wildlavender

Phục Trang Cho Một Bộ Phim Lịch Sử

5 bài viết trong chủ đề này

LÀM PHIM VIỆT TRÊN ĐẤT TRUNG HOA

Bộ phim Lý Công Uẩn – đường tới thành Thăng Long (*) sẽ được khởi quay tại trường quay Hoành Điếm, Chiết Giang, Trung Quốc vào đầu năm 2010 này. Phan Cẩm Thượng, hoạ sĩ, nhà phê bình mỹ thuật được mời tham gia đoàn làm phim với tư cách cố vấn văn hoá. Ông đã ghi lại những chuyện mắt thấy tai nghe trong những ngày trên đất Trung Hoa qua loạt ký sự nhiều kỳ dành cho Sài Gòn Tiếp Thị.

Kỳ 1: Hoa mai trong tuyết

Sau lần thất bại của hãng phim truyện Việt Nam, phim Lý Công Uẩn – đường tới thành Thăng Long được dự định quay ở Hoành Điếm, Hàng Châu (Trung Quốc). Ngày 13.12.2009 thì chúng tôi khởi hành. Từ Hà Nội, Lạng Sơn, rồi qua vài thủ tục, sang đất Bằng Tường, Trung Quốc. Những chiếc xe chở thuê cơ động đưa khách ra bến bãi với giá 50 tệ/người và nhiều người Tàu bán hàng, đổi tiền, chụp ảnh lởn vởn. Từ đây đi xe về Nam Ninh hơn hai tiếng rưỡi, chúng tôi nghỉ tạm ở một trạm bán vé xe ôtô và xe lửa, kiêm hàng ăn, khách sạn. Người Trung Quốc đã có bữa tiệc khoản đãi. 8 giờ 30 lên tàu chạy hai đêm một ngày thì tới thành phố nhỏ Nghĩa Ô cách Hàng Châu hơn 100km, cách Hoành Điếm cũng như vậy.

Posted Image

Khung cảnh trong trường quay Hoành Điếm, lâu đài cung điện được dựng lên phục vụ cho ngành công nghiệp điện ảnh. Con sông trong ảnh chính là mô phỏng sông Biện dẫn vào thành Khai Phong, kinh đô cổ Trung Quốc đời Tống.

Tàu chạy qua Quảng Tây, Giang Tây rồi đến Chiết Giang, nông thôn Trung Quốc hiện ra ven đường cũng lộn xộn và ô nhiễm như bên ta. Tàu lửa Trung Quốc, nói chung ngăn nắp, nhưng lên ga xuống ga và lên xuống tàu phải leo trèo tương đối vất vả, bởi có nhiều tuyến khác nhau. Bạn phải đi lên cao, hoặc chui xuống hầm rồi đến đúng đường tàu của mình, nhưng không có thang máy. Khổ nhất là với du khách có nhiều đồ, nông dân gồng gánh. Cách thức này có lẽ để hạn chế người ta mang quá nhiều hàng cồng kềnh lên tàu. Vệ sinh trên tàu cũng kém, nhà vệ sinh luôn đông nghịt, xếp hàng cả tiếng đồng hồ, nhiều người hút thuốc bừa bãi trong toa kín khá khó chịu, nước thì lạnh ngắt như đá. Nghĩa Ô, thành phố xinh xắn hiện ra lúc 2 giờ đêm, rồi từ đó chúng tôi chạy một mạch về Hoành Điếm chừng hơn một giờ ôtô.

“Nhất bản vạn lợi”

Nếu mới đến Hoành Điếm không thể hình dung quy mô và đời sống của nó như thế nào. Đây là một thung lũng lớn nằm giữa những dãy núi cao bao bọc cả một khu vực Giang Nam cổ. Trước kia thuần nông nghiệp, Hoành Điếm nghèo nàn nhưng có vẻ đẹp của thời thái cổ. Một đạo diễn ở đây nhận thấy điện ảnh là một ngành công nghiệp tổng hợp, bèn xắn tay đầu tư xây dựng khu trường quay này khi mới chừng 30 tuổi và làm thay đổi toàn bộ nơi đây. Nhiều khu vực theo các phong cách kiến trúc phong kiến, cận đại và hiện đại Trung Quốc được xây dựng, riêng khu Cố Cung, Tử Cấm thành mô phỏng như tại Bắc Kinh, theo người ta nói, bằng 1/3 tỷ lệ thật, đấy là quy mô, còn các công trình cụ thể thì tương đương. Trong đó có cả một trường cưỡi ngựa bắn cung với hàng trăm con ngựa chiến to cao, mà các diễn viên Việt Nam đang luyện tập. Chúng tôi ở khu Biện Kinh cũng là tên của thành Khai Phong, kinh đô nhà Tống, nên con phố trước mặt là Thanh minh thượng hà đồ, lấy theo tên bức hoạ của Trương Trạch Đoan, hoạ sĩ Bắc Tống, vẽ cảnh tiết thanh minh trên sông Biện dẫn vào thành Khai Phong đương thời.

Đã có quay phim thì phải có khách sạn cho du khách và đoàn phim, và các xưởng sản xuất đạo cụ. Không biết hàng ngày có bao nhiêu du khách nhưng vé vào từng khu từ 80 – 100 tệ, không rẻ tí nào, và hôm qua có đến 30 đoàn làm phim cùng quay một lúc, mỗi đoàn có hàng trăm diễn viên, ăn ở đi lại nhộn nhịp. Khách sạn ở đây khá thô sơ, chỉ để ngủ là chính, còn mọi dịch vụ không có gì, cơm ăn là cơm bụi bán theo dạng cơm hộp của các nhà ăn ngoài phố. Tuy nhiên đáng nói nhất là các công xưởng đạo cụ. Bước chân tới đó mới thấy sự giàu có và mạnh tay của các thương gia Trung Quốc. Chúng tôi được hoạ sĩ vẽ phối cảnh Lý Vĩnh Hồng dẫn đi chọn đạo cụ, hôm vừa đến một xưởng to bằng cả sân bóng, với nhiều kho tàng. Một bộ sưu tập xe ôtô còn chạy được từ đầu thế kỷ đến nay vài ba chục chiếc, hàng trăm bộ bàn ghế theo phong cách các thời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh được làm thật, nhưng chỉ để cho thuê. Còn các đồ linh tinh khác thì vô kể. Kỹ nghệ làm đồ giả quay phim cũng đáng nể, tức là trông thì biết ngay là giả, với chất liệu xi măng, xốp, nhựa, nhưng lên hình ảnh nom như thật. Các xưởng may trang phục bạt ngàn. Đẹp nhất là các bộ giáp trụ cầu kỳ, giá tới 5.000 tệ/bộ. Bộ phim Lý Công Uẩn có lẽ dùng tới 300 bộ phục trang may mới, và thuê hơn 700 bộ. Đây cũng là cái mà người Trung Hoa sẽ nhất bản vạn lợi từ các đoàn làm phim, như nước ta.

Khoảng cách giàu nghèo

Posted Image

Tác giả đứng trước một xe ngựa cổ phục chế.

Quanh Hoành Điếm, kề cận các vùng dân cư Giang Nam, nông thôn cổ truyền đã biến đổi hoàn toàn, chỉ còn lác đác vài nhà cổ bằng đất đắp và lợp ngói âm dương xen lẫn những nhà gạch. Người Trung Quốc nhìn chung có đất rộng hơn người nông dân Việt, nên khi xây nhà mới cũng to hơn. Song cũng như nông dân Việt, họ chẳng biết xây kiểu nào cho đẹp, mà phần lớn lấy mẫu từ lối nhà tập thể cao tầng xây cho gia đình mình. Bởi thế, trông từ xa những thôn làng lại tưởng là một khu chung cư nào đó. Thoạt tiên là xây luôn lên ba, bốn tầng bằng gạch trần, sau đó khi có tiền mới ốp gạch men trắng ra ngoài, nhiều nhà cứ để gạch trần nhiều năm trời. Cũng có nhiều nhà tập thể, nhưng lại là chia cho nông dân khi quy hoạch đất. Tầng dưới cùng để bán hàng, sản xuất và công xưởng rất rộng. Mỗi thôn làng quy hoạch khu dân cư khá ngăn nắp. Tất cả các nhà đều quay về một hướng, xen kẽ là đường đi, còn đường quốc lộ rất tốt.

Môi trường nông thôn cũng ô nhiễm không kém gì ta, nhiều dòng sông tắc nghẽn đầy rác rưởi, nhiều khu rừng bị phá tan hoang và tất nhiên văn hoá truyền thống cũng tan rã dường như hoàn toàn ở nông thôn. Các doanh nghiệp tư nhân chiếm quá nhiều đất, khiến ruộng nương thu hẹp trông thấy. Ruộng đồng nhiều nơi xác xơ, nhất là trong mùa đông dường như không canh tác được gì. Những khuôn mặt cụ già mệt mỏi như vẫn thường thấy ở Trung Hoa hàng ngàn năm qua, những người nông dân ra thành phố kiếm việc làm nhếch nhác vô cùng, co ro bên các chảo thức ăn ở xó nhà chủ. Đền miếu cổ kính chỗ nào làm du lịch thì được chăm sóc tô vẽ không thể tưởng tượng được, chỗ nào ít giá trị du lịch thì hoang tàn đổ nát buồn bã. Sự phát triển tạo ra nhiều vực thẳm phân cách giàu và nghèo, truyền thống và hiện đại, no nê phè phỡn và bất hạnh đói rét…

(*)Chủ nhiệm phim là Trịnh Văn Sơn (tác giả kịch bản), giám đốc công ty CP truyền thông Trường Thành, đạo diễn Cận Đức Mậu (Trung Quốc) và Tạ Huy Cường (Việt Nam),cố vấn kịch bản Kha Chương Hoà, hoạ sĩ Phạm Xuân Hải, hoạ sĩ phục trang Đoàn Thị Tình.

bài và ảnh Phan Cẩm Thượng

Share this post


Link to post
Share on other sites

Kỳ 2: Phục trang cho một bộ phim lịch sử

SGTT - Phục trang luôn là vấn đề lớn của phim ảnh, vì nó gắn với con người và hành động. Thế nhưng điện ảnh nước ta đến nay vẫn chưa hề có xưởng may trang phục riêng, mà quay phim nào thì thuê may lần đó. Tất cả đều nghiệp dư, cho đến những phim lịch sử gần đây, và phải dựa vào các xưởng phục trang Trung Quốc là tất yếu.

Posted Image

Diễn viên Phạm Tiến Lộc, trong bộ khôi giáp, vai Lý Công Uẩn. Ảnh: Phạm Xuân Hải

Người Trung Hoa cũng rất nhanh tay trong việc này, họ kiếm bộn tiền từ những đoàn làm phim lịch sử. Trong suốt quá trình làm phim Lý Công Uẩn, hoạ sĩ phục trang Đoàn Thị Tình kiên trì thuyết phục phía bạn không dùng màu đỏ cho một đám cưới truyền thống Việt Nam, phía Trung Quốc nhất định quan niệm đám cưới phải có màu đỏ, không chấp nhận có người mặc áo đen. Giải pháp trung gian của Đoàn lão bà là cho nhân vật người yêu Lý Công Uẩn ngày cưới mặc áo hồng, rồi khoác ra ngoài áo cánh bằng sa thẫm.

Do Bà Đoàn Thị Tình không đi, nên tôi trả lời thay những vấn đề phục trang. Cô hoạ sĩ phục trang Trung Quốc thuyết phục tôi bằng được bỏ cái áo cánh sa đen đó đi. Rồi rất nhiều bộ y phục khác cũng vậy, người Trung Quốc muốn dùng màu sắc rực rỡ, nhiều hoa văn, các chất liệu tơ lụa, trong khi bên ta phần nhiều chỉ dùng màu sắc trầm, ít trang trí, và các loại vải bông, gai. Đây là tập tục văn hoá, hai bên không có cách gì hiểu nhau, nhưng còn vấn đề nữa, chúng ta hoàn toàn không hiểu gì về chất liệu cho trang phục phim, cứ quan niệm vải gai thì thô dày có thể làm cho bộ quần áo cứng cáp, còn lụa thì mềm mại, quá yểu điệu nếu may cho ông tướng. Trái lại, Trung Quốc có những chất liệu lụa chuyên may phục trang phim, cứng và dày, nên các bộ long bào vừa sang vừa có hình khối.

Thời đại nào cũng... bán

Ở Hoành Điếm có hàng trăm xưởng phục trang và cửa hàng cho thuê, bán phục trang điện ảnh. Thứ gì không mua được thì thuê làm, những thợ may không đông, nhưng họ rất nhanh nhạy và có thể chiều theo ý khách, còn chất liệu thì vô vàn, cũng như các phụ kiện may sẵn, như hoa văn các thời đại. Những đoàn làm phim Việt Nam thường thuê một hoạ sĩ thiết kế trang phục trên giấy ở nhà, rồi đem thiết kế sang Trung Quốc đòi hỏi, trong khi các thiết kế lại không vẽ được cấu trúc y phục. Phía bạn đòi hỏi rất rõ, nếu một cô gái mặc ba cái áo, yếm, áo cánh, áo dài, thì phải bóc tách ra từng cái như thế nào, cài khuy dây hay buộc ra sao. Và tôi rất vất vả khi phải giải trình việc này. Trông thấy một người ăn mặc là một chuyện, còn vẽ ra chi tiết như một thợ may thiết kế là chuyện khác. Hoạ sĩ thiết kế của ta dùng rất nhiều tài liệu từ sách Trung Quốc, nhưng trong các sách đó, người Trung Quốc không bao giờ vẽ rõ cấu trúc từng lớp, và mặt nghiêng, mặt sau y phục, nên các bản thiết kế Việt cũng chung chung như vậy. Hoa văn và trang sức là một vấn đề lớn, anh càng vẽ hươu vẽ vượn, “hảo à” – nhưng đưa nhiều tiền đây, làm được tất, chỗ nào không làm được thì cứ đưa hoa văn Trung Quốc vào và nói một tràng dài không hiểu là gì, thế là phải chấp nhận. Riêng thiết kế trang sức và tóc có một hoạ sĩ riêng, anh ta vấn tôi đủ thứ, và mỗi thứ khó khăn, anh ta lại gửi makét về Bắc Kinh chế tạo với giá, ví dụ hơn 1.000 tệ một cái vòng bạc, mà giá ở Hàng Bạc, có lẽ chỉ chừng vài trăm ngàn. Cụ Nguyễn Khôi Nguyên, diễn viên kỳ cựu đóng vai Lý Khánh Văn, không chịu cạo đầu vì cụ còn đóng dở một bộ phim hình sự ở nhà, nên lại tìm mũ sư cho cụ đội. Chúng tôi đã tìm được một tư liệu cổ, nhà sư đội một cái mũ vải có tà trùm xuống quanh vai, hiện nay giới Phật giáo không dùng nữa. Và người làm trang phục quyết định may như thế. Những vấn đề trên cho thấy, khi một đoàn làm phim lịch sử hợp tác hoặc nhờ phía Trung Quốc, cần cử hoạ sĩ sang trước, mua các mẫu vải, ghi chép các loại phục trang có sẵn, căn cứ trên đó hay thiết kế, không thể ngồi nhà vẽ vời dù có đúng lịch sử, thì cũng không kinh tế chút nào. Tất cả các đoàn làm phim cổ trang và lịch sử Trung Quốc quay ở đây, đều tranh thủ mượn, thuê tối đa cái gì có sẵn, chỉ làm rất ít cái mới. Như vậy lại nảy sinh trường hợp, bộ y phục đó, đạo cụ đó bị cho thuê mất, thì cần có ngay phương án thay thế. Tôi cũng phải liều mạng cắt một cái yếm từ một vuông vải trước mặt thợ may Tàu, cô ta cười rúc rích: ôi thế này thì nom dâm quá. Đúng thế đấy, cái yếm rất gợi tình. Và cô hoạ sĩ Hoa cũng thử nó luôn xem ra sao.

Áo giáp Tàu

Áo giáp và long bào là trung tâm của phục trang lịch sử. Long bào chúng ta có thể có vài mẫu, nhưng áo giáp thì tuyệt không, ngoài những hình chạm khắc trên các pho tượng võ sĩ, kim cương. Tôi từng nghe có vài bộ áo giáp thờ trong dân gian nhưng chưa từng trông thấy. Để phục vụ cho phim lịch sử khoa chế tạo áo giáp ở Trung Quốc rất phát đạt. Chúng được làm hoặc như thật cả về chất liệu, hoặc bằng các chất liệu nhẹ thay thế, và giá mỗi bộ có thể lên tới 5.000 tệ hoặc hơn nữa. Ở Phù Dung Viên, Tây An, có những bộ áo giáp chế tạo tinh khéo bằng vải và nhựa giả kim loại, mặc rất nhẹ, nhưng hiệu quả phim ảnh trông như thật. Còn ở Hoành Điếm, áo giáp bằng da, vải đóng đinh, kim loại không thiếu, nên rất nặng. Nếu mặc đủ bao gồm một áo tràng vạt (vạt chéo) bên trong và quần vải nhẹ, một áo dài và dày bằng vải gai, hoặc dạ, gối bông đệm ngực cho nở nang, mũ trụ bằng nhựa ốp các miếng trang trí kim loại, và che tai, che gáy bằng giáp vải đóng đinh, hoặc miếng kim loại, áo giáp chính, toàn thân hoặc bán thân, bao tay và thắt lưng to bản, áo bào. Tổng cộng bộ khôi giáp có thể lên đến 12 cân. Không rõ bộ giáp thật thì nặng bao nhiêu, nhưng diễn viên hiện nay mang riêng bộ giáp 12 cân cũng không đơn giản, và binh khí nếu là đao kiếm kim loại cũng rất nặng, còn mang đao kiếm gỗ thì nhẹ nhưng diễn xuất chưa chắc đã hay. Mặc bộ giáp mà thể hiện được thần thái đã là thành công rồi, nhưng cũng khó đấy.

Mỗi nhân vật chính trong phim cần vài ba bộ giáp, nhân đôi lên cho cả người đóng thế, vì quay phim thường quay song song, nên đầu tư vào áo giáp là rất tốn kém. Ví dụ mới lâm trận là giáp hoàn chỉnh, đánh nhau giáp tơi tả là bộ khác, chứ không thể kéo rách bộ giáp mới được, cứ thế cứ thế... Các đoàn làm phim Việt Nam sẽ dốc không ít tiền vào những nghi lễ mình tự đặt ra. Các đạo diễn Trung Quốc nhắc đến sự thành công của phim Nàng Dae Jang Geum, mà người Trung Quốc gọi là Đại Trường Lệnh, giản đơn, nhưng thể hiện rõ văn hoá Hàn Quốc. Tôi thấy rằng bộ phim này chỉ có ba loại trang phục chính: vua, quan và dân, thay đổi rất ít, rất thống nhất phong cách, khối y phục khi nhiều người đứng cạnh nhau, may và đầu tư đơn giản. Các phim lịch sử của ta bày biện một cách tuỳ tiện về phục trang, hàng trăm bộ khác nhau, đương nhiên là thời gian cho phục trang, tiền may mặc không nhỏ, mà rất dễ bị Trung Hoa hoá.

Phan Cẩm Thượng

nguồn sgtt.com.vn

Share this post


Link to post
Share on other sites

SGTT - Phục trang luôn là vấn đề lớn của phim ảnh, vì nó gắn với con người và hành động. Thế nhưng điện ảnh nước ta đến nay vẫn chưa hề có xưởng may trang phục riêng, mà quay phim nào thì thuê may lần đó. Tất cả đều nghiệp dư, cho đến những phim lịch sử gần đây, và phải dựa vào các xưởng phục trang Trung Quốc là tất yếu.

Người Trung Hoa cũng rất nhanh tay trong việc này, họ kiếm bộn tiền từ những đoàn làm phim lịch sử. Trong suốt quá trình làm phim Lý Công Uẩn, hoạ sĩ phục trang Đoàn Thị Tình kiên trì thuyết phục phía bạn không dùng màu đỏ cho một đám cưới truyền thống Việt Nam, phía Trung Quốc nhất định quan niệm đám cưới phải có màu đỏ, không chấp nhận có người mặc áo đen. Giải pháp trung gian của Đoàn lão bà là cho nhân vật người yêu Lý Công Uẩn ngày cưới mặc áo hồng, rồi khoác ra ngoài áo cánh bằng sa thẫm.

Do Bà Đoàn Thị Tình không đi, nên tôi trả lời thay những vấn đề phục trang. Cô hoạ sĩ phục trang Trung Quốc thuyết phục tôi bằng được bỏ cái áo cánh sa đen đó đi. Rồi rất nhiều bộ y phục khác cũng vậy, người Trung Quốc muốn dùng màu sắc rực rỡ, nhiều hoa văn, các chất liệu tơ lụa, trong khi bên ta phần nhiều chỉ dùng màu sắc trầm, ít trang trí, và các loại vải bông, gai. Đây là tập tục văn hoá, hai bên không có cách gì hiểu nhau

Quay phim cổ trang mà qua Trung quốc là ..thôi rồi....

Nị ấy sẳn lòng đồng hóa chúng ta một cách miễn phí bằng quyền lực mềm. Miễn phí toàn bộ khôi giáp, phục trang, miễn phí luôn họa sĩ thiết kế phục trang với mỹ từ " giúp đỡ nền điện ảnh non yếu của Việt nam" là chúng ta tiêu luôn......Ô....hô...a ...ha... :)

Trường hợp này phải tìm người đi giao dịch thật sự cứng tay, bản lãnh mới được. Cần phân biệt rõ ai là khách hàng. Ta là khách hàng, họ là là sản xuất, chỉ cung cấp hàng do có sẳn công nghệ thì họ buột phải im lặng, xấu đẹp gì mặc xác ta, nhất nhất phải làm theo ý hoạ sĩ của ta , cấm có mở miệng tư vấn bậy bạ. Nếu chuyên môn ta yếu quá, cần người tư vấn có nhờ vả thì nhờ vả khảo cổ Tây Mỹ gì đó, cấm có nhờ Trung quốc mà mang tội với tổ tông.

Lo thay..lo thay... :)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Chắc những người Trung Quốc ấy làm việc đơn thuần vì kinh tế thôi, thấy đặt hàng thế nào thì làm thế ấy. Rin86 nghĩ họ cũng vô tư thôi. Rin86 tiếp xúc với nhiều người Trung Quốc thấy họ cũng rất bình thường và có nhiều điểm giống người Việt Nam, đó là những điểm chung của hai dân tộc. Và có rất nhiều việc ta phải học hỏi họ, trong việc này là một ví dụ, họ chuyên nghiệp hơn ta rất nhiều.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Kỳ 3. Kỳ 3: Một thị trường toàn diện

SGTT - Ở chung khách sạn, mà người Trung Quốc thường gọi là tửu điếm, mới thấy người Trung Quốc thực sự bước vào xã hội thị trường. Đoàn phim Việt Nam khi lấy cơm hộp ai nấy đều mang về phòng, diễn viên Trung Quốc đều ăn ngay tại chỗ ở ngoài hè. Sáng dậy, họ vén ngay rèm để ánh sáng chiếu vào nhà, và nếu viết lách cũng bật ít bóng điện.

Khu trường quay Minh Thanh, Cố cung. Ảnh: Phạm Xuân Hải

Thông thường khách sạn khi rút chìa khoá là điện cũng tắt, nhưng người Việt luôn sáng chế, đút ngay một miếng bìa vào lỗ điện thế là điện sáng bất cứ lúc nào, và khi ra khỏi phòng cứ để sáng choang và cả điều hoà, thậm chí tivi vẫn mở. Người Việt Nam vẫn chưa thực sự bước vào xã hội thị trường. Họ có thể tiết kiệm cái gì của mình, nhưng của công, tiền khách sạn đã mất tiền, cứ việc xài cho đã. Hôm nay võ sư đến huấn luyện cho các diễn viên lịch sử, nhưng 8 giờ 30 sáng, vẫn không thấy học trò nào…

Nông dân làm dịch vụ

Ở Biện Kinh tửu điếm này, nơi chúng tôi sống, muốn vào mạng phải mua thẻ 100 tệ/tháng. Muốn mua sim gọi điện cũng 100 tệ cho 200 phút gọi ở Trung Quốc và vài chục phút về nước, hết tiền là hết cả gọi lẫn nghe. Muốn có hai chìa khoá phòng, nộp 50 tệ. Nước nóng không có từ 12 giờ trưa đến 6 giờ chiều. Hoành Điếm có nhiều khu trường quay và tham quan, vào mỗi khu giá vé từ 80 – 100 tệ. Nơi đây có thể coi là thành phố nhưng chưa có dịch vụ taxi, đi lại thông thường chỉ có xe ba bánh chạy dầu khét lẹt và chậm như rùa do những nông dân phục vụ. Trong cái giá lạnh chừng 0 đến âm 4 độ, họ bịt xe kín như cái ôtô và mặc chiếc áo bông bộ đội xanh dài đến quá đầu gối như thời cách mạng văn hoá. Chợ búa cũng chia rõ ràng, các cửa hàng sang trọng hàng hoá đắt hơn, chợ trời ban đêm rẻ hơn, nhưng chìm ngập trong gió hú và sương mù, cũng gần đó nhiều hàng ăn ngay nóng, cũng của nông dân bán. Nào bánh bao, thịt xiên các loại, cả các loại rau quả và tôm cá xiên nóng hổi và hấp dẫn. Khi bạn ăn xong chủ hàng còn tặng cho một quả chuối. Người Trung Quốc nhẫn nại trong cuộc sống của mình, họ luôn cười trước mọi biểu hiện của khách hàng.

Đã là thị trường phải có người tiêu dùng, và chiếm lấy lòng người tiêu dùng, để móc hết hầu bao của họ mà vẫn vui vẻ, thế mới là bán hàng. Thị trường Trung Quốc cũng có những cao chiêu nhất định, đó là sự kết hợp giữa tiết kiệm năng lượng và tạo cảm giác khâm phục văn hoá và kỹ nghệ Trung Quốc.

Từ trước tôi vẫn thắc mắc tại sao lớp bình dân Trung Quốc lại nấu ăn trên mỗi một cái chảo? Cái chảo này được đun nóng để đỏ lên, đưa thức ăn gì vào cũng chín rất nhanh. Một bữa cơm bình dân sáu món ở miền tây, họ làm xong trong vòng 15 phút, có khi nhanh hơn. Người Trung Quốc từ thượng cổ rất thiếu năng lượng, họ không thể đun bếp dầm dề đến cả vài giờ đồng hồ như người Việt, dù là bếp gas hay bếp điện, bếp củi lại càng không. Nhiều thành phố không có xăng dầu, ôtô chạy bằng khí gas, còn người dân phổ biến dùng xe máy và xe đạp điện. Điều này cũng làm cho thành phố bớt ô nhiễm đi nhiều. Ga tàu, cửa hàng, thang máy hai chiều thường chỉ chạy chiều lên.

Mùa đông cây cỏ khó mọc, nên thịt muối và rau củ muối, phơi khô rất thịnh. Các vùng núi phía tây còn khắc nghiệt hơn, nhiều nơi vẫn không làm nhà vệ sinh và không tắm quanh năm, nhất là các vùng núi giáp Tây Tạng và Tây Tạng. Ôtô khách có thể chạy 1.000km/đêm, nhiều du khách lang thang cứ đêm ngủ trên ôtô, ngày tới thăm một địa phương mới. Từ thượng cổ Trung Hoa đã là một nước đông dân, để có việc làm, có miếng ăn, ai nấy phải lành nghề, hơn nữa có độc chiêu. Những nghề độc chiêu chỉ truyền cho con cháu, vì thế mà gia tộc mới đời đời tồn tại. Người bán hàng ăn sáng ở Hà Nội cho đến ngày ông ta trở về nước, lạc vẫn giòn và thơm như vậy, vị phở, vị mì của người tàu ở bất cứ đâu hàng trăm năm không có gì khác. Đó chính là truyền thống và lòng tự trọng kinh doanh. Viên thuốc bé bằng 1/3 hạt đậu xanh, lại in ba chữ Lục thần hoàn lên trên, cho đến nay vẫn là bí mật của một hiệu thuốc.

Người mẹ Trung Hoa bán hàng ở chợ. Ảnh: Phan Cẩm Thượng

Lòng tin

Ở Hoành Điếm này, tôi thấy mọi người mua táo ở chợ, chùi vào áo rồi ăn cả vỏ một cách ngon lành. Táo tàu ăn cả vỏ rất ngon. Thế nhưng những quả táo tàu xuất sang nước ta lại không thể ăn được như vậy, chúng đã được các thương gia ngâm thuốc bảo quản thực vật, nên ta thường phải ngâm nước lã hồi lâu, và ăn thì gọt vỏ. Nếu như chúng tôi thường không mua táo tàu ở nhà, thì sang đây thỉnh thoảng lại mua chén. Thị trường là như vậy, nó cần hoạt động bởi lòng tin, hình ảnh cô gái má đào Trung Hoa chùi quả táo vào áo và ăn luôn đó là biểu thị của lòng tin. Chỗ nào thiếu lòng tin, thì người ta cần đến sự can thiệp của chính phủ, như vụ sữa trẻ em chẳng hạn. Thị trường và con người trong thị trường cũng phát triển. Nhiều người Trung Hoa có thể chưa vừa lòng với nhiều chính sách nhà nước, nhưng cũng nói rằng hàng Trung Quốc rất tốt. Các diễn viên Trung Quốc ở cùng với chúng tôi, tập tành cả ngày, ý thức nghệ thuật rất chuyên nghiệp, không giống chút nào với diễn viên Việt. Tất nhiên điện ảnh của họ có nhiều mục tiêu vươn lên đỉnh cao sánh với Hollywood, diễn viên đóng bộ phim này thì nghĩ đến bộ phim khác quy mô hơn, đạo diễn nổi tiếng hơn, có thị trường lớn hơn. Chân núi có thể là bộ phim chiếu cho một đài truyền hình địa phương, nhưng đỉnh núi có thể là chiếu cho cả thế giới. Nghệ thuật của chúng ta đang đi ngang, nó đã từng không cần đến khán giả, không biết đến đỉnh cao, cho nên diễn viên có thể vẫn đóng hàng trăm tập phim mỗi năm, nhưng chưa bao giờ ước vọng làm phim cỡ thế giới. Vì thế họ không quá lo học tập, tiến bộ, đạo diễn nào cũng vậy, trường quay nào cũng vậy, kịch bản nào cũng vậy. Bước vào một êkíp và trường quay chuyên nghiệp là một thử thách, mà những ngôi sao cần dẹp bớt chút ánh sáng của mình. Điều mà các diễn viên cho bộ phim Lý Công Uẩn lần này đang va chạm, thử thách, ngay cả với những diễn viên kỳ cựu rất am hiểu văn hoá dân tộc của chúng ta.

Ở Triết Giang đã có mưa tuyết nhẹ. Thoạt tiên là những cơn mưa lạnh ngắt, rồi những bông tuyết nhỏ nối theo mưa rơi xuống cũng tan ngay thành nước. Trời ẩm ướt và rét buốt. Khi cô phiên dịch kêu với anh hàng cơm tàu sao lại để thùng cơm cho người Trung Quốc lên bàn, và cho thùng cơm Việt Nam xuống đất, hôm sau anh ta cười và bảo: Tao đã cho cơm của chúng mày lên bàn rồi, và đây nhé cơm Trung Quốc dưới đất. Thực ra cái bàn rất hẹp, cái nọ lên bàn thì cái kia phải xuống đất thôi.

Phan Cẩm Thượng

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay