wildlavender

Mai Mực Làm Thuốc Có độc Hại?

1 bài viết trong chủ đề này

Mai mực làm thuốc có độc hại?

SGTT - Trong các loại cá mực phổ biến như mực ống, mực lá, mực nang... thì mực nang (có nơi gọi mực ván) là loại mực cho mai để làm thuốc. Mực bắt về, đem mổ lấy thịt, giữ lại mai, rửa sạch muối bám ở ngoài, phơi khô. Cách bào chế cũng tương đối đơn giản, thường người ta lấy mai mực, cạo sạch vỏ cứng ở ngoài, ngâm nước cho đến khi hết mặn, sau đó phơi hoặc sấy khô, khi dùng tán bột, sao kỹ.

Trong y học cổ truyền, mai mực (còn gọi ô tặc cốt, hải phiêu tiêu) là vị thuốc được dùng rất phổ biến. Chúng có vị mặn, tính bình, chát, mùi hơi tanh, có tác dụng chỉ huyết, giảm đau. Về thành phần hoá học, trong mai mực có các muối canxi cacbonat, canxi photphat, muối natri clorua, các chất hữu cơ, chất keo. Cho đến nay các sách y học cổ truyền chính thống chưa thấy có tài liệu nào khuyến cáo không được dùng mai mực như một vị thuốc, trừ sách Dược tính bản thảo có lưu ý mai mực có độc ít. Một số nghiên cứu hiện đại cũng không phát hiện có chất nào có khả năng gây độc nguy hiểm trong mai mực. Những tác hại phụ nếu có, có thể do đã dùng phải mai mực không bảo đảm chất lượng. Theo các sách thuốc cổ, mai mực được dùng chữa nhiều bệnh và khá hiệu quả. Trong dân gian, mai mực được dùng chủ yếu làm thuốc chữa các chứng đau, loét dạ dày; ho ra máu; đại tiện ra máu… Ngoài dùng riêng (uống từ 4 – 8g) còn có thể dùng mai mực phối hợp với các vị thuốc khác:

Đau dạ dày: kê nội kim (lớp màng màu vàng phủ mặt trong của mề gà đã được phơi khô) 4g, mai mực 4g, tán hai thứ thành bột mịn, bột gạo nếp rang thơm 2g, bột cam thảo đã khử 0,2g. Tất cả trộn thành một gói, mỗi ngày uống hai gói sau bữa ăn. Có thể trộn bột thuốc này với một ít mật ong (hai thìa càphê) khuấy kỹ để uống hàng ngày. Bài thuốc này còn có tác dụng làm tăng hồng cầu.

Thổ huyết (nôn ra máu): Lấy mai mực tán thật nhỏ, ngày uống 4 – 5 lần, mỗi lần từ 1 – 2g với nước cơm hoặc nước sắc bạch cập (10 – 20g bạch cập sắc với 300ml nước).

Viêm tai có mủ: Lấy bột mai mực rắc hoặc dùng tăm bông sạch thấm thuốc ngoáy vào tai. Cách khác, mai mực 2g, xạ hương 0,4g, tán thật nhỏ, lấy tăm bông sạch chấm thuốc ngoáy nhẹ vào tai.

Phụ nữ băng huyết, trẻ em chậm lớn: bột mai mực ngày uống 4 – 8g. Dùng liền 7 – 10 ngày, nghỉ một tuần, sau lại tiếp tục nếu cần thiết.

Chữa đại tiện ra máu: mai mực nướng vàng, tán bột, mỗi lần uống 4 – 8g với nước sắc cây mộc tặc (cỏ tháp bút).

Khò khè, thở gấp, đờm nhiều: mai mực sấy khô, tán thành bột, mỗi lần uống 15g với ít đường đỏ.

Đau mắt hột: mai mực vót nhọn, ngâm vào dung dịch rễ hoàng liên với tỷ lệ 1 – 5%, dùng đánh mắt, tránh để rơi vãi vào mắt.

Lở loét nông ngoài da: bột mai mực thật mịn, lượng vừa đủ, bôi lên vùng lở loét cho đầy, đắp gạc vô trùng cố định, sau từ 2 – 3 ngày thay một lần.

Phỏng nhẹ: mai mực một cái, đốt thành than, rây bột mịn, trộn với dầu vừng hoặc dầu dừa thành một hỗn hợp sền sệt, bôi ngày hai lần. Khoảng một tuần, vết bỏng sẽ lành. Chú ý nếu bỏng nặng, bỏng sâu và rộng cần đưa đến bệnh viện để điều trị và chăm sóc theo dõi, tránh biến chứng suy mòn và nhiễm khuẩn do phỏng.

ThS.BS Võ Thị Thu
Giảng viên bộ môn đông dược,
học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay