Thiên Sứ

Lễ Hội Qua đi, điều Gì ở Lại?

1 bài viết trong chủ đề này

Lễ hội qua đi, điều gì ở lại?

Tác giả: Hoàng Hường

Tuan Vietnam.net

Bài đã được xuất bản.: 16/01/2010 07:30 GMT+7

"Tôi vẫn tưởng tượng Đại lễ 1000 năm phải là cơ hội để người dân ôn lại lịch sử, nhìn lại nền văn hóa lâu đời, và là dịp phát huy lòng tự tôn dân tộc. Tôi vẫn tưởng tượng, lẽ ra từ lâu rồi, các nhân sĩ trí thức, nghệ sĩ ngồi lại với nhau say sưa tranh luận về cội nguồn dân tộc, về các bài học lịch sử, chính trị, hay văn hóa của tiền nhân; cùng đưa ra các ý tưởng xây dựng kịch bản đại lễ trong niềm tự hào..."

Lễ hội: nơi phơi bày văn hóa dân tộc

Những ngày cuối năm, thời gian của Tết, của mùa xuân và của mùa lễ hội, hẳn là thời điểm mang nhiều cảm xúc và chờ mong đối với nhiều người. Đặc biệt với những người đang ở xa quê, sự nôn nao này càng rõ ràng hiện hữu hơn hết.

Một phần trong đó, lễ hội nơi quê nhà cũng là một phần nhung nhớ xao động, nơi ấy có bản sắc văn hóa, có truyền thống địa phương, có sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên quê hương để thẩm thấu vào tiềm thức và trái tim mỗi con người.

Hẳn nhiên, lễ hội là một giá trị tinh thần rất thân thiết.

Nhưng ở khía cạnh khác, lễ hội cũng là nơi thể hiện rõ ràng nhất văn hóa sống, văn hóa cư xử hay sự văn minh của con người, cả tích cực lẫn tiêu cực.

Posted Image

Lễ hội Ký ức cầu Long Biên, Ảnh: VNN

Có lẽ không cần nhắc lại, nhưng những gì diễn ra ở các lễ hội hoa, hay nhiều sự kiện văn hóa khiến mỗi người dân Việt có tự trọng đều không khỏi cảm thấy xót xa day dứt.

Đất nước chưa giàu, người dân còn vất vả, bài ca đó chúng ta đã thuộc làu, nhưng đâu có nghèo đến nỗi phải tranh giành dẫm đạp nhau vì vài bông hoa, mấy quả bóng bay hay vài tấm giấy màu lấp lánh. Cái sự nghèo này, hóa ra không nằm ở khía cạnh kinh tế nữa, mà ở đâu đó sâu sắc hơn, chua chát hơn.

Gương mặt ngỡ ngàng của người nghệ sĩ nước ngoài nhìn cảnh người dân lao vào tranh cướp những chiếc nón treo trong một triển lãm sắp đặt ngoài trời; hay những giọt nước mắt xót xa của người nghệ nhân già bất lực nhìn những chiếc vẩy kết bằng hoa của hai con rồng - công trình ông đã dốc sức cả tháng ra làm - phút chốc đã xác xơ dưới những bàn tay thô lậu; đã tạo thêm những cảm xúc không muốn có trong những trái tim nhạy cảm.

Lễ hội hoa - được hiểu là một sự kiện để con người có dịp thưởng lãm, tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên đất trời, để thu hút nhiều hơn du khách đến với nơi được gọi là chiếc nôi văn hiến, đương nhiên là sự kiện quá đẹp, quá có ý nghĩa. Cái đẹp cứu rỗi cuộc đời, ai đó triết lý, để làm được một thủ đô đẹp hơn, để con người văn minh hơn, công sức ấy, mười mấy tỷ đồng ấy chẳng xứng đáng lắm sao?

Nhưng khi hội hết, hoa tan, còn lại điều gì, phải chăng là một đống rác, cả ở trên đường phố lẫn trong cảm xúc. Dĩ nhiên đó là cách nói tiêu cực nhưng không phải không chính xác.

Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không

Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái từng day dứt: "Hoa là biểu tượng cái đẹp rồi, nhưng lần nào tổ chức lễ hội cũng lộ cái xấu. Lễ hội là để vui chơi, ngắm nhìn và tận hưởng, là để làm con người hạnh phúc, mà lần nào cũng để lại dư âm buồn, lần nào cũng đau lòng thì làm làm gì?"

Đành rằng là vui, là xì xụp đông đúc nhưng dân trí có cao lên không, kiến thức về danh nhân, lịch sử, văn hóa địa phương có được người dân biết đến nhiều hơn không; sau lễ hội chúng ta thu hoạch được điều gì? chẳng ai biết.

Việt Nam đã cùng nhân loại bước sang năm 2010, năm của các sự kiện quan trọng và các đại lễ hội. Nhân tài vật lực sẽ bỏ ra là không nhỏ, có quá nhiều điều để chúng ta suy nghĩ băn khoăn.

Đạo diễn Lê Quý Dương từng bày tỏ: "Chiếc đồng hồ đếm ngược đến Đại lễ 1000 năm đã được dựng lên từ lâu. Chưa qua Bờ Hồ chưa đến Hà Nội, ai đến thủ đô cũng phải tranh thủ đi qua nơi thiêng liêng này, và đều nhìn thấy đồng hồ đếm ngược."

"Điều tôi mong mỏi và không khỏi ngạc nhiên là hình như ngoài đồng hồ ra, tôi không thấy không khí chờ đợi đại lễ ở thủ đô. Tôi vẫn tưởng tượng Đại lễ 1000 năm phải là cơ hội để người dân ôn lại lịch sử, nhìn lại nền văn hóa lâu đời, và là dịp phát huy lòng tự tôn dân tộc. Tôi vẫn tưởng tượng, lẽ ra từ lâu rồi, các nhân sĩ trí thức, nghệ sĩ ngồi lại với nhau, bất kể trong các hội thảo nghiêm túc hay nơi vỉa hè trà đá để say sưa tranh luận về cội nguồn dân tộc, về các bài học lịch sử, chính trị, hay văn hóa của tiền nhân; cùng đưa ra các ý tưởng xây dựng kịch bản đại lễ trong niềm tự hào".

'Tôi cũng tưởng tượng, trong các trường học hay các diễn đàn văn học nghệ thuật đang diễn ra những cuộc thi tìm hiểu hay sáng tác để các em hiểu hơn về cội nguồn và đề cao lòng tự tôn dân tộc; hoặc trên các mặt báo hoặc các diễn đàn khác đang sôi nổi những ý kiến xây dựng đất nước, vẽ bức tranh 1000 năm sau... vv.. "

Posted Image

Năm 2010, năm của các sự kiện quan trọng và các đại lễ hội. Nhân tài vật lực sẽ bỏ ra là không nhỏ, có quá nhiều điều để chúng ta suy nghĩ băn khoăn. Ảnh: VNE

Thật ra mong muốn của Lê Quý Dương cũng là mong muốn của nhiều người. Không phải ở chuyện sẽ múa gì hát gì, bao nhiêu người sẽ diễu hành, bao nhiêu hoa cờ biểu ngữ sẽ được chăng, mà sự trông đợi ở ngày Đại lễ to lớn hơn, dài rộng hơn, sâu xa hơn như thế.

Trên phố các quý ông quý bà với áo hai dây quần cộc hay cởi trần ngồi vắt chân hút thuốc lào nơi vỉa hè. Những cảnh tượng như mô tả của nhà báo Nguyễn Quang Thiều trong bài: Nỗi xấu hổ ở sân bay quốc tế Nội Bài có thể bắt gặp tại nhiều chỗ, nhiều nơi. Người ta thản nhiên đến vô tình thảy rác xuống đường, trong khi người lao công gần đó đang cặm cụi quét quét, dọn dọn.

Đường phố ngày càng trở nên ngột ngạt hơn với lưu lượng phương tiện giao thông ngày càng dày đặc, khói xăng mịt mù, ngập ngụa. Nhưng vật chất ngày càng giàu có hơn nhưng dường như lại làm văn hoá eo hẹp đi. Quá dễ dàng để nhìn thấy những vụ cãi cọ xô xát trên đường.

Những lỗ hổng đó có tổ chức hàng ngàn sự kiện văn hóa, hàng trăm lễ hội cũng chẳng lấp đầy được trong mắt du khách.

Đôi khi tôi cứ bị ám ảnh với những ý nghĩ lẩm cẩm: Liệu trong lễ hội Ký ức cầu Long Biên, chúng ta có thể thay việc treo đèn, kết hoa, thả diều hay triển lãm trên cầu bằng cuộc ra quân của thanh niên, sinh viên thủ đô trong việc dọn sạch môi trường hai bờ sông, tẩy xóa những bút tích vô ý thức trên thành cầu; thay các buổi biểu diễn bằng các cuộc thi diễn thuyết về lịch sử cây cầu gắn liền với công cuộc bảo vệ thủ đô...

Hay số tiền tổ chức lễ hội này khác được tổ chức các phong trào làm đẹp thủ đô, hay thưởng những sáng kiến giải quyết các vấn đề tồn tại đang làm Hà Nội xấu xí....

Tôi cũng bị ám ảnh mãi câu nói đùa của một chị lao công hôm dọn rác lễ hội phố hoa: "Vì là hoa họ mới tranh nhau thế chứ! Nếu thay hoa bằng lễ hội... rác thì chẳng có cảnh đó đâu!"

Với tôi, câu đó không đùa chút nào. Triển lãm sắp đặt, hay lễ hội sáng tạo nghệ thuật từ chất liệu phế thải, tại sao không? Không kém phần hấp dẫn và chắc chắn thông điệp về môi trường của nó sẽ có tác động mạnh mẽ.

Văn hóa của một xã hội, đôi khi lại được xây đắp từ những thứ rất bình thường, rác chẳng hạn!

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay