Chemwind

Biểu Tượng Sáng Ngời Của Nền Văn Minh Dân Tộc

3 bài viết trong chủ đề này

Biểu tượng sáng ngời của nền văn minh dân tộc

Thứ tư, 20/01/2010 09:30

(CATP) Sau ngày giải phóng, tôi về phụ trách Trưởng ban Văn nghệ cho tờ nhật báo Giải phóng - tiền thân của tuần báo Đại đoàn kết - trong thời gian ngắn, có một sự kiện mà mấy thập niên trôi qua vẫn còn lưu mãi dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn tôi. Bấy giờ, Nhà nước vừa cho phát hành tem thư in hình Bác Hồ và ở tòa soạn tôi nhận được nhiều thư của nông dân miền Tây gởi về phản đối. Nội dung các thư gồm hai ý chính: Bác Hồ đã chịu mọi sự khổ nhọc, hy sinh cả cuộc đời mình cho dân tộc này, chẳng lẽ nay đã hòa bình, độc lập còn bắt Bác phải làm việc đưa thư cho người thiên hạ. Và trong số người thiên hạ viết thư để gởi cho nhau vẫn có những hạng độc ác, bất lương, không lẽ để Bác đưa thư cho lũ người ấy. Tôi đã báo cáo với Tổng biên tập, rồi gởi tất cả thư ấy về Trung ương.

Không ai có thể phê phán tác giả các lá thư trên là những con người ngây thơ, ít học, vì không phân biệt được Bác ngoài đời với hình ảnh Bác trên tem, bởi từ những dòng chữ còn yếu ớt trên những trang thư ngắn gọn nổi rõ lòng thành của niềm kính yêu vô hạn đối với Bác Hồ.

Có lẽ không vị lãnh tụ nào trên thế giới được sự yêu thương, ngưỡng mộ sâu rộng như thế trong lòng dân tộc. Sách, báo và gần đây nhất là những tổng kết các đợt học tập, noi gương đạo đức Bác Hồ cho biết thêm nhiều câu chuyện cảm động về Bác, và những câu chuyện như thế còn được nối tiếp dài ngày như một suối nguồn bất tận. Không vị lãnh tụ nào trên thế giới có được cuộc đời từng trải như Người, cuộc đời của một thanh niên tìm đường cứu nước, trải qua bốn bể năm châu, tự làm tự học một cách gian nan để tạo cho mình một vốn kiến thức và một bản lĩnh đã đưa đất nước thoát vòng nô lệ gần một trăm năm, và đất nước nghèo nàn ấy, với 90% dân số bị thất học đã đánh bại hai kẻ thù sừng sỏ nhất trên thế giới. Và thế giới - trong đó có cả những kẻ vốn là thù địch với dân tộc này - cũng phải thừa nhận Người là anh hùng giải phóng dân tộc đồng thời là danh nhân văn hóa thế giới. Trong cuộc chiến đấu kéo dài ba thập niên ấy, chúng ta được sự hỗ trợ tận tình của một số nước anh em cùng chung lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cả loài người tiến bộ, song điều chính yếu vẫn là nội lực dân tộc và sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản và Hồ Chủ tịch. Chiến thắng rất vẻ vang ấy chứng minh rất rõ là Bác đã thấy được điều mà các lãnh tụ của các phong trào yêu nước trước Người dầu có gan dạ phi thường vẫn không thấy được, là kẻ thù của dân tộc chúng ta có một hệ thống quốc tế của chủ nghĩa đế quốc, và sự đối đầu muốn đạt thắng lợi phải cần đến sự hỗ trợ của một thế giới cùng chung lý tưởng, và đó là điều Người tìm thấy được trên đường bôn ba vạn dặm của mình.

Qua sự ngắn gọn của một bài báo và sự hiểu biết hạn hẹp của một người viết, không sao có thể nói hết về những giá trị cao đẹp ở trong trí tuệ, nhân cách của Hồ Chủ tịch, bởi Người vừa là một nhà chính trị lỗi lạc có được khả năng tiên tri - nhờ sự hiểu biết sâu rộng và óc phán đoán khoa học - còn là một văn nghệ sĩ đa năng, được nhiều danh nhân trong giới sáng tạo ở trên thế giới thừa nhận.

Điều chúng tôi muốn đề cập trong bài viết này là chính cuộc đời của Hồ Chủ tịch từ lâu đã giúp chúng ta giải đáp được câu hỏi lớn từng làm trăn trở nhiều tầng lớp người qua nhiều thế hệ. Đó là từ lâu chúng ta được nghe, được biết qua những sách báo là người Việt Nam có bốn ngàn năm văn hiến, có nền văn minh riêng biệt. Song tất cả điều ấy vẫn còn là chuyện mơ hồ. Có người bảo Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân là thủy tổ dân tộc Việt, có người lại nói thủy tổ là vua Phục Hy và Thần Nông. Theo Trần Trọng Kim, trong quyển Việt Nam sử lược thì Phục Hy và Thần Nông là người Trung Quốc, nhưng theo Giáo sư Bùi Văn Nguyên trong quyển Việt Nam và cội nguồn trăm họ thì Phục Hy sinh cách đây 7.000 năm là ông tổ dân tộc Việt, sinh sống trên núi Ba Vì, sau dời xuống đất Thanh Oai (thuộc tỉnh Hà Tây) xây dựng nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt. Sau tác phẩm của Giáo sư Bùi Văn Nguyên - do nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành vào năm 2001 - còn nhiều sách khác của nhiều tác giả, với những trình bày khác hẳn, về tiên tổ, về cội nguồn nhưng các chứng luận vẫn không thấy rõ cơ sở khoa học. Trước đây, vào năm 1968, từ những ý kiến khác nhau rộ lên nguồn gốc ngoại lai của dân tộc Việt - theo các sử gia thực dân thì Việt Nam có cội nguồn từ phương bắc Trung Quốc, theo tác giả Bình Nguyên Lộc thì nguồn gốc Việt Nam từ Mã Lai - thủ tướng Phạm Văn Đồng đã triệu tập một số nhà khoa học để làm rõ vấn đề này. Kết luận cho thấy chúng ta không có nguồn gốc ngoại lai mà có nguồn gốc từ người Việt cổ, nhưng còn nhiều điều chưa thể nhất trí vì các điều kiện hạn chế trong một hoàn cảnh đất nước còn gặp quá nhiều khó khăn của thời chống Mỹ(* ).

Gần đây nhất, vào năm 2007 và 2008, hai quyển sách về Tìm lại cội nguồn dân tộc của ông Hà Văn Thùy, do nhà xuất bản Văn học ấn hành đã cho chúng ta những sự kiện khác với những chứng cứ có cơ sở khoa học hơn. Những năm gần đây nhờ tiếp thu thành quả của việc phát triển sơ đồ Gen người, một nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa, là Lý Chấn Huỳnh, qua công trình nghiên cứu đưa ra kết luận rằng khoảng 200 ngàn năm trước, giống người Homo Sapiens đã từ châu Phi đi tới Trung Đông, và từ đó một nhóm đi qua Pakistan, Ấn Độ rồi men theo bờ biển miền Nam Á đến Đông Nam Á khoảng 60 đến 70 ngàn năm trước. Họ ở lại đây khoảng 10 ngàn năm rồi một bộ phận đi lên phía bắc, tới Trung Hoa. Từ đây, một bộ phận lên cao nữa tới Siberia, băng qua eo biển Bering tới Alaska vào châu Mỹ, thành người châu Mỹ ngày nay.

Trong nhóm người - như trên đã nói - đến Đông Nam Á có bộ phận tới miền Trung và Bắc Việt Nam làm thành tộc người Việt. Nhờ những điều kiện thuận lợi, người Việt có sự phát triển vượt bậc, chỉ 30 ngàn năm trước Công nguyên đã làm được nền Văn hóa Sơn Vi ở giai đoạn sơ kỳ đồ đá mới, và từ 16 ngàn đến 7 ngàn năm trước Công nguyên làm nên Văn hóa Hòa Bình ở thời đại đồ đá giữa, rồi tiếp đó là Văn hóa Bắc Sơn, Quỳnh Văn, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Văn hóa Đông Sơn huy hoàng.

Văn hóa Hòa Bình của người Việt được khoa học khảo cổ thế giới xác nhận là trung tâm nông nghiệp và công nghiệp đá cổ nhất thế giới. Hội nghị khảo cổ học quốc tế về tiền sử Viễn Đông cũng khẳng định rằng “Văn hóa Hòa Bình là trung tâm phát minh nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp cùng chăn nuôi gia súc đầu tiên trên thế giới. Những kết luận rằng “Đông Nam Á, mà chủ đạo là Việt Nam, đã có nền văn hóa tiền sử rất sớm, tiên tiến và nhanh chóng, sáng tạo và sống động chưa từng thấy nơi nào trên thế giới” được sự thừa nhận của nhiều nhà khoa học Ấn Độ, Hoa Kỳ... Tóm lại, theo hành trình Gen và khảo cổ học, chúng ta đã tìm ra con đường thiên di của tổ tiên là ít nhất 6 ngàn năm trước Công nguyên, người Việt từ Sơn Vi, Hòa Bình cùng một số sắc dân Đông Nam Á khác đã lên sống khắp lục địa Trung Hoa và tạo thành cư dân Trung Quốc cho đến hôm nay. Những phát hiện mới mẻ này đã phản bác các tư liệu cũ cho rằng nguồn gốc phát tích người Việt lên tận lưu vực Hoàng Hà và rút thời gian lịch sử người Việt từ 50 ngàn đến 70 ngàn năm còn lại 5, 6 ngàn năm.

Trước bao nhiêu phát hiện ấy, chúng ta vẫn phải đợi chờ để có một sự xác minh thực sự kiên định về cội nguồn. Rồi đây Đảng và Nhà nước sẽ phải thực hiện một việc không nhỏ và rất cần thiết cho những thế hệ kế tiếp là thành lập nhóm văn hóa có trình độ cao, để làm sạch lại lịch sử cũng như văn hóa dân tộc, bởi lẽ qua bao thăng trầm, qua bao xâm lược, qua những xáo trộn xã hội và những ô nhiễm nhiều loại, lịch sử và cả văn hóa chúng ta đã gặp không ít tráo trở và bị không ít xuyên tạc.

Tuy nhiên điều mà chúng ta có thể tin tưởng là dân tộc Việt vốn có một nền văn minh thực sự riêng biệt, rất là lâu đời, nhưng do chúng ta luôn bị chiến tranh tàn phá nên nhiều mặt trong cuộc sống đã tàn lụi, tiêu vong. Gần đây, báo chí đăng tin một người dân Anh có lẽ đã nghiên cứu nhiều lịch sử Việt Nam trước khi du lịch đến đất nước này đã bắt tay một sinh viên ở Hà Nội với câu: “Xin chào công dân của một đất nước đã hai ngàn năm chinh chiến”. Và không có gì tệ hại hơn nạn chiến tranh, bởi ngoài công việc đốt sạch, giết sạch, chúng còn cướp sạch không chỉ những món giá trị vật chất mà còn chiếm hữu bao nhiêu giá trị tinh thần từ những công trình văn hóa.

Nhưng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta hẳn có được lời giải đáp thuyết phục về nền văn minh dân tộc. Bởi lẽ hoa thơm trái ngọt phải được hình thành từ một lớp đất phì nhiêu, con người vĩ đại là Hồ Chí Minh với một nhân cách toàn vẹn, trí lực sung mãn và một nếp sống giản dị luôn hướng về một lý tưởng cao đẹp, con người ấy dầu phải sống tiếp cận, chan hòa với bao nhiêu nền văn hóa gọi là phát triển trên thế giới này vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa của đất nước mình, thế thì Người được phát tích từ cội nguồn nào, nếu không phải là một sự chắt lọc, kết tinh từ những giá trị cao quí, độc đáo của nền văn minh dân tộc đã bị lịch sử vùi dập, nhưng không thể làm tiêu vong.

Học tập theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải là kế thừa đầy sức sáng tạo về những giá trị cao đẹp của Người, vì Người vốn là minh chứng vừa là biểu tượng sáng ngời của nền văn minh dân tộc.

-------------------

(*) Đâu là cội nguồn thật sự của dân tộc Việt? (Ngọc Vinh - Kiến thức ngày nay).

VŨ HẠNH - CATP số Tết

Kính thưa qui vị.

Như bài viết nầy đã dẫn, thì người Việt ta có gốc từ châu Phi ? Ko biết có quan hệ bà con chi với người Haiti ko hè!?

Share this post


Link to post
Share on other sites

"Gần đây nhất, vào năm 2007 và 2008, hai quyển sách về Tìm lại cội nguồn dân tộc của ông Hà Văn Thùy, do nhà xuất bản Văn học ấn hành đã cho chúng ta những sự kiện khác với những chứng cứ có cơ sở khoa học hơn. Những năm gần đây nhờ tiếp thu thành quả của việc phát triển sơ đồ Gen người, một nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa, là Lý Chấn Huỳnh, qua công trình nghiên cứu đưa ra kết luận rằng khoảng 200 ngàn năm trước, giống người Homo Sapiens đã từ châu Phi đi tới Trung Đông, và từ đó một nhóm đi qua Pakistan, Ấn Độ rồi men theo bờ biển miền Nam Á đến Đông Nam Á khoảng 60 đến 70 ngàn năm trước. Họ ở lại đây khoảng 10 ngàn năm rồi một bộ phận đi lên phía bắc, tới Trung Hoa. Từ đây, một bộ phận lên cao nữa tới Siberia, băng qua eo biển Bering tới Alaska vào châu Mỹ, thành người châu Mỹ ngày nay."

1. Eo biển Bering là nơi gần nhất giữa châu Á và châu Mĩ. Trong quá khứ có thể nó đã từng nối liền 2 châu lục này.

2. Nếu nó nối liền châu Á và châu Mĩ thì đó chỉ có thể do nước biển bị đóng băng trong kỷ băng hà.

3. Nếu người từ châu Á di cư sang châu Mĩ thì họ phải di chuyển trong thời gian kỷ băng hà.

4. Trong kỷ băng hà, bắc và nam bán cầu bị băng tuyết bao phủ rất dày. Vùng Siberi thậm chí băng tuyết còn dày hơn nữa, cường độ ánh sáng mặt trời ở đây có thể rất yếu. Như vậy:

- Những đoàn người nguyên thủy cách đây hàng chục ngàn năm đã di cư. Tại sao họ biết tận cùng phía bắc của lục địa Á có đường sang châu Mĩ, để rồi họ có thể bất chấp giá lạnh, băng tuyết để tiến lên phía bắc? Thực phẩm để duy trì sự sống suốt cuộc hành trình lấy ở đâu?

Giả dụ như chúng ta bây giờ, chúng ta không có kiến thức địa lý về trái đất. Chúng ta đang đứng ở bên sông Hoàng Hà của Trung Quốc ngày nay chẳng hạn, nhìn về phía bắc chỉ thấy 1 màu tuyết trắng, trời đất u ám, cực kỳ lạnh lẽo, càng di chuyển lên phía bắc càng lạnh và băng tuyết càng dày. Vậy chúng ta có dám tiếp tục đi lên phía bắc không, khi mà chúng ta không biết điều gì đang chờ đợi chúng ta ở phía ấy, ngoại trừ giá lạnh.

-> Vậy eo biển Bering có thật sự là nơi mà những đoàn người nguyên thủy đã đi qua để sang châu Mĩ trong kỷ băng hà?

Share this post


Link to post
Share on other sites

Bài viết quá hay!!! Cám ơn Chemwind (chém gió?) đã đưa lên diễn đàn....

Share this post


Link to post
Share on other sites