+Achau+

Tìm Mọi Cách Giải Quyết Vấn đề Biển Đông

3 bài viết trong chủ đề này

Đại tướng Lê Văn Dũng:

“Tìm mọi cách giải quyết vấn đề biển Đông”

TT - Trao đổi với báo chí bên lề lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đại tướng Lê Văn Dũng (bí thư Trung ương Đảng, ủy viên thường vụ Quân ủy trung ương, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND) nói: Hiện tại quân đội chúng ta được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, có những loại hiện đại như của thế giới...

Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế và mức sống của nhân dân, Đảng và Nhà nước đã dành một phần ngân sách cho quân đội, phần lớn cũng phải lo xây dựng phát triển và bảo đảm đời sống của nhân dân. Từng bước hiện đại có nghĩa là kinh tế phát triển đến đâu, chúng ta trích một phần ngân sách hằng năm của quốc gia để trang bị cho quân đội đến đó.

Trong chiến tranh, các nước bè bạn trên thế giới như Liên Xô, Trung Quốc và cả người dân trong những nước có chiến tranh với chúng ta... đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ to lớn. Sau khi đất nước thống nhất, đi lên xây dựng CNXH, cùng với quá trình phát triển kinh tế thì chúng ta phải tự lực... Từng bước hiện đại hóa hiện nay còn là từng bước xây dựng nền quốc phòng ngày càng phát triển trên cơ sở nền công nghiệp quốc gia. Nền quốc phòng này có cả thế trận, có cả con người và có cả công nghiệp quốc phòng để tự sản xuất các loại vũ khí trang bị cho quân đội.

* Đâu là thách thức lớn nhất đối với quân đội trong tình hình hiện nay, thưa đại tướng?

- Chúng ta đã nhận định tình hình thế giới sẽ ít có khả năng diễn ra chiến tranh tổng lực, chiến tranh hủy diệt lớn. Tuy nhiên, xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ, tranh chấp biên giới và sắc tộc... vẫn diễn ra. Cho nên, khả năng 10-15 năm, có thể là 20 năm nữa, ít có khả năng xảy ra chiến tranh ở đất nước chúng ta.

Thách thức lớn hiện nay của quân đội chúng ta là xây dựng quân đội chính quy, có trình độ hiện đại và được huấn luyện tốt. Chúng ta không xây dựng quân đội để chiến tranh mà xây dựng quân đội để đánh lại quân xâm lược, để bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta phải huấn luyện để nâng cao trình độ, kỹ chiến thuật và khả năng chiến đấu tổng hợp của quân đội.

* Vừa qua lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã có nhiều chuyến công du quốc tế, như Bộ trưởng Phùng Quang Thanh thăm hữu nghị chính thức Hoa Kỳ và Cộng hòa Pháp, Thứ trưởng Nguyễn Huy Hiệu thăm và làm việc tại Hàn Quốc, trước đó đại tướng cũng đã thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc?

- Chính sách đối ngoại của mình là đa phương hóa, đa dạng hóa, không phân biệt thể chế chính trị, cũng không phân biệt ở phạm vi nào. Nói như thế có nghĩa không chỉ những bạn bè cũ, mà ngay cả những quốc gia trước đây có chiến tranh với chúng ta thì chúng ta cũng quan hệ.

Trong đa phương hóa, đa dạng hóa có một phần quan hệ quân sự, hợp tác ngoại giao quân sự rất quan trọng, mục đích chính là để mình hiểu những quan điểm, đường lối quân sự của các nước khác, và các nước cũng muốn xem đường lối quân sự của chúng ta trong tình hình hiện nay như thế nào. Vừa rồi chúng ta ra Sách trắng quốc phòng cũng là để công bố những chủ trương của chúng ta về quốc phòng.

Bên cạnh đó, điều này còn để tạo hiểu biết lẫn nhau trong quá trình quan hệ, tạo được sự hòa bình, hợp tác và không có nghi ngờ lẫn nhau giữa các quân đội trong khu vực cũng như trên thế giới... Đối với quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ, đây là quan hệ hai bên cùng có lợi, không có chuyện dựa vào nước này để chống nước kia, tất cả cộng đồng thế giới đều hiểu nhau về quân sự, quốc phòng, quan điểm của thể chế chính trị đó để chúng ta góp phần xây dựng ổn định, hòa bình trên thế giới và trong khu vực.

Tôi sang Trung Quốc vừa qua, mục đích chính là trao đổi về công tác Đảng, công tác chính trị... Chúng ta trao đổi kinh nghiệm để xây dựng quân đội cho đất nước mình, trao đổi xem thấy cái gì vận dụng tốt trong điều kiện của mình thì làm một cách tích cực, còn cái gì thấy không được thì trên cơ sở đó tự đánh giá, rút kinh nghiệm để làm tốt của mình.

* Vấn đề nào được đề cập trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của đại tướng?

- Trao đổi về lĩnh vực quân sự, chúng tôi đều xác định giáo dục quan điểm cho cán bộ, chiến sĩ, tướng lĩnh, sĩ quan trong quân đội và quân đội hai bên là tiếp tục giữ mối quan hệ thật tốt, giữ ổn định ở các vùng biên giới trên bộ và trên biển, chấp hành mọi chủ trương, chỉ thị của cấp trên.

* Thưa đại tướng, quân chủng hải quân là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển?

- Hải quân là một bộ phận của quân đội, đảm trách nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, vùng trời, vùng đảo của Tổ quốc ta, bảo vệ thềm lục địa, bảo vệ quá trình thăm dò khai thác tài nguyên trên biển... Vấn đề ta với Trung Quốc trên biển Đông, chúng ta đang tìm mọi cách giải quyết và tới đây chúng ta sẽ cùng với bạn bàn bạc, đàm phán, phân định biên giới trên biển. Như vậy thì tình hình sẽ ổn định dần và chúng ta vẫn tăng cường quan hệ với Trung Quốc để chống lại những âm mưu của kẻ thù chung.

Làm sao để hai nước, hai dân tộc, hai quân đội gần gũi với nhau trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Đảng và Nhà nước sẽ có những chủ trương mới để đàm phán với Trung Quốc, giải quyết ổn định tình hình biên giới trên biển.

VÕ VĂN THÀNH (tuoitre.com.vn)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Vừa rồi tôi có xem một tài lệu về Quốc phòng của Việt nam. Rất yên tâm.

Đặc biệt về chiến thuật tác chiến trên biển của ta rất hay, thằng nào giao chiến với ta kiểu ấy chắc chắn no đòn mà thôi. Hải quân đang được trang bị mạnh và hiện đại, phù hợp với chiến thuật đó: Tàu nhỏ, tốc độ cực cao, hỏa lực cực mạnh, hoạt động cực êm. Tài liệu còn nói, nếu muốn, chỉ bằng 2 loạt bắn ta có thể dọn sạch Hoàng Sa. Rada ta tự lắp ráp có thể bắt dính F117 từ ngoài 100km (chưa nước nào làm được). Hỏa lực tên lửa thông minh của ta chỉ trong vòng 2 tiếng triển khai có thể đủ tiêu diệt 500 máy bay địch ngoài 100 km. Dự kiến, năm 2014 cùng lắm là 2015 chúng ta sẽ cho ra mắt hạm đội Biển Đông đảm bảo mạnh hơn hẳn hạm đội Nam Hải của TQ. Vừa rồi ta mua 6 tàu ngầm Kilo của Nga. Có người chê đắt vì không biết rằng, chúng được thiết kế riêng theo yêu cầu của ta, khả năng tàng hình rất cao, hỏa lực rất mạnh, hơn hẳn tàu cùng loại của TQ. TQ cũng biết ta không hề yếu, dù ta không khoa trương. Nếu ta yếu, họ sẽ manh động.

Tóm lại, không nước nào dám coi thường khả năng tác chiến của quân đội ta đâu (Có lẽ chỉ có mấy anh người Việt thiếu hiểu biết thôi!)

Nếu sảy ra chiến tranh phi hạt nhân thì TQ không là đối thủ.

Tuy nhiên, ta không muốn chiến tranh. Nhưng chắc chắn kẻ nào manh động sẽ thất bại thảm hại. Hiện nay, nhiều thế lực muốn làm hại ta kích động ta trong vấn đề biển Đông, mong ta phạm sai lầm manh động để chúng đục nước béo cò hay chí ít cũng làm giảm lòng tin của dân với nhà nước. Chúng ta cần cảnh giác, giải quyết vấn đề một cách căn cơ và khôn ngoan (tuy hơi mất thời gian và có nhiều ấm ức, bực dọc)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Lời khẩn cầu của những ngư dân đảo Lý Sơn

Cập nhật lúc 09:12, Thứ Tư, 23/12/2009 (GMT+7) , Posted Image- Yêu cầu Trung Quốc không chỉ thả vô điều kiện các tàu đánh bắt cá của ngư dân Lý Sơn mà còn phải bồi thường thiệt hại tinh thần, vật chất cho bà con ngư dân. Bởi ngư dân Lý Sơn đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Hơn 85 tàu cùng hơn 1062 ngư dân của các làng chài huyện đảo Lý Sơn đã bị Trung Quốc bắt giữ, cướp tài sản, đánh đập khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam từ năm 2002 đến nay. Ngoài bắt giữ người, thu tàu, cướp tài sản, đánh đập ngư dân, phía Trung Quốc còn bắt ngư dân nộp phạt hơn 2,5 tỷ đồng và đã bắn bị thương 1 người… Đó là con số thống kê chưa đầy đủ của Văn phòng UBND huyện đảo Lý Sơn.

Gặp bão không ngán bằng bị tàu Trung Quốc cướp

Nhiều ngư dân tôi gặp tại những làng chài vùng biển Lý Sơn nói riêng và Quảng Ngãi nói chung, đều nói về nỗi kinh hoàng khi ra biển là gặp bão biển và tàu Trung Quốc có vũ trang bắt giữ. Gặp bão không ngán bằng bị tàu Trung Quốc cướp, đánh đập tàn nhẫn để đòi tiền chuộc.

Thuyền trưởng Trương Minh Quang cùng 13 thuyền viên trở về từ đảo Hoàng Sa kể lại: sau hơn 3 ngày đêm bị bão quật tơi bời khi chạy vào tránh bão dữ tại đảo Hoàng Sa, khi bão tan, cả 16 tàu đánh bắt cá của ngư dân xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) và xã An Hải (huyện đảo Lý Sơn) đã bị tàu Trung Quốc cướp toàn bộ phương tiện, máy móc, ngư cụ và bị đánh đập tàn nhẫn.

2 tháng sau sự kiện này, những chiếc tàu của ngư dân Lý Sơn lại ra khơi và lại bị những kẻ có vũ trang trên tàu ở vùng biển Hoàng Sa bắt người, cướp tàu.

Thuyền trưởng Dương Lúa vừa bị cướp tàu trở về nói: “Ra khơi đánh cá nếu may mắn không gặp tàu Trung Quốc cướp, không gặp bão biển thì có cơ may kiếm được miếng cơm nuôi sống vợ con. Hên xui thôi mà…”.

Lên 7 tuổi, Dương Lúa đã theo cha ra khơi phụ việc đánh bắt cá. Khi trưởng thành, anh có hơn 15 năm làm chủ tàu, kiêm thuyền trưởng đánh bắt nơi vùng biển Hoàng Sa. Có lẽ đối với người đàn ông chài lưới can trường này đã thấm thía và thấu hiểu cuộc mưu sinh nhọc nhằn giữa biển khơi xa với bao mồ hôi, máu và nước mắt.

Chính con tàu vừa bị tàu Trung Quốc cướp đã cùng anh và các thuyền viên ra khơi suốt 15 năm qua để tìm kiếm miếng cơm manh áo cho hàng trăm con người đang ngóng chờ trên đảo Lý Sơn.

“Mỗi chuyến ra hơn 1 tháng, nếu trời yên biển lặng không gặp cướp thì cũng kiếm được miếng cơm. Còn gặp bất trắc bão tố, gặp cướp thì coi như trắng tay. Đói!” - thuyền trưởng Dương Lúa nói.

Nhọc nhằn mưu sinh như thế mà món nợ vay mượn đóng tàu 15 năm trước giờ đây vẫn còn hơn 300 triệu đồng chưa trả nổi.

Thuyền trưởng Lê Văn Lộc thì bảo: ”Ở cái huyện đảo nghèo khó ni, đất sản xuất bình quân đầu người chưa quá 100m2 lấy đâu ra việc mà làm? Nếu không ra biển biết lấy chi để nuôi vợ con…”.

Lão ngư Lê Tân, người được xem là may mắn vì cả đời ông chưa bị Trung Quốc cướp lần nào, nói như một triết gia: đời đi biển không biết đâu mà lần. Cho dù có gặp bất trắc hiểm nguy cũng cứ phải bám biển để sống.

Lời khẩn cầu từ những làng chài

Hơn 1.000 ngư dân trắng tay trở về từ đảo Hoàng Sa trong những năm qua đã trải qua những giờ phút kinh hoàng khi phải đối mặt với hiểm nguy. Hiểm nguy họ không sợ, điều mà họ sợ nhất là không được ra biển đánh cá kiếm cơm.

Tôi vẫn còn nhớ như in lời thuyền trưởng Dương Lúa: “Mấy trăm năm trước cha ông chúng tôi đã làm chủ và đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của đất nước. Con cháu tụi tui tiếp nối. Không có bất cứ một lý do nào mà Trung Quốc ngăn cản không cho bà con tui đánh bắt…”.

“Nếu được Nhà nước giúp sức, hỗ trợ, tui sẽ tiếp tục đóng tàu lớn ra đánh bắt. Cho dù có gặp hiểm nguy cũng không sao, bởi đó là chủ quyền của Việt Nam. Tàu Trung Quốc cướp tàu của chúng tôi, đe doạ chúng tôi thực chất là họ chỉ cần không có sự xuất hiện của ngư dân Việt Nam tại đảo Hoàng Sa.

Nhưng chúng tôi không chấp nhận như thế được. Chúng tôi vẫn sẽ ra khơi đánh cá, chúng tôi chỉ khẩn cầu các cấp chính quyền hãy can thiệp và có biện pháp bảo vệ ngư dân đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam…”, thuyền trưởng Dương Lúa khẳng định.

Ngư dân cần những đội tàu hùng mạnh

Phó Chủ tịch huyện đảo Lý Sơn Nguyễn Xuân Hước đã có một buổi chiều trò chuyện cùng tôi, ông nói:

"Giúp đỡ những ngư dân trước mắt cũng như lâu dài để tiếp tục ra khơi là vô cùng cần thiết. Huyện đã tìm mọi cách để giúp bà con ngư dân bị đánh, cướp, mất tàu từ Hoàng Sa trở về sớm ổn định cuộc sống. Nhưng huyện còn nghèo, việc giúp bà con nhân dân của huyện trong lúc khốn khó này cũng chỉ giới hạn. Huyện đã có văn vản gửi lên tỉnh đề nghị đảm bảo an toàn cho ngư dân ra khơi đánh bắt cá".

Trầm ngâm một lúc, ông Hước nói thêm: "Theo tôi, Nhà nước cần có cơ chế chính sách phù hợp như cho ngư dân vay ưu đãi để đóng tàu lớn và hình thành những đội tàu đánh bắt hùng mạnh giống như các nước trong khu vực. Có tàu lớn, lực lượng mạnh, bà con ngư dân sẽ bám biển dài ngày không lo sợ bão tố, cướp giật.

Bí thư huyện ủy Lý Sơn Trần Huy Thông cũng đồng quan điểm và khẳng định: Quần đảo Hoàng Sa là chủ quyền của Việt Nam. Không vì bất kỳ lý do nào mà Trung Quốc có những hành vi thô bạo với ngư dân Việt Nam khi đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của đất nước.

Theo ông Thông, Đảng và Nhà nước cần sớm có chính sách phù hợp để giúp ngư dân khai thác kinh tế biển. Trước mắt là bằng con đường ngoại giao yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay những hành vi thô bạo với ngư dân Việt Nam và yêu cầu họ thả ngay các tàu bị giam giữ cũng như đền bù thiệt hại cho họ.

“Chúng tôi đã có văn bản gửi tỉnh, Trung ương đề nghị can thiệp và đấu tranh cương quyết bằng con đường ngoại giao để bảo vệ an toàn cho ngư dân…” - Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Hước khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi cũng khẳng định: “Tỉnh đã chính thức có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam báo cáo vụ việc, đề nghị Nhà nước can thiệp bằng đường ngoại giao yêu cầu Trung Quốc không chỉ thả vô điều kiện các tàu đánh bắt cá của ngư dân Lý Sơn mà còn phải bồi thường thiệt hại tinh thần, vật chất cho bà con ngư dân. Bởi ngư dân Lý Sơn đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Hàng nghìn ngư dân nơi huyện đảo Lý Sơn và ngư dân ven biển miền Trung nói chung đều khẳng định: nếu được Nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ, họ sẽ đóng tàu to, thành lập những đội tàu hùng mạnh để ra khơi đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của đất nước.

http://vietnamnet.vn/xahoi/doisong/200912/...-Ly-Son-885724/

........................................

Sao con dân VN không bỏ ống heo, tạo quỹ, hỗ trợ những người dân bị "cốp biển" này, xem như trong điều kiện hạn hẹp, kẻ góp của, người bỏ công ( và cả sinh mạng ).

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay