thanhf

Viên Kim Cương ở Gầm Cầu Lóe Sáng

1 bài viết trong chủ đề này

Viên “kim cương” ở gầm cầu lóe sáng

Bài viết cập nhật lúc: 02:29 ngày 10/01/2010 Posted Image

Sống gầm cầu nhưng nhiều trẻ em vẫn ham học.

Tiếng sầm sập của những chiếc xe tải vượt lên mặt cầu chữ Y đánh thức chị. Hôm nay là ngày thứ tư chị phải nằm liệt một chỗ vì bệnh viêm phế quản.

Nếu không, vào giờ này chị đã đứng bán xôi trước cổng trường tiểu học Âu Dương Lân, quận 8.

Hạnh phúc ngắn ngủi

Nhìn nải chuối treo trên trần nhà trơ mấy cái cuống còn mới, chị biết hai đứa con đã đi đến lớp. Mấy hôm nay chị không đi bán được nên chúng không dám xin tiền ăn sáng, chị lót lòng bằng vài trái chuối rồi rón rén ra khỏi nhà, sợ động đến giấc ngủ của mẹ.

Chị nhẩm tính những khoản sẽ phải chi trong vài ngày tới : tiền thuê nhà 400 ngàn/ tháng; tiền điện khoảng 150 ngàn, tiền nước 120 ngàn… Rồi còn phải chạy lo 2,3 triệu đóng tiền học cho con gái lớn sắp vào năm hai đại học, và học phí lớp chín cho thằng con út nữa. Biết phải xoay xở cách nào đây?

Chị Võ Thị Tuyết Hồng lấy chồng lúc mười bảy tuổi. Năm nay chị sinh một bé trai. Thằng bé vừa được một tuổi thì người chồng đột ngột bỏ nhà ra đi. Người hàng xóm nói ảnh đi theo con vợ bé “đầu quăn môi trớt” gặp đâu đó ngoài chợ rồi mê như bị bỏ ngải.

Nghĩ mình chưa tốt phước, chị ôm con trở về nhà mẹ ruột và âm thầm nuôi con. Nhưng cái làng quê ấy nghèo xơ xác, cả nhà lại toàn phụ nữ thất nghiệp, không có một cục đất chọi chim, đợi lúc thằng bé được mười tuổi, chị gởi nói cho bà ngoại rồi bấm bụng liều một phen lên Sài Gòn.

Posted Image

Cuộc sống dưới gầm cầu. (Ảnh minh họa).

Năm 1988, trong lúc chị đang làm thuê cho một quán hủ tiếu ở quận 10, một người đàn ông đã luống tuổi bỗng dưng để mắt đến chị. Anh làm nghề bán hoa kiểng, đã có một đời vợ. So về tuổi tác hai người là một đôi đũa lệch, nhưng bù lại là tình yêu, mà kết quả là hai đứa con lần lượt chào đời: Văn Thị Nữ Hoàng sinh năm 1990, Võ Vạn Kim sinh năm 1995 ( do quy định của luật Hôn nhân gia đình sửa đổi, hai anh chị sống không đăng kí kết hôn nên Kim phải lấy họ mẹ).

Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, năm 1998, vựa hoa kiểng của anh bị thu hồi mặt bằng. Trong chốc lát, họ rơi vào cảnh thất nghiệp. Một năm sau, anh bị đột quỵ vì chứng tai biến mạch máu não và phải sống đời sống thực vật cho đến lúc mất năm năm sau đó.

Bốn mét vuông, ba con người

Một nách hai con trong cảnh không nhà, số tiền danh dụm bấy lâu cũng đã dốc cạn để điều trị bệnh cho chồng, được người quen chỉ dẫn, chị tìm thuê một chỗ ở luồn trong con hẻm nhỏ của khu ổ chuột sát dưới gầm cầu chữ Y, bên bờ con kênh Đôi quận 8.

Căn phòng rộng không đến bốn mét vuông, bốn vách là những tấm gỗ chắp vá đã cũ mục. Ở đó, mỗi khuya chị lại hấp xôi để kịp bán vào sáng sớm lúc hai con còn chưa đến kịp.

Ngày mẹ con chị dọn về đây, Hoàng đã là cô bé mười lăm tuổi. Tiền lãi từ nồi xôi của chị mỗi tháng chỉ suýt soát 1,4 triệu đồng ( những tháng hè thì không đến 1 triệu), có thấm vào đâu so với các khoản chi tiêu trong nhà.

Nhiều lúc Hoàng thủ thỉ: “Hay mẹ cứ để con nghỉ học, đi mót ve chai hoặc bán vé số kiếm tiền nuôi em Kim ăn học…”. Nghe những lời ấy, chị luôn làm mặt nghiêm với con, nhưng trong lòng thì như đứt từng đoạn ruột !

Sau lần mẹ rầy, Hoàng trở nên trầm lặng hơn, mỗi tối cứ chong đèn học bài đến khuya và sau những buổi học, em về nhà rất trễ. Chị tra hỏi mãi, cô bé mới thú thật là đang đi tìm một chỗ để làm thêm mong đỡ đần cho mẹ. Đến nước này thì chị đành chịu thua con.

Vạn Kim cũng chăm ngoan, học giỏi và rất mực hiểu thảo. Mỗi buổi sáng trước khi đi bán, chị thường để sẵn hai gói xôi ở nhà cho hai đứa mang đến lớp. Hiếm khi chúng vòi tiền mẹ để ăn sáng bởi rất hiểu cảnh nghèo của gia đình.

Khó mà hình dung được ba mẹ con chị xoay xở ra sao trong cái nơi rộng không đầy bốn mét vuông ấy. Đã thế mỗi khi có mưa, nước từ mái tôn lủng lỗ chỗ rơi xuống chỗ nằm, mẹ con lại táo tác đi tìm thau hứng. Sát vách nhà chị ở là một chỗ vệ sinh cho cả mấy gia đình, cũng là nơi tắm rửa, giặt giũ.

Cái chỗ ấy vào những giờ “cao điểm”, đôi lúc người ta phải xếp hàng chờ đến phiên. Vậy mà gia đình nhỏ này đã gắn bó tại đây ngót nghét năm năm, hai đứa trẻ mỗi ngày cứ lớn, và đều học rất giỏi.

Nữ Hoàng đậu cả đại học và cao đẳng Công nghệ thông tin, em chọn cao đẳng vì sẽ sớm ra trường tìm việc làm để mẹ khỏi phải bán xôi nắng mưa vất vả. Vạn Kim thì đang chuẩn bị vào lớp chín chuyên toán trường THCS Dương Bá Trạc, quận 8. Cậu bé còn xuất sắc hơn cả chị, là học sinh giỏi từ lớp một đến lớp chín.

Niên học rồi, Kim được quận cấp một suất học bổng 700 ngàn đồng. Ở cái xóm lao động nghèo dưới gầm cầu chữ Y này, đây quả là một “sự kiện” thứ hai, kể từ sau lần Hoàng - chị của Kim - nhận giấy báo vào đại học. Đó cũng là hai niềm vui lớn nhất trong đời người đàn bà bán xôi. Và đó cũng là lý do suốt năm năm nay, ngọn lửa trong căn nhà nhỏ dưới gầm cầu chữ Y của người phụ nữ goá chồng đêm đêm vẫn cháy.

Theo 24h.com.vn

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay