Posted 6 Tháng 1, 2010 Đầu Xuân nói chuyện Phong Thủy ĐIỀN THẢO Tục truyền rằng, mẹ vua Đinh Tiên Hoàng đã đem hài cốt cha của ông, là một con rái cá, táng vào hàm rồng. Nhờ vậy gia thế phất lên. Sau này cậu bé Đinh Bộ Lĩnh lớn lên tiến rất nhanh trên đường võ nghiệp, phát huy tài thao lược, dẹp loạn mười hai sứ quân, thống nhất sơn hà và trở thành vua nước Nam ta.Bỏ đi những yếu tố thần bí của câu chuyện và nếu như cổ tích này đã được tạo dựng vì một lý do tâm lý nào đó ngay từ thời vua Đinh xưng vương thì môn, hay ít ra những ý niệm về phong thủy, đã du nhập vào và ảnh hưởng đến phong hóa Việt từ rất lâu. Địa lý, phong thủy đã là nguồn hứng cho nhiều mẩu truyện dân gian, lôi cuốn người nghe vào những buổi tối trong thời kỳ còn thắp đèn dầu leo lét. Thế nhưng ánh sáng điện khí đã chẳng làm mờ nhạt câu chuyện phong thủy mà còn dọi thêm mong làm sáng tỏ những ý niệm "lờ mờ và kỳ bí" này. Càng ngày càng nhiều sách vở viết về phong thủy, tin tưởng và áp dụng phong thủy. Phong thủy và đời sống. Phát xuất từ Đông phương, phong thủy ngày nay đang lấn chiếm vào lãnh vực văn học và đời sống của Tây phương. Phong thủy hấp dẫn vì phong thủy gắn liền với đời sống. Chắc hẳn nhiều người tin rằng hiểu phong thủy là một trong những nhân tố đưa vua Đinh lên ngôi. Ngày nay nhờ thầy địa lý coi phong thủy trước khi khai mở một cửa hàng doanh nghiệp là chuyện phồ biến. Biết và tin phong thủy chỉ ...từ huề tới thắng chứ chẳng thiệt ! Phong thủy khác với những hệ thống triết lý khác ở chỗ nó có khả năng thay dổi nội tại. Phần lớn các hệ thống triết lý tiến triển từ những nguyên tắc tương đồng, từ thực tế mà hình thành. Hiểu biết khung cảnh thiên nhiên đóng một vai trò quan trọng. Xưa kia người ta tin rằng những hiện tượng thiên nhiên xẩy ra trong vũ trụ mang tính chất thần thánh, siêu nhiên, mà nếu phục tùng sẽ mang lại phúc lợi cho bản thân và những thân bằng quyến thuộc. Khi một hệ thống được thiết lập thành một tôn giáo thi các thần linh sẽ được thờ cúng. Riêng phong thủy vẫn giữ nguyên tính cách triết học của nó và có thể được sử dụng trong các nền văn hóa khác biệt, song song với những hệ thống tín ngưỡng khác nhau. Thực ra thì môn phong thủy khởi đầu rất đơn giản và thực tiễn. Đó là một khoa học thực nghiệm về môi sinh. Người ta tìm hiểu và giải thích các hiện tượng thiên nhiên như mưa gió, thủy triều, sự chuyển dịch của các thiên thể để tính thời gian hầu áp dụng vào việc cầy cấy, thu hoạch mùa màng cho có kết quả. Ở đâu cũng vậy, nghề nông trông cậy nhiều vào mưa thuận gió hòa. Trải qua nhiều thế kỷ, môn phong thủy trở nên phức tạp hơn và vì mục đích đi xa hơn là việc đồng áng. Vượt khỏi biên giới Trung Hoa, những người cổ võ phong thủy lan dần đến các nước khác, những tin tưởng của họ được biến cải để thích ứng với phong hóa địa phương, rồi những câu truyện dân gian và những truyện mê tín dị đoan được tạo dựng chung quanh nó là điều không tránh khỏi. May mắn là những nguyên lý cơ bản dựa vào đó người ta xây dựng môn phong thủy được ghi lại qua sử sách, đặc biệt là bộ Kinh Dịch. Dân chúng tại các nước vùng Viễn Đông chung quanh Trung Hoa như Việt Nam, Đại Hàn, Nhật Bản... rất quen thuộc với những ý niệm về khí, về âm dương và ngũ hành. Phổ quát và tin tưởng đến độ lá cờ của Nam Hàn mang nguyên biểu tượng âm dương, ba sọc trên cờ vàng của Việt Nam Cộng Hòa cũng là một quẻ trong bát quái. Tục truyền rằng vào thuở ban sơ, người ta thực hành phong thủy ở từng cá nhân nhiều hơn, giúp cho con người sống an lạc. Thế rồi sau này càng ngày khung cảnh ngoại giới càng trở nên đa tạp, vì văn minh cơ khí kỹ thuật. Từ đó môn phong thủy chú ý nhiều đến viêc tái lập sự hài hòa và cân bằng của ngoại giới, nhưng chung quy vẫn là mưu cầu hạnh phúc cho con người. Khí trong phong thủy. Từ ngàn xưa phương đông quan niệm rằng vũ trụ do khí mà sinh ra. Khí là hơi thở của vũ trụ, là nguyên ủy sự sống, là sinh lực của vạn vật. Khí biểu hiện khi vòm trời chuyển động, khi thời tiết biến chuyển, ở các hình thái khí hậu, nơi các sóng đất nhấp nhô, lúc hải triều tiến thoái, nơi cơ thể biến dạng, khi tình cảm, ý nghĩ thay đổi, ngay cả công việc, tài sản đổi thay cũng là biểu hiện của khí. Mọi sự do khí mà ra, hiện hữu qua khí, và rồi trở về với khí. Khí tụ thì sống; khí tán thì chết. (Nhân sinh dã, khí chi tụ dã; tụ tắc vi sinh, tán tắc vi tử...Cố viết thông thiên hạ nhất khí nhĩ. - Trang Tử) Khí là một ý niệm rất phổ biến trong dân gian ở Viễn Đông từ lâu nhưng lại rất xa lạ đối với người Phương Tây. Ở bên Trung Hoa, quần chúng tập T'ai-Chi để giúp cho khí lưu chuyển đều hòa trong cơ thể. Cây kim trong thuật châm cứu giúp đả thông kinh mạch khi khí bị tắc nghẽn. Đông y dùng cỏ cây với đặc tính đặc biệt tăng cường sinh lực để điều hòa khí lúc mất cân bằng. Chu kỳ của khí là điểm chung cho mọi vật, vượng rồi suy. Chúng ta thường hay đùa - nhưng rất đúng - rằng sắc đẹp của người đàn bà nào cũng vậy, đẹp hay xấu, giầu hay nghèo, sang hay hèn rốt cuộc rồi cũng tàn phai theo thời gian. Ngay cả cụm núi sừng sững kia tưởng chừng như bất biến, nhưng so với chiều dài của vũ trụ, thì đời sống của cụm núi chỉ là một chớp mắt. Con người bị giới hạn trong không gian và thời gian không thể hiểu thấu hết cái huyền bí của vũ trụ. Như Trang Tử đã ví von: "Con ếch trong giếng làm sao nói về biển cả, vì nó bị không gian giới hạn; con bướm mùa hè, làm sao nói về cảnh giá tuyết mùa đông, vì nó không biết gì xa hơn đời nó". Đời người ngắn ngủi. Thế nên môn phong thủy, mặc dù đã được hình thành từ rất lâu, là công trình bồi đắp của nhiều thế hệ. Bây giờ và mai sau, môn phong thủy vẫn tiếp tục cải biến, vì các nguyên lý không bao giờ hiểu hết, vì môi sinh tiếp tục thay đổi. Theo khoa học của Lão, vũ trụ cũng là một sinh vật, có đầy đủ cuộc sống mà khí có thể nói là linh hồn. Nhiều khi vũ trụ biểu hiện như một con rồng khổng lồ bay lượn xuyên qua thời gian, không gian, trời và đất. Rồng biểu tượng của phong phú, của bổ dưỡng. Rồng trỗi dậy từ đáy biển rồi bay cao lên trời. Rồng biểu hiện trong mây ngày mưa bão, nơi những tia chớp. Sấm sét là tiếng gầm thét của rồng. Rồng theo mưa sa xuống mặt đất. Rồng trỗi dậy thành đồng lúa thơm tho. Tìm hiểu phong thủy là nhìn môi sinh như là biểu hiện của khí. Khí biến dạng theo ba giai đoạn sinh khí, xú khí, sát khí. Một nơi có sinh khí, khi nơi ấy trong sáng, cỏ cây tươi tốt, thú vật lành mạnh, con người thinh vượng hạnh phúc, khi chốn ấy trông ra khung cảnh tươi tốt đẹp đẽ như vưòn tược, sông ngòi, biển cả, núi đồi, cánh đồng mầu mỡ...Khi bạn thấy hơi thở nhẹ nhàng, khoan khoái ở nơi nào, chính nơi đó có sinh khí. Mặt trăng đang tròn lên là sinh khí. Một nơi có xú khí nơi ấy hoang tàn, bề bộn, đất đai căn cỗi, súc vật bệnh hoạn, con người yếu đuối, nghèo khổ. Khi bạn thấy chán nản là lúc bạn đang có khí xấu. Sau khi đầy, trăng khuyết xuống để đi sang giai đoạn mới là khí xấu. Nếu bạn nổi khùng lên là đang có sát khí. Nơi nào khi tới bạn cảm thấy lạ lẫm, nguy hiểm nơi ấy có sát khí. Sát khí nằm cả trên lẫn dưới lòng đất. Sát khí trên mặt đất thường gọi là những mũi tên bí ẩn; nếu nằm dưới lòng đất gọi là độc tuyến. Độc tuyến làm tiêu tán tinh lực (energy) gây nên bệnh hoạn. Ở những nơi có điều kiện như thế, bạn dễ trở nên mệt mỏi, căng thẳng vô cớ. Một ngôi nhà dựng trên một vạt đất trũng, ẩm, không khí tù hãm vây nặng nề chung quanh là một ví dụ điển hình. Ngôi nhà dựng trên một cái hố ở phía dưới, là một ví dụ khác. Những mũi tên bí ẩn phát sinh trên mặt đất, môn phong thủy nói rằng chúng tác hại thần kinh, gây bệnh hoạn, làm tan vỡ những liên hệ tốt đẹp, gây trục trặc về tài chánh, ngăn trở vấn đề nghề nghiệp. Làm cách nào để nhận ra những mũi tên bí ẩn kia. Những hình ảnh trong các ví dụ sau đây có chung một điểm: "chướng tai gai mắt" đối với một người bình thường. Một ngôi nhà có thể nằm trong ảnh hưởng của các mũi tên bí ẩn: - nếu bị một con đường hay con rạch đâm thẳng vô cửa. - nếu từ cửa chính, nhìn ra ngoài một phần thấy cạnh của một ngôi nhà khác, một phần lại nhìn ra một khu đất trống. - nếu có vật gì nhọn đối thẳng vào cửa. - nếu cửa nhìn thẳng vào một mái nhà khác quá nhọn. - nếu ngôi nhà trực diện bên kia đường đổ nát. - Nếu trước cửa nhà có cây lớn bị chết hay đang tàn úa. - nếu bị vây, án ngữ bởi một công trình xây dựng lớn sững sững bên cạnh như một cây cầu lớn, một xa lộ, con đường xe lửa, một cao ốc, một tháp thu-phát tuyến. - nếu cửa nhìn ra một nơi có những hoạt động bất thường như: đồn cảnh sát, trạm xe chữa lửa, sòng bài, kho vũ khí. - nếu cửa nhìn ra thấy như đập vào mắt một nghĩa trang, nhà quàn, bệnh viện. - nếu cửa nhìn ra thấy ngọn đèn sáng loáng, hay đèn neon quảng cáo nhấp nháy liên tục. - nếu hàng xóm thường xuyên phát ra những tiếng la thét, cãi vã, đập phá... Chữ 'cửa' trong các ví dụ trên đây hiểu cho cả cửa ra vào và cửa sổ. Để chữa trị những diểm bất lợi đại loại như trên, nếu không khu trừ được thì các nhà phong thủy thường dùng gương phản chiếu, trồng cây hay dựng những hàng đèn để ngăn cản độc tuyến. Âm dương, ngũ hành trong phong thủy. Âm dương là hai mặt của khí. Âm dương là những lực tương tác để phát sinh tinh lực. Điện khí là một ví dụ. Âm dương là hai cực, vừa xung khắc, mâu thuẫn nhưng lại tương tác, tương hợp, bổ túc cho nhau và không thể tách rời nhau. Ví như một đồng tiền phài có hai mặt. Chiếc gậy chỉ có một đầu ta không thể nào quan niệm được. Âm dương liên tục chuyển dịch. Tên của bộ sách "Kinh Dịch" đã hàm chứa ý nghĩa thay đổi. Dịch là thay đổi biến hoá. Bản chất nước là âm, nhưng nước cuồn cuộn nơi một cuồng lưu lại trở thành dương. Nước có thể lạnh thành băng tuyết nhưng cũng có thể sôi sục biến thành hơi đẩy cả một con tầu khổng lồ trên biển cả. Trong âm có dương, trong dương có âm là vậy. Âm và Dương còn có khuynh hương lấn át nhau. Bất cứ nơi đâu âm hoặc dương chiếm ưu thế là nơi đó thiếu cân bằng, là bất bình thường, là bệnh hoạn, là xung khắc, đổ vỡ... Thức ăn thừa mứa hay thức ăn thiếu thốn đều dễ gây nên bệnh tật. Nghèo khổ trong cái thanh bình tạm bợ là mầm mống của loạn, của giặc giã. Giầu có phè phỡn là dấu hiệu đi đến bạc nhược suy tàn... Một sử gia Tây phương nhận xét rằng "bệnh viện ngày nay đầy nhóc những bệnh nhân vì ăn uống quá độ". Chẳng những quá độ mà còn quá chiều theo khẩu vị. Không may là những thức ăn mang nhiều âm tính thường hấp dẫn khẩu vị hơn. Đường, mỡ dễ ăn hơn mướp đắng, cà rốt. Đường mỡ cần thiết cho các cơ bắp vào thời khai phá (Pioneers) nhưng vào thời buổi văn phòng cao ốc hôm nay lại gây ra những bệnh giết hại con người nhiều nhất: bệnh tim mạch... Tái lập sự hài hòa và cân bằng âm dương là cách chữa trị hòan hảo nhất. Trong cuộc sống, nơi môi trường sống, nếu mất hài hòa, thiếu cân bằng, cần tái lập hai yếu tố đó để được yên vui: Đó chính là mục tiêu của môn phong thủy. Cả hai yếu tố này có ý nghĩa cả ở ngoại cảnh lẫn nội tâm. Môn phong thủy nhìn sự vật chung quanh cũng qua ý niệm âm dương, ví dụ: (Âm / Dương) Mặt trăng / Mặt trời Mùa đông / Mùa hạ Bóng tối / Ánh sáng Giống cái / Giống đực Bên trong / Bên ngoài Thấp / Cao Tĩnh / Động Số chẵn / Số lẻ Đất / Trời Lạnh / Nóng Mềm / Cứng Lũng / Đồi Vườn / Nhà Ngủ / Thức..v.v... Một số trong những lý thuyết khoa học mới nhất đã dẫn đưa chúng ta tới chỗ vỡ lẽ hiểu ra các nguyên lý trên đó môn phong thủy được xây dựng. Ngày nay người ta công nhận rằng mọi vật trong vũ trụ đều rung chuyển chứ không ở yên giống như người ta trước kia đã nghĩ. Tất cả giác quan của chúng ta và mọi vật chúng ta tiếp xúc đều rung động, phát ra một tần số nào đó và phản ứng lại một cách tích cực hoặc tiêu cực. Chúng ta đã quen thuộc với âm ba là những sóng đã đưa vô tuyến truyền thanh tới với chúng ta; sóng điện từ đưa vô tuyến truyền hình tới. Triết lý đông phương từ rất sớm đã đã đề cập đến những lực vô hình có ảnh hưởng đến con người mà cho tới nay nhờ vào những khám phá khoa học nhiều người mới tin chúng hiện hữu. Mầu sắc, hình thái, thực phẩm, thời tiết, ... tất cả sự vật chung quanh tác động đến chúng ta ở một mức độ tần số tốt hay xấu và chúng ta phản ứng lại một cách nào đó tùy tình trạng cá biệt của mỗi người. Trạng thái tâm thần con người ra sao lây lan sang khung cảnh chung quanh. Ngược lại, khung cảnh cũng tác động vào con người sống trong đó. Mối liên hệ giữa trong và ngoài này là lẽ đương nhiên vì con người cũng là một thành phần của vũ trụ. Nói khác cuộc sống có ba lực hỗ tương là: trời, đất, con người. Trời tương ứng với thời gian, Đất tương ứng với không gian. Tách khỏi không gian và thời gian, cuộc sống không thể quan niệm được. Âm dương là hai mặt của khí. Âm dương tương tác (interact, interplay) mà sinh ra vật chất chia thành năm yếu tố mà ngay từ thuở nhỏ chúng ta đã được giảng dậy đó là ngũ hành: Mộc - Hỏa - Thổ - Kim - Thủy. Ngũ hành là những hình thái biểu hiện khác nhau của khí. Ngũ hành là những yếu tố cấu tạo vạn vật trong trời đất kể cả con người. Cũng như âm dương hài hòa, ngũ hành cũng cần cân bằng trong vạn vật. Nếu một hành khuynh loát những hành kia, trục trặc sẽ xẩy ra. Thấu hiểu và cân bằng các yếu tố ngũ hành giữ vai trò chính trong việc thực hành phong thủy. Về thứ tự, mỗi người đọc theo một lối. Nếu đọc theo thứ tự trên sẽ dễ nhớ vì hành trước phù trợ hành sau: Kim sinh Thủy, Thủy dưỡng Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa tạo Thổ, Thổ chứa Kim, Kim sinh Thủy. Và nếu đọc nhẩy qua là chế khắc nhau: Kim khắc Mộc, Thủy trị Hỏa, v.v... Áp dụng vào thực tế, nếu như một môi trường nào có yếu tố khuynh loát, khắc chế yếu tố kia thì có thể tìm cách giảm thiểu sự xung khắc đó bằng cách đưa một yếu tố thứ ba thích hợp vào để cân bằng lại. Ví dụ để giảm thiểu sự xung khắc giữa Kim với Mộc, ta dùng Thủy. Dưới đây là bẳng tóm lược:Mộc giảm sự xung khắc Thủy với Hỏa. Hỏa giảm sự xung khắc Mộc với Thổ. Thổ giảm sự xung khắc Hỏa với Kim. Kim giảm sự xung khắc Thổ với Thủy. Thủy giảm sự xung khắc Kim với Mộc. Chúng ta hãy nghe các nhà phong thủy giải thích các đặc trưng của từng yếu tố: Mộc (cây cối): biểu tượng của mùa xuân, của đâm trồi nẩy lộc, của tăng trưởng. Khi mang âm dạng, mộc dễ uốn, mềm dẻo, chịu đựng được bão tố...Dưới dạng dương, mộc cứng cáp như cây sồi. Tích cực, mộc dùng làm gậy chống, tiêu cực mộc cung cấp cây thương. Người mạng mộc có nhiều nghị lực và khuynh hướng hợp quần. Là những người có nhiều gợi ý, mạng mộc dễ được người khác ủng hộ. Mạng mộc đưa ra phương thức nhiều hơn tham gia hành động. Khéo chân tay, thích nghệ thuật, hăng hái nhưng nhiều khi hay bỏ cuộc. Hỏa (lửa): biểu tượng của mùa hạ, lửa và hơi ấm. Hỏa mang đến ánh sáng, ấm áp, vui nhộn. Hỏa dễ bùng nổ và tiêu diệt. Tích cực, Hỏa biểu tượng của danh dự và công chính; tiêu cực, Hỏa hàm chứa tham tàn và chiến tranh. Người mạng hỏa có tài lãnh đạo mê say hoạt động, hấp dẫn người khác đi vào những con đường thường là phiền toái vì tính không thích bị cương toả, bất chấp luật lệ và không thấy hậu quả. Người mạng hỏa vui tính, có óc hài hước, khám phá, thương người nhưng ít kiên nhẫn, hay khai thác người khác và độc đoán. Thổ (đất): biểu tượng sự chăm bón môi sinh giúp hạt giống nẩy mầm; mọi sinh vật phát xuất từ và trở về với đất. Hành thổ đặc biệt vun bồi, trợ giúp và tương tác với từng hành khác. Công minh và nhạy bén là tính chất nổi bật của hành thổ. Người mạng thổ hay giúp đỡ và trung thành. Thực tiễn và kiên trì, người mạng thổ nổi bật trong những thời kỳ biến động; không hấp tấp, nhưng trợ giúp bền bỉ. Người mạng thổ bền bỉ và kiên trì nên nội lực vô song. Cũng chính vì vậy mà người mạng thổ cố chấp, câu nệ và dễ bị vạ lây. Kim (kim loại): biểu tượng mùa thu và sức mạnh. Hành kim tượng trưng sự cứng rắn, những ý nghĩ sáng chói, tính công bình, sự giao lưu. Kim loại có thể rất quý giá nhưng cũng có thể thành vũ khí sát phá. Người mạng kim có tính giáo điều, quả quyết, đeo đuổi từng mục tiêu một. Ngăn nắp, có óc tổ chức, người mạng kim điều hành cơ sở thương mại của mình một cách độc lập và thỏa mãn; hậu quả là cố chấp, thiếu mềm dẻo, không dễ chấp nhận sự giúp đỡ và ý kiến của người khác nên cô độc và buồn thảm. Thủy (nước): biểu tượng mùa đông và nghệ thuật, của vẻ đẹp, của sự giúp đỡ trong thông cảm, nhưng về mặt tiêu cực hành thủy hàm chứa sự mòn mỏi, lo âu, căng thẳng. Người mạng thủy dễ giao lưu với người khác, có thể thành một thuyết khách, một nhà ngoại giao, một đại diện thương mại sáng chói. Tính dễ thích ứng và mềm dẻo giúp người mạng thủy chấp nhận mọi sự một cách nguyên vẹn bao gồm cả cái hay lẫn cái dở. Về mặt tiêu cực, người mạng thủy đa cảm, phù phiếm, xoi mói. Theo môn phong thủy, sự hiểu biết dựa theo ngũ hành về từng người và sự vật chung quanh như thức ăn, thức uống, nơi ở, nơi làm việc, nghề nghiệp... giúp tạo hài hòa và cân bằng nơi cơ thể một người, giữa người với người, giữa người với sự vật để con người sống sung sướng hơn. Chẳng hạn nếu người tạng âm, tiêu thụ quá nhiều thức ăn mang âm tính tất nhiên sẽ phát bệnh vì mất quân bình âm dương nơi cơ thể. Để tái lập quân bình, cần khử bớt chất âm trong cơ thể, rồi dùng nhiều thức ăn dương tính hơn. Về nghề nghiệp, người hành nào nên chọn nghề trong hành đó, như vậy dễ thành công, tuy nhiên vẫn có thể đào luyện một nghề thuộc hành khác, tất nhiên là khổ công hơn. Về nơi ở thì ngược lại, cơ thể mang tạng dương thì nơi ở một cách tổng quát gồm nhiều yếu tố có âm tính, để bổ túc cho dương tính trong cơ thể. Một bảng kê âm dương các loại thực phẩm, các đồ vật, mầu sắc, hình dáng, vật liệu... có thể tìm dễ dàng trong các sách phong thủy hay đông y mà kích thước nhỏ hẹp của bài này không cho phép kê ra. *** Cũng như các khoa nhân văn khác, sự suy diễn trong môn phong thủy không thể chính xác được. Môn phong thủy có những giới hạn và những tương đối của nó. Nhiều người cho rằng một miếng gương bát quái nhỏ khó lòng phản chiếu hết những khí độc trong một thành phố bị ô nhiễm vì khí của các nhà máy thải ra. Gương bát quái có thể mang tính sieu nhiên nhiều hơn là thực tiễn. Hai đứa trẻ sinh gần như cùng một lúc trong hai thị trấn kế cận, chỉ cách nhau một cây cầu nhưng năm trong hai múi giờ khác nhau nên mang tính âm dương khác nhau rồi vì thế mà áp dụng phương cách phong thủy ngược hẳn nhau là một điều khó giải thích. Sau cùng thì chính gười Trung Hoa cũng nói: "Nhất may, nhì số, ba phong thủy, bốn đức, năm học hành". Thế là dân chúng của một dân tộc đã khai sinh môn phong thủy vẫn nhận rằng ngoài phong thủy, còn có những yếu tố chủ chốt khác góp phần tạo cuộc sống hạnh phúc của con người, cho dù đó chỉ là niềm hạnh phúc thuần túy vật chất như sự thoải mái, sức khỏe và tiền bạc./. st. langchai.com Share this post Link to post Share on other sites