Posted 13 Tháng 7, 2008 Dải yếm đào Áo yếm là một thứ trang phục (nội y) không thể thiếu của người phụ nữ Việt xưa. Nó là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, được dùng như một dạng áo trong để che ngực. Áo yếm thường được mặc chung với áo tứ thân. Người Việt Nam vốn thân quen với tà áo dài truyền thống, một nét văn hóa dân tộc đặc sắc trong trang phục truyền thống được lưu truyền từ bao đời nay. Thế rồi ta bắt gặp hình ảnh chiếc áo yếm trong những vần thơ, những câu ca dao Việt Nam. Nó đã trở thành một chủ đề quán xuyến quen thuộc, tạo nên sự lãng mạn và đáng yêu cho những câu thơ ca tình tứ của dân tộc. Yếm còn trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao thế hệ thi sĩ Việt. Tác giả bài "Chùa Hương" khi tả một cô thiếu nữ đẹp đang lên chùa đã viết "Em đeo giải yếm đào Quần lĩnh áo the mới Tay cầm nón quai thao". Một số nhà nghiên cứu cho rằng chiếc yếm được ra đời là để tôn lên cái lưng ong vốn được xem là một nét đẹp của người phụ nữ trong văn hóa Việt Nam. Theo quan niệm truyền thống của người Việt, một cô gái đẹp là phải có cái lưng được thắt đáy nhỏ nhắn như cái lưng ong. Người Việt xưa cho rằng những cô gái với cái lưng ong không chỉ mang một dáng hình đẹp mà còn có đầy đủ tất cả những đức hạnh của một người vợ, người mẹ. Chúng ta có câu ca dao: Đàn bà thắt đáy lưng ong Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con. Hình dạng của chiếc áo yếm có thể là đã được thay đổi theo thời gian nhưng nó lần đầu tiên được ghi nhận vào thế kỷ 12 dưới triều Lý. Vào thế kỷ 18-19, chiếc áo yếm có hình vuông vắt chéo trước ngực, góc trên khoét tròn làm cổ, hai đầu của lỗ đính mẩu dây để cột ra sau gáy. Nếu cổ tròn gọi là yếm cổ xây, cổ nhọn đầu hình chữ V gọi là yếm cổ xe, đáy chữ V mà sẻ sâu xuống gọi là yếm cổ nhạn. Không phổ biến như tà áo dài truyền thống, nhưng áo yến nay cũng đã đi dần vào đời sống hiện đại của người dân Kinh Bắc, mang lại nét dịu dàng và quyến rũ cho người con gái. Dưới đây là một số hình ảnh triển lãm chiếc áo yếm - thêm phần mặn mà cho nền văn hóa Việt Nam. Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.(Ảnh: www.vn-zoom.com) Thầy u mình với chúng mình chân quê (Ảnh: www.vn-zoom.com) Hôm qua em đi tỉnh về Đợi em ở mãi con đê đầu làng Yếm, đã đẹp, lại còn lôi cuốn ở nét vừa kín vừa hở, vừa lạ vừa quen. Áo yếm xuất hiện từ bao giờ không ai rõ, chỉ biết rằng nó đã có mặt trong cuộc sống của người dân Việt từ rất xa xưa. Nó được mặc bởi phụ nữ Việt ở mọi tầng lớp giai cấp xã hội, từ các tôn nữ công chúa nơi thâm cung, các phu nhân tiểu thư của những gia đình quý tộc, đến những người phụ nữ bình dân tần tảo, vất vả sớm hôm để nuôi chồng, nuôi con. Cuộc cách mạng áo yếm xảy ra vào thế 20 khi các kiểu áo Tây phương xâm nhập vào Việt Nam với sự ra đời của rất nhiều kiểu yếm mới lạ. Màu sắc áo yếm nói lên khá nhiều về người chủ của nó: Người lao động đồng ruộng mặc yếm màu nâu bằng vải thô. Con gái nhà gia giáo thì mặc yếm nhiều màu trang nhã và kín đáo. Người lớn tuổi mặc yếm màu thẫm. Kiểu yếm màu sặc sỡ, cổ khoét sâu thì ít người dùng, chỉ những người như kiểu thị Màu mới dám xài. Áo yếm thường được dùng kết hợp với áo cánh hoặc áo dài, mặc với nón quai thao, khăn nhiễu và khăn mỏ quạ. (HG biên tập)- nguồn Vitinfo Share this post Link to post Share on other sites
Posted 15 Tháng 7, 2008 trong phần tiểu dẫn "Bài ca về người gảy đàn đất Long Thành" Nguyễn Du viết: "Người gảy đàn đất Long Thành ấy, tên họ là gì không rõ. Nghe nói lúc nhỏ nàng học đàn Nguyễn nơi đội nữ nhạc trong cung vua Lê. Binh Tây Sơn dấy lên, các đội nhạc cũ lớp chết lớp bỏ đi. Nàng lưu lạc ở các chợ, ôm đàn gảy dạo. Những bản đàn do nàng gảy là những khúc trong cung phụng gảy cho vua nghe, người ngoài không ai biết. Cho nên tài danh của nàng lừng lẫy một thời. Buổi thiếu niên, đến kinh đô thăm anh, tôi trọ gần Giám hồ. Cạnh đó các quan Tây Sơn tập hộp nữ nhạc, danh cơ không dưới vài chục. Nàng ăn đứt mọi người với cây đàn Nguyễn, lại hát hay và khéo nói khôi hài. Cử tọa đều say mê điên đảo đua nhau ban thưởng. Những chén rượu thưởng to lớn, nàng nhận uống cạn. Tiền thưởng nhiều vô số. Vàng lụa chồng chất đầy cả đất. Lúc bấy giờ tôi núp trong bóng tối, trông thấy nàng không rõ lắm. Sau gặp lại ở nhà anh tôi. Nàng người thấp má bầu, trán giô, mặt gẫy. Không đẹp lắm, nhưng da trắng trẻo, khéo trang điểm, mày thanh, má phấn, áo màu hồng, quần sắc túy, hớn hở có bề phong tao. Tánh lại hay rượu, ưa hí hước. Đôi mắt long lanh không để một ai vào tròng. Khi ở nhà anh tôi, mỗi lần uống rượu, năng uống say vùi, nôn mửa bừa bãi, nằm lăn trên đất, bạn bè chê trách, không lấy làm điều.Sau đó vài năm, tôi dời nhà vào Nam, ngót mấy năm liền không trở lại Long Thành. Mùa xuân năm nay, phụng mệnh đi sứ Trung Quốc, tôi đi ngang qua Long Thành. Các bạn mở tiệc tiễn tôi tại dinh Tuyên Phủ, có gọi vài chục nữ nhạc, tôi đều không quen mặt biết tên. Tiệc khởi múa hát. Kế đến tiếng đàn trổi lên, nghe trong trẻo khác thường không chút giống thời khúc. Lòng tôi kinh dị. Nhìn người gảy đàn, thì thấy thân gầy, thân khô, mặt đen, sắc trông như quỷ, áo quần toàn vải thô, bạc màu lại vá nhiều mảnh trắng, ngồi lầm lì ở cuối chiếu, không nói cũng không cười, hình trạng thật khó coi. Tôi không biết là ai, nhưng nghe tiếng đàn thì dường như có quen, nên động lòng trắc ẩn. Tiệc tan, hỏi thăm thì ra là người trước kia đã gặp. Than ôi! Người ấy sao đến nỗi thế này! Cúi ngửa bồi hồi, nghĩ đến cảnh cổ kim, lòng tôi cảm kích vô hạn. Đời người trăm năm, những cảnh vinh nhục buồn vui thật sao không lường được! Sau khi từ biệt, trên đường đi, cảm thương khôn nén, nên soạn bài ca để gửi hứng." Qua những trang viết quý báu của Nguyễn Du ta thấy phụ nữ ngày xưa biết trang điểm, biết ăn mặc rất kiểu cách cầu kỳ. Bằng chứng là một người "má bầu, trán dô, mặt gẫy" biết cách trang điểm sao cho ưa nhìn, nghệ thuật trang điểm thời bấy giờ có lẽ cũng khá đa dạng, không rõ những dụng cụ thời ấy ra sao, Rin86 chỉ duy nhất một lần nhìn thấy cái nhíp đào được ở hoàng thành Thăng Long, nhìn nó rất khác cái nhíp bây giờ. Không hiểu phấn thời cụ Nguyễn Du làm bằng chất liệu gì, còn son thì không rõ dùng... làm gì vì ai cũng ăn trầu nên môi luôn đỏ. Người phụ nữ "ăn chơi" thời xưa cũng không thua gì bây giờ, người ca kỹ trong bài thơ này uống rượu ở nhà người khác nằm lăn ra đất! thật hết biết. Cuộc sống của ông cha ta thời xưa đã phát triển về nhiều mặt rất phong phú, nhưng nếu không có sự tái hiện lại thì e rằng người thế hệ sau không ai tưởng tượng được. Không hiểu người xưa ăn mặc như những tấm ảnh của bác Thiên sứ có bị cho là hở hang không chứ người bây giờ cho thế là.... hư, bây giờ không ai dám mặc yếm ra đường. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 15 Tháng 7, 2008 Hồi lâu rồi, LT có nhìn thấy một bức ảnh "chộp" hai phụ nữ miền Bắc chỉ có mặc yếm và vấy, hình tư liệu cũ khoảng những năm 30 - 40 của thế kỷ trước (nói nghe dài quá ha?!). Hình chộp không phải là thiếu nữ mà là mấy bà xồm xồm. Do vậy, cũng nghĩ rằng ngày xưa chỉ có mấy "con gái...mẹ" mới dám mặc yếm kiểu như bây giờ, trời nóng mặc đồ ngũ, đồ bộ ra đường vậy. Còn bi giờ, nếu nói mặc yếm thì chỉ có mấy cô ca sĩ hay vũ công trên sân khấu mặc thôi. Mà công nhiên mặc trước bàn giân thiên hạ thế mới ghê! Và nếu nói không phải là mặc yếm nhưng thiếu vải hơn yếm thì...ôi thôi nhiều vô số kể! Đi ra đường là có nhiều phen "rửa mắt" cho nổ tròng tóe lửa chứ chẳng chơi! Kể cũng thú vị! Cái sự nó dậy! Đẹp khoe, xấu che. Nhưng nhiều khi chẳng biết là họ khoe hay che? Che thì cũng chẳng ra che mà khoe cũng chẳng ra khoe! Thôi thời cứ mát trời ông địa dzậy! Có dzậy mới mấy tay họa sĩ, mấy phó nhấy mới có những tác phẩm "hơi hướm dzân tộc và hiện đại và đương đại" ra đời. Âu là cái yếm cũng còn một chút "đất dụng...yếm". Chắc hong trở thành "văn hóa yếm đào" đâu. Đừng no! LacTuong <_< :mellow: :( Share this post Link to post Share on other sites
Posted 17 Tháng 7, 2008 .......... Qua những trang viết quý báu của Nguyễn Du ta thấy phụ nữ ngày xưa biết trang điểm, biết ăn mặc rất kiểu cách cầu kỳ. Bằng chứng là một người "má bầu, trán dô, mặt gẫy" biết cách trang điểm sao cho ưa nhìn, nghệ thuật trang điểm thời bấy giờ có lẽ cũng khá đa dạng, không rõ những dụng cụ thời ấy ra sao, Rin86 chỉ duy nhất một lần nhìn thấy cái nhíp đào được ở hoàng thành Thăng Long, nhìn nó rất khác cái nhíp bây giờ. Không hiểu phấn thời cụ Nguyễn Du làm bằng chất liệu gì, còn son thì không rõ dùng... làm gì vì ai cũng ăn trầu nên môi luôn đỏ. Người phụ nữ "ăn chơi" thời xưa cũng không thua gì bây giờ, người ca kỹ trong bài thơ này uống rượu ở nhà người khác nằm lăn ra đất! thật hết biết. Cuộc sống của ông cha ta thời xưa đã phát triển về nhiều mặt rất phong phú, nhưng nếu không có sự tái hiện lại thì e rằng người thế hệ sau không ai tưởng tượng được. Không hiểu người xưa ăn mặc như những tấm ảnh của bác Thiên sứ có bị cho là hở hang không chứ người bây giờ cho thế là.... hư, bây giờ không ai dám mặc yếm ra đường. Thời Nguyễn, duy trì loại phấn nụ dùng cho cung đình ở Huế. Loại phấn này được chế từ nước mưa để trong, bột nhũ thạch cao loại hảo hạng (nhập từ Trung Quốc) trộn với 10 vị thuốc bắc, phải qua ngâm ủ, phơi nắng, phơi sương, chế biến theo công thức đặc biệt và lưu truyền bí mật. Phấn chỉ có 2 màu trắng và hồng. Phoenix đã thử nghiệm loại phấn này, phấn không giữ được lâu nhưng độ mịn và trơn của da thì rất rõ, lại thêm không bị mụn. Tuy nhiên, về lâu dài chắc chắn da sẽ bị sạm do chất cao lanh. Tục Ăn trầu của người Việt là để thay thuốc hơn là làm đẹp. Môi đỏ chỉ là hệ quả may mắn cho phái nữ. Khi ăn trầu, chất vôi, chất polyphenol trong lá trầu, chất tannin và alkaloid trong cau giúp làm thơm miệng, sạch răng và giúp tiêu khí, chống ợ chua, sôi bụng, trị giun sán .... Nước trầu chữa được sài đẹn. Trên thực tế, ăn trầu nhiều làm lở môi (nứt khe), thâm môi chứ không làm đỏ môi. Thời cụ Nguyễn Du đã ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc khá nhiều, trong khi đó mỹ phẩm của các triều đại Trung Quốc xa xưa đã rất phát triển. Mặc nhiên mỹ phẩm của Việt Nam thời đó cũng sẽ ăn theo ít nhiều. Trở lại thời hồng hoang, người Việt cổ được mô tả là tộc người hay vẽ lên cơ thể các hình với mục đích tạo uy lực và gây nhầm lẫn cho kẻ thù (thú). Các loại bột đá + các chất keo trong cây cối tự nhiên hoàn toàn có thể được khai thác để làm màu vẽ. Ở các tộc người chậm phát triển còn tồn tại hiện nay, đặc trưng này còn tồn tại rất rõ (các nước thuộc nam Phi, châu Úc...). Riêng vụ ăn chơi thì thời nào cũng vậy. Xã hội chứa nhiều giai tầng và ở đâu có hưởng thụ hoan lạc ở đó sẽ có "tệ nạn". Không chừng, đời xưa còn "ăn chơi" mạnh bạo hơn bây giờ vì điều kiện quyền lực và vật chất có thể đạt tối đỉnh. Trong sử sách cái xấu thường ít được lưu truyền. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 17 Tháng 7, 2008 Nguồn: http://www.quehuong.org.vn/ Áo yếm - di sản trang phục Việt Nam Hình ảnh những cô gái thướt tha trong tà áo dài duyên dáng từ lâu đã trở thành biểu tượng của Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình phát triển lịch sử trang phục dân tộc, Việt Nam không chỉ có áo dài mà còn có áo yếm - thứ trang phục không thể thiếu của người con gái xưa. Xưa kia áo yếm thường chỉ được gọi với cái tên nôm na là cái yếm, đó là thứ trang phục đã có từ bao đời nay và vẫn còn giữ được cho đến ngày hôm nay. Không chỉ vào chốn cung đình với các mệnh phụ công nương, cái yếm còn ra ruộng đồng "dầm mưa dãi nắng" với người nông dân và cùng với chiếc áo tứ thân, cái yếm theo chị em đến với hội đình đám, góp phần tạo nên bộ "quốc phục" của quý bà thời xưa. Cái yếm xuất hiện trong cuộc sống của người dân Việt Nam từ lâu nhưng mãi tới đời nhà Lý cái yếm mới "định hình" về cơ bản. Theo dòng lịch sử, cái yếm không ngừng biến đổi, nâng cao tính thẩm mỹ qua những lần cải tiến. Tuy nhiên, "cuộc cách mạng" của cái yếm chỉ xảy ra vào đầu thế kỷ trước khi cái quần kiểu Tây và cái váy đầm xoè xâm nhập vào Việt Nam. Ơ' thế kỷ 17, cái yếm vẫn chưa có sự thay đổi lớn lao về hình thức. Thế kỷ 19, cái yếm có hình vuông vắt chéo trước ngực, góc trên khoét lỗ làm cổ, hai đầu của lỗ, đính hai mẩu dây để cột ra sau gáy. Nếu cổ tròn gọi là yếm cổ xây, cổ nhọn đầu hình chữ V gọi là yếm cổ xẻ, đít chữ V mà xẻ sâu xuống gọi là yếm cổ cánh nhạn. Bước sang thế kỷ 20, áo yếm càng được sử dụng phổ biến với nhiều kiểu dáng và mẫu mã phong phú. Dành cho người lao động có yếm màu nâu dệt bằng vải thô. Người lớn tuổi mặc yếm màu thẫm. Con gái nhà gia giáo mặc yếm nhiều màu, trang nhã và kín đáo. Loại yếm "ỡm ờ", màu sặc sỡ, cổ cắm sâu trễ quá bờ ngực, "thách thức" chỉ dân "trời ơi" dạng Thị Mầu mới mặc. Thời kỳ "cách tân" này, cổ yếm thường được "dằn" thêm ba đường chỉ để "bảo hiểm" hoặc may viền lằn vải, thêu hoa cặp theo đường biên cổ. Một loại yếm hay được các cô gái sử dụng nữa là "yếm đeo bùa". Gọi là yếm đeo bùa bởi người mặc chúng thường để xạ hương vào trong túi vải nhỏ đeo cạnh yếm, đó chính là thứ vũ khí vô cùng lợi hại của các cô gái thời xưa... Không chỉ vậy, chiếc yếm còn làm nên những câu chuyện tình yêu vô cùng độc đáo. Xưa, các cô gái khi hẹn hò người mình yêu thường "ém" một miếng trầu trong chiếc yếm của mình, dân gian gọi đó là "khẩu trầu dải yếm". Có lẽ không có thứ trầu nào "linh thiêng" hơn loại trầu dải yếm này. Để trở thành "quốc phục" của quý bà quý cô trước khi chiếc áo dài ra đời, đi kèm với cái yếm là chiếc áo cánh khoác ngoài không cài cúc. Khi ra ngoài bên ngoài chiếc yếm phải có thêm chiếc áo dài, chiếc váy lưỡi trai bằng lĩnh, dải lụa đào hoặc màu mỡ gà thắt ngang lưng, cái xà tích bạc lủng lẳng, bộ "độ nghề" ǎn trầu bên phía cạnh sườn, chân mang dép. Chưa hết, phục trang ra đường còn phải kể đến là hai chiếc khǎn đội đầu: khǎn nhiễu (quấn bên trong) và khǎn mỏ quạ (trùm bên ngoài). Nếu đúng dịp hội hè đình đám các cô gái thường trang bị thêm cho mình chiếc nón quai thao, tóc vấn cao cài lược. Suốt chiều dài lịch sử, cái yếm đã đi vào "giấc mơ" của biết bao thế hệ mày râu. "Trời mưa lấy yếm mà che - Có anh đứng gác còn e nỗi gì?". Đáp lại, các nàng cũng chẳng vừa: "Ước gì sông hẹp tày gang - Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi". Cái yếm là thứ trang phục vừa kín đáo, vừa... “ỡm ờ” một cách nghệ thuật và độc đáo. Chả thế mà Thị Mầu nói với chàng nô:" Gió xuân tốc dải yếm đào - Anh trông thấy oản sao không vào thắp hương!". Thu Hương Share this post Link to post Share on other sites
Posted 17 Tháng 7, 2008 38 Hàng Đào - đình chợ yếm lụa Hà Nội xưa. Mặc dù nhà sử học Dương Trung Quốc, người đang ở trong một ngôi nhà khá cổ ở phố Hàng Đường, đã từng nghi vấn liệu có hay không phố cổ Hà Nội, song thủ đô vẫn cứ phải tiến hành công tác phục chế những ngôi nhà lâu đời của mình. Năm 1995, Ban Quản lý các dự án thí điểm phố cổ, phố cũ, trực thuộc Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội đã được thành lập. Năm 1998, ban được đổi tên thành Ban Quản lý phố cổ, do Phó Chủ tịch Thành phố làm trưởng ban, chủ yếu giải quyết những vấn đề phố cổ ở quận Hoàn Kiếm. Năm 1995, Ban đã đưa ra con số 1000 ngôi nhà cổ. Năm 2000, sau nhiều ‘vật đổi sao dời’, con số này đã sụt xuống đáng kể, có lẽ chỉ còn số trăm… Tuy nhiên, đến tháng 10 năm 1999, bà Tô Thị Toàn, kiến trúc sư, Phó Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: Mới chỉ có ‘độc trọi’ một ngôi nhà cổ số 87 phố Mã Mây, một con phố nằm theo chiều lượn của sông Hồng, là đã được cải tạo, tôn tạo, với kinh phí 330 triệu đồng. Năm 2000, tháng 4, một ngôi nhà cổ, ngôi đình thì đúng hơn, số 38 Hàng Đào đã được tôn tạo với chi phí lên tới 600 triệu đồng Việt Nam. Hai ngôi nhà tôn tạo với con số tiền tỷ này là do hảo tâm của thành phố Toulouse tài trợ, còn sức người, sức của giải toả hai ngôi nhà này là do Hà Nội tự chịu trách nhiệm. Thế là giữa một dãy phố buôn bán sầm uất nhất Hà Nội, bắt đầu từ Hàng Đào, Hàng Ngang, kéo dài đến Hàng Đường và mặt tiền chợ Đồng Xuân mới, đã xuất hiện ngay từ quãng đầu phố Hàng Đào một ngôi đình được phục chế với hệ thống cổng, sân, nhà hai tầng bên trong, các câu đối, các vách ngăn… cho đến sân sau trồng hoa cỏ hẹp và thắt lại theo địa hình đúng như ở các ngôi nhà hình ống vốn san sát bên nhau ở phố Hàng Đào. Bên trên cổng giữa, dưới mái cổng là một hàng chữ Hán đen nổi bật trên nền vôi vàng. Giáo sư Trần Quốc Vượng cho biết năm chữ này là ‘Đồng lạc quyến yếm thị’. Thì ra đây là ngôi đình của chợ bán yếm lụa ngày xưa của Hà Nội. ‘Đồng lạc quyến yếm thị' (từ phải sang trái) - Đình làng Đồng Lạc, ngôi nhà số 38 Hàng Ngang Hà Nội (Minh Thái) Đình Đồng Lạc - một di tích còn sót lại. Theo giáo sư Trần Quốc Vượng, ngày xưa Thăng Long là một thành phố sông, hồ. Nơi chúng tôi đang đứng đây, số 38 Hàng Đào, xưa có lẽ là một chợ bán yếm của một phường nghề chuyên nghề dệt nhuộm truyền thống. Dãy nhà số chẵn được xây dựng theo thuật phong thủy bao giờ cũng thấp hơn dãy nhà số lẻ. Ngày xưa, bên kia phố Hàng Đào có hồ Thái Cực thông với Hồ Gươm bằng một con lạch nhỏ, sau bị lấp lại thành phố Cầu Gỗ. Ngày xưa ấy hai phường Đồng Lạc và Thái Cực cùng chung một phố bán hàng, vậy nên Hà Nội ba mươi sáu phố phường đã có tình trạng ‘một phường hai phố’ và ‘một phố hai phường’. Các nhà tôn tạo ngôi đình Đồng Lạc số 38 Hàng Đào này đã hết sức chú ý đến cổng đình. Các cánh cửa của cổng ra vào vẫn được phân bổ theo nguyên tắc truyền thống: cửa giữa to cao, cửa hai bên thấp. Tất cả những chữ Hán ở cổng đình và ở một số câu đối treo ở gian trong, cách cổng đình một cái sân giời và ở trên gác hai của ngôi đình, đều được cán bộ Viện Hán Nôm đến dập chữ, rồi thuê thợ phục hồi như cũ. Vật thể quan trọng nhất còn lại của đình Đồng Lạc chính là một tấm văn bia gắn trên tường bên phải gần điện thờ trên tầng hai. Trăm năm bia đá cũng mòn, tấm văn bia dầu dãi nắng mưa rất khó đọc, tuy thế giáo sư Trần Quốc Vượng vẫn đọc được bốn chữ ‘Quyến yếm thị đình’, diễn Nôm là đình của chợ bán yếm lụa. Người soạn văn bia là ông Phạm Đình Hoãn, cử nhân, quê ở phủ Khoái Châu Hưng Yên. Đình này được lập ra từ thời Hậu Lê. Cũng theo giáo sư Trần Quốc Vượng, văn bia đã cho hay: đình Đồng Lạc được sáng lập từ thời Hậu Lê do ông Nguyễn Công Trung và bà Nguyễn Thị Từ dựng lên đầu tiên và đã từng bị hoả hoạn trước năm 1856. Thăng Long xưa từng rất phát triển nghề dệt lụa. Có thể hình dung ra một nửa phần đầu của phố Hàng Đào xưa là một chợ bán yếm lụa to nhất, nhộn nhịp, đông đúc người bán mua nhất ở Thăng Long. Thứ yếm dệt từ chất liệu tơ tằm được ưa chuộng bởi khi mặc người ta cảm thấy vừa dễ chịu thoải mái, lại vừa kín đáo. Tất nhiên, trước khi có văn hoá mặc yếm thì phải có nghề dệt vải cổ truyền trước đã. Theo truyền thuyết, nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ lụa có ở nước ta từ thời Hùng Vương và công chúa Thiều Hoa con vua Hùng thứ 6 đã phát minh ra nghề dệt lụa. Chung quanh Thăng Long xưa nghề dệt vải lụa đã xuất hiện như một nghề với những làng dệt cổ truyền: làng Nghi Tàm, làng Dâu, làng Thúy Ái… Từ con tằm nhỏ đã cho ra các sản phẩm phong phú: tơ, lụa, lượt là, gấm, vóc, nhiễu, the, đoạn, lĩnh, dũi, địa, nái, sồi, thao, vân… Thế kỷ 18, người Việt còn dệt được các loại lụa đẹp từ các vân tinh xảo: vân tứ quý, vân hồng điệp, vân trúc điều, vân phương thọ, vân chữ hỉ, chữ triệu… Trong cuốn ‘Vương quốc Đàng ngoài’, tác giả Baron đã mô tả: “Kỹ nghệ dệt tơ lụa ở đây rất phát triển đến nỗi kẻ giầu, người nghèo đều mặc quần áo bằng tơ lụa”. Cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, giáo sĩ Bissachèse đến Thăng Long và các tỉnh Bắc Kỳ đã nhận xét: kỹ thuật của nghề dệt ở Thăng Long và Bắc Kỳ đã đạt tới mức độ cực thịnh. Ý nghĩa văn hoá của nhà 38 Hàng Đào. Trong tổng thể bộ trang phục phụ nữ xưa, cái yếm là đồ lót mặc trong cùng, ôm lấy khuôn ngực, che chắn và trang điểm bên trong, làm đẹp bên trong. Yếm cổ là một miếng vải đặt chéo lên ngực người phụ nữ, góc trên cổ khoét tròn. Yếm cổ xẻ khoét xuống thấp hơn, hình chữ V. Nếu sâu hơn nữa gọi là yếm cánh nhạn. Nhưng yếm được tạo dáng rất ý tứ, không bao giờ lộ vùng ngực thái quá như các loại yếm hiện đại bây giờ. Trong nếp nhà truyền thống, phụ nữ thường tự mua lấy tơ tằm mà may yếm cho mình. Thế thì tại sao Thăng Long Kẻ chợ lại còn xuất hiện cả một cái chợ dành cho phường bán yếm? Tôi dự đoán trong cái ngày huy hoàng yếm lụa xa xưa ấy, từ các chốn làng quê, những sản phẩm tuyệt hảo của tơ tằm đã đổ về đây để đàn bà con gái Thăng Long những ngày sắp lễ hội, rủ nhau đến chọn tơ tằm may yếm lụa, và không chỉ thế, họ còn sắm sửa lụa là gấm vóc để may quần áo tứ thân, năm thân, áo cánh, thắt lưng, khăn vấn… và kể cả đồ trang sức vàng bạc nữa. Ngôi nhà 38 Hàng Đào đáng được tôn tạo vì ý nghĩa văn hoá của nó. Nguồn: http://www.radioaustralia.net.au Share this post Link to post Share on other sites
Posted 17 Tháng 7, 2008 Chiếc yếm và cuộc hành trình cùng thời gian Trong trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, chiếc yếm là cái được tôn vinh nhiều nhất trong ca dao và thơ. Chiếc yếm là báu vật của tình yêu, là “của làm tin”, là thứ gói ghém bao lời thề nguyền, hẹn ước. Trong ca dao, chiếc yếm còn được thăng hoa trở thành biểu tượng của giấc mơ hạnh phúc, của khát vọng tình yêu ngọt ngào, quyến rũ, đắm say. "Khăn nhỏ đuôi gà cao Em đeo dải yếm đào Quần lĩnh áo the mới Tay cầm nón quai thao" Khổ thơ miêu tả cô gái đương thì với trang phục "ngày xưa" của Nguyễn Nhược Pháp trong bài thơ Chùa Hương đã in sâu vào tâm trí bao thế hệ người Việt. Yếm đào, quần lĩnh, áo the, nón quai thao... bây giờ còn đâu? Và chúng ta hãy đến với chiếc yếm đào. Vào những ngày vui, những dịp hội hè, đình đám, những ngày tết đến, xuân về, ở vùng đồng bằng Bắc Bộ thuở xưa chiếc yếm đào cùng với cái áo tứ thân, cái khăn mỏ quạ, chiếc nón quai thao, chiếc dây lưng đũi lại tỏa sáng với sức cuốn hút kỳ lạ. Và nó đã trở thành biểu tượng của vẻ đẹp mộc mạc dịu dàng, e ấp và trong sáng, hồn hậu nhưng đầy sức hấp dẫn của người phụ nữ Việt Nam xưa. Hàng trăm năm đã trôi qua! Ngày nay, những dây lưng đũi, những áo tứ thân, những váy Kinh Bắc, những áo dài mớ ba, mớ bảy... đã gần như được cất vào bảo tàng dân tộc. Thỉnh thoảng, người ta mới được nhìn thấy nó trong những vở chèo, hay những bài ca, điệu múa dân gian. Thế nhưng, một điều thật kỳ lạ là, có một tấm áo mỏng manh, nhỏ bé, khiêm nhường, vẫn làm say lòng người. Đó chính là chiếc yếm. Vậy điều gì đã tạo cho chiếc yếm mong manh sức sống dị thường đến thế? Xin bắt đầu câu chuyện về chiếc yếm đào từ nơi nó được sinh ra. Tương truyền, chiếc yếm xuất hiện đầu tiên ở vùng Kinh Bắc, thuộc đất Bắc Ninh ngày nay. Mục đích ban đầu của nó là một tấm áo sinh ra để mặc lót, che cái phần gợi cảm nhất trên cơ thể người phụ nữ. Và như vậy, chiếc yếm có vai trò như chiếc “áo con” mà các cô gái vẫn mặc ngày nay. Chiếc yếm xưa có cấu trúc không cầu kỳ. Đó là một mảnh vải vuông, phía dưới được vát nhọn, vòng qua cổ và ngang ngực bằng hai sợi dây buộc mảnh. Trong những ngày vui hoặc các dịp hội hè, đình đám, những cô gái trẻ thường mặc yếm đào, yếm hồng, hoặc yếm thắm... khoác bên ngoài là chiếc áo tứ thân, hoặc áo dài mớ ba, mớ bảy. Còn trong các ngày lao động, họ thường mặc yếm trắng, yếm xám... khoác bên ngoài là chiếc áo nâu giản dị. Nhưng nhìn chiếc yếm đẹp nhất là khi nó được mặc mà không cần sự "hỗ trợ" trang phục khác. Một tấm lưng trần che hờ bằng một mảnh vải mỏng manh, vẻ đẹp vừa dịu dàng, vừa thuần khiết trong sáng, vừa trần tục và gợi cảm, đủ khiến bất cứ chàng trai nào nhìn thấy cũng phải xiêu lòng. Dấu vết lịch sử của chiếc yếm mà ngày nay người ta còn tìm lại được là ở ngôi nhà cổ số 38 phố Hàng Đào. Ngôi nhà này là trụ sở Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, nhiều nét kiến trúc của nó đã bị sửa sang theo hướng hiện đại hóa nhưng may mắn vẫn còn giữ lại được một tấm bia đá ghi lại đây vốn là đình thờ cụ tổ của những người bán yếm lụa. Ngay từ cửa ra vào, người ta có thể bắt gặp dòng chữ đen nổi bật trên nền vôi vàng. “Đồng Lạc quyến yếm thị” nghĩa là: “Ngôi đình của chợ bán yếm lụa” (giáo sư Trần Quốc Vượng dịch). Qua những dấu tích để lại, chúng ta có thể biết rằng phố Hàng Đào xưa là chợ bán yếm lụa to nhất, nhộn nhịp và đông đảo nhất kinh thành Thăng Long. Và có lẽ cái tên Hàng Đào cũng ra đời và tồn tại từ thuở đó. Các cô gái ngày xưa từng có một ước mơ thật táo bạo: "Ước gì sông hẹp một gang. Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”. Vì sao cô gái không thích bắc cầu bằng một thứ khác? Dải lụa? Hay chiếc khăn buộc đầu? Mà cứ khư khư bắc cầu bằng dải yếm? Có lẽ... vì cả chàng trai và cô gái đều ngầm hiểu một sự thật bí mật, tế nhị mà vô cùng táo bạo rằng, dải yếm chính là thứ mà chàng trai khát khao được chiêm ngưỡng nhất trong trang phục, trên cơ thể người thiếu nữ. Theo thời gian, chiếc yếm càng đi vào thơ, vào nhạc, và đặc biệt tỏa sáng trong nghệ thuật nhiếp ảnh. Đỗ Lan Hương với bộ sưu tập ảnh yếm của mình đã vượt qua tất cả các tác giả khác để trở thành đại biểu Việt Nam duy nhất đi tham dự Hội nghị nhiếp ảnh Á - Âu, tổ chức tại Singapore tháng 6/2002. Và tại đây, bộ sưu tập của chị đã gây sửng sốt với bạn bè quốc tế. Bên cạnh những bức ảnh lộng lẫy, cầu kỳ, với nghệ thuật tượng trưng, siêu thực... bộ sưu tập ảnh của Lan Hương càng tỏ ra giản dị và thuần khiết. Bởi nó phù hợp với những bức tranh người phụ nữ Việt Nam xưa với dải yếm, trên nền của những mảng tường vôi bạc màu mưa nắng, những viên gạch, viên ngói phủ màu rêu xanh, những vườn cây, giếng nước, sân đình bàng bạc hắt lên một không gian xưa. Họ là hiện thân của vẻ đẹp truyền thống đầy nhân văn, ẩn chứa cả một nền văn hóa nguyên sơ, phong phú, hồn hậu và chân tình. Một cái đẹp chỉ có ở Việt Nam và chỉ bắt gặp ở những người phụ nữ Việt Nam. Đỗ Lan Hương kể lại, chị đã mất hàng tháng trời làm việc cật lực tại chùa Bổ ở Bắc Ninh, ngôi chùa mà theo chị còn giữ lại nhiều nhất những nét kiến trúc xưa cũ. Dễ hiểu vì sao, những tấm ảnh của Đỗ Lan Hương lại được chọn để trưng bày vĩnh viễn tại Ngôi nhà nhiếp ảnh Á - Âu. Sàn diễn thời trang cũng là nơi người ta được khám phá những vẻ đẹp vừa truyền thống vừa hiện đại về chiếc yếm. Rất nhiều nhà tạo mẫu thời trang có tên tuổi hiện nay như La Hằng, Tiến Lợi, Thu Hằng... đã lấy đề tài chiếc yếm làm nguồn cảm hứng sáng tạo cho các trang phục của mình. Tiến Lợi được nhắc đến nhiều với bộ sưu tập thành công của anh mang tên: “Sắc màu quê ngoại”. Ở đó, người ta bắt gặp rất nhiều màu tím biếc, tím hồng... màu truyền thống của chiếc yếm cổ đang lung linh tỏa sáng. Anh tâm sự rằng, “Sắc màu quê ngoại”, với anh, nghĩa là màu của bà và của mẹ, màu của quê hương, của tuổi thơ với những gì trong sáng nhất. Thông điệp mà anh muốn gửi gắm sau một thời gian dài mày mò, sáng tạo và tham gia những khóa học thời trang ở một số nước trên thế giới, là: “Tại sao các nhà thiết kế Nhật Bản tìm được chỗ đứng trên thời trang quốc tế bằng chiếc Kimono mà các nhà thiết kế thời trang Việt Nam lại không tự khẳng định vị trí của mình từ chiếc yếm cổ truyền”. Bây giờ, trong làng diễn thời trang, thỉnh thoảng người ta vẫn còn nhắc lại câu chuyện của người mẫu Trần Bảo Ngọc. Đoạt giải Hoa hậu qua ảnh báo Thế giới phụ nữ năm 2000, Trần Bảo Ngọc đã nhận được một phần thưởng là một chuyến du lịch sang Italia. Trước khi đi, chị đã băn khoăn rất nhiều về việc lựa chọn trang phục để mặc tại nước bạn. Sau nhiều trăn trở, cuối cùng, chị đã xếp trong vali của mình những bộ trang phục cách tân từ chiếc yếm đào và váy vùng Kinh Bắc. Chị đã hồi hộp và lo lắng suốt chuyến đi vì sợ trang phục của mình rất có thể trở nên lạc lõng. Nhưng thật không ngờ, trong những buổi dạ tiệc, dạ hội, trang phục của Bảo Ngọc đã gây sự thích thú và ngưỡng mộ với bạn bè Italia. Họ đã hỏi chị rằng: “Vì sao chị chưa một lần đến Italia mà có thể chọn một trang phục đẹp và phù hợp đến thế?”. Bảo Ngọc trả lời: “Tôi không hề biết đến điều đó. Trang phục tôi mặc hoàn toàn là yếm, áo váy truyền thống của Việt Nam đã được cách tân”. Và ngày hôm sau, dạo bước trên những con đường của thủ đô Roma, Bảo Ngọc ngỡ ngàng nhận thấy ngợp trời là những màu tím biếc, tím hồng và những kiểu dáng rất giống chiếc yếm cổ truyền của Việt Nam. Trang phục truyền thống mà chị lựa chọn lại hoàn toàn phù hợp với trang phục châu Âu những năm 2000. Thì ra, chiếc yếm cổ xưa lại mang trong nó một vẻ đẹp hiện đại và sức hấp dẫn không chỉ vượt thời gian mà còn vượt không gian nước ta, ra nước ngoài. Cuộc hành trình vượt thời gian của chiếc yếm, chính là cuộc hành trình của cái đẹp giản dị luôn luôn tỏa sáng Đỗ Thanh Hương Nguồn: http://antgct.cand.com.vn Share this post Link to post Share on other sites
Posted 17 Tháng 7, 2008 Yếm thắm mỏng manh Bộ văn hoá thông tin Cô thôn nữ tóc vấn khăn, yếm cổ xây hoặc cổ viền với quần sồi, quần lĩnh mộc mạc là hình ảnh tiêu biểu cho lối ăn mặc xưa. Chiếc áo yếm của người phụ nữ Việt Nam xưa trông thật đơn giản nhưng thực ra có rất nhiều loại. Chiếc áo yếm đã có mặt trong đời sống từ thuở vua Hùng dựng nước xa xưa với chiếc cổ xây được khoét tròn và viền một cách tỉ mỉ. Chiếc cổ áo tưởng chừng như quá đơn giản này lại tôn thêm vẻ đẹp của chiếc cổ thiếu nữ ba ngấn. Ngoài ra còn yếm cổ xẻ, mới hơn là yếm cổ kiềng. Những dải yếm với màu sắc khác nhau từ hai mép yếm buộc choàng sau lưng, dải thừa buông xuống váy. Các cô gái thị thành thích mặc yếm trắng, yếm hồng, còn ở nông thôn mặc yếm nâu, hoa hiên, khi lễ hội là yếm đào, yếm đỏ... Thông thường, yếm mặc trong áo buông vạt, nên một phần yếm trước phô thấp thóang sau hai tà áo. Hình ảnh người phụ nữ thôn quê giữa ngày hè nóng bức mặc yếm không, để cả phần lưng và lườn hở từng đươc coi là đẹp: Đàn bà yếm thắm hở lườn mới xinh. Nhưng áo yếm không chỉ đơn giản là một thứ trang phục mà còn có những ý nghĩa và giá trị về tinh thần cũng như nghệ thuật. Lãng mạn trong các câu ca dao, chiếc yếm ấm áp tình người đã trở thành một hình ảnh đẹp, trong sáng của tình yêu: Trời mưa trời gió kìn kìn. Đắp đôi dải yếm nghìn chăn bông. Tình yêu có biết bao điều kỳ diệu. Chính vì vậy, người ta không thể mang những thực tế logic thường ngày để đánh giá nó. Chỉ một đôi "dải yếm" thôi cũng có thể sưởi ấm lòng người vượt qua sự giá lạnh đáng sợ của mùa đông: Thuyền anh mắc cạn lên đây. Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền. Tính phi thực tế của cách nói ngoa dụ trong ca dao mới tài tình, mới tuyệt diệu làm sao khi chàng trai mượn đôi dải yếm để kéo đò mắc cạn còn nàng thôn nữ lấy đôi dải yếm để bắc chiếc cầu qua con sông tình cảm cho người mình yêu: Ước gì sông rộng chừng gang. Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi. Sự ngăn sông cách núi trong cách nói và trong thơ ca cổ xưa chính là sự xa cách của những tâm hồn, những nỗi lòng mong nhớ. Nỗi niềm trong câu ca dao cũng giống như một ước nguyện khó có thể và nói đúng hơn là không thể nào thực hiện được. Dòng sông sao có thể "chừng gang" và "dải yếm" sao có thể trở thành cây cầu. Đó là lối nói thậm xưng quen thuộc trong dân gian. Dòng sông này cũng có thể là tồn tại trên thực tế nhưng có thể chính là dòng sông ngăn trở trong lòng của mỗi người. Câu ca dao này đã vượt qua khuôn khổ của lễ giáo phong kiến. Chiếc cầu dải yếm là một sự tượng hình ý nhị đầy ẩn ý. Nó cũng như là lời bày tỏ tình cảm của một cô gái ẩn chứa sự thẹn thùng trong mỏng manh của "cầu dải yếm". Nó vừa rất gần mà cũng rất xa. Bước qua cây cầu "dải yếm" là ngưỡng cửa của những tâm hồn, của những thể xác đang rạo rực, đang yêu. Ý nhị và trữ tình hơn khi cô gái muốn mượn dải yếm nơi mình, ấp ủ tình cảm trong sáng muốn gửi gắm tới chàng trai: Trầu em têm tối hôm qua. Buộc trong dải yếm mở ra mời chàng. Không chỉ gợi cho người ra một vẻ đẹp cao quý, trong sáng mà hình ảnh "áo yếm" còn là một cái gì đó hết sức thực tế và trần tục. Yếm dùng để che ngực bởi vậy xung quanh chiếc yếm này là những câu chuyện trữ tình. Theo quan niệm xưa những màu chói như màu đào, màu thắm chỉ các cô gái bạo dạn mới dám mặc, và khi đã mặc thì đến nhà tu hành cũng không thể nào tránh khỏi những đam mê trần tục: Ba cô đội gạo lên chùa Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư Sư về sư ốm tương tư Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu. Ý nghĩa biểu cảm của chiếc áo yếm cũng giống như cái duyên đằm thắm, mặn mà của người con gái. Với một mảnh vải vát nhọn ở phía dưới được vòng quanh cổ và ngang ngực bằng những dây buộc mảnh, kín đáo mà hết sức tự nhiên chân thực nó đã góp phần tạo ra một cái đẹp hoàn hảo, làm say lòng bao nhiêu quân tử. Hơn thế, chiếc áo yếm còn hàm chứa trong nó bao nhiêu tình, bao nhiêu ý: Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím Em có chồng rồi trả yếm cho anh Hoa cúc vàng nở ra hoa xúc xanh Yếm em em mặc, yếm chi anh đòi Lời đối đáp của những người có tình, rất thật, rất nhẹ nhàng, mà lại bông đùa. Hoa tình yêu giờ đã đổi màu, không vàng, không tím cũng giống như tình yêu đã không cập được đến bến bờ hạnh phúc. Vẫn là người con gái ấy, vẫn áo yếm duyên dáng chỉ khác rằng hoa cúc đã màu xanh và chiếc áo yếm như lời ước hẹn nay đã thành lỗi hẹn. Sự trách móc mang chút dỗi hờn chưa dứt giữa hai người. Dải yếm mỏng manh không thể níu người ở lại nhưng cũng đủ làm vương vấn một chút tình. Con người mang theo cuộc sống trong mình luôn luôn chuyển động nhưng sự độc đáo và đặc sắc của áo yếm dường như là một vẻ đẹp vĩnh hằng. Yếm có mặt từ thuở trong nôi tới khi có sự gặp gỡ Đông Tây, để từ đó người phụ nữ lựa chọn, nhập thân chiếc yếm cổ truyền vào chiếc nịt ngực hiện đại. Ngày nay, trong cuộc sống hàng ngày, người ta không còn mặc yếm nữa. Nhưng không phải vì thế mà giá trị nghệ thuật của nó bị mất đi. Ta có thể thấy những cô áo yếm với áo tứ thân, nón quai thao tại những ngày hội hoặc nghe hát chầu văn. Vẫn là nó, vẫn đơn giản mà cuốn hút kỳ lạ không gì thay thế được. Và cũng chính vì vậy mà nó vẫn tiếp tục là nguồn cảm hứng sáng tác không chỉ cho thơ ca hiện đại mà còn cho các nhà tạo mẫu. Những bộ trang phục cách tân dựa trên hồn của chiếc áo yếm luôn luôn đầy sự khám phá và sáng tạo. Ở một nơi nào đó rất xa, có lẽ chiếc áo yếm vẫn còn tồn tại ngay cả trong cuộc sống thường ngày. Nguồn: http://tieulun.hopto.org Share this post Link to post Share on other sites
Posted 17 Tháng 7, 2008 Lang thang trong miền yếm đẹp Bắt đầu vẽ về đề tài người con gái Việt trong trang phục cổ truyền từ năm 1999, sau một thời gian dài lặng lẽ sáng tác và bán tranh ra… nước ngoài, một ngày kia, Phạm Mai Châu bỗng nhận ra rằng, hàng nhái tranh của anh đang bị bày bán đầy ở các Gallery… Yếm xinh Tác phẩm Yếm đào bên sen trắng của Phạm Mai Châu. Thời xưa, yếm thường được gọi là áo giao lãnh, vốn là thường phục của người đàn bà đất Việt. Yếm đã đi vào những câu ca dao, tục ngữ, những câu thơ lãng mạn, những câu chuyện tình vương vấn với những mảnh yếm thắm lụa đào của một nàng gái đẹp… “Một thương tóc bỏ đuôi gà/ Hai thương ăn nói mặn mà có duyên/Ba thương má lúm đồng tiền/Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua/ Năm thương cổ yếm đeo bùa…” Người đẹp nằm nghiêng Những người đẹp nằm nghiêng, nửa thực nửa ảo, gợi nhớ đến một thiếu nữ ngủ ngày của thi sĩ Hồ Xuân Hương làm cho quân tử dùng dằng đi chẳng dứt. Những chiếc lưng trần, chỉ có một sợi dây yếm hững hờ như không có. Những bờ vai thon, nuột nà, những ngón tay đẹp như bước ra từ nhạc của Trịnh Công Sơn:“Từng ngón xuân nồng, bàn tay em năm ngón anh ru ngàn năm…” Hoa và thanh âm không lời Tác phẩm Hoa chuối Người và hoa, khó có thể nói vẻ đẹp nào hấp dẫn hơn. Dường như cả hai cần phải có nhau, để tăng thêm sức gợi cảm và qua tên những loài hoa gợi tâm trạng của những nàng trong tranh. Sen tàn, sen nở, sen búp, sen trễ nải như chính người đang suy ngẫm, sen rơi từng cánh vương vất hiện hữu bên người. Cầm đàn, mà không đánh đàn, nhưng dường như, ta vẫn thấy đâu đây thanh âm của từng phím đàn. Đàn tính, đàn tỳ bà, đàn đáy, đàn nguyệt… được những ngón tay thon nâng niu. Hai vẻ đẹp, một của sự hiện hữu, một của vô hình, nhưng tất cả, đang tràn đầy cảm xúc trong tranh của Phạm Mai Châu. Những vạt áo dài tinh khôi, sống động, căng đầy sức xuân đời tươi trẻ. Vẻ đẹp của người con gái xưa, nhưng nét đẹp lại rất hiện đại. Một mình giữa Đẹp Nụ thanh xuân e ấp đằng sau mỗi chiếc yếm dường như mong manh mà ẩn chứa cả vũ trụ bí ẩn, thúc giục sự sống cần được cảm nhận và khám phá trong cõi tạm này. Áo giao lãnh, yếm thắm, váy mùa non thô nhuộm bùn, chiếc áo choàng cũng nâu non, tạo nên một cõi sang trọng, hiện đại, đẹp đến ngẩn ngơ. Với phong cách siêu thực gợi người xem cảm nhận cái đẹp giữa ranh giới hư ảo, Phạm Mai Châu, họa sĩ lãng tử tâm sự: “Tôi muốn miêu tả vẻ đẹp xưa của người con gái Việt trong trang phục cổ truyền, âm thanh của kiến trúc xưa, hoa lá cỏ cây, ánh sáng và không gian mây trời. Cũng giống như tâm trạng con người, cũng thay đổi, biểu hiện vui buồn. Sự hài hòa giữa ánh sáng, âm thanh của thiên nhiên và vẻ đẹp của con người là đề tài của nhiều tác giả và mỗi người thể hiện nó với cảm nhận và sự tưởng tượng riêng của mình”. Lan Anh HOẠ SĨ PHẠM MAI CHÂU Sinh ngày 24-12-1953 1971: tốt nghiệp hệ bảy năm trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam 1989: tốt nghiệp Ontario College of Art, Toronto, Ontario, Canada, Chuyên ngành Mỹ thuật, Thiết kế nội thất, Công nghiệp và Đồ họa. Hiện đang công tác tại Khoa tạo dáng công nghiệp Viện Đại học Mở Hà Nội . Đã có triển lãm cá nhân và nhóm tại nhiều nơi: Hà Nội, TP.HCM, HongKong, Mỹ, Canada. Giải Nhì về tranh năm 1975 Giải Nhất về tượng năm 1977 ( Nguồn vtc.vn/ http://cuasotinhoc.vn) Share this post Link to post Share on other sites
Posted 17 Tháng 7, 2008 Chiếc yếm cổ truyền Yếm là trang phục cổ truyền, làm tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam và đi vào thơ ca, tục ngữ dân tộc một cách tự nhiên. Người Việt sống gắn với nền văn minh lúa nước, luôn mong muốn con đàn cháu đống để tăng sức lao động và điều đó đã chi phối quan niệm về vẻ đẹp. Người con gái được coi là đẹp phải có dáng lưng ong và biết tôn vinh cái lưng ong ấy bằng trang phục yếm - váy cổ truyền. Văn hóa mặc yếm cũng có từ đó. Yếm đi vào ca dao, dân ca... Vẻ đẹp của nó vẫn phát huy qua sự biến tấu của những mẫu áo người phụ nữ Việt Nam hiện đại. Các cô thôn nữ của làng quê truyền thống vùng châu thổ Bắc Bộ, không những khéo léo tinh tế trong nết ăn, nết ở, mà còn rất khéo léo tinh tế trong cách phục sức cho phần thân thể phía trên của mình là lưng và ngực. Cái đẹp chứa đầy nữ tính nhất, thuộc về thân người phía trên của phụ nữ Việt cổ, không hẳn là khuôn mặt tròn trịa trăng rằm, hay trái xoan, đôi mắt lá răm hay dao cau, cái miệng có đôi môi ăn trầu đỏ thắm, hay cổ ba ngấn kiêu sa, hoặc đôi vai xuôi tròn, mà chính là lưng được thắt đáy nhỏ nhắn, kiểu lưng ong. Và một người phụ nữ đã có lưng ong, ắt hẳn dáng người phải đẹp một cách ăn ý, đẹp trong toàn thể con người, dáng điệu và phẩm hạnh. "Những người thắt đáy lưng ong. Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con", ca dao từng khẳng định. Việc coi nét đẹp nhất là lưng ong này cũng dựa trên văn hóa của một dân tộc mà trong vài nghìn năm đã sống, tồn tại và phát triển với văn minh lúa nước cổ truyền. Do là "dân ruộng thứ thiệt", nên chú trọng nhất đến sự sinh sản thịnh vượng của mùa màng, lúa gạo, hoa trái và nhân lực làm ruộng, tự nhiên mà theo tín ngưỡng phồn thực. Chẳng gì hơn đối với dân ruộng là thóc lúa đầy bồ, rau cỏ hoa trái trĩu xanh tươi, "con đàn cháu đống", bốn mùa "mưa thuận gió hòa", cho trời yên biển lặng, "chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa". Từ đó, lẽ dĩ nhiên, người Việt cổ trọng thị một thứ kiểu dáng của thân hình người phụ nữ với mâm cao cỗ đầy, lưng ong thắt đáy, với quan niệm "những người có kiểu dáng như thế, sẽ làm vợ đảm, mẹ hiền, chồng con được nhờ phúc ấm". Ảnh: hinhtran Phụ nữ Việt xưa thường tự tay cắt may yếm bằng chất liệu tơ tằm, vốn là kết quả của nghề tằm tang truyền thống, ra đời rất sớm với nghề trồng lúa nước. Sau khi phát minh ra yếm, thật thuận tiện, không bị bó chặt như cái áo lót cầu kỳ ren rua kiểu cách của thời nay, họ nghĩ cách mặc thế nào cho đẹp và phù hợp với từng hoàn cảnh xã hội. Khi ở nhà, không phải chợ búa, cấy hái, họ thường mặc yếm trắng - váy đen buông chùng, hoàn toàn để hở lưng, hai cánh tay, đôi vai... Khi ra đường, đi "công chuyện", họ mặc thêm áo cánh, phủ ngoài là áo dài vừa phải, có thắt lưng tôn vinh lưng ong. Đi chơi hội, du xuân, thăm nom nhau, ngày vui, ngày Tết, họ mặc cầu kỳ hơn, với yếm nhiều màu sắc. Trong đó, các sắc độ của màu đỏ được sử dụng nhiều nhất: đỏ điều, hoa đào, râm bụt, xác pháo, đỏ tươi, đỏ cam... Áo cánh khoác ngoài thường được chọn màu chói chang đến nhức mắt, như vàng chanh, cam chín, vàng hườm, cùng với thắt lưng xanh bỏ giọt đung đưa theo bước đi tinh tế, uyển chuyển của thân người. Để có một bộ cánh hoàn hảo, người phụ nữ thường dùng thêm đồ trang sức vàng bạc đeo cổ, cổ tay, tai và đội nón quai thao, hoặc đội khăn mỏ quạ, bên trong là tóc vấn... Dân gian ca tụng yếm trắng: Yếm trắng mà vã hước hồ. Vã đi vã lại anh đồ yêu thương. Đàn bà dễ được chú ý khi mặc yếm thắm, biết phô ra: hở lườn mới xinh. Không phải ngẫu nhiên, Nguyễn Nhược Pháp viết bài thơ Chùa Hương, để nhấn mạnh vào cái đẹp thiếu nữ xuân thì của người con gái lên chùa: Em đeo dải yếm đào - Quần lĩnh áo the mới - Tay cầm nón quai thao... Nhà thơ chân quê Nguyễn Bính thì tỏ ý không bằng lòng khi em gái thôn nữ ra tỉnh may đồ mới, bỏ lại cái chân quê của yếm áo cổ truyền. Ông đã vặn vẹo đau khổ: Nào đâu chiếc yếm lụa đào. Chiếc khăn lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?... Còn nhà thơ Hoàng Cầm viết riêng cho yếm một huyền sử, mang tên "Hội yếm bay" trong tập "99 tình khúc Hoàng Cầm" (Nhà xuất bản Văn học 1996): Ngất núi ô kìa anh vỗ nhịp Bay cờ triệu yếm ríu ran ca Ngũ sắc chen nhau cầu lễ hội Nuột nà cởi bỏ áo hoa khôi... Yếm để lại một văn hóa trang phục giàu nữ tính và thấp thoáng trong biến tấu đa dạng của các mẫu mã áo lót, áo dài, áo đầm của những người đẹp Việt Nam hiện đại. Lược theo Thể Thao và Văn Hóa Nguồn: http://www.baodatviet.vn Share this post Link to post Share on other sites
Posted 17 Tháng 7, 2008 Nhân bài về cái yếm của phụ nữ Việt, tôi thấy vào thời xa xưa dân Việt đã sống rất văn minh. Thì cứ thử xem cái áo ngực phụ nữ ngày nay hình như cũng mới được phát minh cách đây vài trăm năm và còn hết sức thô thiển. Không biết trước đó người phương Tây xử lý làm sao cái vụ này nhỉ! Ngoài ra, cái tăm nghe đâu người phương Tây cũng mới biết dùng. Họ làm vệ sinh miệng thế nào sau bữa ăn khi cách đây không xa họ chưa biết dùng tăm và chưa có thuôc & bàn chải đánh răng, nhất là khi thực đơn của họ rất nhiều thịt. Cón ông bà ta từ thời Hùng Vương đã sỉa tăm, ăn trầu, mặc yếm đào, ... Thật là văn minh và lịch lãm so với thời bấy giờ. Thật nực cười khi các nhà " pha học" của ta được cộng đồng các nhà "pha học" thế giới hình dung người cởi trần, đóng khố, đi chân đất, mặc yếm đào, sỉa tăm, ăn trầu ...! Share this post Link to post Share on other sites
Posted 17 Tháng 7, 2008 về việc các nhà khoa học nhận định người Việt thời các vua Hùng đóng khố cởi trần có thể do suy luận từ hình vẽ trên trống đồng. Nhưng những hình vẽ đó, theo Rin86, đã mô tả cảnh người Việt trong các lễ hội và nghi lễ tế thần chứ không phải trang phục mặc thường ngày. Từ nên văn minh Ai Cập cho đến nam Mỹ đều có một kiểu trang phục na ná nhau trong các nghi lễ còn trang phục mặc thường ngày rất khác. Có lẽ những trang phục đó liên quan đến các huyệt đạo trong một môn võ công, yoga... hay để dễ dàng thông linh khi làm lễ (như hiến sinh chẳng hạn, về bản chất và công dụng có lẽ việc hiến sinh giống như thả chim phóng sinh là lợi dụng năng lượng của những linh hồn đó, nên mới có nhiều loại như hiến bò, dê, trâu... để làm mưa, thay đổi thời tiết, hiến người, đặc biệt là trinh nữ để tác động đến những việc lớn hơn, đó là mặt tối của nền văn minh cổ Atlantic đã bị tiêu diệt, theo cổ sử thì dân Atlantic là giống dân vô đạo nên bị thượng đế trừng phạt, dân tộc Lạc Việt có lẽ đã không có những nghi lễ dã man nên ko bị trừng phạt, vì trên trống đồng chỉ thấy có hiến tế bò thôi) Share this post Link to post Share on other sites
Posted 18 Tháng 7, 2008 Trong một chương trình trên Đài truyền hình gần đây, Phoenix được xem giới thiệu về một ngôi mộ cổ ở Trung Quốc khi khai quật còn tìm kiếm được các loại đồ dùng cách đây khoảng 2000 năm. Trong đó ngoài đồ gốm, sơn mài thì vải vóc và quần áo cũng còn khá nguyên vẹn. Gồm nhiều thứ: bao tay, tất, giầy, đặc biệt có những tấm áo khoác bằng tơ, tuy đơn giản nhưng chất liệu thì cực kỳ tuyệt vời. Phải nói các giai nhân giàu có hiện nay mà nghe thông tin bán đấu giá cũng phải cố mua cho bằng được. Hơn 2000 năm ở Trung Quốc đã có những đồ dùng sinh hoạt tuyệt vời như vậy thì không thể nói hai ngàn năm trước dân Việt nam "cởi trần đóng khố" với đời sống thô sơ hoang dại. Chưa nói là lịch sử Việt Nam có thể được chứng minh lâu đời hơn cả 5000 năm. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 18 Tháng 7, 2008 Đỗ Lan Hương: Tương truyền, chiếc yếm xuất hiện đầu tiên ở vùng Kinh Bắc, thuộc đất Bắc Ninh ngày nay. Mục đích ban đầu của nó là một tấm áo sinh ra để mặc lót, che cái phần gợi cảm nhất trên cơ thể người phụ nữ. Và như vậy, chiếc yếm có vai trò như chiếc “áo con” mà các cô gái vẫn mặc ngày nay. Đúng là một ý tưởng phi lý! Xem các phim chưởng của Tàu thi phụ nữ Tàu cũng mặc áo yếm khi cởi áo ngoài. Vậy thì làm sao mà áo yếm ở Kinh Bắc được. Chí ít áo yếm đã phổ biến ở Nam Dương tử từ lâu rồi. Nhưng vì bản chất áo yếm thuộc về văn hiến Việt, nên người Tàu không mặc và nó mai một theo thời gian. Chỉ nội cái áo yếm không cũng đủ minh chứng cho nền văn hiến Việt một thời huy hoàng ở Nam Dương Tử và người Hán khi bành trướng xuống phía Nam Dương Tử đã tiếp thu văn hóa Việt. Phụ chú: Nội dung bộ phim mà tôi coi nói về hai anh em giữ một tấm bản đồ bí mật. Người anh đã xăm bản đồ vào lưng em gái mình để lưu giữ. Khi người em gái cởi áo ngoài thì cô ta mặc chiếc yếm. Xem lâu rồi tôi không nhớ lắm. Thiên Sứ Share this post Link to post Share on other sites
Posted 19 Tháng 7, 2008 Cái yếm đào đẹp quá ! Có thể nói các trang phục truyền thống của phụ nữ VN lúc nào cũng đẹp. Tôi thì thú thật chưa từng một lần được ngắm cảnh lễ hội ở miền bắc (như hội Lim) để thấy cảnh các cô gái mặc yếm đào mà chỉ có thể tưởng tượng và hình dung được qua sự tiếc nuối ngẩn ngơ của Nguyễn Bính : Nào đâu cái yếm lụa sồi ? Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân ? Nào đâu cái áo tứ thân ? Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen ? Cái gì thuộc truyền thống thì cứ để nét hồn nhiên của truyền thống thì nó luôn luôn đẹp. Ngày nay, tôi thấy các dịch vụ hát quan họ phục vụ du khách trong các nhà hàng - khách sạn cũng có các cô mặc áo tứ thân, đeo yếm ... nhưng tôi chẳng thấy đẹp gì cả mà chỉ thấy nó giả tạo thế nào ấy, thay vì người ta phải tôn trọng truyền thống là phải đến xem hát ở các sân đình hay ở lễ hội, đằng này ngược lại là các cô phải chìu khách bằng cách đến hát (quan họ) tại các bàn nhậu, phòng khách sạn, ... Cùng với chiếc áo dài, tôi nghĩ rằng không nên đem các trang phục truyền thống của phụ nữ VN để quảng bá mang mục đích thương mại. Hãy để các nét đẹp văn hóa truyền thống tồn tại mãi với thời gian Share this post Link to post Share on other sites
Posted 19 Tháng 7, 2008 Ngày xưa các cụ đi hát cô đầu còn kém ven miêng hơn ở khách san bi vờ. Đào hát thì chỉ để hát cho nghe, còn đào rượu mới là để các cụ zdui zdẻ. Nhưng dù sao thì đấy cũng là cái thì buổi Tây Tàu lộn xộn. Còn bây giờ thì ý kiến của anh là xác đáng. Theo tôi, nếu tôi là điều hành Cty du lịch thì tôi sẽ gom hết tất cả các lễ hội trong nước - như hội Lim chẳng hạn - tài trợ cho ban tổ chức lễ hội và dẫn đoàn du lịch đến tận nơi. Tất nhiên là được ưu tiên đặt ghế ngồi xem rộng rãi và gần hơn, không phải chen chúc (Vì có tài trợ). Gọi là du lịch văn hóa -Tất nhiên khác với văn hóa du lịch và khác xa văn hóa ......chửi. Tất nhiên tiền tài trợ sẽ cấu vào khách. Ý tưởng của tôi là như vậy. Nếu thực hiện được thì những di sản văn hóa ở vùng đồng quê Việt có tài trợ sẽ dễ được phục hồi và du lịch cũng phát triển. Nhưng mong rằng ngành du lịch Việt Nam đừng có lôi hình ảnh tổ tiên chúng ta ở trần đóng khố ra giới thiệu nha. Nếu như vậy và tôi là khách ngoại quốc tôi sẽ chẳng đến đất nước này làm gì. Sang xem mấy bộ lạc ở Phi Châu hoặc Nam Mỹ thì xem ở trần đóng khố sinh động hơn nhiều. Thiên Sứ Share this post Link to post Share on other sites