiệm chỉ trên đàn chó.

- Chứ làm sao?

- Tôi thuê ngay một cascadeur đóng giả là người phụ nữ xấu số. Nhưng anh chàng cascadeur này không phải vai chính. Lũ chó cũng không phải là vai chính. Nhân vật chủ chốt sẽ là thằng cha quản lý đàn chó. Tôi truy bắt hắn, buộc hắn phải diễn cho ra cái vẻ mặt lạnh tanh đến mất nhân tính khi thấy chó cướp mạng người ta, coi đôi mắt của hắn có phải là mắt của con người không, coi tim hắn là tim con gì…

- Có nhân vật chính thì phải có nhân vật phụ.

- Thì đàn chó là nhân vật phụ đó.

- Hổng phải.

- Chứ ai?

- Dân nói có lần chó cắn một phụ nữ phải khâu đến 25 mũi. Đại diện dân trong xóm đến yêu cầu bồi thường. Họ cũng bị chủ rẫy dọa thả chó cắn. Ông ta mới là nhân vật phụ, góp phần “hun đúc cái… nết hiền” cho bầy chó.

NGƯỜI SÀNH ĐIỆU

Phapluattp.vn

Share this post


Link to post
Share on other sites

Qua câu chuyện của cô Wildlavender, chàu nghĩ là vị bảo vệ đó đã dùng phương tiện để cố ý gây hại mạng người. Ví như là dùng dao hại mạng người khác, nhưng không phải giống như là trực tiếp dùng dao mà lại giống như là dùng vũ khí dạng dốc két tên lửa.

Quả thật, có một lần ở trong chùa Hàm Long-Bắc Ninh Bắc Giang, Rubi cháu cũng bị đàn chó canh chùa vây quanh vào lúc 3 rưỡi sáng, nhưng có người của chùa ra kịp thời nên cháu không bị sao, còn người đó lại bị đàn cho cắn một vết, mỗi khi nghĩ đến cháu thấy xởn gai ốc. Giờ xem đến sự kiện này, Rubi cháu thấy cũng rất ghê, và cảm thấy hành động của vị bảo vệ vườn cà phê đó là rất dã man, dồn người vào cái chết đau đớn và hoảng loạn.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Một góc nhìn từ vụ chó cắn chết người

Câu chuyện người phụ nữ xấu số, nghèo, đi mót cà phê có tên Phạm Thị Ngắn bị đàn chó dữ cắn chết trong khi người quản lý tảng lơ đang gây sự phẫn nộ trong xã hội. Người ta bàng hoàng tự hỏi, vì sao con người lại trở nên mất tính người đến như vậy? Điều gì đang xảy ra ở xã hội của chúng ta?

Truyền thống dân tộc và những quy tắc của loài người văn minh không bao giờ chấp nhận chuyện "nhìn thấy người khác chết mà không cứu". Luật pháp cũng trừng trị những người không hành động cứu người khi thấy họ đang gặp nguy hiểm tới tính mạng. Nếu bạn vô tình nhìn thấy người trượt xuống dòng nước xoáy mà bạn không tìm cách cứu họ, hô hoán người khác cứu họ, mà để họ chết thì bạn cũng có thể bị buộc tội.

Xã hội sẽ lên án và luật pháp cũng sẽ trừng phạt người chủ trang trại và người thấy người chết mà không cứu. Nhưng như vậy chưa đủ.

Chuyện của bà Ngắn phức tạp hơn thế. Báo chí giải thích rằng bà nghèo nên bà làm nghề mót cà phê. Mót cà phê ở trang trại cà phê của người khác còn có thể bị nghi là ăn trộm, và xâm nhập gia cư bất hợp pháp. Vì nếu chủ trang trại đó đồng ý cho bà và những người khác mót cà phê ở chỗ của họ, thì hẳn không có chuyện đàn chó dữ xông ra, và người của trang trại nói: "Cho cắn chết. Ai nhủ vào?"

Posted Image

Trang trại nơi bà Phạm Thị Ngắn vào mót cà phê và bị chó cắn chết. Ảnh: nld.com.vn

Giả sử ở Mỹ (giả sử thôi), khi một người xâm nhập tư gia bất hợp pháp, người chủ có quyền bắn rồi mới báo cảnh sát. Nhà nước pháp quyền là thế. Quyền bất khả xâm phạm của mỗi cá nhân đều được bảo vệ tuyệt đối.

Nhưng ngoài lý, còn có tình. Người chủ sẽ cảnh báo trước, giơ súng lên bắn chỉ thiên thị uy, rồi sau đó có thể gọi cảnh sát. Không thể bắn bòm ngay được. Người thường với nhau thì thế. Kẻ thù với nhau thì (có thể) không.

Nhưng người của trang trại đã bị hoàn cảnh thay đổi thế nào, đến mức để cho đàn chó dữ cắn chết bà như thế. Chắc chắn bà chết trong cơn đau đớn hoảng loạn kinh hoàng, và có thể đã không hiểu tại sao người ta lại ác với mình như vậy.

Tôi tự hỏi, liệu bà và những người mót cà phê khác có hiểu rằng, người chủ trang trại và người chịu trách nhiệm bảo vệ trang trại có thể đã không chào đón bà và những người bạn đi mót cà phê với bà? Hành động của bà có thể là xâm phạm tư gia bất hợp pháp, và như vậy là phạm luật hay không?

Bà có được cảnh báo trước là hành động mót cà phê của bà có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của bà hay không? Chắc hẳn là có, vì ở địa phương, lại theo báo chí, thì ai cũng kinh sợ đàn chó dữ này.

Tôi tự hỏi bà có hiểu luật không? Bà có hiểu rằng luật không phân biệt bà có nghèo hay không, luật cần bà tôn trọng. Bà nghèo, nhưng liệu bà có thể làm gì khác để kiếm sống, mà không để tính mạng gặp nguy hiểm hay không?

Còn người chủ trang trại, về lý, họ có quyền yêu cầu /đòi hỏi chính quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ, tức là đảm bảo an ninh cho công việc làm ăn của họ, đảm bảo rằng tài sản của họ sẽ không bị xâm hại. Họ đã đóng thuế để có quyền yêu cầu đó.

Nhưng có vẻ sự bảo vệ đó đã không đủ. Có vẻ như người dân đang phải tự mình đối phó với những mối lo an toàn của mình. Chúng ta vẫn nghe chuyện người dân dựng hàng rào dây kẽm gai, rồi chăng lưới điện, rồi nuôi cả đàn chó dữ để tự bảo vệ. Những hành động này đều mang mối nguy hiểm tiềm ẩn cho cộng đồng xung quanh. Chuyện có người bị thương, có người chết...chỉ là vấn đề thời gian và ai đó bị cho là xấu số mà thôi. Tại sao chúng ta lại chấp nhận cho những hành động đó ngay từ ban đầu? Mà người dân cũng sẽ không bao giờ phải tốn công tốn sức tự bảo vệ mình như vậy, nếu họ được chính quyền địa phương đảm bảo sự an toàn.

Tôi không hiểu bà Ngắn sẽ kể lại câu chuyện với mọi người ở một nơi xa xôi trên Thiên đường lý do vì sao bà phải chết. Chỉ có điều, tôi ước sao bà đã có hiểu biết về luật, cuộc sống của bà không quá nghèo để bà có nhiều lựa chọn tìm kế sinh nhai. Và cuối cùng, quan trọng nhất, là mỗi người có niềm tin rằng, họ được luật pháp bảo vệ an toàn. Có lẽ con người nên hợp sức giảm thiệt hại do thiên tai, những nỗi đau bất ngờ nào đó, chứ con người với nhau, đồng chí đồng bào với nhau mà phải trừng trị nhau không đáng như thế này, thật là đau khổ quá.

Xử án tù người có tội, bồi thường nạn nhân thì dễ thôi. Nhưng đó chỉ là xử lý đằng ngọn, và chúng ta cứ loay hoay xử lý đằng ngọn.

Tác giả: Liên Hòa

nguồn tuanvietnamnet.vn

Share this post


Link to post
Share on other sites

Up bài này lên, không khéo bị chìm xuồng ^!^.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Một người gài điện bẫy chuột, chết người. Tù.

Một người gài điện bảo vệ nhà. Trôm vào. Chết người. Tù.

Một người vào mót cà phê - chó cắn chết? Đợi xem sao.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Vụ chó cắn chết người: Nhân chứng nói gì?

TT - Như Tuổi Trẻ đã thông tin, Công an TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vừa có văn bản thông báo kết thúc điều tra, không khởi tố vụ án hình sự vụ chó bẹcgiê cắn chết bà Phạm Thị Ngắn. Trước thông tin này, các nhân chứng đều tỏ ra bất ngờ và kể lại đầy đủ những điều mắt thấy tai nghe.

"Không hiểu tại sao công an kết luận như thế?" - Anh Nguyễn Văn Khôi (con trai nạn nhân) - Ảnh: Trung tân

“Vụ việc với những chứng cớ rành rành, còn nhiều nhân chứng sống ở đây và khai không biết bao nhiêu lần trước cơ quan công an là họ thấy mẹ tôi xin Nguyễn Đình Sơn cứu nhưng anh này thấy mẹ tôi chết mà không cứu. Giờ không hiểu tại sao công an kết luận như thế?” - anh Nguyễn Văn Khôi, con của nạn nhân Phạm Thị Ngắn (trú tại buôn H’Drát, Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột), bức xúc.

Viện kiểm sát chưa nhận được quyết định

Một cán bộ của Viện Kiểm sát nhân dân TP Buôn Ma Thuột cho biết vẫn chưa nhận được quyết định không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan cảnh sát điều tra. Về nguyên tắc, theo vị cán bộ này, ngay sau khi có quyết định, cơ quan điều tra phải gửi ngay cho viện. Trong khi đó, theo thông báo của Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột thì quyết định không khởi tố vụ án hình sự được ký ngày 11-2.

T.THI

Gặp lại nhân chứng

Viện kiểm sát chưa nhận được quyết định

Một cán bộ của Viện Kiểm sát nhân dân TP Buôn Ma Thuột cho biết vẫn chưa nhận được quyết định không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan cảnh sát điều tra. Về nguyên tắc, theo vị cán bộ này, ngay sau khi có quyết định, cơ quan điều tra phải gửi ngay cho viện. Trong khi đó, theo thông báo của Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột thì quyết định không khởi tố vụ án hình sự được ký ngày 11-2.

T.THI

Tiếp xúc với chúng tôi ngày 25-2, các nhân chứng là chị Giang Thị Bích Điệp và chị Nguyễn Thị Thanh Trâm (trú tại buôn H’Drát) cho hay những gì họ khai với cơ quan cảnh sát điều tra đều giống thông tin hai chị cung cấp cho báo chí trước đây, không hề sai lệch gì cả. Hai nhân chứng trực tiếp nhìn thấy vụ việc tái khẳng định hai chị đã thấy anh Nguyễn Đình Sơn - người làm thuê và quản lý đàn chó - đứng ở gốc dừa cách đó không xa và họ đã gọi rất to.

Một lúc sau, anh Sơn đi lại thì họ gào thét to hơn để anh Sơn cứu bà Ngắn, đồng thời bà Ngắn cũng van xin anh Sơn nhưng anh Sơn bảo: “Ai nhủ vào mót cà phê cho chó cắn chết” rồi bỏ đi.

“Lúc đó tôi hoảng quá chạy lên cây keo để tránh đàn chó thì thấy anh Sơn đứng chỗ mấy cây dừa cách đó không xa. Dù khi ấy không nhìn rõ mặt nhưng tôi có thể nhận ra dáng của anh này vì anh hay lên quán nhà tôi mua hàng, tôi có thể khẳng định đó là anh Sơn. Nhưng khi cán bộ điều tra nói với tôi là “phải khai cho đúng đó có phải anh Sơn không, nếu sai tôi sẽ phải chịu tội”, tôi bấn quá nên không dám khẳng định. Tuy nhiên, khi tôi kêu được một lúc thì anh Sơn đi lại chỗ bãi đá (cách hiện trường khoảng 20m), tôi đã thấy rõ người đứng ở gốc dừa là anh Sơn. Chúng tôi cùng kêu và van xin nhưng anh Sơn đã lạnh lùng bỏ đi dù biết chó cắn chết cô Ngắn!” - chị Nguyễn Thị Thanh Trâm nói.

“Chúng tôi cũng đâu có thù oán với anh Sơn hay gia đình ông Thành mà nói thêm nói bớt. Thấy sao thì tôi nói vậy. Khi sự việc xảy ra tôi đứng trên cây sầu riêng gần nơi cô Ngắn chết có vài ba mét. Thấy anh Sơn, tôi gào khan cổ và gọi điện cầu cứu khắp nơi. Chúng tôi khẳng định anh Sơn có mặt và chứng kiến việc mấy con chó bẹcgiê cắn chết cô Ngắn mà không cứu. Cán bộ điều tra hỏi chúng tôi liên tục hàng chục lần và chúng tôi khẳng định bấy nhiêu lần là có anh Sơn tại hiện trường khi chó đang cắn cô Ngắn. Vậy mà trong kết luận điều tra lại nói khác” - chị Giang Thị Bích Điệp cho biết.

Các nhân chứng (từ trái qua): Giang Thị Bích Điệp, Nguyễn Thị Thanh Trâm, Vũ Thị Huê - Ảnh: T.T.

Lời kể của người ở cổng sau

Chúng tôi tìm gặp chị Vũ Thị Huê (trú tại buôn H’Drát), người ở nhà đối diện với cổng sau rẫy của gia đình ông Phạm Ngọc Thành - bà Nguyễn Thị Hòe, cũng là người cùng với hai con gái có đi mót cà phê vào chiều hôm xảy ra án mạng.

Chị Huê nói: “Trước đó, cổng sau rẫy chỉ có rào một làn lưới B40, làn lưới thường không đóng nên chúng tôi mới vào mót cà phê được. Trước ngày xảy ra vụ việc không có hai bảng ghi: “Rẫy ông Thành 507, ai tự ý vào rẫy chó bẹcgiê cắn chủ rẫy không chịu trách nhiệm” và “Chó dữ, vào rẫy phải có người dẫn”. Hai bảng này được dựng lên ngay ngày đi chôn bà Ngắn”. Bà Huê nói thêm: “Tôi chứng kiến họ chôn bảng và cãi nhau”.

Bà Huê kể: “Bà Ngắn và mấy người kia đi vào được khoảng 20 phút thì mẹ con tôi cũng theo vào lô để mót cà. Gặp anh Sách (người làm thuê trong rẫy bà Hòe và ông Thành) thì anh ấy nói: “Thôi đừng mót nữa, về đi chứ thằng Sơn nó thả chó rồi đấy!”. Chúng tôi cứ nghĩ họ chỉ dọa nên vào tiếp để mót. Mới đi được mấy mét thì gặp anh Sơn đang ngồi xổm dưới gốc cây cà phê. Hai con chó bẹcgiê to và một con chó lai nhỏ đang nằm rất ngoan bên chân anh Sơn. Vì Sơn và nhà tôi quen nhau nên anh ấy nói chúng tôi về đi, không chó nó cắn. Tôi nói là anh phải dắt mẹ con tôi ra thì chúng tôi mới dám ra - bà Huê kể tiếp - Trước đó một vài hôm, anh Sơn vẫn dọa không cho mọi người vào mót. Anh Sơn nói sẽ cho người ném đá vào những ai đi mót cà phê. Anh ta còn dọa thêm nếu ném đá mà vẫn cứ mót cà phê thì sẽ thả chó ra cắn chết”.

Luật sư Huỳnh Văn Nông:

Phải chờ ý kiến của Viện kiểm sát

Theo quy định của luật pháp, trong vụ việc chó bẹcgiê cắn người ở Đắk Lắk, chúng ta cần chờ xem Viện Kiểm sát nhân dân TP Buôn Ma Thuột có ý kiến như thế nào. Trường hợp Viện kiểm sát cho rằng quyết định không khởi tố vụ án của cơ quan điều tra rõ ràng là không có căn cứ thì Viện kiểm sát có thể hủy bỏ quyết định này và ra quyết định khởi tố vụ án.

Còn trong trường hợp Viện Kiểm sát nhân dân TP Buôn Ma Thuột thống nhất với quyết định không khởi tố của cơ quan điều tra, gia đình nạn nhân có thể gửi khiếu nại đến Viện Kiểm sát nhân dân TP Buôn Ma Thuột để được xem xét giải quyết.

Thời hiệu khiếu nại là 15 ngày, kể từ ngày gia đình nạn nhân nhận hoặc biết được quyết định không khởi tố vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng (điều 328 BLTTHS). Trường hợp khiếu nại không được giải quyết trong thời hạn bảy ngày (điều 329 BLTTHS) hoặc gia đình nạn nhân không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của Viện Kiểm sát nhân dân TP Buôn Ma Thuột thì có thể khiếu nại đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Giải quyết của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk là giải quyết cuối cùng.

Thông báo của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Buôn Ma Thuột

Để rộng đường dư luận, Tuổi Trẻ đăng lại những nội dung chính thông báo gửi cơ quan báo chí của Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột về vụ chó cắn chết bà Phạm Thị Ngắn.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hòe, ông Phạm Ngọc Thành, thường trú tại 128 Lê Thánh Tông, TP Buôn Ma Thuột, có nuôi một đàn chó bẹcgiê và lai bẹcgiê được chăn thả nhốt trong khuôn viên nhà vườn và rẫy với diện tích khoảng 30ha tại buôn H’Drát (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột), trong đó có bốn con bẹcgiê nuôi nhốt trong chuồng và sáu con được chăn thả ở ngoài. Xung quanh rẫy có rào xây, có đào hào và lưới B40 bảo vệ. Ở cổng chính ra vào có biển cảnh báo chó dữ.

Vào khoảng 13g30 ngày 21-1-2010 bà Phạm Thị Ngắn (sinh năm 1955), chị Giang Thị Bích Điệp, Nguyễn Thị Thanh Trâm, Nguyễn Thị Thanh Hương, chị Đặng Thị Thu Hương và Vũ Thị Kim Thúy (chị dâu của Trâm), đều trú tại buôn H’Drát, tự ý đi vào rẫy nhà bà Hòe thuộc lô Bột (tên của từng lô cà phê do gia đình bà Hòe đặt) để mót cà phê trong khi không được sự cho phép của chủ rẫy. Ngoài ra còn có bà Vũ Thị Huê và các con là cháu Mai Thị Thúy và cháu Mai Thị Thúy Nga (ở cùng buôn H’Drát) vào mót cà phê tại lô 04 gần đó.

Trong thời gian này có các anh Nguyễn Đình Sơn, Phạm Văn Sách, Nguyễn Văn Mật là người làm thuê cho gia đình bà Hòe và ông Thành, đang tưới cà phê. Đến khoảng 14g45 cùng ngày thì bị mất điện, anh Sơn, anh Sách và anh Mật ra về, khi ra đến đầu lô 04 thì gặp ba mẹ con bà Vũ Thị Huê đang mót cà phê.

Thấy vậy, cả ba anh yêu cầu ba mẹ con bà Huê đi ra khỏi rẫy, đồng thời dặn hôm sau đừng vào rẫy mót cà phê chẳng may bị chó cắn. Ba mẹ con bà Huê được các anh Sơn, Sách và Mật đi bộ đưa về. Đi được khoảng 30m, anh Sơn bảo anh Mật vào lô cà phê tháo ống nước ra, còn anh Sách về lấy xe công nông (xe càng tay) ra kéo ống nước. Đi thêm khoảng 20m, anh Sơn, anh Sách và ba mẹ con bà Huê nhìn thấy ba con chó lai bẹcgiê của gia đình bà Hòe, ông Thành nuôi thả ở ngoài đang nằm dưới gốc cà phê bên đường nhưng không có biểu hiện gì.

Về gần đến nhà bà Huê, anh Sách đi vào lấy xe công nông, anh Sơn tiếp tục đưa ba mẹ con bà Huê đến nhà cách khoảng 20m. Quãng đường từ lúc anh Sơn đưa ba mẹ con bà Huê đi về khoảng 300m, về đến nhà bà Huê lúc này vào khoảng 15g cùng ngày.

Sau đó anh Sơn đi bộ về rẫy nhà bà Hòe. Về đến nơi, anh Sơn mượn chiếc xe máy để đi thăm người thân đang bị giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk. Mượn được xe, anh Sơn đi tắm rồi quay ra chở anh Mật ở lô 04 về, còn anh Sách đi xe công nông ra lô 04 kéo ống nước trước đó.

Anh Sơn chở anh Mật về đến sân thì điện có trở lại, anh Sơn quay xe máy chạy ra rẫy để đóng cầu dao điện. Khi đi đến khu vực gần mỏ đá thuộc lô Bột, anh Sơn nghe có tiếng người kêu trong lô cà phê. Anh Sơn chạy xe lại gần thì phát hiện được chị Giang Thị Bích Điệp đang đứng trên cây sầu riêng. Anh Sơn xuống xe đi vào gần đến chỗ chị Điệp thì nhìn thấy bà Phạm Thị Ngắn đã bị chết, da đầu bị lột để lộ hộp sọ.

Trong lúc này chị Lê Thị Kim Loan là mẹ của Trâm gọi điện báo cho anh Sách biết có chó cắn người trong rẫy, chị Loan nhờ anh Sách tìm giúp con chị. Anh Sách vừa chạy đến nơi cũng thấy anh Sơn đi đến, Sơn bảo “có người chết rồi” và bảo anh Sách đưa chị Điệp ra khỏi rẫy. Lúc này Trâm, Hương, chị Thúy cũng chạy đến và được anh Sách đưa về.

Sau khi xảy ra sự việc bà Phạm Thị Ngắn bị chó của gia đình bà Hòe, ông Thành cắn chết, ngày 22-1-2010, gia đình bà Hòe, ông Thành đã bồi thường cho gia đình nạn nhân số tiền 120 triệu đồng.

Căn cứ tài liệu chứng cứ đã thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột có đủ cơ sở kết luận: bà Phạm Thị Ngắn bị chó cắn chết ngày 21-1-2010 không phải do gia đình bà Nguyễn Thị Hòe và anh Nguyễn Đình Sơn hoặc ai đó trong gia đình bà Hòe cố ý thả chó cắn người, hay anh Sơn thấy chó cắn người mà không cứu giúp trong khi có khả năng cứu giúp. Gia đình bà Hòe nuôi chó không giao cho ai là người nuôi và quản lý đàn chó. Khi xảy ra sự việc chó cắn bà Phạm Thị Ngắn không có mặt anh Nguyễn Đình Sơn, Phạm Văn Sách, Nguyễn Văn Mật cũng như những người khác trong gia đình bà Hòe ở đó thấy chó cắn mà không cứu giúp.

Căn cứ khoản 1, điều 107, 108 BLTTHS, ngày 11-2-2010 Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột kết thúc điều tra, ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Nguồn: tuoitre.com.vn

4, 5 nhân chứng rành rành ra như vậy mà CA kết luận kỳ cục dzạ.Án tại hồ sơ, hồ sơ bị thay đổi roài. *_*

Share this post


Link to post
Share on other sites

PHIẾM : NGHE Ở ÂM TY.

– Gì nữa đây, cái hồn bà chó cắn?

– Dạ thưa, con chỉ mong phán quan làm rõ trắng đen cái chết của con.

– Dương sao, âm vậy, trên đó không chịu xử thì dưới này cũng phải chờ thôi! Hay ngươi chịu thua đi, ta cho ngươi đầu thai làm chó dữ, mai sau cắn lại tụi nó?

– Dạ, thà làm người lượm mót chứ con không làm chó nhà giàu!

– Nghèo mà sĩ dữ hén. Nhưng ngươi cũng biết mà, dương sao, âm vậy...

– Con cũng biết dương sao âm vậy nên tết vừa rồi, người nhà con trên ấy có đốt gửi xuống ít tiền cho phán quan, không biết ngài nhận chưa ạ?

– Rồi! Mà nhiều nhặn gì, có mấy triệu ngân hàng địa phủ à. Ta cho hồn biết, cái thằng cho chó cắn ngươi hôm rằm vừa gửi xuống cho ta mấy trăm triệu! Còn phần ngươi, nghe đâu tụi nó định tặng...

– Dạ, con không cần tiền, con chỉ cần công lý.

– Công lý làm sao gửi được, tụi nó định đốt gửi xuống một bầy chó bẹc giê!

Người già chuyện

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay