wildlavender

Mãnh lực mới của Lời Ru

2 bài viết trong chủ đề này

Mãnh lực mới của lời ru

Thứ ba, 15/7/2008, 07:00 GMT+7

Dạo này con bé cháu nhà tôi hay khóc về đêm. Đúng vào lúc mọi người đang lim nhim vào giấc. Thoạt đầu, nó khóc đòi ăn. Ăn rồi nó khóc đòi đi ngủ. Ngủ được một lúc, quần bị ướt. Nó khó chịu. Càng về sau nó càng thấy khó chịu. Môi đỏ. Mồ hôi ra bết tóc. Nó lăn bên này sang bên kia. Nó lăn như bánh xe trên giường. Nó bắt đầu khóc. Khóc ré lên. Tiếng to hơn. Khóc ngằn ngặt. Khóc sưng húp cả hai con mắt. Khóc đến mức gần như ngạt thở. Làm mẹ nó phải gọi xe đưa cháu đi Viện Nhi cấp cứu. Khi đến nơi đã 3 giờ sáng. Bỗng nhiên con bé lại nhoẻn miệng toe toét cười. Khám xong, bác sỹ nói cháu không làm sao cả.

Vậy tại sao nó khóc? Trẻ con thì đứa nào chả khóc! Nhưng tại làm sao nó chỉ khóc về đêm? Thậm chí một hai giờ sáng, ông bà vẫn phải bật đèn bày trò dỗ để nó. Nhưng. Trời ơi! Tiếng khóc của đứa bé lên năm, sáu tháng tuổi như khoan gẫy, như đục cùn, thuốn vào ruột gan người lớn. Người lớn đứng lên ngồi xuống chẳng biết làm gì. Chân tay thừa thãi. Ông bà xót. Xót cháu mình. Xót con gái mình. Bà ôm gối ngồi như hòn đá mồ côi. Hòn đá mồ côi bỗng lóe sáng. Bà nhớ lại kinh nghiệm từ những người già trên làng Cổ Phương. Họ bảo đấy là căn chứng “tiểu nhi dạ đề”. Do trẻ bị căng thẳng thần kinh trước khi đi ngủ. Nó nhìn thấy những con ma lạ hoắc đến quấy rầy. Nên cứ nhắm mắt vào là thấy, làm nó sợ. Trẻ khóc suốt đêm là vì vậy. Mãi đến gần sáng thì mới hết khóc và thiếp dần vào giấc ngủ.

Bà vội vàng xuống dưới bếp lấy lên bốn con dao nhọn. Bà nín thở, cầu trời khấn phật. Trình lạy mẹ Hoa ba lạy. Chẳng biết mẹ Hoa trên trời nói sao. Bỗng tôi thấy trên ban thờ nhà mình phjọp phjẹt nở những bông hoa tám cánh. Hoa giống như được làm bằng băng. Khấn xong. Bà ngoại nhẹ nhàng đặt từng con dao nhọn xuống dưới bốn góc chiếu. Nơi cháu nằm. Dao nhọn sẽ trừ khử những con ma quấy rối giấc ngủ. Dao nhọn sẽ dọa giết kẻ nào dám phá giấc mơ ngọt ngào của cháu. Đây là những con dao được rèn bằng thỏi thép già. Từ những bàn tay của người thợ rèn lành nghề Phúc Sen đã làm ra nó. Những con dao mới tinh, còn thơm mùi lửa. Dao này chưa ai dùng vào việc giết mổ. Nếu đã dính một chút máu đào là dao mất thiêng. Không dọa được ma quỷ.

Tại sao những con dao người Nùng An Phúc Sen nổi tiếng đến như thế? Bởi dao ấy vừa bền vừa sắc. Dùng đến hai ba đời người chưa hỏng. Nếu chẳng may chém phải đá, dao chỉ kêu một tiếng coong. Mài đi mài lại vẫn sắc như mới. Mài mòn đến sống, mà lưỡi dao vẫn lên nước xanh. Mài cẩn thận, mài kỹ càng, có thể dùng thay dao lam cạo râu gọt tóc. Nếu bạn có dịp lên Cao Bằng, xin đừng bỏ qua dịp may hiếm gặp. Mua lấy vài con làm quà. Dao Phúc Sen bây giờ vẫn còn có nhiều người ưa dùng. Mặc dù dao inox trắng bóng của Thái Lan, Trung Quốc bày bán với giá không lấy gì làm đắt.

Nói đến dao Phúc Sen, người đi rừng còn vị nể. Nếu ai không thành thạo đường chặt, tôi thành thật khuyên bạn đừng dùng. Nếu bạn cứ lóng nga lóng ngóng sẽ tự làm đứt tay mình. Chuyện ấy đã từng xảy ra với khá nhiều người. Họ còn đồn rằng, ma quỷ chỉ cần nghe tiếng dao kêu lắc cắc leng keng là lập tức ba chân bốn cẳng chuồn ngay tắp lự. Bởi trước lúc cho thép vào lửa, người thợ đã thổi phù phép và niệm chú ba lần vào miệng lò: “Hãy cắt bỏ cái ác! Hãy chặt đứt cái thừa! Hãy gọt đi cái vô lý! ”. Chẳng biết có phải vì thế mà dao trở thành người bạn thân thiết, vật bất ly thân của người Tày Nùng. Dù đi rừng hay đi chợ ai cũng đóng theo một con dao sau lưng. Có con dao làm người ta tự tin hơn.

Bà vạch chiếu lên đưa dao nhọn chĩa mũi về đằng đông. Nơi ấy ma quỷ có nước da xanh màu nước biển. Chúng có bộ mặt trơn nhầy như cá mõm lợn. Cá mõm lợn chỉ ăn mỗi rong rêu nên người nó béo, thịt nó chắc, môi nó dầy. Nhưng ma quỷ có dáng dấp cá mõm lợn thì lại nghiện ăn tóc tơ của trẻ. Cứ thấy mùi trẻ con ở đâu là nó ứa nước miếng. Chúng thè lưỡi liếm từ mép trước trán đến sau gáy là hết nhẵn tóc. Về sau người ta gọi là tóc bò liếm. Khá lâu, tóc mới có thể mọc lại được.

Dao nhọn khác quay mũi về đằng Tây. Nơi ấy ma quỷ có bộ mặt đỏ quạch. Mũi khoằm, cằm dài, tai chuột. Chúng rất hay ăn bí đỏ. Vì bí đỏ vừa ngon ngọt lại vừa bổ óc. Thường xuyên ăn bí đỏ sẽ không bao giờ bị tắc đường đưa máu lên não. Ma quỷ nhìn thấy cái đầu trẻ nhỏ lúc la lúc lắc, nó đã tưởng nhầm bí đỏ. Nên đêm đêm chúng đi rình mò kiếm tìm cái đầu ngọ nguậy của trẻ.

Dao nhọn chĩa mũi về Nam. Nơi có ma quỷ đầu hói, râu thưa. Mặt xanh như đít nhái, giọng nói khàn khàn tựa vịt đực. Giống ma quỷ này chỉ nghiện mỗi quyền lực. Dường như nó ham thích quyền lực từ ngay trong trứng nước. Quyền lực đối với nó quan thiết hơn huyết thống cha mẹ vợ con. Nó thấy trẻ nhỏ luôn luôn được mọi người cưng chiều nịnh nọt. Trẻ nhỏ đúng là một ông vua con. Muốn gì được nấy. Tuy là vua con nhưng oai oách ngang bằng một ông vua lớn. Nên ma quỷ nghĩ mình phải ăn trộm cái quyền lực kia mới được.

Dao nhọn chĩa mũi về phương Bắc. Nơi ở của ma quỷ có cặp mắt trắng dã, môi thâm xì. Vành tai mỏng dính như nấm khỉ. Con ma quỷ này chỉ thích kẹo sôcôla và áo mới. Nó ghen với trẻ nhỏ. Bởi ngày nào chúng cũng được người lớn cho quà. Lập tức con ma này rình rập, nấp sau tấm rèm. Khi mọi người tắt đèn đi ngủ, là thời khắc chúng thoải mái vo ve trêu tức.

Chuyện bốn con dao nhọn yểm bốn góc giường, thực hư thế nào chưa đến hồi ngã ngũ. Cháu tôi không còn khóc đêm nữa. Nhưng nó vẫn thức đến một hai giờ sáng.

Đêm nào cũng vậy. Thương con, tôi thức đêm trông con cho nó. Hai ông cháu cùng khù khì ù òa đùa nhau trong màn. Dưới lờ nhờ bóng sáng, tôi nhìn thấy nó cười. Hướng vào tôi, cháu cười. Một nụ cười không thành tiếng mà trong vắt. Một nụ cười toát lên niềm hạnh phúc không bờ bến. Hàng ngày, nụ cười của con bé làm tan biến mỏi mệt trong tôi. Đêm nay, nụ cười ấy như cơn gió phủ mát khắp lên người. Đấy. Nó ngẩng đầu lên ngọ nguậy như con tằm. Tôi ôm cháu vào lòng và ru. Tiếng ru của người ông đông tuổi nghe khê như cháo. Ru đến câu thứ ba thì quên tịt. Cứ à ơi đánh võng mồm cho đến hết bài. Tiếng ru ư ử từ cổ họng tôi lan truyền sang da thịt cháu. Thật diệu kỳ. Nó há miệng nghe. Im lin lít. Rồi nhẹ nhàng thở. Nó bắt đầu ngủ. Giấc ngủ nghiêng dần như nước. Đặt cháu xuống giường, bất chợt tôi chạm tay đúng con dao nhọn. Tôi nhìn và nói với nó: “Thôi! chào anh bạn đồng hương Phúc Sen. Dù sao tôi cũng cảm ơn về việc anh đã dọa ma giúp. Cháu tôi đã bớt sợ. Bây giờ tôi biết rồi. Cháu tôi chỉ đói tiếng ru.

Tiếng ru từ người bà, người mẹ. Tiếng ru truyền đến đời tôi thì… ngưng hẳn. Tự nhiên tôi buồn. Một nỗi buồn không cất lên thành tiếng. Nó nặng trĩu như núi chồng lên núi. Đâu rồi tiếng ru con một thủa: Nọong ơi nòn/nọong nòn đắc ơi a nòn đí/ me pây tổông au pja/me pây nà au luổm/đảy tuô luổm pác đeng …. Em ơi ngủ/ ngủ cho say/mẹ ra đồng bắt cá/mẹ ra ruộng bắt con muồm muỗm/được con muồm muỗm môi đỏ…

Hứa Hiếu Lễ ( nguồn vietimes)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Mãnh lực mới của lời ru

Một bài viết hay. Nhưng lời ru đâu phải giờ có mãnh lực mới. Phải là một mạnh lực muôn thủa.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay