Thiên Sứ

Tác Quyền Bài Quốc Ca Và Việt Sử 5000 Năm Văn Hiến.

3 bài viết trong chủ đề này

Quí vị và anh chị em quan tâm thân mến.

Trên web Tuanvietnam có bài viết về tác quyền của bài Quôc Ca. Xem xong, tôi ngậm ngùi nghĩ đến Việt sử 5000 năm văn hiến. Sở dĩ có sự liên hệ này tôi sẽ hân hạnh trình bày sau. Xin quí vị và anh chị em xem bài viết trên Tuanvietnam.net.

-------------------------

"Người bảo vệ" Quốc ca

Tác giả: Trần Thùy Linh Bài đã được xuất bản.

06/01/2010 06:00 GMT+7

Là một trong những người bạn thân của gia đình Văn Cao, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đã từng trải qua nhiều tháng vất vả để tìm ra những bí ẩn đằng sau những "thăng trầm" của Quốc ca. Ông cũng được mọi người gọi là "người bảo vệ" bài hát này.

Hồi ký của tác giả Quốc ca có ghi lại một thời điểm đáng nhớ, đó là những ngày mùa thu năm 1944, chuẩn bị khởi nghĩa. Lúc ấy, theo tin từ Hải Phòng báo lên, mẹ, các anh em và các cháu Văn Cao đều đang đói khổ. Bản thân ông còn phải đốt cả bản thảo và ký họa để vượt qua những ngày đói rét...

Sau khi thành lập Giải phóng quân ở chiến khu, Đảng có chủ trương thực hiện một bài hành khúc dành cho các chiến sĩ. Nhiệm vụ này đã được Vũ Quý - một cán bộ Việt Minh giao cho Văn Cao. Lúc đó, Văn Cao chưa hề biết chiến khu, chưa hề biết các chiến sĩ du kích nên cũng chẳng biết họ hát thế nào. Ông chỉ tâm niệm là phải viết một bài hát thật giản dị nhưng hùng tráng để các du kích quân dễ tập, dễ hát. Bài hát đã được viết tại ngôi nhà số 45 Nguyễn Thượng Hiền - Hà Nội.

Văn Cao đã hoàn thành Tiến quân ca trong nụ cười mãn nguyện của Vũ Quý. Lần đầu tiên Tiến Quân Ca được in trên báo Độc Lập, tháng 11 năm 1944, bằng bàn in đá do chính Văn Cao viết.

Posted Image

Ảnh lưu niệm giữa Văn Cao và Nguyễn Phúc Giác Hải

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi khi nghe Văn Cao hát bài này đã rất xúc động và đề nghị mỗi người viết một bài hát nữa về mặt trận Việt Minh. Sau đó, Nguyễn Đình Thi viết được bài Diệt phát xít, Văn Cao viết thêm bài Chiến sĩ Việt Nam. Cả hai bài hát đều hoàn thành trước hạn thách đố - ngày 2/9, và được phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Tiến quân ca trở thành Quốc ca

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải tiếp tôi trong căn nhà nhỏ của ông bên bờ sông Hồng. Và như để giải thích, ông nhắc lại câu hát: "Ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó/ Đêm nằm nghe trong gió, tiếng sông Hồng thở than".

Được biết ông qua báo chí là người đã từng bảo vệ bài Quốc ca, khi nghe tôi hỏi về bài hát này, ông kể: "Lúc Cách mạng Tháng Tám tôi 11 tuổi. Tôi còn nhớ, ngày 16/8, một cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim của công nhân viên chức Hà Nội được tổ chức tại Nhà hát Lớn. Nhưng vì mưa nên họ hoãn sang ngày 17. Cũng trong ngày này, hội nghị Tân Trào kết thúc, ban hành lệnh Tổng khởi nghĩa.

Bằng các tổ chức có chỉ đạo và tự phát của Đảng bộ địa phương, ngày 17/8, Việt Minh cướp micro của cuộc mit-tinh. Vào lúc 2h chiều, lá cờ đỏ sao vàng rất to buông từ tầng 2 xuống tầng 1 Nhà hát Lớn. Việt Minh rút súng chĩa lên, hô mọi người "ủng hộ Việt Minh". Sau một thời gian dài hoạt động ngầm, đây là lần đầu tiên Việt Minh thực sự xuất hiện trước nhân dân.

Posted Image

Lưu bút của Văn Cao khi về thăm quê

Nguyễn Phúc Giác Hải Đến ngày 19/8, Việt Minh đã tung truyền đơn và gián áp phích kêu gọi ủng hộ Việt Minh. Sau mit-tinh là các cuộc tuần hành hô vang khẩu hiệu "ủng hộ Việt Minh", vòng quanh các con phố. Khắp đường, người ta truyền nhau hai bài Tiến quân ca và Diệt phát xít. "Thời đó, chúng tôi còn là thiếu nhi. Chúng tôi được các anh chị của đội vũ trang tuyên truyền dạy hát các bài Diệt phát xít, Tiến quân ca và Chiến sĩ Việt Nam. Đi đâu chúng tôi cũng hát. Sau đó, quân tàu Tưởng kéo vào Hà Nội theo một hiệp ước thay thế quân đội Pháp, tước vũ khí quân đội Nhật.

Trước tình hình đất nước và thủ đô còn đang bỏ trống, chính phủ Pháp tan rã do đảo chính quân đội Nhật, Nhật thì đầu hàng Đồng Minh, chính phủ Trần Trọng Kim thì rệu rạo. Việt Minh cướp chính quyền. Đúng 14h30 ngày chủ nhật, mùng 2/9, lễ Tuyên Ngôn Độc Lập được tổ chức và bài Tiến quân ca được chọn làm bài cử lúc kéo cờ. Lúc đó, bài Tiến quân ca được xem như Quốc Ca không chính thức".

Ngày 06/01/1946, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khai mạc. Trong buổi họp đó, người ta cũng cử bài Tiến Quân Ca. Một nhóm đại biểu đồng thanh hát bài Tiến Quân Ca, kéo theo toàn bộ đại biểu cùng hát. Nhưng phải đến tháng 11 năm 1946, Tiến Quân Ca mới chính thức trở thành Quốc Ca trong phiên họp Quốc hội thông qua Hiến pháp. Trong Hiến pháp có ghi: "Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng - Quốc Ca là Tiến Quân Ca".

Bước gập ghềnh của bài Tiến quân ca

Posted Image

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (Ảnh: Thùy Linh)

Ông Hải nói, trong bài hát Tiến quân ca có lời "Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa". Tôi không ngờ rằng bước gập ghềnh ấy lại rơi đúng vào bài hát này. Ngày 19/12/1946, Toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Tới năm 1948, nhạc sĩ Văn Cao được Bác Hồ tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất vì có công sáng tác bài Quốc ca. Năm 1956, hòa bình lập lại, nổi lên vụ "Nhân văn - Giai phẩm".

Văn Cao vì có vẽ một số tranh minh họa, bị liệt vào diện "Nhân văn - Giai phẩm". Ông bị "treo giò" không được hoạt động nghệ thuật nữa. Bản thân ông cũng chán và không muốn sáng tác nữa.

Năm 1976, thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Năm 1980, ban hành Hiến pháp mới của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trong đó không ghi Quốc ca là Tiến quân ca nữa.

Trong khi chờ đợi sáng tác Quốc ca mới, người ta cử Quốc thiều (nhạc không lời của Tiến quân ca) và tổ chức thi sáng tác Quốc ca. Cuộc thi không thành công, và sau đó cũng không thấy nhắc gì đến kết quả của cuộc thi nữa.

Năm 1991, để chuẩn bị dư luận cho việc thay đổi Hiến pháp vào năm 1992, người ta tìm cách đặt vấn đề Tiến quân ca có hai tác giả. Văn Cao chỉ là tác giả phần nhạc, còn phần lời có thêm sự đóng góp của một tác giả thứ hai, tạm gọi là ông X. Một tờ báo tên tuổi thời bấy giờ đăng lên trang nhất bài báo nhan đề "Tiến Quân Ca có hai tác giả?" và đưa ảnh Văn Cao cùng với ảnh của ông X.

Việc ấy xuất phát từ thực tế, từng có một thời kỳ người ta tìm thấy một bản nhạc bướm có nhan đề là Tiến quân ca, nhạc Văn Cao, lời Đ.H.X. Sau đó, bản này được đưa vào tập nhạc "Thanh niên hát" - Nhà xuất bản Thanh Niên.

Sau khi báo đăng, dư luận xôn xao, nhạc sĩ Văn Cao không có cách gì biện minh. Kể từ năm 1957, sau khi bị "đánh" vì tội Nhân văn - Giai phẩm, Văn Cao chỉ tìm đến rượu. Từ đó, ông không còn sáng tác nào nữa. Lại thêm vụ "Quốc Ca có hai tác giả", ông thực sự suy sụp.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải lúc ấy đang công tác tại Viện Khoa học Việt Nam và đang có những phát hiện mới về nguồn gốc tên nước Việt Nam nên ông có nhiều tư liệu liên quan đến lịch sử, đến ngày độc lập mùng 2/9 và đến bài Tiến Quân Ca.

Vốn có quan hệ với Cơ quan Bảo hộ Quyền Tác giả, ông được mời tham gia điều tra xác minh sự thật về vụ tranh chấp này. Ròng rã 6 tháng trời đi tìm sự thật, việc đầu tiên là ông phỏng vấn nhạc sĩ Văn Cao về quá trình sáng tác ca khúc này, sáng tác ở đâu, quan hệ với ông X ra sao? Từ đó, ông tìm ra chi tiết nhạc sĩ Văn Cao và ông X là hai người quen nhau từ trước năm 1945.

Năm 1944, nhạc sĩ Văn Cao ở nhờ ông X, đúng trong giai đoạn sáng tác Tiến quân ca. Lúc đó, ông X có biết đến việc này. Bài Tiến Quân Ca định cho đăng trên báo Độc Lập số đầu tiên nhưng không có người vẽ bản nhạc. Đối với việc in trên bàn đá, người ta dễ dàng viết chữ ngược nhưng khó có thể vẽ bản nhạc ngược nếu không phải là người biết nhạc. Vì thế người ta bố trí Văn Cao tới vẽ trên bàn in đá.

Người ta đưa Văn Cao đến một địa điểm bí mật bên sông Hồng vào buổi tối, sau này được biết đó là một căn gác xép của một ngôi nhà ở làng Bát Tràng. Lúc đó, Văn Cao đã đề dưới bài Tiến quân ca: nhạc ANH THỌ, lời ANH DŨNG. Ngày ấy, lối viết chữ in hoa không đánh dấu nên đọc thành Nhac ANH THO và Loi ANH DUNG.

Posted Image

Bản nhạc ông X. tặng Văn Cao

Posted Image

Bản nhạc trên Thanh Niên hát Khi bài Tiến quân ca được quần chúng biết tới, người bạn của Văn Cao là ông X đã nói với Văn Cao cho mình nhận phần lời để khoe với người yêu - cô Dung, là đã đưa tên cô Dung vào bản nhạc. Ông X nói với bạn gái mình: Văn Cao có cô bạn tên là Thọ nên ký bút danh của Tiến quân ca là ANH THO cho phần nhạc, còn mình ký là ANH DUNG cho phần lời để ngầm thể hiện tình cảm với cô Dung. Lúc ấy, cả Văn Cao lẫn ông X đều là những người trẻ tuổi. Văn Cao sinh năm 1922, sáng tác Thiên Thai, Suối mơ, Trương Chi lúc 17, 18 tuổi và sáng tác Tiến Quân Ca lúc 22 tuổi. Ông X đề nghị như vậy Văn Cao cũng chẳng quan tâm.

Đến khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, thấy bài hát được quần chúng nhiệt liệt ủng hộ, ông X bèn xuống Hải Phòng bắt một nhà in phải phục vụ cách mạng bằng cách in 5000 tờ bướm bài Tiến quân ca và tự gài tên mình vào: Nhạc Văn Cao, Lời Đ.H.X. Đó là nguồn gốc của những rắc rối sau này.

Ông X vốn có đầu óc kinh doanh, rủ Văn Cao thành lập Nhà xuất bản Đỗ Văn (ghép họ của hai người) để in những bản nhạc của Văn Cao. Đối với những bài hát dễ làm lời, chẳng hạn bài Thăng Long hành khúc vốn có hai lời của Văn Cao, ông X làm thêm một lời thứ ba và đề tên tác giả: Nhạc Văn Cao, Lời Văn Cao và Đ.H.X. Ông Hải nói: "Ông X có ký tặng tôi bản photocopy bản nhạc này. Khi tôi hỏi lại Văn Cao điều này, Văn Cao nói: "Ông ta làm gì tôi chẳng biết".

Với tư cách là cộng tác viên của Cơ quan Bảo hộ Quyền Tác giả Việt Nam, ông Hải được cấp giấy giới thiệu phỏng vấn ông X về vụ việc này. Ông Hải nói với ông X: " Đề nghị anh cho chúng tôi tất cả thông tin, nếu lẽ phải thuộc về anh, chúng tôi sẽ bênh vực anh, nếu lẽ phải thuộc về anh Văn Cao, chúng tôi sẽ bênh vực anh Văn Cao".

Ông X đã cung cấp toàn bộ thông tin, trong đó có bản Thăng Long hành khúc nói trên. Qua đó, ông Hải biết lối viết thêm phần lời để được ký tên chung với Văn Cao.

Ông Hải nghĩ, nếu ông X là tác giả Tiến quân ca thế nào ông ấy cũng ghi trong lý lịch. Thế là Cơ quan Bảo hộ Quyền Tác giả cử người đi cùng ông Hải cầm giấy giới thiệu đi điều tra lý lịch ở cơ quan cũ của ông X.

Quả đúng như dự đoán, ông X đã ghi trong lý lịch là tham gia phần lời bài Tiến quân ca và biết rằng để đề cao thành tích của mình, khi ông X làm quản lý Báo Quân Bạch Đằng, ông đã bố trí người phỏng vấn mình về bài Tiến quân ca.

Còn việc in 5000 tờ bướm Tiến quân ca có đề tên mình thì tố lên thành in một vạn tờ để tăng thêm thành tích. Ông Hải cười nói: "Về điểm này, ông X tỏ ra rất thành thực". Để xác minh, ông Hải hỏi ông X: "Khi làm phần lời, ông X dùng nhạc cụ nào?". Ông X trả lời: "Tôi dùng cây đàn Banjo Anto", tức là một cây đàn mặt trống có bốn dây, cán dài hơn cây đàn Banjo Lin.

Nghe vậy, ông Hải đi tìm mượn ở cửa hàng nhạc cụ một cây đàn Banjo Anto và đề nghị ông X thử chơi lại bài Tiến quân ca bằng cây đàn này. Ông X không đánh được. Khi ông X khoe mình tham gia in bài Tiến Quân Ca, ông Hải hỏi: "Tiến quân ca lần đầu tiên in ở đâu?".

Ông X cũng không trả lời được. Tất cả những cuộc phỏng vấn trên đều được ông Hải phỏng vấn ghi âm công khai và các băng đó đều được phát cho Cơ quan Bảo hộ Quyền Tác giả nghe lại. Ngày nay, ông Hải vẫn còn giữ những băng này. (Ông Hải vừa cười vừa nói: "Những băng này là tôi bỏ tiền túi ra làm nên tôi có quyền được giữ nó").

Điểm chủ chốt để xác minh ông X không là tác giả phần lời bài Tiến quân ca, ông Hải đã bố trí phỏng vấn ghi hình ông X tại Cơ quan Bảo hộ Quyền Tác giả. Khi bị hỏi: "Do nhận thức nào mà ông X đã viết câu Bắc Sơn cùng Đô Lương, Thái Nguyên ở phần kết lời hai bài Tiến Quân Ca?". Ông X đã không trả lời được.

Ngồi im một lát, ông X nói: "Phần lời đó là do anh Văn Cao viết". Khi Cơ quan Bảo hộ Quyền Tác giả hỏi: "Thế tại sao ông lại cho in bản nhạc đề là lời do ông viết hoàn toàn?" thì ông X im không nói gì.

Cùng với nhiều chứng cứ khác nữa, Cơ quan Bảo hộ Quyền Tác giả đã kết luận "Không có bằng chứng nào cho thấy ông X tham gia viết lời bài Tiến quân ca".

Ngày 28/3/1992, Cơ quan Bảo hộ Quyền Tác giả đã họp báo chính thức công bố kết luận của Cơ quan Bảo hộ Quyền Tác giả về phần lời của nhạc phẩm Tiến quân ca, nay là Quốc ca của nước CHXHCN Việt Nam.

Kết luận này được thông báo trên tất cả các cơ quan báo chí lúc bấy giờ. Trong buổi họp báo này, ông Hải được cử trình bày các lập luận dẫn đến kết luận của Cơ quan Bảo hộ Quyền Tác giả.

Một tờ báo thời ấy đã ghi: "Kết luận này được công bố ngay trong thời gian Quốc hội đang họp là một đóng góp có ý nghĩa, để khẳng định một vấn đề lịch sử mà dư luận quan tâm và Quốc hội trong các kì họp trước đã lưu ý giải quyết.

Tại cuộc họp trên, các nhà báo đã hoan nghênh tinh thần trách nhiệm và sự vô tư của Cơ quan Bảo hộ Quyền Tác giả, đặc biệt sự nhiệt tình của ông Nguyễn Phúc Giác Hải, cộng tác viên của Cơ quan Bảo hộ Quyền Tác giả đã làm việc không kể ngày đêm để tìm ra sự thật.

Bài viết "Tiến Quân ca chỉ có một tác giả" của ông đăng trên báo Giáo dục và Thời đại ngày 29/11/1991 và tạp chí Thế giới mới sau đó đã phản ánh trung thực quan điểm của Cơ quan Bảo hộ Quyền Tác giả, được công bố khẳng định trong cuộc họp báo này" (Trích Báo Giáo dục Thời đại số 14 - Số Đặc biệt ra ngày 6/4/1992).

Từ kết luận này của Cơ quan Bảo hộ Quyền Tác giả Việt Nam, kì họp Quốc hội tháng 4 năm 1992 đã thông qua Hiến pháp mới, lần này ghi rõ: "Điều 143: "Quốc Ca nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca".

Tiếp đó, các báo Thế giới mới và Tiền phong đã đăng bài giải trình kỹ lưỡng của ông Hải về vụ việc này. Đó chính là những lý do người ta gọi Nguyễn Phúc Giác Hải là "người bảo vệ sự trong sáng của bài Quốc Ca".

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tác quyền bản Quốc ca thuộc về Văn Cao - tôi cũng nhận thấy như thế với những bằng chứng suy luận của riêng tôi. Ông X nào đó chẳng có thể làm ra một bài Quốc ca như vậy. Nhưng đấy không phải chuyện của tôi xía vào. Việc này đã có ông Giác Hải xác định và mọi người công nhận. Nhưng sau khi xem câu chuyện tranh chấp tác quyền này, tôi ngậm ngùi vì chợt nhận thấy rằng: Lịch sử chưa lùi quá sâu. Ngững người còn sống liên quan vẫn còn sở sờ ra đấy. Vậy mà người ta phải tốn bao công lao và giấy mực mới xác định được tác quyền của một bản nhạc. Phe bên "nhận vơ", cũng đầy đủ chứng cứ, văn bản "cổ" và di vật "cổ" đấy chứ!?

Nhưng cuốiii cùng thì ông Giác Hải vẫn phăng ra bởi những chứng cứ rất cụ thể qua phỏng vấn và ghi âm. Chúng ta thử tưởng tượng rằng chỉ 100 năm sau đó, những người như ông Giác Hải qua đời, một nhà "ngâm cứu" rách việc nào đó trưng ra những bằng chứng một chiều và kết luận: Nhạc sĩ Văn Cao không phải tác giả bài Quốc ca thì mọi chuyện sẽ ra sao nhỉ?

Việt sử thì không phải chỉ 100 năm, mà hàng ngàn năm đã trôi qua. Trong đó có hơn 1000 năm Bắc thuộc với một sự đô hộ khốc liệt mang tính xóa sổ văn hóa Việt. Nhưng người ta vẫn xưng xưng phủ nhận Việt sử 5000 năm văn hiến.

Chán thật.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Xem mục này LX nhớ lại hồi 1990-1991 gì đó báo chí thời ấy rộ lên vụ một ông Đỗ hữu Ích nào đó giành một phần tác quyền bài Tiến quân ca , dư luận hồi đó nói chung đều ủng hộ nhạc sỹ Văn Cao .

Chi tiết này trong bài có lẽ không chính xác :

" Kể từ năm 1957, sau khi bị "đánh" vì tội Nhân văn - Giai phẩm, Văn Cao chỉ tìm đến rượu. Từ đó, ông không còn sáng tác nào nữa."

Nếu LX nhớ không nhầm thì có lẽ nhạc phẩm cuối cùng của nhạc sỹ Văn Cao là bài 'Mùa xuân đầu tiên ' năm 1976

http://www.baoanhdatmui.vn/vcms/html/news_...il.php?nid=3086

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay